

Netflix
‘A Tourist’s Guide to Love’ – chuyện tình cô gái Mỹ trên đất Việt
Phim “A Tourist’s Guide to Love” kể chuyện tình cô gái Mỹ du lịch xuyên Việt, rung động với chàng hướng dẫn viên du lịch bản xứ.
Tác phẩm là dự án quốc tế đầu tiên quay tại Việt Nam sau khi kết thúc giãn cách cuối năm 2021. Câu chuyện bắt đầu tại Los Angeles, nhân vật chính Amanda – một chuyên viên du lịch (Rachael Leigh Cook đóng) – đột ngột chia tay bạn trai. Cô được sếp cử đến Việt Nam dưới vỏ bọc du khách để thăm dò một công ty tổ chức tour tại địa phương. Trong chuyến đi, cô làm quen Sinh – hướng dẫn viên du lịch người Việt (Scott Ly).
Với lời đề nghị của Sinh, họ quyết định thay đổi lịch trình, tìm hiểu nhiều vùng đất mới. Khi tình cảm cả hai dần nảy sinh, người yêu cũ của Amanda bất ngờ xuất hiện, khiến cô buộc lựa chọn một trong hai.

Qua 106 phút, chuyện tình cặp nhân vật chính được phát triển theo chuyến đi khám phá Nam – Trung – Bắc của nhóm du khách. Amanda vốn thích mọi thứ diễn ra theo kế hoạch định sẵn, nhưng khi đến Việt Nam, cô chấp nhận nghe theo sự sắp xếp của Sinh – một chàng trai ưa mạo hiểm. Nhờ Sinh, chuyến du lịch của Amanda trở thành cuộc phiêu lưu. Anh hướng dẫn cô cách trả giá để tránh mua hớ tại chợ Bến Thành, hay bày Amanda mẹo qua đường ở TP HCM: “Luôn tiến về phía trước, đừng lùi lại”.
Chuyện tình dần nảy nở khi cả hai có dịp khám phá những ngóc ngách trong tâm hồn. Amanda nhận ra bản thân sẵn sàng đón nhận những thứ mới lạ hơn cô nghĩ, qua cách nhân vật ghi lại nhật ký hành trình: “Mọi thứ ở chuyến đi này đều nằm ngoài dự tính của mình”. Cô đồng cảm hơn với Sinh – một thanh niên gốc Việt về nước lập nghiệp để gắn bó với cội nguồn. Ngày Tết cổ truyền, khi thấy Amanda lần đầu diện áo dài Việt, cũng là lúc Sinh rung động với cô.
Sau một nửa thời lượng, phim dần đuối vì thiếu cao trào. Đạo diễn khắc họa chuyện tình cặp nhân vật chính theo môtíp “hành trình chữa lành”, tuy nhiên những tình tiết lãng mạn chủ yếu được thể hiện qua lời nói, thay vì hành động. Khâu kịch bản mỏng cũng khiến nhiều người xem thấy chuyện tình Amanda – Sinh diễn tiến vội vàng. Khán giả Nguyễn Trâm Anh cho biết: “Câu chuyện của cả hai chưa được khai thác kỹ lưỡng, thiếu chemistry (sự hòa hợp), do đó cách họ yêu nhau chỉ sau vài ngày đồng hành bị thiếu thuyết phục”.

Trên một số diễn đàn điện ảnh, phim bị chỉ ra mắc nhiều lỗi logic. Ở phân cảnh ngày Tết tại Hà Giang, nhiều nhân vật được phát hiện mặc áo cộc tay dù thời tiết lạnh. Trong phân đoạn cuối phim, cảnh nữ chính chạy đi tìm nam chính ở Hà Nội cũng thiếu chuẩn xác về khoảng cách địa lý.
Biên kịch Eirene Trần Donohue thừa nhận phim mắc một số lỗi về tình tiết, cho biết êkíp muốn quay phim theo hành trình du lịch nhưng không đủ thời gian để đảm bảo đúng theo bối cảnh, thời tiết. Là người gốc Việt, Eirene dùng vốn hiểu biết về văn hóa truyền thống quê hương để viết nên kịch bản phim. Cô lấy cảm hứng từ câu chuyện của gia đình và bản thân. Mẹ cô là người Việt, gặp và yêu bố Eirene ở TP HCM, còn cô kết hôn với người chồng hiện tại sau khi tình cờ quen nhau ở Hà Nội.

Điểm cộng của phim là phần hình ảnh, nhiều bối cảnh trong nước hiện lên mượt mà, giàu màu sắc. Vẻ đẹp các danh lam thắng cảnh được khắc họa xen kẽ các phân đoạn về tập quán văn hóa. Nhóm nhân vật khám phá cuộc sống náo nhiệt ở TP HCM với khu chợ Bến Thành, trải nghiệm cảm giác thả hoa đăng trên sông Hoài, Hội An, học gói bánh chưng, chuẩn bị bữa cơm ngày Tết tại Hà Giang, hay xem múa rối nước ở Hà Nội.
Lê Thiện: ‘Tôi được chăm từng cúc áo khi đóng phim Hollywood’
Nghệ sĩ Lê Thiện ấn tượng với sự chu đáo của êkíp quốc tế, có thêm trải nghiệm làm nghề ở tuổi 77 qua phim “A Tourist’s Guide to Love”.
Sau một tuần ra mắt, A Tourist’s Guide to Love – phim Hollywood quay ở Việt Nam – vào top 10 tác phẩm nổi bật trên Netflix toàn cầu. Lê Thiện – nghệ sĩ gạo cội màn ảnh Việt – góp mặt trong dự án với vai bà nội của nam chính, tính cách nhân hậu, hiếu khách.
Lê Thiện cho biết lời khen của đồng nghiệp, khán giả những ngày qua khiến bà vui đến mất ngủ. Bà nói: “Ở tuổi 77, tôi hạnh phúc khi tham gia dự án phim quốc tế. Niềm vui ở đây không phải là tạo danh tiếng cá nhân mà có cơ hội để học hỏi cách làm phim, giới thiệu văn hóa, con người Việt Nam, nhất là đưa hình ảnh người phụ nữ đến với thế giới”.

Khi nhận lời mời từ nhà sản xuất, bà bất ngờ xen lẫn hào hứng. Lúc biết bối cảnh chính quay tại vùng núi phía Bắc, diễn viên lo sức khỏe không đảm bảo nên từ chối. Tuy nhiên, khi cảm nhận đoàn phim mong có bà ở dự án, Lê Thiện đồng ý.
Advertisement
Sự chuyên nghiệp, chu đáo của êkíp Hollywood trong 10 ngày làm việc tại Hà Giang khiến Lê Thiện ấn tượng. Diễn viên nhận xét êkíp nghiêm túc, ở hậu trường không khí vui vẻ nhưng lúc bấm máy, tuyệt đối không ai gây ồn.
Những ngày đầu, đoàn phải di chuyển qua nhiều cung đường ngoằn ngoèo, cạnh bà luôn có nhiều người theo sát để đảm bảo an toàn. Nghệ sĩ được tổ trang phục chăm sóc từng chi tiết về diện mạo. Lê Thiện nhớ mãi khoảnh khắc stylist đứng cài từng cúc áo, rồi cúi người giúp bà thử giày. Êkíp còn chuẩn bị thêm một đôi dép để bà thay, đi lại cho thoải mái trong lúc nghỉ ngơi.
Lê Thiện cho biết chuyện bất đồng ngôn ngữ không phải là trở ngại bởi các bộ phận vẫn kết nối ăn ý qua ánh mắt, cử chỉ. Một lần, sau khi kết thúc phân cảnh phải quay nhiều lần, nữ chính Rachel Leigh Cook tiến đến xin lỗi vì khiến bà phải chờ đợi. “Tôi xúc động vì thấy sự tôn trọng dành cho diễn viên lớn tuổi”, Lê Thiện nói.

Điều Lê Thiện tự hào là văn hóa Việt Nam được tôn vinh trên nhiều thước phim – điều ít thấy từ trước đến nay. Nghệ sĩ cho biết hôm định trang, bà dẫn đoàn ra chợ Bến Thành chọn vải, may trang phục. “Êkíp không áp đặt suy nghĩ mà tin tưởng vào gợi ý của tôi. Chẳng hạn, khi chọn áo bà ba, người phụ trách hỏi tôi nên chọn màu sắc, kiểu dáng miền nào thì phù hợp. Tôi tư vấn, còn quyền quyết định ở họ”, diễn viên nói.
Bà được đạo diễn Steven Tsuchida khen sáng tạo trong diễn xuất. Ở cảnh chào đón cháu nội về nhà, Lê Thiện dùng tay kéo tai Scott Ly như bao người bà Việt Nam hay làm, thể hiện sự âu yếm. Hành động nằm ngoài kịch bản nhưng được đạo diễn nhận xét dễ thương, tạo cảm xúc nên quyết định đưa vào phim.
Lê Thiện vui vì chỉ gắn kết ít ngày nhưng mọi thứ đều thân thuộc, ai gặp cũng gọi nghệ sĩ bằng hai tiếng “bà nội”. Trong phim, bà tương tác nhiều với diễn viên Scott Ly. Lê Thiện kể có lần Scott Ly biết bà đau lưng nên đến tận phòng, đưa lọ thuốc xoa bóp, hướng dẫn cách dùng. Hôm chia tay, diễn viên tặng anh chiếc khăn rằn làm quà kỷ niệm.
Diễn viên nhớ buổi tối cuối trước khi rời đoàn, bà được tặng hoa. Đạo diễn nói cảm ơn, khen vai diễn của bà là “linh hồn của phim”, khiến Lê Thiện nghẹn ngào. Đáp lại tình cảm, nghệ sĩ hát một đoạn của ca khúc Người ơi, người ở đừng về (dân ca quan họ Bắc Ninh).
Bà nói không ngại khổ vì còn sung sức, tâm huyết với nghề. Hai năm trước, diễn viên gặp tai nạn, tưởng chừng phải dừng sự nghiệp. Tuy nhiên, Lê Thiện sớm hồi phục, tiếp tục quay lại phim trường. Khi quay A Tourist’s Guide to Love, bà phải ngồi xe di chuyển suốt nhiều giờ đường đèo nhưng vẫn không thấy mệt.
Lê Thiện sinh năm 1945 tại Bình Định, gia đình làm nghề bán đậu phụ. Năm bà 11 tuổi, đoàn văn công Nam bộ đi diễn ở Hoài Nhơn, Bình Định, được tuyển vào Đoàn Tổng cục Chính trị, học khóa đào tạo diễn viên chung các nghệ sĩ Minh Châu, Thanh Vy, Hà Quang Văn, từ đó dấn thân vào nghề diễn.
Đầu thập niên 1980, bà nổi tiếng với vai Thần phi Nguyễn Thị Anh trong vở Rạng ngọc Côn Sơn của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Hơn 10 năm nay, Lê Thiện dần chuyển sang đóng phim với vai người bà, người mẹ. Nhờ nét phúc hậu, nghệ sĩ được khán giả gọi là “bà nội xì tin”, “bà ngoại quốc dân”. Trước khi nghỉ hưu, bà từng giữ chức Phó giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang (TP HCM).

‘A Tourist’s Guide to Love’ vào top 10 phim ăn khách
“A Tourist’s Guide to Love” – phim Hollywood quay ở Việt Nam – xếp thứ ba Netflix toàn cầu.

‘A Tourist’s Guide to Love’ – chuyện tình cô gái Mỹ trên đất Việt
Phim “A Tourist’s Guide to Love” kể chuyện tình cô gái Mỹ du lịch xuyên Việt, rung động với chàng hướng dẫn viên du lịch bản xứ. 35
Tân Cao