
XÃ HỘI LÀNH MẠNH BẮT ĐẦU TỪ CÔNG KHAI MINH BẠCH

Chu Mộng Nong
Không chỉ TP. HCM, gần như tất cả các địa phương đều có một thứ luật ngầm: “bảo vệ bí mật của cơ quan”. Đặc biệt là bảo vệ bí mật về những thông tin tiêu cực. Thông tin tiêu cực thường là do kẻ có quyền lực, từ lãnh đạo đến có quyền nhỏ nhất như giáo viên, giám thị tự gây ra.
Trong khi nhà nước chỉ có quy định bảo vệ bí mật về an ninh quốc gia với danh mục rõ ràng về thông tin cần bảo mật. Không có quy định nào che giấu tiêu cực, bởi nếu có quy định này, đó chỉ có thể là quy định bảo vệ một chính quyền thối nát. Chẳng hạn, thời trung cổ, những tên hôn quân bạo chúa hoang dâm thì cái dâm loạn của chúng được bảo vệ tối đa. Những kẻ tàn ác, tham lam giết người cướp của, cho đến kẻ ăn cắp vặt đều rất sợ hành vi của mình bị bóc trần.
Nhà nước văn minh không có quy định cấm chia sẻ thông tin tiêu cực mà đồng hành cùng nhân dân chống tiêu cực để có một xã hội lành mạnh. Vậy thì những kẻ nhân danh “bảo vệ bí mật của cơ quan” tự ra lệnh “cấm chia sẻ thông tin tiêu cực” ở cơ quan, chỉ có thể là giới lãnh đạo nằm ngoài vòng pháp luật. Có thể là thổ phỉ chui vào cơ quan nhà nước chẳng hạn.
Đảng và Nhà nước nếu có thực tâm chống tiêu cực, hãy dẹp bỏ ngay vấn nạn này, coi như đó là “tội che giấu tội phạm”. Vì chính giới lãnh đạo ở các cơ quan có ý đồ như vậy đã cố tình chống phá Đảng và Nhà nước, nuôi dưỡng từ cái sảy đến nảy cái ung, hậu quả là làm thối rữa lòng tin của nhân dân, làm sụp đổ Đảng và Nhà nước chứ không phải thế lực thù địch nào.
Người ta “thù địch” với tiêu cực là xấu chăng khi mà giới lãnh đạo thổ phỉ ra rả tuyên truyền, đe dọa những người chia sẻ thông tin, dù đó là thông tin không bịa đặt mà đúng sự thật, để nuôi dưỡng tiêu cực?
Nếu muốn bảo vệ bí mật tuyệt đối, cả che giấu tiêu cực, những ông bà lãnh đạo này có dám xóa sổ luôn hệ thống báo chí, cắt đứt luôn mọi liên lạc bằng con đường Internet, để tất cả đều phải sống trong cái hang tăm tối biệt lập với thế giới bên ngoài không?
Một nhà nước văn minh phải kiến tạo nên một xã hội lành mạnh, bắt đầu từ công khai minh bạch. Đơn giản như một sự sống đặt giữa thanh thiên bạch nhật để con người tự soi tỏ lòng mình và hiểu người khác, từ đó vươn đến điều tốt đẹp. Còn mọi thứ nhân danh bảo vệ an ninh theo cách bảo vệ cái hang động tăm tối, thì chỉ có thể là nơi nuôi dưỡng bọn ma quỷ lộng hành.
Có lãnh đạo biện minh: “Nếu có sai trái thì để công an giải quyết”. Ơ hay, thế Cụ Hồ nói: “Công an có hai con mắt, nhưng nhân dân thì có triệu con mắt”, sao chẳng mấy ai chịu học tập và làm theo nhỉ?
Chu Mộng Long
TP.HCM: Giáo viên phải ký cam kết bảo vệ bí mật nhà trường
Hưng Long 30/10/2022 | 08:02
(Ngày Nay) – Sở GDĐT TP.HCM đã tổ chức cho Hiệu trưởng, Hiệu phó và văn thư khóa tập huấn “bảo vệ bí mật nhà nước” để triển khai trong nhà trường.
![]() |
Bản cam kết (trái), Nội quy Bảo vệ bí mật nhà nước của trường THPT Vĩnh Lộc (phải) và trường THPT Vĩnh Lộc (ảnh nhỏ). |
Nhiều giáo viên trường Vĩnh Lộc bị Hiệu trưởng nhận xét “cổ súy cho tư tưởng dân chủ cực đoan” (!?)
Vì sao trường THPT Vĩnh Lộc chậm thực hiện kết luận của Sở GDĐT?
Viết tiếp trường có nhiều giáo viên “cổ súy cho tư tưởng dân chủ cực đoan”
Giữ gìn “bí mật nhà nước” nói chung và của nhà trường là bảo vệ an ninh quốc gia
Ngày 29/10, nhiều giáo viên trường THPT Vĩnh Lộc (huyện Bình Tân, TP.HCM) bất ngờ khi đọc Nội quy “bảo vệ bí mật nhà nước” của trường THPT Vĩnh Lộc và Bản cam kết “bảo vệ bí mật nhà nước” do trường ban hành.
Theo Bản cam kết này, nhà trường tự biên soạn và đánh máy sẵn để giáo viên ký tên vào. Nội dung của bản cam kết thể hiện: “Qua nghiên cứu cứu các văn bản pháp luật liên quan đến công tác Bảo vệ bí mật Nhà nước, tôi hiểu rằng việc giữ gìn bí mật Nhà nước nói chung và trường THPT Vĩnh Lộc nói riêng là để bảo vệ an ninh Quốc và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như bảo vệ thông tin nội bộ, văn bản pháp lý của trường THPT Vĩnh Lộc”.
Tiếp theo, bản cam kết buộc các giáo viên như sau: “1. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về Bảo vệ bí mật Nhà nước cũng như bảo vệ thông tin nội bộ, văn bản pháp lý của trường THPT Vĩnh Lộc”.
“2. Không để lộ, mất những bí mật Nhà nước cũng như thông tin nội bộ, văn bản pháp lý của cơ quan mà tôi được giao xử lý, tiếp nhận, phổ biến, được phân công bảo quản, lưu trữ, đồng thời không tiết lộ những thông tin đó cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khác bên ngoài trường THPT Vĩnh Lộc”.
“3. Khi tôi không còn công tác tại trường THPT Vĩnh Lộc hoặc không còn được giao xử lý, tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ, tôi cam kết sẽ không tiết lộ và sử dụng những bí mật Nhà nước nói chung cũng như bí mật của trường THPT Vĩnh Lộc nói riêng với mục đích cá nhân, trái quy định của pháp luật và Nội quy Bảo vệ bí mật Nhà nước của trường THPT Vĩnh Lộc đã ban hành”.
“Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có các sai phạm nêu trên”.

Kết thúc Bản cam kết “bảo vệ bí mật nhà nước” là ký tên và đóng dấu của Hiệu trưởng nhà trường và ký tên của người cam kết.
Nội quy “bảo vệ bí mật nhà nước” của trường THPT Vĩnh Lộc được biên soạn khá công phu với 11 Điều do bà Nguyễn Thị Nha Trang – Hiệu trưởng nhà trường ký tên và đóng dấu. Nội quy được phát hành rộng rãi, công khai trong toàn thể nhà trường để cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường đọc, biết và cùng ký cam kết.
Tập thể cán bộ, giáo viên và nhân viên của trường THPT Vĩnh Lộc bức xúc với bản cam kết nên không đồng ý ký tên. Họ lo sợ rằng, việc không ký tên sẽ bị kỷ luật vì chống đối lại sự lãnh đạo của Hiệu trưởng và sự chỉ đạo từ Sở GDĐT TP.HCM.
Nhà trường “tự chế” Bản cam kết bí mật nhà nước
Ngay trong ngày, chúng tôi đã liên lạc với bà Nguyễn Thị Nha Trang – Hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Lộc để xác minh lại sự việc. Bà Trang cho biết, Sở “bắt” tất cả các trường phải làm. Đi tập huấn 3 ngày, đi về xây dựng nội quy và đặt mộc (dấu)…
Cô Trang nói, Hiệu trưởng học, Hiệu phó học, Văn thư phải học và về “bắt” tất cả Hiệu trưởng soạn Nội quy là bài thu hoạch và đã gửi hết lên Sở GDĐT. Xây dựng cũng khổ sở lắm, phải tự xây dựng. Mỗi người có một cuốn tập huấn “dày cui”… Quy chế, nghị định nhiều khi mọi người không hiểu nên phải xây dựng lại…
Cùng ngày, ông Hồ Tấn Minh – Chánh văn phòng Sở GDĐT xác nhận, vừa rồi, Sở có yêu cầu tất cả các đơn vị căn cứ theo quyết định 22 của thành phố (*) và nội quy của ngành giáo dục đào tạo thì nhà trường phải xây dựng Nội quy “bảo vệ bí mật nhà nước” tại đơn vị mình. Đó là theo quy định của luật thì phải làm.
Nội dung Bí mật nhà nước có rất nhiều lĩnh vực, có đến 35 lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Việc ký cam kết “bảo vệ bí mật nhà nước” được thực hiện là những người được phân công nhiệm vụ, công tác có liên quan trực tiếp đến Bí mật nhà nước, người được phân công quản lý Bí mật nhà nước, thôi việc, chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc lý do khác.

Ông Minh phân tích, người đề nghị cung cấp và chuyển giao Bí mật nhà nước. Những người có điều kiện khả năng tiếp cận Bí mật nhà nước và không có liên quan thì cơ quan địa phương sẽ ký cam kết bằng văn bản.
“Mẫu cam kết Bí mật nhà nước được quy định bằng quy chế của Sở và quyết định của UBND TP.HCM chứ không phải muốn ghi gì trong đó thì ghi. Ở đây là mẫu theo quy định chứ không phải ai cũng được quyền soạn ra mẫu bảo vệ nội quy nhà trường. Nó là mẫu cam kết “bảo vệ bí mật nhà nước”, thi cử, công tác cán bộ…”, ông Hồ Tấn Minh nói.
Chuyện nội bộ của nhà trường không phải là “bí mật nhà nước”. Câu chuyện “bảo vệ bí mật nhà nước” không phải là công chuyện riêng của nhà trường mà là chuyện của ngành, của quốc gia. Việc “bảo vệ bí mật nhà nước” của công chức, viên chức có quy định thì theo quy định mà làm, chứ không phải tự sáng chế ra ý nghĩ gì đó.
Ông Hồ Tấn Minh khẳng định, việc ban hành nội quy và cho giáo viên ký cam kết là đúng. Tuy nhiên, nội dung của cam kết chưa đúng theo hướng dẫn của Sở. Nội quy là căn cứ vào quyết định 22 của thành phố và quy chế của Sở đã ban hành. Không được đặt thêm, loại thêm những nội dung đó.
Ông Minh tiếp tục khẳng định: “Chỉ được điều chỉnh là đang ở cấp Sở thì quy định lại thành cấp trường. Không được đưa thêm những nội dung khác ngoài những nội dung đã được hướng dẫn. Bí mật nhà nước là phải làm đúng và làm đủ”.
(*) Quyết định số 22/2020/QĐ-UBND ngày 30/6/2022 của UBND TP.HCM về ban hành Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trên địa bàn TP.HCM.