Lò và củi !!

Lò và củi

Đốt lò :TBT Nguyễn Phú Trọng và sứ mệnh cứu Đảng Cộng sản VN

  • Bùi Thư
  • BBC News Tiếng Việt

26 tháng 7 2022

BBC

Cuối tháng 6/2022, Việt Nam tổng kết chiến dịch chống tham nhũng trong 10 năm qua. “Các đời tổng bí thư trước đây của ĐCSVN đã hứa hẹn về cuộc chiến chống tham nhũng quy mô lớn nhưng chỉ ông Trọng đã thực sự đem lại kết quả.” nhà bình luận chính trị David Hutt với BBC News Tiếng Việt.

Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, hơn 2.700 tổ chức đảng và 168.000 đảng viên đã bị kỷ luật trong thập kỷ qua, trong đó có 7.390 đảng viên bị cáo buộc tham nhũng. Trong số này có 137 cán bộ cấp cao và 33 người là Ủy viên và nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đốt lò kỳ 2: TBT Nguyễn Phú Trọng thâu tóm quyền lực về tay Đảng ra sao?

VN: Vì sao Đảng khai trừ quan chức tham nhũng rồi mới để tòa xử?

Những lần “đau xót khi kỷ luật đồng chí” của ông Nguyễn Phú Trọng

Xếp hạng Chỉ số nhận thức về tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI) năm 2021 cho thấy Việt Nam có những bước tiến bộ, xếp thứ 87 trên 180 nước, tăng 17 hạng so với năm 2020.

Những tin tức về bắt bớ quan chức cao cấp, những khẩu hiệu máu lửa truyền đi tín hiệu ý chí chính trị mạnh mẽ của “người đốt lò vĩ đại” trong cuộc chiến chống tham nhũng. TBT Trọng nói như phát động chiến tranh: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy” hay “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Tuy thế, cần trở lại giai đoạn ban đầu của công cuộc đấu tranh mà TBT Trọng đưa ra, từ cuối nhiệm kỳ Đại hội ĐCSVN khóa 11, trong năm 2015, nhắm vào chính các nhân vật bị cho là đi chệch đường lối Leninist.

https://flo.uri.sh/visualisation/10513517/embed?auto=1

Sứ mệnh cứu Đảng từ các kỳ Đại hội 1112

Để hiểu về chiến dịch đốt lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, điều không thể bỏ qua đó là con người ông – vị giáo sư chuyên ngành Xây dựng Đảng.

Theo ông David Brown, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Sài Gòn trước đây, hiện là nhà quan sát tình hình Việt Nam mô tả với BBC:

“Ông Trọng là một tín đồ chân chính của Đảng. Cốt lõi của chủ nghĩa Marx là con người có thể trở nên hoàn hảo. Con người không bị áp bức (nghĩa là khi chế độ Cộng sản được hoàn thiện), họ sẽ không có lý do hoặc mong muốn bóc lột người khác. Trong thời gian tiến lên chủ nghĩa xã hội đó, các Đảng viên phải làm gương cho cho người dân. Nếu không, họ phải bị khai trừ. Tất cả những điều này và hơn thế nữa đã được vị Tổng bí thư giải thích trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa 12 về xây dựng Đảng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.”

“Thế giới quan chính trị của ông Trọng thể hiện quả sách vở, bài viết, diễn văn khi ông còn là giáo sư. Ông Trọng là một quan liêu cộng sản điển hình, tức ngoài Đảng ra, không có trời, không có đất. Đảng thống lĩnh, lãnh đạo tuyệt đối với ông Trọng là một hằng số không thể thay thế nên ông ta sẽ loại bỏ những mối đe dọa làm xói mòn quyền lực của Đảng, cụ thể là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,” một nhà bình luận chính trị giấu tên nói với BBC từ Sài Gòn hôm 06/07/2022.

Cùng thời gian ông Trọng bắt đầu chuyển hướng đánh vào những kẻ bị cho là “xa rời Đảng”, Thủ tướng Việt Nam khi đó, Nguyễn Tấn Dũng (giữ chức từ 2006 đến 2016) là người được cho có “tính cách và nhân sinh quan rất khác biệt với ông Trọng”, theo lời ông David Brown.

“Trọng, khi đó trong nhiệm kỳ tổng bí thư đầu tiên, đã rất tức giận trước thái độ vô tâm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với các báo cáo về việc tự xử lý của cấp dưới. Ông Dũng đáp lại bằng cách phớt lờ các chỉ thị của Bộ Chính trị mà ông ta không ưa” ông David Brown viết trên tờ Asia Sentinel.

NBT
Chụp lại hình ảnh,TBT Nguyễn Phú Trọng nổi tiếng với các câu nóng đánh động dư luận về nạn tham nhũng

Một vài người từng nhận xét rằng, ông Dũng là chính trị gia ‘quyền lực’ có thể tạo ra những thách thức đe dọa tới sự tồn vong của Đảng.

Năm 2015, trước thềm Đại hội 12, trên trang Nghiên cứu quốc tế, tác giả Lê Hồng Hiệp từng nhận định sức ảnh hưởng của ông Dũng đến Ban chấp hành Trung ương (BCHTW) là rất lớn: “phần đông bao gồm các quan chức thuộc chính phủ và các quan chức lãnh đạo cấp tỉnh thành, những người mà quyết định bổ nhiệm của họ đều được đưa ra hoặc chịu nhiều tác động bởi ông Dũng.”

“Ông Dũng có vai trò quan trọng trong phân bổ ngân sách nhà nước đến các chính quyền địa phương cũng như mối quan hệ tốt giữa ông và giới doanh nghiệp. Ông còn có ưu thế đối với Bộ Quốc phòng, và đặc biệt là Bộ Công an (nơi ông từng giữ chức Thứ trưởng).” Tiến sĩ Hiệp viết.

https://flo.uri.sh/visualisation/10555219/embed?auto=1

“Thời ông Nguyễn Tấn Dũng, Văn phòng Thủ tướng, bao gồm cả cố vấn cho Thủ tướng, đã trở nên quyền lực hơn phe đảng về chính sách, ngân sách và nguồn nhân lực. Trước Đổi mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có nhiều Ban Đảng song song với các Bộ, trực thuộc Hội đồng Bộ. Theo thời gian, số lượng các ban này phải giải thể và sáp nhập. Quyền lực của Thủ tướng mở rộng đến các tỉnh do ông kiểm soát ngân sách của họ và Đảng thất thế,” Giáo sư Carl Thayer nhận xét.

Theo lời nhận định của Giáo sư Carl Thayer, cựu Thủ tướng Dũng là chính trị gia “Việt Nam là trên hết” chứ không phải “Đảng là trên hết”.

“Ông Dũng đã để các Tổng công ty bành trướng vượt ngoài lợi ích cốt lõi của họ. Bất cứ thứ gì tạo ra lợi nhuận đều được hoan nghênh. Ông Dũng ít giám sát và các mạng lưới được phát triển theo đuổi lợi ích riêng của họ chứ không vì lợi ích quốc gia. Vụ bê bối tham nhũng liên quan đến Vinsahin và Vinalines là một ví dụ. Dưới thời ông Dũng, Quân đội giữ thế độc lập thông qua hệ thống toàn bộ là người của quân đội. Bộ Công an là nơi gần như không ai có thể chạm tới.”

Nước cờ của ông Trọng

Tuy là nhân vật quyền lực, ông Dũng cũng gây lo ngại cho nhiều người về những lập trường khá ‘cấp tiến’ của mình, nhất là vào những giai đoạn quan trọng về vấn đề nhân sự.

Theo đó, ông David Brown, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam nhận định với BBC:

“Hơn nữa, ông Dũng là một người có đầu óc thực dụng khi nói đến những mục tiêu của Trung Quốc, tôi cho rằng, ông ta ít ôm mộng tưởng và thiên về chủ nghĩa thực dụng hơn (điều mà ông Trọng gọi là sai lầm của sự ‘tự diễn biến’) và gồm cả việc những người ngoài Đảng trong việc xây dựng đất nước.”

Việt Nam: Nên phòng chống tham nhũng từ cấp tỉnh, thành?

VN: Đảng viên cộng sản và ‘bàn tay nhúng chàm’

Còn nhà quan sát ẩn danh từ TP HCM thì nói với BBC:

“Ông Dũng tỏ ra chống Trung Quốc dữ dội. Tháng 5/2014, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép ở Biển Đông, cựu Thủ tướng đã phát ngôn: ‘Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông’ – một câu nói đã làm phật lòng “người anh em Cộng sản”. Và việc ông Dũng để cho con gái mình là bà Nguyễn Thanh Phượng lấy doanh nhân Việt kiều Nguyễn Bảo Hoàng, con trai một sĩ quan chế độ cũ cũng gây nhiều lo ngại. Họ sợ ông Dũng thân Mỹ, gây căng thẳng không cần thiết với Trung Quốc sẽ dẫn đến bất ổn chính trị cho Việt Nam.”

“Còn vị Tổng bí thư vốn được cho là người mềm mỏng với Trung Quốc. Nhưng vào năm 2015, ông Trọng đã khôn khéo đến thăm Mỹ lần đầu tiên và được ông Obama tiếp đón tại Phòng Bầu dục. Sau đó, ông Trọng lại tiếp tục thăm Nhật Bản nhằm xây dựng hình ảnh ông ta có thể nói chuyện được với Tây phương và đồng thời, duy trì mối giao hảo với Trung Quốc. Như vậy, giúp xoa dịu được tâm lý chung của BCHTW.”

BBC

Ông David Brown thì nói thêm: “Vào năm 2015, phần lớn BCH TW dường như đã ngán ngẩm với những đổi mới của ông Dũng. Ông Trọng từng cảnh báo rằng ông Dũng và những thân hữu vô kỷ cương của ông ta đang làm suy yếu ‘tính chính danh’ của Đảng. Tính chính danh ở đây tức là niềm tin của dân chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng, rằng Đảng xứng đáng cầm quyền vì Đảng có đáp án chính xác cho những thách thức mà Việt Nam đang đối mặt.”

Dường như nắm bắt tâm lý quan ngại đó, ông Trọng đã tận dụng cơ hội dùng “Nghị quyết Đảng” để loại ông Dũng (xem thêm về ĐH Đảng XII).

Giáo sư Carl Thayer giải thích với BBC:

“Ông Trọng đã thắng thế nhờ vào việc thay đổi điều lệ Đảng khiến cho ông Dũng không thể nào tự ứng cử vào chức vụ cao hơn. Với luật mới, ông Dũng phải chấp nhận danh sách các ứng cử viên được BCHTW duyệt và được Bộ Chính trị thông qua.”

“Là một Giáo sư về Xây dựng Đảng, ông Trọng đã khôn khéo lồng vào các Nghị quyết Đảng – văn kiện quyền lực nhất – những điều có thể giúp ông gạt ông Nguyễn Tấn Dũng. Đó là Quyết định 244-QĐ/TW của BCH TW,” nhà quan sát từ Sài Gòn nói với BBC.

HOANG DINH NAM AFP

Trước đó, việc ứng cử viên cho BCH TW chỉ do Bộ Chính trị chỉ định đã gây điều tiếng về sự không minh bạch nên trong hai kỳ Đại hội 10 và 11, Đảng đã cho phép các đại biểu tự ứng cử hoặc đề cử các ứng cử viên nằm ngoài danh sách của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, ngay trước Đại hội 12- kỳ đại hội quyết định vận mệnh của ông Dũng, TBT Nguyễn Phú Trọng đã ký thông qua BCHTW khóa 11 Quyết định 244-QĐ/TW. Cụ thể, ở điều 13 của Quyết định này, quy định lại rằng ứng cử viên cho BCH TW Đảng phải được Bộ Chính trị thông qua.

“Đảng vận hành bằng Nghị quyết mà mọi Đảng viên đều phải tuân thủ. Quyết định 244 đã giúp ông Trọng có cơ sở vững chắc loại ông Dũng. Vì quyền lực cũng như sức ảnh hưởng của ông Dũng đến BCHTW rất cao, tại Đại hội 12, ông Dũng là đối thủ nặng ký nhất cho vị trí TBT. Tuy nhiên, bằng cách trao lại quyền quyết định danh sách ứng cử viên vào tay Bộ Chính trị, ông Trọng có thể yên tâm ông Dũng không thể nhận đề cử cũng như không tự ứng cử.” nhà quan sát này lý giải.

Trả lời BBC hôm 07/07/2022, ông David Hutt, nhà quan sát người Anh nhận định:

“Ông Trọng đã hạ bệ các mạng lưới quyền lực thân cận với ông Nguyễn Tấn Dũng. Việc củng cố quyền lực có lẽ là quan trọng nhất đối với Trọng trong năm 2016-2017, nhưng là củng cố quyền lực theo một cách khác. Ông Trọng muốn khôi phục đạo đức và luân lý xã hội chủ nghĩa cho ĐCSVN. Đó là một chiến dịch đi sâu vào ý thức hệ, chứ không đơn thuần là chống tham nhũng. Nhiệm vụ của ông Trọng là cứu Đảng cộng sản ra khỏi chính nó và ông Trọng nghĩ chỉ có ông ta mới có thể lãnh đạo Đảng trong sứ mệnh này.”

Đốt lò kỳ 2: Tổng bí thư chống tham nhũng còn để ‘khôi phục đạo lý XHCN’

  • Bùi Thư
  • BBC News Tiếng Việt

27 tháng 7 2022

BBC

“Lửa” trong lò của TBT Nguyễn Phú Trọng không những thiêu rụi sự nghiệp chính trị của những quan chức chính quyền địa phương và trung ương, các giám đốc điều hành doanh nghiệp quốc doanh mà còn lan sang cả những tướng lĩnh, sĩ quan công an và quân đội – đúng theo lời ông nói “không vùng cấm, không ngoại lệ”.

Ông Trọng không chỉ nói suông những diễn ngôn hùng hồn cho công cuộc đốt lò, ông thực sự ban hành các chính sách và quy định chống tham nhũng nội bộ đơn cử Quy định 102-QĐ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2017.

Chiến dịch đốt lò kỳ 1: TBT Nguyễn Phú Trọng chống tham nhũng để cứu Đảng

Bị cảnh cáo, ông Nguyễn Thành Phong sẽ không đối diện truy cứu hình sự?

Tham nhũng ở Việt Nam ‘là việc trong nhà của Đảng CS và giới thượng lưu chính trị’?

Quy định nêu rõ rằng “tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời”. Quyết liệt hơn, Quy định này còn nói rằng ngay cả các quan chức thuộc Đảng đã qua đời vẫn có thể bị xử lý kỷ luật nếu vi phạm của họ đặc biệt nghiêm trọng.

Giáo sư Carl Thayer nhận xét với BBC hôm 05/07/2022:

“Trong những năm sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng nghỉ từ Đại hội Đảng 12 (năm 2016), có vẻ những thuộc cấp được hưởng lợi từ giai đoạn nắm quyền lỏng lẻo của ông ta là mục tiêu của chiến dịch chống tham nhũng. Nhưng ngẫm lại, chiến dịch này đã giăng ra một cái lưới lớn hơn, nạn nhân của chiến dịch đến từ một số bộ, ngành ngày càng mở rộng ra. Gần đây phải kể đến Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội,…Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã được thành lập ở tất cả 63 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc Trung ương.”

https://flo.uri.sh/visualisation/10513517/embed?auto=1

Thời kỳ Đảng Cộng sản suy yếu

Khi bước vào thời kỳ Đổi mới, Việt Nam bắt đầu chuyển đổi mô hình sang kinh tế thị trường và điều này dẫn đến nhu cầu quản lý kinh tế – xã hội bằng pháp luật cũng như nhấn mạnh vai trò của chính phủ.

Nhà bình luận giấu tên từ Sài Gòn nói với BBC:

“Từ thời ông Võ Văn Kiệt, ông Phan Văn Khải và đỉnh điểm là ông Nguyễn Tấn Dũng, quyền lực của chính phủ đã mạnh lên rất nhiều. Quyền lực từ Văn phòng Trung ương Đảng sang Văn phòng Chính phủ với việc nhiều Ban Đảng đã phải giải thể hoặc sáp nhập. Nhiều ứng cử viên do Trung ương Đảng sắp xếp về làm Bí thư thành ủy các thành phố lớn đều thất cử. Nền chính trị Việt Nam có dấu hiệu ly khai của các phe phái khi Đảng suy yếu: phe chính phủ, phe quân đội, phe công an và thế lực chính quyền địa phương.”

“Mô hình xã hội chủ nghĩa bị đe dọa, có nguy cơ sụp đổ nên ông Trọng – người mang sứ mệnh then chốt là xây dựng Đảng phải có nhiệm vụ thâu tóm quyền lực. Chiến dịch chống tham nhũng chỉ là một phần trong chiến dịch lớn hơn để xây dựng Đảng theo khuôn mẫu mà ông Trọng cho là lý tưởng. Chính nguy cỡ đổ vỡ trật tự khi các cơ cấu như chính phủ, quân đội, công an và chính quyền địa phương có xu hướng ly khai khỏi vòng kiềm tỏa của Đảng, mới đích thị là mối bận tâm lớn nhất của ông Trọng.”

“Như vậy, dễ hiểu vì sao Nguyễn Phú Trọng lại khai hỏa một chiến dịch với quy mô và cường độ chưa từng thấy trước đó. Các quan chức chính quyền địa phương và trung ương đến các tướng lĩnh, sĩ quan công an và quân đội trước đó được miễn trừ đều bị đưa vào lò.” nhà bình luận ở Sài Gòn nêu ý kiến.

BBC

David Hutt, nhà bình luận chính trị nói thêm với BBC:

“Việc củng cố quyền lực có lẽ là quan trọng nhất đối với ông Trọng trong năm 2016 và 2017, nhưng ông Trọng thực sự muốn khôi phục đạo đức và đạo lý của xã hội chủ nghĩa cho ĐCSVN. Ông ta muốn loại bỏ những người gia nhập Đảng chỉ để trục lợi nhờ vào chức vụ và làm giàu cho bản thân. Đó là một chiến dịch ý thức hệ chứ không đơn thuần là chống tham nhũng. Nhiệm vụ của ông Trọng là cứu rỗi ĐCSVN ra khỏi chính nó và ông ta rõ ràng nghĩ, chỉ mỗi ông ấy có thể dẫn dắt Đảng trong sứ mệnh này.”

Về điểm này, Giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng ông Trọng muốn thúc đẩy để cải cách các thủ tục Đảng nhằm loại bỏ quan tham chứ không phải xây dựng quyền lực cá nhân:

“Ông ta đã sửa đổi điều lệ và quy định Đảng, đưa ra danh sách 19 điều đảng viên không nên làm để củng cố chiến dịch xây dựng Đảng và đây sẽ là di sản của ông Trọng” GS nhận xét.

‘Đưa Đảng về lại ngôi vị quyền lực’

Khởi điểm chính thức trong chiến dịch đốt lò của ông Trọng là một cuộc bỏ phiếu của đảng vào năm 2012. Theo đó, ông Trọng đã thành công nhận được ủng hộ của BCHTW chuyển giao việc phòng chống tham nhũng từ văn phòng thủ tướng sang một ban do đảng lập ra và quản lý, tức “Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng”.

Nhà bình luận chính trị trong nước giấu tên cho đây là động thái ý chỉ Đảng thu quyền lực về tay mình, cụ thể là biến ông Trọng thành “người phán xử”. Vì trước đó, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người giữ chức Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

“Ông Trọng đã thành công loại bỏ ông Dũng để kiểm soát phe chính phủ. Tiếp đó, ông Trọng đánh tới phe chính quyền địa phương bằng việc bắt bớ một dây lãnh đạo địa phương như Đà Nẵng, TP HCM, khiến những địa phương khác phải dè chừng” người này nói.

Sau đó, vụ án Vũ Nhôm – các công ty bình phong lo kinh tài cho phía công an với sự chống lưng của các thứ trưởng, trung tướng và tổng cục tình báo cũng bị lôi ra xét xử.

Các cựu Tư lệnh Vùng cảnh sát biển như Lê Xuân Thanh, cựu thiếu tướng Lê Văn Minh liên quan đường dây buôn lậu xăng dầu cũng bị đưa ra ánh sáng.

Những Tư lệnh, cựu Đô đốc Hải quân, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng như ông Nguyễn Văn Hiến cũng bị xử lý.

Vụ xử hai nhân vật tên tuổi như Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh cũng đều là những vụ án điển hình. Ông Thăng trở thành đương kim ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên trong lịch sử ĐCSVN bị truy tố về tội tham nhũng.

Các cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông như Trương Minh Tuấn và người tiền nhiệm Nguyễn Bắc Son đều bị truy tố với cùng tội danh “nhận hối lộ” và thậm chí bị đề nghị án tử.

BBC

Nhà quan sát từ Sài Gòn nêu: “Bây giờ nghe tới Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng là nhiều cấp, bộ, ban ngành đều sợ. Sau thời ông Lê Thanh Hải thì Trung ương Đảng – cụ thể là Bộ Chính trị là nơi quyết định vị trí Bí thư TP HCM: Đinh La Thăng, Nguyễn Thiện Nhân và bây giờ Nguyễn Văn Nên. Những thế lực địa phương bây giờ không còn khả năng thâu tóm nữa.”

“Hay như ở Đà Nẵng, lịch sử lâu nay chưa bao giờ có Bí thư là người ngoài vùng Quảng Nam, Đà Nẵng nhưng sau khi các cán bộ ở Đà Nẵng bị bắt, Trung ương lại cử một ông ở Hải Phòng (Nguyễn Văn Quảng) về làm Bí thư, phá vỡ quyền lực tại địa phương và cho thấy phe Đảng đang mạnh lên.”

Theo đó, ông Trọng đã thành công thâu tóm quyền lực của nhóm địa phương về tay Đảng, vốn bị suy yếu dưới thời cựu Thủ tướng và hướng tới phe công an, quân đội.

Vụ ‘Vũ nhôm’ và cuộc chiến không vùng cấm

VN: Đảng viên cộng sản và ‘bàn tay nhúng chàm’

“Lâu giờ trong điều lệ Đảng quy định Tổng bí thư là kiêm bí thư quân ủy trung ương, tức nắm đảng ủy bên quân đội, nhưng sẽ không tham gia bên công an. Nhưng tới thời ông Trọng, ông ta tạo tiền lệ cho chính ông tham gia vào đảng ủy công an trung ương và cũng lần đầu tiên, ông tham gia họp thường kỳ bên chính phủ.

“Đây là những hiện tượng phản ánh xu hướng ông muốn khôi phục lại quyền kiểm soát của phe Đảng trong tất cả cơ cấu khác trong hệ thống chính trị. Như vậy, chiến dịch chống tham nhũng chỉ nằm trong một chiến dịch lớn hơn, là tái xác lập lại quyền lực của Đảng cũng như trật tự cộng sản vốn bị xói mòn trong giai đoạn buộc phải mở cửa vì kinh tế,” nhà quan sát giấu tên nhận định.

https://flo.uri.sh/visualisation/10555219/embed?auto=1

Tiến sĩ Zachary Abuza, giáo sư tại National War College, Washington, DC, Hoa Kỳ gọi chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng là “đưa Đảng trở về ngôi vị quyền lực”.

“Nguyễn Tấn Dũng không phải là một tín đồ của Đảng và bây giờ vẫn vậy. Dưới thời ông Dũng, nền kinh tế đã phát triển và trở nên quá phức tạp để Đảng có thể quản lý – rất nhiều quyền quyết định đã được trao cho các nhà kỹ trị. Điều này khiến vị Tổng bí thư hết sức khó chịu. Tại Đại hội 12, ông Trọng đã không thanh trừng ông Dũng, nhưng ông Trọng đã dành 5 năm tiếp theo để phá bỏ phe phái quyền lực của ông Dũng.”

“Quan trọng hơn, tại Đại hội 12, ông Trọng tái khẳng định quyền ra quyết định là thuộc về ĐCSVN. Sự củng cố quyền lực này tiếp tục diễn ra ở Đại hội 13. Vì vậy, chiến dịch chống tham nhũng không chỉ là thù địch cá nhân hay chủ nghĩa bè phái, mà là một cuộc tranh đấu rõ ràng về vai trò độc tôn của ĐCSVN,” tiến sĩ Abuza kết luận.

Câu hỏi đến nay là chống tham nhũng trong nội bộ ĐCSVN đến đâu thì đủ, và liệu tổ chức này còn có thể “chữa khỏi” căn bệnh tham nhũng khi cả hệ thống đang sống với kinh tế thị trường, hay là không?

Chiến dịch đốt lò kỳ 3: Căn bệnh trầm kha phải nhờ tới ‘Hoa Đà’.

Đảng CSVN đốt lò kỳ 3: Bệnh trầm kha cần nhờ tới ‘Hoa Đà bổ não’?

  • Bùi Thư
  • BBC News Tiếng Việt

29 tháng 7 2022

BBC

Chiến dịch chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ‘cầm cân nảy mực’ đã giúp thâu tóm quyền lực về tay Đảng.

Nhưng chiến dịch này vẫn bị cho là đã bộc lộ nhiều khuyết điểm và nhiều người cho rằng, Đảng đứng ra chống tham nhũng như “tự giải phẫu thân thể mình”.

Ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói với BBC rằng, muốn loại được tham nhũng chỉ có thể nhờ vào dân:

“Bệnh tham nhũng ở Việt Nam đã thâm nhập vào trong nghị quyết là suy thoái tư tưởng, tức đã lên tới não rồi nên đụng vào bộ, ban nào cũng đều có vấn đề, đụng vô là thấy ăn của dân. Mà Đảng đứng ra chống tham nhũng thì khác gì tự cầm dao giải phẫu thân thể mình, nên trao lại cho người dân làm.”

Chiến dịch đốt lò kỳ 1: TBT Nguyễn Phú Trọng chống tham nhũng để cứu Đảng

Đốt lò kỳ 2: TBT Nguyễn Phú Trọng thâu tóm quyền lực về tay Đảng ra sao?

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cũng có ý kiến tương tự, pháp lệnh về dân chủ cơ sở đã tóm gọn vai trò của người dân: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và nếu thực hiện được thì công cuộc phòng, chống tham nhũng sẽ tốt lên rất nhiều.”

Tham nhũng cao vì đạo đức không chống được thị trường?

Những phát ngôn gây bão một thời về nạn tham nhũng gần đây được nhiều người trích dẫn lại. Dường như sau gần 10 năm, câu nói “Bây giờ người ta ăn của dân không từ một cái gì” của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan hay câu “Nếu cách chức hết thì lấy ai làm việc” của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vẫn đúng với hiện tại.

Giáo sư Carl Thayer đánh giá: “Các cuộc bắt bớ mới nhất trong vụ bê bối liên quan đến Covid gồm Việt Á và các chuyến bay hồi hương trục lợi đã chứng minh: sau chín năm nỗ lực chống tham nhũng, tiêu cực, các quan chức cấp cao đã không mảy may sợ sệt khi nhúng chàm vào năm 2021.”

https://flo.uri.sh/visualisation/10513517/embed?auto=1

Ông Trần Quốc Thuận thì nhìn nhận, nếu như liệu pháp chính trị như khai trừ khỏi đảng mà có tác dụng thì đã không xảy ra những vụ “long trời lở đất” như Việt Á: “Quan chức nào bị bắt cũng có bằng lý luận chính trị cao cấp nhưng vẫn tham nhũng thì rõ ràng, đó không phải là thuốc thánh. Ta học về chủ nghĩa Mác-Lê nin, lịch sử đảng thực chất là đào tạo sự trung thành với chế độ, chứ không phải đạo đức xã hội.”

Còn Tiến sĩ Zachary Abuza, giáo sư tại National War College, Washington phân tích:

“Thứ nhất, Việt Nam vẫn mắc kẹt giữa kế hoạch thị trường với việc nhà nước nắm giữ quá nhiều quyền lực trong việc phân bổ các yếu tố đầu vào chủ chốt và đôi khi khan hiếm, chẳng hạn như đất đai và nguồn vốn. Quá trình xin cấp phép hoặc đấu thầu vẫn còn quá mù mờ. Quá nhiều quyền tự quyết nằm trong tay phần lớn những cán bộ không đủ năng lực và quan chức hám lợi. Tôi nghĩ chúng ta nhìn nhận một bước phát triển quan trọng trong nền kinh tế chính trị của Việt Nam: sự gia tăng quyền lực và ảnh hưởng của các nhóm lợi ích trong thời gian gần đây.”

BBC

Tương tự, Giáo sư Thayer cho rằng, tham nhũng nổi lên như một vấn đề nghiêm trọng khi Việt Nam bỏ kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp và theo đuổi kinh tế thị trường.

“Cải cách kinh tế dẫn đến việc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, sự ra đời của các tổng công ty lớn và dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam. Khi nền kinh tế thay đổi, hệ thống chính trị của Việt Nam vẫn là quốc gia độc đảng. Việt Nam thiếu tam quyền phân lập; thiếu sự giám sát của báo chí, nền tư pháp độc lập và một xã hội dân sự sôi nổi. Trong khi những tiến bộ đã được thực hiện kể từ đầu những năm 1990 nhằm hiện đại hóa hệ thống lập pháp và xây dựng “nhà nước pháp quyền”, thì đảng bộ các cấp và tất cả các cơ quan đều nắm giữ quá nhiều quyền lực,” theo ông Carl Thayer.

https://flo.uri.sh/visualisation/10555219/embed?auto=1

Còn giáo sư Abuza từ Hoa Kỳ nói thêm:

“Về mặt hiến pháp, Đảng Cộng sản vẫn đứng trên pháp luật. Các đảng viên thường hy vọng rằng, cuộc điều tra nội bộ đảng sẽ bao che cho việc làm của họ để không phơi bày nạn tham nhũng trong đảng. Hơn nữa, mọi người đều hiểu tay ai cũng nhúng chàm và Việt Nam không có tự do báo chí hay xã hội dân sự để giám sát tham nhũng.”

Nhà giáo nói ‘bị Đảng giam tại gia hơn 20 năm vì chống tham nhũng’

VN: Đảng viên cộng sản và ‘bàn tay nhúng chàm’

Những lần “đau xót khi kỷ luật đồng chí” của ông Nguyễn Phú Trọng

Đại biểu Quốc hội khóa XII và XII Lê Như Tiến từng phát biểu tương tự về chuyện bao che: “Khi có tham nhũng xảy ra, chính người đứng đầu lại chỉ đạo, biến báo, nhào nặn số liệu, làm phép thuật để tham nhũng chỉ còn là khuyết điểm hoặc sơ suất, chỉ xử lý nội bộ ở mức phê bình, nhắc nhở, hoặc chuyển công tác lên cấp cao hơn. Có vị đại biểu tâm sự, mỗi lần ra họp Quốc hội, lãnh đạo địa phương căn dặn rất kỹ lưỡng, muốn phát biểu gì cũng được trừ phát biểu về tham nhũng.. Thế là tiếng nói chống tham nhũng có nguy cơ bị triệt tiêu ngay trên diễn đàn Quốc hội.”

Còn ông David Brown, cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam cho rằng: “Những quan chức đơn giản không thể “trong sạch” được. Họ muốn con cái mình thụ hưởng nền giáo dục tốt, có thể cha mẹ cần chăm lo. Hầu hết quan chức đều muốn có nhà có xe, có cuộc sống về hưu an nhàn trong khi nhà nước không trả đủ cho họ. Họ có thể phản pháo rằng, chính nhà nước cho họ cái quyền để sử dụng chức vụ của mình để đảm bảo thêm thu nhập.”

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp từ Singapore cũng cho rằng, chuyện lương bổng cán bộ là điều quan trọng: “Tiền lương thì 10 năm nay không tăng trong khi lạm phát ngày càng cao. Điều này thúc đẩy nhiều quan chức hướng về chuyện tham nhũng,” theo ông Hợp.

Căn bệnh phải nhờ tới Hoa Đà

Nhà bình luận chính trị người Anh, David Hutt nói với BBC, chiến dịch đốt lò của ông Trọng “không bao giờ giải quyết rốt ráo nạn tham nhũng có hệ thống”.

Ông lý giải: “Chính hệ thống chính trị ở Việt Nam là nguyên nhân sâu xa của tham nhũng. Ông Trọng chỉ đánh vào việc cải tổ đạo đức của các cán bộ đảng viên, chứ không phải bản thân hệ thống. Ông ta từng nói, đánh chuột đừng để vỡ bình, tức không động vào cơ chế, hệ thống. Vì thế, nhiều khả năng, cuộc chiến chống tham nhũng sẽ suy yếu khi ông Trọng từ chức.”

Đồng ý kiến, ông Trần Quốc Thuận cho rằng: “Tổng bí thư nói không cần tham nhũng, không thể tham nhũng, không dám tham nhũng nhưng thực tế cho thấy, hễ có cơ hội là quan chức đục khoét của dân, chứng tỏ tham nhũng đã thâm căn cố đế của bộ máy.”

https://www.bbc.com/ws/av-embeds/cps/vietnamese/vietnam-62145619/p0cckthm/viChụp lại video,

Ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh bị khởi tố, tạm giam, khám nhà

Ông Trần Quốc Thuận còn ví von tham nhũng là bệnh và cần có người chữa trị cũng như Tào Tháo bị khối u trong não cần Hoa Đà cứu giúp.

Tuy nhiên, vì tính đa nghi nên Tào Tháo nghĩ Hoa Đà định giết mình, bèn nhốt Hoa Đà vào ngục rồi xử tử. Cũng như Đảng, muốn trị tham nhũng, phải nhờ đến dân.

“Đến cả những danh y không thể tự bổ não cho mình thì mong Đảng đừng như Tào Tháo, tự triệt đường cứu chữa của mình. Đừng xử tử người dân bằng việc sử dụng các điều luật như 331 “Tội lợi dụng quyền tự do dân chủ” để hình sự hóa việc lên tiếng, góp ý của họ” ông Thuận đúc kết.

Quyền lực tuyệt đối – tham nhũng tuyệt đối

Nhà bình luận David Hutt cho rằng, chiến dịch đốt lò không vô ích nhưng đã đến lúc “người dân Việt Nam nên xem xét liệu Đảng có nên đi đầu trong việc loại bỏ nạn tham nhũng hay không”.

“Cần xem xét vai trò của người dân trong việc giải quyết nạn tham nhũng. Hãy nói thẳng thắn rằng, chừng nào ĐCSVN còn nắm quyền toàn diện, chừng ấy tham nhũng vẫn diễn ra quy mô lớn. Câu hỏi đặt ra là, mức độ tham nhũng trong ngưỡng cho phép mà người dân chịu được là bao nhiêu.”

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp chỉ ra điểm thiếu sót:

“Theo điều lệ Đảng, ví dụ ủy ban kiểm tra trung ương sẽ có ban chấp hành trung ương đảng giám sát, nhưng ban chấp hành đảng giám sát thông qua các hội nghị trung ương, hỏi tới nữa thì lại không giải thích được. Như vậy, dường như quá trình giám sát, kiểm tra đang có vấn đề. Như vậy làm sao đảm bảo họ làm đúng pháp quyền được.”

BBC

Từ đó, ông Hợp đúc kết bốn điểm quan trọng đó là phải để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

“Dân biết, dân bàn tức dân sử dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin. Muốn như vậy, nhà nước phải mở cửa cho người dân tham gia. Và khi người dân lên tiếng thì đừng cáo buộc, chụp mũ họ lợi dụng quyền này quyền kia hay để bắt bớ, đàn áp.”

“Dân làm, nghĩa là khi dân phát hiện ra những vụ việc tham nhũng thì được đưa những người có thẩm quyền đến kiểm tra xem đủ yếu tố cấu thành tội hay không. Còn dân kiểm tra là khâu cực kỳ quan trọng để xác định những bước trên đúng và minh bạch hay chưa. Có làm được như vậy thì chống tham nhũng mới có thể hiệu quả hơn bây giờ,” ông Hợp tổng kết.

Những lần “đau xót khi kỷ luật đồng chí” của ông Nguyễn Phú Trọng

Việt Nam: Nên phòng chống tham nhũng từ cấp tỉnh, thành?

Ông Thuận bình luận: “Khi quyền lực tuyệt đối không bị kiểm soát thì tham nhũng là tuyệt đối và Việt Nam là như thế. Việt Nam nên có bầu cử, ứng cử tự do. Vẫn có thể giữ cơ chế Đảng cử dân bầu nhưng có thể mở một cánh cửa để người dân được ứng cử, bầu cử tự do để giúp Đảng lựa ra những lãnh đạo tốt. Trả quyền lực cho người dân có thể là thông qua lá phiếu nhưng việc này hiện nay vẫn còn e ngại.”

“H20+O mà muốn có nước thì phải có tia lửa điện. Và tia lửa này phải đến từ người dân. Tây Sơn Tam Kiệt, ba anh em nhà Quang Trung cũng là những người xuất phát từ chống quan tham địa phương, rồi trở thành anh hùng dân tộc, mở đường thống nhất đất nước, đánh đuổi nhà Thanh. Vì thế, một dân tộc có lịch sử oai hùng, hiển hách như Việt nam thì không thể để đất nước bị bọn tham ô hoành hành mãi được.”

Để lại lời nhắn

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.