
Hà-Nội Nửa Đêm

– Nguyễn Công Khanh

Chưa có một bài thơ nào cho tôi thấy cả tuổi thơ Hà Nội của tôi như bài thơ “Chia Tay Hà Nội” của Trần Mộng Tú:

Em gửi cho anh
chiếc lá bàng cuối thu Hà Nội
hồi chuông giáo đường
buổi sớm tinh mơ
góc phố Nhà Chung có bầy sẻ nhỏ
một con rất gầy
đứng hót ngu ngơ
Em gửi cho anh
tơ tầm mới dệt
giăng từ Hàng Đào đến phố Hàng Bông
khúc lụa trắng ngả sang
mầu nguyệt bạch
sợi dệt ngang như mây vắt
trăng rằm
Em gửi cho anh
ly cà phê buổi tối
mùi ngô non
nướng dưới cột đèn
mảnh than nhỏ sưởi mùa thu
sắp hết
hơ gót chân ai
hồng giữa phố đêm
Em gửi cho anh
chiếc kiềng bạc trạm
đang khoe mình
làm mới phố Hàng Gai
ảnh mẹ chụp mấy mươi năm về trước
cổ có đeo
một chiếc giống thế này
Em gửi cho anh
đất trời Hà Nội
để anh nhớ về thành phố
tuổi thơ
nơi hạnh phúc là một viên kẹo bột
được bạn chia cho trong một lúc
không ngờ
Em chỉ giữ cho em
những con ngõ hẹp
những bàn chân vội vã
dẫm lên nhau
những cánh cửa bàn tay ai quên mở
rặng sấu già nua
vẫn lặng lẽ cúi đầu.
Em gửi cho anh cả
trái tim Hà Nội
Xin anh cất vào chỗ dấu
trái tim em
Hà Nội, cuối Thu 2000
Tôi chép cả bài thơ ra đây để đọc lại cho quên nỗi nhớ của một thời xa, ở một thành phố xa xưa.
*
Tôi sinh ra ở Hà Nội, và xa Hà Nội năm tôi 18 như một bài ca người ta thường hát. Tôi cũng có người em mười sáu trăng tròn. Khi cả hai cùng di cư vào Nam năm 54, gặp nhau lại. Mối tình học trò đó, như bong bóng mùa mưa tan lúc nào không hay. Bốn mươi năm sau, tôi trở lại Hà Nội vào mùa Thu, năm mới mở cửa, đường phố, nhà cửa gần như không thay đổi, nhưng cũ đi nhiều
Tôi ở một khách sạn trong phố cổ. Đêm đầu tiên, thao thức không ngủ được. Nửa đêm, trời trở gió, nghe tiếng lá rơi xào xạc bên ngoài, tôi trở dậy ra mở cửa sổ nhìn xuống đường thấy:
“Ở phía sau một gốc bàng, một cái bóng chạy ra. Tôi nhìn kỹ mới biết đó là một đứa bé, vào trạc mười tuổi, đầu nó chít một cái khăn đỏ phủ kín hai bên má; áo nó rách để hở cả hai vai. Một ít lá rụng ở cuối phố. Đứa bé chạy vội lại. Một con bé ở sau gốc bàng khác cũng chạy ra, rồi hai chị em – tôi đoán là hai chị em – chạy lăng quăng đuổi những lá bàng gió thổi lăn trên đường.
Một cơn gió mạnh nổi lên. Lá rụng ào ào, một lát đã đầy đường.
– Mau lên chị ơi… Nhặt cả hai tay chị ạ.
– Tao bảo mày đem chổi đi mày lại bỏ quên, thằng nỡm. Tao biết trước là đêm nay có gió to. Mày chẳng nghe tao bao giờ … thằng nỡm.
Tôi mim cười vì sao chị lại không mang chổi đi. Tôi mỉm cười vì thấy con bé mắng một cách thông thạo lắm: lúc mắng nó lại tỏ ra vẻ người lớn đã biết mắng em, dạy em rồi. Đứa bé không để ý đến lời chị nó, nó vừa nhặt vừa reo:
– Gió lên… lạy giời gió nữa lên.
Chúng vẫn nhặt không ngừng tay, lá vẫn rụng không ngớt; nhiều khi vì mầu áo lẫn với mầu đường, tôi không nom rõ người, chỉ thấy cái bóng đen lăng quăng. Chúng chạy vụt ra xa rồi lại quay vòng trở lại, có khi đang chạy về một phía bỗng nhiên đứng dừng: một đám lá rơi lỏa toả trên người chúng khiến chúng ngập ngừng bối rối không biết quay nhặt phía nào.
– Lạnh quá
– Chạy mau lên cho ấm… thằng nỡm.
Thấy chị mắng em luôn mồm là thằng nỡm tôi mỉm cười đoán có lẽ tên đứa bé tên là Nỡm chăng. Tôi tự nhiên cũng thấy vui với chúng mặc dầu trời rét. tôi cũng như chúng mong mỏi gió thổi thật mạnh. Mỗi lần cơn gió tới làm rụng lá, là một lần tôi hồi hộp và sung sướng một cách thành thực.
Nhưng gió chỉ được có một lúc rồi tạnh hẳn. Thỉnh thoảng còn thưa thớt một hai chiếc lá rơi. Lá trên đường chúng đã nhặt hết.
– Em được tám bó
– Tao được năm bó. Tại mày tranh lấy hết của tao, thằng ranh con.
Tôi lại mỉm cười vui vẻ vì thằng nỡm đã đổi ra thằng ranh con.
Rồi chúng lại trở về chỗ cũ, mỗi đứa một gốc bàng cho “khuất gió”, khuất những cơn gió làm chúng rét run mà chúng vẫn mong nổi lên.
Tôi quay trở vào, bật đèn rồi lại ngồi vào bàn giấy. Ở ngoài, thỉnh thoảng lại có tiếng đứa bé:
– Gió lên… lạy giời gió lên.”
Tôi nhớ tới Nhất Linh, chắc nhà bác hồi trước cũng ở trong khu phố này.
Nguyễn Công Khanh