


Bà Trương Mỹ Lan và con đường trở thành tỷ phú (Phần 6)

16-10-2022
Tiếp theo Phần 1 — Phần 2 — Phần 3 — Phần 4 và Phần 5

Tôi trực tiếp trao đổi và kiến nghị với Cơ quan An ninh điều tra Bộ công an (BCA) và Vụ 2 Viện Kiểm sát NDTC: nếu như nội dung tố cáo của bà Trương Mỹ Lan đối với bà Linda mà tại buổi hỏi cung tôi tham gia cùng Điều tra viên; thì nội dung không có gì mới, đã được Cơ quan CSĐT BCA và Toà Kinh tế TAND TP Hồ Chí Minh làm rõ; vì vậy tôi đề nghị Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát:
1-/ Thu thập tài liệu về vụ việc này tại Cơ quan Cảnh sát điều tra BCA và Toà Kinh tế Toà án ND TP Hồ Chí Minh;
2-/ Vụ án có căn cứ oan sai; người có dấu hiệu lừa đảo, hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hoặc vi phạm pháp luật về đầu tư,… chính là bà Trương Mỹ Lan; Ông Ted và Bà Linda là người bị hại;
3-/ Đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bà Linda từ tạm giam, bằng biện pháp cấm xuất cảnh và cấm đi khỏi nơi cư trú.Đồng thời, tôi thu thập tài liệu để chứng minh cho việc bà Trương Mỹ Lan tố cáo sai sự thật, bịa đặt, vu khống;… và việc thiếu thận trọng, vội vàng của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc khởi tố bắt tạm giam với bà Linda, cụ thể là:
THỨ NHẤT: Bà Trương Mỹ Lan đã thừa nhận còn nợ ông Ted 6 triệu đô la Mỹ và lãi suất ngân hàng của tiền gốc đó; chưa làm thủ tục đầu tư hoặc chưa trả cho Ông Ted. Chứng cứ chứng minh là:
– Hợp đồng cam kết hợp tác đầu tư vào Trung tâm thương mại An Đông được ký kết giữa bà Trương Mỹ Lan với Ông Ted;
– Chứng từ chuyển tiền từ ông Ted vào tài khoản ngoại tệ của bà Trương Mỹ Lan tại ngân hàng đủ 6 triệu USD; nói rõ là tiền hợp tác đầu tư trong chứng từ ngân hàng.
– Bà Trương Mỹ Lan công nhận những nội dung trên tại Biên bản ghi lời khai ngày 30/3/2005 và ngày 17/5/2005 do Cơ quan CSĐT BCA tiến hành lấy lời khai theo đơn tố cáo của bà Trương Mỹ Lan.
THỨ HAI: Ông Ted không có uỷ quyền cho bà Linda giải quyết khoản tiền này với bà Trương Mỹ Lan. Đồng thời, từ trước đến nay giữa ông Ted và bà Linda không có hợp tác kinh doanh và không nợ nần gì nhau. Chứng cứ này, Ông Ted, bà Lan và bà Linda đều công nhận trong lời khai và biên bản hoà giải tại Toà Kinh tế – TAND TP Hồ Chí Minh.
Như vậy, Bà Trương Muội (Trương Mỹ Lan) biết rõ ông Ted không uỷ quyền cho bà Linda. Việc bà Lan tố cáo bà Linda được ông Ted uỷ quyền là vu khống. Giả sử rằng có thoả thuận giữa bà Lan và bà Linda thì đó là sự thống nhất ý chí của bà Lan và bà Linda, không có giá trị pháp lý với ông Ted. Đồng thời cũng không thể quy kết bà Linda lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của bà Lan (nếu có), vì đó là theo ý chí của bà Lan và có thể đây là thủ đoạn của bà Lan nhằm tạo “chứng cứ” giả mạo,… rồi tố cáo bà Linda và ông Ted để xử lý bằng hình sự, trốn tránh và chiếm đoạt 6 triệu đô tiền gốc và 1,9 triệu đô tiền lãi của ông Ted.
THỨ BA: Về các khoản tiền mà bà Trương Muội bịa ra để đối trừ, hoặc đã thanh toán cho ông Ted thông qua bà Linda:
– Bà Trương Muội bịa đặt việc bà môi giới cho ông Ted mua bán khách sạn Horizon – Cát Linh – Hà Nội; yêu cầu ông Ted phải chi hoa hồng cho Trương Muội 2,5 triệu USD. Trương Muội dựng chuyện để “dây máu ăn phần”. Tôi đã cung cấp đầy đủ tài liệu cho Toà Kinh tế: Khách sạn Horizon nguồn gốc là một doanh nghiệp ở Indonesia góp vốn đầu tư với một doanh nghiệp VN. Do doanh nghiệp ở Indonesia vay vốn ngân hàng đã quá hạn; nên cơ quan nhà nước Indonesia đăng báo công khai bán vốn góp đầu tư của doanh nghiệp đó để thu nợ cho ngân hàng. Ông Ted làm thủ tục mua bán tại Indonesia, bà Trương Muội không có vai trò gì trong việc này. Mặt khác, tôi đã có văn bản gửi doanh nghiệp trong nước, được sự trả lời không có liên quan gì đến bà Trương Mỹ Lan.
– Về khoản tiền 4 triệu đô mà Trương Muội tố cáo trả 3 triệu đô tiền mặt và 1 triệu đô các khoản khác cho ông Ted thông qua bà Linda,… chỉ bằng lời nói tự bịa của Trương Muội, không có một chứng cứ nào chứng minh cho khoản tiền này.
– Về khoản tiền 2 triệu đô mà Trương Muội tố cáo bà Linda nhận cho ông Ted bằng tài sản là nền đất số 1 và số 2 tại 102 Cống Quỳnh, Quận I. Việc này, tôi đã cung cấp tài liệu tại Toà Kinh tế: Đó không phải là tài sản gán nợ, mà bà Linda mua của bà Trương Mỹ Lan với giá 1,6 triệu USD, bà Linda đã thanh toán đủ cho bà Trương Mỹ Lan 20 tỷ VND qua ngân hàng (có bảng kê chi tiết cụ thể của ngân hàng).
THỨ TƯ: Cũng đều là Cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an, mà trước đây đã thụ lý đơn tố cáo của bà Trương Mỹ Lan, và lần này cũng nội dung như vậy; ngày 29/5/2005 Cơ quan điều tra đã ban hành Thông báo “Đây là quan hệ dân sự, không có dấu hiệu hình sự, đề nghị các bên khởi kiện ra toà án để giải quyết theo thẩm quyền”. Tại sao vậy? Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát phải làm rõ việc này. Vả lại bà Linda có nơi cư trú rõ ràng, không bỏ trốn.
– Bà Linda có quốc tịch Hồng Kông, được UBND tỉnh Đồng Nai mời về đầu tư. Ông Ted có quốc tịch Indonesia, Đại sứ quán Indonesia đã có Công hàm gửi Chính phủ VN đề nghị giải quyết. Đây là vấn đề liên quan đến đối ngoại, đầu tư nước ngoài mà Đảng và nhà nước ta đang khuyến khích. Tôi đề nghị Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát phải hết sức thận trọng, khách quan và giải quyết đúng pháp luật.
– Trong buổi hỏi cung tôi tham gia cùng Điều tra viên; bà Linda khai rằng: bà Linda đã nhiều lần cho bà Lan vay, vay mượn của bạn bè, gia đình,… giúp đỡ cho bà Lan; đã có bản chốt nhận nợ của Bà Lan với số tiền rất lớn; do đó bà Lan đang nợ tiền bà Linda. Đồng thời bà Lan chưa trả cổ phần hoa hồng như đã cam kết. Bà Linda khẳng định bà Lan lừa đảo chiếm đoạt tiền của ông Ted và bà Linda. Còn bà Linda không chiếm đoạt đồng nào của bà Lan. Tôi đề nghị cơ quan điều tra và VKS làm rõ nội dung này, để chứng minh ai chiếm đoạt của ai.
Tôi làm việc với Cơ quan điều tra, đặc biệt là với anh Tố Toàn (Phó Vụ trưởng Vụ 2 VKSND Tối cao); tôi đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn (không tạm giam bà Linda nữa); có căn cứ oan sai cần đình chỉ điều tra vụ án và xem xét hành vi lừa đảo của bà Trương Mỹ Lan.
Những ý kiến đó của tôi, chỉ được giải quyết là: sau khi người nhà bà Linda và Công ty TNHH Vĩnh Tường có đơn bảo lĩnh; đồng thời phải bảo lĩnh bằng tài sản là gia đình bà Linda phải gửi 2 tỷ VND vào tài khoản phong toả của Cơ quan điều tra. Bà Linda (Hồ Ngọc Dung) được tại ngoại, thay đổi biện pháp tạm giam (Trại tạm giam ở Hà Nội) bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú và cấm xuất cảnh.
Sau đó, Cơ quan điều tra vẫn ra Kết luận điều tra, Vụ 2 VKSND Tối cao vẫn ban hành Cáo trạng truy tố bà Linda về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của Bà Trương Mỹ Lan; chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát và Toà án nhân dân TP Hồ Chí Minh để xét xử.
Đến đây, bà Linda sau khi được tại ngoại, tìm được giấy vay và nhận nợ 100 tỷ VND của bà Trương Mỹ Lan đối với bà Linda chưa trả nợ. Tôi trưng cầu giám định chữ viết và chữ ký của bà Trương Mỹ Lan trên giấy vay nợ này như thế nào? Trước khi cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng. “Đùng đoàng” một cái như pháo nổ, tôi bị Cơ quan điều tra gửi văn bản THU HỒI Giấy chứng nhận bào chữa của tôi cho Bà Linda như thế nào? vụ án được ra Quyết định đình chỉ điều tra ra sao? Và tại sao bà Linda không kiện đòi bồi thường oan sai;… mời các bạn xem bài tiếp theo.


nhan sắc tàn phai hay là ai khác ?
(Còn nữa)
LS Trần Đình Triển
Bắt “bà trùm” Trương Mỹ Lan: Đại án và bộ mặt thật của nó
Mặt thật của Đảng đang dần dần lộ diện… Với những đảng viên già và một bộ phận dân chúng đang hò reo, tung hô “người đốt lò vĩ đại”
Bình luận của Lê Thanh Hoa(RFA)
2022.10.12
Bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
“Móc ngoặc” giữa “đỏ” và “đen”
Vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mới khởi tố chưa được hai ngày mà đã có ngay hai cái chết đột ngột (chưa kể một cái chết của tướng công an Phạm Quý Ngọ trong một vụ án khác có liên quan đến cái tên Trương Mỹ Lan trước kia) (1), nhưng tin về một cái chết đã bị báo Nhà nước kéo xuống sau đó mà không nêu lý do (2).
Sau vụ bắt giữ bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vào cuối tuần qua, đã có nhiều dấu hiệu hỗn loạn tại các chi nhánh của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bị cho là có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát dù Ngân hàng này đã lên tiếng khẳng định bà Lan không tham gia vào việc quản lý Ngân hàng này.
Nếu bây giờ đòi hỏi ngay các chứng cứ bằng “giấy trắng mực đen” về các liên hệ trực tiếp giữa tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) với “triều đại” Lê Thanh Hải (LTH) thì chắc chưa thể đáp ứng ngay được. Hãy chờ một thời gian nữa, các bộ phận chức năng trước sau cũng phải đưa ra ánh sáng (chắc cũng chỉ một phần) sự thật về những cái bắt tay giữa hai thế lực “đỏ” và “đen”, mà đại diện tiêu biểu là “vua không ngai” Lê Thanh Hải (Hai Nhựt) và “bà trùm” Trương Mỹ Lan. “Song kiếm hợp bích” Nguyễn Phú Trọng – Nguyễn Văn Nên (Bí thư TPHCM) quyết định bắt bà Trương Mỹ Lan là để lần đến “gõ cửa tận nhà” Lê Thanh Hải. Bởi vì, Bộ Chính trị ĐCSVN đã cách chức (cựu) Bí thư Thành Hồ đối với Hai Nhựt do sai phạm liên quan tới dự án khu đô thị Thủ Thiêm đã hai năm rưỡi nay (Từ 20/3/2020). “Treo” mãi vụ Hai Nhựt như thế chẳng khác nào là một sự bỡn cợt “người đốt lò vĩ đại”. (3)
Vạn Thịnh Phát phất lên từ những năm Lê Thanh Hải làm Chủ tịch Thành Hồ. Nhưng phải đến khi ông Hải “chui” được vào Bộ Chính trị và làm Bí thư Sài Gòn, từ năm 2007, việc thâu tóm bất động sản, đất vàng và các doanh nghiệp liên quan đến VTP mới bắt đầu tại nhiều bất động sản có vị trí đắc địa tại TP. Tập đoàn này luôn gây sốt thị trường địa ốc, tạo lập các siêu dự án, sở hữu nhiều dự án tọa lạc ngay trung tâm như Union Square, Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton… Ngoài ra, Vạn Thịnh Phát còn có hàng loạt siêu dự án khác như: Cao ốc căn hộ dịch vụ cao cấp Sherwood Residence, Khách sạn Thương mại An Đông, Khu dân cư Bonville Land, Khu dân cư cao cấp Sterling Residence, Khu căn hộ cao cấp Lambert Residence, Thuận Kiều Plaza… Trương Mỹ Lan cũng bỏ ra hơn 700 tỷ đồng, tương đương 35 triệu Mỹ kim để mua lại căn biệt thự cổ từ thời Pháp, diện tích gần 3000m2, toạ lạc số 110-112 Võ Văn Tần, quận 3 Sài Gòn. (4)
Vợ chồng Trương Mỹ Lan cũng bị bêu lên đầu bảng trong “Hồ sơ Panama”, liên quan đến trốn thuế và rửa tiền. (5)
Tháng 1/2014, tại một phiên toà, bị cáo Dương Chí Dũng đã khai, nhận của bà Lan số tiền 1 triệu Mỹ kim, để hối lộ cho Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, nhằm lấy dự án tại Cảng Sài Gòn. Phạm Quý Ngọ sau đó đột tử, và Trương Mỹ Lan lại thoát.
Từ một tiểu thương buôn vải tại chợ An Đông, cuộc đời đưa đẩy bà Lan gặp và kết nghĩa được chị em với Trương Thị Hiền – em gái Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và là phu nhân của Hai Nhựt, Bí thư Quận 5 thời đó – mà số phận đã thay đổi 180 độ. Dựa vào gia tộc Lê Thanh Hải, Vạn Thịnh Phát đã trở thành tập đoàn khổng lồ, tổng số vốn lên đến hàng tỷ Mỹ kim. Từ đất đai dân nghèo Thủ Thiêm, đến các công sản trung tâm đô thành, lần lượt lọt vào tay tài phiệt Trương Mỹ Lan.

Giấc mơ “thế thiên hành đạo”?
Bắt được Trương Mỹ Lan kỳ này, ông Trọng hy vọng sẽ ném vào chảo lửa của mình thêm Lê Hoàng Quân và Nguyễn Văn Đua (Nguyễn Thành Phong đã ở “phòng chờ của CNXH”). Cũng phải từ khi Tổng Trọng đưa vụ Trương Mỹ Lan vào diện theo dõi của Ban phòng chống tham nhũng Trung ương, thì may ra “tứ đại hung thần” Lê Thanh Hải – Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua – Tất Thành Cang, cùng các tay chân hút máu ở Thành Hồ mới bị bắt dần và hy vọng trả được món nợ để đời cho dân chúng. Chính ĐCSVN đã “đào tạo, nuôi dưỡng và rèn luyện” nên những người mà họ cho là “tinh hoa” để đưa vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Và cũng chính Đảng đã tự lột mặt nạ các đảng viên “vô sản lưu manh” ấy, trong các cuộc thanh trừng đẫm máu để giành lại những gì họ cần phải lấy hoặc chia lại từ “những chiếc bánh” của giai cấp vô sản cùng đinh.
Thời gian của TBT Nguyễn Phú Trọng không còn nhiều. Nếu không “ngồi xổm” lên mọi thứ, từ Hiến pháp của Nhà nước đến Điều lệ của Đảng, để trụ thêm nhiệm kỳ thứ tư nữa vào năm 2024, thì ông chỉ còn hai năm. Mà vụ Thủ Thiêm thì đã chục năm có lẻ. Rút kinh nghiệm Thủ Thiêm, ông Trọng đã cho “hốt gọn” vụ thôn Hoành ngay giữa lòng Thủ đô, dù có phải xử “án tử” cho một đảng viên 83-84 năm tuổi đời và 55 năm tuổi Đảng (6). Mặc dầu hai vụ án hoàn toàn ngược nhau về bản chất, nhưng để bồi đắp thêm cho cái uy của “bậc nhân kiệt yên dân”, ông đã liều “kinh lý phương Nam” thêm lần nữa. Nhưng lần này, đại án có vẻ kéo dài, cho nên ông Trọng đã chỉ đạo cho Tô đại tướng là cố gắng có kết quả sớm nhưng cũng phải “dò đá qua sông”. Đằng sau bà trùm Mỹ Lan là những ai, thiết tưởng khỏi phải nhắc lại. Ba ngày nay, tràn đầy những thông tin trên mạng xã hội chưa thể kiểm chứng về mối liên hệ giữa VTP với Tàu, cả Tàu “đỏ” lẫn Tàu “đen”. Không nhắc chúng ra đây đỡ mang tiếng là “thế lực thù địch lợi dụng để phá họa tình bạn vĩ đại và cảm động giữa ĐCSVN và ĐCSTQ”, như nỗi lo của bà Ngân và ông Thưởng khi Bộ Chính trị quyết định kỷ luật Lê Thanh Hải. Tuy nhiên, việc bà Lan có chồng là tỷ phú Hong Kong – người có quan hệ với cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang – là câu chuyện “elefant in the room” chẳng cần bằng chứng.
Cho rằng quá trình điều tra vụ đại án này có thể kéo dài và không loại trừ có nhiều bất ngờ khó tin là nghĩ tới bối cảnh có “những nhân tố nước ngoài” có thể “cản mũi kỳ đà” giữa chừng. Tuy nhiên, luận giải rằng TBT Nguyễn Phú Trọng chớp thời cơ TBT Tập Cận Bình đang vướng Đại hội 20 để “đánh úp pháo đài” của Ba Tàu ở Sài thành… là chưa hiểu hết “mối nghiệp duyên tiền kiếp” giữa bộ đôi “Tập và Trọng”. Khi ông Trọng đã giao sinh mạng của mình cho “Ban cố vấn” dưới danh nghĩa các bác sỹ chăm sóc sức khỏe “hậu đột quỵ” thì không có lý do gì để TBT ta dám “chơi khăm” Chủ tịch Trung Quốc. Đơn giản là chỉ cần ông Trọng chuyển đến Tập Chủ tịch thông điệp rằng, sứ mệnh “thế thiên hành đạo” của mình bị xâm hại, thậm chí có thể bị sụp đổ, nếu cứ để VTP khuynh loát đất Sài thành lâu hơn nữa. Mà sự tồn tại lâu dài của ông Trọng là lợi ích “cốt lõi” của ông Tập, khi ông chưa quyết định người “kế ngôi” TBT tới đây là ai? Chỉ cần như thế thôi, ông Trọng và BCT Việt Nam được bật “đèn xanh”.
Giấc mơ “thế thiên hành đạo” của ông Trọng còn phải đối mặt với một trở ngại lớn khác. Trở lại mối thâm thù giữa Nguyễn Phú Trọng đối với “Ba X” (Nguyễn Tấn Dũng) năm nào… Ông Trọng đã phải khóc trước văn võ bá quan và thần dân trong cả nước, ông Trọng quyết phục thù. Những luật “bất thành văn” của ĐCSVN là, đối với các thành viên của “Tứ trụ” thì không được truy sát, nhất là khi Ba Dũng đã chấp thuận “về vườn” để làm người tử tế. Nhưng các đệ tử của Ba Dũng mà Hai Nhựt và lâu la vẫn còn đó, cùng với hơn 40 phần trăm quân số mà Hai Nhựt từng bổ nhiệm vào các Sở, Ban, Ngành của TP, là bụi gai trong mắt TBT. Mà nếu không nhổ được cái gai bự nhất, thì khó có thể biến giấc mơ “thế thiên hành đạo” thành hiện thực. Phải tống bằng được Hai Nhựt vào lò để y không thể dương dương tự đắc: “Nếu Tổng bí thư không chịu trách nhiệm về những năm tháng Ba Dũng phá nát nền kinh tế trong cả nước, thì tại sao ông lại có thể bắt Hai Nhựt phải nhận trách nhiệm trước những bê bối của một thành phố mà người Hoa dưới chính thể nào cũng có ảnh hưởng đến đời sống kinh tế và chính trị của nó.”
______________
Tham khảo:
1. https://tuoitre.vn/thu-truong-bo-cong-an-thuong-tuong-pham-quy-ngo-qua-doi-594404.htm
3. https://thanhnien.vn/ong-le-thanh-hai-bi-cach-chuc-bi-thu-thanh-uy-tphcm-post937615.html
4. https://vietnamnet.vn/nguoi-nha-ba-truong-my-lan-mua-biet-thu-co-35-trieu-usd-sai-gon-277190.html
5. https://offshoreleaks.icij.org/nodes/13006543
6. http://nguoiviet.de/Su-kien/GS-Vien-si-Hoang-Xuan-Phu-Toi-ac-Dong-Tam-37855.html