
Ý kiến ý cò (về HitPutin)

Tào Duy Linh dịch
Fiona Hill là cựu Giám đốc Cấp cao về Châu Âu và Nga tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.
Dưới đây là phần giới thiệu và phần lớn nội dung của bài phỏng vấn Bà Hill của phóng viên dẫn chương trình Raynolds của Tạp chí Politico mà tôi lược dịch để các bạn tham khảo.
https://www.politico.com/…/fiona-hill-putin-war-00061894

Tám tháng sau khi cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga bắt đầu, Tạp chí POLITICO đã tổ chức một cuộc nói chuyện với nhà phân tích Nga về việc liệu mục tiêu của Putin có đang phát triển hay không, và cần những gì để kết thúc cuộc chiến tranh này.
Đã gần tám tháng kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh điều động quân đội và xe tăng của ông ta lao qua biên giới giữa hai nước vào Ukraine, thì đã có rất nhiều điều đã thay đổi trong thời gian đó. Ukraine đã cho thấy nước họ có một lực lượng quân sự mạnh hơn rất nhiều so với những gì mọi người dự đoán. Những gì mà những người quan tâm đến cuộc chiến này thường tự hỏi đã thay đổi rất nhiều: đó là từ việc họ tự hỏi bản thân Ukraine có thể giữ được trận tuyến và kháng cự bao lâu khi cuộc xâm lăng mới bắt đầu, và trong thời gian gần đây thì câu hỏi mà họ quan tâm nhất đó là bao nhiêu phần lãnh thổ mà họ có thể chiếm lại từ quân xâm lược, và bây giờ thì cậu hỏi mà người ta quan tâm nhất đó là khi nào thì chiến tranh sẽ kết thúc, và cuộc chiến này sẽ kết thúc như thế nào.
Tuy vậy, vẫn khó để chúng ta có thể hình dung được cuộc chiến mà Putin đã gây ra cho Ukraine sẽ kết thúc như thế nào. Và liệu Putin thậm chí có trong đầu ông ta một kịch bản kết thúc cuộc chiến này hay không? Nếu ông ta thực sự muốn chiếm và kiểm soát được lãnh thổ Ukraine thì tại sao ông ta lại có vẻ như muốn phá hủy đất nước này đến mức kinh hoàng như những gì đang thực sự xảy ra?
Để hiểu rõ hơn về những câu hỏi này, tôi (TDL: phóng viên Raymond của Tạp chí Politico) đã liên hệ với Bà Fiona Hill, một trong những nhà quan sát Mỹ có cái nhìn rõ ràng và sâu sắc nhất về nước Nga và Putin, người đã từng giữ vai trò cố vấn cho cựu Tổng thống Donald Trump, và đã vươn lên tầm nổi tiếng trong giới chính trị và học giả Mỹ qua những lời khai của bà trong phiên tòa luận tội đầu tiên của ông Trump. Trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh với Ukraine, Bà Hill đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với POLITICO rằng những gì Putin đang cố gắng làm không chỉ là chiếm Ukraine mà còn là nỗ lực phá hủy trật tự thế giới hiện tại. Và Bà đã nhận ra ngay từ đầu rằng Putin sẽ sử dụng mối đe dọa xung đột hạt nhân như là cách hữu hiệu nhất để (hy vọng) lái tình thế (của cuộc chiến) tiến triển theo cái cách ông ta mong muốn.
Giờ đây, bất chấp những thất bại mà Nga đã phải chịu trên chiến trường, Bà Hill cho rằng Putin không hề nản lòng. Bà thấy ông ta thích nghi với điều kiện mới, và sẽ không bỏ cuộc. Và Bà cũng thấy ông ta đang cố gắng lèo lái phương Tây hướng theo mục tiêu của ông ta bằng cách sử dụng những người đưa tin, như tỷ phú Elon Musk, để đề xuất các thỏa thuận có thể chấm dứt xung đột theo các điều kiện của ông ta.
Hill nói: “Putin thể hiện được cái tôi của những người đàn ông “lớn” trong (suy nghĩ) của họ, ông ta cho họ cảm giác rằng họ có thể đóng một vai trò nào đó (trong thế sự hiện tại cỉa thế giới). Nhưng trên thực tế, họ chỉ là người đóng vai trò sứ giả để trực tiếp truyền thông điệp của Vladimir Putin mà thôi.”
Tuy nhiên, trong khi Putin dường như đang tăng gấp đôi lượng”cược” của mình ở Ukraine, thì cuộc xung đột gây ra một số nguy hiểm thực sự cho vai trò lãnh đạo của ông ta. Ông ấy đã xác định (lại) vị trí của bản thân, và giờ thì can dự khá trực tiếp vào cuộc chiến, và ông ta không thể để mình bị xem như là một kẻ thua cuộc. Nếu ông ấy bắt đầu mất sự ủng hộ từ giới tinh hoa Nga, thì quyền lực của ông có thể tuột dốc. Bà Hill lưu ý như vậy.
Bà Hill nói rằng phương Tây đã phải trải qua một chặng đường dài kể từ tháng Hai đến giờ thì mới hiểu được những vị thế Ukraine trong cuộc chiến này, tùy nhiên thế giới vẫn chưa hoàn toàn hiểu được đầy đủ thách thức mà Putin đang đặt ra. Bà Hill nói là (phương Tây) phải kiềm chế Putin, nhưng điều đó sẽ không xảy ra được, trừ khi và chỉ đến khi các tổ chức quốc tế được thành lập sau Thế chiến II phải tiến hoá để thích nghi với tình hình mới của thế giới thì họ mới có thể kiềm chế được ông ta. Và cuộc tương tác này mới chỉ bắt đầu.
Hill nói: “Đây là một cuộc xung đột quyền lực lớn, cuộc xung đột quyền lực lớn thứ ba trên lãnh thổ châu Âu trong hơn một thế kỷ qua. Đó là sự kết thúc của trật tự thế giới hiện tại. Thế giới của chúng ta sẽ không giống như trước đây nữa.”
Dưới đây là tóm tắt cuộc trò chuyện đã được chỉnh sửa cho đỡ dài và rõ ràng hơn giữa Bà Hill và phóng viên dẫn chương trình, Raynolds, của The Politico
Reynolds: Cuộc chiến rõ ràng đã không diễn ra như ý định ban đầu của Putin. Putin đã phản ứng như thế nào trước những thất bại của mình và bà nghĩ tư duy của ông ấy đang phát triển như thế nào?
Hill: Bất cứ khi nào gặp thất bại, Putin đều cho rằng mình có thể thoát ra khỏi nó, để có thể xoay chuyển tình thế. Điều đó một phần là do ông ta được đào tạo dưới góc độ của một điệp viên KGB. Trước đây, khi được hỏi về sự thành công của các hoạt động (quân sự đặc biệt) của (đội quân của) ông ta, thì ông ta đã loanh quanh với ý tưởng rằng các hoạt động luôn diễn ra theo kế hoạch, rằng mọi thứ luôn hoàn hảo. Ông ấy nói rằng luôn có những vấn đề trong một hoạt động nào đó, và thậm chí luôn có những bước lùi. Đôi khi chúng hoàn toàn là những thảm họa. Nhưng điều quan trọng là sự thích nghi, phải tạo ra được sự thích nghi.
Một điểm nổi bật khác của Putin là ông ấy luôn mạo hiểm “đặt cược” gấp đôi rủi ro có thể gặp để hy vọng may mắn thoát ra khỏi tình thế khó khăn. Ông ta luôn thực hiện bước cực đoan hơn trong các lựa chọn của mình, và lựa chọn thực sự (mà ông ta thực hiện) sẽ loại trừ mọi giải pháp thay thế (logic) khác. Putin thường kể lại một trải nghiệm mà ông ta đã từng trải qua khi còn nhỏ; khi ông ta bẫy một con chuột trong một góc tường của tòa nhà chung cư nơi mà ông ta đã sống, ở Leningrad, và con chuột đã khiến ông bị sốc khi nhảy ra ngoài và chống trả quyết liệt. Ông ấy kể câu chuyện này như thể đó là một câu chuyện về chính bản thân mình, rằng nếu ông ấy bị dồn vào đường cùng, thì ông ấy sẽ luôn chiến đấu chống trả.
Nhưng ông ấy cũng là người luôn tự đặt mình vào thế ở chân tường. Chúng ta biết rằng người Nga đã có thương vong rất cao và hiện tại họ đã cạn kiệt nhân lực và thiết bị ở Ukraine. Tỷ lệ thương vong của phía Nga tiếp tục tăng lên. Một vài tháng trước, ước tính là 50.000. Bây giờ có các đề xuất lên đến 90.000 người thiệt mạng hoặc bị thương nặng. Đây thực sự là một đòn giáng mạnh (khi được so sánh với con số) 170.000 quân mà Nga triển khai tới biên giới Ukraine khi cuộc xâm lược bắt đầu.
Vậy, Putin đã làm gì? Ông ta thậm chí còn điều nhiều quân hơn nữa đến Ukaina bằng cách phát động một cuộc huy động bắt lính (thực chất là tổng động viên). Và ông ấy vẫn chưa nói đây là một cuộc chiến. Nó vẫn chỉ là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”, nhưng ông ta đã lệnh cho gọi tới 300.000 lính. Sau đó, ông ta còn tiến thêm một số bước nữa và tuyên bố sáp nhập các lãnh thổ mà Nga đã tranh giành trong nhiều tháng qua, không chỉ Donetsk và Luhansk, mà còn có cả các vùng lãnh thổ của Kherson và Zaporizhzhia.
Putin không có lối thoát nào cho bản thân ngoại trừ việc tiếp tục theo đuổi các mục tiêu ban đầu mà ông đã đặt ra khi bước vào cuộc chiến, đó là việc chia cắt Ukraine và Nga đã sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukaina vào nước Nga. Và ông ấy vẫn đang cố gắng điều chỉnh những bước đi tiếp của bản thân để thích nghi với những thất bại trên chiến trường.
Reynolds: Tại thời điểm này, nếu ông ấy thích nghi như vậy, Bà có nghĩ rằng ông ấy sẽ có một lối thoát kết thúc chiến tranh không?
Hill: Trong suy nghĩ của ông ấy, tôi nghĩ Putin vẫn nghĩ rằng ông ấy còn nhiều chiêu trò để chơi hơn nữa. Chiêu trò cuối cùng của ông ta là thoát ra khỏi cuộc chiến này theo các điều kiện của ông ta. Những gì chúng ta đang thấy ngay bây giờ, với các lãnh thổ mới được sáp nhập vào Nga và bài phát biểu dài mà ống ta đã thực hiện vào ngày 30 tháng 9 là rất rõ ràng. Ông ta coi cuộc xung đột này là một cuộc chiến toàn diện với phương Tây và ông ta vẫn kiên quyết loại bỏ Ukraine khỏi bản đồ thế giới cũng như các vấn đề mang tính toàn cầu.
Hiện cũng đã rõ ràng là ông ta không có ý định từ bỏ các vùng Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia, cũng như Crimea, những nơi ông ta đã chiếm và cũng đã tuyên bố chúng là một phần của Nga từ xa xưa.
Reynolds: Tại sao Putin muốn tất cả lãnh thổ đó? Liệu ông ta có muốn có được biểu tượng của việc khôi phục một phần quan trọng của Đế chế Nga, tái lập vùng đất Novorossiya mang tính thần thoại này, lấy lại những vùng đất mà Nga đã chiếm từ Đế chế Ottoman? Hay ông ta thực sự muốn cai trị phần này của nước Ukraine ngày nay bằng những cách cụ thể, và thiết thực?
Hill: Đó quả thật là cả hai điều đó. Chúng liên kết chặt chẽ với nhau. Anh đã vừa đề cập đến ý tưởng này của Novorossiya, trong tiếng Nga có nghĩa là “Nước Nga Mới”. Tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người đều đã quên rằng ông ta đã sử dụng thuật ngữ này vào năm 2014. Khi đó, Điện Kremlin đã gây ra cuộc chiến ở Donbas như một phần trong nỗ lực giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ của vùng đất gọi là Novorossiya, nơi lần đầu tiên được Nữ Hoàng Catherine Đại đế sát nhập vào Nga từ Đế chế Ottoman vào cuối thế kỷ 18.
Khi đó thực sự không có nhiều khu định cư ở đó, và đó là cách chúng ta có được khái niệm những ngôi làng Potemkin – (cụ thể là) Hoàng tử Grigory Potemkin đưa Nữ Hoàng Catherine đi xe ngựa qua khu vực lãnh thổ mới được sáp nhập vào Đế chế Nga dưới quyền thống trị của Bà ấy và ở đó họ tạo ra những ngôi làng giả, với những người nông dân được đưa đến từ nơi khác để vẫy tay chào Nữ hoàng khi bà ấy đi lướt qua.
Bây giờ chúng ta có cùng một vấn đề, đó là Putin đang muốn làm chủ cái gì và ai? Ngay cả Dmitry Peskov, thư ký báo chí của Putin, gần đây cũng thừa nhận rằng Nga vẫn chưa hoàn thành việc xác lập đường biên giới của các khu vực vừa được tuyên bố sáp nhập vào Nga, bởi vì người Ukraine đã và đang đẩy lùi quân Nga ở đó khỏi những vị trí mà lực lượng chiếm đóng chiếm giữ trước đó. Câu hỏi về những gì mà Nga thực sự kiểm soát được, ngoài tất cả các biểu tượng của sự thôn tính, thì vẫn là một câu hỏi lớn.
Reynolds: Nếu Putin muốn chiếm đoạt được lãnh thổ Ukraine đến như vậy, thì tại sao ông ta lại cho pháo kích như mưa để tàn phá những vùng đất đó như vậy, cụ thể là cho bắn bừa bãi vào các khu vực dân sự và dùng túng lính Nga vi phạm nhân quyền nhiều như vậy ở các khu vực bị quân đội Nga chiếm đóng?
Hill: Đây là sự trừng phạt giành cho sự chống đối, nhưng cũng là kế hoạch cho sự tái phát triển tồi tệ. Ông ta muốn khuất phục mọi người vào sự phục tùng, phá hủy những gì họ đang có, phá hủy tất cả các liên kết của họ với quá khứ tổ tiên và phá hủy ngay cả cuộc sống cũ của họ, sau đó biến họ thành một cái gì đó hoàn toàn mới (không có dính lúi gì đến quá khứ của họ, và do đó, họ sẽ là của ông ta. Đó là tiêu diệt Ukraine và người Ukraine. Xây dựng nước Nga mới và tạo ra người Nga (từ chính mọi thứ của Ukaine, kể cả con người Ukaine). Đây thực sự là sự tàn bạo, nhưng cũng là một dấu ấn của cuộc chinh phục đế quốc mà ông ta đang theo đuổi.
Reynolds: Và đó là cách họ – những tiền bối của ông ta – đã làm điều đó vào thế kỷ 18.
Hill: Chính xác là như vậy. Putin rất thích giành thêm và kiểm soát lãnh thổ mới. Nhưng để kiểm soát được thì lại liên quan đến việc phải thực sự có được những người sống ở vùng mới xâm chiếm được đứng về phía ông ta. Và đó thực sự là một câu hỏi lớn. Như chúng ta đã thấy ở tất cả các vùng lãnh thổ (mới được ông ta tuyên bố sáp nhập) này, Nga cho chuyên trở dân cư ra khỏi khu vực vừa chiếm được đó vốn là quê hương của họ đến Nga hoặc giam giữ họ, gồm toàn bộ gia đình người dân, và gồm cả trẻ em đến giáo viên, nhân viên chính quyền và cảnh sát địa phương của chính quyền cũ trước khi bị chiếm đóng, sau đó ông ta tạo ra các công dân được ủy quyền (có nghĩa là những công dân mới là người Nga) được gửi đến từ chính nước Nga.
Mục tiêu ban đầu của Putin khi ông ta tiến hành cuộc xâm lược là tạo ra sự sụp đổ của chính quyền trung ương Ukraine, sau đó áp đặt một chính phủ bù nhìn mới ở Kyiv cũng như tất cả các chính quyền bù nhìn ở cấp địa phương phải thề trung thành với Moscow, có thể là với một số nhà lãnh đạo ủy nhiệm được cử đến từ Nga, kiểu như các chính ủy người Nga được đưa đến trên khắp đất nước Ukaine – điều mà chúng ta đã thấy thực tế xảy ra vào năm 2014 tại các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng ở Donetsk, Lugansk và Crimea. Nhưng tất nhiên, điều đó đã không xảy ra trong những vùng mới bị chiếm đóng. Vì vậy, vấn đề mà Putin đang phải đương đầu đó là phải kiểm soát được người dân ở những vùng lãnh thổ mới được tuyên bố sáp nhập vào Nga này hơn là “chơi” lại phiên bản những làng Potemkin của riêng ông ta.
Reynolds: Gần đây, chúng ta đã thấy Elon Musk tham gia vào cuộc xung đột này khi anh ta cố gắng vận động đưa ra một thảo luận về các dàn xếp hòa bình. Bà nghĩ gì về vai trò mà anh ấy đang (muốn) thực hiện?
Hill: Rõ ràng là Elon Musk đang truyền đi một thông điệp cho Putin. Có một hội nghị được tổ chức ở Aspen vào cuối tháng 9 khi Musk đưa ra một khái niệm của những gì có trong tweet của anh ta đó là bao gồm việc công nhận Crimea là của Nga vì nó đã chủ yếu là của Nga từ những năm 1780 – và gợi ý rằng các khu vực Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine nên được đưa ra bàn đàm phán vì cần phải có được đảm bảo về nguồn nước cung cấp cho Crimea. Anh ta đưa ra gợi ý này trước khi Putin sáp nhập hai lãnh thổ đó vào ngày 30 tháng 9. Đó là một tài liệu tham khảo rất cụ thể. Kherson và Zaporizhzhia về cơ bản kiểm soát tất cả các nguồn cung cấp nước cho Crimea. Crimea là một bán đảo khô hạn. Tuy nó có các tầng chứa nước, nhưng nó không có sông. Nó phụ thuộc vào nước từ sông Dnipro chảy qua kênh từ Kherson đến. Nhiều khả năng là bản thân Elon Musk không tự biết về điều này. Do đó việc anh ta đề cập đến vấn đề nước rất cụ thể như thế thì rõ ràng là anh ta chỉ là người phát đi một thông điệp từ Putin mà thôi.
Bây giờ, có một số lý do khiến sự can thiệp của Musk rất thú vị và có ý nghĩa. Trước hết, Putin thường xuyên làm điều này. Ông ta hay sử dụng những người nổi tiếng làm trung gian để tạo ra một môi trường chính trị chung chung, để thử đo đếm về cơ bản cách mọi người sẽ phản ứng với các ý tưởng đó của ông ta như thế nào. Chẳng hạn, như Henry Kissinger, ông này đã có những trào đổi trực tiếp với Putin và sau đó ông ta chuyển tiếp các thông điệp của Putin. Putin thường sử dụng nhiều người đóng vai trò trung gian đáng tin cậy, bao gồm cả các doanh nhân. Bản thân tôi khi còn làm việc ở trong chính phủ (của Tổng thống Trump), đã tiếp xúc với những người trung gian mà Putin cử đến để thảo luận mọi việc với tôi.
Đây là một vở kịch kinh điển của Putin. Tất nhiên, thật hấp dẫn khi đây lại là chính Elon Musk trong trường hợp này, bởi vì rõ ràng Elon Musk có một lượng lớn người theo dõi trên Twitter. Anh ta nổi tiếng rất lâu ở Nga thông qua công ty Tesla, các chương trình vũ trụ SpaceX và cả Starlink nữa. Anh ta là một trong những người đàn ông nổi tiếng nhất trong các cuộc thăm dò dư luận ở Nga. Đồng thời, anh ta cũng đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ Ukraine bằng cách cung cấp hệ thống internet Starlink cho Ukraine và tiếp tục duy trì cũng cấp hoạt động viễn thông ở Ukraine, mà chi phí của nó có một phần được chính phủ Mỹ chi trả. Elon Musk có đòn bẩy khổng lồ cũng như sự nổi bật đáng kinh ngạc. Putin biết cách thể hiện cái tôi của những người nổi tiếng và những người quan trọng, ông ta tạo cho họ có cảm giác rằng họ có thể đóng một vai trò nào đó trong 1 việc cụ thể. Nhưng trên thực tế, họ chỉ đơn thuần là những người đóng vai trò của những cái máy trực tiếp phát đi thông điệp từ Vladimir Putin mà thôi.
Reynolds: Putin rất biết cách giao thiệp với các tỷ phú và giới tài phiệt. Đó là thế giới mà ông ấy biết rõ. Nhưng bằng cách sử dụng Musk theo cách này, thì ông ta đã hướng đúng vào những người đứng đầu, cụ thể là [Tổng thống Ukraine Volodymyr] Zelenskyy và chính phủ Ukraine.
Hill: Về cơ bản, ông ta đang làm hỏng quá trình ngoại giao. Ông ta muốn đưa ra các điều khoản của mình và xem liệu có bao nhiêu người sẽ chọn chúng. Tất cả những điều này là một nỗ lực của ông ta để làm sao cho người Mỹ đứng tách ra khỏi cuộc chiến và giao Ukraine và lãnh thổ Ukraine cho Nga.
Reynolds: Bà đã so sánh cuộc xâm lược Ukraine của Putin với cuộc xâm lược của Hitler đối với các nước khác trong Thế Chiến Thứ II, cụ thể là Tiệp Khắc, Ba Lan. Bà vẫn nhìn nhận nó như vậy chứ? Bà có nghĩ rằng Putin đã trở nên giống Hitler trong cái cách mà ông ta nghĩ về bản thân mình và cái cách mà ông ta tìm kiếm xâm chiếm lãnh thổ mới?
Hill: Có, nhưng cũng giống như Hoàng Đế Đức, Kaiser Wilhelm, trong Thế Chiến Thứ Nhất. Chúng ta hãy nhìn xem, đúng 100 năm trước khi Putin sáp nhập Crimea vào năm 2014, thì vào năm 1914, quân Đức xâm lược Bỉ và Pháp và Thế Chiến Thứ Nhất đã diễn ra như một cuộc xung đột giữa các cường quốc nhằm đuổi Đức khỏi hai nước Bỉ và Pháp. Và Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai ở châu Âu, tất nhiên, là cuộc tranh giành lại về mặt lãnh thổ đối với những kết quả phân chia sau Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất.
Một phần của vấn đề là về mặt khái niệm, mọi người không thích nhắc đến ý tưởng về một cuộc chiến tranh thế giới. Vì nó đều mang nhắc lại tất cả các những nỗi kinh hoàng trong tâm trí chúng ta – đó là thảm hoạ hủy diệt người Do Thái Holocaust và hai vụ nổ vũ khí hạt nhân ở Hiroshima và Nagasaki cũng như bình minh của thời đại hạt nhân. Nhưng nếu bạn nghĩ về nó, chiến tranh thế giới, như là một cuộc xung đột về lãnh thổ giữa các cường quốc, nó sẽ đảo lộn trật tự quốc tế hiện tại và viễn cảnh khi mà các quốc gia nhận thấy mình (bỗng dưng) ở hai phe đối nhau của cuộc xung đột. Giò thì nó liên quan đến chiến tranh kinh tế, chiến tranh thông tin, cũng như chiến tranh vật lý.
Chúng ta hiện đang ở trong tình huống tương tự. Một lần nữa, Putin xâm lược Ukraine vào năm 2014, đúng 100 năm sau khi Đức xâm lược Bỉ và Pháp – cũng giống như cách mà Hitler chiếm vùng đất Sudetenland (của Tiệp Khắc), sáp nhập Áo và xâm lược Ba Lan. Lúc này chúng ta đang gặp khó khăn trong việc phải thích ứng với việc chúng ta đang đương đầu với các vấn đề hiện tại. Đây chính là một cuộc xung đột giữa các cường quốc lớn, cuộc xung đột giữa các cường quốc lớn lần thứ ba tại Châu Âu trong vòng hơn một thế kỷ trở lại đây. Đó là sự kết thúc của trật tự thế giới hiện tại. Thế giới của chúng ta sẽ không còn giống như trước đây nữa.
Mọi người lo lắng là điều này sẽ tiến triển theo mô hình kiểu hyperbole nguy hiểm. Vậy chúng ta cần phải thực sự biết chấp nhận tình hình như thế nào để chúng ta có thể ứng phó một cách thích hợp. Mỗi cuộc chiến đã và sẽ diễn ra một cách khác nhau. Các cuộc chiến tranh hiện đại liên quan đến không gian thông tin và không gian mạng, và chúng ta đã thấy tất cả những điều này đang diễn ra lúc này. Và, trong thế kỷ 21, đây là những cuộc chiến kinh tế và tài chính. Chúng ta thực chất đều liên quan đến khía cạnh tài chính và kinh tế của mọi vấn đề và mọi sự kiện.
Việc Nga xâm lược Ukraine đã khiến năng lượng và an ninh lương thực toàn cầu bị đảo lộn 180°, đó là kết quả của việc nước Nga đang tận dụng việc vũ khí hoá nguồn khí đốt và dầu mỏ cũng như thực hiện các phong tỏa quân sự mà Putin đã áp đặt ở Biển Đen đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Nga không chỉ nhắm vào sản xuất nông nghiệp của Ukraine, cũng như phong toả các cảng của Ukaina để ngăn chặn xuất khẩu ngũ cốc, mà nước này còn gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Đây là những tác động mang tính toàn cầu của những gì rất rõ ràng không chỉ là một cuộc chiến tranh khu vực.
Chúng ta nên nhớ rằng bản thân Putin đã sử dụng ngôn ngữ của cả hai cuộc chiến tranh thế giới. Ông ta đã nói đến một thực tế là Ukraine đã chưa tồn tại như một quốc gia trong thời gian trước Thế Chiến Thứ Nhất, (nhưng lại chối bỏ sự thật khác về sự tồn tại của nhà nước Ukaina) sau khi Đế quốc Nga tấn rã và trước khi Liên Bang Xô Viết được thành lập. Ông đã trách cứ những người sáng lập ra Liên Xô về việc họ tào ra cái mà ông ta gọi là một nhà nước nhân tạo (hàm ý ám chỉ nhà nước Ukaina bên trong Liên Bang Xô Viết). Ngay từ đầu, chính Putin đã nói rằng ông đang tái chiến Thế Chiến II. Vì vậy, đường hyperbole nguy hiểm đến từ chính Vladimir Putin chứ không phải ai khác; chính ông ta là người đã nói ra rằng ông ta đang thực hiện quá trình đảo ngược tất cả các kết quả về mặt lãnh thổ – tức là biên giới giữa các nước của Châu Âu – có từ Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất và cả Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai cũng như Chiến Tranh Lạnh. Ông ta không chấp nhận cấu hình lãnh thổ hiên tại – tức là biên giới giữa các quốc gia – của Châu Âu như nó đang tồn tại hiện nay.
Điều chúng ta cần phải hiểu được bây giờ đó là chúng ta sẽ đương đầu với điều này như thế nào?
https://www.politico.com/…/fiona-hill-putin-war-00061894
Sự nghiệp của chúng ta là chính nghĩa. Kẻ thù nhất định sẽ thất bại. Chiến thắng sẽ là của chúng ta. Viva Ukraina (3 lần)
#RussoUkrainianWar#UkraineRussiaWar
(FB Nhã Hoàng)

Thái Kế Toại ‘s phê tê bốc