tin tức,chuyện Lắk-Kon-Ku(Đắk-Lắk/Kontum/PLeiku(Gia Lai)

Đắk Lắk: Ồ ạt nhổ cà phê làm đô thị, dân bơ vơ(quan có ăn,dân đói-TC)

Thứ Hai, 26/04/2021 lúc 7:36

Chính quyền địa phương ồ ạt nhổ cà phê, cao su làm dự án bất động sản, khu đô thị… tăng thêm nguồn thu. Trong khi đó, nông dân đang sử dụng đất với hợp đồng giao khoán, liên kết trắng tay, mất việc làm, phải vật lộn mưu sinh, thưa kiện kéo dài chưa có hồi hết.

Phần đất của gia đình ông Khoa bị thu hồi

Từ trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột di chuyển trên Tỉnh lộ 8, hướng về huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) có khoảng 10 dự án bất động sản, khu đô thị đã và đang hình thành trên hàng trăm héc-ta.

Năm 2017, UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi hơn 500ha đất của Công ty TNHH MTV cà phê Buôn Ma Thuột (Công ty cà phê Buôn Ma Thuột), do Công ty này bị giải thể, trong đó hơn 400ha giao UBND thành phố Buôn Ma Thuột, còn lại giao Trung tâm phát triển quỹ đất Đắk Lắk quản lý, sử dụng. Hai năm sau, UBND thành phố Buôn Ma Thuột ra quyết định thu hồi gần 30ha để bán đấu giá và giao doanh nghiệp làm khu đô thị. Có gần 70 hộ dân có đất trong diện tích 30ha này bị ảnh hưởng, được Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Buôn Ma Thuột lên phương án đền bù.

Thế nhưng, theo người dân, họ chỉ được hỗ trợ tài sản trên đất, bị cắt bỏ nhiều quyền lợi chính đáng khác. Đáng chú ý, phần đất các hộ dân đang sử dụng này thuộc loại hình giao khoán, liên kết. Theo Quyết định 07 ngày 4/1/2017 của UBND tỉnh Đắk Lắk, và Thông tư 129/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, Công ty cà phê Buôn Ma Thuột có trách nhiệm xác định giá trị tài sản trên đất thu hồi (bao gồm cả tài sản thuộc quyền sở hữu của Công ty và tài sản do người sử dụng đất dưới hình thức liên kết hoặc giao khoán tạo lập trong quá trình sử dụng đất) để chi trả, thanh lý hợp đồng, thu hồi lại đất và bàn giao đất “sạch” cho Trung tâm phát triển quỹ đất Đắk Lắk và UBND thành phố Buôn Ma Thuột quản lý. Tuy nhiên, Công ty cà phê Buôn Ma Thuột không có kinh phí nên chỉ tiến hành đối chiếu công nợ đến thời điểm giải thể, chưa thực hiện các nội dung khác theo quy định.

“Chúng tôi mất đất sản xuất, không nguồn thu do không có việc làm dẫn đến trắng tay. Dân làm đơn khiếu nại, chính quyền các cấp cứ đùn đẩy nơi nọ sang chỗ kia”, ông Nguyễn Đình Khoa (công nhân của Công ty cà phê Buôn Ma Thuột, trú tại phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột) nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Buôn Ma Thuột Trương Văn Chính cho biết, đơn vị đã làm đúng chức năng nhiệm vụ và theo quy định của pháp luật. “Chúng tôi đã xin ý kiến về phương án đền bù, nhưng lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk trả lời, những hộ dân liên kết nhận khoán (như trên) không thuộc diện được áp dụng chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ ổn định sản xuất”, ông Chính nói.

Một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk cho biết, do Hội đồng giải thể Công ty cà phê Buôn Ma Thuột xử lý không dứt điểm, khiến nhiều hộ dân vẫn tiếp tục canh tác, sản xuất trên phần đất đã được thu hồi. Sau này khi chính quyền tiếp tục thực hiện thu hồi đất làm dự án gặp rất nhiều khó khăn, buộc phải vận dụng các quyết định số 27 và 39 của UBND tỉnh Đắk Lắk, Luật Đất đai… để đền bù, hỗ trợ cho người dân. “Trong luật còn nhiều chồng chéo, chưa rõ ràng”, vị này nói.

Một hộ dân thắng kiện, le lói hy vọng

Không chấp nhận phương án đền bù trên, bà Trần Thị Song (trú tại phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột) là người đầu tiên làm đơn khởi kiện UBND thành phố Buôn Ma Thuột ra TAND tỉnh Đắk Lắk để đòi quyền lợi.

Tại bản án số 19 ngày 21/8/2020 của TAND tỉnh Đắk Lắk chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của bà Song, yêu cầu UBND thành phố Buôn Ma Thuột ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và bổ sung nội dung hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm và hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất cho gia đình bà Song.

“Theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013; Nghị định 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ, khi nhà nước thu hồi đất, người sử dụng đất được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm”, lược trích bản án số 19 của TAND tỉnh Đắk Lắk.

Nói về hướng xử lý tiếp theo, ông Trương Văn Chính cho biết thêm, sau khi bà Song thắng kiện, UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã nghiêm túc thực hiện theo bản án của TAND tỉnh Đắk Lắk. Bà này sẽ được hỗ trợ thêm hơn 322 triệu đồng. PV Tiền Phong đặt câu hỏi, vì sao chính quyền không giải quyết dứt điểm cho những hộ dân (65 hộ) còn lại như trường hợp của bà Song, để dân không tụ tập đông người, khiếu kiện kéo dài? Ông Chính nói: “Chúng tôi chỉ thực hiện theo bản án của Tòa”.

VŨ LONG

Đắk Lắk: Kỷ luật hàng loạt cán bộ, đảng viên sai phạm

Thứ Sáu, 23/04/2021 lúc 13:30

Ngày 23.4, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết vừa tổ chức phiên họp định kỳ xem xét, kết luận, quyết định thi hành kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm.

Cụ thể, UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk đã xem xét, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, đảng viên chi bộ Công an P.Tân Hòa, TP.Buôn Ma Thuột, nguyên đảng viên Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) Công an tỉnh Đắk Lắk. Bà Hạnh đã có khuyết điểm, vi phạm là giới thiệu, làm trung gian cho đồng đội vay tiền nhiều lần với số lượng lớn, có lãi suất cao hơn mức lãi suất (tại thời điểm) theo quy định của bộ luật Dân sự.

Cùng bị kỷ luật cảnh cáo có ông Y Te Bkrông, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Lắk, nguyên Huyện ủy viên, Bí thư chi bộ, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm H.Krông Bông (Đắk Lắk).

Theo UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk, qua kiểm tra, trong thời gian làm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Krông Bông, ông Y Te Bkrông có nhiều vi phạm trong chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn đối với cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã thực hiện nhiệm vụ được giao; chưa có kế hoạch, biện pháp, giải pháp cương quyết, hiệu quả để tổ chức đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng khai phá, lấn chiếm rừng trái pháp luật xảy ra thường xuyên, liên tục trên địa bàn huyện trong năm 2019 và 2020…

UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk nhận định sai phạm của ông Y Te Bkrông là một trong những nguyên nhân quan trọng làm diện tích rừng trên địa bàn H.Krông Bông bị phá hoại, làm suy giảm diện tích che phủ, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái; gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân…

UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã xem xét thi hành kỷ luật với hình thức khiển trách đối với 3 người có vi phạm, khuyết điểm là: ông Nguyễn Trọng Kiên, đảng viên chi bộ Đội Cảnh sát điều tra về kinh tế, ma túy, Công an H.Krông Năng, nguyên đảng viên Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk; ông Dương Quốc Trung, đảng viên, công chức kiểm lâm H.Lắk, nguyên công chức kiểm lâm H.Krông Bông; và ông Y Thoen Bkrông, Phó chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Ea Tul, H.Cư M’gar, nguyên Phó chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Ea Bhốk, H.Cư Kuin (Đắk Lắk).

Xem xét kỷ luật nguyên Trưởng công an huyện

UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng thống nhất thực hiện quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đảng đối với ông Phạm Văn Sơn, nguyên Trưởng công an H.Ea Súp giai đoạn 2010 – 2018. Ông Sơn có sai phạm, khuyết điểm trong việc xem xét, cùng các cơ quan liên quan đề nghị bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ Trưởng công an xã không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện về trình độ học vấn; không bảo đảm quy định về tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ; nhân sự đề nghị bổ nhiệm chưa được quy hoạch; không có văn bản báo cáo Giám đốc Công an tỉnh theo quy định…

Gặp cô gái Đắk Lắk nghèo, chàng trai ngoại quốc vẫn quyết lấy làm vợ

Thứ Sáu, 16/04/2021 lúc 10:15

Jyri Tapio là người Phần Lan, anh sang Việt Nam du lịch vào năm 2017. Chẳng ngờ, tại đây anh quen biết và nên duyên với cô gái nghèo ở Đắk Lắk.

Cô gái Vũ Thị Thúy (SN 1993 – Đắk Lắk) sang nước ngoài kết hôn và định cư đã được hơn 3 năm.

Tình yêu với chàng trai Phần Lan khiến cô từ người thích an phận đã vượt qua mọi rào cản về văn hóa, môi trường để đến đất nước xa lạ làm dâu.

Không thể sống thiếu em

Chuyện tình của hai người bắt đầu vào năm 2017. Họ quen nhau qua mạng xã hội. Jyri Tapio (SN 1989) là một kỹ sư, đang tận hưởng thời gian du lịch Việt Nam.

Cả hai thấy đối phương dễ mến nên mời nhau đi uống nước, xem phim, đi dạo. Jyri Tapio nhanh chóng bị cảm nắng cô gái Việt có làn da rám nắng và chiếc răng khểnh duyên dáng.

Sau đó 1 tuần, anh ngỏ lời yêu cô. Tuy nhiên, lúc này Jyri Tapio phải về nước, quay trở lại công việc. Cả hai yêu xa, nỗi nhớ nhung đằng đẵng chỉ có thể gửi qua mail và facebook.Mặc dù yêu Jyri Tapio nhưng Vũ Thúy chưa dám nghĩ sẽ kết hôn với anh, vì cả hai quá xa cách về địa lý.

Chẳng ngờ, một năm sau Jyri Tapio quay lại Việt Nam để làm việc trọng đại trong cuộc đời mình – đó là cầu hôn cô. Anh bày tỏ, không thế thiếu cô trong cuộc đời và mời người yêu qua Phần Lan ra mắt gia đình.

Lời cầu hôn ngọt ngào của bạn trai khiến tim cô như nhảy khỏi lồng ngực, cảm giác hạnh phúc len lỏi trong trí óc

Cảm giác của Thúy vừa vui vừa lo lắng. Cô mang chuyện này tâm sự với mẹ nhưng bà bày tỏ sự lo lắng, sợ con gái bị lừa…

“Mẹ tôi khuyên: Nhà mình nghèo nhưng không vì thế mà mơ ước cao sang hay làm mọi cách để đổi đời. Mẹ chỉ cần con tìm được người yêu mình, cùng xây đắp hôn nhân nhưng Jyri Tapio ở cách con nửa bán cầu, liệu con đủ hiểu cậu ấy không?”.

Thúy nghe mẹ nói, lòng ngần ngừ. Jyri Tapio biết mẹ bạn gái không đồng ý, anh đã về Đắk Lắk thuyết phục bà, rồi động viên bạn gái vững tin. Ngôn ngữ bất đồng, anh thể hiện bằng hành động. Chứng kiến sự chân thành của Jyri Tapio, mẹ Thúy mới đồng ý cho con đi.

Chuyến xuất ngoại đầu tiên của Thúy kéo dài một tháng. Toàn bộ chi phí cho chuyến đi do Jyri Tapio chi trả.

Hai người nhanh chóng làm thủ tục đăng ký kết hôn. Vì dịch bệnh Covid-19 nên họ vẫn chưa tổ chức được đám cưới. Đến giờ, tâm nguyện lớn nhất của Jyri Tapio là tổ chức cho vợ một đám cưới cổ tích, nắm tay cô trên lễ đường và trao lời hứa về cuộc hôn nhân vĩnh cửu.

Cuộc sống làm dâu nơi đất khách

Sau khi kết hôn, vợ chồng Thúy sống riêng, cách nhà bố mẹ chồng khoảng 5km. Cuối tuần, Jyri Tapio đưa vợ về thăm bố mẹ.

Theo quy định của nước sở tại, sau khi nhập cư, Thúy tham gia học tiếng Phần Lan do chính phủ tổ chức. Lớp học hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, cô được hỗ trợ thêm tiền và học nghề.

“Tôi mới học 4 tháng thì nghỉ sinh em bé. Sắp tới tôi sẽ quay lại học tiếp”, Thúy nói.Thời gian ở nhà chăm sóc con, Thúy ít ra ngoài nên cô lập một kênh Youtube lấy tên Thúy family cuộc sống Bắc Âu để giải trí và giới thiệu văn hóa Phần Lan đến các bạn Việt Nam.

Trong kênh youtube, Thúy chia sẻ về gia đình, con cái và những khác biệt văn hóa cô đã trải qua khi mới sang…

Cô cho biết, Phần Lan có chính sách hỗ trợ tiền nuôi con cho các gia đình. Việc khám thai, sinh con hoàn toàn miễn phí. Mỗi bà mẹ mang thai sẽ được bác sĩ, y tá riêng chăm sóc trong vòng 3 năm.

Ngoài chế độ sinh đẻ miễn phí, các bà mẹ mang thai sẽ được Chính phủ hỗ trợ tiền chi tiêu hàng tháng tùy theo mức thu nhập người đó hưởng trước khi mang thai. Trường hợp như Thúy, được hỗ trợ khoảng 16 triệu đồng/ tháng.

Thúy tiết lộ, ở Phần Lan gia đình sinh càng nhiều con, càng nhận được nhiều tiền. Đây không phải tiền cho mẹ mà là tiền chăm sóc, nuôi dưỡng đứa trẻ.

Ví dụ, đứa con đầu sẽ được nhận 540 triệu đồng. Đứa thứ hai nhận 598 triệu đồng, đứa thứ ba nhận 765 triệu đồng, con thứ tư nhận 932 triệu đồng và con thứ năm nhận hơn 1 tỷ đồng.

“Tuy nhiên, số tiền sẽ được trợ cấp theo tháng trong vòng 17 năm, không được đưa 1 khoản lớn. Ước tính, gia đình nào sinh 5 con sẽ nhận gần 4 tỷ đồng.”, Thúy giải thích.Cuộc sống làm dâu của Thúy bên quê chồng không gặp khó khăn hay trở ngại nào. Bởi mẹ chồng dành cho cô nhiều tình cảm.

Người cao tuổi Phần Lan hạn chế giao tiếp bằng tiếng Anh, chủ yếu nói bằng ngôn ngữ của họ nhưng mẹ chồng luôn sử dụng tiếng Anh để Thúy hiểu.

Mỗi khi đi du lịch, bà sẽ nhớ mua quà cho con dâu trước tiên. Nhớ những ngày từ Việt Nam sang, mọi thứ còn lạ lẫm, chính mẹ chồng là người đưa cô ra ngoài, tìm hiểu cuộc sống thường nhật. Từ siêu thị, khu vui chơi, thói quen và nguyên tắc giao tiếp của người bản địa.Thúy cho biết thêm, người Phần Lan khá rõ ràng và văn minh trong vấn đề nuôi dưỡng trẻ sơ sinh.

Mọi việc liên quan đến em bé, từ ăn uống, tắm rửa đều phải có ý kiến của người mẹ.

Giai đoạn Thúy sinh con trai đầu lòng, bố mẹ chồng tìm hiểu phong tục tập quán trong chuyện chăm em bé của người Việt Nam. Đồng thời hỏi cô, có muốn làm theo cách Việt Nam hay không?…

Khi hỗ trợ con dâu chăm em bé, bao giờ mẹ chồng cũng lịch sự hỏi: “Mẹ cho William ăn được không? Mẹ cho William đi chơi được không?.

Ông nội quý cháu nhưng không dám bế, chỉ quanh quẩn bên nôi của em bé. Vì ở Phần Lan muốn bế em bé, phải xin phép người mẹ nhưng ông sợ phiền con dâu nên không dám bế nhiều.

“Tôi cảm động, bảo ông có thể bế cháu lúc nào thích. Từ đó, ông bế William liên tục, cháu ngủ mới đặt xuống”, Thúy nhớ lại.Phụ nữ ở Phần Lan sau sinh sẽ có y tá hỗ trợ, tư vấn về sức khỏe và tinh thần. Nếu ai có dấu hiệu mệt mỏi, trầm cảm, y tá sẽ đến nhà giúp chăm em bé vài ngày.

Tuy nhiên, chồng của Thúy thường dành phần bế ẵm, thay tã bỉm cho con. Buổi sáng, Jyri Tapio thường dậy sớm cho con ăn để Thúy được ngủ thêm. Khi nào đi làm, anh bế con vào và đánh thức vợ.

Để vợ đủ sữa cho con bú và nhanh hồi phục sức khỏe, Jyri Tapio chịu khó đi chợ và nấu nướng những món nóng hổi cho Thúy ăn.

Em bé của vợ chồng Thúy đã được gần 1 tuổi, kháu khỉnh và mang nhiều nét đẹp của cả bố và mẹ.

Ngoài căn nhà đang sinh sống, gia đình chồng Thúy sở hữu một căn nhà bằng gỗ ở bên hồ. Dịp nghỉ hoặc rảnh rỗi, mọi người sẽ về đây vui chơi, chèo thuyền và quây quần bên nhau.

Nàng dâu Việt tâm sự, mặc dù đôi lúc buồn vì nhớ mẹ và anh chị nhưng sự đầm ấm của nhà chồng khiến cô cảm thấy đỡ tủi thân.“Bố tôi mất sớm, mẹ một mình tần tảo nuôi đàn con. Tôi xa nhà, nhớ nhất những khoảnh khắc nằm ôm mẹ ngủ như hồi còn bé. Năm nay dịch bệnh ổn định, đường bay quốc tế được mở, tôi sẽ cho chồng và con trai về thăm mẹ”, Thúy xúc động nói.

Đắk Lắk: ‘Choáng’ với dàn xe con ở khu nhà ở xã hội cho cán bộ ‘không có nhà’

Chủ Nhật, 28/03/2021 lúc 19:26

Đối tượng mua nhà ở xã hội dành riêng cho cán bộ, công viên chức tỉnh Đắk Lắk được xem là người có thu nhập thấp, không có nhà nhưng có… xe con!

Liên quan đến bài viết “Nhà ở xã hội dành cho cán bộ được rao bán công khai” mà Báo Người Lao Động đã phản ánh, sáng 28-3, phóng viên đã ghi nhận hàng chục chiếc xe con đậu tại đây.

Hàng chục chiếc xe đậu tại khu nhà ở xã hội dành cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Đắk Lắk.

Như đã phản ánh, nhà ở xã hội độc lập cho cán bộ, công chức, viên chức tại Khu dân cư Km4-5, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vừa được khánh thành đưa vào sử dụng.

Dự án trên dành riêng cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác ở các cơ quan, đơn vị tỉnh Đắk Lắk chưa có đất thổ cư, chưa có nhà ở hoặc có nhà nhưng diện tích nhà ở bình quân dưới 10 m2/người. Ngoài ra còn có tiêu chí là nguồn thu nhập.

Mục đích của dự án là để ổn định cuộc sống cho cán bộ, công chức, viên chức để họ yên tâm công tác. Dự án được UBND tỉnh Đắk Lắk miễn tiền thuê đất và đầu tư 108 tỉ đồng từ nguồn vốn nhà nước ngoài ngân sách để xây dựng.

Sau khi báo phản ánh, Quỹ đầu tư Phát triển tỉnh Đắk Lắk tiếp tục có văn bản đề nghị quý khách hàng tuân thủ đúng quy định của pháp luật về việc mua bán nhà ở xã hội và hợp đồng mua bán đã ký giữa Quỹ và quý khách hàng. Trong thời gian tới, Quỹ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm sẽ báo cáo về cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Dưới đây là một số hình ảnh mà phóng viên ghi nhận được

Nhiều chiếc xe đắt tiền

Rất nhiều xe con đậu tại khu nhà ở xã hội được xem là dành cho người có thu nhập thấp, không có tiền mua nhà

Những chiếc xe đậu giữa 2 khối nhà

Nơi xây dựng nhà ở xã hội nằm ở “khu nhà giàu” của tỉnh Đắk Lắk

Cao Nguyên

Kon Tum: Làm đường 540 tỉ chẳng mấy người đi nhưng năm nào cũng tốn tiền tu sửa

Thứ Hai, 19/04/2021 lúc 13:14

Đường tránh trên 540 tỉ đồng mới hoàn thành, chẳng mấy người đi nhưng năm nào cũng phải bỏ kinh phí tu sửa.

Từ năm 2010, UBND tỉnh Kon Tum đã có quyết định tiếp tục tập trung đầu tư hoàn thành 16 công trình trọng điểm trong giai đoạn 2011-2015, từ nguồn ngân sách địa phương. Trong đó, đáng chú ý là dự án đường Nam Quảng qua tỉnh Kon Tum (đoạn tránh đèo Văn Rơi) từ Km 173+427,6 đến km192+500.

Dự án do UBND huyện Tu Mơ Rông làm chủ đầu tư với kinh phí hơn 540 tỉ đồng để thi công đoạn đường dài trên 15 km, thiết kế với mặt đường rộng 5.5m, lề đường mỗi bên rộng 1m, mặt đường bê tông nhựa hạt trung bình dày 7cm.

Đường tránh 540 tỉ nhưng năm nào cũng bị sạt lở, hư hỏng

Năm 2015, Công ty Tuấn Dũng (Kon Tum) trúng thầu và bắt đầu thi công tuyến đường này. Tháng 7-2016, công trình đưa vào sử dụng và đến tháng 7-2017 thì hết hạn bảo hành. Đến tháng 3-2019, UBND huyện Tu Mơ Rông bàn giao dự án cho Sở GTVT Kon Tum quản lý dù đang có rất nhiều điểm bị sạt lở, hư hỏng.

Thực tế, ngay từ khi đưa vào sử dụng, tuyến đường liên tục bị hư hỏng với hàng chục điểm tại nhiều hạng mục như taluy âm, taluy dương sạt lở, nền đường… Tuyến đường này thường xuyên tê liệt, không thể lưu thông mỗi khi bị sạt lở.

Chính vì vậy, người dân vẫn chọn đi đường đèo Văn Rơi cũ trên tỉnh lộ 672 dù đoạn đèo này có độ dốc lớn, nhiều khúc quanh co nguy hiểm, tầm quan sát nhỏ, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Tỉnh Kon Tum năm nào cũng phải bố trí kinh phí để sửa chữa đoạn đường này

Tuyến đường có rất ít người, phương tiện lưu thông qua lại

Nhiều vị trí đang tiếp tục bị hư hỏng

Một vị trí taluy dương bị sạt lở, đã được khắc phục bằng rọ đá

Do liên tục bị sạt lở, người dân chấp nhận đi trên đường cũ dù độ nguy hiểm cao hơn

Cứ vào mùa mưa, đoạn đường này lại bị sạt lở các mái taluy, nền đường nghiêm trọng

Đi trên đường đèo Văn Rơi cũ nguy hiểm, một xe tải không may gặp tai nạn

Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết tuyến tránh qua đèo Văn Rơi nằm trong tổng kết cấu hạ tầng Quốc lộ 40B. Tuy nhiên, do chưa được đầu tư đồng bộ nên hiện nay, lưu lượng xe lưu thông hàng ngày trên tuyến này rất ít, chủ yếu là các xe tải lớn ngại đi đường cũ với nhiều đoạn cua gấp, nguy hiểm mới chọn đi tuyến đường này.

“Người dân đi xe máy, xe nhỏ nên vẫn chọn đi qua đường đèo cũ. Ngay cả tôi cũng chọn đi qua đoạn đường đèo cũ” – ông Mười nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kon Tum, cho biết khi nhận bàn giao, công trình đã có nhiều điểm sạt lở, hư hỏng. Đặc biệt, vào mỗi mùa mưa thì tình trạng sạt lở nhiều hơn bởi các mái taluy chưa ổn định. Do đó, từ khi nhận bàn giao năm nào cũng phải bỏ kinh phí để sửa chữa, thông tuyến.

Hoàng Thanh

Kon Tum: Dân khốn đốn vì thủy điện xả lũ cuốn trôi đất, cây trồng chưa đền bù thỏa đáng

Thứ Bảy, 17/04/2021 lúc 8:02

5 tháng qua, hàng chục hộ dân, phụ huynh ở thôn 3 (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) liên tục đòi quyền lợi vì thủy điện Thượng Kon Tum xả lũ gây thiệt hại về cây trồng.

Cây trồng của người dân chìm trong biển nước vào ngày 11/10/2020. Ảnh: Người dân cung cấp.

Tuy nhiên, phía thủy điện cho rằng đã xả lũ theo đúng quy trình.

Nguồn thu nhập duy nhất bị cuốn trôi

Ông Mai Văn Bình (SN 1969, thôn 3, xã Tân Lập) cho biết, vào ngày 11/10/2020 khi ông và nhiều người dân đang làm rẫy thì nghe tiếng còi báo xả lũ của thủy điện Thượng Kon Tum.

Đến chiều cùng ngày ông đi kiểm tra thì phát hiện 1,5 ha cà phê của gia đình bị nước nhấn chìm quá một nửa. Không những vậy 2 sào lúa chuẩn bị đến kì thu hoạch cũng bị cuốn trôi.

“Gia đình tôi có 1,5 ha trồng cà phê thì thủy điện xả lũ gây ngập khoảng 80% diện tích. Số lúa đã lên đòng chuẩn bị thu hoạch cũng bị nước cuốn trôi sạch. Trước đây với số diện tích cà phê trên gia đình thu được khoảng 23 tấn tươi, nhưng năm vừa rồi do bị ngâm nước nên cà phê rụng, thối nên chỉ thu được gần 5 tấn.

Không những vậy, do ảnh hưởng của đợt ngập vừa qua, một số diện tích cà phê của gia đình bị chết cành, thối rễ. Không biết, năm nay chúng tôi vớt vát được ít cà phê nào không”, ông Bình chia sẻ.

Cũng theo ông Bình, không chỉ mình nhà ông bị ảnh hưởng mà 24 hộ gia đình khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Bà Ngô Thị Tin (SN 1954, thôn 3) cho hay, 3 sào lúa là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình. Tuy nhiên, trong cơn bão số 6 vừa qua, thủy điện xả lũ khiến 2,5 sào lúa của gia đình bị cuốn trôi.

“Đầu mùa vụ tôi đầu tư khoảng 7 triệu đồng để mua giống và phân bón chăm sóc 3 sào lúa. Tuy nhiên, chỉ một trận xả lũ của thủy điện lúa của gia đình bị “xóa sổ”. Tôi già rồi, ngoài mấy sào ruộng thì chẳng làm được gì vì không có ai thuê. Lúa của gia đình giờ mất sạch, ít hôm nữa hết gạo tôi chẳng biết sống sao”, bà Tin tâm sự.

Mùa nắng chặn dòng, mùa mưa xả lũ

Trước đó, vào tháng 2/2020, Báo Giáo dục và Thời đại có loạt bài phản ánh về việc thủy điện Thượng Kon Tum chặn dòng, thủy điện Đắk Ne hạn chế xả nước ra môi trường khiến 108 ha cây trồng của người dân thôn 3 (xã Tân Lập) và xã Đắk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy) bị ảnh hưởng. Sau đó, thủy điện Thượng Kon Tum phải hỗ trợ cho người dân với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Anh Mai Văn Anh (SN 1992, thôn 3) cho hay, anh có 3 người con đang trong độ tuổi đến trường. Hoàn cảnh khó khăn nên ai thuê gì 2 vợ chồng anh đều nhận làm. Ngoài công việc mưu sinh hàng ngày, 2 sào lúa cũng là nguồn thu nhập của 5 miệng ăn mỗi khi vợ chồng thất nghiệp.

“Vừa rồi, thủy điện xả lũ đã cuốn trôi gần 1 sào lúa cận ngày thu hoạch của gia đình. Số diện tích lúa trên là mồ hôi, công sức mà vợ chồng chăm sóc để lấy gạo ăn và lo chi phí học tập cho các con.

Tuy nhiên, lúa sắp về kho lại bị nước cuốn trôi hết. Giờ cát và đá cũng lấp đầy ruộng không thể trồng trọt được. 1 sào đất của gia đình coi như bỏ trắng, những vụ mùa sau chúng tôi không biết phải lấy tiền đâu để lo cho các con”, anh Anh nói.

Theo ông Mai Văn Bình, sau khi sự việc xảy ra, 25 hộ dân với gần 11 ha bị ảnh hưởng đã làm đơn trình báo lên chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, yêu cầu thủy điện Thượng Kon Tum xuống kiểm tra, thống kê và bồi thường thiệt hại cho người dân.

Tuy nhiên, phía thủy điện không xuống ngay mà đề nghị người dân quay video và lưu lại hình ảnh. Sau khoảng 2 tháng xảy ra sự việc thủy điện mới cử người xuống xem xét, nhưng không chịu nhận trách nhiệm.

“Chúng tôi mong muốn các cơ quan ban ngành kiểm tra, giải quyết triệt để vấn đề này. Bởi, hàng năm cứ mùa nắng thủy điện chặn dòng gây khô hạn, mưa xuống lại xả lũ thì bà con không biết tiếp tục canh tác và sinh sống như thế nào”, ông Bình nói.

Về vấn đề này, ông Trương Duy Đông – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập thông tin, vào tháng 10/2020, khi cơn bão số 6 đi qua, 25 hộ dân phản ánh về việc thủy điện Thượng Kon Tum xả lũ gây thiệt hại về cây trồng.

Theo ông Đông, sau khi sự việc xảy ra, xã đã mời thủy điện đến làm việc. Tuy nhiên, đến lần thứ 3 thủy điện mới cử người xuống kiểm tra, xem xét thiệt hại của bà con.

“Sau 3 – 4 lần làm việc bên phía thủy điện và người dân vẫn chưa thỏa thuận được. Người dân thì cho rằng, trong cơn bão số 6 mưa không nhiều nhưng thủy điện xả lũ khiến nước sông dâng cao gây ngập úng, cuốn trôi cây trồng. Tuy nhiên, thủy điện Thượng Kon Tum lại cho rằng đã xả lũ theo đúng quy trình”, ông Đông nói.

Cũng theo vị Phó Chủ tịch UBND xã, hiện tại sự việc xảy ra đã lâu nên không có cơ sở để xác định nguyên nhân. Bên cạnh đó, xã cũng không đủ năng lực, cơ sở để thẩm tra, xác định.

Ông Đông còn cho hay, phía Thượng Kon Tum cho rằng cây trồng của người dân bị ảnh hưởng không phải lỗi ở thủy điện.

Nhưng với 25 hộ gia đình bị thiệt hại thủy điện sẽ hỗ trợ tổng cộng hơn 23 triệu đồng để người dân ổn định canh tác. Tuy nhiên, người dân không đồng ý vì cho rằng số tiền bồi thường không thỏa đáng so với việc thủy điện xả lũ.

Kon Tum: Bế tắc trong xử lý vụ đất công thành đất tư

Thứ Năm, 15/04/2021 lúc 14:04

Đến nay, tỉnh Kon Tum vẫn chưa tìm ra hướng khắc phục những sai phạm trong việc cho cá nhân thuê hàng chục ngàn mét vuông đất tại 2 công viên ở huyện Đắk Hà làm nơi kinh doanh

Từ năm 2019, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết thông tin việc UBND huyện Đắk Hà cho 2 cá nhân thuê đất trả tiền hằng năm toàn bộ diện tích Công viên 24 Tháng 3 (hơn 10.500 m2) và Công viên Đắk Hà (11.200 m2), thời hạn 30 năm, từ ngày 1-11-2016.h

Cho xây dựng nhiều công trình

Cả 2 cá nhân trên đã được UBND huyện Đắk Hà cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) lần đầu với mục đích “đất khu vui chơi, giải trí”, hình thức “sử dụng riêng”. Sau đó, Sở Xây dựng tỉnh Kon Tum cấp phép cho xây dựng nhiều công trình như quán cà phê, quán ăn, phòng gym… Ngày 7-2-2018, ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, ký cấp sổ đỏ cho 2 cá nhân tại các khu đất trên với mục đích sử dụng “thương mại, dịch vụ”, hình thức “sử dụng riêng”.

Công viên Đắk Hà hiện vẫn đang được mở quán cà phê, cho bên thứ 3 thuê để hưởng chênh lệch

Hai khu đất công viên công cộng từ đó trở thành đất tư nhân. Thị trấn Đắk Hà cũng từ đó không có công viên cho người dân sử dụng.

Sau đó, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Kon Tum xác định Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Hà nhiệm kỳ 2015-2020 chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương xã hội hóa thu hút đầu tư xây dựng ở Công viên 24 Tháng 3 và Công viên Đắk Hà. Việc này dẫn đến vi phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chủ trương, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó, yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Đắk Hà kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc và sớm có biện pháp khắc phục, sửa chữa.

Riêng ông Hoàng Nghĩa Trí, khi đó là Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đắk Hà (đã nghỉ hưu), là người chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu, triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa, thu hút đầu tư xây dựng 2 công viên nêu trên. Ông Trí đã vi phạm, khuyết điểm khi ký các quyết định cho thuê đất và cấp sổ đỏ cho các cá nhân không đúng thẩm quyền và không đúng quy định. Ông Trí sau đó bị kỷ luật “cảnh cáo”. Ông Đoàn Ngọc Thắng, khi đó là Chủ tịch UBND huyện Đắk Hà (đã nghỉ hưu), phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy và trách nhiệm là người đứng đầu trong việc thiếu kiểm tra, thanh tra, chỉ đạo dẫn đến vi phạm, khuyết điểm.

Phương án nào cũng khó

Huyện Đắk Hà và tỉnh Kon Tum đã có rất nhiều cuộc họp đưa ra các phương án rồi có văn bản gửi các bộ, ngành trung ương xin ý kiến. Tuy nhiên đến nay, tất cả vẫn đang bế tắc.

Ông Hà Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đắk Hà, ký trình UBND tỉnh Kon Tum các phương án khắc phục. Trong đó, ưu tiên phương án 1 là phân định rõ các khu chức năng sử dụng vào mục đích công cộng không kinh doanh thì sẽ đầu tư, nâng cấp để phục vụ mục đích công cộng. Khu chức năng sử dụng vào mục đích công cộng có kinh doanh thì sẽ giao cho đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND huyện quản lý, sử dụng, lập đề án đấu giá cho thuê một phần quyền sử dụng đất có mục đích kinh doanh và bán, thanh lý tài sản gắn liền với đất (do nhà nước đầu tư).

Phương án 2 là điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Đắk Hà và quy hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích toàn bộ diện tích 2 công viên từ đất “công cộng” sang đất “thương mại – dịch vụ”. Giao đất cho đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND huyện quản lý, sử dụng và lập đề án đấu giá cho thuê toàn bộ quyền sử dụng đất và bán thanh lý tài sản gắn liền trên đất (phần nhà nước đầu tư). Phương án 2 gặp khó khăn vì sẽ không tạo được sự đồng thuận trong nhân dân do Công viên Đắk Hà có nguồn gốc đất là do người dân hiến và Công viên 24 Tháng 3 có nguồn gốc đất tôn giáo.

Cả 2 phương án cũng đều có khó khăn chung là trong trường hợp 2 cá nhân đã được cho thuê đất không trúng đấu giá thuê quyền sử dụng đất thì dễ phát sinh tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng tài sản do cá nhân đã đầu tư. Đặc biệt, Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn về thanh lý tài sản thuộc quyền sở hữu của nhà nước theo Luật Quản lý, Sử dụng tài sản công 2017. Do đó, UBND tỉnh Kon Tum sau đó đã có văn bản gửi Bộ Tài chính tham vấn.

Chưa có cơ sở pháp lý

Theo ông Huỳnh Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum, Bộ Tài chính nói rõ chưa có cơ sở pháp lý hướng dẫn trình tự thủ tục quản lý, xử lý và thẩm quyền xử lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng xã hội để cho thuê quyền khai thác đối với loại tài sản kết cấu hạ tầng là công viên. Hiện nay, Sở Tài chính đã đề xuất UBND tỉnh Kon Tum giao UBND huyện Đắk Hà rà soát cụ thể tình hình đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng các khu công viên trên; phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh làm văn bản tham vấn ý kiến của các bộ, ngành liên quan để được hướng dẫn, thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Bài và ảnh: Hoàng Thanh

Gia Lai: Đối tượng đâm linh mục, đốt nhà thờ chỉ cười và hát, không khai gì

Thứ Sáu, 23/04/2021 lúc 16:29

Công an Thị xã An Khê cho biết đối tượng này đã có tiền án tiền sự, biểu hiện tâm thần, âm tính với ma túy và hơi thở không có nồng độ cồn.

Nhà thờ Giáo xứ An Khê

Chiều 23/4, ông Nguyễn Hùng Vỹ, Chủ tịch UBND TX An Khê tỉnh Gia Lai cho biết đã có báo cáo gửi tỉnh Gia Lai liên quan đến đối tượng đốt nhà thờ và gây thương tích với linh mục tại Nhà thờ Giáo xứ An Khê. Đối tượng gây ra vụ án nêu trên là Trần Trọng Ca (30 tuổi, trú tại TX. An Khê, Gia Lai).

Ông Vỹ cho biết, qua kết quả kiểm tra hồ sơ của đối tượng Ca, Công an Thị xã An Khê cho biết đối tượng này đã có tiền án tiền sự và có biểu hiện bị tâm thần trong thời gian gần đây.

Báo cáo cũng cho biết, sau khi bắt được đối tượng Ca, cán bộ điều tra đã làm kiểm tra thì đối tượng âm tính với chất ma túy và không có nồng độ cồn trong hơi thở.

Qua rà soát thông tin đối tượng và nắm tình hình hoạt động gần đây, Công an thị xã xác định: Năm 2016, đối tượng Ca bị TAND thị xã An Khê kết án 3 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích.

Trong thời gian chấp hành án tại Trại giam Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, tháng 4/2018, Ca được đưa đến Bệnh viện tâm thần tỉnh Bình Định để điều trị nội khoa chứng rối loại phân liệt cảm xúc, loại hưng cảm.

Sau khi ra tù, Trần Trọng Ca về An Khê làm nghề thu mua phế liệu. Thời gian gần đây, Trần Trọng Ca có biểu hiện tái phát bệnh tâm thần phân liệt. Đối tượng chặn xe người khác giữa đường, đuổi đánh người nhà, đe dọa điều tra viên từng thụ lý án của mình…

Về động cơ, mục đích chưa làm rõ được, vì từ khi gây án đến tối muộn ngày 22/4, đối tượng không hợp tác với cơ quan công an mà chỉ nói cười, hát, không khai được gì.

Vào khoảng 11h’ ngày 22/4, đối tượng Ca điều khiển xe ô tô tải nhỏ vào trong sân Nhà thờ Giáo xứ An Khê (thuộc tổ 2, phường An Phú, thị xã An Khê), đậu xe rồi cầm theo hung khí dao, rựa chém vào 2 xe ô tô làm vỡ kính chắn gió.

Sau đó, Ca đi vòng ra phía sau Nhà thờ đến khu vực phòng ở, thấy Linh mục Trần Quang Truyền (70 tuổi) và anh Nguyễn Văn Tùng (44 tuổi, trú tại tổ 8 phường An Phú) là người bán nước bình trong Nhà thờ thì đuổi chém. Linh mục Truyền và anh Tùng bỏ chạy được khoảng 50m thì bị Ca đuổi kịp

Ca dùng dao đâm vào bụng Linh mục Truyền và anh Tùng mỗi người một nhát làm 2 người này bị thương, ngã xuống đất.

Đối tượng Ca còn dùng rựa chém ông Nguyễn Tấn Kiệt (73 tuổi, ở tổ 5 phường Tây Sơn, thị xã An Khê) là người đi mua nước của nhà thờ bị thương nhẹ.

Người trong nhà thờ phát hiện Linh mục Truyền, anh Tùng và ông Kiệt bị thương đã chạy qua Công an phường An Phú ở đối diện nhà thờ trình báo. Nhận tin, Công an phường An Phú triển khai lực lượng đến hiện trường, cùng người dân đưa người đi cấp cứu và truy tìm đối tượng.

Đối tượng Ca sau đó, điều khiển ô tô rời khỏi nhà thờ và 15 phút sau quay lại cầm theo một can xăng loại 18 lít. Cầm theo hung khí, đối tượng đe dọa người xung quanh rồi dùng xăng tưới vào cửa chính nhà thờ, châm lửa đốt rồi lên xe bỏ chạy.

Sau khi từ Nhà thờ Giáo xứ An Khê ra, Ca lái xe thẳng lên Nhà thờ Giáo xứ An Sơn tại xã Tân An, huyện ĐăkPơ. Đối tượng dùng xe tông vào cổng Nhà thờ chạy vào sân, mang xăng tưới vào cửa Nhà thờ, châm lửa đốt rồi lên xe chạy về nhà ở tổ 1, phường An Phú. Tại Nhà thờ Giáo xứ An Sơn có một số thợ hồ đang làm công

trình trong Nhà thờ thấy vậy đã dập tắt lửa, nên thiệt hại không đáng kể.

Sau khi sự việc xảy ra, Chính quyền địa phương và đoàn thể đã gặp gỡ, động viên chức việc Nhà thờ để thăm hỏi, chia sẻ, động viên, đồng thời đề nghị tuyên truyền trong giáo dân không tập trung đông người tại Công an phường và Nhà thờ Giáo xứ, không đưa tin thất thiệt.

Hiện nay, Linh mục Trần Quang Truyền, anh Nguyễn Văn Tùng đã qua cơn nguy kịch, tạm ổn định sức khỏe, tư tưởng của các giáo dân trên địa bàn đã ổn định.

Gia Lai: ‘Công trường’ gỗ lậu quy mô lớn ‘núp bóng’ gỗ lòng hồ giữa dòng Sê San

Thứ Bảy, 24/04/2021 lúc 8:00

Dòng sông Sê San 4, đoạn qua xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai (giáp ranh với tỉnh Kon Tum) được xem là điểm nóng về tình trạng vận chuyển, tàng trữ gỗ trái phép. Trên dòng sông này có rất đảo nằm cô lập giữa lòng hồ. Tại đây, phóng viên đã phát hiện ‘công trường’ gỗ hộp lậu quy mô lớn được tập kết và xẻ hộp quy cách. Đặc biệt, ven bờ quanh các đảo có hàng trăm cây gỗ lậu nằm chất đống và được giấu dưới lòng hồ.

Sau nhiều ngày “mai phục”, phóng viên đã phát hiện trên đảo này có 5 – 6 điểm chuyên xẻ gỗ trái phép để chuyển vào vùng nội địa của tỉnh Gia Lai để tiêu thụ

Số gỗ được xẻ quy cách trước khi đưa về đất liền tiêu thụ cho các “đầu nậu”.

Đêm 22/4 và ngày 23/4, phóng viên đã báo cho Đồn Biên phòng Ia O, Hạt kiểm lâm huyện Ia Grai và chính quyền địa phương về tình trạng tập kết trái phép gỗ trên các đảo ở dòng Sê San. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã di chuyển bằng thuyền và phát hiện đang có hàng trăm lóng gỗ hộp và gỗ tròn đang tập kết trái phép.

Còn rất nhiều cây gỗ tròn được dấu dưới nước

Gỗ được tập kết trên đảo trước khi xẻ và đưa về đất liền tiêu thụ

Gỗ được xẻ quy cách tập kết gọn gàng trước khi vận chuyển trái phép vào đất liền tiêu thụ

Hiện trường một bãi gỗ sau khi đã được vận chuyển đi

Ngay trong đêm, lực lượng đã huy động để đưa số gỗ xẻ hộp về. Tuy nhiên, hàng chục hộp vẫn đang nằm ngổn ngang tại các bờ đảo không được lực lượng chức năng đưa về. Mặc dù, phóng viên đã bàn giao cho lực lượng nhiều đống gỗ hộp xẻ nhưng vẫn bị các đối tượng vẫn tẩu tán trong đêm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Vũ Tường, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Ia Grai cho biết: “Ngay khi nhận thông tin báo của phóng viên, chúng tôi đã điều kiểm lâm địa bàn, đội cơ động trực tiếp xuống hiện trường. Qua đó đã đưa số gỗ hộp về và đang xin ý kiến cấp trên để xử lý gỗ tròn được tập kết trên đảo và ven bờ sông.”.

Để lại lời nhắn

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.