ĐHKT Lê Minh Sơn sưu tầm tài liệu về ô.Võ Chuẩn,người sáng lập Làng Võ Lâm Kontum

conchimgiakontum về thăm chùa cũ Bác Ái/Võ Lâm Kontum

QUAN QUẢN ĐẠO VÕ CHUẨN VÀ BÀI “VĂN TẾ ÂM HỒN Ở KONTUM”

ĐHKT Lê Minh Sơn

1. Đại thần VÕ CHUẨN sống vào cuối triều Nguyễn, cựu Tổng đốc tỉnh Quảng Nam, sinh năm Bính Thân (1896) tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế, không rõ năm mất.

Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình vọng tộc, con trai Đông các Đại học sĩ Xuân Hoà hầu VÕ LIÊM, nguyên thượng thư Bộ Lễ triều Bảo Đại.

Từng học Trường Hậu bổ (Huế), Trường Thuộc địa (Paris), tốt nghiệp về nước làm việc ở Toà khâm sứ Trung kỳ, sau đó được thăng tham tá Toà khâm (1923-1930).

Năm 1930, ông được biệt phái sang làm việc với Nam triều, năm 1933 được bổ Quản đạo tỉnh Kontum, 1938 làm Tuần vũ tỉnh Quảng Bình.

Năm 1939, ông chuyển về làm Tuần vũ tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1940, ông được thăng Tổng đốc tỉnh Quảng Nam rồi về trí sĩ.

Ông mất ở Huế trong những năm chiến tranh Việt – Pháp.

Hai con gái ông là Linh Bảo và Minh Đức Hoài Trinh đều là nhà văn.

Địa danh Võ Lâm là tên được ghép từ họ Võ của cụ Võ Chuấn, và chữ Lâm có nghĩa vùng rừng cây, núi non…

2. CHÙA BÁC ÁI (KONTUM) : “…Trong năm 1933, ở thành phố Kontum, những người làng ngoại cũng xin phép lập một cái chùa, thờ Phật và qui y các vong linh những người chết mà thân thuộc không thể đem thi hài về xứ được. Chùa ấy tên là Chùa Linh Sơn. Công việc chia thành nhiều năm mới thành toàn cuộc, song năm 1933 này, hết tháng Octobre xong được một cái nhà, sẽ làm lễ lạc thành. (Xem bài văn tế âm hồn đính theo sau này).”

(Trích “Kontum tỉnh chí”, Võ Chuẩn 10/1933 – Nam Phong Tạp chí, số 193, trang 140).

3. VĂN TẾ ÂM HỒN Ở KONTUM

Hỡi ôi !

Số kiếp dở dang ;

Căn duyên trắc trở !

Hiu hiu gió thổi nấm đất vàng lắm nỗi đắng cay ;

Nghi ngút hương bay lễ đạm bạc mấy lời than thở.

Các vong xưa :

Trú ngụ Kontum ;

Vốn người dưới chợ.

Trước cũng nghĩ ruộng nhiều đất tốt, băng non xanh mong lúa lẫm tiền kho ;

Nào ngờ đâu nước độc ma thiêng, chốn đất đỏ vốn dễ ăn khó ở.

Trước cũng nghĩ xa quê ngái cảnh, ít người càng đùm bọc lấy nhau;

Nào ngờ đâu rừng rậm non cao, lắm bệnh chướng vương mang khó gỡ.

Cũng có kẻ áo xiêm ràng buộc, mong đền bồi nợ nước ơn vua ;

Cũng có người quần vận áo mang, lo toan tính của chồng công vợ.

Cũng có kẻ theo đường thương mại, phải đeo mang buôn Mọi bán Lào ;

Cũng có người kiếm kế sanh nhai, lên lăn lóc làm thầy làm thợ.

Cũng có kẻ thiên phương bách kế, nghịch đạo nhà trốn tránh ẩn thân ;

Cũng có người một lỗi hai lầm, trái luật nước đọa đày cấm cố.

Nhớ đến kẻ tay bùn chân lấm, sống không nhà thác lại không mồ ;

Nghĩ lại mình máu đỏ đầu đen, nín cũng hổ nói ra cũng hổ.

Phạm hai chữ bước cao bước thấp, gánh ra đi biếng nổi chân đi ;

Chiếu nửa manh thiếu trước thiếu sau, quàn xuống lỗ ra ngoài miệng lỗ.

Tủi cho kẻ mới đi mới chạy, kiếp ba sinh ước những trăm năm ;

Thương cho ai đạn lạc tên bay, bỗng một phút ra người thiên cổ.

Thảm những lúc trăng mờ bóng xế, gội nắng mưa lạc nấm xiêu mồ ;

Thương mấy khi thỏ lặn ác tà, ai nhớ tới ngày đơm tháng giỗ.

Âm thầm tủi đất không che xác, nghiêng ngửa kia xương cốt còn phơi ;

Ngậm ngùi thương cây chẳng tránh mồ, lăn lóc đó thây hài bộc lộ.

Thảm cho kẻ bỏ thì thương vương thì nặng, non thề biển hẹn mối chung tình

đành gửi lại giang sơn ;

Tủi cho ai nằm bên lạnh tránh bên khô, mang nặng đẻ đau núm gan ruột

cũng liều cùng thủy thổ.

Thấy nay được lầu son gác tía xe qua ngựa lại, việc ăn làm

trăm sự dễ dàng ;

Nhớ xưa còn nước biếc non xanh vượn hú chim kêu, công khai phá

ngàn điều khốn khổ.

Ôi thôi nay :

Con cháu chăm nom, nước nhà chiếu cố.

Trong rừng rú kẻ có công người có của,

phát bờ phát bụi khi khói hương rằm lớn vía to ;

Giữa thanh không giàu làm kép hẹp làm đơn,

lập miếu lập chùa lúc thăm viếng thanh minh tảo mộ.

Xin nhớ chữ tử sinh hữu mệnh, sống thác đều máy tạo xoay vần ;

Xin nhớ câu họa phúc vô môn, nhục vinh cũng tại trong căn số.

Kiếp gió bụi ba sinh vốn nợ, đừng nghĩ chi núi thẳm rừng sâu ;

Chí anh hùng bốn bể là nhà, đâu thôi cũng quê cha đất tổ.

Thuyền bát nhã câu kinh giải thoát, tỉnh phồn hoa giã chốn âm ti ;

Bóng bồ đề giọt nước nghành dương,

hết oan trái về nơi tỉnh thổ.

Giữa trời đất hương chong đèn rạng, xin chứng cho lễ bạc lòng thành ;

Dưới suối vàng sống khôn thác thiêng, phải gắng lấy phù trì ủng hộ.

(Văn tế này đọc ngày 27.10.1933, trong lễ chẩn tế, về dịp lễ lạc thành chùa Linh sơn tự 3 ngày ; Trích từ “Kontum tỉnh chí”, Võ Chuẩn 10/1933 – Nam Phong Tạp chí, số 193, trang 141).

4. Mình ước mong các nhà hữu trách Kontum có thể chỉnh sửa quy hoạch Công Viên Nước đường Phan Chu Trinh (dời Công Viên vui chơi đi chỗ khác). Trả lại khung cảnh cho Chùa Bác Ái, mở lại một con đường nối Cổng tam quan của Chùa thẳng ra đường Phan Chu Trinh, hai bên trồng cây xanh, tạo cho quần thể Chùa Bác Ái được tôn nghiêm. Mình thấy Công Viên Nước chẳng có ai vào vui chơi gì, thật lãng phí và xâm phạm không gian của Chùa. Chùa Bác Ái là chùa cổ ở Kontum, là một trong những di sản tôn giáo văn hóa được công nhận cấp tỉnh. Ngày nay muốn đi vào Chùa phải đi bọc sau lưng từ đường Bà Triệu đi vào (!). Thiết nghĩ nên mở con đường phía trước Chùa, nối ra đường Phan Chu Trinh. Rất mong thay ! vì Tp Kontum thân yêu của tất cả chúng ta.

LMS

MỘT THOÁNG THỊ XÃ KONTUM VÀO THỜI KHẮC LỊCH SỬ NHẬT ĐẢO CHÍNH PHÁP NĂM 1945

Sau khi Đức quốc xã đánh bại Pháp chiếm Paris, Thống chế Pétain phải đầu hàng nước Đức thì chính quyền Đông Dương buộc lòng phải để cho quân Nhật Bản đóng ở Đông Dương. Quân Mỹ (hay quân Đồng minh) đưa phi cơ sang oanh tạc quân Nhật.

Tại thị xã Kontum vào thời điểm này thật là hỗn loạn! Người Pháp cũng như nhân dân Kontum, từ quan chí dân, đều lo tìm đường lánh nạn. Họ kéo lên những vùng quê yên tĩnh tạm lánh và nghe ngóng tình hình…

Trong hồi ký của viên Quản đạo Kontum thời kỳ đó (1945) – cụ Hà Ngại, có thuật lại đôi nét về sự kiện lịch sử này. Ông là người trực tiếp chứng kiến, trực tiếp điều hành sự vụ với tư cách là Quản đạo Kontum (tương đương chức tỉnh trưởng).

Qua những lời tự thuật của ông, ta nhận ra sự chân thành có pha lẫn chút trào lộng (mời đọc đoạn các bà đầm đi xe bò…), và trên hết là tính nhân văn: Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng như vậy, người Kontum đối xử với nhau và với người Pháp cách hợp lẽ, có trước có sau. Qua cách nhìn của ông, mọi việc dường như sẽ, hoặc nên hướng về chiều hướng êm thấm; không có hoặc không nên hằn thù, trả đũa, chém giết…Chúng ta hãy nghe những lời ông nói với dân chúng:

-“Người Pháp ở với chúng ta đã lâu năm, nay họ ra đi, nhờ chúng ta thuê giúp cho họ năm mươi cái xe bò. Các ông hãy giúp cho họ đàng hoàng. Còn tiền thuê cũng tính lấy cho minh bạch.”

Rồi tiếp:

-“Nay mai người Nhật sẽ đến đây. Tôi nghĩ họ không thù ghét gì chúng ta mà trái lại họ còn phải vỗ về chúng ta là khác. Các ông nên hiểu (bảo) cho nhân dân cứ tiếp xúc chào hỏi họ như thường. Đừng nghi sợ, cũng đừng xa lánh họ.”

(Trích Hồi ký KHÚC TIÊU ĐỒNG, Hà Ngại, tr.358.)

Ngay cả thực dân Pháp đối với quân Nhật:

“Khi tôi gặp Công sứ, ông cũng bảo thế và thêm:

– Nay mai quân Nhật đến, chúng tôi sẽ giao chính quyền cho họ”… (Sđd, tr.360).

Sau đây, xin mời quý vị đọc nguyên văn đoạn trích từ Hồi ký KHÚC TIÊU ĐỒNG của quan Hà Ngại, NXB Trẻ 2014, trang 357-360.

(Minh Sơn giới thiệu)

Hồi ký KHÚC TIÊU ĐỒNG của quan Hà Ngại, NXB Trẻ 2014, trang 357-360:

“Sáng sớm ngày kia, thấy Ông cò (commissaire) người Pháp

đến mời tôi qua Tòa cho Công sứ bàn việc gấp. Tôi lấy làm lạ. Xưa nay, Công sứ chỉ sai tùy phái người Việt đi mời, nay sai người Pháp mời ắt hẳn có việc đại sự.

Tôi sang, gặp Công sứ, ông bảo:

– Đêm qua, quân Nhật lật chính quyền Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Quân Nhật đã chiếm cứ Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn và các tỉnh miền Trung châu. Nay mai họ sẽ đến đây. về phần các quan Nam triều họ không đụng chạm gì. Còn người Pháp chúng tôi chắc sẽ bị bắt. Nhờ quan Quản đạo làm ơn thuê giúp cho chúng tôi 50 cái xe bò để chở các người Pháp và các bà đầm lên núi tránh nạn.

Tôi nhận lời, ra về. Dọc đường, nửa mừng nửa lo, phân vân chả hiểu gì cả. Đến đạo, tôi sức gọi hết tổng lý, nhân dân nói cho họ rõ đầu đuôi và khuyên họ:

– Người Pháp ở với chúng ta đã lâu năm, nay họ ra đi, nhờ chúng ta thuê giúp cho họ năm mươi cái xe bò. Các ông hãy giúp cho họ đàng hoàng. Còn tiền thuê cũng tính lấy cho minh bạch.

Tôi tiếp:

– Nay mai người Nhật sẽ đến đây. Tồi nghĩ họ không thù ghét gì chúng ta mà trái lại họ còn phải vỗ về chúng ta là khác. Các ông nên hiểu cho nhân dân cứ tiếp xúc chào hỏi họ như thường. Đừng nghi sợ, cũng đừng xa lánh họ.

Tổng lý tuân làm.

Sáng sớm ngày sau, nhiều người Pháp và các bà đầm, với con cái họ, lên xe bò chở vật hạng đi trốn, cảnh sinh ly tử biệt thật thảm. Nhưng cảnh các bà đầm sang trọng ngồi trên xe bò cũng làm cho nhân dân ta nghĩ ngợi nhiều.

Còn các chánh, phó sứ, giám binh, người giữ kho bạc và quan binh Pháp với lính còn ở lại.

Gần trưa, tôi thấy họ đem súng máy, xe thiết giáp v.v… dàn trước Tòa sứ và trước đạo sát khí đằng đằng. Nhân dân lo sợ.

Công sứ cho người sang hỏi bảo tôi nên cho gia đình đi tản cư, kẻo đêm nay họ sẽ đánh nhau ở đây. Tôi đang sắp đặt cho gia đình đi thì có viên thừa phái trẻ tuổi thưa với tôi:

– Quan lớn cũng nên tản cư với gia đình. Việc tỉnh xin giao tôi đảm nhận cả. Tôi sẽ làm tròn phận sự.

Tôi nói:

– Tôi biết anh đủ sức đảm nhận việc tỉnh trong một lúc. Tôi đi với gia đình và đến nửa đêm tôi sẽ trở về xem thử.

– Khi trở về đêm tối, quan lớn phải nghe ngóng cẩn thận.

Tôi cho rao bảo dân chúng phải tản cư. cả thành phố ồn ào huyên náo, bàn tán đủ điều song chả có ai biết điều gì cho chắc cả.

Chúng tôi lên nhà quê, cách Kontum 12 cây số. Nhiều nhà giàu có trong thành phố đi theo tôi. Đến nơi, nhóm họp lại ăn cơm vui quá.

Tới nửa đêm, tôi đi về. Dọc đường im lìm, không thấy gì trở ngại. Tới thành phố thấy võ khí đều dọn đi hết. Viên thừa phái trẻ nói:

– Nghe nói họ đánh nhau dưới Pleiku nên khi chiều họ đưa võ khí ở đây xuống dưới ấy hết.

Tôi qua tòa, thấy Công sứ, giám binh và mấy ông Pháp khác đương ngồi nói chuyện.

Công sứ bảo tôi:

– Họ đánh nhau ở Pleiku, chưa biết hơn thua. Thôi ông về nghỉ. Chúng tôi cũng giải tán.

Tôi lại lên chỗ tản cư, sáng trở về, viên thừa phái trẻ ấy nól:

– Mấy ông Pháp ở Pleiku chạy về đây chẳng còn hồn vía nào. Họ chạy dạt vào mấy cái hầm trú ẩn của chúng ta mà nấp cả, tới sáng mới về. Tồi nghe lính tập thuật lại như sau: ban đầu iực lượng Pháp và Nhật dàn ttận hẳn hòi. Quân Nhật mới bắn mấy phát là lính Đê (thiểu số) chạy rồi lính tập, lính Pháp cũng chạy hết. Thế là xong! Có đánh đập chi đâu!

Anh ấy tiếp:

– Mới rồi, quan Sứ cho người sang thưa với quan Quản đạo: bây giờ các quan binh đã trốn cả; ở Kontum này chỉ còn quan văn (civil) vậy không có chiến tranh nữa. Quan Quản đạo nên đưa gia đình về.

Khi tôi gặp Công sứ, ông cũng bảo thế và thêm:

– Nay mai quân Nhật đến, chúng tôi sẽ giao chính quyền cho họ.

*

* *

Một hôm sau thì quân Nhật ầm ầm kéo tới. Họ soát xét người Pháp, tịch thu súng và các loại binh khí khác. Họ không gặp sức kháng cự nào nữa.

Tôi qua tòa, thấy Công sứ, giám binh và mấy ông Pháp khác đương ngồi nói chuyện.

Công sứ bảo tôi:

– Họ đánh nhau ở Pleiku, chưa biết hơn thua. Thôi ông về nghỉ. Chúng tôi cũng giải tán.

Tôi lại lên chỗ tản cư, sáng trở về, viên thừa phái trẻ ấy nól:

– Mấy ông Pháp ở Pleiku chạy về đây chẳng còn hồn vía nào. Họ chạy dạt vào mấy cái hầm trú ẩn của chúng ta mà nấp cả, tới sáng mới về. Tồi nghe lính tập thuật lại như sau: ban đầu iực lượng Pháp và Nhật dàn ttận hẳn hòi. Quân Nhật mới bắn mấy phát là lính Đê (thiểu số) chạy rồi lính tập, lính Pháp cũng chạy hết. Thế là xong! Có đánh đập chi đâu!

Anh ấy tiếp:

– Mới rồi, quan Sứ cho người sang thưa với quan Quản đạo: bây giờ các quan binh đã trốn cả; ở Kontum này chỉ còn quan văn (civil) vậy không có chiến tranh nữa. Quan Quản đạo nên đưa gia đình về.

Khi tôi gặp Công sứ, ông cũng bảo thế và thêm:

– Nay mai quân Nhật đến, chúng tôi sẽ giao chính quyền cho họ.

*

* *

Một hôm sau thì quân Nhật ầm ầm kéo tới. Họ soát xét người Pháp, tịch thu súng và các loại binh khí khác. Họ không gặp sức kháng cự nào nữa.”

———–

ĐHKT Lê Minh Sơn

Để lại lời nhắn

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.