

Tréo ngoe những chuyện lạ thành ‘thường ngày ở huyện’ ở VN
- Nguyễn Trung Dân
- Sài Gòn
26 tháng 1 2022

Việt Nam có quá nhiều chuyện lạ. Lạ, thường đi với hiếm và quí. Ở Việt Nam, lạ thường đi với tiêu cực, xấu nhưng lại là chuyện phổ biến đến quen thuộc.
Nhiều chuyện quá bất ngờ, ai thốt lên “Lạ thật!”. Bình tĩnh lại, đành an ủi nhau “Việt Nam mà, không lạ không phải Việt Nam”. Nghe mà xót xa, nóng mũi.
Chữ nghĩa rối rắm
Sáng sớm 02/12, có bạn sinh viên chuyển đường link qua Zalo cho tôi: “Kinh tế thành phố tăng trưởng âm 6,78%” kèm mấy dấu ???.
Lướt nhanh qua, tôi rất ngạc nhiên. Quái, dịch bệnh cỡ đó mà vẫn tăng trường, cứ như kỳ tích. Đọc kỹ, giật mình, á khẩu với cụm từ “Tăng trưởng âm”. Đã tăng trưởng mà còn âm là sao? Nếu có tăng trưởng âm thì phải có tăng trưởng dương, tăng trưởng 0 (không tăng, không giảm).
Cứ tưởng, nhà báo tùy tiện dùng từ sai ngữ pháp. Lên mạng, thấy các báo đồng khởi viết bài chung tiêu đề như trên, theo thông tin chính thống từ hội nghị Thành Ủy mở rộng lần thứ 10 vào ngày 01/12/2021. Tôi không biết trả lời thế nào, đành nhắn lại bằng mấy dấu !!!
Cùng ngày 01/12, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. “Khi đi làm, trang phục gọn gàng, lịch sự, phù hợp tính chất công việc, đặc thù ngành và thuần phong, mỹ tục dân tôc. Khuyến khích mặc trang phục dân tộc vào các ngày lễ, tết hoặc các dịp đặc biệt của cơ quan.
Tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trịnh xử lý công việc, giải thích rõ ràng những thắc mắc của công dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn” là xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ. Nghiêm cấm thái độ hoặc hành vi quan liêu, cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu, hạch sách người dân, gây căng thẳng, bức xúc, doạ nạt người dân; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, vướng mắc của tổ chức và công dân…
Đọc xong những thông tin trên là lùng bùng lỗ tai, ngẩn người suy ngẫm.

Vậy trước ngày 01/12 không hề có quy tắc ứng xử trong các cơ quan đơn vị nhà nước? Trang phục dân tộc Việt là trang phục gì? Không có “dân tộc Kinh”, chỉ có người Kinh, bên cạnh người Thượng trong khẩu ngữ. Phải viết chính xác là “tộc người Việt” trong cộng đồng “dân tộc Việt Nam”.
“Xin lỗi”, đương nhiên. Có lỗi dù nhỏ cũng cần xin bỏ qua, tha thứ; nhưng “chào”, “cám ơn” ai đó, thì khỏi cần xin.
“Xin phép” không biết là phép gì. Hay là “xin phép xin cám ơn”?
Bạn tôi, người Pháp, giỏi tiếng Việt hơn người Việt bảo “Ở Việt Nam cái gì và thứ gì cũng phải xin, dù đó là quyền của minh”.
“Xin – Cho” thành từ đặc trưng trong mọi hành xử.; thể hiện sự bất bình đẳng, hạ thấp chủ thể “xin”, trao đặc quyền chủ thể “cho”. Cái gì cũng phải có “Đơn Xin”. Nghỉ phép theo luật định, chỉ cần thông báo. Nơi thực tập hoặc làm việc, sao không “Tìm” mà phải “Xin”?…
“Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ” trong cơ quan, phải đúng lúc. Suốt ngày mỉm cười, thiên hạ tưởng mình có vấn đề, mới ở Biên Hòa về. Người dân tới làm thủ tục báo tử, cũng mỉm cười ? Luôn “nhẹ nhàng” là nhẹ nhàng gì?. Câu này vô nghĩa vì không có động từ. “Luôn giúp đỡ”, có nhiều thứ không giúp được và không cần giúp. Chỉ giúp khi có yêu cầu và trong khả năng, chức trách. Mấy nội dung “Nghiêm cấm” là thừa.
Bộ xét nghiệm Việt Á từ góc nhìn an nguy của thể chế
Văn hóa từ chức ở Anh và Nhật ‘khiến tôi chạnh lòng nghĩ tới Việt Nam’
Buồn nhất là nội dung Khuyến khích CBCCVC giữ chức vụ quản lý chủ động xin thôi chức khi thấy bản thân còn hạn chế năng lực và uy tín thấp. Sao chỉ “khuyến khích” và chờ cá nhân “chủ động xin thôi chức”? Lại xin.
Bản thân, khó mà tự thấy khuyết điểm của mình, Trong các đơn vĩ công lập càng khó thấy. Năng lực kém thì làm gì có uy tín mà thấp với cao? Trong các đơn vị tư nhấn, bất cứ ai, kể cả lãnh đạo, không hoàn thành nhiệm vụ là tự thôi việc nếu không muốn buộc thôi việc. Chẳng cần xin.
Chỉ một văn bản mà đầy lỗi ngữ pháp, cả câu cú lẫn nội dung, thể hiện tình trạng “loạn văn bản, loạn chữ nghĩa” ở Việt Nam.
Đố ai đọc và hiểu hết hết rừng văn bản Việt Nam sẽ được phong mấy lần anh hùng. Cứ như lẩu thập cẩm của người chưa bao giờ vào bếp. Không riêng gì các địa phương mà các bộ, ngành cũng thi đua ra văn bản.
Ngành du lịch từng ồn ào với “Bộ quy tắc ứng xử cho du khách” từng địa phương.
Du khách đến đâu, phải học qui tắc ở đó. Có vị ở TW còn đề nghị làm hẳn cho khách Trung Quốc một bộ riêng. May mà đề nghị này chưa được thông qua. Chút an ủi là còn Đồng Tháp với “Bộ quy tắc hành xử văn minh nơi công cộng” với biểu tượng Chú Bé Sen ngộ nghĩnh, nhắn mọi người thực hiện, đặc biệt là dân địa phương.
Tiền Việt rất có giá
Có chuyện rất lạ cũng vừa xảy ra ở Quảng Nam: “Chiều ngày 25/11.2021, bà Nguyễn Thị Kim Truyện được mời lên Nhà Sinh hoạt Văn hóa thôn để nhận 2.150 đồng, tiền hỗ trợ 10m2 đất bị thiệt hại trong cơn bão số 9 năm 2020”.
Cứ tưởng báo viết nhầm. Hơn chục năm nay, tờ 200 đồng Việt Nam gần như không còn dùng nên thực lãnh chỉ 2.000 đồng chẵn, nhà nước nợ 150 đồng.
Lấy tờ 200 đồng cho mấy người ăn xin, không bị chửi cũng bị từ chối nhận vì “không ai xài”, nói chi tờ 100 hay 50.
Tôi chưa hề thấy mặt mấy loại tiền này. Ăn xin ở Sài Gòn toàn xin “Chú có tiền lẽ cho con mấy ngàn”. “Chú không có tiền lẻ”. “Chú cứ đưa tiền chẵn (mệnh giá lớn), con sẽ thối lại”. Đưa tờ 2.000 là bĩu môi, chê keo kiệt, không thèm cám ơn. Còn hơn cả chuyện “Những người thích đùa” (Azit Nezin). Người nước ngoài tưởng là tiền Việt Nam có giá trị nhất nhì thế giới hoặc đất Việt Nam có giá rẻ đội sổ toàn cầu.

Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam giải thích: “Sau khi thống kê, diện tích thiệt hại của nhà bà Truyện là 10 m2 đất trồng cây chuối. Việc hỗ trợ thiệt hại căn cứ Nghị định 02 năm 2017. Chúng tôi tính toán ra và xác định bà Truyện được hỗ trợ 2.150 đồng”.
Vậy mà cứ tưởng việc “bán như cho, mua như cướp, đền như vứt” chỉ có thời bao cấp. Nghị định mới ban hành 4 năm, tưởng cả trăm năm, vì quá lạc hậu.
Điều ngạc nhiên nhất là tại sao không ai lên tiếng góp ý để sửa sai.
Bỏ ‘Tiên học lễ, hậu học văn’: Đôi lời thưa với Giáo sư Trần Ngọc Thêm
VN: Sau hai năm chìm trong Covid, ước vọng gì cho năm mới?
Bộ phân thư ký, chuẩn bị văn bản quá kém, cũng có thể. Lãnh đạo không có thời giờ suy nghĩ, đọc kỹ vì quá bận bịu nhưng còn bao nhiêu đại biểu tham dự, bao nhiêu nhà báo được đào tạo bài bản. Chẳng lẽ không ai phát hiện ra? Mà đâu chỉ có vài việc. Hay là biết mà giả vờ, cứ”Im lặng là vàng” hoặc không thèm nói, để cho thiên hạ rủa??
Những nghị định phi lí như vậy vẫn ngang nhiên tồn tại, coi như chuyện bình thường, quả là quá bất thường. Nếu không chịu thay đổi, sẽ còn vô thiên lủng văn bản tương tự, đánh đố người đọc, làm khổ dân, hành doanh nghiệp lẫn người thực hiện. Họ chỉ thừa hành một cách máy móc, không quen có ý kiến, đề nghị cấp trên sửa sai; càng không dám phản biện.
Làm gì để chấn chỉnh
Dịch bệnh đã phá tung nhiều thứ, làm đảo lộn trật tự thế giới, buộc mọi người thay đổi để thích nghi, từ suy nghĩ đến hành động. Đặc biệt, bộc lộ hết yếu kém của từng cơ chế quản lý lẫn năng lực quản trị cá nhân.
Cần lắm một cuộc tổng rà soát, loại bỏ các văn bản tạp nham, đoạn tuyệt với cách làm cũ, không để sinh sản vô tính. Càng cần phải tổng rà soát đội ngũ, nhất là những người trực tiếp làm văn bản.
Ai không làm tốt nhiệm vụ, mời đi chỗ khác ngay. Cấp trên trực tiếp xử lý ngay, không cần xin ai cả. Đừng chờ mong ai chủ động tự nhận thấy mình yếu kém. Cán bộ yếu kém, vẫn không dám cách chức, buộc nghỉ việc mà chỉ khuyến khích “xin thôi chức”, thì đành bó tay chấm com. Khó hơn cá làm tổ trên cây. Xin chức tước, bổng lộc; không ai xin mất chức, mất quyền lợi bao giờ.
Đừng nghĩ đó là chuyện nhỏ. Chuyện nhỏ nhưng hiểm họa khôn lường. Chuyện nhò còn không làm được, nói chi việc lớn?

Nguyễn Trung Dân
BBC