
“Chiến luỹ Putin “

Nhân Tuấn Trương
Coi TV nước ngoài thấy là công binh Nga đang “khẩn trương” đào hào, dựng chiến lũy, kiểu “Vạn lý trường thành” (của TQ) hoặc “ligne Maginot – đường Maginot” của Pháp (ngăn ngừa Đức xâm lược vào Thế chiến II). Chiến lũy, tạm gọi là “chiến lũy Putin”, dài hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cây số, với 3 hoặc 4 hào sâu khoảng 2 mét chạy song song. Bờ hào được củng cố bằng những khối bê tông khổng lồ. Chiến lũy Putin bao bọc các vùng lãnh thổ của Ukraine mà Nga vừa sáp nhập.
Ta thấy rõ mục đích của Putin, thứ nhứt là “câu giờ”. Do cạn kiệt quân nhu quân dụng, nền công nghiệp nước Nga cần thời gian “tái phối trí” để tiếp tục sản xuất vũ khí đạn dược cần thiết cho chiến cuộc. Putin cũng cần thời gian để huấn luyện 300 ngàn quân vừa được động viên.
Thứ hai, có thể đó là đường “biên giới” giữa hai bên Nga và Ukraine do Putin đề xuất. Putin muốn bảo vệ lãnh thổ vừa chiếm đoạt, về phương diện phòng thủ trên thực địa, vừa về phương diện “pháp lý”. (Lãnh thổ của một quốc gia phải được xác định bằng một đường biên giới cụ thể, được quốc tế nhìn nhận). Đồng thời Putin muốn chứng minh cho dân Nga thấy “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông đã dành được “thắng lợi vẻ vang”.
Vấn đề là chiến lũy Putin có thể ngăn chặn được bước tiến của dân quân Ukraine hay không ? Lịch sử cho thấy Vạn lý trường thành hùng vĩ gấp ngàn lần chiến lũy Putin vẫn không ngăn được vó ngựa Hung nô. Và lịch sử cũng cho thấy đường Maginot không hề ngăn được chiến xa (Panzer) của Đức. Trung hoa bị mất nước vào tay Mông cổ (nhà Nguyên) và Mãn châu (nhà Thanh). Còn Pháp thua phải đầu hàng quân Đức.
Theo tôi, rất có thể quân Ukraine sẽ đạt được một số thắng lợi khác (về lãnh thổ) trước mùa đông 2022. Báo chí loan tin rằng quân Nga cưỡng ép dân Ukraine sống ở Kherson “di tản” qua đất Nga. Có tin cho rằng nhiều gia đình Ukraine bị “đày” đi vùng Tây bá lợi á. Hành vi “lùa” dân di tản có thể là dấu hiệu quân Nga sẽ bỏ Kherson (vì không thể giữ, do thiếu quân và vũ khí).
Tin buồn khác cho Putin là Mỹ và EU đồng thuận để viện trợ cho Ukraine các hệ thống phòng không. Quân Nga càng pháo kích bừa bãi vào nhà dân thì sau này, khi chiến tranh chấm dứt, vũ khí tối tân của NATO đã đặt kiên cố trên lãnh thổ Ukraine. Lúc đó vấn đề gia nhập NATO của Ukraine không còn là vấn đề quan trọng. Cốt lõi là nhờ Putin, Nga đã bị NATO cô lập (bằng súng đạn, sát bên biên giới).