
Biểu tình phản đối cải cách hưu trí tại Pháp : Một nhãn quan khác



Luật cải cách hưu trí đã được ban hành. Tại những nơi tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới « tiếp xúc với dân » trong những ngày qua, đều có những cuộc tụ tập khua xoong nồi phản đối. Báo Les Echos ngày 20/04/2023 có bài bình luận « Phải chăng khủng hoảng dân chủ ? Không, đó là khủng hoảng của những suy nghĩ ích kỷ » của kinh tế gia Pascal Perri.
Kế hoạch cải cách hưu trí của tổng thống Pháp Emmanuel Macron nâng tuổi về hưu từ 62 lên 64 đã làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình phản đối, trong nhiều tháng qua. Các phương tiện truyền thông đều « đồng ca » : đa số dân Pháp bất bình, phản đối kế hoạch cải tổ này. Giới công đoàn, phe đối lập (cánh tả, cực tả, cực hữu) dồn dập cảnh báo « khủng hoảng chế độ », « khủng hoảng dân chủ »… Tuy nhiên, báo kinh tế Les Echos, một trong những tờ báo lớn, có uy tín của Pháp, vẫn đăng những ý kiến « trái chiều ».
Làm thế nào để hiểu được nỗi bực bội gia tăng trong một bộ phận phong trào xã hội ? Nếu chỉ vì tính cách cá nhân tổng thống Macron, bị coi là cao ngạo, quá tự tin, ít đồng cảm thì cũng không đủ để giải thích sự oán giận của một phần dân Pháp. Theo kinh tế gia Perri, người Pháp không nhớ lâu. « Chúng ta đã quên mất cái cảm giác ghét bỏ tất cả các nhà lãnh đạo sau vài năm họ cầm quyền. Chỉ có tổng thống Jacques Chirac đã thoát được sự ồn ào và nỗi tức giận trong trí nhớ chớp nhoáng của công luận ».
Tổng thống François Hollande bị chỉ trích mạnh đến nỗi ông không ra tái tranh cử. Sự năng động của tổng thống Nicolas Sarkozy vào lúc cuối nhiệm kỳ đã làm cho các người bạn của ông khó chịu. Tóm lại, dân Pháp không hài lòng với bất kỳ điều gì nữa. « Họ tin rằng tiến bộ xã hội là thường trực và tiệm tiến. Họ đã phần nào quên rằng cùng với thời gian, nguồn tài trợ cho tiến bộ xã hội tùy thuộc vào nhiều yếu tố như dân số, tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động. Có một sự huyễn hoặc trong cuộc tranh luận hiện nay trên toàn quốc, theo đó, tiến bộ xã hội là vô cùng tận và không bao giờ cạn kiệt ».
Và đó chính là mảnh đất mầu mỡ cho những phát biểu mị dân : mức lương tối thiểu 2000 euro, nghỉ hưu ở tuổi 60, tuần lễ làm việc 32 giờ. Tất cả những biện pháp này đều gợi lên những âm hưởng dễ chịu nhưng không biết đến thế giới thực tại.
Sử gia Pierre Rosanvallon lục lại tư tưởng Montesquieu, trách cứ ông Emmanuel Macron không hiểu rõ tinh thần luật pháp. Tức là, sự lãnh đạo của tổng thống Macron dường như là hợp pháp, nhưng không phù hợp với tinh thần cần được đề cao là hòa thuận xã hội, nhất là khi tiến hành một cải cách xã hội quan trọng. Có lẽ, kế hoạch cải cách tăng lương 20% chắc chắn sẽ có được sự ủng hộ của công luận hơn là một chương trình cải cách kéo dài, cho dù chỉ là khiêm tốn, thời gian làm việc.
Sử gia Pierre Rosanvallon nhắc đến tinh thần luật pháp. Vậy, để đáp lại, liệu có thể nhắc đến tư tưởng cộng hòa hay không ? Có nghĩa là tinh thần đoàn kết và có trách nhiệm. Kinh tế gia Perri cho rằng cũng có lúc người dân nhầm lẫn và có khi cần phải thực hiện một chương trình cải cách không được lòng dân để bảo vệ tương lai của những người mà tiếng nói của họ chưa được nghe thấy. Và cũng có lúc tính ích kỷ đe dọa nền tảng xã hội. Các lao động trong khu vực tư nhân không thật sự hưởng ứng những ngày biểu tình phản đối quy định tuổi về hưu là 64 cũng như những lời kêu gọi đình công.
Phong trào đình công này bao gồm chủ yếu những người có quy chế làm việc trong lĩnh vực công, thậm chí đó là những người được hưởng một sự đối xử ưu đãi, gắn liền với truyền thống lịch sử lâu đời và đáng tôn trọng. Những người lao động mà chúng ta nghe nhìn thấy nhiều trên các kênh truyền thông, họ đến từ các cơ quan hành chính hoặc dịch vụ công cộng. Vấn đề không phải là điểm mặt chỉ tên mà chỉ đơn giản nhắc lại một thực tế rằng họ là những người đầu tiên được hưởng chế độ nghỉ hưu theo kiểu Pháp.
Kết thúc bài bình luận, kinh tế Perri không ngần ngại đặt câu hỏi phải chăng những người phản đối là « những đứa trẻ được nuông chiều ».
Ý tưởng làm việc thêm hai năm (kể từ năm 2030) không phải là một ý tưởng dễ chịu gì trong một đất nước đã sáng tạo ra một xã hội có thời gian tự do nhàn rỗi, như cựu bộ trưởng Lao Động thuộc đảng Xã Hội, bà Martine Aubry, đã từng kêu gọi. Thế nhưng, thời gian tự do nhàn rỗi lại cần có tiền để tồn tại. Và do vậy, cần làm việc và ngày càng phải làm việc nhiều hơn. Thời gian tự do nhàn rỗi vuốt ve, đề cao tính ích kỷ, xóa đi ý thức tập thể, thúc đẩy người ta co cụm lại, chỉ biết đến bản thân.
Xã hội của thời gian tự do nhàn rỗi là mẹ đẻ tự nhiên của « cái tôi, vị kỷ ». Sử gia Rosanvallon cho rằng nước Pháp đang trải qua một cuộc khủng hoảng dân chủ nghiêm trọng nhất kể từ năm 1962. Kinh tế gia Perri hỏi lại : Thế nếu ông Rosanvallon nhận định nhầm thì sao… và « phải chăng đây là cuộc khủng hoảng của những trẻ được nuông chiều mà Nhà nước đã bảo vệ bất chấp lợi ích của con cháu chúng ta ? »

