đọc Hoàng Thị Bích Ti qua truyện dài “Khi loài sâu biết khóc “(chương 10,11,12)

tác giả Hoàng Thị Bích Ti

CHƯƠNG MƯỜI

Mùa Thu rụng dần. Cơn gió tháng mười ra đi tuốt theo sạch những chiếc lá, bỏ lại mấy rừng cây màu xám tro. Mùa Đông chậm chạp về như con gấu tuyết rời bỏ hang, lừng lững trở lại rừng. Dòng sông uống quanh thành phố mang bộ mặt trầm tĩnh hơn. Nước không còn chảy xiết nữa. Trong lắng. Sương trắng cả một dòng sông, nhiều nhất là lúc trời tửng mửng sáng. Những hòn cù lao nhỏ nổi lên giữa dòng thấp thoáng, lờ mờ trong lớp sương trông như những hình người lum khum trên ruộng muối trắng. Trời lúc nào cũng nặng trĩu. Mây kết thành từng chùm dầy đặc, sà sà giữa không trung. Xác lá bị những trận mưa lấp vùi xuống đất, đang mục rữa dần mòn. Cái lạnh se sắt của những ngày chớm Đông bưng bít cả mùi thơm của lá ướt. Thành phố không còn một tiếng chim. Vườn rau của Huệ cũng tàn theo mấy bụi cúc ủng mưa. Mấy luống rau xanh mướt bị nám đen vì sương lạnh. Giàn khổ qua co quắp một cách thảm hại. Mấy trái chín vàng, Huệ để dành làm giống trên giàn chưa kịp hái bị những đêm trời lạnh làm đông cứng. Trưa, khi mặt trời lên, chúng vữa ra, bể nát. Những hột khổ qua màu đỏ bầm đổ ra từng chùm như ruột người mới chết.

Cây cỏ đang hấp hối, Và Lâm cũng đang hấp hối. Chút cố gắng, bám víu cuối cùng của Lâm hình như đã vuột mất đi sau lần anh bị mất tích. Không ai biết chuyện gì đã xảy ra cho anh trong khoảng thời gian mấy ngày đó. Linh hồn của Lâm, tinh anh của Lâm đã bỏ anh mà đi. Chúng vỡ tan ra từng mảnh nhỏ và lặng lờ trôi đi theo ngày tháng, không chờ đợi và cũng không đoái hoài gì đến anh. Mỗi buổi sáng thức dậy thấy hao hụt đi một chút, trống vắng đi một chút, mỗi ngày anh mất một chút của anh. Nỗi buồn nào gậm nhấm lấy linh hồn của anh? Đời sống đã nuốt trôi lấy chúng? Hay chúng thay phiên nhau từ bỏ đời sống ? Những mảnh linh hồn ấy bây giờ ở đâu để cho anh rỗng tuếch thế này? Từng mảnh…từng mảnh lạc nhau nên linh hồ anh sẽ mãi mãi không là một khối và đời đời kiếp kiếp sẽ không bao giờ còn nguyên vẹn. Con ốc mượn hồn đã bỏ đi xa, xa thật là xa. Một nơi không có chỗ đến, không có tiếng người . Ở đó, chỉ có thể có những con người đang đuối lả như Lâm, cố tìm kiếm một chỗ để nằm xuống. Và ở đó, có những mảnh linh hồn vụn vỡ đang đợi chờ nhau trong vô vọng để kết thành một khối linh hồn tinh khôi lành lặn, dành cho kiếp khác…

Lâm lên sốt từ đêm qua. Anh nằm chết dí trên tấm nậm kê trong phòng giữa đống chăn mền rối nùi như ổ rơm và thiếp đi trong những cơn mơ chập chờn, quỉ mị. Anh quay tít theo những tiếng cười, tiếng vòi vĩnh lèo nhèo của mấy tên đàn ông nửa người nửa ngợm, nửa ma nửa quỉ. Những cặp mắt xanh ngắt chiếu ra những cái nhìn đói khát, man rợ. Tiếng da thịt chạm vào nhau như thể con quái vật đang sống trong mỗi người hiện diện đang muốn xé tung, cấu nuốt lợp da thịt con người để bò ra với đời sống. Chúng đang quanh anh, reo hò, cổ võ đòi móc lấy từng nỗi tủi nhục nhằn dấu kín trong xương tủy anh ra nhai ngấu nghiến, uống từng giọt nước mắt đang chảy xuôi vào tim óc của anh. Bức tường trắng chắn ngan trước mặt. Những sợi dây nịch bung ra, trườn quanh mấy ngón tay đàn ông như bầy rắn hổ mang. Những cái lưng quần tuột xuống. Hơi lạnh từ bức tường lan dần ra nửa gương mặt đang bị ấn bẹp dí của anh đang đi đi lần xuống khắp nửa thân thể trần trưồng. Lạnh. Trời ơi ! Lạnh. cơn đau thốc tới từ phía sau dồn dập, dồn dập … Lâm hét lên, bật choàng dầy nhu cái lò xo . Hơi thở hổn hển. Mồ hôi ướt đẫm. Giấc chiêm bao thật gần như đang ở trong anh, thở cùng anh. Điện thoại trên bàn bất chợt réo lên. Hồi chuông lanh lảnh, xoáy buốt. Giọng nói của lão chủ quán gầm gừ bên kia đầu dây:

“Sao giờ này chưa tới?”

Lâm ngơ ngác:

“Mấy giờ rồi ?”

“Mấy giờ, mấy giờ! Giờ này là giờ ăn tối chứ mấy giờ. Vô làm ngay đi!”

Vuốt những giọt mồ hôi còn rịn ra trên trán., Lâm nói như rên:

“Ông kêu người khác thế đi, hôm nay tôi ốm.”

Lập tức, giọng nói bên kia liền rú lên:

“Đêm qua tôi thấy anh khoẻ như con trâu, có ốm đau gì đâu! Chén dĩa ứ đọng cả chồng, anh đến mau đi!”

Lâm nghiến răng, nói như hết:

“Tôi đã bảo tôi ốm! Nghe rõ không ? Đồ heo!”

Lâm cầm nguyên cái điện thoại ném thẳng vô góc phòng. Anh nằm vật xuống nệm. Gương mặt anh đỏ au, hơi thở đứt quãng. Lâm nằm như thế rất lâu. Chút ánh sáng còn sót lại của buổi chiều sắp tàn hắt vô phòng anh. Chập chờn. Le lói. Không biết bây giờ là mấy giờ rồi? Ngày hay đêm? Lâm nhướng mắt . Anh nhìn thấy bầu trời đen xám qua khung cửa sổ. Màu xám lưng chừng giữa đen giữa trắng, giữa ngày giữa đêm, giữa âm và dương. Dễ sợ quá! Thắp đèn lên! Thắp đèn lên! Anh với tay bật đèn. Ánh đèn toả ra vàng chói, làm anh muốn ngộp thở. Lâm bật chồm dậy, muốn bóp chết ngay tức khắc cái ánh sáng quỉ quái ấy. Nhưng anh khựng lại khi nhìn thấy cái ly thủy tinh còn sót tí chè đậu xanh ăn bỏ dở bên đầu nằm. Trong ly, hai con thằn lằn bằng ngón tay, nuôi trong chậu đã nằm đó tự bao giờ. Anh nhấc ly lên, đổ hai xác chết nằm ngử trên mặt thảm. Thân hình chúng căng tròn. Vàng ngậy. Láng mướt. Chúng to gấp đôi lúc còn sống. Màu đậu xanh non, rờn rợn chạy từ hai cái cổ mập ú ra đến những bàn chân bé nhỏ và tận chót vót xuống đuôi. Anh lấy ngón tay ấn nhẹ lên cái bụng căng phình của con lớn nhật. Chiếc miệng be bé của nó há ra cười mãn nguyện. Tí đậu nhờn nhờn, xanh xanh trào ra. Lớp da thịt mới phình căng xộp xuống thật nhanh dưới ngón tay anh, mềm nhũn. Anh nhích ngón tay xuống gần phía đuôi ấn nhẹ. Chất đậu xanh trong người nó dồn lên phía trên , bụng dưới xẹp lép như giấy ướt. Anh có cảm tưởng như lớp đậu xanh ép lên phía trên làm cho bụng con vật sắp nứt bung. Thêm chút đậu nhão nhoẹt lại ùn lên cái miệng bé tí. Xanh roi rói. Lâm thụt tay lại, rùng mình. Cả người anh chợt co quắp lại trong nỗi sợ hãi mênh mang. Anh ú ớ, lết sát vào vách tường. Đôi mắt trắng dã vẫn nhìn chằm chằm vô hai con thằn lắn trên mặt thảm…

Lâm nằm liệt như thế suốt mấy ngày liên tiếp. Khi anh bò ra được khỏi nhà, mò vô sở thì lão chủ quán chìa cái phiếu lương vào mặt Lâm:

“Phần lương cuối cùng của anh đây. Về đi, anh bị đuổi cổ rồi!”

“Sao chỉ có chừng này?”

“Không biết tiếng Anh hả? Đọc cho kỹ đi! Tôi trả anh bốn đồng rưỡi một giờ, trừ tiền thuế má, từ luôn cái khoản tiền anh làm vỡ mớ dĩa là còn chừng đó. Hiểu rồi chứ? Nào, xéo đi cho ông nhờ!”

“Sao ông đuổi tôi?”

“Anh là cái đồ biếng nhác, vô tích sự!”

“Tôi đã bảo là tôi ốm! Con trâu con bò còn có lúc phải ốm cơ mà!”

“Không cần nói nhiều! Không miốn làm thì không có việc. Chúng tôi không cần bọn ăn hại như anh, cút về nước đi!”

Lâm đứng lặng. Gương mặt đang đỏ bầm chuyển sang màu xanh xám. Và trong phút không ngờ nhất, anh cong người , phóng bổ vô cái thân hình tròn như quả trứng của lão chủ quán. Lão già mất thăng bằng, ngã xiểng niểng xuống bàn . Lâm nghiến răng nhào tới. Hai bàn tay Lâm lún sâu vô chiếc cổ mềm nhũn của lão. Lão há miệng ú ớ. Lâm siết mạnh. Tay chân lão quơ quào, dẫy đành đạch như con rùa bị lật ngửa. Lâm nhin châm bẩm vào cái miệng tác hoác của lão. Ánh mắt man dại. Anh nghiến răng siết mạnh thêm tí nữa. Hơi thở lão đứt quãng. Lâm co chân, ấn đầu gối mình xuống ngay giữa cái bụng căng phình củ alão. Lão phải chết như hai con thằn lằn mấy đêm trước. Chết không một lời trăn trối. Anh muốn lão phải trào cơm, mửa mật. Anh muốn chất đậu xanh nhầy nhụa kia phải trào ra khỏi miệng lão. Trào ra! Trời ơi! Trao ra đi! Lâm hét điên cuồn:

“Trào ra! Trào ra mau!”

Người đàn ông chết điếng trong tiếng gào man đại, lão khiếp đảm nhìn những đường gần máu trong mắt Lâm như muốn bắn ra, nuốt sống người đối diện Lão nhắm mắt, co chân, dùng hết sức bình sinh đạp mạnh. Lâm văng bật về phía bức tường. Lão chủa quán lật sấp xuống bàn, thở dốc. Thân hình vất vưởng. Một tay ôm cổ, tay kia bấu lấy góc bàn. Cái mông chổng lên thảm hại, nửa đứng nửa ngồi. Lâm đứng chết sửng nhìn người đàn ông đang hào hển thở trong cái thế đứng thảm bại của một kẻ hoàn toàn bị khuất phục. Phần da thịt ngang lưng phơi ra trắng bệch và nhão nhệ khi lưng quần bị tuột xuống trong trận xô đẩy. Chừng như không còn sức lực nữa, người chủ quán khụy xuống qùi hẳn lên nền gạch nhớp nhúa . Lâm bàng hoàng, kêu lên:

“Đừng! Đừng quì…đừng qùi. Tôi có bắt ông qùi bao giờ đâu!”

Người đàn ông vẫn rũ xuống, thở hồng hộc. Đôi mắt Lâm trợn trừng, đau đớn. Làn môi nhợt nhạt. Miệng mấp máy. Anh lùi dần, lùi dấn. Lưng anh đụng phải bức tường lạnh ngắt. Rồi chợt như người mê loạn, anh ôm đầu vụt chạy ra khỏi quán như vừa gặp phải một cái gì ghê gớm lắm…

CHƯƠNG MƯỜI MỘT

Tình cảm giữa Ngâu và Đính càng ngày càng rối rắm. Gặp nhau, nhiều khi không biết phải bày tỏ gì. Lòng tự trọng và kiêu hãnh không cho phép cô níu kéo Đính. Hơn nữa, cô yêu chàng quá nhiều để trói Đính lại bằng tình yêu của cô. Yêu nhau là thắp sáng đời nhau bằng tất cả những gì mình có. Cho dù bằng những giọt nước mắt, bằng những nỗi đau, bằng sự hy sinh ngu xuẩn nhất. Mỗi con người đều có quyền mở cánh cửa hạnh phúc cho chính mình. Hãy để cho chàng tự tay mở cánh cửa hạnh phúc. Và mãi mãi không bao giờ tiếc nuối ân hận.

Tháng mười đã qua, ngày lễ Tạ Ơn sắp đến. Tạ ơn Trời. Tạ ơn người . Tạ ơn cơm. Tạ ơn áo. Những lá thư đổ dồn dập đến nhà thơ. Mùa lễ, con người trở nên khủng hoảng hơn, sợ hãi hơn. Thiên hạ rủ nhau đi làm việc phước thiện nhu người nhà giàu bỏ tiền mô nhà băng. Dĩ nhiên, ông mục sự là người vui vẻ nhất và bọn Ngâu trở nên bận rộn hơn trước .

Sau một buổi sáng chủ nhật điên đầu trong phòng điện thoại, túi bụi vì những cú phone trên hệ thống “Prayer hot-line” nghe thiên hạ gọi vào ỉ ôi kể lể, những cái mật mão nhảy múa trên những trang giấy được lật qua lật lại nhiều lần trong cái folder dày cộm như cuốn điện thoại niên giám. Ngâu thở phào nhẹ nhỏm khi đồng hồ chỉ đúng giờ tan sở. Cô nộp cái danh sách tên và địa chỉ của những người mới gọi vào cho bà trưởng phòng rồi tất tả bước ra hành lang như người phạm tội. Chủ nhật, số nhân viên làm giảm xuống phân nửa. Ngâu băng qua dãy hành lang vắng lặng. Người đàn ông quá bảy mươi đi ngược về phía Ngâu với cái thùng giấy nặng chĩu trên tay. Ông ta lướt ngang qua Ngâu với cái nhìn soi mói, dò hỏi. Và không hiểu sao, lão ngần ngừ gọi với theo:

“Này cô ơi, cô biết văn phòng nằm chỗ nào không ?”

Ngâu xoay lạim chỉ trước mặt:

“Đầu hành lang, nơi bác vừa đi ngang qua đó.”

Mặt người đàn ông tiu nghỉu:

“Tôi đứng đó cả tiếng đồng hồ, có thấy ai đâu!”

“Chủ nhật họ mở cửa có nửa ngày . Bác cần gì ạ?”

“Cô làm ở đây hả?”

“Vâng.”

Giọng người đàn ông quả quyết:

“Tôi muốn gặp mục sư”.

“Giờ này mục sư đã về rồi bác ạ!”

Ngưởi đàn ông thất vọng:

“Vậy thì làm sao?”

“Ngày mai bác trở lại nhé?”

Người đàn ông bần thần:

“Không được, tôi bận cả tuần lễ…. Hay thôi, cô đưa hộ cái này cho ông mục sư dùm tôi…”

Người đàn ông nhanh tay lôi trong túi áo ra tấm ngân phiếu:

“Tôi có mớ quần áo cũ và một ít tiền vừa lấy trong quỹ tiết kiệm ra, cô đưa cho mục sư dùm tôi để người lo việc Chúa. Quần áo chả có gì, vài ba bộ đồ trận còn sót lại.”

Ngâu đứng yên, cô tò mò hỏi:

“Bác đi lễ ở đây thường xuyên lắm à ?”

Người đàn ông lắc đầu, giọng đầy thán phục:

“Tuần trước là lần đầu tiên. Thật không ngờ, quyền năng của Chúa vô biên quá, có thể cảm hoá được hết tất cả từ tai ương đến bệnh tật. Cái anh chàng ngồi xe lăn kia coi vậy mà có phước quá.”

Ngâu ngẩn người, chợt hiểu. Cô nói nhanh:

“Bác đi theo cháu, cháu tìm ông mục sư cho.”

Người đàn ông nhìn cô ngờ vực. Ngâu nói một hơi:

“Tôi hỏi người giữ vườn. Hắn ở sau lưng nhà thờ. Đấy, căn nhà nhỏ nhỏ cuối vườn hoa kia kìa! Mình đi…”

Không đợi người đàn ông trả lời, cô đỡ thùng đồ cũ trên tay người đàn ông rồi xoay người thật nhanh, bước xăm xăm tới căn nhà nhỏ tồi tàn như cái nhà xe nằm khuất trong góc vườn rộng lớn. Người đàn ông lẹ làng bước theo cô. Bầy chó bẹc-giê đủ màu vàng, đen, khoảng hai chục con sủa vang trời đất trong một cái chuồng gần đó. Người đàn ông thất kinh lùi lại mấy bước khi vài con nhảy chồm lên hàng rào nhe những cái nanh nhọn hoắc.

Ngâu bình tĩnh giải thích:

“Bầy chó này được thả ra sân nhà thờ mỗi đêm để canh chừng kẻ trộm.”

Người đàn ông thở hào hển:

“Tên trộm nào lớ qướ vào đây chắc bị chúng xé xác liền tay. Lũ chó này như để giết người chứ đâu phải giữ của.”

Ngâu gật đầu. Hai người đứng trước cửa nhà Erik. Ngâu gõ cửa một chập lâu. Chị đàn bà mập và đen như cái thùng phi ló đầu ra bên cánh cửa. Tiếng nhạc dập dềnh từ trong nhà vọng ra chói buốt. Ngâu hỏi:

“Có Erik ở nhà không chị?”

Người đàn bà không trả lời, quay mặt vô nhà réo gọi bằng giọng Jamaican lơ lớ:

“Ê, Erick, có ai tới kiếm nè.”

Gã đàn ông sật sừ hiện ra trong chiếc quần kaki cũ nát. Lon bia ngất ngưỡng trên tay. Hắn ngại ngùng khi nhận ra Ngâu. Người đàn ông đứng nhìn hắn trân trối. Ngâu làm ngơ, vờ bận rộn hỏi Erik:

“Anh biết ông mục sư ở đâu không?”

Erik gãi đầu:

“Ở nhà riêng của ổng chớ ở đâu?”

Ngâu nhìn quanh quất:

“Ừ, tôi cũng nghĩ vậy. Không thấy xe của ông ấy ở đâu hết”

Erik chỉ tay về hướng cổng:

“Tôi thấy ổng lái xe đi cùng với cậu con trai rồi!”

Ngâu cười, gật đầu:

“Cám ơn, xin lỗi đã làm phiền anh.”

“Không có chi!”

Erik quay lưng đóng sầm cánh cửa. Người đàn ông sửng sốt lầm bầm trong miệng:

“Chính là hắn!”

Ngâu giả vờ không hiểu:

“Hắn nào?”

Người đàn ông trợn mắt:

“Nó…., cái thằng ngồi trên xe lăn hôm chủ nhật.”

“Ai ngồi xe lăn? Bác nói gì vậy? Erik là người giúp việc ở đây. Hắn coi sóc vườn tược, bầy chó, dọn dẹp, lau chui ..v.v..”

Người đàn ông lắc đầu quầy quậy:

“Đúng là hắn, có lý nào? Không…không thể lầm được.”

Nhìn gương mặt hậm hực của người khách lạ mặt, Ngâu kín đáo cười một mình. Ra đến cổng, Ngâu đứng lại bảo:

“Nếu muốn gặp mục sư, xin bác trở lại ngày mai. Bây giờ bác về đi…”

“Cám ơn, tôi tên là Paul”.

Ngâu gật đầu, cô ấn thùng quần áo có tấm ngân phiếu vô tay ông già:

“Cái này của bác!”

Người đàn ông uể oải đón cái thùng giấy rồi lầm lũi bước ra khỏi cổng. Ngâu đứng im nhìn theo. Cô thấy lòng nhẹ nhỏm. Miệng cười bâng quơ. Cô ngước mắt nhìn lên nóc giáo đường. Cây thánh giá nằm chót vót trên cao. Tượng Chúa ngoẻo đầu, chán chê nhìn xuống thế.

Người con gái bước lững thững qua dãy hành lang. Cô chùng bước khi nhìn thấy Davied bên chiếc xe pick-up ngay trước cổng. Gã thanh niên gập người thở dốc. Trên xe, đầy ắp các dụng cụ thu hình mà nãy giờ anh đang một mình khuân vác. Thấy Ngâu, anh lộ vẻ mừng rỡ ra mặt:

“Kìa Ngâu, cô chưa về sao?”

Ngâu cười, bối rối:

“Tôi đang sửa soạn về đây! Còn anh? Sao giờ này còn làm gì nữa vậy?”

David chỉ vào mớ đồ đạc chất chồng trên xe:

“Chủ nhật đâu có kêu được ai vào giúp. Tôi phải chở ba cái quỷ này tới nhà kho, phụ với anh tài xế một tay.”

Ngâu cười nhẹ:

“Ông mục sư có một nhân viên gương mẫu như anh thật là hiếm có!”

David phủi hai tay vô quần jeans:

“Ấy! Đây là một việc làm thôi mà! Tôi chỉ bán sức lao động, khi nào ra trường rồi tính sau.”

Ngâu ngạc nhiên:

“Anh còn đi học?”

David cười nheo mắt:

“Bộ vó của tôi không giống một người …có học phải không ?”

Ngâu đỏ mặt:

“Không, không phải thế! Tôi thấy ngày nào anh cũng có mặt ở đây, mà công việc thì không xuể! Thì giờ đâu anh có?”

David cười buồn:

“Tôi nghỉ học hơn một năm rồi! Định đi làm hết năm nay để có tiền học tiếp. Còn hơn một năm nữa tôi ra trường, thi lấy bằng hành nghề. Ông mục sư muốn giữ tôi lại để lo những vấn đề pháp lý cho nhà thờ. Tôi hứa với cô, việc đầu tiên là tôi sẽ chỉnh đốn lại ngôi nhà thờ này!”

“Tại sao lại hứa với tôi?”

David nháy mắt; nửa đùa, nửa thật:

“Tôi đứng đây từ lâu rồi, nãy giờ cô làm gì tôi đều thấy hết!”

Ngâu bối rối:

“Tôi thấy bất nhẫn quá…, không dằn được.”

David cười thật hiền:

“Tôi biết chứ! Tôi đọc được những điều bất mãn, bướng bỉnh trong mắt cô. Tôi biết nhiều lúc cô cũng như tôi, muốn đổ cha cái đống thư này xuống biển cho xong.”

Ngâu ngẩng mặt nhìn David chăm chú, cười nhẹ:

“Vậy sao? …Mỗi một lá thư có một hay nhiều nỗi đau khổ trong đó. Đâu có biển nào lại chứa đựng nỗi hết chừng đó đau khổ. Tôi không bướng đâu, tôi chỉ mong mọi người được bình yên. Hơn nữa, thánk kinh viết rằng’mỗi một sợi tóc rơi đều trong ý Chúa’; biết đâu tất cả những đau khổ của trần gian này đều cũng chỉ ‘nằm trong ý của Chúa’ mà thôi! Như vậy, tôi có…tư cách gì để bướng hở David?”

David ngửa cổ lên trời, cười hăng hắc. Tràng cưòi vừa dứt, David hỏi nhanh:

“Cô có tin Chúa không Ngâu?”

“Tin chứ!”

“Cô đi lễ thường không?”

Ngâu cười:

“Tôi không có đạo.”

David cười trêu:

“Không có đạo là không được lên thiên đàng đấy biết không ?”

Ngâu cười nhẹ:

“Sao lại ..kỳ thị thế?”

David đứng thẳng người, đút hai tay vô túi quần jeans nhìn Ngâu bằng cặp mắt thách thức, tinh quái:

“Chứ sáo! Mà này, nói cho tôi biết đi! Chúa …của cô là một nhân vật như thế nào vậy?”

Ngâu cười:

“Chúa của tôi là một người bình thường…có thể nói là tầm thường hơn của những người khác ! Chúa là một người cha, là người đã tạo ra những đứa con, gọi nôm na là nhân loại! Con tin cha là chuyện bình thường. Cha thương con là chuyện cũng bình thường nốt! Những đứa con, có đứa tật nguyền, cò đứa hư đốn; bổn phận làm cha là thương yêu luôn cả cái tật nguyền và cài hư đốn của những đứa con ấy! Bởi vì, chính ông đã tạo ra chúng. Chính ông đã chọn chúng! Những đứa con không có sự lựa chọn nào hết khi mở mắt chào đời. Có đúng vậy không ? Bởi thế cho nên dù tôi có là đứa con bướng bỉnh, không thuộc làu giáo lý, và không bao giờ đi lễ, tôi vẫn được thương yêu nhu thường! Bởi vì trên ‘nguyên tắc’ tôi là ‘con’ của ‘cha’ tôi . Dĩ nhiên, nế mà tôi có quá quắt lắm thì tôi cũng bị trừng phạt như thường. Trừng phạt chứ không phải là …ghét bỏ đâu nhé! Nước mắt chảy xuống chứ đâu có chảy lên bao giờ!”

David lắc đầu, chắc lưỡi:

“Cũng có …lý lắm! Tôi thì nghĩ không khéo cô là ‘đứa con’ được …nuông chiều quá mức rồi đấy!”

Ngâu cười bâng quơ, mắt chợt hướng về phía cuối đường:

“Tôi ấy hả? Tôi ..là một con chiên lạc bầy …vì lạc bầy cho nên người chăn chiên phải mất ..thì giờ và..lo lắng cho tôi nhiều hơn”

David nói nhanh:

“Đương nhiên, tôi là kẻ đầu tiên tình nguyện làm chỉ một việc nuông chiều và lo lắng cho cô thôi.”

Ngâu cười thật hiền. David đứng ngây người nhìn người con gái. Lòng nao nao. Giọng David chợt trầm xuống:

“Tôi có cảm tưởng như mấy tuân nay cô tránh tôi phải không ?”

Ngâu hơi khựng khi nghe David bỗng dưng chuyển câu chuyện sang một vấn đề khác. Cô phân trần:

“Không phải đâu! Lúc này quá nhiều thư, tôi bận rộn cả ngày!”

David thì thầm:

“Ừ…nhưng lúc nào tôi cũng nghĩ đến cô. Không hiểu soa tôi cứ thấy lo cho cô. Hình như thế giới này, xã hội này nhất là chỗ làm này không thích hợp với cô lắm…”

Ngâu bật cười:

“Anh làm như tôi là người ở hành tinh khác rơi xuống không bằng.”

David cười theo:

“Chắc cũng đâu đó thôi…”

Ngâu đưa tay vén tóc, nói tiếp:

“Đừng lo cho tôi, tôi biết phải làm sao mà…”

David cười cười, gật gù, im lặng. Ngâu nói nhanh:

“Tôi rất mệt. Xin phép anh, tôi về trước nhé!”

David bịn rịn chào:

“Ngâu về nghỉ đi! Mai gặp…”

Ngâu cười buồn quay đi.

Ừ! Ngày mai! Ngày mai, mặt rời chưa chắc còn nguyên vẹn màu sắc như ngày hôm nay thì huống hồ gì là tôi. Sáng mai thức dậy, tôi sẽ không cònlà tôi của hôm nay. Tôi hoàn toàn không có sự chọn lựa nào. Tôi như nước sông, nhu hoa, như cỏ, như gió và như mây. Trôi theo cuộc đời, không được ngừng nghỉ. Để rồi tôi sẽ già dặn hay héo khô theo đời sống như số phận của cỏ cây. Ngày mai. Ngày mai tôi hoàn toàn không muốn thức dậy khi tôi không còn Đính. Một người tôi rất yêu nhưng rồi sẽ phụ. Đôi khi yêu nhau là phải phụ nhau. Yêu người này thì phải phụ người kia. Chọn cái này phải mất cái kia. Đừng trách tôi vô tình hay hờ hững. Con người có mấy ai thoát khỏi cái vòng phụ bạc hở David?….

(còn tiếp)

Hoàng Thị Bích Ti

Để lại lời nhắn

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.