


Niền anh niền chị
Võ sư Việt Võ Đạo(Vovinam)
Luận án KIM BA ĐỘC PHỦ THỦ(Vovinam)




TÂM HUỲNH, BÀN TAY THÉP… VỚI TRÁI TIM TỪ ÁI

Võ Sư Flame Williamson đại diện môn phái Thái Cục Đạo Hoa Kỳ Charlotte cấp bằng The Master Of The Year cho Võ Sư Huỳnh Trọng Tâm
Tam Huynh là một Dược Sĩ đặc trách IV, Narcotics và Compounding của dược phòng Neighborcare, Charlotte, NC từ năm 1998. Ông đã làm xúc động lòng người bằng chương trình: “bàn tay sắt và trái tim từ ái” của ông. Ông Tâm là Võ Sư thuộc môn phái võ học Vovinam (có nghĩa là môn võ của dân tộc Việtnam), Bác Sĩ Châm Cứu, thầy dạy nhạc và là người lãnh đạo cộng đồng.
Từ khi rời Việtnam hơn 30 năm qua, ông phục vụ cộng đồng trên nhiều lãnh vực khác nhau. Võ Sư Tâm huấn luyện trên 100 môn sinh trong mỗi lớp tự vệ. Ông châm cứu mỗi ngày cho các bệnh nhân khi họ cần đến. Hơn thế nữa…ông đã làm các việc trên một cách tự nguyện miễn phí. Bạn đồng nghiệp của ông: bà Karen Moore, người không mấy tin tưởng vào môn châm cứu, đã dẫn chứng: “Tôi biết ông Tâm châm cứu, và một ngày kia vô phương cứu chữa, tôi đã hỏi xem ông có thể châm cứu trị bệnh đau nhức bại liệt cho đôi chân của tôi không? Ông chăm chú nhìn đôi bàn chân của tôi và mỉm cười nói thử đến phòng Châm Cứu của ông xem sao? Sau 2 lần châm cứu tôi đã bớt đau và có thể đi lại được. Sau vài lần châm cứu nữa, tôi đã hoàn toàn bình phục và có thể đi lại như thường.”
Ông Tâm đã dạy học trò về những sinh hoat xã hội và đời sống bằng triết lý Vovinam: “Muốn giúp mình, trước hết phải giúp người.” Phương châm này cũng đã được thực hiện tại Neighborcare Pharmacy, nơi làm việc của ông. Ông được xem là người luôn có nụ cười trên môi, vui tươi, sống động và sẵn sàng chia xẻ cũng như giúp đỡ mọi người. Ông Tâm được công nhận là người gương mẫu của bạn đồng nghiệp cũng như cộng đồng nơi ông phục vụ.

Ông Bà Huỳnh Trọng Tâm nhận giải Fitness Award của Tiểu Ban North Carolina năm 1998

Các môn sinh của Võ Sư Huỳnh Trọng Tâm đang làm lể tuyên thệ nhập môn

Bác sĩ Huỳnh Trọng Tâm làm việc tại Bệnh Viện Chợ Rẫy Sài Gòn, Vietnam

Dược sĩ Huỳnh Trọng Tâm Saigon, Vietnam

Bác sĩ Tâm tại khoa tai nạn đầu sọ, Bệnh Viện Chợ Rẫy – Saigon, Vietnam

BS Huỳnh Trọng Tâm và DS Nguyễn T. Ái Liên, Trưởng Khối Học Thuật Viện Y học Dân Tộc
Bác sĩ Tâm và Bác sĩ Nguyễn Việt Nam – Giám Đốc Bệnh Viện Chợ Rẫy – Saigon, Vietnam

Với Bác sĩ Hùng tại Viện Y Học Dân Tộc Sài Gòn
Saigon, Vietnam

DS Huỳnh Trọng Tâm và các BS giải phẩu BV Chợ Rẫy
Ông Huỳnh Trọng Tâm và các Thượng Nghị Sĩ
Ông Huỳnh Trọng Tâm và Thống Đốc tiểu ban North Carolina Pat.Mccrory
Ông Huỳnh Trọng Tâm và Tướng Phụ Trách An Ninh North và South Carolina (Major General Gerald A. Rudisill, Jr.)
Thầy Tâm làm trọng tài trong cuộc thi đấu võ vô địch
Nghệ sĩ Tâm và Ban Nhạc Tre Xanh
Monique Andrews
Trưởng phòng quản trị Nhân Viên
Dược phòng NeighborCare Charlote, NC
(Bài dịch từ tạp chí Y Khoa OFF THE CLOCK)
CẢM TƯỞNG VỀ PHÒNG CHÂM CỨU TRE XANH – LINH MỤC PHÊRÔ VŨ TIẾN ĐẠT
“Thầy là một quái kiệt đấy nhá!”. Tôi thành thực bộc phát lời trên với vị thầy thuốc đa tài. Tôi đã ở đây ba ngày để chữa bệnh. Vì được ở ngay tại nhà của thầy, tôi có cơ hội chiêm ngưỡng những sinh hoạt rất đều đặn mỗi ngày tại phòng châm cứu đặc biệt này. Từ 7 giờ sáng các bệnh nhân đã tuôn vào phòng đợi từ khắp các nơi: Virginia, Florida, Louissiana, Texas, Wisconsin, California,v.v…Ngày thường khoảng gần 100, cuối tuần luôn trên 100.
Tôi từng nghe tiếng “thần y” của thầy từ mấy năm rồi, mãi đến nay mới có cơ hội đến để cầu thầy chữa bệnh. Thầy chữa xuất sắc trong những thứ bệnh khó trị như sau:
a) Các thứ bệnh ngoài da như vẩy nến, giời ăn, các thứ sẩn đỏ ghẻ ngứa, từ các thứ mụn loang lổ trông như cùi hủi, cho đến bệnh rụng tóc sói da đầu…thầy là sát tinh của chúng.
b) Các bệnh nhân bị tai biến mạch máu não khiến trở nên bại liệt, nếu không bị quá lâu, thầy đều chữa cho gân co thắt được mềm ra, các cơ bắp được cứng cáp hơn. Dù chỉ ở đấy có vài ngày, tôi đã thấy những bệnh nhân tiến bộ trông thấy.
c) Các bệnh dị ứng (allergy) với phấn hoa cỏ, gây hắt hơi sổ mũi…thầy chỉ châm một lần là khỏi. Thầy còn chữa các bệnh dị ứng khác như bị ngứa do ăn đồ biển, trứng, sữa, đậu phụng…
d) Các bệnh nhân bị “sút lưng” hay “cụp lưng” thần kinh tọa vì lao động quá sức, các đốt xương kẹp dây thần kinh…
Thầy chữa hầu như đủ mọi thứ bịnh, từ những bịnh như tiểu đường, cao máu, cao mỡ, phong thấp, phù thủng, cho đến những bệnh như bệnh trĩ, hôi miệng, cận thị, và trặc chân, v.v…
Phải công nhận là thầy chữa rất mát tay, mau lành lắm, nhiều người được khỏi bệnh nên cứ đồn nhau, người này giới thiệu cho người kia tìm đến xin chữa trị.
Có người nói: “Ong ấy đang gặp vận may như diều gặp gió”, nhưng phần tôi, tôi nghĩ rằng thầy giỏi y thuật cũng dễ hiểu. Từ những kiến thức gia truyền vì ông cụ thân sinh ra thầy chuyên nấu cao hổ cốt, cao nhung nai làm thuốc, để lại cho thầy những phương thuốc rất hay. Thầy lại thông minh học giỏi, là học sinh suất sắc trường các sư huynh Lasan Tabert. Lên bậc đại học thầy là sĩ quan Quân y của thời Cộng Hòa, dầy kinh nghiệm chữa trị cho các thương binh trong thời chiến tranh. Qua đến Hoa Kỳ, thầy còn theo đuổi và tốt nghiệp về Dược khoa. Cho đến giờ hằng tuần thầy vẫn còn đi học vào mỗi tối thứ Ba và đến phòng thí nghiệm để làm việc về thuốc. Cho nên thầy thấu triệt khoa Y Học Tây phương với phương pháp khảo cứu và giải thích minh bạch và chắc chắn. Thêm vào đó thầy trao dồi sâu xa thêm về Đông y trong khoa châm cứu và thoa bóp. Thầy tốt nghiệp bác sĩ châm cứu từ Viện Y Học Dân Tộc ở Sài Gòn. Trước 75 thầy từng theo học ở đại học khoa học Sàigòn. Trong khi phục vụ tại bệnh viện quân y thầy ghi danh học hàm thụ Cử Nhân Văn Chương VN và Luật Khoa. Ngoài ra thầy còn là một võ sư cao đẳng hồng đai của môn phái Vovinam. Như thế có thể nói thầy đều tinh thông Đông y, Tây y, Dược thảo và huyệt đạo nên phương cách chữa trị thực phong phú.
Vì thế không phải là “hên”, mà là “tinh hoa phát tiết sương thịnh cùng cực”. Tôi nghĩ rằng bây giờ là lúc thầy phát triển tột bực khả năng chữa trị của mình, chính là lúc hội tụ đủ hết các yếu tố bên trong cũng như bên ngoài, tự nhiên lẫn siêu nhiên. Cũng như một bông hoa vào đúng dịp đương xuân xinh đẹp tuyệt vời. Hoặc như người con gái đến thời trổ mã, toả sáng đến “chim sa cá lặn”. Thầy đang được gia đình an hoà, làng xã tôn trọng, bạn bè quí mến, gặp những năm có dược liệu tốt, vào lúc tinh thần vui vẻ và sảng khoái, kinh nghiệm sung mãn nhất, nên khi chẩn bệnh, trị bệnh đã đến chỗ sáng suốt cùng cực…Và nhất là dường như thầy đang được ơn Trời chúc phúc. Nhiều lúc chính thầy còn kinh ngạc trước sự kiến hiệu mau chóng bởi việc chữa lành của mình. Và nhiều khi chính thầy cũng không tin nổi, sự lành bệnh xẩy ra gần giống như những phép lạ vậy.
Vì thầy chữa quá hay, số bệnh nhân từ khắp nơi nghe tin hay tuôn về thật nhiều. Trước đây, nghe nói mỗi ngày có đến mấy trăm bệnh nhân, giải quyết không kịp, khiến thầy phải kiệt sức, vừa vì quá đông việc đậu xe không còn trật tự, gây ồn ào phiền nhiễu sự yên tĩnh của thôn xóm. Thầy đã thử dùng một biện pháp để giãm bớt số bệnh nhân tuôn đến. Biện pháp đó là chỉ nhận chữa những bệnh nhân có hẹn, và việc lấy hẹn cũng chỉ giới hạn vào ba buổi tối: thứ Ba, thứ Tư và thứ Năm mỗi tuần, từ 9 giờ tối đến 11 giờ tối. Phương pháp hạn chế đã tỏ ta hữu hiệu tức khắc. Việc giới hạn lấy hẹn đó đem đến hậu quả: Các bệnh nhân sẽ tìm đến các thầy thuốc khác để chữa những bệnh dễ chữa, khỏi mất công lấy hẹn cầu kỳ rắc rối. Và những bệnh nặng mang tính cấp cứu, cũng đành phải tìm nhờ đến thầy thuốc khác, vì nếu đợi đến khi được hẹn của Thầy thì bệnh nhân chết mất rồi. Vì thế số các bệnh nhân còn lại toàn là những bệnh nan y lâu dài và khó chữa. Tuy việc lấy hẹn chỉ giới hạn có mấy tiếng đồng hồ trong 3 đêm, cũng đem lại đủ số bênh nhân cho Thầy chữa trị suốt tuần mỗi ngày trên dưới một trăm.
Thầy lại rất vui tính và giỏi văn nghệ. Trong phòng châm cứu chỉ có ba giường. Mỗi đợt chữa là 3 người. Sau khi châm kim cho cả ba. Thầy gắn điện cho chạy vào các huyệt quan trọng, để đồng hồ canh giờ. Trong khi chờ đợi, thầy xem lại hồ sơ bệnh lý, chuẩn bị dược thảo cho bệnh nhân. Đôi khi nhận thấy bệnh nhân chờ đợi quá lâu và mệt mỏi, thầy bước lại máy vi âm, bắt đầu kể chuyện tiếu lâm cho các bệnh nhân đang được chữa trị cũng như các bệnh nhân ngồi ngoài phòng đợi cùng nghe. Thầy coi các bệnh nhân như người nhà mình nên cứ hồn nhiên kể hết chuyện này đến chuyện kia, khiến bệnh nhân được dịp cười rũ rượi , cười thoải mái. Nhưng khi thầy kể chuyện buồn, các chi tiết cũng như lời lẽ quá buồn đi, làm cho ai cũng thấy nghẹn ngào, và nhiều người rơi lệ. Phải công nhận thầy nói chuyện rất có duyên. Nếu thầy đóng kịch chắc là xuất sắc lắm, phải là minh tinh, vì nói chuyện thường mà còn làm cho người ta cười theo, khóc theo nữa là. Một ngạc nhiên thú vị là chính thầy có soạn kịch, mà khi thầy diễn thấy xuất thần làm cho bệnh nhân không biết đó là chuyện người khác hay là chuyện của chính thầy.
Thay vì kể chuyện, đôi lúc thầy lại đọc thơ. Thầy có rất nhiều bài thơ hay, và có tài làm thơ rất nhanh, thơ của thầy là thể loại thơ Đường Luật, nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh, có thể giống như Tào Thực trong truyện Tam Quốc, mỗi bước xong một câu thơ, thầy có bút hiệu là Mây Ngàn. Thầy còn giỏi về âm nhạc. Thầy sáng tác nhiều nhạc đời và nhạc đạo, đa số là nhạc buồn. Bệnh nhân vô phòng châm cứu có thể nhìn thấy dễ dàng: không những có những cuốn tự điển y học, những hình vẽ tây y về các bộ phận trong cơ thể con người, những hình đồ của đông y về các huyệt đạo, còn thấy rất nhiều các bằng khen và các giải thưởng, và nhất là có treo nhiều loại nhạc khí. Những nhạc cụ này không phải để treo cho đẹp mà do các bệnh nhân tặng thực sự góp phần vào việc giải trí, làm thoải mái tinh thần vị thầy thuốc và các bệnh nhân sau nhiều giờ chữa bệnh nhọc mệt.
Các bệnh nhân ngồi đầy ở phòng khách. Các đôi con mắt đều nhìn về phía cửa của Phòng Châm Cứu. Cứ cửa mở ra là có mấy bệnh nhân bứơc ra, và mấy bệnh nhân khác bước vào. Chẳng mấy chốc đến phiên mình. Bỗng nhiên cửa mở ra, vị thầy thuốc trong y phục trắng xuất hiện, trong tay cầm một chiếc harmonica. Thầy mở lời: “Xin thổi tặng bà con một bài hát quen thuộc”. Thế là tiếng nhạc réo rắt dồn dập và điêu luyện một bài nhạc tiền chiến hay cổ điển nào đó. Tiếng vỗ tay vang dội để hoan nghênh. Bài nhạc chấm dứt, lại một tràng vỗ tay khác vang dội kèm theo bao nhiêu nụ cười nở trên khuôn mặt của các bệnh nhân trong phòng đợi. Đút chiếc harmonica vào túi phải, thầy rút từ trong túi bên trái một cây sáo trúc. Thế là trước sự ngỡ ngàng đầy thú vị của các bệnh nhân tiếng sáo thiên thai lại vọng lên réo rắt, nức nở, thiết tha. Trong lúc người nghe còn đang ngẩn ngơ vì tiếng sáo ru hồn thì bỗng có tiếng ngâm của ai cất lên ngọt ngào hoà nhịp với tiếng sáo. Một thiếu phụ nhỏ nhắn duyên dáng xuất hiện, dung mạo thật tươi với tiếng ngâm thơ tao đàn già dặn truyền cảm với chất giọng thật phong phú thỉnh thoảng vút lên làm ngơ ngẩn người nghe. Đây là y sĩ phu nhân, cũng là một người tài, đã từng đoạt giải Phụ Nữ Vô Địch của thành phố. Đây là một phụ nữ Việt Nam mang trong mình anh hùng tính của Bà Trưng Bà Triệu., đa tài, hát hay, nấu ăn giỏi, làm việc siêng năng, cử chỉ cương quyết mau lẹ, bà còn là một võ sư Chuẩn Hồng đai Việt Võ Đạo. Hai ông bà thật xứng đôi, cùng hoà hợp nhau trong công việc nhịp nhàng như đôi thư hùng uyên ương song kiếm hợp bích trong những việc phục vụ dân chúng trong thành phố suốt mười mấy năm nay. Cứ thầy bào chế thuốc thì cô đi chuẩn bị các giường nằm cho bệnh nhân, dọn dẹp phòng ốc. Đến giờ mở cửa phòng mạch, thầy khám bịnh cô xướng danh bệnh nhân, thầy châm kim cô rút kim, thầy thổi sáo cô ngâm thơ, thầy đệm đàn cô hát trình diễn, thầy chuần bị thuốc men cô chuẩn bị bữa ăn. Mỗi tối thứ Sáu thầy cô cùng ra võ đường dậy võ vì cả hai đều là võ sư Hồng đai. Thầy đẳng cấp cao hơn nên là Võ sư trưởng Võ đường Tre Xanh. Đến một nửa thanh niên trong thành phố là môn sinh của thầy cô.
Đến chữa bệnh tại phòng châm cứu của thầy rồi, ai cũng khen thầy đa tài, nào bác sĩ, dược sĩ , thi sĩ, nhạc sĩ, võ sĩ , chưa hết đâu, cả hai thầy cô còn là hiệp sĩ. Hiệp sĩ đây là tinh thần hào hiệp bác ái. Vào phòng khách bệnh nhân có thể nhìn thấy các hình ảnh và các thư cám ơn từ các nơi dân nghèo, những làng quê vùng sâu vùng xa, trại cùi, viện cô nhi, các buổi chữa bịnh phát thuốc miễn phí và phát chẩn uỷ lạo cho các nạn nhân thiên tai,v.v…Ngoài các thứ “sĩ” kể trên, thầy còn ao ước trở nên một thứ “sĩ” cuối cùng vào cuối đời mình, đó là được làm thầy Phó Tế Công Giáo. Tôi khuyên thầy nên tiếp xúc với giáo quyền để ghi danh sớm đi, vì nhiều địa phận có ra giới hạn về số tuổi. Nếu trở thành “Phó tế Công Giáo” là một Thánh chức có ghi trong Kinh Thánh và nhiều vị nổi tiếng trong sử sách như trường hợp Phó tế Stêphanô Thánh Tử Đạo Tiên Khởi, hay Thánh Phó Tế Epphrem thần học gia và tiến sĩ giáo hội, thầy sẽ trở nên người chữa bệnh tâm linh, không chỉ lo cứu sống người ta về phần xác mà còn lo cho người ta có “sự sống vĩnh cửu”. Được biết Cô cũng ủng hộ hết mình việc thầy trở nên “Phó Tế vĩnh viễn”. Nếu một ngày nào đó thầy được toại nguyện ước mộng làm “giáo sĩ” thì xin thầy đừng bỏ công việc châm cứu để cho các bệnh nhân không bị thiệt thòi, vẫn cứ hãy là bác sĩ, dược sĩ, y sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ , võ sĩ và hiệp sĩ của mọi người. Cho đến ngày thầy thật là gìa, râu thật là dài, tóc thật là bạc, tuổi thật là cao, thầy sẽ giơ tay chào từ giã mọi người để trở thành “tử sĩ”./.
Lm Phêrô Vũ Tiến Đạt
June 11, 2008
Đan Viện Thiên Phước.
Nghe Nhạc Huỳnh Trọng Tâm nhớ Kontum !!
ĐHKT Trang Y Hạ
Mùa thu ở vùng đông bắc California nầy chẳng giống mùa thu ở cái xứ Miền Trung Việt Nam quê tôi, cũng không giống mùa thu mà các ông thi nhân mặc khách hay các văn nhân miêu tả trong sách, dù nơi đây mùa thu lững thững về (và mới đi qua) có mang theo lá vàng rơi, có gió heo may… Vậy mà lý do tại sao cứ như là lọt thỏm vào trong một không gian lạ hoắc, lạ huơ…? Mà nào có xa lạ gì đâu chứ? Cũng con đường đó, cũng cái tiệm cà phê “starbucks” quen thuộc đó, đã bao nhiêu năm nay vẫn đi lại mòn gót chân đời… Trời bắt đầu mưa…! Sao lại nhớ KonTum da diết đến vậy không biết nữa!
Cầm ly cà phê đứng lên đi về nhà để nghe nhạc mắt không quên liếc qua cô gái da đen ngồi cùng bàn khá xinh khoe bộ ngực “vĩ đại”! (trời lạnh thế nầy sao không chịu mặc cái áo “măng tô” vào… đẹp gì lúc trời đang vào đông mà còn khoe hàng hóa kia chứ?). Làm cho người ta… phát khùng!
Thơ tả về mùa thu mấy nghìn năm nay bàng dân thiên hạ viết đã lắm…! Nhưng nhạc viết về mùa thu xem ra – coi bộ… hơi ít – ít còn hơn không. Ừ quên, thuở xưa có bài “Giọt mưa thu” của Nhạc sĩ Đặng Thế Phong. Nhưng nghe hoài cũng cảm thấy… “già” thêm! Hình như… có lẽ… Nhạc sĩ Đặng Thế Phong viết duy nhất cho một mùa thu Hà Nội? Thôi thì, hôm nay nghe mùa thu do nhạc sĩ KonTum, Huỳnh Trọng Tâm viết: ” Em và mùa thu“! Lời nhạc – em và mùa thu như lời một bài thơ – lời thơ ngỡ như bình dị nhưng thật ra cũng biết… làm duyên, e ấp, trau chuốt…! Người con gái còn cả gan ví mình như “mùa thu” mới thật là dạn dĩ, thực tế và rất lãng mạn!
“Em buồn như lá rụng
mùa thu buốt niềm đau…”
nhưng tôi thích mấy câu…
“Em hồn đi vạn dặm
Trời tím hắt hiu buồn…”
em đi có xa đâu nà! Em chỉ đi có ba bước. Em đi từ mùa đông, em đi qua mùa xuân, em viếng thăm mùa hạ. Để rồi:
“Em nhạt màu son phấn
Nửa đời trốn tìm nhau…”
Mấy câu trên làm tôi bồi hồi nhớ câu ca dao mà mẹ tôi hay hát ru em tôi ngủ và… chắc cũng nhiều lần mẹ tôi hát ru tôi:
“Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người thương”
Trời… ăn có “nửa” trái sim và uống “lưng” bát nước…! Đã nói lên biết bao sự hy sinh cao cả cho tình yêu. Phải chăng người xưa cũng : ” Nửa đời trốn tìm nhau” chăng? Nếu đúng như thế thì “xưa và nay bắt tay nhau đề huề” là đúng lắm! KonTum, núi rừng Cao Nguyên chỉ có hai mùa – mưa và nắng. Nhưng không phải không có mùa thu – mùa thu ẩn trong mây-mưa-mù… ẩn trong lòng người.
Tản mạn một chút về mùa thu trong bản nhạc – lời nhạc như lời thơ của nhạc sĩ Huỳnh Trọng Tâm, đã nghe lòng thanh thản đôi chút để tiếp tục uống cà phê. Không phải uống cà phê “starbucks” nữa! Giờ thì uống “Giọt cà phê” do nhạc sĩ Huỳnh Trọng Tâm mời! Cà phê nầy chính hiệu cà phê KonTum đó! Uống vô để nghe:
“… Tàn đêm phố vắng quán tịch liêu…”!
Tôi nhớ vào khoảng tháng nắng năm 2006. Tôi “đột xuất” vọt lên KonTum. Đến Chư-Pao trong lòng tôi hồi hộp chi lạ. Ba mươi mấy năm rồi còn chi…, mần răng mà không nhớ cái năm: “Một tấc khăn tang một tấc đường” của Thi Sĩ Lâm Hảo Dũng. Tôi chăm băm nhìn bên tay mặt để xem có còn vết tích trại “B-15” đâu không? Nhưng không thấy, hoặc xe chạy nhanh quá không kịp nhận ra! Xe chầm chậm qua cầu Dakbla. Tôi hoảng hồn! Trời ơi! Nước chảy đi đâu hết mà chỉ thấy toàn những cát là cát như vầy nè? Dòng sông chính giữa chỉ còn là con suối nhỏ, thật nhỏ – nước cũng chẳng buồn trôi! Qua khỏi cầu tôi thấy hai chữ “Bạch Đằng” bên bờ kè. Tôi thì thầm… “chẳng lẽ dòng sông Dakbla đã đổi tên?”. Người phụ nữ ngồi bên nói: “Chắc ông đi lâu mới về chứ ở việt nam bây chừ từ bắc vô nam chỗ nào có nước là có – Bạch Đằng!”. Đêm đó tôi ngồi, tôi đi…, vừa uống rượu – vừa uống cà phê lẫn lộn cũng như lòng tôi đang lẫn lộn với những tên đường, những cảnh cũ và mới… ! Một vài người bạn năm xưa còn sót giờ đã da mồi tóc trắng như mây chiều trắng soi xuống dòng sông – mặt sông, nước nhăn nheo chờ lũ về ” nức nở“…!
“Mỗi giọt cà phê mỗi giọt sầu
nhẹ nhàng nâng cốc hỏi trời cao
bạn hữu ngày xưa từng đối ẩm
trôi giạt bạn ơi đã về đâu?…”
Hỏi để dặn lại lòng mình đừng có quên chứ thật ra đi đâu về đâu đều biết rất rõ. Mà tại sao phải ra đi? Nhớ lắm, trở về nhưng không ở được rồi lại ra đi. Sự giằng xé triền miên đau đớn đến nát lòng – vết thương vừa lành miệng lại nứt ra bởi vô tình hay cố ý đều làm tổn thương – rơi nước mắt! KonTum ngoài núi rừng cao ngất ra – dòng sông Dakbla là một chứng nhân, một kỳ quan sừng sững trong lòng mỗi người dân KonTum. Đi lên KonTum phải qua cầu Dakbla – qua cầu dù không xuống sông tắm – thì cũng kể như đã tắm rửa hết bụi đường và mệt nhọc khi qua cầu nhìn xuống dòng nước xanh trong. Khi trở ra cho một chuyến viễn hành – ngắn hay dài! Khi qua cầu, cứ cho là – “tắm gội ” cho thanh thản thoải mái lúc ra đi và gửi lại những luyến tiếc buồn vui bên dòng sông… và, hứa một ngày nào đó sẽ trở về. Nghe bản nhạc: ” Sông Dakbla Chiều Mưa” của Huỳnh Trong Tâm. Lời nhạc làm cho tôi phải suy nghĩ:
” Chiều ấy lòng em cũng chợt bơ vơ như cánh chim bay qua thành phố…“
Dù có sinh ra tại KonTum đi chăng nữa – cũng là những con chim bay qua thành phố mà thôi! Mấy trăm năm trước những người khai sáng KonTum cũng là những cánh chim bơ vơ tụ về làm nên cái phố núi nép mình bên dòng sông chảy ngược như lòng người mẹ ôm con để bảo vệ không cho những con dã thú hung dữ uy hiếp.
“Mưa trên dòng sông Dakbla nức nở”.
Theo địa lý và khí hậu ở Việt Nam. Việt Nam có hai nơi lượng mưa nhiều nhất nước: Đó là Thừa Thiên và bắc KonTum. Không biết phải do mưa quá nhiều, mưa dai dẳng lạnh lùng hay không mà người xưa đặt tên là “Thừa Thiên”, tạm hiểu – “dư trời”! Còn ở vùng KonTum thì các dòng sông không dư trời mà “nức nở” tràn bờ như lời nhạc của nhạc sĩ Huỳnh Trọng Tâm viết, thì phải hiểu thêm một nghĩa khác mới thấy thấm thía cái mưa, cái lạnh cứa da. Thêm cái gió núi, cái sương mù âm u đặc quánh suốt tuần, suốt tháng làm mềm lòng người lữ thứ lang bạc kỳ hồ như lời nhạc. Ngày xưa những người lính mỗi khi nhận lệnh đổi lên Pleiku là xem như bị “đi đày”! Lên Pleiku và ở đó – coi như là “có phước”lớn! Chưa lên KonTum với những địa danh: Dakto, Tân cảnh, Phụng Hoàng, Trung Đoàn 42, Toumorong, Man đen, Dakpet, Ben hét, Charlie…Thì chưa kể “Phong trần”… Cũng có những cánh chim bay ngang thành phố để rồi mỏi cánh!
“KonTum đi dễ khó về.
Trai đi có vợ, gái về có con”!
Cuối cùng thì… “đi đâu loanh quanh…” cũng nặng lòng với ” Cao Nguyên và nổi nhớ” nhạc của Huỳnh Trọng Tâm. Trong bài nầy có câu:
“Ôi, một dòng sông một chiếc cầu…”.
Làm cho tôi chạnh nhớ nỗi thăng trầm “Chiếc cầu trên sông Drina” bên Châu Âu. Có nàng Fata – người thiếu nữ đáng thương bị người cha ép duyên phải nhảy xuống sông tự tử trong lúc rước dâu ngang qua cây cầu định mệnh ấy! Cây cầu và dòng sông Dakbla cũng vậy. Chúng nhân qua từng giai đoạn của lịch sử và chiến tranh. Kẻ ở người đi – kẻ còn người mất…
“Hoàn cảnh trớ trêu đành phải chịu
Mang đời viễn xứ lệ đầy vơi”
Cảm ơn nhạc sĩ Huỳnh Trọng Tâm viết ra những giòng nhạc đầy cảm hoài và cũng cảm ơn những thi văn sĩ viết về KonTum với tấm lòng thương nhớ và trân trọng! Dù có sinh ra nơi đó hay chỉ là thoáng qua một vài tháng, một vài ngày, hay một vài giờ… Chắc chắn ít nhiều cũng có mang theo trong tâm hồn hình ảnh – đìu hiu lặng thầm… nhưng quyến rủ của phố núi đã đi vào lịch sử, đi vào lòng người qua mấy trăm năm và… mãi mãi!
Trang Y Hạ
-Chữ nghiêng lớn là lời của nhạc sĩ Huỳnh Trọng Tâm Mượn lời nhạc giải chút nhớ KonTum, có gì sơ sót trong ngôn từ xin Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tâm bỏ qua cho.
Nhạc phẩm KONTUM NGÀY VỀ Sáng Tác ĐHKT Huỳnh Trọng Tâm
Đường trần vương dạ miên man
Phố cũ mình ta bước ngỡ ngàng
Bướm vàng e ấp xòe đôi cánh
Người xưa tái ngộ thật hân hoan…

nguồn “duocthaotrxanh.com”
