

CUỐN SÁCH QUÝ VÀ MỘT TẤM LÒNG CAO QUÝ

Van Hiep Nguyen ‘s phê tê bốc



Cuộc đời, có những lúc ta bị cơm áo gạo tiền và những chuyện lặt vặt kéo đi, cuốn đi, ta trở thành tầm thường “giá áo túi cơm”, tưởng chừng vô vọng, hết thuốc chữa.
May mắn thay, có những cuốn sách, những con người mà ta có thể tựa vào, để ta ham muốn làm việc trở lại, theo đuổi hoài bão (dù muộn, cũng chẳng sao, quan trọng nhất là con đường chọn đi, chứ không phải được thua cái đích đến).
Mấy hôm nay, mình buồn vì cụ An Chi ra đi. Lâu nay trên face vẫn thỉnh thoảng có tương tác với cụ, và dặn lòng lần tới vào Sài Gòn, thế nào cũng nhờ anh Hoàng Dũng đưa đến thăm cụ, người mình coi là thầy, khi đọc 1 số bài viết của cụ.
Thế mà chưa kịp thăm, cụ đã nhẹ cánh hạc về trời, sau hơn nửa thế kỷ lao động với chữ nghĩa, cũng là với hồn Việt, văn hoá Việt. Nghe anh Dũng kể một lần gần đây đến thăm cụ, khi cụ đã yếu nhiều, cụ có nhắc đến Hiệp. Nghe thế mình chỉ muốn khóc, vì cuộc đời mình thật nhiều lãng phí. Cũng nghe chuyện cụ An Chi rưng rưng nước mắt khi muốn giao lại tủ sách của cụ cho anh Hoàng Dũng, để số sách đó tiếp tục có ích cho đời.
Chiều nay, đọc bài anh Hoàng Dũng viết về cụ An Chi “Uyên bác An Chi”, bài viết này anh Hoàng Dũng thức 2 đếm nay để viết, một việc khó như lên giời, vì cụ An Chi ra đi, để lại cho đời 8000 trang viết, làm sao gói hết trong vài trang báo? Ấy thế mà anh Hoàng Dũng viết được, một bài viết xúc động.
Cũng chiều nay, xem lại cuốn sách quý vừa tái bản “Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học” (cho đến 1650) của Roland Jacques, Nxb Khoa học xã hội, 2022, lại càng nhớ đến anh Hoàng Dũng, người có tấm lòng cao quý với ngôn ngữ, văn hoá dân tộc, tiếp bước những bậc tài danh Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo, An Chi… Cái stt này bắt đầu bằng bối cảnh cụ An Chi ra đi, để nói về cuốn sách quý của Roland Jacques và lao động vất vả của anh Hoàng Dũng.
Số là Nxb Khoa học xã hội muốn in lại cuốn sách của Roland Jacques, nhưng bản can (bản để đưa đi nhà in) không còn, Nxb phải cho người đánh máy lại. Đây là việc rất khó, nguy cơ sai sót rất nhiều, vì Roland Jacques viết về giai đoạn chữ Quốc ngữ được hình thành, với công lao của những người Bồ Đào Nha đi tiên phong, trong đó nổi bật vai trò của cha Francisco de Pina, người đã dạy tiếng Việt cho Alexandre de Rhodes. Cuốn sách, do đó có những tự dạng rất lạ đối với chúng ta, riêng về chữ Quốc ngữ cũng khác với hiện nay, các anh chị đánh máy, dù nhiệt tình và cẩn thận đến mấy, cũng sẽ mắc sai sót. Khi Nxb hỏi mình là ai có thể xem lại bản thảo, mình nói, ở VN hiện nay chắc chỉ có anh Hoàng Dũng mới làm được việc đó, bởi anh Hoàng Dũng có chuyên môn hàng đầu VN về ngữ âm học, đặc biệt ngữ âm học lịch sử, anh ấy có hiểu biết về đời sống, văn hoá Công giáo, và nhất là anh ấy có tấm lòng gìn giữ, nâng niu những trước tác có giá trị đối với tiếng nói, chữ viết, văn hoá dân tộc.
Thế là trong 2 tháng trời, anh Hoàng Dũng đã xem lại bản thảo đánh máy, dò từng chữ. Anh phát hiện ra bản dịch trước (đã in) có những chỗ khó hiểu, nghi là dịch không đúng. Thế là anh Dũng tìm bản gốc của Roland Jacques (in tiếng Anh và tiếng Pháp) để đối chiếu và nhiều đoạn, anh dịch lại. Trước hết, có anh Trần Q Anh ở Mỹ gửi về bản scan tiếng Anh, Nhưng hoá ra bản tiếng Anh không dịch hết bản tiếng Pháp. Đang lúc “có bệnh thì vái tứ phương”, anh Dũng hỏi tôi có cách nào có bản gốc cuốn sách. Ơn giời, tôi may mắn có được bản gốc cuốn sách của Roland Jacques, gốm hai phần: phần tiếng Anh trước (do Rita F Uson và Marguerite Uson dịch, phần tiếng Pháp sau (không nhớ lúc tôi làm việc ở Paris được ai đó tặng. rồi đem về VN), công của tôi chỉ là đem cuốn sách về và gửi nó bằng EMS vào Sài Gòn cho anh Dũng.
Sách ra, in đẹp, chắc không ai biết công sức lao động vất vả của anh Hoàng Dũng, ngoài một dòng ngắn ngủi in ở bìa trong: “Hiệu đính cho bản in năm 2022: PGS.TS Hoàng Dũng”
Kết của stt: Cuộc đời, có những lúc ta bị cơm áo gạo tiền và những chuyện lặt vặt kéo đi, cuốn đi, ta trở thành tầm thường “giá áo túi cơm”, tưởng chừng vô vọng, hết thuốc chữa.
May mắn thay, có những cuốn sách, những con người mà ta có thể tựa vào, để ta ham muốn làm việc trở lại, theo đuổi hoài bão (dù muộn, cũng chẳng sao, quan trọng nhất là con đường chọn đi, chứ không phải được thua cái đích đến).