

VUA TIẾNG VỊT VÀ TIẾN SĨ VỊT
Trích đoạn trang phê tê bốc của Lão Nông:

Chu Mộng Nong

Vua tiếng Vịt Phân Bắc
“Vua tiếng Việt” lại yêu cầu người chơi trình bày hoàn thiện ý tứ của câu:
“Chơi trăng từ thuở trăng tròn
Chơi hoa từ thuở hoa còn trên cây”.
Và Xuân Bắc đã giới thiệu một người, chỉ có thể duy nhất để giải thích hoàn thiện câu này – đó là tiến sĩ ngôn ngữ học Đoàn Hương.


Đây là lời của bà tiến sĩ ngôn ngữ học “duy nhất” và “có thể”:
– Phải nói các cụ, nếu đứng về cả hai cái sự thưởng thức và ăn chơi rất có văn hoá và rất tinh tế chứ chơi hoa không thể nông nổi chỉ có mang hoa về chơi rồi khi tàn lại vứt nó đi một cách rất là tàn nhẫn. Bởi vì bản thân hoa nó không đơn giản, hoa chính là biểu tượng của sự sống, cái đẹp nhất, tinh tuý nhất của trời đất đọng lại trong thiên nhiên – đó chính là hoa xin đừng tàn sát!”
(Hết trích)
May mà chỉ có lời, qua trang của Lão Nông, chứ nếu mà tôi trực tiếp xem chương trình này, nhìn miệng bà Đoàn nhả ra lời trên, tôi phải bỏ ăn.
Muốn hiểu về ca dao, tục ngữ, thành ngữ, tôi khác Hoàng Tuấn Công, không phải tra sách từ Hán đến Nôm. Đành rằng sách tốt sẽ ghi nhận đúng từ cuộc sống dân gian (hiển nhiên sách dỏm sẽ áp đặt sai). Có nghĩa là cái gốc vẫn là cách sử dụng từ trong đời sống. Quan điểm của tôi, sản phẩm của dân gian thì nên học từ gốc dân gian, nói theo F. Saussure, cha đẻ ngôn ngữ học hiện đại: “người bản ngữ luôn đúng”, chứ không phải tra cứu từ sách vở hay tin vào giáo sư hay tiến sĩ nào!
Câu trên mà tán thưởng các cụ, rằng “cả hai cái sự thưởng thức và ăn chơi rất có văn hoá và rất tinh tế” thì có thể tạm chấp nhận được, trong giới hạn đó là hệ văn hóa nam quyền. Chủ thể là đàn ông, chẳng phải thưởng thức mà ở đây là “chơi”. Đàn ông, hiển nhiên, bởi không đàn bà nào dùng câu này. Cái gọi là “văn hóa và rất tinh tế” của các cụ (ông) nằm ở chỗ: không “chơi” khi cái đẹp đã lụn tàn, như chơi trăng đã khuyết, như chơi hoa đã tàn, rụng. Theo trải nghiệm của các cụ, cực lạc là “chơi” cái đẹp từ thuở nó đang còn sung mãn. Nhưng tôi cải chính, rằng đó là sự khôn ranh, ích kỉ, nhã ngữ là “kén gái” của bọn đàn ông hơn là sự “tinh tế”.
Tinh tế thì phải như cụ Nguyễn Trãi: “Cầm đuốc chơi đêm bởi tiếc xuân”!
Chỉ là khen trăng tròn để chê trăng khuyết, khen hoa nở để chê hoa tàn chứ không có nghĩa nào là “bẻ hoa”, “vứt bỏ hoa” hay “tàn sát hoa” cả. Bà Đoàn, chỉ vì để bảo vệ cho cái gọi là “có văn hóa và rất tinh tế” của các cụ, đã bình bằng một thứ ngôn ngữ chặt chém hơn cả đồ tể!
Đúng là Vua tiếng Vịt và Tiến sĩ Vịt!
Trăng – hoa ở đây là cái gì vậy? Chỉ là cái đẹp của tự nhiên ư? Nếu thế thì chẳng phải ca dao hay tục ngữ nữa. Ngôn ngữ học truyền thống hay “tu từ học” gọi là ẩn dụ, dùng “trăng – hoa” để nói chuyện quan hệ trai gái. Phân tâm học cắt nghĩa về mặt tâm lý, là sự dịch chuyển thú hoan lạc – do cái tục bị cấm – chuyện dục tính được thay thế hay ngụy trang thành chuyện trăng hoa. Chuyện “trăng hoa” thay cho chuyện dục tính vẫn thường được dùng như một biểu tượng trong lời ăn tiếng nói dân gian và cả trong văn chương bác học. Đàn ông xem đàn bà con gái như là đối tượng của lạc thú thì thường được gọi là thói “trêu hoa ghẹo nguyệt”.
Trong câu trên, cả trăng và hoa đều dùng cho con gái. Chơi trăng, chơi hoa ở đây, nếu gỡ bỏ cấm kỵ và lớp vỏ ngụy trang thì đúng nghĩa là chơi gái. Các cụ dùng từ “chơi” (thay và chuyển nghĩa từ tục, như “chịch”, “xoạc” mà bọn trẻ thời nay đang dùng) chứ không phải “ngắm”, “thưởng”. Con gái tuổi thập tam (mười ba) đến tuổi trăng tròn là tuổi đẹp nhất, đến lúc vượt quá trăng tròn thì thành khuyết đi, gọi là quá lứa lỡ thì. Cũng như hoa, khi chớm nở đến tròn đầy là viên mãn cả sắc lẫn hương. Tàn rụng là rữa nát cả một đời hoa – đời người con gái. Lẽ tự nhiên, không liên quan gì đến ai “bẻ hoa”, “vứt hoa” hay “tàn sát hoa” cả!
Quay lại cái “khôn ranh”, “ích kỉ” hay “kén gái” của các cụ. Bản tính ấy là do dục tính đàn ông cộng với định kiến, kỳ thị phụ nữ. Ngày xưa phụ nữ lỡ thì hay nạ dòng, các cụ đều miệt thị, chê bai. Chê gái lỡ thì: “Trai lỡ thì như trái chín cây/Trái chín cây người ta làm mứt/Gái lỡ thì như cứt trôi sông/Cứt trôi sông không ai thèm ngó”, “Hoa tàn nhị rữa thì thôi/ Bây giờ ai kẻ còn lời tóc tơ”. Đến gái nạ dòng cũng chê: “Trai tơ lấy gái nạ dòng/Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu”. “Trăng tròn”, “hoa còn trên cây” còn mang nghĩa là gái tơ, gái trinh tiết, tức chưa bị tàn rữa do lỡ thì hay do ong chích. Các cụ chỉ thích gái tơ, gái trinh tiết cơ! Cho nên Kiều mới mặc cảm thân tàn nhụy rữa sau cuộc “chơi” thô bạo của họ Mã: “Tiếc thay một đóa trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về”.
Tôi dám chắc câu trên các cụ chỉ dùng để khuyên bọn đàn ông chơi gái, cái thú trăng hoa được đảm bảo bằng văn hóa nam quyền. Chính thứ văn hóa này đã biến con gái thành công cụ hưởng lạc. Đó là lý do trong dân gian, ở chiều hướng phản kháng, đã tạo ra một giá trị khác, giá trị nữ quyền: “Hoa thơm bán một đồng mười/ Hoa tàn nhụy rữa giá đôi lạng vàng”. Nguyễn Du dùng sự đối kháng này để nói về đức hạnh của Kiều sau kiếp đoạn trường: “Hoa tàn mà lại thêm tươi/ Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”!
Chưa làm Dân nói tiếng Việt mà đòi làm Vua tiếng Việt. Chưa học tiếng mẹ đẻ và văn hóa Việt mà đòi làm Tiến sĩ Việt ngữ học, văn hóa học. Đúng là sự hợm hĩnh chỉ có ở trí thức thời nay!
Chu Mộng Nong
——
Tôi vừa đọc Hoàng Tuấn Công. Hoàng Tuấn Công cũng chỉ hiểu có một nửa mập mờ, thậm chí lẫn lộn chủ thể và đối tượng chơi. Bởi các cụ xưa càng già càng rành đời và càng khảnh “chơi” gái chứ không phải lúc trẻ trung láu táu “Trai tơ lấy phải nạ dòng”. Hơn nữa biểu tượng “trăng hoa” không dùng cho đàn ông hay con người chung chung mà chỉ dành cho con gái: https://www.facebook.com/TuancongThuphong/videos/1103560164366525/