
Đắk Lắk
Đắk Lắk: 10 năm giữ chức, chỉ huy quân sự không có bằng tốt nghiệp THPT
Thứ Tư, 25/11/2020
Một cán bộ quân sự phường ở Đắk Lắk không có bằng THPT nhưng vẫn được bổ nhiệm giữ chức chỉ huy trưởng gần 10 năm. Ngoài ra, ông này còn bị kiểm tra vì nhận tiền chạy việc.
Nguồn tin từ UBND phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) sáng nay (25/11) xác nhận, UB Kiểm tra Đảng ủy phường đã có kết luận về việc ông Nguyễn Sông Đà (SN 1966, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự (BCHQS) phường Tân Hòa) không có bằng tốt nghiệp THPT và bị tố nhận tiền chạy việc.
Theo kết luận, ông Đà có nhận 100 triệu đồng của một người dân trên địa bàn để lo chạy việc.
Ngoài ra, kết luận cũng nêu rõ, ông Đà không có bằng tốt nghiệp THPT.
UBND phường Tân Hòa nơi ông Đà giữ chức Chỉ huy trưởng BCHQS gần 10 năm nay
Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Sông Đà tham gia công tác tại BCHQS phường Tân Hòa từ năm 2003.
Thời gian này, ông Đà có tham gia học bổ túc trung học tại Trường Đào tạo nghề thanh niên dân tộc Đắk Lắk, khóa 2004-2006.
Ông Đà sau đó có tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng không đậu.
Năm 2005, ông Đà được bổ nhiệm giữ chức Phó chỉ huy trưởng BCHQS phường Tân Hòa.
Đến năm 2011, ông Đà tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức Chỉ huy trưởng BCHQS phường và giữ nguyên chức vụ từ đó đến nay.
Trong quá trình công tác, năm 2014, thông qua người quen, ông Đà nhận 100 triệu đồng để chạy cho một trường hợp trên địa bàn đi dạy học.
Ông Đà có ghi giấy nhận tiền và cam kết trong tháng 5/2015 sẽ có quyết định cho trường hợp trên đi dạy.
Tuy nhiên, ông Đà đã không lo được việc như cam kết và cũng không trả lại tiền.
Sự việc sau đó được người dân phản ánh đến UBND phường Tân Hòa nơi ông này công tác.
Giấy nhận tiền chạy việc có chữ ký của ông Nguyễn Sông Đà
UB Kiểm tra Đảng ủy phường Tân Hòa sau khi kiểm tra đã kết luận, việc nhận tiền chạy việc của ông Đà đã làm ảnh hưởng đến cá nhân và uy tín tổ chức Đảng.
Tuy nhiên, cơ quan này chỉ yêu cầu ông Đà khắc phục hậu quả, trả lại tiền cho nạn nhân.
Về việc ông Đà không có bằng tốt nghiệp THPT, UB Kiểm tra Đảng ủy phường cũng chỉ yêu cầu kê khai lại trình độ văn hóa trong hồ sơ lý lịch theo quy định.
Làm việc với ông Nguyễn Sông Đà, ông này thừa nhận có nhận 100 triệu của người dân để lo chạy việc đúng như phản ánh.
Ông Đà cho biết, số tiền trên đã đưa cho một sĩ quan về hưu để ông này đưa cho ông Phạm Văn Tốt (giám đốc công ty hướng nghiệp quốc tế, có trụ sở tại phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột) lo việc.
Theo ông Đà, ông Tốt không lo được việc và cũng không trả lại tiền, khiến ông cũng bị biến thành nạn nhân.
Liên quan đến ông Phạm Văn Tốt, tháng 9/2020, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên phạt 24 năm tù giam về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức chiếm đoạt hơn 7,2 tỷ đồng của 56 người dân trên địa bàn tỉnh.
Về việc không có bằng tốt nghiệp THPT, ông Đà cho biết, có tham gia học bổ túc, có dự kỳ thi nhưng không đậu.
Theo ông Đà, thời điểm đó do khó khăn về kinh tế nên ông không đăng ký thi lại tốt nghiệp THPT và chỉ sử dụng học bạ để công tác từ đó đến nay.
Trùng Dương
Loạn Giám Đốc :Đắk Lắk: Giám đốc cũ âm thầm chiếm số điện thoại đấu giá hơn 500 triệu
Thứ Tư, 25/11/2020 lúc 8:10
Giám đốc cũ của Công ty TNHH Rạng Đông âm thầm đoạt số điện thoại giá trị “khủng”, đưa ra nhiều lý do chứng minh số điện thoại đó là của mình.
Số điện thoại 05003.999.999 (nay là 02623.999.999) được đặt ở Bến xe phía Nam TP Buôn Ma Thuột và Công ty TNHH Rạng Đông vẫn trả cước đều đặn
Số điện thoại của Công ty TNHH Rạng Đông (BX phía Nam TP Buôn Ma Thuột) vẫn được công ty đóng tiền cước 3 năm qua bỗng không liên lạc được. Liên hệ đơn vị cung cấp dịch vụ, công ty “té ngửa” khi số điện thoại đã được giám đốc cũ âm thầm chiếm đoạt làm của riêng.
Giám đốc tự viết giấy giới thiệu cho mình để đi chuyển số
Ông Lê Văn Kim, Giám đốc Công ty TNHH Rạng Đông phản ánh, gần một tháng qua, số điện thoại 02623.999.999 (khi chưa chuyển đầu số là 05003.999.999) trong phòng làm việc của ông bất ngờ không liên lạc được. Liên hệ với đơn vị cung cấp dịch vụ (VNPT Đắk Lắk – PV), ông Kim tá hỏa khi được trả lời số điện thoại này đã được ông Nguyễn Thanh Tâm (Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc cũ của Công ty) chuyển tên từ năm… 2017, đến nay đã chuyển địa chỉ đi chỗ khác.
“Ông Tâm là giám đốc cũ của công ty, nhưng đây là số điện thoại của Công ty Rạng Đông dùng từ trước đến nay và vẫn để địa chỉ tại BX phía Nam TP Buôn Ma Thuột, công ty vẫn trả cước đầy đủ. Số thuê bao đứng tên công ty, trước khi đổi sang tên cá nhân thì VNPT Đắk Lắk phải xác minh chứ. Ngoài ra, tháng 4/2019, tôi đã trực tiếp liên hệ với Trung tâm Kinh doanh VNPT Đắk Lắk để nộp hồ sơ cập nhật số điện thoại này. Thật vô lý khi nhân viên VNPT Đắk Lắk nói có giấy giới thiệu của ông Tâm yêu cầu chuyển thì họ chuyển”, ông Kim bức xúc.
Theo hồ sơ ông Kim cung cấp, ngày 30/3/2010, thông qua chương trình đấu giá “Chung tay vì người nghèo” của Ủy ban MTTQ tỉnh Đắk Lắk, Công ty TNHH Rạng Đông trúng số điện thoại 05003.999.999 với giá 505 triệu đồng (lúc này ông Nguyễn Thanh Tâm làm Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc). Sau đó, số thuê bao được chuyển giao cho Công ty TNHH Rạng Đông đứng tên, có địa chỉ sử dụng tại BX phía Nam TP Buôn Ma Thuột (Km723 Phan Huy Chú, phường Khánh Xuân). Từ tháng 3/2010 – 10/2020, thuê bao được VNPT Đắk Lắk thu cước viễn thông gạch nợ tại Ngân hàng Agribank Đắk Lắk.
Ngày 15/11/2017, ông Tâm ký hợp đồng “Chuyển nhượng phần góp vốn trong công ty” cho ông Kim với giá 28 tỷ đồng, nhận chuyển trước 13 tỷ đồng chờ hoàn tất thủ tục chuyển nhượng sẽ thanh toán đủ.
Tuy nhiên, trong khi chờ bàn giao công ty, ông Tâm đã tự viết giấy giới thiệu cho mình, âm thầm liên hệ với VNPT Đắk Lắk làm thủ tục chuyển nhượng số thuê bao 02623.999.999 từ chủ thuê bao là Công ty TNHH Rạng Đông sang tên cá nhân Nguyễn Thanh Tâm. Nhưng kỳ lạ là ông Tâm vẫn giữ nguyên địa chỉ để Công ty TNHH Rạng Đông đều đặn nộp cước điện thoại.
Giấy ủy nhiệm chi, Công ty TNHH Rạng Đông trúng đấu giá số điện thoại 02623.999.999 hơn 500 triệu đồng
Ông Nguyễn Thế Hùng, Kế toán trưởng Công ty TNHH Rạng Đông cho hay, sau khi biết số điện thoại đã bị cắt, chuyển khỏi địa chỉ công ty, ông đến VNPT Đắk Lắk làm việc thì mới biết từ tháng 11/2017, ông Tâm dùng giấy giới thiệu mẫu cũ, công ty đã bỏ từ năm 2010 để đi làm thủ tục chuyển số điện thoại.
“Đây là tài sản của công ty, hình thành từ việc công ty bỏ ra hơn 500 triệu đồng để lấy số điện thoại này. Nếu ông Tâm muốn lấy số này thì phải thông qua hội đồng, phải được công ty xuất hóa đơn”, ông Hùng cho hay
“Số điện thoại của tôi, công ty xài thì họ trả tiền”
Ông Tâm tự viết giấy giới thiệu để đi chuyển nhượng số điện thoại. Nhưng đây là mẫu cũ, địa chỉ công ty cũng đã thay đổi
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Tâm cho biết: “Số điện thoại này không có giá trị 500 triệu đồng gì cả. Tôi có số điện thoại này qua hình thức đấu giá, ủng hộ người nghèo. Trước khi bán công ty, tôi chuyển số điện thoại về tên cá nhân của tôi theo đúng quy định, thủ tục của VNPT. Còn việc tôi sang tên nhưng vẫn để địa chỉ số điện thoại ở Công ty TNHH Rạng Đông vì tôi lên đó (Đắk Lắk) làm, không có nhà cửa nên vẫn lấy địa chỉ đó (BX phía Nam). Số điện thoại của tôi thời điểm đó Công ty TNHH Rạng Đông xài thì họ trả tiền”, ông Tâm giải thích.
Về việc sau khi ký hợp đồng và nhận 13 tỷ đồng, đang chờ hoàn tất thủ tục bàn giao công ty, đã âm thầm đi chuyển số điện thoại, ông Tâm nói: “Tôi không nhớ chính xác thời gian nào nhưng là thời gian tôi còn có quyền ký, quyền giữ dấu. Nếu chuyển giao cho người ta thì tôi lấy tư cách gì lên làm việc đó. Giấy giới thiệu cũ còn hiệu lực hay không, lâu rồi không nhớ. VNPT đòi cái gì tôi đưa cái đó, tôi thực hiện giao dịch là hoàn toàn đúng”, ông Tâm khẳng định.
Ông Nguyễn Viết Cầu, Phó giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Đắk Lắk cho biết: “Tháng 11/2017, ông Tâm mang giấy giới thiệu đóng dấu của công ty đến để chuyển nhượng số thuê bao 05003.999.999. VNPT chỉ căn cứ vào giấy giới thiệu này để chuyển. Còn giấy giới thiệu thật hay giả, công ty này bán cho người khác hay chưa thì không thuộc trách nhiệm của VNPT”.
Về việc chuyển tên người sở hữu số điện thoại nhưng địa điểm không chuyển, VNPT vẫn thu tiền của Công ty TNHH Rạng Đông, ông Cầu cho hay, về lý và quy trình đều không sai, bởi việc để địa chỉ ở đâu, đăng ký ai trả tiền là quyền khai báo của khách hàng.
“Hiện, VNPT Đắk Lắk đang liên hệ với ông Tâm để giải quyết. Ngày 19/11/2020, chúng tôi cũng đã tạm khóa số điện thoại này chờ xác minh, giải quyết. Nếu xác định Công ty TNHH Rạng Đông đúng thì VNPT sẽ trả về cho Rạng Đông”, ông Cầu thông tin.
Có dấu hiệu của hành vi chiếm đoạt tài sản
Trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Tạ Quang Tòng, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk cho biết, Công ty TNHH Rạng Đông trúng đấu giá số điện thoại 02623.999.999 với số tiền hơn 500 triệu đồng nên đây là tài sản của công ty và chỉ công ty mới có quyền quyết định đối với toàn bộ các vấn đề liên quan đến số điện thoại này, kể cả việc chuyển đi đâu hay giao cho ai. “Khi việc mua bán công ty diễn ra, giữa hai bên không có thỏa thuận hay ràng buộc thì đương nhiên số điện thoại trên là tài sản của Công ty TNHH Rạng Đông. Do đó, việc ông Tâm tự ký giấy giới thiệu, tự đi chuyển số điện thoại (tài sản của công ty) cho mình là việc làm sai trái. Với giá trị số điện thoại 02623.999.999 hơn 500 triệu đồng thì ông Tâm có dấu hiệu của hành vi chiếm đoạt tài sản của công ty”, luật sư Tòng phân tích.
Cũng theo luật sư Tòng, VNPT Đắk Lắk có câu trả lời rất thiếu trách nhiệm khi cho rằng có giấy giới thiệu là chuyển chủ sở hữu của số điện thoại. Đây là tài sản bán đấu giá với số tiền trúng đấu giá rất lớn và là tài sản của công ty nên khi có người yêu cầu chuyển sở hữu số điện thoại thì VNPT phải cử người xác minh. Trong trường hợp này, có thể nói hành vi của VNPT không tiếp tay nhưng thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đắk Lắk: Hàng nghìn dân mắc kẹt trong nước lũ lòng hồ Krông Pách thượng – Làm sao để vẹn toàn?
Thứ Năm, 12/11/2020
Hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu mắc kẹt trong tình thế nguy cấp. Nhưng điều đáng nói ở đây là dù biết nguy hiểm nhưng chỉ có 6% hộ dân đồng ý di dời tới nơi được cho là an toàn hơn.
Mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 12, khiến một vùng rộng lớn lòng hồ Thủy lợi Krông Pách Thượng, huyện M’đrăk, tỉnh Đắk Lắk bị ngập sâu trong nước. Hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu mắc kẹt trong tình thế nguy cấp. Nhưng điều đáng nói ở đây là dù biết nguy hiểm nhưng chỉ có 6% hộ dân đồng ý di dời tới nơi được cho là an toàn hơn. Tại sao lại có tình trạng này?

Chiều tối (10/11), ghi nhận lượng nước kỷ lục ở lòng hồ Krông Pách thượng khi lên tới cao trình trên 480m. Cả 3 thôn 9, 10 và 11 của xã Cư San nằm giữa lòng hồ đã bị cô lập, chia cách với hàng chục nhà bị ngập, có nhà ngập tới nóc. Dõi theo nước lũ đã mấp mé sàn nhà, vợ chồng anh Giàng Seo Thái, thôn 11 rất lo lắng cho tính mạng của 2 đứa con nhỏ cùng những tài sản tích cóp trong nhiều năm. Chính quyền có vận động gia đình anh di dời đến trường tiểu học nằm ở giữa thôn nhưng anh không đồng ý. Lý do là vì khu vực trường học cũng nằm ngay giữa vùng lòng hồ, không cao hơn nhà anh là bao và nếu nước ngập đến thì lại không có lối thoát, càng nguy hiểm hơn.
“Bây giờ là mình cũng không biết đi đâu nữa. Bên dự án bảo chuyển sang bên trường Tiểu học Bùi Thị Xuân nhưng bên đó không cao mấy, nước dâng cỡ 2m nữa là ngập, mà ngập là không có đường ra nữa. Nếu được thì chuyển sang đồi cao bên kia, làm cái lán đảm bảo cho bà con thì mới đúng vì bên đó thì không ngập được”.
Ông Giàng Seo Dũng, Bí thư Chi bộ thôn 10, xã Cư San cho biết, thôn của ông bị ngập nặng nhất trong vùng lòng hồ. Chứng kiến cảnh sơ tán dân vùng ngập lụt theo kiểu di dời từ nhà này sang nhà khác trong cùng một thôn, ông Dũng không đồng tình. Đây chỉ là cách tạm bợ, vì độ chênh cao của các nhà chỉ một vài mét, nếu nước dâng lên lại tiếp tục phải di dời, rất tốn công sức của người dân mà lại không an toàn. Trong khi đó, theo ông Dũng, khi triển khai dự án Krông Pách thượng, Nhà nước đã quy hoạch những khu tái định cư.
Ông Dũng đặt vấn đề, tại sao không sớm triển khai phương án đền bù và di dời dân đến vùng tái định cư, vừa đảm bảo sản xuất, vừa đảm bảo đời sống cho bà con: “Sớm muộn cũng phải đền bù, bồi thường cho người dân thì chỗ nào cần thiết thì đền bù để người ta ra chỗ mới thôi chứ còn cứ làm dự án treo ở đây thì rất khó khăn cho bà con. Bây giờ các anh xem xét phương án bồi thường thế nào rồi, khu tái định cư thế nào, nếu được thì sắp cho những hộ đã ngập đất đai không sản xuất được, rồi bây giờ bị ngập nhà cửa nữa”.
Ông Phạm Đăng Đảng, Chủ tịch UBND xã Cư San thừa nhận, việc di dời dân vùng ngập lụt có những khó khăn và bất cập dẫn đến diễn ra chậm. Địa bàn bị chia cách, cô lập, lực lượng tăng cường vào vùng lòng hồ không thể vượt nước lũ từ thôn này sang thôn kia để hỗ trợ. Đồng thời, do không xác định được nước sẽ ngập đến đâu để chủ động di dời sớm nên xã chỉ có thể làm theo kiểu nước ngập đến nhà nào thì di dời nhà đó. Một số thời điểm, nước lũ lên nhanh, việc di dời tài sản của dân không kịp, đành phải để bị ngập.
Cho đến ngày 11/11, xã di dời được 40 hộ bị ngập lụt tại 3 thôn. Rất may là trời hiện đã tạnh mưa, nước lũ rút bớt đi nên giảm được áp lực di dời dân. Tuy nhiên, lúc này, các vấn đề về vệ sinh môi trường, nguồn nước ô nhiễm là rất đáng lo. Cấp trên từng hứa tạo điều kiện có phương tiện đi lại an toàn, miễn phí cho dân khi nước lũ dâng. Tuy nhiên, việc này hiện nay không được đảm bảo, người dân giờ lại phải trả tiền thuê thuyền máy của tư nhân chở với chi phí rất cao.
“Việc đi lại của bà con lại bắt đầu phải thực hiện thông qua việc trả tiền, chi phí rất cao. Một lần đi thuyền như vậy là 30.000 đồng. Cũng đề nghị các Ban xem xét, vì theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp khi vào đây thì phải bố trí, tạo điều kiện để người dân đi lại an toàn, miễn phí”.
Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng NN-PTNT huyện M’Đrăk cho biết, bão số 12 đã qua nhưng bão số 13 lại đang vào. Công tác nắm tình hình và di dời dân vẫn được tiến hành trong vùng lòng hồ Krông Pách thượng. Theo kế hoạch, ít nhất 100 hộ ở ven sông suối, trong số hơn 600 hộ dân còn mắc kẹt ở vùng lòng hồ sẽ phải di dời để tránh những nguy cơ: “Bây giờ mình không thể nói chính xác hết được. Nhưng nếu theo phương án của dự án Krông Pách Thượng toàn bộ số hộ dân nằm trong 3 thôn là hơn 600 hộ. Trước mắt bây giờ phải trên 100 hộ có dự kiến phải di dời. Những hộ nằm ven sông, suối là ưu tiên phải di dời trước”.
Trực tiếp vào khảo sát vùng lòng hồ Krông Pách thượng bị ngập lụt và lắng nghe ý kiến người dân cũng như các bên liên quan, ông Nguyễn Song Lâm, Phó Cục trưởng Cục quản lý xây dựng công trình, Bộ NN-PTNT cho biết, vấn đề ngập lụt, ảnh hưởng đến dân ngoài yếu tố thiên tai, có một phần lỗi từ việc triển khai dự án. Trong đó, sự chậm trễ trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời dân là nguyên lỗi lớn nhất. Lúc này, tiền đã có, cơ chế, chính sách cũng đã có, những vướng mắc đã được tháo gỡ, vấn đề còn lại là chính quyền địa phương và các bên liên quan thực thi thế nào để đẩy nhanh tiến độ. Với tình hình ngập lụt như hiện nay, rõ ràng phương án đưa dân đến vùng tái định cư là vẹn toàn nhất.
“Cả dự án có hơn 600 hộ vào khu tái định cư, bây giờ có 50 hộ. Khi làm công trình nào cũng thế, cuộc sống của bà con sẽ xáo trộn, nhưng để hướng tới cuộc sống phát triển hơn bà con cần chia sẻ với chính quyền, với các bộ, các cấp để đẩy nhanh công trình càng sớm càng tốt. Những khó khăn trước đã qua, đã giải quyết rồi thì bây giờ chỉ có trình duyệt phương án thì đề nghị Ban A tỉnh bám sát, chủ trì, phối hợp để trình duyệt nhanh. Đồng thời vận động dân, đủ điều kiện thì di chuyển lên”, ông Nguyễn Song Lâm nói.
Như vậy, với những gì báo cáo được cho là đã có sự chủ động, sự nỗ lực của chính quyền địa phương trước sự an nguy của người dân, số hộ dân được di dời tạm thời vì mưa lũ mới chỉ chiếm khoảng 6% số hộ dân còn mắc kẹt ở vùng lòng hồ Krông Pách thượng. Trong khi, số hộ dân cần di dời theo diện tái định cư vùng lòng hồ vẫn là con số không tròn trĩnh. Sự chủ động, nỗ lực cũng cần được xem xét lại, khi chính quyền địa phương lựa chọn địa điểm di dời, nhưng dân e ngại, không muốn đến vì cho rằng thiếu an toàn khi vẫn nằm ngay trong vùng lòng hồ, không biết nước sẽ dâng lên tới lúc nào.
Cũng cần nhắc lại, thủy lợi Krông Pách thượng có vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng, triển khai suốt từ năm 2009 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Dự án chậm tiến độ, đội vốn. Hơn 600 hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu lẽ ra đã phải di dời thì nay vẫn mắc kẹt ở lòng hồ. Những mối nguy cơ đối với vùng lòng hồ đã liên tục được Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan chức năng nhắc nhở, cảnh báo từ đầu năm 2020 đến nay khi công trình đã đắp đập, chặn dòng, đặc biệt là từ trung tuần tháng 8 vừa qua, khi có đợt lũ đầu tiên ở vùng lòng hồ. Dù liên tục bị nhắc nhở, phê bình nhưng việc giải phóng mặt bằng của tỉnh Đắk Lắk không có mấy cải thiện. Tắc trách, chủ quan, thờ ơ, thiếu trách nhiệm trước sự an nguy của dân là những gì đang diễn ra tại dự án nghìn tỷ này.
Công Bắc/VOV-Tây Nguyên
- Đắk Lắk: Các hộ dân vùng lòng hồ Krông Pách Thượng được di dời đến nơi an toàn
- Đắk Lắk: Những hình ảnh từ tâm điểm ngập lụt Krông Pách thượng
Lâm Đồng: Rừng nguyên sinh bị tàn phá, gỗ lậu lọt vào nhà… Tổ trưởng bảo vệ rừng
Thứ Ba, 24/11/2020 lúc 10:33
Sau khi phát hiện mười mấy cây bạch tùng và cây de cổ thụ trong rừng nguyên sinh bị cưa hạ, Hạt Kiểm lâm Lâm Hà (Lâm Đồng) đã điều tra phát hiện 23 phách gỗ bạch tùng với khối lượng 1,555 m3 trong vườn nhà của Tổ trưởng Tổ quản lý bảo vệ rừng.
Hiện trường vụ phá rừng ở TK 249
Nhận được tin báo của người dân, ngày 23/11, phóng viên Tiền Phong cũng đồng nghiệp đi bộ men theo đường mòn nhỏ hẹp với những dốc cao dựng đứng xuyên rừng nguyên sinh để tiếp cận hiện trường vụ phá rừng xảy ra tại lô b2, khoảnh 2, tiểu khu (TK) 249 thuộc địa bàn xã Đạ Đờn (Lâm Hà).
Leo lên gần đỉnh núi cao chót vót, phóng viên chứng kiến hơn 11 cây dẻ và bạch tùng lâu năm bị cưa hạ ngổn ngang, thậm chí có những cây đường kính hơn 1m, hai người ôm không xuể. Dấu cưa còn mới, lá vẫn xanh tươi.
Hàng loạt cây bạch tùng cổ thụ bị cưa hạ.
Cây có đường kính lớn, 2 người ôm không xuể.
Ông Đồng Văn Tuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lâm Hà cho biết, đây là lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý. Tuần trước, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Đạ Đờn kiểm tra phát hiện 11 cây gỗ bị cưa hạ trái phép, ước thiệt hại hơn 20,4 m3 gỗ. Đối tượng vi phạm đã xẻ gỗ ngay tại rừng, lấy đi gần 17,6 m3, số gỗ còn sót lại tại hiện trường xấp xỉ 3m3.
Hạt Kiểm lâm đã khoanh vùng đối tượng tình nghi. Đến ngày 20/11, kiểm tra phát hiện 23 phách gỗ bạch tùng với tổng khối lượng 1,555 m3 trong vườn cà phê của ông N.V.T (54 tuổi, trú thôn R’Hang Trụ, xã Phúc Thọ, Lâm Hà).
Các phách gỗ này có cùng chủng loại và chiều dài với những lóng gỗ bị cắt khúc tại hiện trường vụ phá rừng rừng bị khai thác trái pháp luật. Đáng lưu ý, ông N.V.T là Tổ trưởng Tổ nhận khoán bảo vệ rừng ở TK 249, nơi hàng loạt cây cổ thụ vừa bị triệt hạ.
Hiện trường nơi các đối tượng xẻ gỗ giữa rừng, lấy đi toàn bộ các phách gỗ.
Cây rừng nguyên sinh bị cưa cắt la liệt, xe gỗ tại chỗ
Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với công an lập biên bản tạm giữ toàn bộ số gỗ nêu trên; đồng thời lấy lời khai ông N.V.T.
Bước đầu ông N.V.T khai mua số gỗ trên của B.M.C (38 tuổi, trú cùng thôn). Qua nắm bắt thông tin tại địa phương, bước đầu Hạt kiểm lâm xác định một nhóm gồm 6 đối tượng tình nghi khai thác rừng trái pháp luật.
Các cơ quan chức năng đang phối hợp khám nghiệm hiện trường; triệu tập các đối tượng tình nghi để điều tra; củng cố hồ sơ khởi tố vụ phá rừng nghiêm trọng này.Cách đây 2 năm, Hạt kiểm lâm Lâm Hà cũng đã khởi tố vụ phá rừng tại khu vực này nhưng chưa tìm ra thủ phạm.
Gỗ gỗ bạch tùng phát hiện tại vườn nhà ông N.V.T.
Lực lượng chức năng đến hiện trường vụ phá rừng.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại tá Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng Công an huyện Lâm Hà, cho biết, xác định vụ phá rừng này có tính chất phức tạp nên đơn vị đang khẩn trương phối hợp với Hạt kiểm lâm để điều tra truy tìm thủ phạm, xem số gỗ còn lại đã được đưa đi đâu, xem xét trách nhiệm của chủ rừng.

Được biết, bạch tùng là một trong những loại gỗ tốt, thớ gỗ dày, mùi hương dịu nhẹ, phù hợp với tập tính của chim yến nên được dùng làm nhà nuôi yến.
Ngoài ra, bạch tùng còn là nguyên liệu được ưa chuộng nhất trong nghề chạm tranh bút lửa…
Lâm Đồng: 12 cán bộ lấn chiếm đất công, huyện không xử lý
Thứ Năm, 26/11/2020
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phát hiện 12 cán bộ, công chức, viên chức lấn chiếm đất công (phần diện tích đất thuộc tuyến kênh N2 cũ).
Kết luận của UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ ra việc 12 cán bộ ở huyện Cát Tiên lấn chiếm đất công.
Theo kết luận vừa ban hành của UBND tỉnh Lâm Đồng, nội dung tố cáo UBND huyện Cát Tiên có hành vi thoái thác trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong lĩnh vực đất đai tại địa phương, để một số hộ dân, cán bộ, công chức lấn chiếm đất công, mà cụ thể là phần diện tích đất thuộc tuyến kênh N2 cũ; cán bộ, công chức vi phạm lấn chiếm phần đất kênh N2 cũ nhưng không được xử lý bởi các cấp chính quyền địa phương là nội dung tố cáo đúng.
Bởi vì, năm 1997, UBND huyện Cát Tiên đã thu hồi của một số hộ dân và bàn giao cho Ban Quản lý dự án xây dựng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý, để triển khai đầu tư xây dựng dự án tuyến kênh chính N2 với tổng chiều dài 1.250m (công trình sau khi xây dựng hoàn thành được bàn giao cho Trung tâm Quản lý và khai thác thủy lợi tỉnh quản lý, sử dụng).
Năm 2011, để xây dựng quảng trường Phạm Văn Đồng và khu tái định cư Lô 2, đã sử dụng một phần diện tích thuộc tuyến kênh chính N2 cũ (có chiều dài khoảng 540 m, tương ứng với diện tích 9.720m2 đất) nhưng UBND huyện không kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo thu hồi, bàn giao cho UBND huyện quản lý là chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai theo phân cấp được quy định tại khoản 11, Điều 22, Luật Đất đai năm 2013.
Trong quá trình sử dụng đất đai, quản lý hoạt động xây dựng, để xảy ra việc một số hộ dân, cán bộ, công chức, viên chức lấn chiếm đất, san lấp mặt bằng, sản xuất nông nghiệp, xây dựng hàng rào, chuồng trại… trên phần diện tích đất kênh N2 cũ, nhưng Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên không chỉ đạo thực hiện việc ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất là chưa thực hiện tốt trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện theo quy định tại Điều 208, Luật Đất đai năm 2013.
Trong 29 trường hợp lấn chiếm đất công có 12 trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng do UBND cấp huyện trực tiếp quản lý. Việc cán bộ, công chức, viên chức lấn chiếm đất kênh N2, san lấp mặt bằng, xây dựng chuồng trại trên diện tích đất lấn chiếm là thực hiện không đúng quy định của pháp luật về sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm quy định về những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm.
Lâm Đồng: Còn phá rừng, còn thảm họa thiên tai, xót xa nhìn bạch tùng già bị đốn hạ
Thứ Tư, 25/11/2020 lúc 8:21
Cơ quan chức năng vừa phát hiện hàng chục cây gỗ bạch tùng hàng trăm năm tuổi với đường kính nhiều người ôm tại huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) bị lâm tặc cưa xẻ ngổn ngang. Rừng thông đầu nguồn cũng chung số phận
Sáng 24-11, lãnh đạo Công an huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) cho biết đã khoanh vùng và xác định được 6 đối tượng tình nghi liên quan đến vụ phá rừng bạch tùng hàng trăm năm tuổi. Công an huyện Lâm Hà đang tiếp tục phối hợp với Hạt Kiểm lâm Lâm Hà củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án cưa hạ hàng chục cây bạch tùng hàng trăm tuổi tại lô b2, khoảnh 2, tiểu khu 249, xã Đạ Đờn để điều tra, xử lý.
“Hạ sát” hàng loạt cây bạch tùng trăm năm tuổi
Trước đó, vào sáng 23-11, nguồn tin từ người dân phản ánh có vụ phá rừng bạch tùng tự nhiên quy mô lớn, phóng viên Báo Người Lao Động cùng gần 10 đồng nghiệp lên đường từ TP Đà Lạt về huyện Lâm Hà xác thực nguồn tin.
Tại hiện trường – lô b2, khoảnh 2, tiểu khu 249, xã Đạ Đờn – thật xót xa khi chứng kiến hàng chục cây bạch tùng có đường kính từ 60 – 100 cm, cao hơn 20 m với tuổi đời hàng trăm năm bị cưa hạ, nằm ngổn ngang. “Lâm tặc” dùng cưa máy xẻ gỗ bạch tùng ngay tại rừng tự nhiên, họ chỉ lấy phần lõi gỗ hộp đưa ra khỏi rừng để bán.
Theo quan sát của phóng viên, đây là khu vực tập trung, có thể xem là quần thể bạch tùng tự nhiên tại tiểu khu này. Để lên được khu vực rừng bị phá, phóng viên phải di chuyển bằng xe máy từ đường bê-tông dân sinh ngược lên ngọn đồi cao khoảng 3 km. Theo nguồn tin của phóng viên, đây là con đường độc nhất được các đối tượng phá rừng làm ra để vận chuyển gỗ. Con đường này hướng về thôn 5, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà.
Một cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà cho biết ngày 17-11, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Đạ Đờn kiểm tra lô b2, khoảnh 2, tiểu khu 249 (lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà) quản lý thì phát hiện vụ việc trên. Qua kiểm tra, đơn vị này xác định đã có 11 cây gỗ bị phá hại, trong đó gỗ de có 4 cây với gần 6,4 m3, gỗ bạch tùng 7 cây với khối lượng hơn 14 m3. Đặc biệt, đã có gần 17,6 m3 gỗ đã được các đối tượng phá rừng đưa ra khỏi hiện trường, chỉ còn 2,889 m3 gỗ tại hiện trường, chủ yếu là phần bìa (vỏ) cây đã được xẻ.
Ông Đồng Văn Tuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà, cho biết đơn vị này kiểm tra khu vực vườn cà phê của ông Nguyễn Văn Tuyến (54 tuổi, thôn R’Hang Trụ, xã Phúc Thọ), Tổ trưởng Tổ nhận khoán bảo vệ rừng tại tiểu khu 249, thì phát hiện 1.555 m3 gỗ bạch tùng (nhóm IV) có cùng chủng loại, chiều dài với lóng gỗ bị cắt khúc tại hiện trường vụ phá rừng nói trên.
Sau đó, Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà đã phối hợp với Công an huyện Lâm Hà lập biên bản, tạm giữ toàn bộ lượng gỗ này, đồng thời lấy lời khai của ông Tuyến. Theo lời khai ban đầu, số gỗ trên ông Tuyến mua của Bùi Minh Chí (38 tuổi, thôn R’Hang Trụ, xã Phúc Thọ). Bên cạnh đó, Công an huyện Lâm Hà đã xác định 6 đối tượng tình nghi khai thác rừng trái luật và đang tích cực điều tra, làm rõ vụ việc.


Cây bạch tùng tuổi đời trăm năm tại lô b2, khoảnh 2, tiểu khu 249, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng bị lâm tặc “hạ sát”
Phá rừng thông phòng hộ đầu nguồn
Hàng trăm cây thông cổ ở các huyện Đam Rông, Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) bị tàn phá để lấy gỗ. Tại tiểu khu 132, thuộc địa bàn xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương), lực lượng chức năng phát hiện có tới 6 vị trí bị các đối tượng tác động thiệt hại hàng trăm mét khối gỗ và hàng ngàn mét vuông diện tích rừng bị mất nhưng vẫn chưa tìm ra thủ phạm.
Chiều 13-11, ông Mai Chí Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông, cho biết đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” vừa xảy ra trên địa bàn thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng quản lý, lực lượng chức năng phát hiện có 29 cây thông 3 lá thuộc nhóm IV đã bị cưa hạ la liệt.
Trước đó, trong quá trình tuần tra, kiểm tra rừng, lực lượng chức năng huyện Lạc Dương phát hiện vụ tàn phá rừng thông tự nhiên nhiều năm tuổi tại lô b, khoảnh 3, tiểu khu 143, xã Đạ Sar, khu vực nằm cạnh Quốc lộ 27C, lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim quản lý.
Xác minh hiện trường, cơ quan chức năng ghi nhận diện tích rừng bị tác động, tàn phá bằng hình thức khoan lỗ, đổ hóa chất triệt hạ hàng loạt cây thông trên diện tích gần 1.000 m2, làm thiệt hại gần 60 cây thông 3 lá, với trữ lượng gỗ trên 25 m3.
Cũng tại huyện Lạc Dương, ngày 10-11, lực lượng chức năng đã phát hiện một vụ phá rừng lớn tại tiểu khu 132, thuộc địa bàn xã Đạ Sar. Qua xác minh ban đầu, có tới 6 vị trí bị các đối tượng tác động, khối lượng gỗ thiệt hại hơn 140 m3. Theo thống kê của cơ quan chức năng, tại khoảnh 1 và khoảnh 2, tiểu khu 132 (xã Đạ Sar) thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim quản lý, có 38 cây thông 3 lá bị đốn hạ, có đường kính gốc trung bình 20-80 cm, khối lượng lâm sản thiệt hại 67 m3, trên 1.200 m2 rừng bị tác động.
Tại khu vực do Công ty TNHH Thủy điện và Du lịch sinh thái Thác Rồng quản lý cũng bị cưa hạ 57 cây, lâm sản bị thiệt hại khoảng 73 m3, diện tích tác động trên 5.500 m2. Hiện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, Công an huyện và Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương cũng đã vào cuộc điều tra, truy tìm thủ phạm vụ phá rừng nói trên.
- Lâm Đồng: Rừng nguyên sinh bị tàn phá, gỗ lậu lọt vào nhà… Tổ trưởng bảo vệ rừng
- Phó Thủ tướng yêu cầu xác minh thông tin báo chí phản ánh về việc phá rừng ở Lâm Đồng
Kontum
Kon Tum: Lập khống tài sản thiệt hại cần hỗ trợ do thiên tai?
Thứ Ba, 24/11/2020 lúc 21:02
Mặc dù có tên trong danh sách nhận hỗ trợ do thiệt hại bởi thiên tai, nhưng một số người dân cho rằng, họ không có tài sản như đã thống kê. Danh sách được lập 2 năm nhưng người dân không biết về khoản hỗ trợ này
Bà Y Hdin cho hay, năm 2018 đã lập danh sách thiệt hại do thiên tai báo lên xã nhưng đến nay người dân vẫn chưa được nhận hỗ trợ.
Nhận hỗ trợ thiệt hại bò dù nhà dân không nuôi
Theo phản ánh của người dân xã Đắk Ang (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum), nhiều năm qua trên địa bàn xảy ra thiên tai, hạn hán. Mặc dù, người dân kê khai thiệt hại nhưng đến nay vẫn .
Qua tìm hiểu, trong năm 2018, hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Ngọc Hồi bị thiệt hại do thiên tai. Ngay sau đó, UBND huyện Ngọc Hồi đã cấp hơn 530 triệu đồng để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, kinh tế. Sau đó, Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện đã làm thủ tục chuyển số tiền này về các xã.
UBND huyện yêu cầu các xã thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đúng mức quy định cho các hộ dân bị thiệt hại. Trong đó, xã Đắk Ang được UBND huyện phê duyệt cấp 170 triệu đồng. Tuy nhiên, tại thôn Long Dôn người dân cho biết chưa nhận được bất kì khoản hỗ trợ nào trong những năm gần đây.
Bà Y Hdin, trưởng thôn Long Dôn cho biết, vào năm 2018 sau khi cơn bão đi qua, UBND xã đã yêu cầu bà thống kê thiệt hại của người dân. Sau đó, bà đã thống kê và gửi danh sách thiệt hại lên UBND xã. Tuy nhiên đến nay, người dân trong thôn vẫn chưa được nhận bất kì khoản hỗ trợ nào.
“Chúng tôi nghĩ lập danh sách lên xã, huyện nắm. Còn việc hỗ trợ kinh phí do thiệt hại thì chúng tôi không hay biết. Nhiều năm qua, người dân trong thôn cũng không được nhận bất kì hỗ trợ nào do thiệt hại từ bão lũ”, bà Y Hdin nói.
Trong danh sách được nhận hỗ trợ, nhiều gia đình không bị thiệt hại nhưng có tên. Tuy nhiên, số tiền theo danh sách hỗ trợ, người dân cũng không hay biết.
Trong danh sách, gia đình bà Y Đan (thôn Long Dôn) được nhận hỗ trợ 6 triệu đồng do mất 1 con bò trong thiên tai. Tuy nhiên, bà Y Đan cho biết, năm 2017 gia đình bà có nuôi 2 con bò nhưng đã bán để trả nợ ngân hàng. Đến năm 2018 nhà bà không còn nuôi bò nên chắc chắn không bị thiệt hại do thiên tai.
“Trước đây, tôi chưa từng biết gia đình có tên trong danh sách nhận hỗ trợ 6 triệu đồng do mất bò trong thiên tai. Tôi không có bò nên không thể nào bị thiệt hại. Số tiền hỗ trợ này tôi cũng chưa nghe nói và không nhận được”, bà Y Đan nói.
Tương tự, bà Y Dủ (thôn Long Dôn) cũng cho rằng, gia đình không hề có bò. Không hiểu vì lý do gì, nhà bà lại “đi lạc” vào danh sách nhận hỗ trợ 6 triệu đồng vì mất bò do thiên tai. Những năm gần đây, bà cũng không nhận được bất kì hỗ trợ nào từ xã.
Bà Y Đan khá bất ngờ khi gia đình mình lại “lạc” vào danh sách được nhận hỗ trợ do mất bò trong thiên tai.
Người chuyển công tác, kẻ “trốn biệt tăm”
Ông Nguyễn Ngọc Thất, Chủ tịch UBND xã Đắk Ang cho biết, đối với danh sách các hộ bị thiệt hại do thiên tai năm 2018 cán bộ xã và thôn đi thực tế xác minh và thống kê. Sau đó, ông đã ký và trình lên cấp trên. Tuy nhiên, về việc người dân không bị thiệt hại mà vẫn có tên trong danh sách là trách nhiệm của cán bộ phụ trách và ban ngành đoàn thể của thôn.
Vị chủ tịch xã cũng cho hay, ông mới giữ chức Chủ tịch UBND xã nên không nắm được việc đã chi trả tiền hỗ trợ hay không. Việc này trước đây do chủ tịch cũ và kế toán nắm. Riêng bà Lê Thị Việt, kế toán phụ trách việc chi trả đã không đi làm 1 tháng qua. Đơn vị có mời lên làm việc nhưng người này không đến.
Liên quan đến vụ việc trên, ông A Dư, cán bộ trực tiếp xác minh, tổng hợp danh sách cho hay, vào năm 2018 ông mới bắt đầu phụ trách công việc này. Khi đó, cấp trên yêu cầu thống kê gấp nên ông đã lấy danh sách bị thiệt hại của thôn rồi tổng hợp trình lên.
Ông Dư cho hay, theo danh sách ông có đi kiểm tra một vài hộ thì thấy thiệt hại như thôn báo lên. Ông Dư cũng thừa nhận việc làm như vậy là có thiếu sót, nhưng nếu đi kiểm tra hết từng hộ thì sẽ không có thời gian.
Ông A Pháo, nguyên Chủ tịch UBND xã Đắk Ang cho hay, ông đã chuyển sang làm Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND được 6 tháng nay nên phải liên hệ với kế toán để kiểm tra xem đã cấp tiền thiệt hại về cho dân chưa.
Ông Nguyễn Chí Tường, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) cho biết, đơn vị sẽ chỉ đạo thanh tra toàn diện các vấn đề tại xã Đắk Ang. Trong đó sẽ tập trung làm rõ có hay không việc chậm chi trả tiền hỗ trợ thiên tai cho người dân bị ảnh hưởng.
- Kon Tum: Nhiều lần phớt lờ chỉ đạo để tích nước trái phép, thủy điện bị phạt… 25 triệu đồng
- Công an TP Kon Tum nói gì vụ xe khách tông nhau với xe Cảnh sát trật tự?
Kon Tum: Thủy điện Plei Kần tích nước trái phép, dân kêu cứu
Thứ Hai, 23/11/2020 lúc 12:08
Thủy điện Plei Kần ở tỉnh Kon Tum bất chấp cảnh báo của chính quyền liên tục tích nước trái phép để chuyên gia Trung Quốc vận hành kỹ thuật gây ngập lụt diện rộng ảnh hưởng đời sống người dân địa phương.
Thủy điện tích nước dân mất đường đi, ngập nhà, trôi hoa màu
Ông Trần Hùng Tuấn, trú thôn Đắk Dế, xã Đắk Rơ Nga, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum bức xúc; nhà tôi có 5 ha đất rẫy hoa màu và cây công nghiệp: Liên tục gần 2 tháng nay con đường độc đạo vào rẫy canh tác hoa màu bị tê liệt do ngập nước. Tổng diện tích đất sản xuất của cả khu vực lên đến hơn 300 ha đất sản xuất của người dân bị chia cắt. “Giờ dân đã khổ lắm rồi, chỉ cầu mong các Bộ ngành Trung ương, Chính phủ quan tâm chỉ đạo, chứ tỉnh Kon Tum có kiểm tra yêu cầu hoài nhưng doanh nghiệp đâu có chấp hành…cứ thế này chỉ khổ người dân chúng tôi thôi”, ông Tuấn bức xúc.
Người nông dân khốn khổ vì Thủy điện Plei Kần tích nước trái phép
Theo ông Tuấn, văn bản chỉ đạo giải quyết cho dân có nhiều rồi nhưng công ty không chấp hành. Trong đó, thời gian ngành chức năng yêu cầu từ ngày 15/11 giải quyết xong đường đi và đền bù cho dân nhưng đến giờ vẫn không thấy đâu. “Gia đình tôi và nhiều hộ khác chưa thấy người của công ty đến kiểm tra thiệt hại đền bù thỏa đáng. Ao cá của tôi bị trôi sạch, cây trồng bị chết…ước tính thiệt hại hơn 1 tỷ đồng”, ông Tuấn bức xúc phản ánh.
Chung tình cảnh, ông Phạm Trung Thê (thôn Đắk Rế, xã Đắk Rơ) cũng nhiều lần lên tiếng kêu cứu nhưng sự việc chưa được giải quyết. Nhìn nông sản làm ra phải bỏ cho hư thối, khiến ông nghẹn lòng xót xa.
“Rồi đây lấy gì để chúng tôi sống, đường ngập không thể về nhà chúng tôi phải cố gắng liều mình đi bè tre qua được, còn nông sản… thì không cách nào vận chuyển được. Gần 2 tháng nay, mọi hoạt động thu hái, đưa nông sản ra ngoài bị cô lập hoàn toàn. Mủ cao su nhà tôi cạo gần cả chục tấn, xong để đống cho hư thối, còn cà phê chín đỏ cành cũng không hái được. Người dân làm nông chúng tôi chỉ trông chờ có mỗi lúc thu hoạch là có thu nhập, nay phải bỏ thối như thế thì làm sao sống nổi.” – ông Thê đâu buồn.
Theo ông Thê, bây giờ thiệt hại trước mắt đã đành, năm sau hay năm sau nữa nó vẫn còn bị ảnh hưởng. Bởi cả mấy tháng nay đường bị cô lập thì làm sao chở phân bón vào đây bón cho cây được. Nhiều hộ khác khốn khó hơn phải đi vay, chạy ăn từng bữa. Thậm chí giờ gọi công lao động vào đây thu hái cũng không ai dám đi. Đâu có ai dại vì ngày công mà mạo hiểm đi bè qua vùng ngập làm thuê đâu.
Công trình Thủy điện Plei Kần đang thách thức dư luận với hàng loạt sai phạm
Bức xúc trước tình trạng “coi trời bằng vung” của Công ty Tấn Phát, anh Trần Trung Thảo (tổ dân phố 2, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi) bày tỏ: “Tôi có hơn 20 ha cao su và cà phê, do đường ngập nước nên cao su không thu, cà phê cũng không hái được, nhìn cà phê chín rụng mà lòng như lửa đốt. Nếu để tầm 10 ngày nữa mà không thu hái kịp thì nông dân cầm chắc mất trắng. Tôi mong cấp chính quyền, trung ương sớm vào cuộc chỉ đạo công ty dừng ngay việc tích nước, làm cầu đường cho dân đi và đền bù thiệt hại do tích nước gây ra cho bà con chúng tôi”.
Phớt lờ chỉ đạo, tích nước trái phép
Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum xác nhận; “Có việc thủy điện tích nước, vận hành máy. Thời điểm này, thủy điện Plei Kần vẫn chưa được cho phép tích nước, vận hành máy. Theo nguyên tắc, chưa cho phép mà tự ý tích nước là sai phạm”.
Cũng theo ông Nhất, có nghe thông tin đoàn chuyên gia Trung Quốc sang để kiểm tra, bàn giao kỹ thuật vận hành máy cho nhà máy thủy điện Plei Kần do vậy nhà máy đã tích nước để chuyên gia Trung Quốc kiểm tra (do máy phát điện này mua của Trung Quốc – PV). Còn cụ thể, thời gian khi nào thì Sở không rõ.
Cũng theo ông Nhất, trước đó Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo có 1 văn bản yêu cầu Thủy điện Plei Kần không được phép tích nước sau cơn bão số 6.
Người dân khốn khổ vì sự tích nước vô lối của Thủy điện Plie Kần
Tuy nhiên, vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2020, Thủy điện Plei Kần (công suất 17MW) dù chưa đủ điều kiện và chưa được cấp phép tích nước nhưng đã tự ý tích nước làm ngập hoa màu, nhà cửa, đường đi vào khu sản xuất của người dân. Sau đó, dù Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) và Sở Công thương đã yêu cầu dừng tích nước nhưng công ty đã phớt lờ để tiếp tục tích nước.
UBND tỉnh yêu cầu Sở TN-MT Kon Tum kiểm tra, xem xét xử lý hành vi vi phạm về tự ý tích nước; Sở Xây dựng xem xét xử lý hành vi đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Không chỉ tự ý tích nước, quá trình đầu tư thủy điện này đã xảy ra nhiều sai phạm. Cụ thể, theo văn bản số 91 ngày 21/1 của Sở Công thương Kon Tum, qua kiểm tra chất lượng Công trình thủy điện Plei Kần để đưa vào sử dụng, vai phải và vai trái đập dâng của thủy điện này thi công xây dựng thay đổi so với thiết kế kỹ thuật được duyệt nhưng đơn vị chưa hoàn thiện thủ tục hồ sơ thay đổi thiết kế trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Không chỉ thế, quá trình thi công thủy điện còn để xảy ra tai nạn chết người. Cụ thể, vào lúc 12 giờ 30 đến 13 giờ ngày 25/5, trong quá trình di chuyển đến chỗ làm việc, một số công nhân đi lại trên mép bờ của cụm đầu mối của Thủy điện Plei Kần đã ngã từ trên cao xuống làm 3 người chết, 3 người bị thương.
Liên quan vấn đề, sáng ngày 23/11, ông Nguyễn Văn Quân – Tổng GĐ Công ty Tấn Phát thừa nhận, trong thời gian qua có tích nước tại Thủy điện Plei Kần, “do công trình cơ bản đã hoàn thành vì thế tích nước để chuyên gia Trung Quốc họ sang nghiệm thu, rà soát tổ máy trước khi đưa vào vận hành, bàn giao” ông Quân nói.
Sau khi người dân phản ánh, công ty đã phối hợp với các địa phương đi kiểm kê thiệt hại do việc tích nước sẽ tiếp tục đi kiểm tra để xem xét đền bù thiệt hại cho dân. Đối với việc đường vào khu đất sản xuất bị ngập, công ty sẽ sớm triển khai để tiến hành xử lý theo phương án đã thống nhất với chính quyền và người dân.
Liên quan đến vụ tai nạn làm chết người ở công trường Thủy điện, ông Quân cho biêt, vụ việc vẫn đang được cơ qua Công an điều tra nguyên nhân rồi sẽ có thông tin đến báo chí, “những vấn đề liên đới vụ việc, Công ty và gia đình các nạn nhân đã thống nhất xử lý đồng thuận, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm sau khi có kết luận của phía cơ quan điều tra…” ông Quân chia sẻ.
Phạm Trọng Nghị
Kon Tum: Chủ tịch UBND xã bị phê bình
Thứ Năm, 19/11/2020 lúc 15:31
Liên quan đến vụ đổ thải dọc hành lang quốc lộ 14 đoạn qua xã Hòa Bình, Tp. Kon Tum, đến nay đã xác định được nhiều cá nhân, đơn vị vi phạm.
Sau khi Môi trường và Đô thị điện tử có bài phản ánh về các sai phạm đổ thải dọc hành lang quốc lộ 14, đoạn qua xã Hòa Bình, Tp. Kon Tum, ngày 09/11/2020, UBND Tp. Kon Tum đã có báo cáo số 1039/BC-UBND về việc này, gửi lên UBND tỉnh Kon Tum, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thường trực Thành ủy.
Theo đó, ngày 09/10/2020, Sở TN&MT phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, UBND Tp. Kon Tum, UBND xã Hòa Bình tiến hành kiểm tra dọc tuyến quốc lộ 14, xã Hòa Bình. Qua kiểm tra, đoàn phát hiện có 05 điểm đổ thải, cụ thể: Điểm 1, diện tích khoảng 600 m2 (dài 20 m, rộng 30 m, cao 10 m); Điểm 2, diện tích khoảng 600 m2 (dài 20 m, rộng 30 m, cao 10 m); Điểm 3, diện tích khoảng 800 m2 (dài 20 m, rộng 40 m, cao 15 m); Điểm 4, diện tích khoảng 3.750 m2 (dài 50 m, rộng 75 m, cao 15 m); Điểm 5, diện tích khoảng 2.500 m2 (dài 50 m, rộng 50 m, cao 10 m).
Trong đó, đoàn xác định, hai điểm 3 và 4 là do Công ty CP Trường Long đổ thải, ba điểm còn lại là dân tự đổ. Khi đối chiếu với Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 2538/QĐ-BGTVT ngày 30/8/2017, các vị trí đổ thải trên không nằm trong các vị trí đã được phê duyệt.
Báo cáo của UBND Tp. Kon Tum cũng cho biết, ông Phạm Phước – Chủ tịch UBND xã Hòa Bình đã có giải trình về sự việc. Cụ thể: Năm 2017, Công ty CP Tư vấn Xây dựng Giao thông Kon Tum có đi khảo sát, thiết kế các vị trí đổ thải cho dự án tại Km 1561+200 bên trái đường Hồ Chí Minh và có sự đồng ý thỏa thuận thống nhất đổ vào vị trí đất của các hộ dân.
Tuy nhiên, vị trí này lại không đủ diện tích để chứa vì đất, đá thải quá nhiều. Cùng với đó, do sức ép từ việc đẩy nhanh tiến độ thi công nên đơn vị thi công (Công ty CP Trường Long) đã tự ý thuê đất của người dân làm mặt bằng đổ thải mà chưa có sự thống nhất, cấp phép của cơ quan có thẩm quyền. Qua kiểm tra, UBND xã Hòa Bình đã 02 lần lập biên bản đề nghị đơn vị thi công dừng đổ thải.
Mặt khác, việc Chủ tịch UBND xã Hòa Bình có văn bản thống nhất cho đơn vị thi công đổ thải dọc hành lang quốc lộ 14 được giải thích: Do đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum (nhiệm kỳ 2020-2025), nên UBND xã đã tạo điều kiện cho chủ đầu tư, đơn vị thi công hoàn thành đúng tiến độ.
Vị trí đổ thải bên cạnh quốc lộ 14 được cho là thỏa thuận với người dân.
Liên quan đến các vi phạm này, hiện Sở TN&MT đang phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý.
Tại các vị trí mà 4 hộ dân tự thỏa thuận đổ đất đá, thải, UBND TP giao UBND xã Hòa Bình phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, xác minh và xử lý hành vi sai phạm trong đổ thải, gây ô nhiễm môi trường của các hộ dân. Thời gian đổ được xác định vào khoảng từ năm 2017 đến nay. UBND xã Hòa Bình đề nghị, các hộ phải hoàn trả lại hiện trạng ban đầu trong phạm vi đất của hành lang đường bộ trước ngày 15/11/2020. Sau thời gian trên, các hộ không thực hiện sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Các đơn vị chức năng tiến hành lắp rào chắn ngăn chặn đổ thải trái phép.UBND Tp. Kon Tum cũng nghiêm khắc phê bình Chủ tịch UBND xã Hòa Bình vì để xảy ra các khuyết điểm, sai sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường trên địa bàn; Tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc tham mưu, ban hành Văn bản số 76/CV-UBND ngày 27/5/2020 trái thẩm quyền dẫn đến sai sót trên.
UBND Tp. Kon Tum kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải, là chủ dự án tuyến tránh Tp. Kon Tum, dừng ngay việc đổ thải ngoài các vị trí bãi thải đã được phê duyệt trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đồng thời thực hiện ngay biện pháp khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng tại các vị trí đổ thải trái quy định.
- Kon Tum: Sau 2 năm người dân vẫn không nhận được tiền hỗ trợ lũ lụt
- Kon Tum: UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm 2 vụ phá rừng tại Kon Plông
Pleiku(Trà Cu/Gia Lai)
Gia Lai: Kẻ đột nhập nhà dân đâm tử vong gia chủ bị bắt
Thứ Ba, 24/11/2020 lúc 11:27
Do mâu thuẫn, Thành cầm một con dao nhọn đi vào phòng khách, đâm một nhát vào vùng ngực làm ông Sơn tử vong tại chỗ.

Ngày 24-11, Công an tỉnh Gia Lai cho biết đã bắt giữ Lưu Tấn Thành (sinh năm 1964, trú tại làng Ktu, xã Glar) – nghi can đột nhập vào nhà và đâm chết ông Trương Bá Sơn (SN 1971, trú thôn Dur, xã Glar, huyện Đak Đoa).
Tại cơ quan công an, bước đầu Thành khai nhận, do mâu thuẫn trong cuộc sống, khoảng 20 giờ ngày 21-11, trong lúc ông Sơn đang nằm ở phòng khách của gia đình, Thành đã cầm một con dao nhọn đi vào đâm một nhát vào vùng ngực, làm ông Sơn tử vong tại chỗ rồi bỏ trốn.
Hình ảnh từ camera an ninh ghi lại cho thấy, Thành mặc quần jean, áo khoác đen, đầu đội mũ len, mặt bịt khẩu trang, tay cầm một con dao.
Cơ quan điều tra đang điều tra, làm rõ vụ án.
LỮ QUỲNH LOAN
- Gia Lai: Đang ngủ cùng vợ, người đàn ông bị kẻ lạ mặt vào nhà đâm chết
- Gia Lai: Bắt đại gia Bình ‘Điếm’ chuyên tổ chức sòng bạc trong đêm
Gia Lai: Khởi tố điều tra một Hợp tác xã vận tải mua bán hoá đơn trái phép
Thứ Năm, 26/11/2020 lúc 8:16
Cơ quan CSĐT công an Tp. Pleiku (Gia Lai) vừa khởi tố để điều tra vụ mua bán hoá đơn trái phép tại Hợp tác xã Vận tải và Dịch vụ Pleiku.
Hợp tác xã Vận tải và Dịch vụ Pleiku (91 Nguyễn Đình Chiểu, TP.Pleiku, Gia Lai).
Ngày 25/11, Viện Kiểm sát Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai cho biết – Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an Tp. Pleiku đã công bố quyết định khởi tố vụ án “Mua bán hóa đơn trái phép” xảy ra từ năm 2013 – 2017 tại Hợp tác xã Vận tải và Dịch vụ Pleiku (91 Nguyễn Đình Chiểu, TP.Pleiku, Gia Lai).
Theo thông tin ban đầu, qua công tác xác minh, điều tra sai phạm tại Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai), cơ quan công an Tp. Pleiku phát hiện có dấu hiệu mua bán trái phép hoá đơn tại Hợp tác xã Vận tải và Dịch vụ Pleiku.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an Tp. Pleiku đã khởi tố vụ án về tội danh Tham ô tài sản xảy ra tại Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản. Trong vụ án này, bị can Phan Ngọc Tiến, chuyên viên Chi cục này bị khởi tố về tội danh Tham ô tài sản.
Tại Cơ quan CSĐT Công an Tp. Pleiku, công an phát hiện một số cán bộ của Chi cục Nông lâm thủy sản cung cấp thông tin: Vì thiếu xe, một số cán bộ đã tự đi thuê xe bên ngoài, nhưng các đơn vị chủ xe không có hóa đơn để xuất.
Do vậy, cán bộ của Chi cục Nông lâm thủy sản đã đến Hợp tác xã Vận tải và Du lịch Pleiku do ông Nguyễn Quốc Cao làm Giám đốc mua hóa đơn để sử dụng vào mục đích hợp thức hoá hồ sơ quyết toán cho quá trình công tác.
Từ thông tin này, Cơ quan CSĐT và Viện KSND Tp. Pleiku cho rằng việc mua bán khoảng 60 hoá đơn trong vụ án này, đã vi phạm về quản lý kinh tế của Nhà nước nên tiến hành khởi tố để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, tháng 4/2018, Thanh tra tỉnh Gia Lai phát hiện: Từ năm 2013-2017, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản – Thủy sản tỉnh Gia Lai đã để xảy ra sai phạm với số tiền hơn 400 triệu đồng.
Cụ thể, để ngoài sổ sách theo dõi một số loại tài sản, chi sai nguồn, lập khống chứng từ, hợp thức hóa hồ sơ để rút các nguồn kinh phí, không nộp trả ngân sách theo quy định. Trong đó có việc hợp thức hoá 43 hợp đồng và thanh lý hợp đồng thuê xe 4,5 chỗ với tổng số tiền trên 346 triệu đồng.
Cận cảnh rừng gỗ hương quý ở Gia Lai bị lâm tặc đốn hạ
Thứ Tư, 25/11/2020 lúc 15:15
Quần thể rừng gỗ hương hơn 400 cây quý hiếm đang mất dần trước sự “nhòm ngó” của lâm tặc và sự buông lỏng quản lý, bảo vệ của chủ rừng. Mới đây lâm tặc đã mang cưa vào phá rừng hương cổ thụ này.
Rừng gỗ hương cổ thụ đang mất dần qua hàng năm trước sự “dòm ngó” của lâm tặc. Ảnh TT
Công an huyện Kbang, Gia Lai vừa bắt giữ 3 đối tượng liên quan đến vụ án phá rừng gỗ hương quý hiếm. Ảnh TT
Ngày 18.11, một nhóm lâm tặc lợi dụng thời tiết mưa bão đã lẻn vào khu vực rừng xã Krong, huyện Kbang đốn hạ 4 cây gỗ hương, 1 cây gỗ bằng lăng. Ảnh TT
Ước tính ban đầu, tổng khối lượng gỗ tròn thiệt hại gần 20 mét khối. Qua điều tra, công an đã vận động đầu thú 3 đối tượng và thực hiện lệnh tạm giữ hình sự nhóm này để mở rộng điều tra.
Khu vực rừng xã Krong thuộc Tiểu khu 90, Lâm phần do Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa quản lý. Ảnh TT
Tại hiện trường, lâm tặc chỉ để lại các cành, bìa nhánh, các gốc gỗ hương đỏ au, nổi vân và bật gốc. Ảnh TT
Hầu hết những cây bị lâm tặc đốn hạ đều có tuổi đời trên 60 năm tuổi, đường kính không dưới 1mét.Ảnh TT
Gỗ hương là loại gỗ nhóm I, cần được bảo vệ. Hiện khu vực rừng do Cty Lâm nghiệp Krông Pa quản lý còn 410 cây gỗ hương cổ thụ. Ảnh TT
Thực tế, rừng gỗ hương cổ thụ đang mất dần qua hàng năm trước sự “dòm ngó” của lâm tặc. Ảnh TT
…và sự buông lỏng quản lý, bảo vệ của chủ rừng cũng như nhiều bất hợp lý về cơ chế. Ảnh TT
Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND huyện Kbang – cho biết, quan điểm của huyện là sẽ xử lý nghiêm minh vụ việc, Cty Lâm nghiệp Krông Pa đã thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn tới hậu quả. Ảnh TT
“Còn có sự tiếp tay, phối hợp với lâm tặc để vào phá rừng hay không thì hiện tại chưa có bằng chứng, chúng tôi đang chỉ đạo công an điều tra, làm rõ việc này”, ông Dũng nói. Ảnh TT
Gia Lai: 5 năm, mất hơn 8.500ha rừng
Thứ Bảy, 21/11/2020 lúc 10:30
Kết luận thanh tra của UBND tỉnh Gia Lai báo cáo trước yêu cầu của Đoàn giám sát Ủy ban Kiểm tra Trung ương, từ năm 2016-2020, tỉnh này đã để mất hơn 8.500ha rừng.
Mất hàng ngàn ha rừng
Báo cáo mới đây của UBND tỉnh Gia Lai, trong thời gian từ năm 2016 – 2020, tại 14 trong tổng số 21 Ban Quản lý rừng phòng hộ, diện tích rừng bị mất là 8.538ha, trong đó có 7.735ha diện tích rừng tự nhiên, và 800ha rừng trồng.
Việc mất rừng được xác định bằng phương pháp sử dụng phần mềm vi tính, ảnh vệ tinh kết hợp cùng đi thực địa và sử dụng máy định vị do chính Ban Quản lý rừng phòng hộ cung cấp. Sau khi có kết quả đo đạc được, Ban Quản lý rừng – là đơn vị chủ rừng – thống nhất ký xác nhận trên hồ sơ và bản đồ, có nêu rõ từng vị trí tiểu khu, khoảnh, lô bị mất.
Trong thời gian 5 năm, Gia Lai đã để mất hơn 8.500ha rừng.
Tại BQL Bắc An Khê, Sở NN-PTNT báo cáo diện tích đất lâm nghiệp bị mất và lấn chiếm là hơn 1.266 ha.
Sau đó, các cơ quan thanh kiểm tra xác định BQL Bắc An Khê thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng đã để mất 251ha. BQL Ya Hội, Sở NN-PTNT báo cáo diện tích đất lâm nghiệp bị mất hơn 771ha, cơ quan thanh kiểm tra phát hiện ban để mất 166 ha.
BQL Bắc Biển Hồ phát hiện có 278ha rừng trồng bị thiệt hại; ngoài ra có 8,94 ha đất lâm nghiệp bị các cá nhân lạm dụng chức vụ, quyền hạn lấn chiếm, sử dụng trái phép; trong đó có 5,6ha đã được UBND TP.Pleiku cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật. BQL Ia Grai bị mất, lấn chiếm hơn 360ha rừng trồng, gây thiệt hại, lãng phí tài sản Nhà nước tương ứng số tiền 12 tỷ đồng.
Trong tổng số 8.538ha bị mất, có 7.735ha là rừng tự nhiên. Ảnh: Tư liệu.
BQL Ayun Pa để mất 550ha rừng tự nhiên. BQL Đức Cơ tự báo cáo diện tích rừng đơn vị quản lý bị mất là hơn 8.969ha.
Qua kiểm tra hồ sơ, diện tích rừng tự nhiên của ban để mất là 3.210 ha; đo vẽ bản đồ một số khu vực diện tích rừng bị phá là hơn 432ha.
BQL Ia Púch để mất 1.228ha (trong đó có 359ha bị ba doanh nghiệp chặt phá rừng, lấn chiếm để trồng cao su.
BQL Chư Mố để mất 1.470ha, trong đó 1.442ha là rừng tự nhiên. BQL Ia Meur để mất 555ha rừng, trong đó có 545ha là rừng tự nhiên. BQL Đông Bắc – Chư Pah, Bắc Ia Grai, Ia Rsai, Nam Phú Nhơn cũng để mất hơn 400ha.
Vì sao không thể khởi tố?
Tại các BQL trên, Công an tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ mất rừng của các BQL Ayun Pa, Đức Cơ, Chư Mố, Ia Púch, Ia Grai, Bắc Biển Hồ, Bắc An Khê.
Kết luận thanh tra báo cáo trước yêu cầu của Đoàn giám sát Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Văn bản.
Tuy nhiên, trong 8 BQL, Cơ quan Cảnh sát điều tra chỉ mới khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 BQL Bắc Biển Hồ (12 bị can; Ia Grai 2 bị can); còn 6 BQL không thể khởi tố vụ án vì việc xác định thiệt hại đối với diện tích rừng bị mất là không có cơ sở.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, về việc đề nghị Sở NN-PTNT cho biết cơ sở giám định xác định trữ lượng gỗ, hiện trạng đất rừng, tài sản trên đất bị thiệt hại, thời điểm bị lấn chiếm, chồng lấn là thời điểm nào để tính giá trị thành tiền.
Sở NN-PTNT cho rằng: “Không có đủ cơ sở và khả năng để tính giá trị thành tiền vì việc đo đạc hiện trạng đất không xác định được trữ lượng gỗ là bao nhiêu m3/ ha, thời điểm bị lấn chiếm, trồng lấn… đối với diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng bị mất.
Mất hàng ngàn ha rừng, nhưng không xác định được thiệt hại, do vậy nhiều BQL rừng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh không thể khởi tố vụ án. Đáng nói, tất cả các BQL rừng đều trực thuộc Sở NN-PTNT quản lý, nhưng Cơ quan CSĐT lại đi hỏi ý kiến của cơ quan chủ quản về việc xác định thiệt hại.