
THÁNH RẮC MUỐI SALT BAE

Người Việt chúng ta hay thổi phồng cũng như phong thánh vô tội vạ, nhưng chàng trai này có lẽ có thể gọi là “thánh” được vì quả là một tấm gương “nghèo vượt khó” xuất sắc, đáng để cho thế hệ trẻ nước ta học tập, vì sao ư, hãy xem bạn ấy trở thành “triệu phú tự thân” như thế nào nhé.
Đầu tiên xin đính chính ngay, “Salt Bae” là biệt hiệu của bạn trẻ này, nhưng không có nghĩa là “chàng Muối đẹp trai” như báo chí hay viết đâu, đó là “Hãy rắc muối trước khi kẻ khác làm điều ấy” (Before Anyone Else) – khẩu hiệu của bạn trẻ này là như vậy!
Nusret Gökçe sinh ra 38 năm trước ở phía bắc đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, bố mẹ đều thuộc dòng người Kurd (vâng, đúng là sắc tộc người mà suốt mấy thế kỷ này chỉ biết tới chiến tranh và tang tóc, tha hương thôi). Nhà nghèo, bố làm thợ mỏ không đủ nuôi lũ trẻ, cậu bé này phải làm việc trong cửa hàng thịt từ năm… lớp 1, và tới lớp 6 thì đành bỏ học kiếm sống với chỗ làm vẫn trong cửa hàng thịt.

Mỗi ngày cậu phải làm tới 18 tiếng hoặc hơn, tiền lương nộp lại hết cho người cha. Nhưng công việc nặng nhọc ngay từ ấu thơ đã dạy cho cậu kỹ năng xử lý những tảng thịt sống to tướng, điều mà không phải người thợ hàng thịt lớn nào cũng thạo. Và ngay từ dạo ấy cậu bé đã quyết định mình sẽ kiếm tiền bằng cách chế biến thịt – bằng cách nào thì còn phải nghĩ, vì Thổ là đất nước có văn hóa ẩm thực cả Á lẫn Âu rất phong phú, mà thịt chỉ là một phần của nó. “Phải là thịt!” – cậu tâm niệm điều này!
Năm 2007 cạnh cửa hàng thịt nơi cậu làm thuê người ta mở ra quán bít-tết (steakhouse), lập tức cậu thấy vô cùng quyến rũ. “Tương lai là đây chứ đâu!” – Gökçe thầm nghĩ và xin nghỉ việc, nhận đủ lương với ít tiền đã dành dụm được cậu quyết lên đường đi về quê hương của món thịt bò ngon nhất – Argentina!
Ở đất nước xa xôi đó cậu tự tìm hiểu mọi bí mật về cách xử lý thịt bò, mà quan trọng nhất là cách mổ con bò và xẻ thịt nó ra sao để sau này có những món ăn ngon nhất. Chỉ mấy tháng học cật lực thôi là “hết võ” – cậu chàng nghĩ vậy và quay về Thổ, với những hiểu biết sâu sắc về “bò” cậu nấu những món ăn mà các đầu bếp khác phải xin hướng dẫn cách làm.
Báo chí địa phương bắt đầu viết về chàng trai trẻ, nhưng Gökçe chưa đủ tự tin – Mỹ mới thực sự là nơi các giấc mơ trở thành hiện thực, phải sang đó xem “bò” họ làm thế nào! 4 lần xin visa đều bị từ chối, vì cậu không chứng minh được tài chính – ít tiền quá, lại chả có bát động sản nào ở bất cứ đâu! Cậu đành cắt mấy bài báo đem tới lãnh sự Mỹ, thì rồi cuối cùng cũng nhận được visa du lịch cho 3 tháng. Ở Mỹ cậu xin được làm “lậu” và… không lương ở mấy cửa hàng steak cao cấp, cậu nhận được những kinh nghiệm vô cùng quý báu! Một tờ báo địa phương ở Mỹ đăng menu của chàng đầu bếp Thổ, đó là điều duy nhất cậu chàng làm được tại Mỹ lần này, nhưng cậu sẽ còn quay trở lại với “giấc mơ Mỹ”…

Về quê, Gökçe và người bạn mở một quán tại thủ đô “Nusr-Et” với 8 bàn, 10 người phục vụ và anh chàng rắc muối nữa (Sau một giáp, bây giờ chuỗi cửa hàng của cậu có 600 người làm, kể cả 4 người anh em ruột của Salt Bae).
Tiếng lành đồn xa, nhiều thực khách đi từ xa về Istanbul chỉ để ăn đồ của Nusr-Et. Và sự phát triển của chuỗi cửa hàng này gần như là cùng thời với sự bùng nổ của MXH, Twitter, Instagram, Youtube, Meme…Đặc biệt là sau clip virus “Ottoman Steak” ngày 8/1/2017 (Sau 48 tiếng có 2,5 triệu lượt xem) mà bây giờ chúng ta nhìn lại sẽ thấy “có quái gì đâu”:
Các món của Salt Bae đắt, đi với rượu đắt nữa nên khách tới đây ăn đều là loại khá giả, chưa kể các ngôi sao điện ảnh, bóng đá, các chính trị gia. Đa số các cửa hàng ăn ở thủ đô Istambul đều có chân “chèo kéo khách” ngoài cửa, mời gọi khách ầm ầm, phong tục thế rồi. Nhưng có những cửa hàng đặc biệt, chẳng hạn của chuỗi Nusr-Et của Nusret Gökçe (thấy sự chơi chữ của tiếng Thổ, mặc dù ngữ nghĩa thì họ hiểu thôi) chẳng cần chèo kéo, mà khách phải đặt bàn trước 2 tháng cơ. Những cửa hàng của chuỗi mọc ra tại các thành phố đắt đỏ: London, Dubai, Abu-Dabi, Doha, Miami, New York…gần như chỉ trong một năm. Trong đó đặc biệt nhất là ở New York – Nusret Gökçe coi đây là “quê hương của Beefsteak” và chỉ khi anh mở được cửa hàng ở đây thì mới thực sự bước chân vào đẳng cấp “quốc tế”.

Cái gì lôi cuốn người ta tới với “Nusr-Et” vậy? Tất nhiên đầu tiên người ta tới đây vì … nó đắt! Chứ rẻ thì thiếu gì chỗ (mặc dù có rất nhiều chỗ đắt hơn những chỗ này nhiều, hãy tin vào điều ấy đi!). Thứ hai mới là chính Salt Bae : anh chàng luôn xuất hiện rất thể thao, đeo kính đen, mặt mũi “hình sự”, áo body, thái steak rất nhanh và quyết đoán. Còn động tác rắc muối với cái tay như mỏ con rắn hổ mang, gia vị rơi xuống khuỷu tay anh chàng rồi mới lã chã rơi xuống miếng thịt trông thì kỳ bí chứ ai chả làm được, có quái gì đâu. Thêm một động tác nữa rất có ích cho những người thích “cúng Phây” hay chụp ảnh quay video: chọn miếng thịt ngon nhất dùng dao đưa vào tận miệng cho thực khách được trọng vọng nhất bàn! Cuối cùng mới là chuyện thịt của chàng này đắt thì có đắt nhưng ăn cũng “được của nó” đấy!

Không phải ai cũng “phong thánh” cho Salt Bae đâu, chàng nhận được kha khá phê bình độc địa của media, nhất là ở Mỹ. Chẳng hạn một nhà ẩm thực có tiếng ở New York đã chê: “130 USD cho món bít-tết mà ăn dai ngoách như da giày!”. Và thậm chị có quán của cậu chàng ở Mỹ đã từng bị đóng cửa vì cách nấu nướng không đúng quy trình ATVSTP: đã nấu bằng tay không đi găng, lại còn lấy khuỷu tay rắc gia vị, mất vệ sinh! Đã thế lại còn đeo đồng hồ vàng…
Phải nói là chuỗi Nusr-Et làm PR rất giỏi, đúng hơn là thuê một công ty quảng bá hình ảnh cực giỏi (và cực đắt – hình như mỗi năm phải trả họ 2 triệu $).

Vợ chồng con cái David Beckam, rồi Messi, rồi khách quý đặc biệt và là thần tượng của “thánh rắc muối” Diego Maradona đều đã tới ăn và được Salt Bae phục vụ hết mình, tất nhiên không quên để hình ảnh này lan tỏa khắp nơi:
Biết bao ngôi sao điện ảnh thế giới đã nếm thử thịt bò rắc muối từ khuỷu tay chàng ta. Ramzan Kadyrov – tổng thống cộng hòa Chechnya và một trong những người được bảo vệ “khủng” nhất đã từng nếm miếng thịt ngon trên đầu dao của Salt Bae. Rồi rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ đã thử… Ngay cả hình ảnh Salt Bae rất thể thao, có tới 9 đứa con lít nhít và người vợ không bao giờ xuất hiện ở đâu trên media cũng rất tác dụng tốt cho PR đấy.
Không phải clip nào cũng được hoan nghênh nhiệt liệt đâu. Franck Ribery – tiền đạo “điên rồ” của Baeyrn Muenchen – đã ăn một xuất bit-tết dát vàng giá có 1200 Euro mà bị fans hâm mộ của đội bóng cho ăn một trận gạch đá tơi bời, tới mức chính đội bóng phải cứu anh bằng một cách giải thích, hay là anh chàng này quảng cáo cho ông bạn thôi, chứ làm gì mà ăn nhậu tốn kém thế?! Trưng cái bill ra để PR cho nhau, chứ giá rổ chắc gì như vậy… Hóa ra với người Đức thì triệu phú muốn tiêu tiền cũng chả được thoải mái lắm đâu nhỉ!? Di Caprio tới ăn thì bị coi là chiêu trò câu view rẻ tiền. Khổ, ăn mà không yên…
Tất nhiên beefsteak là món nổi tiếng nhất của cậu chàng Salt Bae, nhưng cậu ấy biết nấu những món khác có lẽ còn ngon hơn nhiều! 10 món đắt nhất:
Bay liên tục, làm việc quần quật, tiền vào như nước, nhất là 4 năm cuối… Năm 2019 cậu đã mua lại được một khách sạn ngay thủ đô với giá 60 triệu Euro. Nhưng “đồn nào chả có địch” – ngay ở quê hương Thổ Nhĩ Kỳ Salt Bae cũng có một kỳ phùng địch thủ, cuộc song đấu của họ chả khác gì giữa Messi với Ronaldo, cậu đầu bếp giỏi kia tên là Burak, cậu có khuôn mặt ngây thơ và đôi mắt luôn nhìn thẳng ống kính:
Ở Việt Nam Salt Bae có chút tiếng tăm, thì lại đáng tiếc là dưới góc nhìn tiêu cực, bởi vụ việc của cô bé N17 ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” và một chính khách được doanh nghệp mời mới đây thôi. Sẽ rất nhầm nếu coi những quán ăn của Salt Bae là nơi “ăn nhậu” – nó sẽ giống một nhà hát hơn, nơi người ta xem diễn và cũng để cho người khác nhìn thấy mình (và có chút GATO). Người ta phê phán cậu chàng kịch liệt, chẳng hạn chụp ảnh trên nền ảnh của Fidel Castro hay khoác vai bá cổ với tổng thống Vênzuela Maduro, chưa kể xử tệ với người làm… phải thôi, nhưng xin nhớ lại, chàng mới chỉ học chưa hết lớp 6 thôi mà! Phông văn hóa có nâng cao cũng phải dần dần, nên việc nhìn nhận Salt Bae hãy xin dưới góc độ tích cực hơn: ai cũng có thể làm giàu được như “thánh rắc muối” nếu thực sự theo đuổi ước mơ! Anh chàng cũng có những góc tâm hồn rất đẹp, chẳng hạn để riêng một bàn đã từng phục vụ Maradona để tưởng nhớ tới thần tượng đã khuất của mình! Và tuyệt vời hơn nữa nếu chúng ta làm được sao cho xã hội ai cũng có điều kiện tới được những quán ăn “Nusr-Et”, điều này khó hơn rất nhiều, nhưng tại sao không? Người Ả Rập làm được đấy thôi…?!

Bonus:
-Việt Nam thực ra đi trước về style nấu nướng biểu diễn này so với thế giới. Chẳng hạn bao nhiêu bạn “tây lông” mắt tròn mắt dẹt xem dân ta lấy mật rắn, cho tim rắn vào rượu trắng cho khách quý uống… Hay cơm niêu tung hứng rồi đập phí mất cái nồi… Đáng tiếc là chưa có ai tận dụng cho tới nơi tới chốn.
-Chuyện đắt rẻ: mọi thứ đều tương đối thôi. Tôi đăng thêm ảnh mấy chai rượu đắt (mà có thể mua được ở Việt Nam, chả phải đi đâu) để thấy, miễn là có nhu cầu thì sẽ có hàng hóa, dịch vụ siêu đắt để phục vụ. Salt Bae đi đúng hướng đấy, các bạn trẻ Việt Nam nào có kém gì?
-Các sao bóng đá xem ở đây: https://www.youtube.com/watch?v=24cbAl06Ptw
Ghi chú: nếu có 300 “tim” thì xin viết nốt về chàng Burak kia cho đủ đôi.
11

“thánh rắc hành Việt Nam ” đang bị tù