

Kon Tum tự sự

Cây Quéo, 23/6/2017;

Đao Duy An
Tôi có tự thuở khai sinh lục địa.
Tôi là cao nguyên đại ngàn.
Tôi nằm kế cận Lào và Miên nên nói ví von là “nơi tiếng gà gáy ba nước đều nghe”.
Tôi có núi Ngok Linh cao nhì Việt Nam và cao nhất miền Nam-2598 m. Trên núi Ngok Linh có sâm Ngok Linh vốn quý hơn sâm Hàn và sâm Tàu.


Tôi là khởi nguồn của nhiều sông ở miền Trung nước Việt: (1) Sông Thu Bồn và sông Vu Gia của Quảng Nam; (2) Sông Trà khúc của Quảng Ngãi; (3) Sông Côn của Bình Định và (4) Sông Ba của Gia Lai và Phú Yên.
Tôi nằm gần như trọn bên phía tây Trường Sơn nên dòng Đăk Bla chảy qua Miên, sau đó hòa vào dòng Mekong, đổ ra biển Đông; theo đó giới “chữ nghĩa” mới gọi dòng Đăk Bla là “dòng sông chảy ngược”.

Tôi là nơi cư trú của 6 tộc người bản địa vốn là dân Việt cổ (loại hình Indonesian hiện đại thuộc chủng Mongoloid phương Nam); họ định cư tại đây đã ngót nghét 40,000 năm.Người Kinh lên với tôi sớm nhất so với các tỉnh khác của cao nguyên Trung phần-từ 1851-theo chân thầy Phó tế Nguyễn Do.
Trước khi người Kinh lên với tôi thì tôn giáo nơi đây là đa thần của người bản địa. Sau 1851 thì dấu chân Thiên Chúa in đậm xứ này và theo đó tiếng chuông nhà thờ vang vọng đầu tiên ở xứ cao nguyên Trung phần.

Người Kinh lúc đầu lên với tôi là cư dân Bình Định, Quảng Ngãi nên giọng của dân xứ này nghe êm dịu, trong vắt và đặc trưng; nếu ai nhạy sẽ nhận ra chất giọng của người sinh ra nơi này.
Du khách sẽ thưởng lãm văn hóa bản địa và Công giáo vốn là chút ít đặc trưng của tôi.
Từ tên một làng nhỏ cạnh hồ nước bên dòng Đăk Bla của cha Hòa thuở 1856 theo thời gian thành tên tôi-Kon Tum mà nghĩa Kinh là Làng Hồ.
Tôi dung dị, bình yên, trầm mặc với lịch sử và nhân thế-tôi là Kon Tum…

ĐHKT Đào Duy An