
TẾT MỒNG 5 THÁNG NĂM
Tác giả: PGS TS(?) Bùi Xuân Đính.
Tết này thường gọi là Tết Đoan ngọ (Đoan: ngay thẳng, Ngọ: giữa trưa), hay Đoan dương (Dương là mặt trời, là khí dương; Đoan dương là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh).
Tết mồng 5 tháng Năm từ lâu được giải thích là để tưởng nhớ đến ngày Khuất Nguyên (340 – 278 trước Công nguyên) – nhà chính trị, nhà thơ nổi tiếng của nước Sở trong lịch sử Trung Quốc. thời Xuân Thu chiến quốc (770 – 221 trước Công nguyên) tuẫn tiết trên sông Mịch La.

Khuất Nguyên
Lived 340 BC – 278 BC · Zigui County, China
Trên thực tế, người dân Việt Nam không mấy ai biết đến tên tuổi của Khuất Nguyên và ngày mồng 5 tháng Năm, không gia đình nào khấn Khuất Nguyên về hưởng lễ, chỉ khấn mời tổ tiên. Sách An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng (tác giả người Trung Quốc) mục “Phong tục” soạn vào thế kỷ XVII chỉ chép, vào ngày này, dân An Nam “đi hái cả hoa và lá cây để làm thuốc”, không nhắc gì đến việc giỗ Khuất Nguyên.
Đối chiếu với lịch nông vụ của người Việt cho thấy, cuối tháng Tư, đầu tháng Năm là thời điểm kết thúc vụ gặt chiêm của người Việt – vụ lúa chính của các làng đồng chiêm ở các vùng trung du trũng thuộc các tỉnh Phú Thọ, Sơn Tây và các ô trũng ở Hà Nam, Hà Đông, Bắc Ninh… trước đây. Sau khi hoàn thành gặt chiêm, đến mồng 5 tháng Năm, các gia đình làm lễ treo hái, mừng lúa mới, cúng gia tiên, ăn Tết to như Tết mồng 10 tháng Mười của cư dân các làng Đồng mùa, còn Tết mồng 10 tháng Mười đơn giản hơn.

Ảnh: Mâm cúng Tết Đoan Ngọ

Theo tục, trước ngày Tết mồng 5 tháng Năm (khoảng 2 – 3 ngày), các gia đình ủ rượu nếp để đến sáng ngày mồng 5, rượu kịp “chín” hoặc “ngấu”. Ngoài chuẩn bị rượu, các gia đình còn mua các loại hoa quả (mận, vải, dưa hấu) để làm lễ gia tiên và thưởng thức. Đặc biệt, vào các ngày mồng 3 hoặc mồng 4, các bà mẹ đi chợ đều không quên mua cây lá móng (các làng gần đồi núi có thể đi chặt, các gia đình ở vùng đất bãi có thế chặt ở bờ rào quanh nhà) để cho trẻ nhuộm móng tay. Dân gian nhiều nơi tin rằng, khi mua hoặc mang cây lá móng về nhà phải giấu không để chó nhìn thấy khi nhuộm móng tay sẽ không đỏ (?). Tối mồng 4, giã lá móng, tẩm một ít rượu rồi quấn, buộc lá đã giã vào từng đầu móng tay đứa trẻ bằng lá vông và giẻ trước khi chúng đi ngủ. Sáng hôm sau, đứa trẻ dậy, thấy móng tay đã được nhuộm đỏ, trong tay đã có một quả mận (hoặc vải) do bố (mẹ, hoặc chị dúi vào). Có nơi còn cho trẻ nhúng đầu ngón tay vào nồi/chậu nước gạo nếp cho màu thêm đỏ và giữ được lâu. Dân gian tin rằng, trẻ được nhuộm móng tay sẽ trừ được ốm đau, mụn nhọt. Tay được nhuộm đỏ, có được quả mận (hoặc đào, vải), được ăn chén rượu nếp là niềm vui sướng của trẻ thôn quê trong ngày Têt mồng 5 tháng Năm. Tục nhuộm móng tay mất khoảng cuối thập niên 1960.
Buổi trưa (có thể buổi sáng), các gia đình làm lễ gia tiên. Lễ vật sang trọng tùy nhà, nhưng phải có rượu nếp và các loại hoa quả.
Vào giờ Ngọ, các gia đình ra vườn (hoặc vào núi, rừng nếu ở gần) lấy các loại lá thuốc về phơi, nhiều người tết các cây, lá thành con vật tượng trưng trong năm (chẳng hạn, năm Mùi thì tết thành hình con dê, năm Tỵ tết thành hình con rắn…), rồi treo trước cửa ra vào nhà hoặc mái hiên gần cửa. Lá này được dùng để nấu nước uống hoặc tắm rửa cho trẻ con khi gặp ốm đau, mụn nhọt.
Trong ngày này, nhiều làng có tục trẻ con (có khi cả người lớn) ra tắm vào giữa buổi sáng (hoặc buổi trưa) ở hồ, biển, sông, suối để lấy may. Ở làng Trà Cổ (nay thuộc thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), khoảng 9 giờ sáng, trẻ ra biển tắm khoảng một tiếng đồng hồ rồi thả phù đang đeo xuống biển, về nhà đeo phù mới (phù là một vòng cổ, gồm các hạt long não, hạt cườm xâu vào sợi chỉ ngũ sắc; làm như vậy, đứa trẻ sẽ không bị quỷ quấy rầy – Tư liệu điền dã, 1995). Nhiều làng tổ chức cho trẻ đua thuyền (thuyền nan). Chẳng hạn, làng Hưng Học (xã Liên Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh), vào sáng mồng 5 tháng Năm, toàn bộ trẻ trâu trong làng được chia làm hai phe, tùy số trẻ mà mỗi phe có 1 – 2 thuyền; mỗi thuyền có 8 trẻ tham gia (một cầm lái, một cầm cờ và 6 trẻ cầm chèo bơi). Mỗi phe sắm một mâm ngũ quả, mỗi thuyền có một lễ xôi gà (số lễ vật này do trẻ và cả các bậc cha mẹ quan tâm đi vận động đóng góp từ hôm trước). Buổi trưa ngày mồng 5, hai phe cử trẻ vào bơi. Trẻ mặc quần đùi, đầu chít khăn đỏ, bơi từ lạch nước cửa đình ra giữa cánh đồng nước, nơi có một gò đất cao, tương truyền là mộ của thần đồng. Phe nào bơi được ra gò trước là thắng cuộc chặng đầu, sau đó, đưa lễ lên gò thắp hương khấn. Hết tuần hương bơi trở lại về đình. Phe nào về trước mới được coi là thắng cuộc toàn bộ và chỉ có giá trị tinh thần là chính. Xong xuôi, tất cả cùng xuống lạch nước tắm rồi về một nhà nào gần đình để phá cỗ. Trong khi trẻ đua thuyền nan thì người lớn đua chải. Tục đua thuyền cũng có ở nhiều làng thuộc khu Hà Nam, song khác biệt đôi chút về chia phe bơi, đoạn đường bơi… Tục này rèn luyện cho trẻ khỏe mạnh, cứng cáp, quen với môi trường sông nước ở vùng đất trũng thấp, sông, biển bao quanh như khu Hà Nam (Tư liệu điền dã, 1995).
Cũng trong ngày, một số thao tác kỹ thuật trồng trọt đối với cây quất và cây khoai lang trong bộ kỹ thuật “Thiến đào, đảo quất, nhắc dây khoai” được các gia đình thực hiện, trở thành một tục. Phải “đảo quất” vì cây quất trồng đến năm thứ hai hoặc thứ ba phải chăm sóc theo hướng điều khiển để cây có quả và chín vào dịp Tết. Khoảng cuối tháng Tư, khi quất đã phát triển ổn định, lộc đã trở thành “bánh tẻ”, bắt đầu đảo quất, tức chuyển cây quất từ vị trí này sang vị trí khác, để thay đổi môi trường sinh trưởng của gốc cây.
Còn phải “nhấc dây lang” vì củ khoai lang được hình thành từ rễ củ; trong khi mọi mắt đốt trên dây đều có thể ra rễ. Do vậy phải thường xuyên nhấc dây lang, vừa cắt đứt các rễ phụ để tập trung dinh dưỡng nuôi củ, vừa tạo thông thoáng, hạn chế sâu bọ, côn trùng hại lá, hại củ. Một việc làm khác mà nhiều gia đình thực hiện đối với các loại cây ăn quả (như mít) là đốn bớt cành, lấy vồ đập các rễ cây nổi trên mặt đất. Người ta tin rằng, làm như vậy sẽ kích thích cây cho nhiều quả vào năm sau.
Theo tục ở hầu hết các làng quê, Tết mồng 5 tháng Năm cũng là dịp để lễ, biếu (chàng rể tương lai hoặc rể mới biếu bố mẹ vợ, trò biếu thầy, người bệnh biếu thầy thuốc), thường biếu dưa hấu và đường trắng. Với chàng rể tương lai hoặc chàng rể vừa mới cưới vợ, ngoài hai thứ biếu phổ biến trên, nếu sang trọng thì biếu đôi ngỗng. Một số làng có tục biếu độc đáo, điển hình là làng My Dương (nay thuộc xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội), liên quan đến chợ làng (chợ Mai). Chợ chỉ họp hai phiên trong một năm, vào ngày mồng 4 tháng Năm và 14 tháng Bảy. Hai phiên chợ này mở để con cháu (đặc biệt là những người con gái đã đi lấy chồng), thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn với cha mẹ, ông bà; của học trò với thầy dạy. Trong hai phiên chợ này, thịt đều bán theo khổ thấu xương hoặc theo miếng; gà vịt bán quạ; lòng lợn bán theo cỗ để mọi người mua làm quà biếu. Thể hiện lòng hiếu thảo và biết ơn nhất của người con gái với bố mẹ, học trò với thầy là biếu một đôi chân giò hoặc một miếng thăn suốt, kèm theo một gói bún. Tục này mất từ giữa những năm 60, khi thịt lợn và bún là những mặt hàng thiết yếu chiến lược, không được bán tự do trên thị trường. Chợ do đó cũng không được duy trì (Tư liệu điền dã, 2011).
Tết mồng 5 tháng Năm đã đi vào cung đình. Thời Lê, vào ngày này, trong triều, nhà vua làm lễ ban quạt cho các quan. Thời Nguyễn, từ năm Minh Mạng thứ hai (Tân Tỵ, 1821), Tết Đoan Dương cùng với Tết Nguyên đán, tết mừng thọ vua và mừng thọ mẹ vua đã trở thành quốc lễ, quan lại, nhân viên các công sở được nghỉ, vua ban yến cho các quan trong triều (“Đại Nam thực lục”, tập Hai, tr. 212).
Như vậy, Tết mồng 5 tháng Năm (hay Tết Đoan ngọ, Đoan dương) mang nhiều ý nghĩa và giá trị. Đó là giá trị trong nhận thức và ứng xử với các hiện tượng tự nhiên, giá trị trong văn hóa ẩm thực để bảo vệ sức khỏẻ trong điều kiện thời tiết mùa hè, những ứng xử môi trường, cây trồng, việc tổ chức các hoạt động văn hóa và đặc biệt là lòng biết ơn tổ tiên, duy trì các mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, tình thầy trò… Những giá trị đó, cần được gìn giữ trước những biến đổi lớn lao của cuộc sống.
Tết mồng 5 tháng Năm vẫn thể hiện sức sống đến ngày hôm nay.
Ảnh: Mâm cúng Tết Đoan Ngọ
Nguồn ảnh : dienmayxanh. com
2Đào Duy An and 1 other