“gánh ve chai cuối năm”-truyện ngắn của ĐHKT Trang Y Hạ

Gánh Ve Chai Cuối Năm

ĐHKT Trang Y Hạ

Bước xuống xe, tôi nhìn quanh quẩn…, khung cảnh ngày ra đi so với bây giờ cũng không khác gì mấy, có chăng là vựa ve chai của chú em trong mấy ngày cuối năm chất đầy ắp và lấn ra cả ngoài đường. Vựa ve chai của chú em đã có từ lâu. Thời gian sau nầy có lẽ do làm ăn chăm chỉ, tiền tặn nên phát triển thêm. Tiếc rằng, diện tích quá chật không đủ sức để chứa hàng.

Vào tháng chạp, nhà nào cũng dọn dẹp sạch sẽ để đón xuân. Các vật dụng không cần thiết được tống khứ, và những gánh ve chai oằn vai nặng trĩu!

Tôi về nước lần nầy mục đích là thăm mẹ già, bà đã gần chín mươi tuổi. Lưng còng, tai có nghễnh ngãng nhưng cặp mắt còn sáng tỏ, nhất là giọng nói chưa run, tay chân cũng vậy, còn tự ngoáy trầu để ăn được. Mỗi sáng bắt ghế cùng ngồi với mẹ tôi ở trước hiên nhà nhìn người ta gánh hoặc chở ve chai đến bán. Nhìn người em dâu tất bật vừa cân hàng xong là lật đật chạy ra chợ mua thức ăn – chợ gần nhà khoảng vài trăm thước. Còn chú em làm liền tay, mặc dầu có tăng cường thêm hai người làm phụ nữa. Mồ hôi, mồ kê ướt đẫm lưng áo của họ. Tôi muốn ra làm giúp nhưng chú em cản không cho.

Mẹ tôi rất là vui – bởi, xuân nầy con… có về !

Mẹ tôi nói chậm rãi gần như là nhắc khéo:

– Mẹ cứ nghĩ tết nầy con mà không về thì mẹ buồn lắm – con lại ăn tết bên Mỹ – bên Mỹ làm chi có tết Việt mà ăn. Những năm trước con còn ở Sài Gòn, khoảng hai mươi sáu, hai mươi bảy tháng chạp là con về – chuẩn bị gói bánh tét, nấu chờ đón giao thừa. Kể từ ngày con đi biền biệt đến nay mấy đứa đâu có thèm gói bánh, cứ ra chợ mua đại mấy đòn về chưng trên bàn thờ… Năm nay con về thì con có muốn gói thì gói; mà mẹ coi bộ cái tuổi trên sáu mươi lại mập ú ù như vầy, chắc cũng không ngồi lâu được bao nhiêu đâu mà gói. Thôi để thằng Út đi đặt người ta cho tiện. Nhà bận rộn buôn bán thì đành chịu vậy chứ sao.

Mẹ tôi nói đúng! Bà hiểu thấu tâm can của thằng con trai đầu. Đi xa bao nhiêu năm nay trở về thời gian không nhiều mà anh chị em bà con bên nội ngoại quá đông, chưa kể bạn hữu đến thăm hỏi. Mời chung vui tất niên.

Gánh ve chai trên vai người phụ nữ vừa để xuống. Trên khuôn mặt vẫn còn mang cái “khẩu trang” kín mít như phụ nữ Hồi giáo. Đôi mắt long lanh nhìn tôi, nhìn qua thằng em tôi… Tôi nghĩ, chắc cô ta thấy tôi sao giống chú em của tôi “Ông chủ vựa ve chai”. Tôi chào và cô ta cũng gật đầu chào lại nhưng tuyệt nhiên không lấy khẩu trang ra. Tôi đoán mò tuổi qua đôi bàn tay – Có lẽ cô ấy khoảng ba mươi tuổi là cùng…

Mẹ tôi vừa xếp gọn những lá trầu vừa chậm rãi nói:

– Mấy năm nay nhờ ơn Chúa Mẹ, mấy em con làm ăn cũng khấm khá… Con Bảy cất được cái nhà mới, con Tám cũng vậy… Tuy còn thiếu nợ, nhưng ông bà mình từ xưa đã nói – “Một năm làm nhà ba năm mắc nợ”. Cháo nóng ăn quanh, nợ trả dần có sao đâu. Người ta cho trả nợ lần hồi là mừng lắm rồi! Con Sáu, con Bốn đã ổn định từ lâu. Thằng Út cũng xây lại căn nhà nên con về mới thấy khang trang rộng rãi như vầy. Hơn nữa nó xây cái nhà vệ sinh, gắn gạch men trắng toát để con về có chỗ mà tắm… Mấy đứa cháu lớn tụi nó về Sai Gòn vô đại học – học hành đỗ đạt – có đứa ra trường đi làm, không giàu có gì nhưng cuộc sống cũng tạm ổn.

Tôi rất hiểu tấm lòng của mẹ và vợ chồng chú em, nhưng tôi im lặng – nói ra thì cũng như bằng thừa có khi lại khách sáo.

– Mẹ chết! Thằng Hai mầy có về không?

Câu hỏi của mẹ làm cho tôi hơi bất ngờ. Tôi cầm cái cối và cái chìa ngoáy trầu làm bằng đồng, giả bộ ngoáy… – đưa lên miệng ăn. Mẹ tôi cười!

Tôi nói:

– Mẹ chết rồi con về làm chi nữa! Khi mẹ còn sống con không thường xuyên về thăm mẹ đến khi mẹ mất con về thì mẹ cũng đâu có thấy con. Khi ấy con có làm đám tang ăn uống ca hát tưng bừng chẳng qua chỉ để khoe với người sống mà thôi!

– Ừ hé! Thằng Hai mầy nói mẹ nghe cũng có lý… Mẹ thấy gia đình lão Củng dưới Cầu Đen đó. Khi lão ấy chết, mấy thằng con trai ở đâu không biết, nghe tin cha chết đi xe hơi rần rần về làm đám ma linh đình ăn uống mấy ngày… Sau đám tang chúng nó tranh giành nhau tiền phúng điếu oánh lộn la ó ỏm tỏi chẳng ra thể thống gì. Đến nay cái mộ cha của chúng nó mà chúng nó cũng không xây nổi.

Người phụ nữ tháo bỏ khẩu trang treo lên đầu gióng, đi lại vòi nước nằm kế hàng rào rửa mặt, vuốt lại mái tóc và búi cao lên cho mát để lộ ra cái gáy trắng ngần. Đúng như dự đoán của tôi. Nàng khoảng ba mươi tuổi, không đẹp lắm nhưng có duyên.

– Dạ… Hình như Chú là Việt kiều mới về?

Cô nàng hỏi rất ư là tự nhiên cứ như cô nàng là người thân quen trong nhà. Chợt nghe mẹ tôi hỏi cô ấy:

– Hôm nay con có mua được khá không?

– Cuối năm người ta ăn tất niên, lon bia và thùng giấy hơi nhiều bà ơi! Cô ấy trả lời.

Thì ra cô gái nầy là khách hàng lâu năm ở cái vựa ve chai của chú em tôi. Hèn chi, không thân quen mới là chuyện lạ.

– Tôi định cư ở nước ngoài nhưng không phải là “Việt kiều”. * Tôi là anh ruột của “chủ vựa ve chai” nầy. Tôi trả lời cô gái.

– Thoáng nhìn, con thấy hai người giống nhau quá! Ai ở nước ngoài về Việt Nam đều gọi chung là Việt kiều, sao Chú không công nhận?

– Cô nói đúng! Tuy nhiên có một số người không phải là Việt kiều, họ là những người “tỵ nạn chính trị”! Như tôi chẳng hạn.

Mẹ tôi nói chen vào:

– Đây là con trai đầu của bà đó, trước kia đi lính miền Nam. Khi miền Nam “giải phóng” được nhà nước khoan hồng -không giết nên đã đưa đi “cải tạo” tám năm để thành “người tốt”. Bây giờ ngồi nghĩ lại mà ngán ngẫm! Bảy tám năm dài đăng đẳng. Vậy mà nhiều người đi những mười mấy năm…, chưa nói bỏ xác trên rừng thiêng nước độc. Thằng Hai biết không: Cha cô ấy cũng là lính – là thương phế binh miền Nam! Ông ấy còn sống và sốt sắng giữ đạo. Mẹ đối với cháu đây tình thân như bà cháu, như người nhà – nhà cháu nó cũng nghèo – nghèo nên mới đi mua ve chai để nuôi con, nuôi cha.

Tôi nghe lòng mình chùng xuống và một nỗi buồn dâng lên cuộn cuồn… Những ngày đầu “giải phóng”, hình ảnh những người lính đang chiến đấu với tất cả những quyết tâm giữ nước. Tự dưng buộc phải quăng súng đầu hàng vô điều kiện, nhìn phương tiện chiến đấu còn đầy đủ mà đành phải trút bỏ bộ quân phục ngoài đường để chạy thoát thân – chạy cũng không thoát được! Những người lành mạnh còn như vậy huống hồ những anh chị em thương phế binh thì càng thê thảm biết bao nhiêu. Mất miền Nam – coi như đã chết hoàn toàn. Cấp chỉ huy của họ – một số đào thoát. Một số tận trung báo quốc tuẩn tiết vì quê hương vì chính nghĩa không chịu đầu hàng, và đa số còn lại đi “học tập cải tạo”! Đã qua hai thế hệ, nhưng hận thù vẫn còn nguyên cho dù không còn tiếng súng; không còn bom rơi đạn lạc; không còn nghe tiếng đạn pháo kích đêm đêm từ ngoài bưng biền, trên rừng rót về… Những trái mìn giật sập cầu và còn nằm đâu đó dưới mặt đường chờ đợi… Con cháu những chiến binh mang họ “Ngụy” suốt đời vẫn là: “Ngụy tay sai bán nước, bán đất, bán biển, bán rừng cho bọn đế quốc Mỹ xâm lược”. Họ bị phe cách mạng nguyền rủa muôn đời! Bị “giải phóng” tức là thua – thua thì coi như đã chết. Không có quyền biện minh với bất cứ lý do gì. Tất cả mọi tội lỗi xấu xa nhất đều đổ ập lên đầu họ, lên cái Chính quyền tự do miền Nam nay đã “được giải phóng!”. Ngay cả với một đồng minh thân thiết cũng phản bội, cũng đổ thừa và rửa tay như “Phi la tô”; đau đớn hơn hết là chính những người cùng chiến tuyến dưới cờ năm xưa, nay vì lý do nào đó hoặc háo danh, hoặc hận thù cá nhân… đã viết sách kể công cũng như lên án chế độ Diệm – Thiệu. Miệt thị màu cờ sắc áo của chính mình đã một thời hết lòng phục vụ mà không cần chờ cho lịch sử công bình soi xét. Họ “hồ hởi!” chửi lên những xác chết – xác chết có bao giờ sống dậy được để mà biện minh …! Họ chửi có bài bản – logic…, chửi hay hơn kẻ thù chửi ! Hay hơn nữa – có một số tướng tá, viên chức chính quyền bỏ chạy trước khi mất nước, và một số – từng được đưa đi “học tập cải tạo” nhiều năm, nay đã “giác ngộ cách mạng” – đã và đang ca tụng “cách mạng” có công đánh Mỹ, diệt ngụy thống nhất đất nước… Phải chi họ cứ im lặng mà sống cho hết quãng đời lưu vong tỵ nạn nơi xứ người thì hay biết mấy (!)

Tôi nhìn người phụ nữ và ngập ngừng nói:

– Mẹ tôi khai “lý lịch” cho cô biết về tôi rồi đấy. Vậy nếu không có gì phiền, cô có thể cho tôi hỏi vài câu có được không vậy cô?

Có lẽ cô gái đoán biết được ý nghĩ của tôi…. Không đợi tôi đặt câu hỏi. Cô gái sốt sắng:

– Dạ thưa chú! Con không biết cha con đi sắc lính gì, nhưng cha con bị thương ở chiến trường Kontum trong “Mùa Hè Đỏ Lửa” năm một ngàn chín bảy mươi hai. Nghe mẹ con nói – Tất cả người dân phải di tản khỏi tỉnh, trong đó có gia đình con. Kể từ đó gia đình con chuyển luôn về Sa Đéc – Sa đéc là quê nội của con. Sau khi bị thương ba con được giải ngũ. Ngày “giải phóng” ba con chỉ được đi “cải tạo” tại địa phương một tháng. Nghe nói: Ba con làm Đại đội trưởng gì đó… Con không dám hỏi sợ ba buồn. Ba chỉ tâm sự với mẹ…, con chỉ nghe lõm bõm được mấy câu: “Tui cảm ơn bà tần tảo nuôi mấy đứa con. Chúng mình như những đứa con ghẻ, sống cũng như chết, lưu vong chính trên quê hương đất nước của mình. Tội nghiệp mấy đứa nhỏ mang cái lý lịch của tui và cũng tội cho bà ngày xưa chúng mình lấy nhau thì tui mãi lo đi hành quân…”.

Những lúc nghe cha than thở với mẹ như vậy, mẹ con thường an ủi ba con “Sau cuộc chiến mình còn sống đến hôm nay coi như hột gạo trên sàng, nhắc làm chi cho thêm buồn. Em tin ở ông trời có con mắt”.

Sau nầy lớn lên con mới hiểu những lời tâm sự của ba con. Khi ở ngoài xã hội người ta phân chia rạch ròi, nào là: Gia đình có công với cách mạng – gia đình thương binh liệt sĩ – gia đình cách mạng – gia đình bộ đội – Mẹ Việt Nam anh hùng… Dĩ nhiên quyền lợi luôn luôn có sự ưu đãi về mọi mặt. Còn chúng con là những gia đình “ngụy” bán nước làm tay sai cho đế quốc Mỹ. Lũ trẻ con cùng trang lứa trong xóm cũng khinh khi chúng con . Còn Ba con hễ có cuộc họp nào ở khóm ấp, bất kể mưa gió cha con đều chống nạn đi họp đầy đủ, vì sợ chính quyền ghép tội – “bọn ngụy phản động!”.

Tôi hỏi:

– Bên nội cô ở Sa Đéc, vậy nhà của cô có ở gần làng hoa – Tân Quy Đông không? Làng Hoa nầy rất đẹp, đã nỗi tiếng trên trăm năm nay. Ngày xưa tôi có người bạn sống ở đó. Thỉnh thoảng tôi cũng có ghé thăm.

– Dạ, nhà nội con ở cách làng hoa chừng hai cây số, gần Thánh Thất Cao Đài phía mé sông, sau nầy chính quyền giải tỏa mới về miền Đông nầy. Hiện tại nhà của con cách chỗ nầy hơn ba cây số.

Nhìn vẻ mặt và giọng nói của cô gái có vẻ thật thà nên tôi khơi chuyện để biết thêm về người cha Thương phế binh và hoàn cảnh của cô gái. Bất chợt mẹ tôi nói chen vào:

– Từ nay đến tết thằng Hai nhờ thằng Út chở xuống thăm và làm quen với cha cháu nó, dù sao cũng là người đã từng chiến đấu như con và có một thời ở trên Kontum.

Tôi hỏi:

– Vợ chồng cô sao không chuyển nghề khác, đi mua ve chai làm sao đủ sống?

– Dạ, thưa chú! Con chẳng có nghề nào khác hơn ngoài cái nghề nầy hở chú! Chúng con đâu có học hành, có bằng cấp chi đâu mà đi xin việc. Con học hết tiểu học rồi ở nhà phụ cha mẹ. Em con sau nầy cũng không qua được lớp chín. Chồng con cũng vậy. Cha mẹ của chồng con chết hết trong lúc di tản năm một chín bảy mươi lăm. Ảnh sống với người dì rồi người dì bệnh chết. Anh ấy lang thang tự nuôi sống bản thân. Chúng con gặp nhau rồi cưới nhau… Vợ chồng con vẫn ở chung với ba mẹ và sinh được một đứa con trai. Vợ chồng con làm cật lực cũng may ra đủ ăn. Tiền học phí, tiền trường, tiền sách vở nặng lắm chú ơi – nên không dám sinh thêm. Ba con nói:

“Ngày xưa ở Miền Nam đi học không có đóng tiền trường, tiền học phí các loại – lại còn được cấp phát tập viết, được uống sữa…”

Có phải không chú?

– Ừ, đúng như lời ba cô nói.

– Chú có biết không! Trong nhà con, tất cả đồ dùng toàn là đồ ve chai. Cái truyền hình đen trắng và đầu máy video thời ông “Trần Đàm – Phùng long Thất” nhập lậu về – lúc đó quí lắm, người ta xúm nhau mua. Bây giờ người ta giàu có, nhu cầu càng ngày càng cao nên họ lại đổi truyền hình màu, nhẹ, mỏng dính! Thế là họ đem bán ve chai cái cũ, chồng con mua rẻ ẵm về coi thoải mái khỏi phải chạy sang nhà hàng xóm coi ké! Cũng nhờ vậy mà chúng con mới biết được những chủ trương chính sách của nhà nước…!

– Vậy… hiện giờ cô có thấy khôn, và… sáng mắt, sáng lòng ra nhiều chưa? Tôi vừa cười vừa hỏi.

Cô gái hình như đoán được ý trong câu hỏi của tôi nói.

– Thì nhà nước nói sao dân nghe dzậy! Cứ làm thinh mà sống. Chứ có ai đâu dám chống đối chuyện gì, ngu dại gì mà chống đối để bị ghép vô tội phản động –“ lật đổ chính quyền nhân dân”… Đi tù rục xương luôn!

Cô gái nói tiếp:

Chồng cháu mới đổi cái truyền hình màu mười bốn inche của hãng ve chai, đầu dĩa CD Califonia cũng của hãng ve chai. Chiếc xe honda 78, chồng cháu chạy để chở ve chai hằng ngày cũng là của hãng ve chai. Gom mỗi thứ cho đủ bộ rồi lắp ráp lại… Chồng con cứ chạy chui trong xóm chứ có dám chạy lên phố; chạy lên phố là công an giao thông phạt nặng lắm vì xe “lắp ghép” tùm lum các thứ – không thể “đăng ký” chủ quyền được. Người nghèo nói chung ai cũng vậy cả, nên đâu có xấu hổ gì. Miễn mình đừng đi ăn cắp, ăn cướp của người khác là tốt rồi!

– Xin phép, tôi hơi tò mò – ba của cô có việc làm không?

– Dạ, ba con bị mất một chân, nhờ cặp nạng gỗ nên đi lại được, hơn nữa ba con biết nghề sửa chữa đồ điện gia dụng. Sau nầy ba con tự học thêm nghề sửa vá xe đạp. Nhưng không có vốn để mở quán, chỉ làm ở trước nhà cho những người thân quen, lơi tức chút đỉnh đắp đổi qua ngày phụ với mẹ – mẹ con cũng đi làm mướn tùy theo thời vụ… Cách đây sáu bảy năm có một ông “Việt kiều” về ghé thăm, thấy thiếu đồ nghề sửa xe, nên ông giúp cho ba con một trăm đô la. Nghe nói ông nầy trước kia làm phó gì đó ở chung đơn vị với ba con. Hai người uống bia. Lần đầu tiên con thấy ba con uống bia và uống nhiều nhưng không có say. Ba đưa một trăm đô la cho mẹ con. Ba con nói: “ Bà mua vải may cho mỗi đứa một bộ đồ mới để mặc đi lễ nhà thờ. Riêng bà và con Thu may một cái áo dài. Còn bao nhiêu hãy sắm chút đồ nghề”. Thu chính là tên của con đó chú. Mẹ con hiểu thâm tình của ba con nên lặng lẽ làm theo. Một tối kia trong lúc ba ngủ say, con thấy mẹ con lấy cái thước dây. Mẹ rón rén đo chiều dài đôi nạng gỗ cũ xì, lở lói sứt mẻ của ba… (!)

Lần đầu tiên trong đời của con, em con, và chồng con mới thấy tờ bạc một trăm đô la mới toanh! Chúng con xúm nhau săm soi, ngắm nghía đã đời…, thằng út còn đưa lên mũi ngửi… ngửi… thiệt là lâu. Khi thấy hàng tiếng Anh “IN GOD WE TRUST” chẳng biết đọc và hiểu ý nghĩa như thế nào? Chúng con hỏi ba – ba con nói câu đó có nghĩa là “Chúng tôi tin vào thượng đế”. Rồi ba con giảng giải tiếp – Trên tờ giấy bạc thời trước năm một ngàn chín bảy mươi lăm ở miền Nam có ghi câu: “ HÌNH LUẬT PHẠT KHỔ SAI NHỮNG KẺ NÀO LÀM GIẢ MẠO GIẤY BẠC DO NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM PHÁT RA”. Và trên tờ bạc còn có chữ ký. Thành ra đồng bạc rất có giá trị chứ không phải là tờ giấy lộn. Từ đó con học thuộc lòng luôn và không bao giờ quên!

Cô gái nhìn… tôi rồi nói tiếp:

– Con nói thiệt! Chú đừng có buồn nha! Chú cũng sống ở nước ngoài sao mà con nhìn chú rất là bình dân… Người đi mua gom ve chai lam lũ như con, chú cũng chịu khó ngồi nghe kể chuyện mà không tỏ ra khó chịu… Con lặn lội mua ve chai khắp hang cùng ngõ hẻm, gặp đủ hạng người nên biết cũng nhiều… – Lắm ông bà “Việt Kiều” về nước hãnh tiến, sang trọng, bệ vệ, đi đâu cũng có xe hơi đưa rước. Ăn uống chọn lọc kỹ càng, cách trang phục cũng khác… Họ khoe đủ thứ chuyện bên nước ngoài… Nghe mà ao ước, tủi thân quá chừng! Bọn con ăn mặc rách rưới không dám lại gần sợ lây cái mùi ve chai hôi hám tới mấy bả mấy ổng. Đừng nói chi dám ngồi gần nói chuyện với họ… Mà có nói chắc chi họ lắng nghe như chú vui vẻ nghe con trao đổi qua lại từ nãy giờ. – Con cảm ơn chú nhiều lắm nghen!

Tôi nhớ một câu nói của nhà triết học Hy Lạp:

“Con người có thể vượt qua con người đến vô tận”.

Và tôi nghĩ, vượt qua con người để chà đạp lại con người thì vượt qua con người đến vô tận để làm gì cho đau khổ thêm! Tôi nhìn lại tôi, nhìn mẹ tôi đang têm trầu, nhìn cô gái phụ mẹ tôi cho chút vôi vào cối trầu rồi ngoáy dùm cho mẹ tôi; nhìn thùng nước đá “công cộng” để trước hàng hiên mà cả tuần nay – tôi và mọi người cùng uống. Như vậy tôi không phải là “Ông bà Việt Kiều quái dị” nào đó trong con mắt của cô gái nầy. Tôi nhớ những năm chưa định cư ở nước ngoài, tôi cũng thường hay nghe những câu đại loại như:

“Chơi sang như Việt Kiều – Xài tiền như Việt Kiều – Chỉ có Việt Kiều mới chơi trội, mới dám chơi xả láng…!”.

Đến khi tôi định cư ở nước ngoài – trong mấy năm gần đây tôi lại nghe nói:

“Việt kiều bây giờ xuống dốc lắm rồi! Ăn chơi không bằng VC…”.

Có đúng vậy không? Nếu đúng, thì câu nói xưa nay rằng “lên voi, xuống chó” rất là chính xác và thấm thía! Tự dưng tôi nhớ đến câu hát:

“Đời vô tình thế, trước khi em của tôi đến nay sang một người…!”.

Tôi có biết nhiều “Việt Kiều” áo gấm về làng – cũng có một số người: nổ – nổ vang trời vang đất như: “Trảng Bom, Long Bình”! Nổ cũng là một phương-thuốc chữa cái tôi trống rỗng của một số người kém tự tin, không dám nói thật lòng rằng:

“Ở nước ngoài cũng phải đi làm mọi nghề – bưng phở, rửa chén, lượm lon, cắt cỏ, rửa xe… làm quần quật từ – mười đến mười hai tiếng đồng hồ trong một ngày, và làm hai ba “jobs” để trả đủ thứ tiền… Và, dành dụm chút ít gửi về cho người thân ở quê nhà. Dành dụm từ: Hai năm, năm năm, mười năm hoặc hơn để về thăm người thân…! Về nước “chảnh – nổ” với bà con bạn bè một vài bữa kể như vô tội vạ cho quên đi những ngày nơi tha phương “cày bừa…” mệt xỉu! Vậy thì, chảnh hay nổ… Có văng miểng tùm lum…, cũng không đến nỗi làm bị thương hay làm chết ai. Trừ phi lừa đảo người khác bằng cái danh “Việt kiều hồi hộp”…!

– Chừng nào cô nghỉ đi mua…, để ở nhà lo đón tết vậy hở cô?

– Da! Thưa Chú. Dân lao động như chúng con vẫn lo mần có khi đến hai mươi chín tết vẫn còn đi… Trước tết các mặt hàng phục vụ tết đều cao mắc… Người có tiền lo mua sắm chưng trong nhà hoặc làm quà tặng… Người nghèo đi mua sắm tết đa phần vào những ngày cuối cùng của tháng chạp. Những ngày cận tết ai cũng lo bán cho hết để về cúng ông bà, vả lại hàng hóa Tết họ bán cũng đã lấy lại vốn rồi, nên bán “hạ giá” để còn dọn dẹp về nhà lo cho gia đình. Chính lúc nầy, những người nghèo như chúng con mới đi mua sắm cho ngày tết! Từ thực phẩm, quần áo, giày dép, cho tới bánh trái hoa quả, nhan đèn… Nhưng mua sắm cũng rất hạn chế, vì những ngày sau tết mới thật sự đáng lo…! Tội nghiệp cho những người trồng hoa, năm nào họ cũng bị thua lỗ và ế ẩm do tâm lý người dân bây giờ họ… lạ lắm. Họ thích mua hoa ế, hoa rẻ… Do đó họ đợi đến chiều hai mươi chín hay ba mươi tết họ mới xúm nhau đi mua hoa. Người bán hoa lo nôn nóng về quê nên bán tống, bán tháo lấy được đồng nào hay đồng đó. Thương cho họ còn phải trả tiền “thuê chỗ bán”,…!

Nhìn cô gái ngoáy trầu cho mẹ tôi, mà trong lòng cảm thấy ấm áp lạ thường. Tôi đổi cách xung hô cho thân mật hơn.

– Này cháu gái. Cháu có ý muốn mời chú ghé thăm nhà không? Tôi cười thân thiện nhìn vào mắt cô gái.

– Dạ, Chú cho phép! Con đại diện ba con xin được mời chú ghé thăm nhà con, chắc ba con sẽ vui mừng! Vì chú là ông “Việt kiều” thứ hai ghé thăm. Nhưng… nhà con xập xệ lại ở tuốt phía sau đồi. Nhà cũng làm bằng vật liệu ve chai, không có ghế để mà mời chú ngôi đâu đó!

Biết cô gái lém lỉnh cho vui, nhưng cũng thật thà. Tôi cười cười nói:

– Nhà hai vợ chồng cháu gom ve chai hằng ngày thì ghế nhựa thiếu gì phải không cháu? Còn nhà ở trước đồi hay sau đồi cũng là nhà mà. Đó là nơi để ở và cũng là tổ ấm hạnh phúc của gia đình. Chú sẽ đến thăm.

Như chợt hiểu lời tôi nói, cô gái cười tươi như hoa làm mẹ tôi cũng cười theo… – miệng móm sọm bởi răng rụng gần hết!

Gánh ve chai của cô gái – trút ra mặt đất – cô phân ra từng loại: Giấy, sắt, nhôm, đồng, nhựa và chai lọ… Sau khi cân xong, quy ra tiền: Cô nhận được – Bảy mươi ngàn đồng.

Cô gái xếp đôi gióng lại, chào mẹ tôi rồi quay sang tôi.

– Chào Chú con về!

– Ừ! Cháu về…

Tôi tiễn cô gái ra cổng, cô gái bất chợt quay đầu lại nói:

– Ngày mai cháu nghỉ đi mua ve chai, con ở nhà phụ ba mẹ con dọn nhà cửa để… Đón một mùa xuân mới! Giọng cô gái ngập ngừng lí nhí…

Tôi chợt hiểu ra, cô gái như muốn nhắc khéo chuyện tôi gợi ý đến thăm gia đình, và muốn biết chính xác ngày giờ hẹn của tôi. Cô gái quả là thông minh và dễ mến. Thật tình, chính tôi mới là… ngớ ngẩn!

– Ngày mai, lúc mười một giờ chú sẽ có mặt ở nhà cháu.

– Cảm ơn Chú! Ba mẹ và chúng con sẽ chờ đợi chú ! Con chào chú con về.

Tôi nhìn theo cô cháu gái mới quen đi một quãng xa…

Nắng đã nghiêng về chiều nhưng hãy còn gay gắt… Tôi quay trở vô nhà mà nghe trong lòng rất dịu êm !

Trang Y Hạ

San Francisco – 2012

* Theo Từ Điển Thiều Chửu định nghĩa chữ Kiều (僑) như sau: Kiều (Bộ Nữ) là: – Giai nhân đẹp. Chữ Kiều (bộ mộc) là: – Cây cầu. Chữ Kiều (Bộ cư) “Người ăn nhờ ở đậu, ở nhờ vùng khác, làng khác hay nước khác gọi họ là kiều cư, kiều dân”.

Chữ Bào (Pào). Hán Tự hai nghĩa: 1 – Cái áo khoác bên ngoài. 2 – Cái bị, cái bì, cái bao, cái bào thai.

Không có chữ nào gọi là “Kiều Bào” ở trong Tự-Điển.

Việt Kiều là những người Việt mang quốc tịch Việt Nam sống nhờ ở các quốc gia khác, chứ không phải nói các công dân các quốc gia khác có gốc Việt.

ĐHKT Trang Y Ha 

Để lại lời nhắn

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.