
Thằng Em Bạn Ba Gai

ĐHKT Trang Y Hạ

Tôi quen anh ta ở quán thịt chó Hương Giang, nằm trên đường Phủ Mô trong một buổi trưa trời mưa dầm dề, bầu trời KonTum mù mịt, lạnh lẽo… Quán thịt chó Hương Giang chẳng xa lạ gì với tôi, vì nhà chị nuôi của tôi ở trong khuôn viên xưởng cưa PT. Tôi hơi ghiền món thịt chó ở quán nầy. Nói thiệt, ghiền thịt chó thì chỉ đúng có phân nửa, phân nửa còn lại, có lẽ… ghiền nghe giọng Huế của mấy O Huế, con của ông chủ quán!
Mưa dai dẳng, quán ít người. Tôi bước vô quán, như thường lệ ông chủ quán ra đón tôi… Ông chủ quán vóc người cao to, ông có khuôn mặt phúc hậu, dễ thân thiện… Quán nầy cũng thiệt là lạ, quán có mấy O, vậy mà khách vô ra đều do người cha đảm trách… Thỉnh thoảng các O mới xuất hiện làm tăng vẻ huyền bí khiến cho mấy anh chàng thêm tò mò… Đúng vậy, đàn ông luôn luôn đi tìm những gì “bí hiểm”, mặc dù sự bí hiểm (…) đã biết rõ ngọn nguồn. Thêm một sự hấp dẫn nữa, đó là đi ngang qua quán thịt chó Hương Giang, phía đường Phủ Mô, khó ai cưỡng nổi khi nhìn một đoạn dài hàng rào kẽm gai – mà trên hàng rào kẽm đó tràn đầy lá mơ (thúi địt), đeo bám chằng chịt, lá nào lá nấy to như bàn tay!
Tôi bước vô quán, đi thẳng tới cái bàn gần như “quen thuộc” trong mỗi lần tới nhậu, ngồi chỗ đó có thể đưa mắt nhìn ra hai phía, chứ chẳng có ý nghĩa gì khác… Mỗi lần tôi tới quán, thấy cái bàn đã có người ngồi, tự nhiên thấy… “không vui”! Ăn uống cũng không còn ngon…! Sau khi yên vị, tôi kêu món nhậu…, liếc qua phía tay trái thấy một anh chàng mà tôi đã gặp vài ba lần trước đó… Anh ta bưng – dĩa thịt nướng, chai rượu, ly rượu – qua bàn tôi. Anh ta trịnh trọng lễ phép, nói:
-Đệ xin phép huynh đài cho thằng đệ nầy ngồi chung bàn nữa nha, đệ chuyển lên KonTum cũng lâu lâu mà vẫn chưa quen ai, ngoài huynh đài. Lính xa nhà không bạn hữu để nói chuyện, buồn quá huynh đài ơi…! Bữa nay thằng đệ mạn phép huynh đài để thằng đệ “khao thưởng” huynh đài…!
Tôi chẳng ngạc nhiên vì tôi đã từng gặp nhiều trường hợp “tứ hải giai huynh đệ”, từ trong bàn nhậu như vậy rồi, thời chinh chiến thân trai rày đây mai đó chết sống vô chừng gặp được một người đối ẩm cũng ấm lòng, hơn nữa là trời mưa quán vắng lại có người đẹp xứ Huế thỉnh thoảng sàng qua sàng lại, uống rượu cạn bình cũng đâu dễ gì say! Người ta nói rượu thảo dễ gặp tri âm, tri kỷ, thiệt quả là đúng như vậy!
-Đệ cho huynh xem cái nầy, ắt huynh sẽ biết:
Anh chàng rút trong ví lấy ra thể “căn cước quân nhân” đưa cho tôi xem… Gặp vài lần trước, nhưng chưa biết về anh chàng nầy, thì ra anh chàng là trung sĩ nhứt, thuộc sư đoàn […] bộ binh, sinh năm 1952. Tôi nói với anh chàng:
-Vậy là anh bạn nhỏ hơn tôi tới hai tuổi, “nhứt tuế như huynh…”! Anh bạn gọi tôi là huynh được rồi, bỏ chữ “đài”, chữ đài nghe sao giống truyện kiếm hiệp quá!
Anh chàng uống rượu ngọt sớt, khà khiết nghe tạm giống “Lệnh Hồ Xung”, có điều ăn nói rất là… ba gai, ba đế… ngang tàng, bạt mạng coi trời bằng vung, nhưng không vô phép, mất dạy!
-Huynh đài, à quên huynh à. Đệ uống rượu ít khi say lắm. Đệ nói bạc mạng nên thượng cấp ghét, bạn hữu xa lánh, họ cho rằng đệ dùng chữ nghĩa nói xiên xỏ họ…! Miệng của đệ hay nói, chứ bụng của đệ chẳng ghét hay giận hờn ai, giận hờn người dưng làm gì để rồi mất công đi xưng tội. À, nầy huynh…, từ ngày chuyển lên KonTum, đệ nghe tiếng chuông nhà thờ riết rồi đâm ghiền, ước gì có một cô gái “thổ địa” cùng dẫn nhau đi lễ cầu nguyện, thì có chết chắc cũng sẽ được lên Thiên đàng..! Huynh có biết thiên đàng ở cái địa chỉ nào không vậy hử?
Anh chàng nầy quả đúng là ăn nói không đâu vô đâu, chẳng có chủ đề nào cả, nhưng tính tình bộc trực, xét ra cũng chẳng làm phiền toái.
-Chú em nói thế nào gọi là… nói xiên, nói xỏ, nói nghe thử:
-Đệ nói với họ rằng: Người Mỹ giết ông tổng thống Ngô Đình Diệm để rồi đổ quân vô nước ta với lý do ngăn ngừa chủ nghĩa Cs, trong khi đó Cs Cu Ba sát nách tại sao người Mỹ lại không lo? Đảng Cs Mỹ ở trong nước Mỹ cũng có mà…! Chúng ta chết cho nước Nhựt và phương Tây hưởng hòa bình… Họ nói: “Họ chỉ biết người Việt đau khổ vì chiến tranh…!” . Vậy là đệ bị… từ trung sĩ leo lên trung sĩ nhứt, rồi quay lại trung sĩ…! Vòng vo hoài… Dzui không đại ca…!
Mới uống có một xị mà nói huyên thuyên, hết huynh rồi đại ca. – Huynh có làm đại ca hồi nào vậy?
-Cho thằng đệ xin lỗi nha đại ca…!
-Thôi, bỏ qua… Hãy kể tiếp đi.

-Hôm đệ được tăng phái về trung đoàn […], ở Tân Cảnh, nằm riết ở trong hầm, em xin ra Tân Cảnh dạo chơi cho biết phố núi địa đầu nhưng không được. (sau nầy mới được đi một lần). Một bữa thường vụ cho ăn cá liệt khô, chiên…; ăn hai ba ngày liền… ngán quá, đệ làm hai câu thơ:
Con cá liệt thân mầy có liệt,
Cái đầu to tốn mỡ hao dầu.
Chẳng hay “ma” nào đem hai câu thơ lên “Thường Vụ”. Vậy là đệ nằm chuồng cọp hết mấy ngày…, sau đó đuổi về sư đoàn làm công việc, lon ton… Có vậy đệ mới gặp được huynh nè…! Còn nữa, đại ca. Em chưa có người yêu, nên chẳng có kinh nghiệm… Hôm lãnh lương xong, đệ bang bang ra hàng keo, nơi đường Lê Thánh Tôn tìm mua quyển sách “Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ & Triết Học” của Phạm Công Thiện. Đệ nhìn hoài mà không thấy quyển sách đó… Xoay qua, đệ thấy một cô gái nhỏ thó, không mấy đẹp, da ngăm ngăm, nhưng có duyên, có lẽ cô ấy là nữ sinh trên tay cô đang cầm quyển sách mà em cần tìm. Cô ta đang giở từng trang trông có vẻ… hững hờ, hờ hững… như không muốn mua, thì phải. Thấy vậy đệ nổi máu ba gai, nói:
-Ê, em ơi, em ơi …! Em có mua quyển sách đó hay không vậy hử…? Em không mua thì em để cuốn sách đó lên trên kệ, để cho anh lớn này mua… !
-Huynh biết cô gái ấy nói với đệ những câu gì không?
Tôi chưa kịp nghe “thằng đệ” kể nội dung cô gái đó nói như thế nào, mà anh chàng ba gai nầy có vẻ như sợ sệt và ra vẻ bí ẩn, thì anh chàng đã gục đầu xuống bàn ngủ say như chết… Xị rượu thứ hai chưa cạn. Tôi nói thầm:
-“Mầy hả Bưởi…! Gặp “Già Làng KonTum”, mà tửu lượng yếu như vầy, thì thôi rồi Lượm ơi…!”.
Ba-Gai, tiếng Pháp: Bagaille. Nghĩ là: Không trật tự, gây sự, gây gỗ… Chú đệ nầy không nằm trong các nghĩa đó. Chú đệ nầy chỉ “ba-gai” bằng lời nói: Nói thẳng có, nói quanh co có, nói ám dụ có… nhưng nói rất là văn thơ… Bằng chứng là: thân tâm chú em nầy không mấy ổn định, ruột để ngoài da, xưng hô, nào là: “huynh đài, đại ca – lúc xưng đệ, lúc xưng em…”. Nhận xét chung là chú em nầy có: ba gai, nói năng kiểu trí thức nửa vời, nhưng thành thật hơn loại trí thức có bằng cấp – “giáo sư – tiến sĩ”. Anh chàng biết tới đâu nói tới đó, không nễ nang đời nên rước họa vô thân – (trung sĩ rồi trung sĩ…!). Và có thể, anh chàng bị hụt hẫng phải rời gia đình; rời nhà trường và bạn hữu quá sớm, để bước qua chiến tranh… Đôi khi tôi cũng có cùng ý nghĩ như vậy. Đi tìm nguyên do của cuộc chiến tranh hiện nay quả là không dễ dàng. Người Nam hay nói: “Thấy dzậy mà không phải dzậy”. Chú đệ cầm đèn chạy trước ô tô mà lãnh đạn, ông bà ngày xưa có câu “Ngu cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống” đâu có sai.
Đại sứ Hoa Kỳ là ông Henry Cabot Logde, tuyên bố tại Singapore, rằng:
“Cuộc chiến nầy sẽ không có kẻ thắng người bại”.
Tổng thống Hoa Kỳ Nixon, nói:
“Việt nam hóa chiến tranh là đưa Việt Nam Cộng Hòa tới chỗ chết. Một mình chống cả khối CS thế giới”.

Ngoài trời mưa càng nặng hạt, mưa mùa nơi xứ KonTum nầy thì đừng bao giờ hỏi khi nào ngưng hay tạnh; có khi trời mưa năm ba ngày, có khi mưa dầm dề cả nửa tháng cũng không biết chừng. Tôi uống rượu theo phong cách riêng, để tìm ý tưởng – Từ trời, từ đất, từ con người, từ xã hội, từ chính bản thân và chiến tranh… Tâm hồn lâng lâng chếnh choáng qua hơi rượu cũng là lúc thấy lòng mình tỉnh táo hơn bao giờ hết.
Trời mưa dai, quán ít khách. Ông chủ quán cầm xị rượu lại ngồi cùng với tôi; tôi với ông chủ quán đâu có xa lạ gì, thông thường có món thịt chó nào đặc biệt (làm theo khẩu vị của người Huế) là ông đem ra… Vắng khách, thì ông ngồi uống với tôi một chút xíu, đông khách, bận rộn thì nhìn nhau chào bằng mắt… Lão đệ trung sĩ xỉn nằm ngủ ngon hơn nửa tiếng đồng hồ, giật mình thức giấc, ngơ ngác…Thấy tôi và ông chủ quán ngồi… Anh chàng vội vàng đứng dậy chắp tay – coi bộ cũng con nhà gia giáo, nói:
-Đệ xin lỗi huynh trưởng, và… (lại thay đổi cách xưng hô), đệ huênh hoang cái miệng mà đâm ra múa rìu qua mắt thợ. Vùng đất KonTum nầy quả là “ngọa hổ tàng long”, đặc biệt là hình như có vẻ gì đó rất linh thiêng, không thể lý giải được.
-Say ngủ có mơ thấy gì không? Bây giờ tỉnh táo chưa? Đi rửa mặt rồi ra đây nói chuyện về cô gái mà đệ đề cập hồi nãy.
Ông chủ quán có việc phải rời bàn, anh chàng rửa mặt xong đi ra trông bộ dạng đẹp trai ra phếch. Anh chàng ngồi vô bàn, tôi lấy cái ly xoay chừng rót đầy rượu. – Uống từ từ cho lại nghỉn…
-Đại ca uống mấy xị rồi, sao trông huynh tỉnh queo vậy?
-… Xị thứ tư!
-Trời, huynh đúng là sư phụ!
Tôi lại được chú em, nâng lên hàng sư phụ, “uống rượu” chỉ trong vài giờ đồng hồ. Tôi ngắm anh chàng trung sĩ, mới thấy vẻ thơ ngây hiện rõ khuôn mặt thư sinh… Mấy cô nói “lính sữa”, cũng không ngoa chút nào. Huynh đã kêu món lẩu và bún ăn cho no bụng, bây chừ cũng đã là bốn giờ chiều rồi, ăn cho tỉnh rượu, chứ về lại đơn vị, mà còn nghe hơi…, không khéo lại nằm chuồng cọp… Tôi không cần nhắc, anh chàng cũng tự động khai ra chuyện cô gái…!
-Huynh à, cô gái ấy nghe em nói vậy… Cô gái quay lại nhìn em từ đầu cho tới chân, hất hàm nói:
-Tôi,… làm “em” của ông từ lúc nào vậy…? Người phụ nữ chỉ xưng em: với người thân yêu – với người yêu – với người chồng. Người phụ nữ không khi nào hạ mình xưng em trước người xa lạ. Xưng em, là tự mở toang cánh cửa tâm hồn mời người đàn ông con trai đi vô vùng tình cảm bí mật, thiêng liêng che chở người phụ nữ!

Ông,… làm “anh” của tôi từ lúc nào vậy…? Người đàn ông chỉ xưng hô tiếng anh: với người thân yêu – với người yêu – với người vợ. Ông đừng lấy cái quyền đàn ông ra để làm “anh” với tôi. Ông ba gai, mà quên hết… Tôi xin lỗi ông, tôi đã nói thẳng.
Cô gái ấy nói với em bằng giọng nói nhỏ nhẹ, trầm trầm mà nghiêm khắc. Đệ như một người học trò đứng nghe “cô giáo” giảng bài… Từ bất ngờ, rồi thẹn thùng, tới thán phục… Cô gái ấy còn hỏi: – “Ông có giận tôi không?”. Đệ lắc đầu và ngỏ lời xin lỗi…! Chợt cô gái hỏi: – “…Hình như ông ở nơi khác mới tới KonTum?”. Đệ nói đệ là lính, mới đổi lên KonTum được sáu tháng… Nghe vậy, cô gái ấy vui lên và đề nghị đệ đưa cô về nhà, cô biểu đệ đi trước, còn cô đi sau… Nhà cô ấy ở Xóm Chùa, từ nhà sách qua cái ngã tư một đoạn là tới. Cô gái miền núi non KonTum, cung cách giao thiệp, pha trộn văn hóa giữa ta và tây rất thẳng thắn, cởi mở, tự tin và cũng rất… quyến rủ…! Huynh có ý kiến gì không cho đệ vài lời. À, thứ bảy tới lúc mười giờ, huynh ra nhà sách chọn sách với đệ nha!
Tôi nghĩ: không biết anh chàng có (dự mưu) chi đây.
-Qua bài học nhãn tiền, đệ tởn chưa? Ba gai với bất cứ ai cũng đều lãnh hậu quả tệ hại. Ba gai trong gia đình – người thân xa lánh – Ba gai trong nhà trường – mất điểm, mất bạn bè thầy cô – Ba gai trong quân ngũ – chui hầm cọp nằm. Ba gai với phụ nữ, không tôn trọng phụ nữ, càng thê thảm hơn nhiều! Bữa đó, nếu đệ ý nhị chút xíu thôi, đệ sẽ được cô gái gọi đệ bằng: chú “chú ơi… chú…hỡi…!”, nghe êm ái, dễ thương hơn không! (Đừng gọi anh bằng chú, nhạc và lời của Anh Thy)!
Người phụ nữ “xưng tôi” trong giao thiệp là một người phụ nữ “bí ẩn”! Người phụ nữ xưng tôi là người phụ nữ: thâm trầm, kín đáo, mạnh mẽ… Người khác quý trọng và ngưỡng mộ…! Chữ “tôi” là của tiếng Nôm. Chữ tôi không có trong tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh. Đệ ăn nói kiểu ba gai, ba bứa người trong Nam gọi là: “cà chớn”!
Ngoài trời vẫn còn mưa, thằng đệ nhảy tót lên xe xích lô về đơn vị. Trong lòng tôi tự dưng nghĩ về cô gái có tiệm nước giải khát “For get…”, nằm trên đường Trịnh Minh Thế. Cô xinh đẹp, nên nhiều thanh niên kể cả sĩ quan đeo bám. Cô là bạn thân của em gái. Có lần cô “em” nói với tôi (anh hai) viết cho cô một tản văn – chủ đề là về cô… Trời, biết gì về cô mà viết? Lâu lâu, có công chuyện đi ngang qua tiện thể ghé thăm! Cô em dẫn tôi đi loanh quanh trong chợ lồng KonTum, chừng mươi phút rồi hấp tấp trở lại quán. Chiến tranh cày xới KonTum và qua mấy lần di tản, chẳng biết cô em di tản về đâu…!
Thứ bảy nầy, chắc tôi phải theo thằng đệ đi tới nhà sách, dù gì chú em trung sĩ cũng là tri âm… Buồn hơn nữa là chú em cũng sắp giải ngũ, lý do: đôi mắt cận!

Sáng sớm thứ bảy tôi đi tà tà trên đường Lê Thánh Tôn, ghé Hải Ký ăn hủ tiếu, tiệm nầy buổi tối có bán “xí quách” gà, tới trễ là hết. Ăn xong, nhìn đồng hồ tôi nghĩ chắc anh chàng đệ đang chờ tôi ở nhà sách Kim Quang. Ngang qua tiệm photo, ghé chụp một kiểu, làm kỷ niệm. Tôi tới nhà sách… Nhà sách, bữa nay người đứng bán sách là ông (LQC), tôi thấy thằng đệ đang cầm cuốn sách dịch, tác giả là: Somerset Maugham. Thấy tôi tới, anh chàng đi lại, thì thầm:
-Huynh…! Huynh có mua sách không? Huynh mua cuốn nào thì nói cho đệ mua luôn… Giờ, huynh qua bên kia hàng keo chỗ có bán chè “sâm bổ lượng” ngồi đó giữ chỗ nha! Đệ chọn sách rồi qua ngay thôi!
Tôi nói với thằng đệ:
– Mua dùm huynh quyển sách “Sa Mạc Lan Dần” của Bùi Giáng, nếu quyển sách đó hết, thì mua quyển “Kẻ Xa Lạ” của Camus cũng được. Tôi đưa tiền nhưng chú đệ, nói:
-Đệ sẽ mua tặng huynh, như một kỷ niệm!
Tôi linh cảm, chắc là có “bí mật” chi đây…? Tại sao anh chàng ba gai nầy bữa nay lại tỏ ra lúng túng như gà mắc đẻ? Tôi qua bên hàng keo ngồi giữ ghế. Khoảng hai mươi phút sau anh chàng lơn tơn đi qua, miệng còn huých sáo…! Bầu trời mây mưa mù ảm đạm – mùa mưa mà!
-Huynh ăn, uống gì kêu đi.
-Chè mà ăn cái nỗi gì! Thôi, dzọt qua bàn bên kia uống vài chai bia…
-Huynh chờ một chút. Anh chàng nhìn dáo dác…
Suy đoán của tôi quả đúng, (anh chị có hẹn). Tôi thấy một cô gái nhỏ con, cô mặc áo áo dài trắng quẹo qua tiệm thuốc bắc “Thuận Hòa Đường”, góc ngã tư Lê Thánh Tôn – Trịnh Minh Thế, rồi băng qua chỗ chúng tôi đang ngồi chờ. Trên tay cô ôm một cuốn sách… Chúng tôi chào nhau và giới thiệu sơ qua… Khi yên vị, cô gái nói với chú đệ:
-Cuốn sách “Ý Thức Mới…” đó, tôi đã đọc xong rồi. Giờ tôi bán lại cho ông, tôi chỉ lấy phân nửa giá bìa, như đã hứa với ông bữa ông đưa tôi về tới cổng nhà… Ông còn nhớ không?

Cô nàng nầy ghê gớm thiệt! Chữ nghĩa mà cũng tính toán chi li…! Tôi thấy anh chàng ngoan ngoãn móc tiền ra trả. Tôi thấy anh chàng trả đủ giá tiền ghi ở bìa cuốn sách. Tôi nghĩ. “Chú đệ nầy vốn là ba gai, mà cũng biết nịnh phụ nữ …!”. Cô gái – đếm… đếm… bỏ vô túi phân nửa tiền, phân nửa tiền còn lại cô gái để trên mặt bàn, nói:
-Nửa số tiền còn lại nầy, đó là tiền công và tiền mua giấy bọc bìa cuốn sách… Bữa nay tôi bao hai ông ăn, Yogurt…! Đồng thời, tôi nhờ hai ông giải nghĩa dùm câu văn mà tác giả Phạm Công Thiện viết:
“Lạy trời cho tuổi trẻ chóng tàn và những người con gái chết lúc tuổi còn xuân xanh”.
Câu nầy tác giả viết khó hiểu quá, đau đầu quá…!
Ông bà nói đâu có sai đâu. Tiền vô tay (ngân hàng) mấy cô, mấy bà – rút ra cho được quả là rất khó! Mấy cô, mấy bà chi tiêu sít sao và đều có nguyên do chính đáng, hợp lý cả.
-Huynh giải nghĩa câu văn dùm cho cô ấy đi…!
Tôi cười thầm: Trung sĩ ba gai… gặp cô… gái cũng ba gai, cô gái ba gai theo kiểu “… thứ ba học trò”. Anh trung sĩ tiêu tùng rồi!
-Xin phép, cô đã học tới lớp mấy vậy? Tôi hỏi.
Cô gái hơi ngập ngừng, nhưng cũng trả lời:
-Dạ, tôi học hết lớp đệ nhị.
-Vậy thì sang năm cô lên học lớp đệ nhứt. Lên học lớp đệ nhứt, cô sẽ bắt đầu học môn triết học, lúc đó cô hiểu ngay chứ cần gì phải hỏi chúng tôi. Chúng tôi chắc gì trả lời đúng, cô thấy thế nào?
Cô gái bậm môi nhìn tôi, đúng ra là nhìn trên đầu tôi – chắc, cô nàng thấy… tóc của tôi pha muối tiêu. Tôi khâm phục cô gái, cô không hiểu ý nghĩa câu văn, cô mạnh dạn đi hỏi người khác, vậy là cô có tinh thần cầu tiến, ham học… Cô hỏi tôi, tức công nhận tôi là “thầy”. Tôi hiểu là cô không thể đợi tới sang năm, vì biết đâu sang năm cô không thể học lên lớp đệ nhứt… Có thể vì chiến tranh; có thể vì hoàn cảnh gia đình – nào ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi không giải thích, thì cô sẽ ấm ức, tự ái – thậm chí cho là đã bị xúc phạm danh dự. Tôi nhìn “trộm” cô gái…, cô có nét đẹp của núi rừng, da ngăm, trán cao rộng, phản ứng nhanh lẹ. Chú đệ ba gai của tôi “co vòi” lại trước cô là đúng rồi.
-Thôi được, tôi nói: – Cô ăn xong tôi sẽ đưa ra hai câu gợi ý và cũng là hai đáp số, sau đó cô tự suy diễn thêm…! Nghe tôi nói vậy cô gái vui mừng ra mặt, còn chú đệ ba gai cũng vui!
Mùa mưa. Núi rừng KonTum mây mưa mù khói sương nặng nề, bầu trời lúc nào cũng sa xuống thấp, đôi khi thật thấp… Không biết có phải vì món quà thiên nhiên ban tặng cho người KonTum, mà người KonTum – khảng khái, gần gũi thân tình… Người lữ khách một khi lên tới KonTum, ngắm phố núi dựa mình bên dòng sông Dakbla thơ mộng, cảm thấy tâm hồn lâng lâng thánh thiện giống như Từ Thức lạc vô cõi thiên thai. Dù có phải rời xa KonTum, niềm lưu luyến không phải nhứt thời, lưu luyến âm ỉ trong suốt dặm đường – hình ảnh, kỷ niệm hòa vô vùng thời gian trôi về quá khứ, tưởng chừng bơi ngược về ngồi ngắm lại dòng sông…!

Anh chàng trung sĩ ba gai và cô gái thì thầm… Tôi chẳng biết họ nói chuyện gì, tôi đoán là họ nói về ngày mai mỗi người mỗi ngã… Hạnh ngộ nào cũng có nguyên do, cũng có giá trị của hạnh ngộ. Nhà sách, nơi hội tụ muôn vàn trí thức, trí tuệ; nơi gặp gỡ những tâm hồn đi tìm bằng yên, nhân ái trong dòng chữ nghĩa… Và, chính nơi đó, điểm hẹn vô hình cho tình người, tình bạn, tình yêu – ai chưa một lần tới đó là chưa hoàn thành con người.
“Lúc mê nghìn quyển thiếu,
Khi ngộ một chữ thừa.
Lúc mê đọc không hiểu,
Khi ngộ hồn phiêu diêu.”
Tôi xoay qua cô gái, nói:
-Tuổi trẻ nào cần phải chóng tàn…?
-Người con gái tuổi xuân xanh nào cần phải chết…?
Câu hỏi cũng là câu trả lời, sự hiểu biết của tôi tới đó là hết. Chúng ta cũng cần phải loại bỏ hai câu hỏi đó trong tâm hồn của chúng ta. Những gì còn ẩn chứa bên trong câu hỏi, cô có thể tự suy diễn… Cô gái nhìm chằm chặp vô mặt tôi rồi, nói:
-Tôi… vô cùng ngưỡng mộ ông, ông đã mở ra cho tôi môt cái nhìn thực tiễn.
Tôi chào hai người bạn rồi đứng dậy đi về hướng Nhà Đèn. Buổi sáng hôm nay, ba người chúng tôi gặp nhau ở hàng keo, nơi đường Lê Thánh Tôn với không gian ẩm ướt, nhưng trong tâm hồn lại cảm thấy ấm áp. Chắc chắn sẽ lưu giữ trong lòng mỗi người mỗi dòng suy nghĩ. Đó là biết bao giờ gặp lại. ./.
Trang Y Hạ – 1995
Saigon – những ngày đi mần thợ hồ.
Đã đăng trong (huongduong
Liên mạng – saigonbao…)
