Bố Mẹ vẫn sống cùng con trong chữ “NHÂN”-Thơ của cụ Mạc Vân Trang

BỐ MẸ VẪN SỐNG CÙNG CON

Mạc Văn Trang

Hình Bố chụp năm 55 tuổi (1955); hình Mẹ chụp năm 77 tuổi (1975)

Mộ Mẹ Cha khiêm nhường giản dị

Con không có bàn thờ cổ kính nguy nga

Ngày Giỗ Tết không mâm đầy cỗ lớn

Chẳng nhộn nhịp họ hàng khách khứa vào ra…

Con lặng lẽ sống ở đâu

Mẹ Cha cùng ở đó –

ở trong con mỗi việc làm, nghĩ suy, nỗi niềm thương nhớ…

Bố dạy “Chữ NHÂN như quả núi

mọi thứ là cây cỏ mà thôi”…

“Thức lâu mới biết đêm dài”…

“Người có TRÍ phải biết nhìn nhân – quả”*…

Con đã hiểu

vì sao Bố làm ruộng, thợ rèn, phu mỏ,

cả khi trong tù hay làm lý trưởng…

ở nơi nào cũng được lòng dân.

Đội cải cách phát động cả làng tố khổ

mà chẳng ai tố Bố điều gì?**

Con dám chắc

nếu bị đưa ra đấu tố

Bố sẽ nhổ nước miếng vào mặt kẻ tố điêu

tát nó hộc máu mồm

rồi lao đầu tự sát!

Chữ NHÂN trong Bố như là thép

lại như nguồn nước mát nhân gian

Trong hầm lò,

Bố đóng choòng tóe lửa

nhìn ra ngay đâu lóng lánh hòn than…

Bố thường bảo,

tích điều thiện, bài trừ cái ác

luôn là lẽ sống ở đời

Con tâm niệm chắt chiu từng chút

Sống được như Cha, đúng nghĩa làm Người.

Nhớ lời Bố,

có tri bỉ mới tri kỷ

Xem việc nghĩa nhân để hiểu lòng người

Biết nhân – quả, đâu là Thiện – Ác

giữa đảo điên, nhăng nhố sự đời…

Bố vẫn dặn,

việc mình làm chính đáng

đừng ngại gì miệng tiếng thế gian

Có Trời Đất, Quỷ Thần hai vai chứng giám

và Tổ Tiên phù hộ độ trì…

Không mạnh mẽ được như Cha,

Con hiền lành nhút nhát

Đã lắm lúc chần chừ không dứt khoát …

Nhưng mỗi việc làm đều có Đức Tin.

Bố luôn nhận rằng mình ít học

sao dám nói như đinh đóng cột,

quả quyết rằng:

hợp tác xã sẽ tan!

Thì ra Bố tự trải đời, nhìn thấy

Không a dua như cừu, sói theo đàn…

Giữa nhân quần, chỗ nào cũng vậy

Nhung nhúc từng bầy xâu xé cá nhân

muốn tim, óc con người rập khuôn như máy

Có Bố độ trì, con không bị vong thân.

*

* *

Từng dòng sữa, từng miếng cơm Mẹ mớm

Sức sống Mẹ dành khôn lớn cho con

Từng lời ru nuôi dưỡng tâm hồn:

“Con cò bay lả bay la”…

Nay con khóc, ruộng quê nhà còn đâu!

“Chiều chiều ra đứng cổng sau”…

Thương bao thân gái làm dâu xứ người

“Từ đây góc bể bên trời”…

Cảm thương bao kiếp phận người tha hương

“Con cò mà đi ăn đêm”…

Nỗi niềm đau xót “dạ mềm như dưa“…

Không đem “vàng đổ sông Ngô”…

Con đâu “tơ tưởng đi mò sông Thương”…

Trăm lời ru mãi vấn vương

Thấm vào cây cỏ quê hương đất trời…

Nhớ xưa Mẹ vẫn dặn lời :

Anh em như thể tay chân

Sa vai xuống cánh, lọt giần xuống nia,

Mình có ăn, nhớ sẻ chia

cho người khốn khó những khi đói lòng…

Đường xa, gánh nặng vui chân,

Có bầu bạn cũng như gần lại hơn…***

Ôi chiếc đòn gánh cong đen bóng

Trên đôi vai gầy, Mẹ gánh các con

Cả đời dầu dãi sớm hôm,

nắng, mưa, hạt thóc thành cơm nuôi người…

*

*. *

minh hoạ

Hạnh phúc được làm con Bố Mẹ

TÍNH của Cha với TÌNH của Mẹ

Bao tháng ngày

chung đúc nên con.

Con giống Bố nhưng ít khi nóng giận

Do mẹ dịu hiền bao bọc nâng niu

Bố và Mẹ đã hoà vào máu thịt

vào Quê Hương

nuôi dưỡng cả đời con.

Tháng 10/2022

CHÚ THÍCH:

* Những câu trong ngoặc kép Bố luôn dạy các con

** Bố làm ruộng và thợ rèn từ năm 16 tuổi; năm 20 tuổi ra Mạo Khê làm phu mỏ 16 năm, sau đó về làng làm Trương tuần rồi Lý trưởng cho đến 8/1945. Năm 1947 bị Pháp bắt vào tù, nhờ biết nghề rèn và chút tiếng Pháp, nên Tây giao làm đồ sắt xây dựng trại lính, mất một năm. CCRĐ bị quy là “Cường hào”, Đội CCRĐ “bồi dưỡng” con nuôi và phát động cả làng “tố khổ”, nhưng không ai tố Bố điều gì. Thật kỳ lạ và may mắn.

*** Mẹ rất hiền, thuộc hàng trăm câu hát ru (ví dụ những câu trong ngoặc kép), hay dùng ca dao, tục ngữ trong giao tiếp hàng ngày. Mẹ rất thương người, nhất là năm đói 1945, dù nhà ăn rau, cháo, vẫn thỉnh thoảng nấu cơm, cho ít muối vào, nắm “chim chim”, phát cho những người hành khất…

“Làm sao Mẹ có thể gánh gạo từ nhà ra Mạo Khê, chừng 20km, để bán, rồi lại mua củ sắn, củ nâu từ Mạo Khê gánh về?”. Mẹ bảo, có bạn bè, vui chân, cứ đi khắc đến…

Mạc Vân Trang

Để lại lời nhắn

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.