
Cảm nhận bất công và căm tức

Lê Học Lãnh Vân

1-
Ngay sau khi được tin bốn cô tiếp viên mang hàng cấm đặc biệt là ma túy từ Paris về Việt Nam, tôi đã nghe xót xa nghĩ tới việc xét xử và phán quyết các cô. Nhìn hình các cô ngồi quanh bàn viết tờ khai, dù biết điều đó trật nguyên tắc lấy cung, tôi chỉ chú ý khía cạnh các cô còn trẻ, trẻ hơn các con tôi!
Đọc các bài trên mạng, thấy nhiều bài mỉa mai, thậm chí hả hê khi các cô bị bắt, tôi muốn viết một tút xin đừng tiếp tục mỉa mải, hả hê nữa. Có tội thì các cô sẽ chịu điều tra, ra tòa rồi chịu phán xử. Tội này rất nặng, hình phạt nghiêm khắc, nên tôi thầm mong các cô rơi vào trường hợp giảm khinh như không biết vật mình mang gì, như thành khẩn và cộng tác khai báo.
Và cũng mong mọi người để yên cho giới chuyên môn và trách nhiệm làm việc. Đừng ai gieo thêm căm hận xuống những mái đầu trẻ tuổi lầm lỡ đang chờ đợi hình phạt. Những người trẻ tuổi nếu chẳng may vướng tù tội thì cũng rất đáng tội nghiệp: các em lớn lên trong môi trường mà nhìn đâu cũng thấy tham lam, gian trá, không gian khá đậm đặc tính ác và bất lương…
2-
Trong sự ngỡ ngàng, nghe tin các cô được tạm tha. Tại ngoại hay được tạm tha trong khi chờ điều tra thêm, tin tức không được rõ ràng…
Cho dù tại ngoại hay tạm tha chờ điều tra thêm, thì việc này cũng gây sự bất mãn. Bất mãn lớn.
Ma túy là mặt hàng quốc cấm, lại là quốc cấm bị pháp luật cấm rất triệt để với hình phạt tử hình, thí dụ hình phạt tử hình cho người mang trên 200 gram heroin. Bị bắt quả tang mang hàng quốc cấm như vậy có thể được tạm tha không? Người nào có thẩm quyền ra lệnh tạm tha? Lệnh tạm tha có hợp pháp không?
Sau khi các cô được tuyên bố tha, giờ đây các trang mạng, trang phây lại bùng lên câu hỏi về luật pháp Việt Nam, về cách hiểu luật của các chuyên gia tư pháp Việt Nam, về tính bình đẳng trước pháp luật tại Việt Nam, về cách tổ chức điều tra và xét xử của ngành tư pháp Việt Nam…
Đã từng có những câu hỏi chưa được trả lời. Giới có trách nhiệm không ít lần cho cảm nhận họ không cần trả lời thắc mắc của đám đông. Lần này tôi rất mong có câu trả lời minh bạch, thỏa đáng, khả tín. Như một quy luật, sự thắc mắc của công chúng là nguồn gốc khiến công chúng nghi ngờ, giận dữ, có thể dẫn tới các đỗ gãy vượt ra ngoài kiểm soát…
3-
Trong khi đó các lời lẽ mang tính căm thù đợt mới đã được tung ra. Lần này, dù vẫn giữ quan điểm mấy ngày trước, tôi không còn dám viết tút xiển dương lòng nhân ái, kiềm chế lòng thù hận nữa. Bởi vì người viết biết rằng tút ấy giờ đây rất không hợp thời!
Không sợ nghèo, không sợ khổ, chỉ sợ bất công. Câu dạy của người xưa từng được đọc nhều lần giờ đây hiện rõ và ngăn cản người viết. Không phải vì sợ phản ứng của anh chị đọc tút, chỉ sợ gặp tác dụng ngược. Bài viết kêu gọi lòng nhân ái lúc này có thể kích thích lòng giận dữ hay thậm chí căm thù, là loại tình cảm người viết rất mong ngày càng nhạt đi trong cộng đồng!
Các hiền nhân kim cổ sợ nhất sự bất công bởi vì bất công khơi dậy, thúc đẩy căm tức rồi căm thù. Người ta có thể chia gian khó, chia sống chết trên đường hướng về mục tiêu chung cho cộng đồng. Tuy nhiên, khi cảm nhận sự bất công ngự trị, lý thuyết quản trị xã hội chỉ rằng người ta căm tức kẻ được cho là tạo bất công, căm giận cả những người được hưởng lợi từ bất công. Sự căm tức có thể khiến người ta cướp của giết người, phá hoại cộng đồng. Họ sẵn sàng bỏ từ bỏ cộng đồng, rời quốc gia sang định cư một quốc gia khác vì cho rằng cộng đồng được điều khiển bởi những người cai trị luôn tìm cách bóc lột, tước đoạt công sức, quyền lợi của họ đem phục vụ cho một thiểu số rất nhỏ! Ở tầm vóc quốc gia, cảm giác về sự bất công nếu vượt quá ngưỡng có thể khiến dân trong nước căm giận quốc gia, không giúp quốc gia chống lại kẻ xâm lăng, thậm chí còn có thể mong muốn quốc gia bị tấn công để loại bỏ giới trách nhiệm đang tạo bất công xã hội!
Do hậu quả lớn như vậy, người có trách nhiệm mà không công bằng, hay khiến đám đông cảm nhận sự không công bằng, người có trách nhiệm đó đang phạm tội, hay ít ra, phạm lỗi.
KẾT LUẬN
Bài viết này luôn mong mỏi một sự chuyển mình tiệm tiến của quốc gia để hướng về phát triển giàu mạnh. Rất mong xã hội ngày càng củng cố thêm các giá trị quý giá của một xã hội văn minh bao gồm bình đẳng, nhân ái, yên hòa, bao dung… Nếu một sự việc có thể gây cảm nhận không bình đẳng, không công bình về luật pháp mà không được xử lý trong tinh thần bình đẳng trước pháp luật, công minh, tôn trọng công chúng, e rằng xã hội ngày càng chia rẽ giữa hai nhóm người, chỉ có tác dụng đẩy quốc gia về phía ngày càng lạc hậu hơn hay loạn lạc…
Ngày 22 tháng 3 năm 2023
Công bằng nào?

Thái Hạo

Thử đặt ra một tình huống giả định thế này. Tôi đang ngồi đợi để lên máy bay, trên băng ghế có thêm một người phụ nữ đang bồng con nhỏ, người này bay cùng chuyến với tôi. Đứa bé trên tay chị ta liên tục quấy khóc, nhìn sắc diện và phản ứng thì như đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Người mẹ đó nhờ tôi giữ hộ chiếc va li rồi vội vã đi mua thuốc cho con. 10 phút trôi qua vẫn chưa thấy chị ta trở lại, lúc ấy trên bảng điện tử đã hiển thị tín hiệu lên máy bay, tôi đành phải đứng lên, nhưng không biết giải quyết chiếc va li thế nào. Nghĩ, chị ta đi cùng chuyến mình, thôi cứ kéo va li này vào đứng xếp hàng, hi vọng chị ta trở lại kịp; bằng không thì giao nó cho nhân viên soát vé.
Đúng lúc tôi đang xếp hàng thì an ninh ập tới, bắt giữ tôi. Khám xét va li của người phụ nữ kia, người ta tìm thấy 10kg ma túy trong đó. Tôi nói đó không phải va li của tôi, nhưng không ai tin cả. Thế là tôi bị kết án tử hình vì tội “vận chuyển ma túy”. OK, cứ cho là khi tôi không thể chứng minh được mình vô tội, tôi phải chịu hình phạt.
Nhưng, giả sử, trong quá trình điều tra, tôi chợt nhớ ra rằng, lúc người phụ nữ kia nhờ tôi giữ hộ va li thì cũng là khi tôi đang quay video ghi lại quang cảnh ở sảnh chờ. Trong video đó có tiếng (âm thanh) cuộc trao đổi của tôi và chị ta. Tôi cung cấp bằng chứng ấy cho cơ quan điều tra. Lúc này tôi còn có tội không? Nếu video đó là bằng chứng chứng minh hiển nhiên rằng tôi không phải chủ nhân của va li và số ma túy kia nhưng lại vẫn phải ngồi tù thì thật khó hiểu về cái gọi là pháp luật!
Thấy nhiều người dẫn luật ra và nói: không cần biết, miễn là anh xách ma túy thì nghiễm nhiên có tội. Và nếu đó không phải ma túy của anh thì chỉ là tội nhẹ hơn mà thôi, vì “phạm tội quả tang”. Tôi thấy quá vô lý. Nếu luật đúng là như thế thì cần phải sửa lại luật.
4 cô tiếp viên xách ma túy, nếu họ chứng minh được một cách thuyết phục rằng họ bị lừa thì phải thừa nhận họ vô tội chứ? Còn “tội” làm sai quy định của hải quan về việc xách hộ đồ thì là chuyện khác, sẽ bị xử theo quy định riêng, ở đây không bàn. Quy trình thả nghi phạm cũng không bàn, cái này cứ mang luật ra mà chiếu vào xem bên điều tra làm có đúng trình tự không, cái đó không khó.
Hãy đặt ra các giả định khác, ví dụ như bạn bị kẻ xấu lén bỏ ma túy vào ba lô, vào xe, hay vào nhà để hãm hại bạn, và thế là mặc nhiên bạn có tội; việc chứng minh sự không liên quan chỉ giúp giảm nhẹ hình phạt chứ không thể xóa tội, lúc ấy bạn có nói là luật pháp bất công hay không?
Hành vi xách hộ đồ của 4 cô tiếp viên là sai, và họ đã phải chịu hậu quả (bị đuổi việc). Tuy nhiên, vụ án vẫn tiếp tục được điều tra chứ chưa kết thúc, nếu có bằng chứng mới chứng tỏ rằng 4 cô này có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, các cô ấy sẽ lại bị bắt giữ.
Nói rộng hơn (không liên hệ đến trường hợp của 4 cô tiếp viên): nếu cho rằng cứ cầm hộ mà có ma túy trong đó thì nghiễm nhiên có tội, thế thì có nghĩa là luật đã phá vỡ đi những quan hệ lành mạnh giữa người với người. Như cái giả định mà tôi đưa ra ở đầu bài, vì nghĩ tới luật rằng mình có thể phải ngồi tù nên tôi dứt khoát không giúp đỡ người phụ nữ kia, vậy tôi buộc phải sống tệ đi. Một lần nữa, luật như thế là không ổn, dồn trách nhiệm bảo vệ trị an lên vai người dân. Có bạn sẽ nói, vậy thì hãy kiểm tra trước khi nhận lời! Làm sao mà trơn tru hết mọi việc như thế được, trong cuộc sống có vô vàn tình huống khiến người ta không thể làm khác được kia mà. Bạn đi từ Hà Nội về Vinh, người bạn thân của bạn nhờ mang hộ gói đồ ăn về cho mẹ bạn ấy, chẳng lẽ bạn từ chối? (Xin nhắc lại, không liên hệ những tình huống này với chuyện xách đồ của 4 tiếp viên).
Từ trong thâm tâm, tôi chỉ mong rằng đúng là các cô tiếp viên này bị lừa. Và nếu bị lừa thì các cô ấy sau khi chịu hậu quả có liên quan đến công việc và tài chính (bị phạt), các cô sẽ được về nhà. Việc điều tra và phá án là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, họ phải có trách nhiệm triệt phá đường dây và bắt giữ những kẻ phạm pháp.
Ở một khía cạnh khác, liên quan đến tố tụng văn minh là nguyên tắc “suy đoán vô tội”, luật sư Ngô Anh Tuấn, trong bài viết Thời lên ngôi của nguyên tắc suy đoán vô tội?, nhận định: “Ở nhiều quốc gia, cơ quan pháp quyền sẵn sàng trả tự do cho các đối tượng tình nghi sau quá trình thẩm vấn ngắn mà không mang lại hiệu quả – Họ chủ trương thả nhầm còn hơn bắt ép. Có những vụ án, người ta mất cả chục năm cho trinh sát theo dõi người được phóng thích và bắt giữ họ khi đủ cơ sở cáo buộc. Còn ở ta, áp lực về thành tích quá lớn khiến cho những người thực thi nhiệm vụ bất đắc dĩ phải làm sai. Các hành vi tiêu cực xuất phát từ cả hai phía đôi khi từ đây mà ra…”.
“Do đó, việc 4 cô tiếp viên xinh đẹp của Vietnam Airlines được trả tự do, với tôi, đó là tín hiệu đáng mừng hơn là đáng lo. Loại bỏ đi các thuyết âm mưu, tôi cho rằng đây là bước tiến quan trọng để chúng ta có dịp đưa những quy định vô tri trong sách vở vào thực tế. Nó mở ra cơ hội để những đối tượng tình nghi, thậm chí là bị can, bi cáo được trả tự do sớm khi không đủ hoặc chưa đủ cơ sở để cáo buộc họ. Thế nên, tôi mong đây sẽ là một tiền lệ tốt, chứ không trở thành một ngoại lệ để cánh luật sư chúng tôi và nhiều người có thêm cơ hội được sống trong không khí của một nền tố tụng công bằng, hợp pháp, hợp lý hơn theo như mong ước chính bản thân mình” (hết trích).
Nhìn sâu vào tâm lý, việc nhiều người bất bình với hành động thả 4 cô tiếp viên khi “chưa đủ cơ sở khởi tố” có lẽ xuất phát từ những tiền lệ “xách hộ bị lãnh án” từ trước đến nay. Nghĩa là người ta đòi hỏi công bằng. Nhưng, là loại công bằng nào? Tại sao sự “công bằng” lại không được đòi hỏi theo hướng ngược lại, là hãy trả tự do cho những người đang bị giam giữ vì “xách hộ nhưng không biết” như 4 cô này? Và từ nay, sẽ lấy đó làm nguyên tắc pháp lý trên thực tiễn? Suy rộng ra, tất cả các án “chưa đủ cơ sở” đều phải được phóng thích mà vụ Hồ Duy Hải là một điển hình. Tôi nghĩ, nên lấy việc thả người trong vụ 4 tiếp viên này làm bàn đạp, vận động xã hội theo hướng văn minh thay vì kéo nó trở về với sự “công bằng phi nhân” vốn đã gây ra quá nhiều oan sai và đau khổ cho nhiều người, mà không chỉ là trong các vụ án ma túy.
Cuối cùng, để cho ma túy tràn lan trong dân, gây ra biết bao hệ lụy cho xã hội thì nhà nước là đối tượng phải bị chỉ trích đầu tiên. Trách nhiệm của công dân là tố giác tội phạm và đòi hỏi các “cơ quan chức năng” làm tốt công việc của họ, trả lại sự trong lành và bình yên cho xã hội. Lấy “bắt nhầm còn hơn bỏ sót” làm phương pháp quản lý xã hội là một cách làm khỏe nhất mà hậu quả luôn là do người dân gánh chịu; nguy hiểm hơn, nó sẽ là mối họa tiềm tàng đối với bất cứ ai, vì tất cả đều trở thành “tù nhân dự khuyết”.
Thái Hạo
Trường hợp nữ tiếp viên hàng không Trang Đoan

Huy Đức
Tháng 10-1997, một nữ tiếp viên hàng không Việt Nam bị bắt giữ ở Úc vì mang theo một [vỏ] chai rượu chứa heroin lỏng. Tên cô là Trang Đoan. Sau khi thẩm vấn, Trang Đoan không bị giam giữ, cô chỉ phải đeo vòng định vị, buộc ở lại Úc chờ điều tra.
Tháng 5-1998, một tòa án của bang Victoria tuyên cô vô tội. Cô đã mang hộ người quen một chai rượu sang Úc mà không biết bên trong chứa heroin.
Năm ấy, tôi đón nhận sự kiện này trong tâm thế nhận tin một người Việt Nam thoát nạn. Năm ấy, rất ít người Việt biết đến internet và anh Mark chưa nghĩ ra Facebook.
Tôi không có đủ dữ liệu về vụ bốn nữ tiếp viên HKVN mang “327 tuýp kem đánh răng trong đó có 157 tuýp cất giấu ma túy” bị phát hiện hôm 16-3-2023. Điều may mắn của các cô là không bị phát hiện trên đất Pháp [phải chịu chi phí luật sư, ăn ở chờ điều tra làm rõ rất lớn]. Nhưng điều không may của các cô là được điều tra trong một nền tư pháp có được rất ít niềm tin; phán quyết của các cơ quan tố tụng có khi lại khởi đầu một phiên tòa khắt khe hơn từ công chúng.
Đi trồng rừng suốt cả tuần qua không có điều kiện lục tìm tư liệu nên đã không kịp bổ sung thông tin “trường hợp nữ tiếp viên Lê Trang Đoan” nhưng lại có nhiều thời gian suy ngẫm.
Không ít lần tôi tự hỏi, nếu như Trang Đoan bị phát hiện mang chai heroin đó ở Việt Nam, cô có bao nhiêu cơ may được tuyên trắng án.
Khi vụ việc vừa mới xảy ra, tôi cũng đã lường tới khả năng tương lai của “bốn nữ tiếp viên” phải kết thúc trong nhà tù như một số “án lệ”. Và quả thực là có được khích lệ khi thấy cơ quan điều tra không những đang vừa làm rõ “bốn nữ tiếp viên” có phải là một mắt xích [trong vụ buôn lậu heroin] hay không mà còn điều tra khả năng họ chỉ là bên bị lợi dụng [lòng tham/lòng tốt].
Đã từng ngồi hàng trăm phiên tòa lớn nhỏ không chỉ với tư cách một nhà báo mà còn như một bồi thẩm viên, chứng kiến nhiều ánh mắt tuyệt vọng của những người mà mình cảm nhận là oan, tôi khao khát không phải là một một nền tư pháp tống giam ngay mà phải là một nền tư pháp ai cũng có thể kỳ vọng vào công lý.
Vụ án được nói là chưa kết thúc, rất mong được nghe từ cơ quan điều tra những bằng chứng thuyết phục; để lọt bọn buôn lậu ma túy là tội ác nhưng bỏ tù người vô tội cũng là tội ác.

Nguồn: FB Huy Đức