
NHẠC SẾN
Nguyễn Tuấn ‘s phê tê bốc
Thú thiệt, tôi không thích hai chữ ‘nhạc sến’ mà người ta gán ghép cho những ca khúc trữ tình thời trước 1975. Thật ra, ‘nhạc sến’ đã được đề cập đến thời xưa, chớ chẳng phải mới đây. Thời đó, trong bọn sinh viên chúng tôi có người mê nhạc Phạm Duy (như tôi), có người mê nhạc Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Ngô Thuỵ Miên, v.v. và có người mê nhạc lính (trong đó có tôi), chủ yếu là bolero. Bọn mê nhạc kia hay bĩu môi chê bọn mê bolero là … sến. Lúc đó tôi cũng chẳng biết sến là gì, chỉ nghĩ đó là một loại nhạc cho người lao động hơn là cho bọn ‘trí thức’.
Tôi không rõ nhạc boléro du nhập vào Việt Nam chính xác vào lúc nào, nhưng quả thật loại nhạc này có sức sống phi thường ở nước ta. Theo vài nguồn thì nhạc boléro xuất phát từ Tây Ban Nha vào cuối thế kỉ 18. Đó là loại nhạc được chơi chỉ bằng đàn guitar, với lời ca chỉ 4 đến 7 từ trong mỗi dòng, và mỗi đoạn chỉ 4 đến 5 dòng nhạc. Một nguồn khác thì cho biết nhạc boléro theo kiểu Mĩ Latin xuất hiện lần đầu ở Santiago (Cuba) vào khoảng cuối thế kỉ 19. Ca sĩ huyền thoại Beny Moré là người có công phổ biến loại nhạc này ở châu Mĩ Latin vào thập niên 40 và 50 trong thế kỉ 20. Nếu lịch sử tân nhạc ở nước ta hình thành từ những năm 1930, thì có thể nói rằng nhạc boléro Việt cũng đã có mặt vào lúc đó. Như vậy, dòng nhạc này đã tồn tại và song hành cùng chúng ta ngót nghét 90 năm. Ấy thế mà dòng nhạc này được nhiều người cho là … sến.
Tại sao gọi là “sến” thì vẫn còn trong vòng tranh luận. Những kiến giải về chữ sến đã được cố giáo sư Cao Xuân Hạo và nhiều nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc trình bày suốt 10 năm qua, nhưng hình như vẫn chưa đi đến một sự đồng thuận về ý nghĩa và nguồn gốc. Tuy nhiên, một ý nghĩa khá rõ ràng là khi đề cập đến nhạc sến, người ta hàm ý nói đó là dòng nhạc bình dân (khác với nhạc sang), là dòng nhạc dành cho người lao động, không có học thức cao. Nhưng lấy tiêu chuẩn gì để đánh giá là một ca khúc sang và một ca khúc bình dân thì chưa ai trình bày.
Có lẽ những người am hiểu và mê nhạc cổ điển phương Tây thì các dòng nhạc rock, nhạc mà người Việt chúng ta hay gọi là “tiền chiến” cũng là những dòng nhạc thiếu tính sang trọng. Ấy thế mà ở Việt Nam, có không ít người yêu nhạc “tiền chiến” cho rằng những sáng tác của các nhạc sĩ như Vinh Sử, Trần Thiện Thanh, Lam Phương, Trịnh Lâm Ngân, Hoài Linh, Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng, v.v. là sến. Hình như theo cái nhìn của những người này, những ca khúc có lời ca khó hiểu, cầu kì, thơ, triết lí là nhạc sang, còn những ca khúc có những lời ca dễ hiểu, dễ đi vào lòng người là sến.
Nhưng tôi không tin rằng đa số những người khinh dòng nhạc sến qua cách đánh giá lời nhạc chính họ cũng không hiểu những câu nhạc trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn hay Từ Công Phụng!
Suy nghĩ một cách khách quan, cách phân biệt dòng nhạc sang và sến như thế chẳng có cơ sở khoa học nào cả. Thật ra, tôi nghĩ ngay cả cách phân biệt nhạc sang và nhạc sến cũng có vấn đề ngay từ tiền đề. Nếu chúng ta nhìn âm nhạc qua 2 khía cạnh kĩ thuật và tác động thì sẽ thấy cách phân biệt đó khó có cơ sở khoa học. Khía cạnh thứ nhất là những “chất liệu” có thể đánh giá và đo lường, như giai điệu, hòa âm, âm sắc, v.v. Khía cạnh thứ hai là tác động của âm nhạc trong bối cảnh và môi trường văn hóa, tức là khía cạnh chủ quan, cảm tính, rất khó có thể cân đo đong đếm được. Nếu nhìn âm nhạc qua hai khía cạnh đó, chúng ta sẽ thấy chuyện so sánh nhạc sang và nhạc sến là thiếu cơ sở khoa học và rất vô duyên.
Không có sự vật nào mà hiện hữu trong hư không. Một nhành cây hay một chiếc lá rơi rụng trong rừng và không ai nghe thấy, thì nó có cũng gây nên một âm thanh. Âm nhạc cũng tế: âm nhạc không thể tồn tại trong hư không, mà còn được cảm nhận bởi người nghe. Nhưng người nghe, người thưởng thức thì rất đa dạng và họ có những cái gu thẩm mĩ rất khác nhau và tùy thuộc vào bối cảnh nghe.
Lúc còn nhỏ mới lên thành đi học, tôi ở cạnh nhà của một ông chủ quán cà phê mà trưa nào cũng phát thanh bài “Qua cơn mê” làm tôi rất ưa thích loại nhạc này (mà sau này tôi mới biết người ta nói là nhạc sến), nhưng khi lớn lên và hiểu chút về triết lí Phật tôi lại mê câu “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi / để một mai tôi về làm cát bụi.”
Nhưng người khác thì có vẻ không ưa những ca từ như thế, mà thích những câu chữ “trực tiếp” hơn như “Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó / Sống trên đời này tựa phù du có đây lại rồi lại mất / Người ơi xin nhớ cát bụi là ta …mai này chóng phai.”
Nhưng dù là lời ca nào thì hai ca khúc trên vẫn là phương tiện làm cho chúng ta cảm thông với nhau. Nếu thế thì cả hai ca khúc – có người nói là sang và không sang – đều đạt mục tiêu của âm nhạc là một cách thể hiện tình cảm chân thật nhất. Tôi nghĩ tất cả các dòng nhạc trên thế giới đều tương đương và đều là những biểu hiện có giá trị nhân văn. Rất khó nói rằng những sáng tác của Lam Phương hay Trần Thiện Thanh sang hơn Trịnh Công Sơn và Từ Công Phụng (chỉ là ví dụ), chỉ vì hai người kia dùng giai điệu boléro và viết lời dễ hiểu hơn hai người sau.
Ở Mexico, nơi mà nhạc boléro thịnh hành vào thập niên 1930s, người ta quảng cáo dòng nhạc này bằng cách nhấn mạnh đến chất thơ và truyền thống lãng mạn trong nhạc. Có giả thuyết cho rằng sự phổ biến của nhạc boléro ở các nước Nam Mĩ là một dấu hiệu của dân chủ hóa “văn hóa cao” (high culture). Người lao động cảm thấy thu hút bởi những bài ca có chất thơ, lãng mạn, mô tả được những xúc cảm nhẹ nhàng và khắc khoải của cuộc sống. Chính vì chất thơ và lãng mạn tính loại nhạc này được công chúng chào đón nồng nhiệt. Một ví dụ về lời nhạc tình tứ của boléro là bài “You are my love’s dearest”
… That you are my life
That I want no one else
That I am breathing the air
…
My love’s dearest
Blood of my soul
As a gift of flowers
Give me some hope
Những ca từ này nghe chẳng khác gì những ca khúc boléro Việt, ví dụ như:
Chân thành xin gửi người anh nơi chốn xa
đôi lời ấp ủ ngày qua / người em gái nhỏ quê nhà
mắt sầu vương ngấn lệ hồn hoa
dù bao tháng đợi năm chờ
lời thề xưa còn chưa xóa mờ.
Nhưng cảm nhận về sến có khi còn tùy thuộc vào thế hệ. Đối với những bạn trẻ (sinh sau 1980 chẳng hạn) thì chắc tất cả những ca khúc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, v.v. đều là sến. Có lần trong một buổi tiệc cuối năm do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức, tôi có cơ duyên ngồi cạnh thi sĩ Đỗ Trung Quân và chúng tôi có một trao đổi thú vị. Tôi nói với anh rằng tôi thích bài “Phượng buồn” của anh, thì anh nhìn tôi rồi nói: “Ông biết không, vậy mà có lần một thằng bé nó nói với tôi: xin lỗi chú, thơ / nhạc của chú sến lắm.”
Đỗ Trung Quân nói thoạt đầu anh cũng sốc với nhận xét đó, nhưng bình tĩnh nghĩ lại đây là một khoảng cách thế hệ, thế hệ của mình là thế hệ viết thư bằng mực trên giấy màu hồng, thích những lời nói bóng bẩy, thi vị, còn thế hệ của nó là tỏ tình bằng SMS, đi thẳng vào vấn đề (vì chúng đâu có nhiều thì giờ), nên cảm nhận về sến của chúng cũng có thể giải thích được. Cảm nhận thế nào là sến do đó không chỉ tùy thuộc vào gu thẩm mĩ mà còn tùy vào thế hệ.
Nói cho cùng, âm nhạc biểu hiện cảm xúc và ý tưởng không chỉ âm thanh mà còn bằng ngôn ngữ. Tôi chịu ảnh hưởng bởi những cuốn sách như “Hương sắc trong vườn văn” (của cụ Nguyễn Hiến Lê), và được được dạy rằng ngôn ngữ phải đẹp và ý nhị. Trong một cuốn sách của cụ NHL, cụ có phê bình rằng không có cô gái nào lại nói “tôi muốn chồng”, mà phải nói bóng gió bằng thơ, kiểu như “thân em như tấm lụa đào / phất phơ trước gió biết vào thân ai.”
Do đó, tôi và những người cùng thế hệ vẫn thấy cái hay của những ca khúc thời xưa như:
Phút ban đầu ấy
Thư xanh màu giấy viết nhưng chưa gửi em
Ngõ đi chung một lối
Đôi khi định nói với em một lời
Tình muốn còn e, chung bước đường về
Nào biết được khi nói lên nỗi niềm
Thì nẻo vào tim
Mở rộng hay khép môi thắm trao duyên.
Nếu âm nhạc là văn chương của trái tim (như Lamartine nói) thì những câu chữ này chính là tiếng nói của rất rất nhiều trái tim rung động. Trong khi Việt Nam chúng ta vẫn còn thiếu những công trình nhạc “hàn lâm” và trong khi đại đa số người Việt có gu thẩm mĩ hãy cứ cho là chưa cao (như nhiều người nói) thì nhạc sến vẫn và sẽ còn góp phần vào nền âm nhạc Việt Nam.
Thử tưởng tượng sau một ngày làm việc mệt nhọc và bao nhiêu phiền toái của cuộc sống, mà nghe được những câu như “Cuộc đời là vách chắn, là rào thưa / Thương em tiếng hát sang mùa / Một mai mưa ướt áo em / áo mỏng đường mòn / Dáng nhỏ thân quen” thì cũng là một an ủi tinh thần lắm chứ. Chả thế mà có người nói rằng âm nhạc có tác dụng tẩy rửa những hạt bụi trên linh hồn của chúng ta. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến câu nổi tiếng của thi hào Shakespeare: nếu âm nhạc là thức ăn của tình yêu thì cứ tiếp tục chơi. Mượn câu nói đó, tôi nói: nhạc sến / boléro là chính là chất dinh dưỡng của tình yêu, chúng ta hãy tiếp tục vui ca, và quên đi những phân biệt vô duyên về sến và sang.
Nguyễn Tuấn’s phê tê bốc