

Chứng chỉ Quỹ đầu tư trái phiếu và chuyện “đàn nai tháo chạy”


Mạnh Quân
Mấy tháng rồi, thị trường trái phiếu chao đảo dữ dội sau sự ra đi của một số “ông lớn”, à, tất nhiên có cả “bà lớn” nữa :))). Của đáng tội, ngay tại thời điểm này, thị trường thực sự vẫn chưa hề ổn định và đang tiềm ẩn những bất an rõ rệt.
Trên thực tế, có rất nhiều người mua trái phiếu, rồi chứng chỉ của các quỹ đầu tư trái phiếu mấy năm rồi đa phần không hiểu rõ lắm cái mình mua là cái gì, mức độ an toàn đến đâu, các quy định về phát hành, bảo lãnh…Nói chung là phức tạp, nhức đầu lắm. Đầy người cũng học về kinh tế, có bằng Đại học cả còn chẳng hiểu kỹ, nói gì đến dân thường. Nhưng vấn đề là, lãi suất trái phiếu, lãi suất chứng chỉ quỹ đều rất cao, cao hơn hẳn lãi suất ngân hàng nên trong điều kiện thị trường bình thường, ham lợi, người ta cũng mua thôi. Nói thật là tôi cũng có mua , và thực sự là mua bằng niềm tin và vẫn cố thủ
.
Có cảm giác chung là đa số người mua, khi đọc hợp đồng, nghe các cô, cậu ở các Chi nhánh ngân hàng, các đơn vị bán mấy cái đó tán hươu tán vượn, rủ rê mua, nó vẫn có vẻ chắc ăn hơn là gửi tiền vào những chỗ cho vay nặng lãi, chơi chứng khoán…Thực tế nó cũng có thế thật. Nhất là chứng chỉ quỹ, nó có cái thuận là không phải lằng nhằng khá nhiều thủ tục để chứng minh mình là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì mới mua được Trái phiếu DN.
Tuy nhiên, cho đến khi mấy vụ như Vạn Thịnh Phát rồi trước đó nữa là vụ Tân Hoàng Minh…thì nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ rõ ràng hoảng hồn. Giống như đàn nai ngơ ngác, không hiểu chuyện gì xảy ra, thấy nguy hiểm là kéo nhau cùng chạy, rút tiền mua trái phiếu, rồi đồng loạt rút chứng chỉ từ các quỹ đầu tư trái phiếu gây nên sự mất cân bằng nhất định cho các quỹ này. Đã có hàng ngàn tỷ đồng từ các quỹ bị rút đi trong vòng 1 tháng qua. Có những quỹ bị rút mấy chục % tổng quỹ trong có vài tuần thì làm sao chẳng mất cân đối, mất thanh khoản tạm thời?
Hiện tượng này cùng với việc nhiều ngân hàng tăng nhanh lãi suất huy động cũng khiến kênh ngân hàng hút tiền cạnh tranh trực tiếp với các kênh đầu tư chứng khoán, chứng chỉ quỹ.
Ở đây có thể nói, dân ta, nhiều người không am hiểu lắm về mua trái phiếu, chứng chỉ quỹ đã là một nhẽ nên lúc thị trường biến động đã hoảng sợ, tự cho rằng mình đã làm điều dại dột, cảm giác bị lừa mất hết đến nơi rồi nên tìm mọi cách bán đi. Nhưng thực ra lại không phải. Như đã nói ở trên, trong các kênh đầu tư: Chứng khoán, ngân hàng, mua TP hay chứng chỉ quỹ cũng là một kênh mà cũng không phải là dở. Nên đến thời điểm nay, nhiều nhà đầu tư mới thấy thị trường biến động, lại hoảng, không phân biệt trái phiếu tốt xấu, muốn bán bằng mọi giá để thu tiền về. Thì đó lại là cái dại thật vì cuối cùng, tình trạng hoảng loạn, bán tháo đã dẫn đến giá nhiều trái phiếu được chào bán thấp hơn rất nhiều so với giá trị thật (gồm mệnh giá và lãi tích lũy).
Trong một số trường hợp, để có nguồn mua lại chứng chỉ quỹ, các công ty quản lý quỹ phải hạ giá bán trái phiếu trong danh mục. Điều này gây thiệt hại cho chính nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ.
Cho nên, ở thời điểm này, với nhiều nhà đầu tư, nếu đã tự coi mình là “dại” khi mua chứng chỉ quỹ thì cũng đừng nên dại một lần nữa mà lại nên tiếp tục nắm giữ vì càng cố bán nhanh, làm con nai tháo chạy theo bầy đàn thì càng bị mất giá và thiệt hại; bình tĩnh một chút, khi thị trường bình ổn hơn trong thời gian tới thì giá giao dịch trái phiếu trên thị trường dự kiến về đúng với giá trị thật và cao hơn hiện nay, thì giá chứng chỉ quỹ sẽ trở lại đúng giá trị thật và lợi nhuận kỳ vọng của quỹ có thể đạt đến 10%/năm như kế hoạch.
