
Bộ Y tế VN và các bệnh viện trực thuộc có nhiều sai phạm
RFA
2022.01.27

Hình minh hoạ: Nơi xét nghiệm COVID-19 ở bệnh viện Bạch Mai hôm 31/3/2020 AFP
Tại Bộ Y tế Việt Nam có dấu hiệu các nhóm lợi dụng nhúng tay vào việc cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế. Bên cạnh đó tại nhiều bệnh viện cũng bị phát hiện nhiều sai phạm trong mua sắm đấu thầu trang thiết bị chuyên dụng.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam ngày 27/1 dẫn kết luận của Thanh Tra Chính phủ Hà Nội như vừa nêu trong thông báo việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh giai đoạn 2014-2018 tại Bộ Y tế.
Những vụ việc cụ thể được nêu ra gồm hồ sơ về gói thầu số 2 và gói thầu số 5 đấu thầu tập trung năm 2017 tại Trung tâm mua sắm thiết bị quốc gia liên quan đến Liên danh Công ty UNI-Văn Lang; hồ sơ việc thực hiện liên doanh, liên kết đối với 11 máy liên doanh, liên kết, máy đặt tại Bệnh viện Bạch Mai; thông tin việc mua sắm robot hỗ trợ phẫu thuật sọ não có sử dụng công nghệ lập kế hoạch và giải pháp PACS tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hoá- xã hội TP.Hà Nội; Thông tin việc mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế tiêu hao tại Bệnh viện Tim Hà Nội đối với 10 gói thầu chỉ định thầu rút gọn năm 2018; mua sắm trực tiếp dụng cụ và vật tư y tế tiêu hao năm 2018; gói thầu “Mua sắm hệ thống máy cộng hưởng từ bằng nguồn kinh phí Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp năm 2018” và gói thầu số 01 “Mua sắm hệ thống máy chụp cắt lớp siêu vi tính năm 2019”; Thông tin việc thực hiện gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc dưới hướng dẫn hình ảnh thuộc Dự án đầu tư trang thiết bị y tế cho khu khám, chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM; Thông tin về việc cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế trái quy định, có dấu hiệu lợi ích nhóm ở Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế); Thông tin về việc đấu thầu mua sắm thiết bị đối với gói thầu TB-05/2014 “Cung cấp lắp đặt thiết bị xạ trị 1” và gói thầu TB-06/2014 “Cung cấp và lắp đặt thiết bị xạ trị 2” tại Bệnh viện K.
Riêng tại thủ đô Hà Nội, có chín bệnh viện bị xác định có nhiều vị phạm buộc Thành ủy phải kỷ luật những cán bộ liên quan.
Những bện viện bị nêu tên gồm Bạch Mai, Việt – Đức, Nhi trung ương, K, Phụ sản trung ương, Bệnh nhiệt đới trung ương, Mắt trung ương, Tâm thần trung ương I, Tim Hà Nội.
Tin ngày 27/1 cho biết Ủy ban Kiểm Tra Thành ủy Hà Nội tiến hành kỳ họp thứ 21 để xem xét xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức đảng và đảng viên tại chín bệnh viện vừa nêu do có vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện mua sắm trang thiết bị y tế, liên danh-liên kết máy móc thiết bị chuyên dụng cà mua sắm thuốc chữa bệnh. Riêng Bệnh viện Tâm Thần Trung ương I xảy ra trình trạng mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng ma túy ngay tại bệnh viện.
Hậu quả của những sai phạm được kết luận là làm thất thoát lớn ngân sách Nhà nước, gây ảnh hưởng đến y tín của tổ chức đảng và chính quyền. Hình thức kỷ luật được nói từ khiển trách, cảnh cáo đối với các tổ chức đảng và khai trừ một số đảng viên sai phạm.
Nạn tham nhũng trong ngành y tế Việt Nam bị cho là trầm trọng với nhiều vụ việc như nhập thuốc giả, thổi giá trang thiết bị, sử dụng sai mục đích quỹ bảo hiểm y tế… Đặc biệt trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, tệ nạn lũng đoạn và tham nhũng của giới chức y tế cấp cao bị cho là trắng trợn, bất chấp sinh mạng người dân.
Phó Giám đốc và ba cán bộ Bệnh viện mắt TP.HCM bị bắt vì sai phạm trong đấu thầu
RFA
2021.11.24
Bệnh viện Mắt TPHCM và những người vừa bị bắt (từ trái sang): ông Nguyễn Trí Dũng, bà Phan Thị Bích Hạnh Courtesy of Bộ Công an, RFA edit
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa có quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và ba cán bộ bệnh viện này để điều tra tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Truyền thông Nhà nước loan tin ngày 24/11 cho biết ba cán bộ Bệnh viện mắt TP.HCM liên quan vừa bị bắt gồm: bà Phan Thị Bích Hạnh (Trưởng Phòng Tài chính – Kế toán), ông Nguyễn Đỗ Nguyên (Trưởng Khoa Tổng hợp), ông Lương Ngọc Tuấn (Phó trưởng Khoa Khám mắt).
Việc bắt bốn cán bộ Bệnh viện mắt TP.HCM nằm trong quá trình tiến hành điều tra mở rộng vụ lãnh đạo và thuộc cấp đơn vị này chỉ đạo, thực hiện gói thầu “Mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu năm 2018”.
Liên quan vụ án này, đã có bốn cán bộ khác tại Bệnh viện mắt TP.HCM bị bắt vào hôm 8 và 9/2/2021 gồm các ông bà Nguyễn Minh Khải (Giám đốc), Võ Thị Chinh Nga (Phó Giám đốc), Phí Duy Tiến (nguyên Phó Giám đốc), Nguyễn Quốc Toản (nguyên Trưởng Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức).
Sai phạm của các cán bộ Bệnh viện mắt TP.HCM lựa mặt hàng thủy tinh thể có giá cao hơn trúng thầu quy định gây tổng thiệt hại hơn 14 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ Bảo hiểm Y tế bị thiệt hại hơn 5,2 tỷ đồng; người bệnh có bảo hiểm bị thiệt hại 7,2 tỷ đồng; người bệnh không có bảo hiểm bị thiệt hại hơn 1,8 tỷ đồng.
Trong cùng ngày 24/11, Bộ Công an cũng cho biết đã khởi tố, bắt giam ông Hà Văn Thuận (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương) và ba bị can khác gồm ông Hồ Đắc Hiếu (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn và thẩm định giá Đông Nam), bà Nguyễn Kim Liên (nguyên Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp tỉnh Bình Dương), và bà Vũ Thị Lợi (nguyên Trưởng Phòng nghiệp vụ thuộc Chi cục Tài chính doanh nghiệp tinh Bình Dương, hiện là Phó Phòng Tài chính doanh nghiệp thuộc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương).
Bốn bị can ở Bình Dương nêu trên bị khởi tố tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty 3/2.
Ông Hà Văn Thuận và các đồng phạm bị xác định liên quan đến vụ án ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cùng 25 bị can liên quan bán rẻ các lô đất ở địa phương. Tổng thiệt hại của các vụ mua bán đất trái pháp luật ở Bình Dương bị nói lên tới hơn 2000 tỷ đồng.
Sáu người bị bắt vì chạy tội cho giám đốc Bệnh viện Thủ Đức
RFA
2021.11.11
Ông Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) Courtesy of Bệnh viện TP Thủ Đức
Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Bộ Công an hôm 10/11 đã khởi tố, bắt tạm giam tổng cộng sáu người với cáo buộc nhận tiền để chạy án cho Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức. Đặc biệt trong số này có hai nguyên cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03).
Truyền thông Nhà nước vào ngày 11/11 nêu danh sáu bị can gồm: ông Bùi Trung Kiên và ông Lê Thanh An (nguyên cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03)); luật sư Bùi Thị Hồng Giang; ông Trần Văn Long (Tổng giám đốc Công ty cổ phần truyền thông du lịch Việt); ông Hà Duy Tuấn (lao động tự do, trú tại xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh); ông Nguyễn Ngọc Triệu (cựu ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hoàn tục).
Điều tra ban đầu xác định nhóm sáu người nói trên đã nhận tiền để chạy án cho ông Nguyễn Minh Quân, nguyên Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM), thoát khỏi vòng lao lý.
Nhóm sáu bị can cùng bị khởi tố tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Khoản 4, Điều 355 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Trước đó, vào hôm 8/11, Cơ quan Cảnh sát Điều tra cho biết đã bắt tạm giam ông Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện thành phố Thủ Đức, để điều tra hành vi ‘Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’ theo Điều 222 Bộ Luật Hình sự.
Một người khác liên quan cùng bị bắt giữ là ông Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm.
Ông Nguyễn Minh Quân bị xác định đã cấu kết với ông Nguyễn Văn Lợi thực hiện trái quy định pháp luật trong việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Thủ Đức, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Vụ Việt Á: Giới xã hội dân sự yêu cầu cải cách chính trị để chống lũng đoạn nhà nước
RFA
2022.01.27
Hình minh hoạ: Bộ kit xét nghiệm của Việt Á và tấm biển cố động cho Đảng Cộng sản VN trên đường phố Hà Nội Reuters/ RFA edit
Sáu tổ chức xã hội dân sự độc lập ra tuyên bố kêu gọi xử lý triệt để vụ công ty Việt Á bán bộ xét nghiệm COVID-19 với giá cao gấp nhiều lần giá trị thực, và yêu cầu cải cách thể chế chính trị để chống lũng đoạn nhà nước.
Hôm 27 tháng 1, một nhóm các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đồng soạn thảo tuyên bố mang tên “Tuyên bố về Vụ đại án Việt Á”.
Nội dung xoay quanh sự việc được dư luận cả nước quan tâm về vấn đề công ty do ông Phan Quốc Việt đứng đầu, giả mạo tự sản xuất bộ xét nghiệm COVID-19, sau đó bán với giá cao cho các Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật trên cả nước, và đưa lại quả cho người đứng đầu các cơ quan này.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, ông Lê Thân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, một trong sáu tổ chức khởi xướng, cho biết nguyên do ra đời của tuyên bố này:
“Sở dĩ mà các tổ chức xã hội dân sự ra cái tuyên bố này, tức là đây là một vụ án mà cái tính chất vụ án đã trở thành cái chuyện lũng đoạn toàn bộ nhà nước rồi, chứ không còn là vấn đề đơn lẻ ở tỉnh này hay tỉnh kia, ở bộ phận này hay bộ phận khác. Mà nó trở thành một cái sự cấu kết của gần như cả hệ thống.
Và chính cái lũng đoạn nhà nước đấy nó sẽ là một cái nguy cơ dẫn đến cái chuyện suy vong của đất nước. Mà trước mắt nó là một cái tội ác không thể nào tha thứ được. Cho nên các tổ chức xã hội dân sự phải lên tiếng.”
Các tổ chức đồng ký tên vào tuyên bố này nhận định vụ án liên quan đến công ty Việt Á có tính chất lợi dụng thảm hoạ để làm giàu bất chính, và kết luận đây là hành vi “bán nước và diệt chủng”.
Nguyên do dẫn đến tình trạng này, theo như những tổ chức khởi xướng tuyên bố, là nằm ở thể chế chính trị “độc tài toàn trị” do Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu, dẫn đến việc bộ máy nhà nước bị hư hỏng và trở nên tha hoá.
Về vai trò của thế chế chính trị trong việc tạo ra lũng đoạn nhà nước, ông Lê Thân nói:
“Chúng tôi xác định rằng chính cái cơ chế này, cái thể chế này có hai vấn đề. Thứ nhất là độc tài toàn trị, thứ hai là không nghe phản biện. Chính hai cái này dẫn đến chuyện thứ nhất là làm hư con người, vì con người anh chọn lên không phải con người tốt, mà nếu là con người tốt thì cũng không thể hợp tác được. Và thứ hai là cái cơ chế, cách điều hành này thì dẫn đến hết sai lầm này đến sai lầm khác.”
Để xử lý dứt điểm vụ án Việt Á cũng như tình trạng lũng đoạn nhà nước, nhóm các tổ chức xã hội dân sự đã đưa ra năm yêu cầu, trong đó tập trung vào việc xử lý nghiêm minh vụ đại án, và cải cách thể chế chính trị.
“Ở đây người ta muốn thay đổi cái cơ chế là muốn giải quyết tận gốc cái nguyên nhân của mọi nguyên nhân đã tạo ra cái tình hình hiện tại, mà chính cái vụ Việt Á nó là cái biểu hiện rõ nhất về cái cơ chế, cái thể chế hiện nay.” – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cho hay.
Từ Cộng hoà Liên bang Đức, ông Nguyễn Văn Đài, Chủ tịch Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức đấu tranh dân chủ cho Việt Nam, bình luận về sự kiện các tổ chức xã hội dân sự trong nước ra tuyên bố kêu gọi thay đổi thể chế chính trị để giải quyết tình trạng lũng đoạn nhà nước:
“Đứng trước cái thực trạng của đất nước là cái vụ tham nhũng này nó quá lớn, mà như cái bình luận ở trong kiến nghị thì nói đây là một đại án, và nó mang tính chất diệt chủng đối với người dân Việt Nam, thì tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm như vậy.
Và việc các tổ chức xã hội dân sự làm kiến nghị lên chính quyền yêu cầu phải xử lý một cách công khai, minh bạc, rõ ràng không có vùng cầm đối với những người mà đã liên quan đến vụ đại án Việt Á này, thì tôi cho rằng đó là một cái kiến nghị đúng đắn ở lúc này.”
Tuy nhiên, nhà hoạt động kỳ cựu này lại cho rằng, triển vọng để Đảng Cộng sản thực hiện cải cách thể chế chính trị nhằm giải quyết vấn nạn tham nhũng là không cao, ông nói:
“Bởi vì đối với chế độ độc tài Cộng sản Việt Nam thì ngay từ khi họ cướp chính quyền đến bây giờ, họ luôn luôn coi cái việc cải cách thể chế chính trị, tức là phải chấp nhận đã nguyên đa đảng, sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chính họ. Cho nên mọi cái sự thay đổi về pháp luật, hay kinh tế, hay một số phương diện xã hội thì họ có thể chấp nhận, nhưng mà riêng về khía cạnh chính trị thì chắc chắn là họ sẽ không bao giờ chấp nhận cái sự thay đổi đó.”
Trước đó, hôm 16 tháng 1 kênh truyền hình của Thông tấn xã Việt Nam cho phát chương trình Nhận diện, với tiêu đề “Đập tan Các Luận Điệu Xuyên Tạc, Chống Phá Đảng, Nhà Nước Xung Quanh Vụ Án Việt Á”.
Trong đó phủ nhận tham nhũng là vấn đề mang tính thể chế ở Việt Nam, và cáo buộc những cá nhân và tổ chức quy trách nhiệm cho Đảng Cộng sản trong việc để xảy ra tham nhũng là “xuyên tạc, bôi nhọ, và bịa đặt” nhằm làm “giảm niềm tin của dân chúng đối với đảng Cộng sản Việt Nam.”