“Chuyện xưa rồi Diễm”:Pavel của Hoàng Chí Bảo và Lê Văn Cu so với cuộc chiến tranh vệ quốc của dân và quân Ukraina-Trương Quang Đệ

Đệ Trương Quang

ĐỌC LẠI “THÉP ĐÃ TÔI NHƯ THẾ NÀO” CỦA NIKOLAI ALEKSEEVICH OSTROVSKY

~

Đang lúc Ukraina bị ông Putin tấn công dữ dội tôi chạnh lòng nghĩ tới nhân vật Pavel Korchagin trong cuốn “Thép đã tôi như thế nào” và ngậm ngùi thấy số phận bất kỳ ai trên thế gian này đều diễn biến khôn lường. Tôi làm quen với cuốn sách này trong những trường hợp có phần hi hữu. Thoạt tiên, vào khoảng năm 47-48 gì đó của thế kỷ trước, một lần lính Pháp đi càn làng tôi, khi rút đi đã để lại cuốn sách này có tên “Et l’acier fut trempé” ngổn ngang trong một đống rác đồ hộp và các bao bì thực phẩm. Tôi nhặt cuốn sách, liếc qua thấy không hiểu gì, đem về hỏi người chị họ thạo tiếng Pháp xem sao. Chị cầm cuốn sách, lật vài trang rồi cho tôi biết đó là một cuốn sách dịch từ tiếng Nga, tuy không bị cấm lưu hành ở Pháp hay ở thuộc địa nhưng nếu bọn mật thám thấy mình có nó là mình bị rầy rà ngay. Tốt nhất là quẳng nó đi, nếu tiếc thì phải cất vào nơi kín đáo. Nghe lời bà chị, tôi về nhà đào một hố sâu trong vườn, bọc cuốn sách vào mấy lớp lá chuối khô (thời đó chưa có bao bì ni lông), bọc thêm một lớp mo cau rồi bỏ tất cả vào một cái hũ gốm vốn dùng để muối cà, muối dưa, cho xuống hố, lấp đất đầy chặt hố và trồng cỏ lên phía trên. Gần 30 năm sau khi tôi về thăm lại nhà cũ chỉ còn là một bãi đất hoang, tôi không thể tìm ra chỗ chôn sách ngày xưa nữa. Mà nếu tìm được thì liệu sách có còn nguyên vẹn?

Vào cuối măm 1953 khi đang học ở Trường Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh, tôi lại bắt gặp cuốn sách có tên “Thép đã tôi” được ai đó ở Chiến khu Việt Bắc dịch từ bản tiếng Pháp và lưu hành ở dạng những trang đánh máy. Cuốn sách hình như được chuyền tay nhau qua nhiều người nên cũ nát. Đám học sinh chúng tôi qui ước với nhau là mỗi đứa chỉ được đọc không quá một ngày một đêm rồi chuyển cho đứa khác, không ai được chậm trễ. Chưa có cuốn sách nào được đám học sinh chúng tôi đọc say mê như thế, hơn xa cả “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài. Đúng là cuốn sách gối đầu giường của lớp trẻ trong các phong trào cách mạng trên khắp thế giới. Đến cuối năm 1954 khi ra Hà Nội học đại học, tôi được tiếp xúc với cuốn sách in ty-pô hẳn hoi và có tên “Thép đã tôi thế đấy”. Lúc này vào đúng tuổi 19, 20 nên những chi tiết của sách về chiến tích cách mạng hào hùng không còn gây cảm xúc như trước nữa mà những chi tiết về tình yêu ám ảnh người đọc nhiều hơn. Cũng giống nhiều bạn khác, tôi băn khoăn tiếc nuối mối tình tan vỡ giữa Pavel và cô tiểu thư khuê các Tonia. Trang sách mà chúng tôi đọc đi đọc lại không chán là trang tả cảnh chia tay của Pavel và Tonia trong một nỗi buồn mênh mông dưới ánh chiều tà. Càng đọc tôi càng không biết cách ứng xử của ai là đúng, của ai là sai. Sau đó vài ba năm, bản dịch thẳng từ tiếng Nga có tên “Thép đã tôi như thế nào” xuất hiện, được in ấn đẹp mắt, mua đâu cũng có. Lần này vì kinh nghiệm sống đã dồi dào nên cảm xúc khi đọc cũng phần nào thay đổi. Vấn đề đặt ra bây giờ không phải ai đúng ai sai giữa Pavel và Tonia mà giữa Pavel và chồng Tonia qua cuộc đàm thoại ngắn ngủi ngoài sân ga. Pavel trong bộ quàn áo lem luốc mệt mỏi ngồi trên đường ray xe lửa căm giận nhìn Tonia đẹp rạng rỡ bên người chồng dáng dấp quí phái kiêu kỳ. Trong lòng Pavel vang lên lời nguyền: Rồi bọn chúng mày sẽ bị cách mạng loại trừ. Chồng Tonia có vẻ không sợ hãi gì, nói khích: Anh Pavel à, suốt đời anh mãi mãi là anh, tôi sẽ là tôi. Bây giờ ngẫm lại thấy lời nói của tên tư sản xấu xa kia lại là chân lý! Bởi lẽ Pavel là kẻ thất bại với phong cách hùng hục lao động không cần trí tuệ. Phong cách đó làm khổ bao nhiêu dân tộc hăng hái làm cách mạng. Liên Xô bao nhiêu năm bằng lòng với nền kinh tế lạc hậu, Trung Quốc của Mao điêu tàn với Công xã nhân dân và Đại nhảy vọt, Việt Nam ta cũng với những năm làm hợp tác xã bao cấp theo khẩu hiệu của xứ Nghệ: mo cơm, quả cà và….

Bản thân tôi thấm thía tác động khốn khổ của Pavel khi suốt ngày tháng đi lao động trồng khoai sắn mà không có thu hoạch, đi tham gia mở các trường vừa học vừa làm coi như tính chất xã hội chủ nghĩa của nền giáo dục nước nhà. Một câu hỏi đặt ra là anh Pavel hy sinh tất cả để đạt mục đích gì, cho ai, cho quốc gia nào. Trong suốt cuốn sách, Pavel phấn đấu cho lí tưởng bôn sê vích, tức là làm cách mạng giải phóng loài người, toàn thể loài người không kể thuộc quốc gia nào. Anh là dân Ukraina thuộc về Đế quốc Nga thời ấy nên anh không cần phân biệt gì mối quan hệ phức tạp giữa hai quốc gia này. Anh không biết rằng Đế quốc Nga Sa Hoàng đã luôn ra sức đồng hóa Ukraina bằng cách loại bỏ văn hóa của nước này. Anh không lường trước việc Liên Xô cũng sẽ làm như vậy và nước Nga của Putin thì đối xử với Ukraina một cách man rợ. Ta thử xem vị thế của Ukraina thời Pavel như thế nào. Đó là một quốc gia thuộc Đế quốc Sa Hoàng hình thành từ lâu trong lịch sử, được coi như Đế quốc lớn thứ ba sau Đế quốc Mông cổ và Đế quốc Anh. Đến thời Pavel thì Nga tham gia Thế chiến thứ nhất. Thoạt tiên Nga thuộc Khối Hiệp ước hay Khối Hòa Thuận (Entente) cùng với Anh, Pháp, Mỹ. Khối đối địch là Khối Trung Tâm gồm Đức, Đế chế Áo-Hung và Đế chế Ottoman (thổ Nhĩ Kỳ). Cách mạng tháng Mười Nga xẩy ra khi hai khối đang lâm chiến. Lê Nin sở dĩ thành công nhờ khẩu hiệu: Hòa bình và bánh mì, tức là đơn phương từ bỏ cuộc chiến. Nhưng đối phương cứ tấn công trên các mặt trận mà Nga không còn binh lính nữa. Để cứu vớt chế độ Xô Viết, Lê Nin phải ký hòa ước Brest-Litovsk với Khối Trung Tâm vào tháng 3 năm 1918, chỉ còn mấy tháng nữa là Khối Hiệp ước chiến thắng (ngày 11 tháng 11 năm 1918). Theo Hòa ước này, Nga mất Ba Lan, ba nước Baltic, Belarus vào tay Đức, chịu để Ukraina và Phần Lan độc lập thoát khỏi tay Nga mà thuộc tầm ảnh hưởng của Đức. Nga còn mất các lãnh thổ phía Nam thuộc vùng Kavkaz vào tay Đế quốc Ottoman (Thổ NHĩ Kỳ). Khi Khối Trung tâm tan rã, Nga thu hồi Ukraina và đưa vào Liên Bang Xô Viết. Lịch sử cho thấy nước Nga dù dưới hình thức nào: Sa Hoàng, Xô Viết hay Putin, vẫn luôn tìm cách đồng hóa Ukraina mà không tthành công. Cố gắng cuối cùng của thời đại Nga-Putin gây chiến tranh hủy diệt với Ukraina sẽ đánh dấu sự suy tàn vĩnh viễn của Đế quốc Nga. Tiếc thay Pavel không hiểu được điều này- thực ra có mấy ai hiểu?- nên hùng hục cống hiến hết sức mình cho một đất nước chuyên làm hại quê hương xinh đẹp thơ mộng của mình.

Trương Quang Đệ

Để lại lời nhắn

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.