NS Cung Tiến đã về với “Hương xưa,Nguyệt Cầm…” theo quy luật tử sinh của đất trời(1938-2022)

𝐕𝐢̃𝐧𝐡 𝐁𝐢𝐞̣̂𝐭

Nhạc Sĩ CUNG TIẾN

(1938-2022)!

Nhạc sĩ Cung Tiến tên thật là Cung Thúc Tiến, sinh năm 1938 tại Hà Nội.

Ông học nhạc với hai nhạc sĩ nổi tiếng là Thẩm Oánh và Chung Quân.

Từ nhỏ, ông đã có khiếu về thổi sáo, chơi đàn mandoline, đàn guitar cổ điển trước khi làm quen với đàn piano trong khoảng thời gian từ 1957 tới 1963 khi ông được học bổng du học tại Úc.

Năm 1953, ông mới 15 tuổi đã sáng tác hai ca khúc bất hủ là “Thu Vàng” và “Hoài Cảm”.

Năm 1970 ông nhận học bổng cao học tại Anh Quốc, nghiên cứu kinh tế học phát triển. Tại đây ông tham dự các lớp nhạc sử, nhạc học và nhạc lý.

Ngoài lãnh vực âm nhạc, ông cũng đóng góp nhiều cho lãnh vực văn học với bút hiệu Thạch Chương, được nhiều người biết tới trước 1975 ở Saigon với dịch “Hồi Ký Viết Dưới Hầm” của Dostoievsky, và “Một Ngày Trong Ðời Ivan Denisovitch” của Solzhenitsyn.

Sau biến cố 1975, ông định cư tại Hoa Kỳ.

Những ca khúc bất hủ khác của ông gồm có “Hương Xưa”, “Nguyệt Cầm”, “Đôi Bờ”, “Mắt Biếc”, “Hoàng Hạc Lâu”, “Lệ Đá Xanh”..

.

Tưởng Tiếc

Sự Ra Đi của nhạc sĩ CUNG TIẾN tức dịch giả THẠCH CHƯƠNG (1938-2022)

~

Lê Thị Huệ(Gio-O) sưu tầm

Nhạc sĩ Cung Tiến được biết đến với những ca khúc nổi tiếng như Thu Vàng, Hoài Cảm, Mắt Biếc, Hương Xưa, Nguyệt Cầm, Lệ Đá Xanh, Kẻ Ở …

Nhưng với tên Thạch Chương, ông cũng còn là một dịch giả đóng góp khá nhiều dịch thuật cho tờ báo văn chương đình đám Sáng Tạo ở thủ đô Miền Nam Sài Gòn vào cuối thập niên 1950 và đầu 1960 .

Nhân nghe tin nhạc sĩ Cung Tiến mất, tôi quởn tìm trên mạng ra được một list các tác phẩm văn học dịch đáng kể của Cung Tiến (Thạch Chương). Gồm:

1. Bút Ký Dưới Hầm của Fyodor Dostoyevsky (chuyện dài đã in thành sách)

2. Một Ngày Trong Đời Một Ngày Trong Đời Yvan Đênixôvitch của Solzhenitsyn (chuyện dài, đã in thành sách)

3. Bài Hát Ru Con, Nấm Mộ Người Không Tên, thơ của Wolgang Borchert Wolgang, trên tạp chí Nghệ Thuật, do nhà văn Mai Thảo chủ nhiệm kiêm chủ bút, số 4, cuối tháng 10, 1965.

4. Trầm Tưởng, Franz Kafka, trên tạp chí Sáng Tạo số 4 bộ mới năm 1960

5. Bài ca khóc, thơ dịch, Federico García Lorca

6. Sự chán chường trong phê bình văn nghệ, tạp chí Sáng Tạo bộ mới, số 1 tháng 7 năm1960

7. Trình bày và phê bình hai quan niệm nổi loạn của Albert Camus. tạp chí Sáng Tạo số 3 tháng 9 năm 1960

8. Mắt Nhọn, thơ, tạp chí Sáng Tạo bộ mới số 7 tháng 9 năm 1961

9. Giới thiệu một nhận thức siêu thực về nghệ thuật, tạp chí Sáng Tạo bộ mới số 5 tháng 11 năm 1960

10. Tinh Cầu , truyện ngắn, tạp chí Sáng Tạo bộ mới số 4 tháng 10 năm 1960

11. Mây Biển, thơ , tạp chí Sáng Tạo bộ mới số 2 tháng 8 năm 1960

12. Một đóa hồng cho Emily, truyện dịch, William Faulkner, Tạp chí Sáng Tạo số 30 tháng 5 năm 1959

13. Đối Thoại, thơ, tạp chí Sáng Tạo số 28 tháng 1, Giai Phẩm Mùa Xuân Kỷ Hợi, năm 1959

14. Đòi Sống, thơ, tạp chí Sáng Tạo số 21 tháng 6, năm 1958

15. Tôi Khóc Hôm Nay, thơ, Tạp chí Sáng Tạo số 9 tháng 6, năm 1957

16. Nguyên Tắc Quản Trị , Harold Koontz và Cyril J. O’Donnell, dịch chung với Trần Lương Ngọc (đã in thành sách)

Những bài viết nghiên cứu văn học nghệ thuật, và dịch thuật, sau 1975 ở hải ngoai.

17. Cuộc Đời Như Một Tác Phẩm Nghệ Thuật, dịch Milan Kundera,

tập-san Thế-kỉ 21, số 3 tháng 1, 1990

18. Đi Tìm Hiện Tại. Bài thuyết-trình khi nhận giải Nobel 1990 cuả Octavio Paz, tập-san Thế-kỉ 21. Số đặc-biệt Xuân Tân Mùi, tháng 2 năm1991

19. Âm Nhạc Hiện Đại: Một sơ đồ tổng Quát, tập-san Thế-kỉ 21, tháng 7 và 8 năm 1991

20. Một Ghi Chú Muộn Tặng Bạn Sau Khi Nghe Tiếng Đàn Tự Do của Đặng Thái Sơn, tập-san Thế-kỉ 21, tháng 12 1993

(sẽ bổ túc khi tìm thêm được bài nữa)

(lth)

May be an image of 2 people, people sitting and outdoors

Lê Thị Huệ(Gio-O)

THƯƠNG TIẾC NHẠC SĨ CUNG TIẾN,

Lê Nguyễn

Hình như sau sự ra đi của nhà thơ Tô Thùy Yên, sự ra đi lần này của nhạc sĩ Cung Tiến mới lại gây ra một làn sóng cảm xúc ngập tràn như thế, nhất là với những người sinh ra và trưởng thành tại miền Nam từ những thập niên 1940-1950 trở đi, những người đang sống với bao hoài niệm cuối đời. Ít có nhạc sĩ nào viết nhạc ở tuổi 16-17 mà tác phẩm lại khắc sâu vào lòng người, âm vang mãi trong những tâm hồn đa cảm, yêu nghệ thuật như Cung Tiến. Cũng không có nghệ sĩ nào chỉ sáng tác một số nhạc phẩm ít ỏi mà tầm vóc và tiếng vang lại vút cao và lan rộng như thế.

Dù những năm sống ở Mỹ, ông đã làm được nhiều việc đáng nhắc nhở, song với những người còn ở lại quê nhà, tác phẩm trước 1975 của ông vẫn là những giá trị trường tồn,vẫn luôn làm cho chúng ta chất ngất say sưa với từng giai điệu, nhẹ nhàng và sâu lắng như Hoài cảm, thanh nhã và sang trọng như Hương xưa, lâng lâng và lãng đãng như Thu vàng….

Vĩnh biệt và thương tiếc nhạc sĩ Cung Tiến, nhiều người đã kể rõ về những chặng đời của ông, song có một vài chi tiết mà người viết bài này chưa thấy nhắc đến . Đó là trong hoạt động của nhiều thành phần xã hội ủng hộ Phật giáo và chống lại chính sách cứng rắn đối với tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm vào năm 1963, có tiến sĩ kinh tế Cung Thúc Tiến. Tháng 9.1965, tôi cùng các bạn đồng môn tốt nghiệp khóa 10 Học viện QGHC – Sài Gòn được gửi đi học khóa 21 trường Bộ Binh Thủ Đức thì người được cử làm đại diện khóa này chính là Cung Thúc Tiến.

Song giữa chừng khóa học, có tin ông bị loại khỏi khóa và phải đi hạ sĩ quan. Việc này vẫn thường xảy ra với những sinh viên sĩ quan được khoác cho hai từ “ba gai” (pagaille), là một loại từ quen thuộc lúc bấy giờ dành cho những khóa sinh hay sinh viên sĩ quan không phục tùng kỷ luật sắt của quân trường. Nghe đâu sau sự kiện này, ông được điều về làm văn phòng tại Tiểu khu Bình Định/ Qui Nhơn. Xin kể lại thông tin trên với sự dè dặt cần thiết.

Không biết với các bạn thì sao, chứ với tôi, sự ra đi của hai tài năng lớn Tô Thùy Yên và Cung Tiến đã làm sống lại trong lòng mình rất nhiều kỷ niệm của thuở thiếu thời. Tác phẩm của họ là nguồn cội của bao nhiêu hoài niệm, sau những thăng trầm dâu biển của một đời người. Cái đẹp trong tác phẩm của họ là cái đẹp không thể tái sinh, nó vĩnh viễn thuộc về một thế hệ vàng đã mất hút dần trong cõi nhân sinh, không tìm lại được nữa.

Có những hoài niệm làm cho lòng ta đau nhói, và mắt của ta nhòe đi. Để chiều nay, có người gục đầu với bao niềm tiếc nhớ khôn nguôi!

Lê Nguyễn

5.6.2022

Có thể là hình ảnh về hoa, thiên nhiên và văn bản cho biết 'Photo Le Nguyen'

Để lại lời nhắn

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.