Chuyện một ông thầy “Vịt kìu “dạy triết(không phải là triết gia,gốc quê Quảng Trị),luật sư Nguyễn Hữu Liêm qua chuyện “trí tuệ nông dân và logic(logique) thương tích”

TS Nguyễn Hữu Liêm, một loại Việt kiều

Thục-Quyên, BS Nha khoa

23-10-2022

Ngày 19-10-2022 trang Tiếng Dân có đăng lại một bài viết từ BBC của một người ký tên TS Nguyễn Hữu Liêm, gửi từ San José, Hoa kỳ, với tựa đề: Việt Kiều và Nhà nước VN: ‘Đã đến lúc cần chính sách mới hơn Nghị quyết 36. Cũng bài đó lại được đăng bởi tờ báo mạng Boxitvn dưới tựa đề: “Logic thương tích gặp trí tuệ nông dân: đánh giá nghị quyết 36 về người Việt ở nước ngoài” (1).

Không biết cái tựa nào là tựa tác giả chính thức đặt, chỉ biết bài đó thật sự của ông TS Nguyễn Hữu Liêm, vì trên Facebook TS Liêm thú vị với nó lắm để khoe khéo: “Triết gia hú còi mần thiên hạ tâm tư quá! Ôi Lỗi tại tui mọi nẽo!” (Xin phép nhắc ông TS: chữ đúng là “nẻo!”).

TS Liêm kể về một cuộc gặp gỡ hôm thứ Sáu, ngày 14/10 vừa qua, tại tư gia của ông ở San Jose, California, giữa “Uỷ ban người Việt ở nước ngoài đến từ Hà Nội và một số nhân sĩ Việt kiều, hầu hết từ miền Nam” gồm… chưa tới 10 người.

Đúng ra thì cách “hú còi” tại tư gia mình, với dưới chục người tham dự, dù có mặt của ông phó chủ tịch của cái mà TS Liêm gọi là “Uỷ ban người Việt ở nước ngoài đến từ Hà Nội”(?) thì cũng chỉ có giá trị của một cuộc phiếm luận hay đã thích gọi là hú còi thì cũng chỉ là hú còi trong thùng rỗng. Chuyện quá thường, đã xảy ra biết bao lần trong những năm qua, khi người đại diện nhà cầm quyền Việt Nam ra ngoại quốc để tuyên truyền vận động, thì chỉ có khả năng tiếp xúc với những người lẻ tẻ như TS Liêm, nếu không dựa vào các sứ quán VN mở tiệc tiếp tân linh đình, mua chuộc chính người của họ đến ăn uống vui chơi.

Do đó, sở dĩ có một số người lên tiếng phê bình những điều ông TS Liêm kể lại về cuộc gặp gỡ của ông và các bạn đồng sàng với vài người của cái “Ủy ban nhà nước về người VN ở nước ngoài” (TS Liêm nên tìm hiểu về chữ “nhà nước” trong cái tên của ủy ban này và dùng cho đúng), thì không phải họ “tâm tư” vì ông, mà vì họ thấy cần phải đánh động về âm mưu hiện nay của nhà cầm quyền VN: Sau khi thanh toán và bắt bỏ tù gần hết những người dân trong nước đã không chấp nhận sự thối nát, đục khoét, hối lộ và đàn áp của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, thì nhà cầm quyền này đang tiến hành bước tiếp theo là vờ chấp nhận vài câu chê bai chỉ trích (luôn luôn đi đôi với những câu ve vuốt ngợi khen) của một loại Việt kiều sẵn sàng nhắm mắt trước những tệ trạng ngày càng giết chết mọi khả năng tự vệ của dân tộc trước hiểm họa Trung Quốc, để được chút hư danh, để được người đưa đón, được “nhà nước lắng nghe” và được cùng gia đình hưởng vài lợi lạc.

Ai cần một chính sách mới hơn là “nghị quyết 36”?

Nghị quyết 36 là do Bộ Chính trị đảng CSVN ban hành ngày 26-3-2004, để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (2). Đó chỉ là sự chỉ đạo của đảng CSVN cho cán bộ của họ cách thu hút được những người gốc Việt sống ở ngoài Việt Nam (và là công dân xứ khác), vì những người này không còn chịu sự chỉ huy của họ nên họ không thể đàn áp được. Nhưng những người này có thể làm lợi cho họ khi mang tiền về, khi quảng cáo cho họ về những cố gắng và tiến triển đảng Cộng sản mang tới cho dân Việt, để đánh đổi sự đi lại, tự do mua bán và hưởng lợi. Loại Việt kiều này chỉ nhận lợi chứ không phải chịu những bất công của xã hội, những bất lợi khi đất nước Việt Nam suy sụp, tan nát, vì lúc đó họ có thể nhỏ vài giọt nước mắt nhưng đồng thời đã nhanh chân chạy về quốc gia nơi họ hiện là công dân.

Trò này cũng chẳng có gì là mới mẻ cả. Đại đa số người dân Trung Hoa, kể cả trí thức, đã ký hợp đồng không lời với nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc kiểu “Chúng tôi không đưa ra bất kỳ nhận xét chỉ trích bất lợi nào, vậy các ông hãy để chúng tôi yên”. Dân Việt Nam trong nước giờ đây cũng đành sống theo cách đó: Im mồm để không ngồi tù đến bệnh hoạn mà chết.

Nhưng Việt Nam khác Trung Quốc. Việt Nam cần sự giúp đỡ, viện trợ của quốc tế. Ngoài cách bịt miệng dân, đảng CSVN cần một đội ngũ những người từng là người Việt, ra vào Việt Nam dễ dàng để có vẻ rất hiểu biết về tình hình VN. Những người này ngược với người dân trong nước, được khuyến khích lên tiếng nhiều, nhưng hoàn toàn phải tránh né, không nhắc về các vấn đề vi phạm Nhân quyền, nhà cầm quyền tham nhũng, tình trạng thiếu một nhà nước pháp trị v.v… ở VN, để nhà cầm quyền VN thoải mái nói láo, hầu nhận các sự viện trợ, giúp đỡ nhân đạo. Cái vòng luẩn quẩn là chính một phần nhỏ những trợ giúp khổng lồ của thế giới tự do mấy chục năm nay đã giúp vài vùng quê VN có điện, có nước, nên những trí thức kiểu TS Liêm vội “hú còi”, rằng “đời sống chung của quần chúng đã được nâng cao rất nhiều”.

TS Liêm học cao, đâu còn trong tuổi ngây thơ, lại vào ra Việt Nam dễ dàng, sao không nhận ra người dân miền Nam VN muôn đời có ruộng có đất, dù to dù nhỏ, của tổ tiên cha ông để lại, bây giờ được đảng CS biến họ thành “vô sản”, “dân oan”? Trong khi nhà báo Phạm chí Dũng nhìn thấy và báo động về sự nguy hiểm của mạng lưới hối lộ ở VN nên lên tiếng đòi Liên Minh Âu châu phải buộc điều kiện Nhân quyền và tính minh bạch vào Hiệp định thương mại tự do EVFTA, thì phải ngồi tù 15 năm? Đấy là lý do để ông TS “công bằng ghi cho Nhà nước VN điểm cộng”?

Ông Nguyễn Minh Triết sang quận Cam, California, trốn chui trốn nhủi vì bị biểu tình, đả đảo dữ dội của người gốc Việt, chỉ gặp được loại Kiều bào sẵn sàng đội ơn thiện chí vượt bực của đảng Cộng sản, như ông TS nói, để được miễn thị thực, được công nhận song tịch, mua bán bất động sản… Loại Kiều bào đó ông TS Liêm có lẽ quen nhiều, nên giờ đây cho rằng cần đề nghị với Bộ Chính trị VN ra một “tân nghị quyết”?

Dân Việt trước hết là những công dân Việt đang sống ở Việt Nam

Đa số những người Việt tỵ nạn chính trị ở Mỹ (và Âu châu) hiện là công dân của những nước có Tự do Dân chủ. Sự thành công của họ ở những vùng đất mới, cũng như sự sụp đổ của chủ nghĩa CS trên thế giới, càng cho thấy rằng, súng đạn khi xưa đã thua, nhưng lý tưởng tự do dân chủ của miền Nam Việt Nam đã thắng.

Những người Việt chạy tỵ nạn lúc ở tuổi trưởng thành, giờ đây sau 47 năm, đã là những bậc cao niên. Nhìn tình hình thế giới có thể thấy rõ ràng là Lẽ Phải đôi khi bị cái Ác đè bẹp, nên tình cảm ngự trị trong tâm trí họ chỉ còn là những xót xa, thương dân tộc, là nỗi buồn vì không bảo vệ được những đồng bào nghèo khổ, những người bạn trí thức can đảm đang bị đàn áp ở quê nhà.

Ông TS Liêm hay các bạn Việt kiều của ông muốn xin xỏ một cách đối xử nào khác của đảng CSVN, đó là việc của các ông, bà. Nhưng xin nhớ, các ông, bà chỉ là một loại Việt kiều mà thôi.

Còn đảng CSVN nếu có can đảm và sòng phẳng để công nhận những sai lầm chính sách thì hãy quì xuống xin lỗi người dân trong nước, tạ tội với tiền nhân đã bao ngàn năm hy sinh, giữ gìn bờ cõi, bằng cách thả hết những người con yêu nước đang trong vòng tù tội, để dân tộc Việt còn có một tương lai.

Thục Quyên

________

Tiêu Dao Bảo Cự và Hữu Loan

TS Nguyễn Hữu Liêm-Triết gia nhà quê và ‘Cám dỗ Việt Nam’


Nhà xuất bản Hội Nhà Văn vừa cho ra mắt tác phẩm “Cám dỗ Việt Nam” của giáo sư triết học, TS Nguyễn Hữu Liêm, hiện đang giảng dạy Đại học tại Mỹ.

TS Nguyễn Hữu LiêmTrong thời gian gần đây ông đã cho xuất bản nhiều sách viết về địa hạt nghiên cứu được nhiều bạn đọc yêu chuộng trí thức quan tâm. Đơn cử như cuốn “Thời tính, Hữu thể và Ý chí: Một luận đề siêu hình học” do NXB Đà Nẵng phát hành 2018. Trước buổi gặp gỡ bạn đọc, giới thiệu ra mắt sách tại TP.HCM, ông đã dành cho báo Một Thế Giới một cuộc trao đổi.

– Được biết trong tuần tới Giáo sư sẽ có mặt ở TP.HCM để ra mắt tác phẩm mới. Ông có thể cho biết cảm tưởng của mình và những cuốn sách đã viết?

TS Nguyễn Hữu Liêm: Mỗi lần trở lại Việt Nam thì lòng vui như kẻ đi thật xa về lại làng xưa – dù tôi về nước thường xuyên. Kỳ nầy, tôi sẽ giới thiệu với độc giả trong nước tuyển tập bút ký của tôi “Cám dỗ Việt Nam” do NXB Hội NhàVăn và Domino phát hành. Đây là những bài viết ngắn về những chuyến đi khắp nơi trên quê hương, bao gồm những suy tư, mang dạng triết học, về đất nước, con người, quê nhà, bà con, bạn hữu. Đây là tuyển tập thứ nhất, sau đó sẽ là tuyển tập thứ hai mang tên, “Quốc gia như ảo thức đọa đày” về các vấn đề xã hội và lịch sử Việt.

Về sách chuyên môn ngành triết học thì ở Việt Nam tôi đã có cuốn “Thời tính, Hữu thể và Ý chí: Một luận đề siêu hình học” (2018) do NXB Đà Nẵng phát hành. Nội dung đưa ra một luận đề mới và khác, rất là nguyên thủy về bản thể luận trên nền tảng chữ Thời và Ý chí. Cách đây ba năm, tôi cũng đã cho ra đời cuốn “Sử tính và Ý thức: Một triết học cho lịch sử Việt Nam”. Hiện nay, tôi cũng đang xin giấy phép xuất bản cuốn mới “Phác thảo một triết học cho lịch sử thế giới.” Đây là cuốn khá dày, trên 600 trang, mà tôi ưng ý nhất. Hy vọng nó sẽ được ra mắt độc giả một ngày gần đây.

– Văn hóa đọc của độc giả trẻ trong nước gần đây như mở rộng và đa chiều. Sách bao quát nhiều lĩnh vực cũng được in nhiều hơn. Tuy nhiên, sách chuyên biệt cho Triết học hay lĩnh vực “đào xới tư duy” này rất ít ỏi. Tác phẩm của các tác giả Việt viết càng ít. Ông có thể cho biết thêm nguyên do vì sao ông “cần mẫn” độc hành trên con đường rất chông gai này?

– TS Nguyễn Hữu Liêm: Tôi say mê triết học từ thời trung học, khi còn là cậu học trò nghèo khó ở Quảng Trị. Qua Mỹ, tôi học nhiều ngành, nhưng cuối cùng cũng trở lại trường học triết và sau đó đi dạy triết học ở đại học Mỹ. Hình như tôi chỉ có một niềm vui duy nhất: đọc, viết và giảng dạy, thuyết trình triết học.

Tôi dạy triết toàn thời gian cho sinh viên Mỹ, nói tiếng Anh bằng giọng Quảng Trị nặng như đá, cho nên sinh viên tưởng là cao siêu – vì chúng chẳng hiểu mô tê chi cả. Rứa mà lớp học của thầy Liêm lúc mô cũng đông sinh viên – vì tôi liên tục kể chuyện vui đùa kiểu nhà quê làm cho bọn trẻ cười văng bàn, văng ghế. Tôi hành nghề luật sư thì đồng nghiệp gọi tôi là “country lawyer” (luật sư nhà quê), dạy triết thì các giáo sư trong trường kêu là “country philosopher” (triết gia nhà quê)!

Bìa sách “Cám dỗ Việt Nam” của nhà xuất bản Hội Nhà Văn 7.2019– Theo ông, người Việt có một nền tảng về Triết học không? Hình như trong văn hóa người Việt không thích khoa học, triết lý, sâu xa?

– TS Nguyễn Hữu Liêm: Hình như nấc thang phát triển trí tuệ của người Việt còn đang ở nấc thang thi ca, văn chương, và phiên dịch sách ngoại ngữ – chứ chưa đến tầm mức tư duy khái niệm.

Một trong những lý do là sự cắt đoạn sử tính khi chúng ta bỏ ngang chữ Hán Nôm để theo chữ Quốc ngữ. Sự chưa trưởng thành của ngôn ngữ Việt đã là nguyên nhân chính cản trở năng lực trí tuệ Việt.

Tôi đã phân tích vấn đề nầy kỹ trong cuốn “Sử Tính và Ý Thức”. Ngoại trừ một số rất ít, trí thức Việt còn tư duy và sáng tác theo dạng mô tả, tâm sự, hay viết truyện ngắn dạng kể chuyện, mỉa mai bóng gió, hay thơ phú theo kiểu chơi chữ, thiếu tư tưởng chiều sâu.

Vấn đề tổng thể chung mà tôi đã nói trong cuốn “Sử Tính” rằng dân tộc ta, về trọng tâm tiến hóa, vẫn còn ở tuổi thiếu niên. Thành ra, hầu hết trí thức, văn nghệ sĩ, khoa học gia, chuyên gia, tu sĩ, lãnh đạo, dù học vị cao bao nhiêu, họ vẫn là những chàng niên thiếu ở khoảng tuổi 15-16. Đây là cơ bản của tất cả mọi vấn đề cho lịch sử và xã hội Việt Nam xưa nay. Tức là nói chung, dân tộc ta vẫn chưa đến tuổi trưởng thành.

– Như ông tự nhận mình “triết gia nhà quê” một cách vui vẻ nhưng tôi thấy chính vì nhà quê mà câu chuyện về đề tài ngỡ “cao siêu” bỗng hóa ra hồn nhiên, dễ hiểu và cũng không kém phần sâu sắc. Ông có thể cho biết thêm suy nghĩ của ông về nhà triết học Trần Đức Thảo, một hiện tượng triết học Việt Nam. Với ông, vai trò của Trần Đức Thảo “thời tính” thế nào của triết lý Việt Nam và thế giới?

– TS Nguyễn Hữu Liêm: Về Trần Đức Thảo thì tôi đã có viết và dịch sang Việt ngữ một ít các bài viết của ông từ văn bản Anh ngữ. Ông xứng đáng là một triết gia tầm cỡ thế giới. Chúng ta hãnh diện về ông – một phần vì tự ái dân tộc. Tuy nhiên, ông chỉ kết hợp Hiện tượng luận của Husserl với Marxism vốn mang tính phê phán hơn là sáng tạo.

Cuốn “Phenomenology and Dialectical Materialism” của ông là một tác phẩm lớn – nhưng chỉ xuất sắc nửa đầu cuốn, nửa sau thì hỏng và bình thường lắm.

Nguyễn Hữu Hồng Minh thực hiện

(Mượn dấu thời gian)

Nguyễn Hữu Liêm, tiến sĩ Luật khoa, tiến sĩ Triết học (Hoa Kỳ), nguyên chủ nhiệm tập san Triết xuất bản ở Hoa Kỳ vào thập niên 1990-2000, là tác giả của Dân chủ Pháp trị (1991), Tự do và Đạo lý (1994), Sử tính và Ý thức (2018), Thời tính, Hữu thể và Ý chí – một luận đề siêu hình học (Nxb. Đà Nẵng – Domino Books 2018

Thư ngỏ gởi Nguyễn Hữu Liêm

Tiêu Dao Bảo Cự

Anh Liêm thân mến,

Tôi vừa nhận được email của anh gởi cho tôi bài viết mới của anh “Nơi giữa Đại hội Việt kiều: Một nỗi bình an” và ngay sau đó thấy bài này được đăng trên talawas và Đàn Chim Việt với khá nhiều ý kiến phê bình. Rõ ràng đây là một bài viết gây “sốc” như nhiều bài viết khác của anh, vừa do quan điểm, vừa do cách trình bày của tác giả, lại liên quan đến một vấn đề thời sự nóng hổi mà nhiều người đang theo dõi. Do đó, thay vì viết thư riêng cho anh, tôi xin viết thư ngỏ này để cùng anh và mọi người quan tâm trao đổi.

Gần đây, tôi đối với anh có mối quen biết. Đầu năm nay, một vài người bạn muốn mời tôi sang Mỹ chơi một chuyến. Để có lý do cho tôi xin visa nhập cảnh Mỹ, các bạn đó (cũng là bạn và người quen biết anh) đã nhờ anh lấy danh nghĩa giáo sư của San Jose City College, nơi anh đang giảng dạy, mời tôi với tư cách là một nhà văn bất đồng chính kiến, sang nói chuyện với sinh viên lớp triết của anh về một đề tài liên quan đến chủ nghĩa hiện sinh. Do đó, cùng với một số lý do khác liên quan đến quá trình đấu tranh cho dân chủ của tôi, tôi đã có visa vào Mỹ khá dễ dàng và sau đó nhờ nhiều bạn bè khác ưu ái giúp đỡ, tôi đã ở lại và đi nhiều nơi trong sáu tháng để tìm hiểu về nước Mỹ và người Việt trên đất Mỹ.

Trước đó, tôi chưa quen biết anh và đọc về anh rất ít. Sau khi có giấy mời của anh, tôi bắt đầu tìm đọc các bài viết của anh trên mạng và hỏi thăm một vài bạn bên Mỹ về anh. Một số người nói anh là nhân vật có nhiều “tiếng tăm và tai tiếng”, có xu hướng thân cộng và có một số bất đồng, xung đột về quan điểm với cộng đồng. Mới đầu tôi cũng hơi ngại khi biết về anh như thế nhưng rồi tôi tự nhủ, tính chất và nội dung của giấy mời rất rõ ràng và chính đáng, hơn nữa anh là anh và tôi là tôi. Từ bao nhiêu năm qua, tôi vẫn là tôi trong mọi hoàn cảnh.

Thực hiện yêu cầu trong lời mời của anh, tôi đã đến nói chuyện với sinh viên lớp của anh về đề tài: “Ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh, từ siêu thực đến hiện thực: Chọn lựa dấn thân của một trí thức ở một đất nước trong và sau chiến tranh”. Ý của anh là muốn cho sinh viên Mỹ có cơ hội hiểu thêm về lựa chọn của những trí thức sống trong môi trường chính trị hoàn toàn khác biệt với đất nước Mỹ. Tôi đã nói với sinh viên về lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm, lựa chọn dấn thân và hành động phản kháng từ thời trẻ cho đến bây giờ qua câu chuyện cá nhân của một thời “chống Mỹ ngày xưa và chống cộng ngày nay”. Anh đã phiên dịch cho tôi trong buổi nói chuyện này và tôi đã có một buổi trao đổi thật thú vị khi trả lời những câu hỏi hóc búa của sinh viên Mỹ. Như thế về mặt chính thức, coi như tôi đã làm xong trách nhiệm đối với lời mời của anh. Tuy nhiên trong thời gian ở Mỹ, tôi đã có nhiều dịp khác tiếp xúc với anh và chúng ta đã trao đổi khá nhiều về những vấn đề chính trị phức tạp liên quan đến tình hình Việt Nam. Tôi và vợ tôi đã ở lại nhà anh hôm đầu tiên đến Mỹ và sau đó vài lần nữa khi anh mời chúng tôi đến ăn tối uống rượu cùng với một số bạn khác. Anh đã luôn dành cho chúng tôi căn phòng đẹp nhất trong nhà mà anh gọi là honeymoon suite. Vợ anh, một phụ nữ đảm đang và dễ thương, hiếu khách cũng đã dành cho chúng tôi sự đón tiếp chân tình. Coi như chúng ta đã trở thành bạn, tôi xem đó là “chút nợ ân tình” và vì thế hôm nay tôi mới có lá thư ngỏ này.

Tôi đã có đôi chút hiểu biết về cuộc đời và tư tưởng của anh. Ngày 30.4.1975, mới 20 tuổi, lúc đang là một người lính không quân, anh đeo càng trực thăng thoát ra khỏi Việt Nam và sau đó di tản sang Mỹ. Trên đất nước mới này anh đã có những nỗ lực phi thường để thực hiện giấc mơ của mình. Ba năm sau, anh tốt nghiệp đại học. Ba năm nữa anh lấy bằng cao học (về kinh tế?). Sau đó là tiến sĩ luật và cao học triết, mở văn phòng luật sư và dạy triết ở đại học. Song song với việc học, anh vừa làm việc kiếm sống, lập gia đình, vừa hoạt động xã hội và viết sách, báo. Anh đã từng làm việc trong các cơ quan tư pháp của tiểu bang và liên bang Mỹ cũng như tham gia nhiều hội đoàn của người Việt. Anh có một căn nhà to đẹp, yên tĩnh, hướng ra phía núi, vườn rộng trồng đầy hoa và dành cả một khoảng đất lớn để nuôi một đàn gà theo kiểu thả vườn, một điều hiếm thấy ở vùng Evergreen trong thung lũng Silicon, bang California. Tôi nghĩ anh là một mẫu người Việt có ý chí vươn lên, có khả năng trí tuệ và thành đạt trên đất Mỹ.

Tôi đã được anh tặng ba cuốn sách dày anh viết về chính trị, tư tưởng và pháp luật, thêm ba số tập san triết học mà anh là người chủ trương thực hiện. Vì không có nhiều thời gian và không tiện mang về, tôi đã chỉ cố gắng đọc cuốn Dân chủ và pháp trị, cuốn sách quan trọng và ưng ý nhất của anh. Qua cuốn sách này cũng như qua những lần trò chuyện, tôi nghĩ tôi hiểu được đôi chút về tư tưởng của anh. Anh là người có nhiều ưu tư về đất nước và muốn cống hiến. Anh muốn đứng trên tầm cao triết học để nhìn nhận vấn đề chính trị hiện tại. Theo anh, dân tộc Việt Nam tuy trải qua nhiều đau khổ nhưng vẫn là một dân tộc còn thiếu niên, chưa trưởng thành (về chính trị và tinh thần so với các nước Âu Mỹ), chế độ cộng sản ở Việt Nam có nhiều sai lầm nhưng chiến thắng của họ là một tất yếu của lịch sử. Anh không giấu diếm sự khâm phục đối với “những người cộng sản chân chính” đã hi sinh cho đất nước nhưng cũng đã không ít lần phê phán những sai lầm, bất cập của chủ nghĩa và chế độ cộng sản. Tuy nhiên vấn đề hiện nay không phải là chống cộng bằng cách chửi rủa mà phải tìm cách tiếp cận, hợp tác với nhà cầm quyền trong nước và cố gắng chuyển hóa họ về hướng dân chủ. Trong những bài viết của anh trên mạng, anh thường có quan điểm ngược với số đông và đã chịu nhiều phê phán nhưng anh không ngại. Anh là một người có bản lĩnh và hơi khác thường. (Xin nhấn mạnh, trên đây là những gì tôi hiểu, tôi nghĩ về anh, thông qua sách báo anh viết và những cuộc trò chuyện, còn có hoàn toàn đúng với anh hay không, tôi không dám chắc.)

Trong bài viết về “Hội nghị Việt kiều” vừa qua, anh đã dành một nửa trình bày quan điểm chính trị về tình hình Việt Nam theo góc độ triết học mà tôi hiểu và trình bày vắn tắt trên đây, có cả phần phê phán chế độ cộng sản một cách kín đáo. Tôi không nghĩ anh “làm dáng triết lý”, trái lại anh còn “lậm triết lý” là khác. Anh đã đọc, viết nhiều sách báo về triết, hằng ngày dạy triết và chắc luôn bị ám ảnh bởi những vấn đề triết học. Tuy nhiên một vấn đề lớn như thế mà anh chỉ trình bày trong vài đoạn ngắn gọn, đôi khi bằng một cách diễn đạt hơi “cao siêu và tối tăm”, có thể nhiều người không hiểu anh nói gì. (Người nào đã đọc cuốn sách dày Dân chủ và pháp trị, có lẽ sẽ hiểu anh hơn.) Tuy nhiên điều gây ấn tượng, làm người đọc quan tâm và bị “sốc” trong bài viết không phải là những lập luận triết lý mà chính là những cảm xúc của anh, thể hiện ngay trong tựa đề “Giữa Đại hội Việt kiều: Một nỗi bình an.”

Một số người, trong đó có tôi, tin rằng đây là những cảm xúc thật và anh đã có sự chân thành và can đảm khi nói ra, bằng những ngôn từ “rộn rã” như tâm trạng: “Một nỗi bình an, vui lên như trẻ thơ, hân hoan, hồn nhiên, hạnh phúc nguyên sơ”. Đã là cảm xúc thì không có lý lẽ và mỗi người có thể khác nhau tuy trong cùng một hoàn cảnh. Như cái ngày 30 tháng Tư ấy, “một triệu người vui và một triệu người buồn”. Bài hát “Nối vòng tay lớn” ấy, khi vang lên trên đài phát thanh Sài Gòn, có người “hồ hởi phấn khởi”, lịm đi vì sung sướng, nhưng cũng có người cho đến nay khi hồi tưởng vẫn còn thấy như búa bổ trên đầu. Bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” ấy, qua “màn diễn” chắc chắn là có ý đồ chứ không tự phát trong hội nghị mà anh mô tả, cảm xúc của người nghe, người đọc lại càng khác nhau. Những cảm xúc có thực ấy, anh có thể diễn đạt khác đi mà vẫn có hiệu ứng như anh muốn có, nhưng anh đã chọn cách nói như đã nói, dù có thể anh biết sẽ nhận lãnh búa rìu của dư luận, có lẽ lần này sẽ kinh khủng hơn mọi lần với những bài viết khác của anh. Có người trong nước (thuộc loại trí thức phản kháng) rất lấy làm ngạc nhiên vì sự vội vàng và bài viết của anh, đặt dấu hỏi đây không phải là một “hồn nhiên ngang tàng” theo phong thái vốn có của anh mà là một cách chứng minh “đại hội thành công tốt đẹp” theo kiểu cộng sản mà anh đã tự nguyện nhận lãnh.

Dĩ nhiên cảm xúc không có lý lẽ nhưng có cội nguồn tâm lý và tinh thần, vì thế nên mọi người mới khác nhau trong cùng hoàn cảnh. Tôi nghe anh đã từng về nước nhiều lần, đã từng gặp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một số quan chức ngành công an và giáo dục ở trung ương và địa phương, một cách chính thức và không chính thức. Anh cũng đã viết về những lần gặp gỡ đó. Nhưng qua bài viết này anh thú nhận những lần đó bao giờ anh cũng lo sợ một cách thầm kín, chưa biết thực sự người ta nghĩ gì và sẽ đối xử với anh như thế nào khi anh đã quá hiểu chuyện “sáng nắng chiều mưa” liên quan đến chính sách và thái độ của những quan chức trong bộ máy độc tài toàn trị. Và với những biểu hiện “tình cảm và trọng thị” ở lần tiếp đón này, anh như “cởi được tấm lòng” nên cảm xúc vui vẻ dâng trào. Tuy nhiên, cũng như một số người khác, tôi nghĩ nếu anh có những phát biểu thẳng thắn, liệu tình cảm và sự đón tiếp đó có còn được duy trì? Và người ta cũng muốn biết anh đã có phát biểu gì có giá trị trong hội nghị này cũng như chờ đợi những việc làm hữu hiệu của anh sắp tới nếu quả thực anh có chủ trương “tiếp cận, hợp tác và chuyển hóa”.

Tình cảm và sự quý trọng của những người đón tiếp anh lần này có thể là chân tình, có thực hay được chỉ đạo. Nhưng đây chỉ là một “hiện thực nhỏ” trong “hiện thực lớn” của đất nước. Cũng như chúng ta đã có lần trao đổi về “cái làng của anh” vô cùng tốt đẹp và “cái xóm của tôi” lắm chuyện đáng buồn khi nhận định về tình hình Việt Nam. Hiện thực về thái độ của nhà cầm quyền đối với trí thức Việt kiều trong hội nghị và với trí thức phản kháng trong nước có độ chênh như thế nào, cũng như nhiều vấn đề nóng về chuyện Trung Quốc xâm lược, biên giới, biển đảo, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo… không thể không được xem xét một cách toàn diện trong suy tư của người trí thức.

Có lẽ do xúc cảm và vội vàng (anh viết xong chỉ mấy ngày sau khi từ Việt Nam “về lại” hay “đi Mỹ”), ngôn từ anh sử dụng ngoài những chỗ khó hiểu “quen thuộc”, anh còn không chú ý phân biệt cho thật chính xác những khái niệm “tổ quốc, quê hương, đất nước, chế độ” dù anh thừa sức làm điều này. Tôi cũng hiểu trong một hoàn cảnh và tâm trạng nào đó, người ta có thể đồng hóa những từ, những khái niệm đó. Ngay chúng tôi ở trong nước, cũng có người tự thấy mình là kẻ “lưu vong”, “mất nước” trên chính quê hương đất nước mình vì thấy mình bị tước đoạt mọi thứ với tư cách một người công dân, kể cả lòng yêu nước.

Tâm trạng và lựa chọn của anh có thể cũng là của một số người Việt ở nước ngoài. Họ muốn trở về quê hương, muốn đóng góp cho đất nước. Họ đều thấy chế độ trong nước là độc tài và nhiều sai lầm nhưng khi không thể lật đổ nó thì tốt hơn vẫn có thể hợp tác và tìm cách chuyển hóa nó, hoặc ít ra cứ làm bất cứ việc gì có ích cho quê hương, dân tộc và cả bản thân, gia đình mà không góp phần củng cố chế độ độc tài. Đó là những người đã về nước đầu tư về kinh tế, hoạt động trên các lãnh vực văn hóa giáo dục hay từ thiện. Họ chấp nhận một số khó khăn hay ràng buộc do nhà nước gây ra, kể cả những điều tiếng thị phi từ đồng bào mình ở hải ngoại, để thực hiện được mục đích mà họ cho là chính đáng. (Thí dụ ngay như việc về nước làm từ thiện cũng có người phê phán, cho rằng đó là trách nhiệm của nhà nước phải lo cho dân, việc gì phải lo thay cho nhà nước trong khi các quan chức đang ra sức vơ vét, tham nhũng.) Ở đây tôi không nói đến những người hoàn toàn có động cơ cá nhân vị kỷ. Quả thật tâm trạng và ước vọng đó hoàn toàn chính đáng. Nhưng vấn đề và cũng chính là nan đề, là giải pháp nào để cho việc làm không có tác dụng ngược khi quyền lực hoàn toàn nằm trong tay nhà nước. Không lẽ không làm gì nhưng làm thì làm thế nào cho có hiệu quả? Câu hỏi đó đã làm rối lòng không ít người và trong đó tôi nghĩ có anh.

Sức mạnh của chế độ độc tài toàn trị nằm trong khả năng tuyên truyền nhồi sọ và nỗi sợ hãi của dân chúng. Điều này đã được chứng tỏ qua thời chiến cũng như thời bình trong quá khứ. Tuy nhiên thời đại ngày nay đã làm điều đó thay đổi. Thế giới phẳng, Internet, các phương tiện truyền thông nhanh chóng và ý thức về tự do dân chủ ngày càng tăng lên. Điều này buộc nhà nước phải điều chỉnh chính sách và từng bước thuận theo lòng dân, dù có muốn cưỡng lại cũng rất khó khăn, chỉ có thể “câu giờ”, làm chậm thêm thời gian chứ không thể đi ngược lại xu hướng thời đại. Vậy thì sức mạnh của trí thức nói riêng và nhân dân nói chung là nói thẳng, nói thật, có tinh thần, thái độ và hành động phản kháng chính trực, ủng hộ những gì đúng đắn nhưng phê phán mạnh mẽ những sai lầm, đi ngược lại quyền lợi chung của dân tộc. Tôi không biết trong các “hội nghị Việt kiều” như hội nghị vừa qua, các đại biểu đã nói gì vì rất ít thông tin nhưng nếu họ đủ dũng lược để nói thẳng thì nhà nước cũng không thể đàn áp và có thể làm cho nhà cầm quyền, sớm hay muộn, phải điều chỉnh chính sách của mình. Việc “ăn theo, nói hùa” rõ ràng không có lợi ích gì chính đáng cho cả đại biểu lẫn nhà nước nếu không là những lợi ích cá nhân, cục bộ hoàn toàn không chính đáng.

Thời gian ở Mỹ, tôi đã nghe nhiều người nói chuyện chính trị, băn khoăn dằn vặt, thậm chí “quên ăn mất ngủ” vì chuyện chính trị Việt Nam. Đó là những người có lòng với đất nước. Có một nhận định khá chung nhất (đối với một số người tôi đã được nghe) và được một người diễn đạt bằng một cách hình tượng, cường điệu nhất: “Thủ tướng Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng hay Chủ tịch Nguyễn Minh Triết khi qua Mỹ, đi ngang qua đám người biểu tình chống đối, nếu có can đảm bước xuống xe, bắt tay người biểu tình, nói một lời xin lỗi thì ông ta có thể lấy được phố Bolsa, thủ đô của người Việt chống cộng.” Dĩ nhiên là các ông không đủ dũng lược và bản lĩnh để làm điều này. Tuy nhiên cách diễn đạt đó muốn nói, những người Việt tỵ nạn cộng sản ở nước ngoài sẵn sàng xóa bỏ hận thù, chấp nhận những người cộng sản nếu người cộng sản thực tâm thấy sai lầm và sửa chữa (không phải chỉ là những lời nói và việc làm có tính cách mị dân hay lừa bịp), từ đó cùng nhau xây dựng tương lai. Tôi không rõ quan điểm này có ở bao nhiêu phần trăm trong số những người Việt ở hải ngoại và tôi cũng đã từng nghe có những người thề không đội trời chung với cộng sản trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tôi cũng nghe có người tâm sự vẫn đi tham dự các cuộc biểu tình chống cộng nhưng không vui vẻ gì khi thấy người Việt ở nước ngoài phải luôn chống nhà cầm quyền Việt Nam trong nước. Với nhiều quốc gia, nguyên thủ khi đi ra nước ngoài là niềm hãnh diện của người dân kiều bào sống trên đất nước đó, ngược lại đối với phần lớn người Việt ở hải ngoại, đó là dịp gợi lên sự xấu hổ và lòng hận thù, có hành động chống đối, gây khó khăn cho nhà nước. Thế thì đất nước làm sao ngẩng mặt với thế giới và làm sao có thể xây dựng tương lai. Phải chăng đây là định mệnh đáng buồn của một dân tộc đã kinh qua nhiều khổ nạn và cho đến bây giờ chưa có cách gì “giải nghiệp”.

Những điều trên rất đáng cho những người cầm quyền Việt Nam hiện nay suy nghĩ. Muốn đoàn kết dân tộc, sự thực tâm vì đất nước sẽ có giá trị gấp vạn lần những chính sách tạm bợ, đối phó, những “hội nghị Việt kiều” và mọi loại thủ đoạn mua chuộc, trù dập. Có người nhận định trong tình hình hiện nay, “trái bóng đang ở phía những người cầm quyền”, nếu họ thực tâm, dân tộc sẽ đoàn kết, đất nước sẽ cất cánh, nếu ngược lại, dân tộc sẽ còn đau khổ, đất nước vẫn “tụt hậu” và một sự đổ vỡ bi thảm không tránh khỏi sẽ xảy ra cho đảng cộng sản cầm quyền và cho cả đất nước đã có quá nhiều bi kịch. Và như thế, phải chăng nhận định của Nguyễn Hữu Liêm cho rằng dân tộc Việt Nam “vẫn chưa trưởng thành” không phải là điều hoàn toàn vô lý?

Anh Liêm thân mến,

Tôi đã theo dõi bài viết và tâm trạng của anh từ triết lý đến cảm xúc trong một cuộc “lội ngược dòng” và suy nghĩ về những lựa chọn cá nhân trên con đường đi lên của dân tộc. Những băn khoăn này không của riêng ai. Ai sẽ chỉ ra được con đường tốt nhất chứ không phải chỉ là những lời nguyền rủa hay những ước mơ không thành hiện thực? Xu thế tiếp cận, hợp tác với nhà cầm quyền trong nước, một xu thế có thực đối với một bộ phận người Việt ở nước ngoài hiện nay, mà anh có thể là một trường hợp tiêu biểu, là sự “lội ngược dòng” đối với xu thế chống cộng chung ở hải ngoại sẽ có kết quả gì không? Điều đó tùy thuộc rất nhiều vào bản lĩnh, cái tâm trong sáng của người trong cuộc. Hợp tác phải có chủ đích rõ rệt, có đấu tranh, có điều kiện, trong một cuộc giằng co chắc chắn gay go với nhà nước toàn trị. Nếu bị mua chuộc hay vị kỷ, hèn nhát, e rằng đó sẽ chỉ là một thí nghiệm với kết cục bi thảm được thấy trước.

Đà Lạt 30.11.2009

Tiêu Dao Bảo Cự

Để lại lời nhắn

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.