
Giàu lên vì(nhờ buôn bán ở) Nga?
Ngô Huy Cương
Đúng là trước kia nhiều người Việt giàu lên vì sự yếu kém, lạc hậu và ngờ ngệch của nước Nga, nên mới có câu là “Nga ngố”.
Này nhé, trước khi sang Nga, ra chợ Hàng Da ở Hà Nội mua vài chục hay vài trăm cái kính dâm đểu (mắt hình giọt lệ) đeo vào nhìn mọi vật lệch hẳn đi hoặc mua vải “bò”, “mác”, “mỏ” rởm để may quần bò “levis” rởm hay mua mấy cái áo phông đểu… mang sang Nga bán là có tiền mua tủ lạnh, bàn là, quạt tai voi, chậu nhôm, nồi áp suất, áo bay… gửi về nhà.Sau khi Liên Xô sụp đổ cái rầm, anh em người Việt chúng ta biến nước Nga thành cái thị trường đồ rởm của chúng ta. Các “ốp” của người Việt mọc lên một cách danh tiếng ở Nga. Các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng may mặc rởm sang Nga (nhất là quần áo gió theo kiểu thể thao), rồi lại mua vàng của Nga đúc thành thỏi chuyển về Việt Nam.
Hải quan Nga không thành vấn đề. Anh em mình thạo chinh phục họ lắm. Vài tờ (cách gọi bóng gió của người Việt ở Nga lúc đó mà một tờ là 100 USD) là ổn thôi? Rẻ tiền mà!
Địa vị kinh tế của người Việt mình cao hẳn lên so với dân Nga ngố. Vì thế dân mình thuê dân Nga làm lái xe, bốc vác, bảo vệ… nhiều chứ không ít.
Tôi nhớ mãi, vào khoảng năm 1990 hay 1991 gì đó, sang Nga đàm phán về hàng không với Nga và Belarus ở Moscow và Minsk, tôi chỉ mất có 02 USD thôi mà ngồi ăn sáng mệt nghỉ tại Khách sạn Tháng Mười (nơi phục vụ các quan chức cao cấp trong Đảng Cộng sản Liên Xô trước kia ở Minsk), chưa kể lại còn chém gió ầm ĩ tại đó mà vẫn được mấy em Nga tóc vàng, tóc trắng xinh tươi đi qua, đi lại lúng liếng nhìn, dù mình rất ngây thơ và xấu trai.
Có lần sang Nga vào thời đó, một anh bạn cùng Khu Tập thể Nam Đồng, Hà Nội đến gặp tôi và mời tôi về “ốp” của anh ấy chơi. Anh ấy đưa cho tôi một tờ 20 USD và căn dặn kẹp vào hộ chiếu khi ra đường để cho bọn an ninh, nếu chúng nó hỏi. Thời đó chỉ cần đơn giản vậy là xong mọi chuyện.
Người Việt bị bọn Nga ghét đặc biệt sau khi Liên Xô sụp đổ. Ai qua lại sân bay ở Moscow thời đó mới thấy chúng nó hành hạ người Việt như thế nào. Chúng cầm dùi cui đập xuống đám đông người Việt chen lấn tại sân bay không thương tiếc. Người Việt ra đường bị bọn an ninh kiểm tra, bắt bớ. Bọn Mafia Nga sục sạo các “ốp”…
Thời kỳ Liên Xô (dù họ tự nguyện gánh nghĩa vụ quốc tế đối với các nước xhcn khác vì sự tồn tại của chính họ trong chiến tranh lạnh) và cho tới suốt sau này, họ không cho Việt Nam tên lửa Sam 3 (trong khi cho Cuba), chỉ cho Việt Nam mỗi năm 500 nghìn tấn xăng dầu (trong khi cho Cuba 01 triệu tấn xăng dầu nhưng dân số Cuba ít hơn dân số Việt Nam nhiều lần), không bán cho Việt Nam máy bay dân dụng TU 154 (trong khi bán cho Cuba). Vì vậy khi Việt Nam bay thẳng đến Nga bằng Boeing 767, thì người Nga tức tối và trả thù rất hèn. Tôi đã từng bị nhốt cùng khoảng hơn trăm hành khách tại sân bay Sheremetievo (Moscow) khoảng gần 03 tiếng trong một phòng chờ tầng trệt ngột ngạt, khó thở trước khi mở cửa bước ra trời lạnh, tuyết rơi nhẹ để đi bộ khoảng một cây số ra máy bay của mình đỗ ở rìa ngoài sân đỗ, rồi lại xếp hàng dưới trời lạnh khoảng 30 phút để được kiểm tra hộ chiếu lần cuối tại cầu thang lên máy bay.
Trong khi đó vào thời kỳ đó, tại Sân bay Tân Sơn Nhất của mình, người Nga vác từng bao tải hàng hoá để mang về nước một cách rất được quý trọng, nhưng họ uống rượu, la hét và chen lấn cũng không kém gì người Việt tại Moscow. Tôi bực mình nói với anh Vũ (nếu tôi nhớ không nhầm tên), đại diện cho Aeroflot, rằng anh không nên cho họ mang đồ bừa bãi lên máy bay vì họ đã đối xử quá tệ với người Việt tại nước họ. Anh ấy nói với tôi rất nhẹ nhàng rằng “Mình là dân tộc cao thượng mà em” làm tôi nhớ mãi.
Người Nga bây giờ khôn rồi(!?) Putin đang tổng động viên hạn chế để mang 300.000 lính đang bị vây bắt sang Ucraina thực hiện chiến thuật biển người cổ điển hòng nghiền vụn tuyết ở nơi đó biến tuyết thành màu đỏ tươi có thành phần hemoglobin.
Anh em người Việt mình lại có cơ hội giàu hơn lên nhiều vì chúng ta bây giờ đã hội nhập được với thế giới, còn người Nga thì bị cô lập và sẽ trở nên thiếu thốn và hèn yếu lâu dài sau cuộc chiến xâm lược Ucraina?
Ngô Huy Cương
Phụ Đính
Nguyễn Thị Phương Thảo sinh ngày 07 tháng 06 năm 1970 tại Hà Nội, là một nữ doanh nhân, tỷ phú, tổng giám đốc của VietJet Air, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank…[1][2] Bà là người Việt Nam thứ 2 và cũng là nữ tỷ phú đầu tiên được Forbes ghi nhận là tỉ phú USD, chỉ sau ông Phạm Nhật Vượng.[3]
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo được sinh ra trong một gia đình gốc Hà Nội. Bà may mắn có cơ hội được đi du học đại học ngành Kinh tế tài chính năm 17 tuổi. Bà Thảo nhanh chóng nổi tiếng trong cộng đồng không chỉ với thành tích học tập xuất sắc mà còn có tài kinh doanh thiên bẩm. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo bước vào thương trường khi còn là sinh viên năm thứ 2. Nhân cơ hội thị trường Đông Âu đang trong tình trạng thiếu thốn hàng tiêu dùng, mọi thứ đều khan hiếm, bà Thảo đã bắt đầu kinh doanh đủ thứ từ hàng điện tử, máy tính, máy fax đến băng đĩa, đồng hồ, thậm chí cả hàng nông sản từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, HongKong (Trung Quốc) sang Đông Âu… Song song với đó, bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm và cần thiết như thiết bị, sắt thép, phân bón…
Sau khi quay về Việt Nam, bà góp vốn thành lập Ngân hàng Techcombank và sau đó là VIB – 2 trong số những ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Gần 25 năm sau, bà nổi lên như một nữ tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam. Phần lớn tài sản của bà đến từ cổ phần ở VietJet và Dragon City (Phú Long) – dự án bất động sản rộng 65 héc-ta ở TP. HCM.[4]
Ngoài việc là cổ đông lớn nhất của VietJet Air, Tập đoàn Sovico Holdings của gia đình bà đã mua lại Furama Resort Danang vào năm 2005, trở thành nhà đầu tư người Việt đầu tiên sở hữu và vận hành khách sạn 5 sao. Furama Resort Danang khai trương vào năm 1997 với 198 phòng là khu nghỉ dưỡng biển 5 sao đầu tiên tại Việt Nam. Gần một thập kỷ sau đó, Sovico tiếp tục thâu tóm thêm 2 khu nghỉ dưỡng tại Khánh Hoà là Ana Mandara và An Lâm Ninh Vân Bay.[5]
Ngày 9/3/2017, tạp chí Forbes công bố danh sách các nữ tỷ phú USD trên thế giới năm 2017, ghi nhận bà Phương Thảo là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với khối tài sản ước tính khoảng 1,7 tỷ USD.[6] Bà cũng là một trong 15 nữ tỷ phú tự thân mới trong danh sách của Forbes năm 2017. Theo thống kê của Forbes, tại thời điểm 13/12/2017, tổng tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đạt 2,7 tỷ USD.
Năm 2021, bà Thảo đại diện cho tập đoàn SOVICO ký một biên bản ghi nhớ đồng ý hiến tặng 155 triệu bảng Anh cho trường Linacre College thuộc hệ thống Đại học Oxford. Đáp lại, trường đã đệ đơn lên Viện Cơ mật để đề nghị đổi tên thành Thao College.[8][9][10][11]
Đến ngày 16 tháng 7 năm 2022, chính phủ Anh cho phép Linacre College nhận khoản tài trợ 155 triệu bảng Anh được đề xuất từ tập đoàn SOVICO sau khi chính phủ kết thúc việc xem xét. [12]
Chồng bà là Nguyễn Thanh Hùng, ông chủ của Sovico Holdings. Sovico Holdings đang nắm giữ hàng loạt thương hiệu nổi bật tại Việt Nam, như HDBank và Vietjet Air, đồng thời là sáng lập viên của VIB và Techcombank.[13]