
Nghịch lý bầu cử tự do tại Hoa Kỳ
Nguyễn Tường Tâm ĐCV
–
28/10/2022

Trong các quyền tự do nhiều người đã hy sinh hoặc chịu tù đày để tranh đấu đòi hỏi, có quyền Tự Do Bầu Cử (Bài này không đề cập tới quyền tự do Ứng cử). Ở Mỹ, cũng như ở các nước tự do tiên tiến như Âu châu, Úc, New Zealand, Nhật bản, quyền tự do bầu cử được tôn trọng tuyệt đối. Nhưng có điều nghịch lý là số cử tri ở Mỹ đi bầu chỉ bằng nửa số cử tri đi bầu tại các quốc gia không có quyền tự do bầu cử như Việt Nam, Nga…
Lý do số cử tri Mỹ đi bầu quá thấp là vì không có các viên chức an ninh, hành chánh địa phương tới vận động. Thực tế sự gọi là “vận động” tại Việt nam, Nga, có tính cách đe dọa, bắt buộc.
Tại Mỹ các viên chức an ninh, hành chánh địa phương không có nhiệm vụ tới nhà cử tri “vận động” đi bầu. Cử tri có quyền bầu hay không bầu. Không bầu cũng là quyền tự do bầu cử.
Thêm nữa, nên biết rằng tự do bầu cử không phải chỉ là tự do chọn lựa ứng cử viên mà còn được quyền đòi hỏi chính quyền cung cấp đầy đủ thông tin về thủ tục, địa điểm và thời gian bỏ phiếu một cách thuận tiện nhất cho người dân.
Tất cả các cử tri đều nhận được phiếu bầu kèm bì thư hồi báo gửi tận nhà 29 ngày trước ngày bầu cử chính thức (Hiện nay ở Tiểu bang California là ngày 8 tháng 11, năm 2022). Thư bầu cử không phải dán tem nếu gửi qua bưu điện.
Cử tri có 29 ngày để bầu theo cách tự chọn: hoặc gửi qua bưu điện hoặc bỏ vào thùng nhận phiếu.
Ngoài ra, chính quyền còn có nhiệm vụ cung cấp các thông tin về tiểu sử và chủ trương của các ứng cử viên do các ứng cử viên cung cấp để cử tri có quyết định sáng suốt (informed decision) trong phiếu bầu. Các ứng cử viên còn được tự do in ấn và phổ biến các tài liệu liên quan tới việc ứng cử của mình.
Ngoài việc bầu chọn các ứng cử viên, cử tri còn được hỏi ý kiến đồng ý hay không các dự thảo luật.
Mặc dù quyền tự do bầu cử được chính quyền tôn trọng như vậy nhưng người dân Hoa Kỳ rất ít tham gia bầu cử. Cứ mỗi hai năm lại có bầu cử một lần nhưng từ 2008 tới 2020 không năm nào cử tri tham gia tới 70%. Thậm chí năm 2014 chỉ có 36.7 % cử tri tham gia.
Voter turnout rates in the United States, 2002-2020 (total ballots cast expressed as a percentage of eligible voters) | ||||||||||
State | 2020 | 2018 | 2016 | 2014 | 2012 | 2010 | 2008 | 2006 | 2004 | 2002 |
United States | 66.77% | 50.33% | 60.20% | 36.70% | 58.60% | 41.8% | 62.2% | 41.30% | 60.70% | 40.50% |
(Source: United States Elections Project, “Voter Turnout,” accessed February 23, 2022)
Sở dĩ số cử tri tham gia thấp như vậy một phần có lẽ trong mỗi kỳ bầu cử số chức vụ cần tái bầu, đi kèm số ứng cử viên tham gia rất đông; cùng với số dự thảo luật được mang ra trưng cầu dân ý cũng khoảng gần một chục, cho nên muốn bỏ phiếu đầy đủ và chính xác phải mất khá nhiều thì giờ đọc và nghiên cứu. Bản thân tôi thường phải mất hai tuần lễ (vì còn phải đi làm). Kỳ này tôi chỉ mất một tuần vì số dự thảo luật đã được hai đảng (Cộng Hòa và Dân Chủ) đồng thuận chống cho nên tôi cũng theo họ mà không cần nghiên cứu (hợp lý nhất).
Lần này ở địa phương tôi bầu chọn 24 chức vụ. Trong số đó bốn chức vụ tranh cử gay gắt nhất và cũng dễ bầu nhất, vì đa số cử tri theo dõi kỹ các ứng cử viên vào bốn chức vụ này, là: Thống đốc Tiểu bang, Dân biểu Liên bang, Thị trưởng, nghị viên Thành phố.
Có nhiều chức vụ khác rất quan trọng đối với đời sống dân chúng nhưng các ứng cử viên hầu như xa lạ với số đông cử tri như: Phó Thống đốc, Bộ trưởng ngân khố (Treasurer), Bộ trưởng tư pháp (Attorney General), Thượng nghị sĩ liên bang (United States Senator), Dân biểu tiểu bang (Member of the State Assembly), Các chánh án và phó chánh án tòa tối cao tiểu bang, tòa hành chánh, tòa phá án (Court of Appeal), Tổng trưởng giáo dục tiểu bang (Superintendent of Public Instruction), thành viên ty giáo dục cấp tỉnh (Member, Board of Education), Chỉ huy trưởng cảnh sát tỉnh, Giám đốc ty cấp nước cấp tỉnh (Director of Water District).
Ngoài ra còn có một số chức vụ tôi nghĩ, kể cả tôi, không nhiều người biết công việc của họ là gì, ví dụ: Controller (Tổng kiểm tra ?), Insurance Commissioner (Ủy viên bảo hiểm?), State Board of Equalization (Ủy ban bình đẳng tiểu bang ?).
Kỳ này có 6 dự thảo luật được mang ra trưng cầu dân ý. Dĩ nhiên những dự thảo luật rất dài, ngôn từ pháp lý chuyên môn thật khó hiểu. Tiểu bang có cung cấp những bản nhận định trung lập do các chuyên viên của tiểu bang thiết lập. Nhưng rồi để từ đó đi tới kết luận đồng ý hay không vẫn còn là vấn đề khó khăn. Bên cạnh đó, những lập luận đối chọi của hai bên bênh và chống dự luật càng làm cho cử tri bối rối.
Tất cả các tài liệu liên quan tới bầu cử đều có bản theo ngôn ngữ của cử tri yêu cầu. Nhưng đọc những tài liệu bầu cử do các thông dịch viên của tiểu bang dịch còn khó hiểu hơn là đọc nguyên bản tiếng Anh (nếu biết tiếng Anh), vì ngôn ngữ không song hành.
Tất cả những khó khăn vừa nêu khiến số cử tri đi bầu thường thấp, thậm chí có không ít cử tri chỉ bỏ phiếu ủng hộ ứng cử viên của mình thôi, còn thì bỏ trống tất cả những khoản khác (vì họ không quan tâm). Đó là điều không hợp với lý luận thông thường đối với một vấn đề mà thường thì cả dân tộc đều đứng lên đòi hỏi. Không biết cử tri ở Âu châu, Úc, New Zealand, Canada, Nhật có thái độ và sử dụng quyền tự do bầu cử của họ ra sao?
Nguyễn Tường Tâm