

Võ Thị Hão
Võ Thị Hảo: Tín đồ Phật giáo VN cần được bảo vệ khỏi sự “nô lệ hóa“

Chuyên mục phỏng vấn của Diễn Đàn Thế Kỷ về đề tài: “Phật giáo đã bị chính trị hóa, thương mại hóa dẫn đến “biến chất, biến tướng” ra sao và hậu quả của điều đó trong đời sống văn hóa, xã hội VN hiện nay”.
***
- Thưa bà, Phật giáo ở Việt Nam có sự dung hợp với tín ngưỡng bản địa, hay nói cách khác, các loại tín ngưỡng dân gian, ví dụ người Việt đưa các vị Thần, Thánh, Mẫu, thành hoàng thổ địa, anh hùng dân tộc…vào thờ trong chùa, đặc biệt là thờ Mẫu (Mẹ) ở các đền, phủ, người Việt cũng có tục thờ cúng tổ tiên; bên cạnh đó, Phật giáo ở Việt Nam có sự hòa hợp giữa Phật giáo với Khổng, Lão, trong nhiều thế kỷ (tam giáo đồng nguyên). Thực tế đó nói lên điều gì về Phật giáo ở Việt Nam cũng như đời sống tín ngưỡng của phần lớn người dân Việt? (tích cực: dễ hòa hợp? tiêu cực: pha tạp? dễ đi vào mê tín dị đoan?…)
Nhà văn Võ Thị Hảo:
-Ngày càng có nhiều minh chứng là hiện trạng Phật giáo Việt Nam, dù vẫn có một số chân tu nhưng rất hiếm hoi, khả năng là dần “tuyệt chủng“.
Tín đồ ngày càng nhiều người u mê và dễ bị lợi dụng.

Các thế lực ô trọc và tham lam đã dần chiếm cứ linh hồn Phật giáo vốn thiện lành và yếm thế trong các ngôi chùa cổ, “giết chết“ những chùa đó để khoác lên nó cái thân xác đồ sộ, làm nơi chứa chấp những thứ hổ lốn pha trộn tín ngưỡng và hành nghề mê tín dị đoan để kiếm tiền và thế lực thế tục.
Quá nhiều minh chứng về sự tham lam đồi bại của các loại “thầy“, “Đại đức“ khiến người ta ghê sợ…
Người ta không thể không đặt câu hỏi: Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chính quyền quản lý thế nào? Vì sao một sư trụ trì chùa Phước Quang thuộc giáo hội Phật giáo Việt Nam đã mười mấy năm lừa đảo tín đồ mà lại được nhận cả Huân chương lao động, ung dung tọa lạc vinh quang như vậy, cho đến khi bị 4 phụ nữ kiện ra tòa vì lừa đảo của họ hơn 68 tỉ đồng?!
Đặc biệt, một kẻ tu hành, “Đại đức“ lừa đảo như vậy lại được tôn vinh đặc biệt bởi nhà cầm quyền Việt Nam: Quyết Định khen thưởng số 799/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam (11.5.2016), của Bộ trưởng Lao động – Thương binh và xã hội Việt Nam (6.9.2012), của Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam (18.1.2017), Bằng khen của Ủy ban TW Mặt trận tổ quốc Việt Nam, lại còn được tăng Huân chương lao động hạng 3 của Chủ tịch nước (19.5.2017)…(theo https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%ADch_Ph%C6%B0%E1%BB%9Bc_Ng%E1%BB%8Dc)
Ngay tại bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Long cũng đã thấy dấu hiệu sự “bảo kê“ của cơ quan bảo vệ pháp luật cho vị sư này khi không thu hồi lại số tiền lừa đảo này để trả lại cho các bị hại…( https://vietnamnet.vn/lua-dao-gan-68-ty-cua-4-phu-nu-nguyen-tru-tri-chua-phuoc-quang-khong-den-toa-2055293.html).
- Có người nói sự ảnh hưởng của đạo Phật ở Việt Nam chỉ ở mức độ tín ngưỡng chứ không phải là ở mức độ triết lý, triết học, thì điều đó có đúng không và tại sao?
Nhà văn Võ Thị Hảo:

-Phật giáo có một hệ thống kinh sách đồ sộ với nhiều triết lý hay, khuyến thiện nhưng đáng tiếc là hệ thống quản lý tôn giáo ấy lại lỏng lẻo, dễ bị lợi dụng.
Ở Việt Nam, có tình trạng nói trên, khi tín đồ đa phần chỉ hiểu về hệ thống kinh sách này qua một hệ thống “thông ngôn“ khổng lồ, đó là vô số sư sãi tăng ni hiểu biết rất phiến diện về Phật học nhưng rất táo tợn trong việc bẻ lái những lời Phật, những tư tưởng để có lợi cho họ.
Cách dễ dàng và có lợi nhất cho những “thông ngôn“ ô trọc đó là đem “nghiệp“ và “quả báo“ và ma quỷ ra dọa các tín đồ, khiến họ sợ hãi kẻ ác, không dám đòi công lý, nô lệ chính quyền và thần quyền, còng lưng úp mặt thưa gửi, trước những bàn chân ô trọc của những “ác tăng“ mà cung phụng tiền bạc cho kẻ lừa đảo.
Những người làm việc ác, những công an, quan chức gây oan trái, tham nhũng trộm cướp của dân, tha hồ làm việc ác mà không chịu sửa chữa, sám hối vì họ nghĩ rằng họ đã dùng tiền để hối lộ tâm linh và hoàn toàn thanh thản bởi sự trung gian là các sư sãi “xã hội chủ nghĩa“ tham lam, ngày ngày phản bội tư tưởng Phật giáo để kiếm thật nhiều tiền, củng cố quyền lực tâm linh và trần thế.
- Chúng ta biết chủ nghĩa cộng sản là một thứ chủ nghĩa vô thần, hay nói cụ thể hơn là chủ nghĩa “TAM VÔ”: vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo. Trước đây những người cộng sản ở Việt Nam còn tiến hành phá đền, chùa, thiêu hủy kinh sách, không thắp nhang trên bàn thờ ông bà, nhưng bây giờ thì chính họ, các quan chức từ trên xuống dưới lại rất siêng đi chùa, cầu may, phóng sinh v.v… Đa số dân chúng nữa, cũng rất siêng đi chùa, đền, rất siêng cúng, bái, cầu may, tin vào đủ thứ.
Hiện tượng đó phản ánh điều gì về xã hội Việt Nam hiện tại?
Nhà văn Võ Thị Hảo:
-Khi một số người cộng sản giành được quyền lực tuyệt đối – độc tài toàn trị về quyền phân phối tài sản của người dân và đất nước, họ đã vơ vét tiền bạc và trở thành những kẻ giàu có nhất bằng cách tham nhũng và trộm cướp. Cách làm giàu bất lương này đương nhiên đưa đến sự bất ổn về tâm lý. Họ thỏa mãn tận hưởng nhưng cũng đầy bất an vì hiểu rằng khi trong tay họ cướp được miếng mồi ngon thì còn rất nhiều kẻ muốn hạ bệ họ và xâu xé miếng mồi. Vì thế, họ ra sức hối lộ tâm linh, thậm chí hối lộ một cách điên cuồng, như một phép cầu may và trấn an tâm lý.
Nhiều quan chức chính quyền đã cùng đám sư “hổ mang“, những công an hoặc côn đồ giả danh sư sãi tạo ra một đám đông tín đồ mê muội và nô lệ, bị bóc lột tàn tệ từ đời sống cho tới tâm linh và trốn chạy bất công trong mê muội quỳ lạy, tha thứ cho kẻ ác nhưng tàn nhẫn với những người yếu đuối thiệt thòi trong xã hội…
Thực trạng của Phật giáo Việt Nam hiện nay, kể cả trong và ngoài nước, khiến những người hiểu biết và các tín đồ Phật giáo chân chính chán nản, mất lòng tin, mặc dù sự mất lòng tin này là chưa công bằng với những người tu thanh khiết.
Thấy những người xưng là cao tăng, đại đức…người ta không thể tự hỏi: đó là Cao tăng hay “Ma“ tăng? Ác tăng? Đại đức hay vô đạo đây?
Họ có là đảng viên nằm trong chi bộ đảng nào, là công an thuộc địa phương nào quản lý? Họ có bao nhiêu tài sản và đang cất giữ ở đâu? Vụ việc sư Thích Thanh Toàn trụ trì chùa Nga hoàng là một ví dụ (https://dantri.com.vn/xa-hoi/su-toan-xin-giu-lai-tai-san-khoang-300-ty-dong-noi-gio-lay-vo-an-choi-thoai-mai-20191007235434604.htm)
Người ta không thể không đặt câu hỏi đó. Nhưng người tu hành minh bạch, chân tâm thì sẽ không sợ trả lời bất kỳ câu hỏi nào.
- Chúng ta thấy Đảng và nhà nước cộng sản VN luôn luôn tìm cách kiểm soát, khống chế tất cả mọi thứ, tôn giáo nói chung và phật giáo nói riêng cũng không là ngoại lệ. Để kiểm soát Phật giáo, nhà nước đã thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các nhà sư nếu muốn yên thân thì gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhiều nhà sư còn trở thành đại biểu Quốc hội, phát biểu nhiều câu rất mang “tính đảng”, trong khi những nhà sư độc lập hoặc trung thành với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thì đều bị đàn áp một cách nặng nề. Điều này đã ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của Phật giáo ở Việt Nam?
Nhà văn Võ Thị Hảo:
-Phương châm quản lý của Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam là: “ Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội“ (https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/11/10/quan-ly-nha-nuoc-ve-hoat-dong-cua-phat-giao-o-viet-nam/).

Đã là “chủ nghĩa xã hội“ thì còn đâu tự do tín ngưỡng cho các tín đồ Phật giáo? Phật giáo Việt Nam tăng lên về tín đồ, về sự giàu có cho đám thế quyền và thần quyền nhưng lại ngày càng xuống cấp về phẩm chất, đạo đức và danh dự.
Nhiều nhà sư, người tu hành độc lập hoặc trung thành với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thì bị đàn áp nặng nề. Ai đụng đến họ là bị triệt hạ, tù đày.
Gần đây nhất, một nhóm người tu tại gia như Thiền am bên bờ vũ trụ bị vu cáo, triệt hạ, giam cầm cả sáu người, trong đó có cả ông già ốm yếu gần trăm tuổi chỉ vì dám đứng ngoài vòng thống trị của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và dám chê bai ông Thích Nhật Từ – một người có quyền lực trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã khiến dư luận cực kỳ phẫn nộ và nhiều tổ chức trên thế giới phải lên tiếng phản đối.
- Không chỉ bị chính trị hóa, Phật giáo còn bị kinh doanh hóa, thương mại hóa dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ một số chùa chiền bày ra trò cúng sao giải hạn, có chùa tổ chức lễ cầu nguyện mùa thi cho các sĩ tử trước mùa thi, thậm chí có cả chuyện cầu hồn thỉnh vong rất là mê tín dị đoan… Nhưng đáng nói nhất là việc kinh doanh chùa.
Những năm gần đây, liên tục nhiều chùa chiền, tượng Phật, thiền viện được xây dựng, với danh nghĩa là du lịch tâm linh. Nhiều chùa, đền phải nói là rất to, tọa lạc trên những địa thế đẹp, nổi bật, kiến trúc hoành tráng…, để xây dựng cần quỹ đất rất lớn, kể cả san rừng bạt núi. Các anh chị nghĩ gì về những tác hại của việc xây đình chùa kinh doanh như thế về mặt thiên nhiên, môi trường, về mặt văn hóa, hay chuyện làm xáo trộn cuộc sống của các dân tộc thiểu số v.v…?
Nhà văn Võ Thị Hảo:
-Đền chùa xây dựng kiểu như vậy không chỉ là vấn đề kinh doanh và chiếm quỹ đất quốc gia mà còn đặt ra các câu hỏi rất nghiêm trọng về rửa tiền, an ninh quốc gia và ngu dân hóa… Cần phải làm rõ ai, thế lực nào mới có quyền thế nghiêng trời lệch đất để làm việc đó? Cần phải có chuyên án điều tra độc lập xem ai hưởng lợi từ những công trình xây dựng và du lịch tâm linh đó. Nguồn tiền từ du lịch tâm linh, từ sự nô lệ hóa dân trí, từ sự lừa đảo trắng trợn đó được quản lý, phân phối thế nào, vì sao không công khai? Chảy về túi ai? Đây là những vụ án tham nhũng, lạm dụng quyền lực khổng lồ nhưng không hiểu sao chiến dịch “đốt lò“ lại không đụng đến?
- Đối với một nhà nước độc tài, mọi chính sách đều nhằm “ngu dân để dễ cai trị”, sinh hoạt phật giáo nói riêng cũng không là ngoại lệ. Càng pha tạp, càng dung tục, càng mê tín dị đoan thì càng có lợi cho chính sách đó của nhà cầm quyền. Trước thực trạng này, với cái nhìn của những người trí thức quan tâm đến đời sống tinh thần, tâm linh của người Việt, các anh chị có những suy nghĩ, ý kiến gì như một đáp án có ý nghĩa xây dựng, cần thiết cho xã hội Việt Nam hiện nay?

Nhà văn Võ Thị Hảo:
-Tín đồ Phật giáo Việt Nam cần được bảo vệ khỏi sự “nô lệ hóa“ của Phật giáo xuống cấp. Một dân tộc yếu nhược và u mê sẽ được hình thành kiểu đó nếu không có những biện pháp hữu hiệu.
Nguồn cơn của sự xuống cấp của đạo Phật, xét đến cùng, cũng chỉ vì sự nhập nhèm giữa thần quyền – chính quyền – độc quyền. Sự độc tài và ưu tiên quá nhiều quyền lực cho một tổ chức tôn giáo quốc doanh đương nhiên dẫn tới sự thiếu minh bạch trong quản lý tiền bạc, dẫn tới tham nhũng và lạm quyền.
Cần có một cuộc cải cách triệt để, nhằm chống tham nhũng, lạm quyền trong quản lý của chính quyền, các cơ sở quản lý tôn giáo và cơ sở thờ tự, người tu hành trong quản lý Phật giáo…bằng cách thanh tra về kinh tế, đồng thời công khai hóa các hồ sơ tài chính, tiền đóng góp của tín đồ.
Cần thanh tra toàn bộ các cơ sở quản lý, thờ tự về mặt cấp đất xây các cơ sơ thờ tự có đúng luật pháp, đặc biệt là ai đứng tên, nguồn tiền ở đâu…Sẽ phát hiện ra ngay nhũng và lạm quyền để xử lý, thu hồi được tài sản quốc gia, bê cạnh đó, bảo vệ được những nhà tu hành trong sạch, chân chính.
Người Việt Nam hiểu một thực tế rằng hầu hết các ngôi chùa lớn, mới xây hiện nay đều là cơ sở kinh doanh du lịch – tâm linh của các cá nhân, doanh nghiệp mà họ có được sự ưu tiên tuyệt đối của chính quyền rồi tha hồ trục lợi ngoài vòng luật pháp. Nhiều nhân vật có quyền lực đã lạm dụng tài sản, tài nguyên của nhân dân, đất nước mà cướp đoạt nhiều ngàn ha đất ở những danh lam thắng cảnh của người dân VN cho các doanh nghiệp, nhóm lợi ích – quyền lực để họ kinh doanh trục lợi. “Non sông gấm vóc“ của cha ông từ chỗ dân được tự do hưởng thụ thì lại bị tước đoạt, dân phải nộp tiền cho những kẻ cướp đoạt này mới được thăm viếng (xem https://nguoidothi.net.vn/ra-soat-lai-toan-bo-van-ban-cap-dat-xay-chua-bai-dinh-20139.html)
Bởi thế, không có thiêng liêng gì ở những chùa chiền do các kẻ “đại trộm cướp“ xây dựng nên. Càng đổ tiền, công sức vào cầu cúng chỉ là“ nối giáo“ cho kẻ trộm cướp và chuốc thêm lụn bại cho chính mình.

Phụ Đính
Nguyên trụ trì chùa Phước Quang xin nhận án tử hình

Nguyên trụ trì chùa Phước Quang (Vĩnh Long) Phạm Văn Cung khai dù bản thân đã đi tu nhưng vẫn còn “chất của người đời” nên đã gây ra hành vi lừa đảo. Mức án Viện kiểm sát đề nghị chung thân nhưng Cung xin nhận mức tử hình.
Ngày 14/4, TAND tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Văn Cung (40 tuổi; nguyên trụ trì chùa Phước Quang ở huyện Tam Bình, Vĩnh Long) và Nguyễn Tuấn Sĩ (54 tuổi; chạy xe ôm, ngụ TP Vĩnh Long) cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đại diện Viện kiểm sát nhận định lợi dụng danh nghĩa nhà chùa và Trung tâm Suối nguồn tình thương, Cung đã tìm cách liên hệ gặp nhiều người có điều kiện kinh tế, giới thiệu về công việc từ thiện của mình để họ cảm thông và trợ giúp.

Phạm Văn Cung xin nhận mức án tử hình
Cạnh đó, Cung còn dựng lên các sự kiện không có thật để chiếm đoạt tiền của nhiều người như dựng chuyện bị bắt cóc, lâm trọng bệnh, sửa chữa chùa… Đồng thời, giới thiệu mình có quen với nhiều lãnh đạo cấp cao ở trung ương, đặc phái viên quốc tế; làm nhiều video tự PR (giới thiệu) mình trên mạng xã hội quảng bá hình ảnh, tạo lòng tin cho nhiều người để lừa tiền.
Trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm như cáo trạng đã truy tố. Quá trình điều tra và tại tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, phù hợp với kết quả điều tra vụ việc.
Căn cứ hành vi của từng bị cáo, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Cung mức án tù chung thân, bị cáo Sĩ từ 3-5 năm tù.
Tại phiên tòa, bị cáo Cung đồng ý với nội dung cáo trạng truy tố. Trước khi được công nhận là tu sĩ vào năm 2005, bị cáo đã gây ra nhiều khoản nợ. Bị cáo đã mượn tiền của người này để trả cho người khác. Để các bị hại tin tưởng, bị cáo trên cương vị là trụ trì chùa, giám đốc trung tâm và uy tín cá nhân đã nói dối, nói sai để nhằm mục đích lấy tiền của bị hại.
Bị cáo Cung khai rằng dù bản thân đã đi tu nhưng vẫn còn “chất của người đời”, chính vì vậy đã gây ra hành vi lừa đảo nên rất hổ thẹn. Vì vậy, bị cáo gửi lời xin lỗi đến các bị hại.
Khi nói lời sau cùng, bị cáo Cung thừa nhận bản thân là người không tốt và xin nhận mức án tử hình. Dự kiến, chiều nay, HĐXX sẽ tuyên án.
Theo cáo trạng, trong thời gian tu tại chùa Phước Quang, Cung đã quen biết Lê Nguyên Khoa vì Khoa đến dự các dịp lễ chùa. Cung và Khoa thường xuyên liên lạc nhau. Khi Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương đi vào hoạt động, Cung bổ nhiệm Khoa làm thư ký giúp việc cho mình.
Trong quá trình làm trụ trì chùa Phước Quang và Giám đốc Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương, Cung cùng Khoa dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện hành vi lừa đảo. Ngoài ra, 2 đối tượng này còn lôi kéo Nguyễn Tuấn Sĩ để thực hiện hành vi phạm tội.
Tổng cộng, Cung đã vay tiền của 4 người hơn 77,7 tỉ đồng để chi xài cá nhân, dẫn đến không có khả năng thanh toán. Sau khi bị tố giác, Cung đã trả lại cho các bị hại gần 10 tỉ đồng. Như vậy, số tiền mà Cung còn chiếm đoạt là hơn 67,7 tỉ đồng.
Hiện Khoa đang bị truy nã.