Nguyễn Hữu Liêm(San Jose/Cali/US),Tiến sĩ thứ thiệt (?!)”thầy dạy triết(không phải triết gia) nhà quê”,nuật sư… nà ai và một vài bài viết ??

Nguyễn Hữu Liêm – Tự hào là “Triết gia nhà quê” 

Hòa Bình  VietTimes – Là một trong những người Việt xa quê hồi hương sớm nhất, TS. Nguyễn Hữu Liêm làm bất cứ việc gì cũng trăn trở về tinh thần Việt Nam.

TS Nguyễn Hữu Liêm là giáo sư triết tại San Jose City College.

TS Nguyễn Hữu Liêm là giáo sư triết tại San Jose City College. 

Ông tiến sĩ nhiều nghề

Nguyễn Hữu Liêm là giáo sư triết tại San Jose City College. Đến Mỹ năm 1975 sau ngày 30/4, Nguyễn Hữu Liêm đi học cử nhân kinh tế nông nghiệp, rồi học thạc sĩ về quản lý công (ĐH Texas). Về California công tác, ông tiếp tục đi học luật. Nguyễn Hữu Liêm tốt nghiệp tiến sĩ luật khoa năm 1987 tại University of California, Hastings College of the Law, là chủ một hãng luật tư nhân tại Mỹ. Vẫn không dừng lại, Nguyễn Hữu Liêm tiếp tục trở lại trường ĐH, lấy bằng thạc sĩ triết học tại San Jose State University, tiến sĩ triết học tại California Institute for Integral Studies.  

Những năm đầu đến Mỹ, tâm trạng xa quê của một  người Việt vật lộn với đời sống kinh tế, vật chất, cản trở cách biệt văn hóa, ngôn ngữ không dễ chịu gì, chẳng khác nào con cá bị lấy ra khỏi dòng sông. 

Là một trong những người Việt xa quê hồi hương sớm nhất, từ năm 1989, qua đường Thái Lan, cho đến nay TS Nguyễn Hữu Liêm nhiều lần đi về giữa Mỹ và Việt Nam, tư vấn về luật quốc tế và có những lịch trình giảng dạy tại một số trường Đại học. 

Bài giảng của ông đặt ra những vấn đề gai góc như: “Có phải lịch sử đã đến hồi chung cuộc?” Theo Kojeve, phiên giải triết học Hegel, thì lịch sử nhân loại – như là một hành trình của ý thức tự do – đã đến hồi kết cuộc. Trên cơ sở bằng chứng và lý luận nào mà các triết gia  Âu-Mỹ có thể nói như vậy? Đây là đề tài triết học đã từng gây nhiều tranh cãi trên các diễn đàn triết học thế giới trong suốt nhiều thập niên qua. GS Nguyễn Hữu Liêm nói với sinh viên Việt về những phê phán cơ bản về luận cứ này và đưa ra những nhận xét của ông.  

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm – Tự hào là “Triết gia nhà quê” ảnh 1

Về Việt Nam nhiều lần, với kiến thức chính yếu triết học, ông Tiến sĩ đã cưu mang một nỗi niềm “vong quốc”, để từ đó ông xét lại lịch sử của nước Việt Nam với một lăng kính triết lý mà ông lập luận, ghi thành tác phẩm “Sử Tính và Ý Thức” (đã xuất bản và giới thiệu đến công chúng hồi năm 2016); “Thời tính, Hữu thể và Ý chí” (xuất bản năm 2018) giúp cho thế hệ trẻ qua những tác phẩm giá trị này, có thêm cái nhìn mang tính triết học về lịch sử của Việt Nam. 

“Đây là một hành trình Sử Lý qua cái Ta của Việt tộc trong tiến trình khai mở năng lực tự ý thức. Như là một nhân thể, quốc gia Việt Nam được thụ thai từ đời Hồng Bàng, qua các vua Hùng và suốt 10 thế kỷ cưu mang, chính thức khai sinh chào đời với nhà Đinh, đến thời kỳ lớn dậy trong ý thức thân xác / lãnh thổ, nuôi dưỡng sinh mệnh qua các thời Lý, Trần, Lê, đến những thời kỳ tự phân thể, nội chiến, khủng hoảng để hồi sinh và trưởng thành…”

“Đã đến lúc chúng ta, người Việt Nam, hay cho những ai quan tâm đến Việt Nam, hãy nhìn lại lịch sử Việt từ góc độ triết học. Thế nào là góc độ triết học? Lịch sử, hay bất cứ một đối thể nào mà tri thức con người cần thông hiểu, đều là sản phẩm của kiến tạo và phiên giải. Khi nhìn lịch sử trên cơ sở triết học, chúng ta nhìn quá khứ Đã Là qua các phạm trù siêu hình khi mà sự kiện và sử liệu từ thời gian đã được chuyển hóa và nâng lên tầm mức khái niệm” – TS Nguyễn Hữu Liêm viết trong cuốn “Sử tính và Ý thức”.

Tác giả nêu lên những giai đoạn lịch sử mà những mấu chốt này đã khiến cho ông tư duy nhìn ra “tính triết học”, nhìn ra bản chất của vấn đề, những “nguyên nhân” để từ đó đột phát, hoặc kéo dài trì trệ, hoặc là “sự lặp lại” của lịch sử v.v… Những điều mang tính triết lý cao thâm này, được tác giả giải thích cũng như định nghĩa qua “Sử tính”.

Ông viết: “Cái Đang Là nắm tay với Sẽ Là, quốc gia lớn lên thành quốc thể, để cá thể trở nên công dân. Đây là Thời Quán mà tổng thể sinh hiện từ chủ quan đến khách quan được đồng quy trên biện chứng tự ý thức, khi chủ và nô không còn nữa, và ý chí lịch sử sẽ là năng lực tinh thần mới cho một khả thể hạnh phúc từ thực tế khách quan đến đời sống nội tâm. Đó chính là lúc mà Ý Niệm Nhân Thức đã dung hợp với khái niệm và thực tại để cho chữ Thời và ý Sử sẽ không còn là mối bận tâm cho chúng ta”. 

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm – Tự hào là “Triết gia nhà quê” ảnh 2

Tự hào với hai chữ “Nhà quê” 

“Tôi dạy triết toàn thời gian cho sinh viên Mỹ, nói tiếng Anh bằng giọng Quảng Trị nặng như đá, cho nên sinh viên tưởng là cao siêu – vì chúng chẳng hiểu mô tê chi cả. Rứa mà lớp học của thầy Liêm lúc mô cũng đông sinh viên – vì tôi liên tục kể chuyện vui đùa kiểu nhà quê làm cho bọn trẻ cười văng bàn, văng ghế. Tôi hành nghề luật sư thì đồng nghiệp gọi tôi là “country lawyer” (luật sư nhà quê), dạy triết thì các giáo sư trong trường kêu là “country philosopher” (triết gia nhà quê)!” – TS Nguyễn Hữu Liêm chia sẻ. 

Theo ông “triết gia nhà quê” đánh giá, thì hình như trên nấc thang phát triển trí tuệ, người Việt vẫn còn đang ở nấc thang thi ca, văn chương, và phiên dịch sách ngoại ngữ, trí thức nào cũng làm thơ, viết truyện ngắn và (nếu có ngoại ngữ) sẽ dịch một vài cuốn sách nước ngoài, chứ chưa đến tầm mức tư duy khái niệm.

“Tôi đã phân tích vấn đề này kỹ trong cuốn “Sử Tính và Ý Thức”. Vấn đề tổng thể chung mà tôi đã nói trong cuốn “Sử Tính” rằng dân tộc ta, về trọng tâm tiến hóa, vẫn còn ở tuổi thiếu niên. Thành ra, hầu hết trí thức, văn nghệ sĩ, khoa học gia, chuyên gia, tu sĩ, lãnh đạo, dù học vị cao bao nhiêu, họ vẫn là những chàng niên thiếu ở khoảng tuổi 15-16. Đây là cơ bản của tất cả mọi vấn đề cho lịch sử và xã hội Việt Nam xưa nay. Tức là nói chung, dân tộc ta vẫn chưa đến tuổi trưởng thành” – TS Nguyễn Hữu Liêm phân tích.

Mới nhất, ông “triết gia nhà quê” có thêm ấn phẩm “Cám dỗ Việt Nam” vừa ra mắt, giới thiệu tới công chúng đọc. Một cuốn bút ký nhiều tính tự sự, nặng lòng với hai chữ “Việt Nam”. 

Thế hệ ra đi và trở về từ rất sớm cực kỳ khó khăn, hầu như không thể chữa khỏi vết thương trong lòng. Nhiều người luôn che đậy vết thương, e ngại nhìn lại quá khứ, sợ đối diện hiện tại, và thậm chí trốn chạy tương lai. 

“Không ai muốn nhìn lại vết thương hai lần – vì sự đau đớn về hoài niệm sẽ còn sâu sắc hơn vết thương khi mới bị bắt đầu. Nhưng ở đây, tôi sẽ nhìn thẳng vào vết thương của lịch sử và văn hóa, con người Việt Nam, ở trong hay ngoài nước, như là nhìn lại sự đau khổ mà tôi cùng chia sẻ từ tâm khảm đối diện đó. Không những thế, tôi muốn mở rộng và mạnh vào vết thương để cho mủ máu nhiễm trùng được tuôn  thoát ra ngoài (…) Vì tựu trung thì con người Việt Nam tự bản sắc là một hiện tượng tinh thần trong một bản sắc tư duy, tâm lý, và ý chí muốn vươn thoát cơ năng thân xác và căn cước tính vốn đầy thương tích và gian khổ” – TS Nguyễn Hữu Liêm viết trong cuốn “Cám dỗ Việt Nam”.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm – Tự hào là “Triết gia nhà quê” ảnh 3

Có khoảng cách văn hóa và muốn về quê 

“Về hưu, tôi muốn được sống ở quê!” – TS. Nguyễn Hữu Liêm nói. Nhắc tới “Cám dỗ Việt Nam”, ông “triết gia nhà quê” cười vui kể: “Ở Mỹ tôi hầu như không uống bia, nhưng về Việt Nam, lại thích ngồi nhậu vỉa hè với bạn. Không phải bia Việt Nam ngon hơn bia Mỹ hay bia Đức, mà là cái hương vị, không khí của quán nhậu Việt Nam rất hấp dẫn, cuốn hút, đầy cám dỗ, khó mà thoát được nó. Đôi khi có nghĩ đến khía cạnh mất vệ sinh an toàn thực phẩm tràn lan trên quán nhậu vỉa hè nhưng cũng quên ngay. Sự thực là bạn bè tôi cũng từ chối ăn trong Sofitel và thấy rất ngon miệng với quán nhậu vỉa hè quận Bình Thạnh, ngồi ăn mà chuột chạy dưới chân, rác với vỏ lon bia vứt đầy xung quanh”. 

Nhà hàng quán nhậu vỉa hè rất nhiều khi được chế biến bởi những nguồn không kiểm soát, nguồn thực phẩm bệnh, gia vị quá nhiều hóa chất, hoặc quá trình chế biến có thể khiến thực phẩm nạp vào cơ thể sẽ trở thành nguyên nhân dẫn tới bệnh ung thư. 

Trả lời cho câu hỏi có biết về những vấn nạn này không, TS. Nguyễn Hữu Liêm bảo: “Vẫn biết lối sinh hoạt này là rất có vấn đề, nhưng ai cũng vẫn bị cuốn vào, như thể có một ý niệm sâu xa từ trong tiềm thức, rằng mình là người Việt, nên việc mình hòa vào đời sống Việt như thế là hoàn toàn bình thường”. 

Kể về gia đình riêng, TS Nguyễn Hữu Liêm cho biết đã duy trì đời sống hôn nhân gần 40 năm nay. Hai vợ chồng gốc Việt thì hướng về quê hương nhiều hơn nhưng ba cô con gái thì gần như đã “Mỹ hóa” hoàn toàn. 

“Ví dụ khi tranh luận với nhau, vợ tôi cứ nói tiếng Việt còn mấy đứa con thì nói tiếng Anh. Hai bên vẫn hoàn toàn hiểu nhau, nhưng vẫn có một khoảng cách văn hóa nhất định. Không đến mức trở thành xung đột, nhưng chắc chắn là có khoảng cách. Tuy nhiên, quan niệm giáo dục trong gia đình của tôi khá cởi mở, không áp đặt. Chúng tôi là người Việt nhưng phải chấp nhận sự thật những đứa con sinh ra trên đất Mỹ, chúng là người Mỹ” – TS Nguyễn Hữu Liêm nói.

Ông “triết gia nhà quê” cho biết rất tự hào với biệt danh này, TS Nguyễn Hữu Liêm vẫn còn rất nhiều công trình đang tiếp tục nghiên cứu, ấp ủ, ghi chép lại và mong có thể trở thành những ấn phẩm có giá trị cho người đọc Việt tham khảo. Dòng máu Việt chảy trong huyết quản là điều không thể thay đổi, ông mong mỏi các thế hệ người Việt trẻ có thể “lớn lên” nhanh hơn, đáp ứng với những thay đổi của thế giới tốt hơn. 

Bài viết

‘Bi hài kịch trong xã hội Việt Nam thời hậu cộng sản’

  • Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm
  • BBC

23 tháng 11 2020

Getty Images

Thuở nhân loại còn lý tưởng siêu hình

“Từ thuởTiên đi, sầu cũng nhỏ

Nhân gian thôi nhớ chuyện trên trời.” 

Đó là hai câu thơ của Huy Cận trong Lời mở đầu của Bùi Văn Nam Sơn cho bản dịch “Hiện Tượng Học Tinh Thần” của G. W. F. Hegel (Văn Học-2006). Khi trích dẫn hai câu thơ này, chàng học giả họ Bùi muốn nói đến một không khí triết học đã trở nên trống vắng và không còn mang cao vọng lớn lao sau tác phẩm lừng danh này của Hegel. 

“Tiên” ở đây không phải là nàng tiên, hay là tiên sinh, mà là một nhà tiên tri cho thời đại và nhân loại. Khi nhà tiên tri đã ra đi, con người trần gian không còn màng đến việc tày trời. Họ chỉ còn biết chuyện trên Trái Đất, cho một cuộc sống thuần kinh tế vật chất. 

Nhìn lại lịch sử thế giới trong cả một trăm năm qua, từ “duy tâm luận” của Hegel, nhân loại lại hăm hở chạy theo “duy vật chủ nghĩa” của Marx để rồi hệ quả là con người càng lún sâu vào cõi vật thể. Không còn ai nhìn lên cao để “nhớ chuyện trên trời”. Ngay cả nỗi sầu muôn năm, nay cũng còn rất nhỏ. 

Khi con người đã bỏ lại đằng sau mình hai thời quán giáo điều của tôn giáo và ý thức hệ từ chủ thuyết chính trị thì hắn không còn gì siêu hình để tin vào, không còn lý tưởng vượt trần gian để sống và chết cho. Lịch sử nay đã không còn cứu cánh tính; cuộc đời cá nhân không còn cưu mang nội dung bản thể – hắn cũng mất luôn niềm xác tín vào ý nghĩa hiện hữu. Đây là thời điểm mà hắn bỏ rơi tôn giáo và chính trị để ra đi. Bi kịch là hắn không biết đi về đâu.

Khi thoát khỏi thần linh và ý hệ, ở giai đoạn đầu, con người cảm thấy bị chấn thương và bơ vơ. Nhưng nay thì nỗi cô đơn cũng đã không còn – khi ý thức lịch sử cũng đã biến mất. Tất cả nhân loại này, từ đông sang tây, từ giàu đến nghèo, nay đã trở nên những chiếc máy thuần kinh tế. Tiền bạc, vật chất là cứu cánh duy nhất, mối bận tâm tối hậu cho cuộc đời.

Còn đâu lý tưởng tinh thần?

Hãy nhìn vào đội ngũ đồng chí cách mạng Cộng Sản Việt Nam ngày nay. Những con người cách mạng oai hùng và huy hoàng thế kỷ trước nay chỉ còn loay hoay với những ván bài tiền của. Họ đã bỏ quên trời đất ngoài kia để chỉ còn say sưa trong bóng tối với chính mình. Đó là những đứa con của Karl Marx bị lịch sử bỏ rơi, thậm chí đang tha hóa. Cả bao thế hệ đi theo lãnh tụ Hồ Chí Minh cho lý tưởng độc lập, công lý và nhân phẩm dân tộc và tổ quốc, nay không ít họ sẵn sàng bỏ nước ra đi vì không còn chấp nhận tình trạng tha hóa cùng cực của xã hội và tổ chức cộng sản Việt Nam hiện tại.

Căn nguyên từ đâu? Gần hai thế kỷ trước, khi Marx đọc cuốn “Hiện Tượng Tinh Thần” này của Hegel, chàng ta muốn chuyển ngược biện chứng Tinh thần thành ra quy luật kinh tế. Gốc rễ của con người, thước đo cho nhân loại, không phải đến từ trời cao hay thần linh, mà là con người chính hắn. Marx muốn mang nhân gian này ra khỏi “vương quốc thiết yếu,” vốn chỉ biết bận tâm về nhu cầu vật chất, đến với “cõi tự do” nơi mà cá nhân và tập thể được dung thông trong hòa hợp giữa nhu cầu và khả năng. 

Marx muốn giải phóng con người ra khỏi “vọng tưởng duy tâm” của Hegel, vốn là “thượng tầng cấu trúc” của thực tế vật chất, để đem nhân loại trở về với thực tại trần đời, để làm người thế gian thuần kinh tế. Nhân loại hãy thôi hoang phí năng lực vào ước vọng siêu hình để mà đem hết sức mình lo chuyện áo cơm bằng phương trình lịch sử.

Và như ai cũng đã biết rồi. Cơn mơ nào cũng phải được tỉnh thức. Chủ nghĩa Marx đã tàn lụi như là một lý tưởng lịch sử và chính trị. Nhưng Marx đã tiên tri đúng về thân phận con người thế gian này, nhất là đối với cán bộ viên chức còn đứng trong Đảng Cộng sản VN. Tất cả đảng viên nay chỉ là những con vật kinh tế (nghĩa triết học: ‘man as an economic animal’) – và tham vọng quyền lực cũng duy chỉ cho cứu cánh vật chất. 

Không còn ai tin vào ngôn từ, khẩu hiệu của Đảng nữa. Năng lực hướng thượng cho đời sống Tinh thần đã biến mất – dù rằng nạn mê tín thần linh cho nhu cầu vật chất và quyền lực thì tràn ngập. Trời cao không còn. Lý tưởng đã chết. Cái điều nghịch ngẫu nằm ở chỗ rằng dù cho cán bộ Cộng sản Việt Nam hôm nay, trên bình diện lý thuyết chính trị, họ không còn tin Marx, nhưng trên bình diện kinh tế, họ đều là những đứa con ngoan của Marx (xem thêm các luận thuyết về ‘kinh tế học Marxist và phần động vật trong con người).

Hai nhà tiên tri mâu thuẫn

Hãy đọc lại Hegel. Lịch sử là sự “khai mở Tinh thần vào thời gian”, cũng như “Vũ trụ là sự khai mở Tinh thần vào không gian.” Thế giới, theo Hegel, là một hiện tượng Tinh thần, mà trong đó, cá nhân tính chỉ là một hình thái tha hóa đang vươn mình tìm về lại chân lý vốn đang chờ đón ở cuối hành trình lịch sử. Cứu cánh tính của lịch sử và nhân loại là Tự do. “Lịch sử thế giới là một tiến trình trong ý thức Tự do,” Hegel tuyên bố. 

Trên cơ bản cá nhân, Tự do là sự giác ngộ về “bản lai diện mục”. Trên cơ bản nhân loại, Tự do là sự dung thông của ý chí cá thể với thực tế lịch sử. Đây là một con đường đầy gian truân, “một xa lộ đầy bi kịch,” mà Tinh thần tạo hóa, như là một nhà đạo diễn đầy thủ đoạn – the cunning of Reason– nhưng với thiện ý, đầy đoạ nhân gian như là những trừng phạt của cha mẹ dành cho con cháu trong nhà nhằm cho chúng mở mắt ra để trưởng thành và lớn lao lên mà biết đến đường về.

Đối với Hegel thì bản chất tha hóa từ năng thức Tinh thần tuyệt đối nơi ý thức con người là nguyên nhân cho địa ngục trần gian. Trong khi đó, Marx thì cho rằng sự tha hóa của con người là hệ quả từ bản chất cấu trúc kinh tế vật chất có sẵn của xã hội. Marx muốn xem thế gian và lịch sử là đối tượng để chinh phục và đổi mới. “Chính ta sẽ dẫm trên đống gạch vụn lịch sử để đứng lên như là một thượng đế mới,” Marx viết. Con người và lịch sử như là một tiền đề và phản đề, soi gương lẫn nhau để mà chuyển hóa và biến thái lẫn nhau.

Getty Images
Chụp lại hình ảnh, “Chính ta sẽ dẫm trên đống gạch vụn lịch sử để đứng lên như là một thượng đế mới,” Marx viết

Một nửa nhân loại của thế giới, trong suốt hầu hết thế kỷ 20, đã nghe lời Marx như thế, để mang ý chí thay đổi lịch sử nhằm chuyển hóa con người. Hạnh phúc con người chỉ có từ cơ bản kinh tế khi cấu trúc xã hội sẽ phải được tái kiến tạo nhằm giải quyết nhu cầu thiết yếu vật chất. Những con chiên Marxists không còn phải chỉ lo về chính mình. Mà trái lại. Hắn muốn hy sinh đời sống riêng tư bằng ý chí tự phủ định cho cứu cánh lịch sử. 

Từ đó, lịch sử là chủ thể của ý chí mà cá nhân phải phục tòng. Con người từ giã tính tha hóa cá nhân bằng cách hòa mình vào ý chí tập thể trong cứu cánh tính tự do. Muốn được giải phóng, hắn phải trước hết tự trói chặt chính mình vào cơ năng tổ chức. Chỉ còn có con người lịch sử chứ không còn cá thể riêng tư. Và thảm họa phát xuất từ đó. 

Khi “Đảng ta” nuốt lấy cái ta cá thể Việt

Và người Cộng Sản Việt cũng đã hiến mình vào trong mắt xích tập thể cho lý tưởng lịch sử duy ý chí đó. “Đảng ta” nay đã thay thế cho cái ta cá nhân Việt. Vì thế, bản chất mâu thuẫn chính trị hiện nay ở Việt Nam nằm ở nơi khi mà ý chí vươn lên của cái ta cá nhân Việt muốn thoát khỏi xiềng xích tập thế của “Đảng ta”. 

Getty Images
Chụp lại hình ảnh, Lễ diễu hành ở Huế hồi 2005, kỷ niệm 30 năm sự kiện 30/4/1975

Nay nhìn đâu con người Việt Nam cũng chỉ còn thấy những sự xuống cấp, tan rã của thần linh, của tiên tri, của giáo điều, chủ nghĩa, của tổ chức, của Đảng ta. Mọi thứ đều rất rẻ, dễ mua, dễ bỏ. 

Theo tôi, dân tộc Việt nay chỉ còn đi theo tinh thần thời đại duy vật chất, hết mơ nói chuyện trên trời. 

Những ngày mùa đông cuối năm 2020, ở khắp nơi trên thế giới cũng như ở đất nước Việt Nam, tất cả là một trường nhân gian tất bật lo lắng thuần kinh tế và thân xác. Trong hơi men tàn của cơn say lý tưởng từ thế kỷ trước, có cái gì đó trong tâm tư nhiều người Việt đang thấy rằng đây là một hoạt cảnh nhàm chán loay hoay của một khối nhân loại không còn lý tưởng, không còn chân lý và sự thật, không còn ý chí lịch sử. 

Khi Hegel bị lãng quên, Marx rớt vào sọt rác thì lúc mà người Cộng Sản Việt nay đã kiệt sức lý tưởng và ý chí cao thượng. 

Các hiện tượng quậy phá, làm dáng của một số trí thức, văn nghệ sĩ, của người giàu có tại Việt Nam hiện nay xét ra là tấn bi hài kịch của nỗ lực muốn thoát ra khỏi xiềng xích ‘tính Đảng’. Các cố gắng du nhập tư tưởng tiến bộ, hiện đại từ bên ngoài vào Việt Nam, công việc chỉnh sửa giáo dục, sách giáo khoa, phát triển mạng XH… luôn có nguy cơ hoặc bị đè bẹp, hoặc bị biến dạng, hội nhập vào dòng tha hóa.

Ngay cả thi ca, âm nhạc và văn chương Việt hiện nay đa phần trở nên trống rỗng nhàm chán khi đã hết chất men tinh thần thời kháng chiến. 

Không còn ai xứng đáng là kẻ tiên tri cho thời đại. Những đứa con rơi thuần duy vật của Marx ở Việt Nam nay đã mất hồn lịch sử. Mối sầu kim cổ lớn lao của nhân loại đi đâu mất rồi! Hãy đọc tiếp hai câu thơ Huy Cận:

Đại bàng vỗ cánh muôn năm trước

Đâu biết trời kia rộng mấy khơi.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của luật sư, tiến sĩ triết học Nguyễn Hữu Liêm từ Hoa Kỳ từ San Jose, California. Trong số các sách của ông đã có cuốn ‘Thời tính, Hữuthể và Ý chí: Một luận đề siêu hình học” được xuất bản ở Việt Nam năm 2018.

Các bài cùng tác giả đã đăng:

Việt Nam và Triết học: Suy nghĩ về Trần Ðức Thảo

Về con đường xã hội chủ nghĩa thực thụ cho Việt Nam

Làm sao để nhân quyền thành niềm tự hào quốc tế cho Việt Nam?

Để lại lời nhắn

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.