
Gia cảnh khó khăn của người đàn ông cầm đầu rắn hổ mang vào bệnh viện cấp cứu: Bị tai nạn giao thông, đi bắt rắn chạy ăn từng bữa
Thứ sáu, 21/08/2020
Theo vợ anh Tâm, gia đình chị có hoàn cảnh khó khăn, anh Tâm sau tai nạn giao thông khiến sức khoẻ suy giảm thì không được người ta thuê mướn nữa. Để trang trải cho cuộc sống và nuôi con nhỏ, anh Tâm mới phải hành nghề bắt rắn.
- Phút hoảng hồn khi mở tủ điện: Bé Na nằm cuộn bên trong, “hồn nhiên” vươn đầu ra sưởi nắng
- Vì sao phải mang rắn độc đến bệnh viện sau khi bị cắn?
- Người đàn ông bị rắn hổ chúa nặng 4,5kg cắn, tay vẫn nắm chặt đầu rắn vào viện giờ ra sao?
Sau khi bị con rắn hổ mang cắn vào đùi và phải cầm chặt con rắn vào bệnh viện để cấp cứu, đến hiện tại anh Phan Văn Tâm (SN 1982, ngụ ấp Phước Lợi 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) vẫn đang được điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.
Vợ anh Tâm là chị Bùi Thị Ngọc Tuổi (SN 1992). Khi nghe tin chồng gặp nạn, chị Tuổi khóc hết nước mắt, hiện cũng ở Bệnh viện Chợ Rẫy để chăm sóc cho chồng.
Chia sẻ trên báo Vietnamnet, chị Tuổi cho biết trước đây anh Tâm chưa từng hành nghề bắt rắn và không có kinh nghiệm gì trong công việc đầy rủi ro này. Tuy nhiên, do cuộc sống khó khăn, anh đành “nhắm mắt đưa chân” đặt bẫy, bắt rắn để có tiền lo cho hai con nhỏ.
“Nếu cuộc sống không khốn khó, chồng tôi đã không phải nằm viện trong tình trạng thập tử nhất sinh như bây giờ” – chị Tuổi vừa nói vừa khóc.

Bùi Thị Ngọc Tuổi chờ đợi bên ngoài phòng điều trị của chồng tại BV Chợ Rẫy. – Ảnh: Vietnamnet.
Chị Tuổi cũng kể thêm trên Vietnamnet, cách đây không lâu anh Tâm bị tai nạn giao thông phải nhập viện, sức khoẻ giảm sút nên không thể làm được việc nặng, người ta cũng không còn thuê làm nữa.
“Thời gian gần đây, chồng tôi liên tục gặp tai nạn. Vừa rồi, anh bị tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị. Anh ấy cũng vừa đi mổ cái chân đau sau vụ tai nạn trước đó. Sau khi mổ xong, chân chồng tôi yếu hẳn. Anh không còn làm việc nặng được nên không ai thuê nữa. Cuộc sống đã khốn khó giờ càng vất vả hơn. Không ai thuê, biết xung quanh nhà có nhiều rắn, anh nghĩ cách đi bắt kiếm tiền chạy ăn từng bữa” – chị nói.
Theo lời chị, gia đình chị không có đất sản xuất. Cuộc sống của anh chị và các con chỉ trông chờ vào công việc làm thuê của hai vợ chồng. Trước khi gặp tai nạn giao thông, anh Tâm nhận làm thuê cho các chủ vườn trồng mãng cầu như xịt thuốc trừ sâu, cắt hoa, tỉa cành…
Hết mùa mãng cầu, nếu có ai gọi, anh đi theo phụ hồ. Không ai thuê mướn, anh xách chiếc xe máy cà tàng ra đường chạy xe ôm. Anh luôn tất bật, không chút nghỉ ngơi nhưng cái khổ vẫn chẳng buông tha.
Trong khi đó, chị Tuổi cũng chẳng mấy khá hơn. Không có nghề nghiệp ổn định, ai thuê mướn gì chị làm nấy. Hết cắt cỏ thuê, chị lại đi chăm mãng cầu cho chủ vườn. Cuộc sống mưu sinh khốn khó khiến chị già nua hơn rất nhiều so với cái tuổi 28 của mình.
Chị nói: “Gia đình chồng tôi cũng không mấy khá giả. Đông anh em nhưng bên chồng tôi ai cũng khó khăn nên không thể đỡ đần nhau. Ngày anh nhập viện, bác sĩ nói anh chỉ còn 20% cơ hội sống tôi như chết lặng. Hai đứa con của tôi còn nhỏ quá. Không có chồng, một mình tôi biết xoay xở thế nào để lo cho chúng.
Hai ngày qua, tôi không tài nào chợp mắt được. Tôi lo những điều xấu nhất xảy đến với chồng. Dù biết sẽ phải gánh thêm nhiều số nợ nữa nhưng tôi vẫn cầu mong cho chồng tôi vượt qua cơn nguy kịch”.

Sau tai nạn, không ai thuê mướn, để mưu sinh, anh Tâm trở thành “thợ bắn rắn” bất đắc dĩ. – Ảnh: Vietnamnet.
Trước đó, theo thông tin trên báo Người lao động, anh Hoàng (anh trai bệnh nhân Tâm) cho biết, vì gia đình nghèo nên cha con anh Tâm thường xuyên đi làm thuê ở các vườn mãng cầu.
“Sáng 19/8, hai cha con anh Tâm đang làm ở vườn mãng cầu gần núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) thì phát hiện con rắn hổ mang chúa. Lúc này, con trai anh Tâm kêu cha bỏ chạy. Tuy nhiên, do gia đình rất khó khăn nên anh Tâm tiếc và quay lại bắt con rắn và hậu quả là bị cắn vào đùi” – anh Hoàng kể.
Cũng theo nguồn trên, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang, khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết anh Tâm hiện vẫn còn theo dõi ở phòng chăm sóc đặc biệt.
Theo đó, đến thời điểm hiện tại bệnh nhân đã tỉnh, hồi phục tứ chi, đang tự thở qua ống nội khí quản sau khi tiêm 5 lọ huyết thanh đặc trị. Bệnh nhân đã được tiêm 15 lọ huyết thanh điều trị nọc độc rắn hổ mang chúa.

Gia đình bệnh nhân mang cả con rắn vào phòng cấp cứu để bác sĩ xác định loại rắn đã cắn. – Ảnh: Facebook.
Ông Trần Công Lập, Bí thư kiêm Trưởng ấp Phước Lợi 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết: “Tại địa phương, gia đình anh Phan Văn Tâm thuộc diện khó khăn. Anh và vợ không có nghề nghiệp, không có đất sản xuất lại phải nuôi hai con nên thiếu trước hụt sau. Hơn thế, anh lại liên tục gặp tai nạn. Cách đây không lâu, anh Tâm gặp tai nạn giao thông và phải đi vay mượn tiền để mổ chân. Hiện, gia đình anh này vẫn chưa trả xong nợ lại tiếp tục gặp tai nạn khi đi bắt rắn. Ở địa phương, anh sống rất hòa đồng nên ai cũng quý mến”. |
ĐẠI TỘC BÒ SÁT

Phạm Đình Lân
Tụi Bò Sát là tụi nào mà xưng là Đại Tộc Bò Sát? một đại diện động vật hỏi.
Tụi nó sống đông đảo khắp các lục địa trên hoàn vũ. Dòng họ chúng gồm những thằng bé nhỏ như Trùn Đất (Địa Long) đến những bậc to lớn vĩ đại như Rồng Kodomo. Có loại Bỏ Sát có chân khi đi bộ sát mặt đất hay trên cành cây. Trùn, Rắn, Trăn không có chân nên khi di chuyển họ uốn mình sát mặt đất. Cóc, Ếch, Nhái, Rùa, Sấu, Tắc Kè, Thằn Lằn, Cắc Ké, Kỳ Nhông, Kỳ Đà, Rồng Komodo đều là loài Bò Sát. Tụi nó đông lắm ông ơi! một đại biểu động vật khác đáp.
Đại tộc Bò Sát có hai giàn nhạc lớn hỗ trợ. Đó là giàn nhạc Rana của Pháp và giàn nhạc Pachong Lei của Trung Quốc. Rana là Ếch. Pachong Lei có nghĩa là Loài Bò Sát. Họ dùng đủ loại nhạc cụ tân, cổ và dân tộc như dương cầm, vĩ cầm, Tây Ban Cầm, đàn cò, đàn tranh, đàn tỳ bà, kèn, trống, chập choã vang động cả một góc trời trên lục địa Phi Châu nóng bức.
Ban nhạc Rana đề nghị trình tấu bản Thần Kim Qui do một nhạc sĩ Miết Giáp (1) quê quán ở Hà Tiên sáng tác. Nhạc trưởng giàn nhạc Pachong Lei bác bỏ đề nghị này nhưng không nói rõ tại sao?
Các ca sĩ Ếch, Nhái, Cóc, Ảnh Ương, Chàng Hiu bất mãn nhạc trưởng giàn nhạc Pachong Lei. Họ đồng ca bài Cây Nỏ Thần hùng tráng giữa tiếng trống và kèn vang dội của giàn nhạc Rana. Cả hội trường như chứng kiến sự tấn công vũ bão của quân Chao To (Triệu Đà) và sự phản công dũng mãnh của quân Âu Lạc vỏn vẹn chỉ bằng cái nỏ thần do Thần Kim Qui trao tặng. Hội trường vang dội tiếng vỗ tay và giẫm chân ầm ĩ. Bản nhạc Cây Nỏ Thần vừa dứt một hoạt náo viên hỏi đố các đại biểu về thứ bậc của loài Bò Sát dựa vào câu nói thường nghe ở Việt Nam:
Cắc Ké là mẹ Kỳ Nhông.
Kỳ Nhông là ông Kỳ Đà
Kỳ Đà là bà Cắc Ké.
Câu đố chưa được trả lời thì có tiếng kèn của nhạc sĩ Ảnh Ương thông báo đại diện Đại Tộc Bò Sát đến. Đó là một lão Cự Đà Iguana từ Trung Mỹ đến. Mặt lão màu đỏ- xanh; lưng có sống gai trông dữ dằn. Chân đầy móng vuốt dài và nhọn. Lão cúi đầu chào đại biểu các tộc động vật rồi bắt đầu đọc bài tham luận về Đại Tộc Bò Sát trên Địa Cầu.
****

Trân trọng kính chào toàn thể đại biểu động vật hiện diện trong Quốc Tế Động Vật Hội Nghị hôm nay. Tôi là trưởng lão Cự Đà Iguana từ Mexico đến. Tôi được sự uỷ nhiệm của Đại Tộc Bò Sát trên Trái Đất để đọc tham luận về đại tộc Bò Sát.
Động vật Bò Sát chúng tôi có những đặc tính chung như sau:
– Đó là những động vật có xương sống ngoại trừ Địa Long (Trùn Đất)
– Thở bằng phổi
– Máu lạnh
– Hầu hết động vật Bò Sát đều có 04 chân ngoại trừ Rắn, Trăn, Địa Long (Trùn Đất) không có chân
– Mặc quần áo sần sùi đầy vảy (ngoại trừ Địa Long không có vảy và Rắn Mối với vảy láng). Màu quần áo các anh chị Bò Sát thay đổi khi cần ngụy trang cho thích hợp với màu sắc của môi trường bao quanh..
– Sống trong nhà (Tắc Kè, Thằn Lằn… <…Thạch Sùng…>…).
– Sống trên cây hay trên mặt đất hay những nơi ẩm ướt (Cắc Ké, Kỳ Nhông, Kỳ Đà, Cự Đà Iguana, Rắn, Trăn, Rồng Komodo)
– Hầu hết động vật Bò Sát đều đẻ trứng ngoại trừ vài loại Rắn đẻ con (Rắn Chuông…<…rattle snake…>…, Rắn Hổ Mang …<…copperhead…>…, Rắn Hổ Mang Nước …<…water moccasin…>…, Trăn, Rắn Mối (coppery mabuya)
– Vài động vật Bò Sát sống lưỡng cư dưới nước và trên mặt đất như Rùa, Ếch, Nhái, Cóc, Ảnh Ương v.v.
– Một số tộc Bò Sát có khả năng ngụy trang khi thay đổi màu cho phù hợp với màu môi trường chung quanh.
Trước khi đến đây bằng đường hàng không mua vé hàng hóa rẻ tiền, chúng tôi có ghé thăm lão Phạm Đình Lân để tham khảo với lão về các báo cáo của các tộc động vật. Hỏi về các động vật Bò Sát lão nói có báo cáo của Thiềm Thừ và Ngạc Tộc. Lão có sơ thảo tham luận của Xà Tộc và Qui Tộc. Theo lịch trình thì hai tộc này còn lâu lắm mới đọc tham luận. Đó là hai tộc Bò Sát cao sang được cộng đồng động vật quốc tế nể trọng. Qui tộc nằm trong Tứ Linh (Long, Lân, Qui, Phụng) và trong số Đề. Xà tộc có tên trong 12 con giáp và số Đề 40 con. Xà tộc nằm trong danh sách Tứ Hùng Động Vật (Điểu, Xà, Ngư, Tượng). Xà tộc và Qui tộc là hai tộc Bò Sát danh vọng và quyền uy. Theo lời của lão họ Phạm chúng tôi chỉ nói về Cự Đà Iguana, Tắc Kè, Thằn Lằn, Cắc Ké, Kỳ Nhông, Kỳ Đà, Rắn Mối và một giống động vật Bò Sát Tuatara ở Tân Tây Lan là đủ rồi.
CỰ ĐÀ IGUANA
Kỳ Nhông
Iguana Iguana
Gia đình: Iguanidae
![]() | ![]() | ![]() |
Cự đà Iguana là một loại Cắc Ké to lớn được tìm thấy nhiều ở Mexico, các hải đảo trong biển Carribean, các quốc gia Nam Mỹ, Texas, Florida, Hawaii (Hoa Kỳ).
Tên khoa học của Cự Đà Iguana là Iguana Iguana thuộc gia đình Iguanidae. Tên gọi thông thường:
Quốc Gia | Tên gọi |
Anh | Iguana |
Tây Ban Nha | Iguana |
Nhật | Iguana |
Pháp | Iguane |
Trung Hoa | Lie Xi |
Việt Nam | Cự Đà, Kỳ Nhông |
Có 30 loại Cự Đà Iguana sống ở Trung Mỹ, Nam Mỹ, hải đảo trong biển Caribbean, Texas, Florida, Guam, Hawaii v.v.
Cự Đà Iguana có hình dạng của Cắc Ké. Các anh Cự Đà to lớn và có chiều dài và trọng lượng cao hơn các chị. Cự Đà có vảy nhỏ và cứng. Người ta nói các anh chị ấy có đệ tam nhãn trên trán. Trên sống lưng và đuôi các anh Cự Đà Iguana có gai tua tủa bén và nhọn như kim!
Các anh chị Cự Đà Iguana mặc quần áo xanh. Màu xanh trên đầu đậm hơn màu xanh trên mình. Màu quần áo của các chị Cự Đà nhạt hơn.
Răng các anh chị ấy rất bén có thể cắn đứt thịt người. Các anh chị Cự Đà Iguana sống trên cây trong vùng khí hậu nhiệt đới hay đại dương. Thức ăn của các anh chị Cự Đà rất đa dạng: trái cây rừng, rau cải, hoa dại, động vật không xương sống và cả Điểu tộc nữa.
Cự Đà Iguana chúng tôi có nọc độc nhưng không đến nỗi gây tử vong cho người bị Cự Đà Iguana cắn.
Cự Đà nam nặng cân và dài hơn Cự Đà nữ. Trung bình chiều dài của Cự Đà là 40- 60 cm và cân nặng từ 1.5- 3 ki- lô. Cự Đà to lớn nhất dài 2 m và cân nặng trên 9 ki- lô.
Cự Đà Iguana đẻ trứng. Trứng dài lối 7- 8 cm. Tuổi yêu đương của Cự Đà Iguana lối 2- 3 tuổi. Đôi khi có tộc Cự Đà có tuổi yêu đương sớm hơn. Mùa ái ân thường là mùa khô ráo. Luôn luôn có những cuộc giao đấu bạo tợn giữa các nam Cự Đà Iguana vào mùa ái ân. Một anh Cự Đà có thể ái ân với nhiều nữ Cự Đà. Loài người gọi đó là chế độ đa thê. Chúng tôi cho đó là kết quả của luật THẮNG- THUA, MẠNH ĐƯỢC- YẾU THUA. Thắng được hưởng tất cả. Thua bị mất tất cả.
65 ngày sau cuộc ái ân các chị lo đào một hố sâu lối 1m để làm ổ đẻ chứa từ 30- 60 trứng khá to. Trứng nở ra con sau 70- 105 ngày ấp dưới hố đất.
Bộ phận sinh dục của nam Cự Đà gồm có hai bán dương vật (hemipenes). Khi giao cấu tinh trùng của nam Cự Đà bắn vào nữ Cự Đà để tạo sự thụ thai. Một số tinh trùng được lưu giữ một thời gian để các chị tiếp tục sinh sản mà không cần ái ân với các nam Cự Đà.
Cự Đà Iguana bị giam giữ trong các sở thú có thể sống đến 20 năm. Trong trạng thái thiên nhiên tuổi thọ của Cự Đà không cao. Cự Đà là mồi của Chim Ưng và các động vật ăn thịt sống khác kể cả loài người. Đó là một nguồn lương thực quan trọng đối với các dân tộc miền nhiệt đới, bán nhiệt đới và đại dương.
Ở Hawaii việc buôn Cự Đà Iguana bị cấm chỉ. Người vi phạm bị ngồi tù 03 năm và trả $200,000 tiền phạt.
Các nhà dinh dưỡng học của loài người nói Cự Đà có nhiều thịt và protein góp phần dinh dưỡng cho loài động vật hai chân ốm như cây sậy nhưng biết suy tưởng!
Các nhà vi trùng học cho rằng Cự Đà Iguana mang vi trùng salmonella cho loài người. Vi trùng nầy gây tiêu chảy, sốt, ớn lạnh, sốt thương hàn v.v.
THẰN LẰN
Hemidactylus frenatus
Gia đình: Gekkonidae
![]() | ![]() | ![]() |
Thằn lằn là loại Bò Sát trong nhà. Vì gần gũi với loài người nên Thằn Lằn có nhiều tên gọi thông thường.
Tên khoa học của Thằn Lằn là Hemidactylus frenatus thuộc gia đình Gekkonidae. Tên gọi thông thường là:
Quốc Gia | Tên gọi |
Việt Nam | Thằn Lằn, Thạch Sùng (tên đại phú gia Trung Hoa mất của), Bích Hổ (theo cách gọi của người Trung Hoa có nghĩa là Cọp tường) |
Anh | House gecko (Cắc ké nhà), moon lizard, house lizard, wall gecko |
Pháp | Margouillat |
Tây Ban Nha | Gecko de la casa |
Trung Hoa | Bihu |
Nhật Bản | Yamori |
Nhiều tài liệu cho rằng Thằn Lằn gốc ở Đông Nam Á. Loại Bò Sát nhỏ bé này được tìm thấy nhiều ở các vùng khí hậu nhiệt đới, bán nhiệt đới, đại dương nhiều hơn vùng khí hậu ôn đới và hàn đới.
Thằn Lằn dài từ 7- 15 cm tính từ đầu đến đuôi. Thằn Lằn mặc quần áo xám, xám- đen hay quần áo trắng (Thằn Lằn Bạch). Bốn chân nhỏ. Mỗi bàn chân có 05 ngón. Thằn Lằn không có vảy cứng như Cắc Ké. Bụng nhám nên chạy trên vách tường, trần nhà một cách dễ dàng.
Thằn Lằn sống trong nhà, các bộng cây. Trong nhà Thằn Lằn thường xuất hiện trên tường khi có ánh sáng của đèn điện. Trong các loại Bò Sát các anh chị Thằn Lằn phần lớn được xem là động vật thành thị gần gũi với loài người nhiều hơn cả. Các anh chị ấy ăn Mối, Kiến, Nhện con trong nhà. Các anh chị Thằn Lằn cũng giúp ích rất nhiều cho loài người trong các đồn điền trồng dừa. Vậy mà ở Hoa Kỳ không thấy bóng dáng của các anh chị Bích Hổ..
Các chị Thằn Lằn lên 6 hay 12 tháng tuổi đã bắt đầu yêu đương. Các chị rất quí phái nên sinh sản không nhiều: 01 hay 02 trứng vùi dưới đất hay lá cây. Ở vùng khí hậu lạnh Thằn Lằn không đẻ trứng vào mùa đông. Sau cuộc ái ân các chị mang thai. Một số tinh trùng được tồn trữ trong thời gian nhất định. Các chị mang thai, đẻ trứng mà không cần đến sự ái ân với các nam Bích Hổ.
Kẻ thù của Thằn Lằn là Mèo, Chuột, Tắc Kè, Gà, Nhện to v.v.
Tuổi thọ của Thằn Lằn lối 08 năm trong trạng thái bị loại người giam cầm, được ăn uống và chăm sóc thuốc men đầy đủ. Tuổi thọ này ngắn hơn trong trạng thái hoang dã. Trong trạng thái hoang dã Thằn Lằn được tự do đi đó đây trong một vũ trụ vô biên cương. Bù lại cũng có nhiều thứ tự do bất lành khác như tự do thiếu ăn, tự do bịnh tật, tự do bị các loài động vật khác đe dọa ăn tươi, nuốt sống nghĩa là tự do chết!
Tộc Bích Hổ được loài người thêu dệt lắm chuyện hấp dẫn. Nào là Bích Hổ khi sợ thì giả đò chết như người Pháp nói: Quand il a peur, le margouillat fait semblant d’être mort (Khi sợ Thằn Lằn giả vờ chết). Mấy anh chàng Việt Nam thì nói: Thằn Lằn cụt đuôi!. Nhưng có sao đâu! Thằn Lằn cụt đuôi thì có đuôi mới mọc ra.
Bích Hổ học võ của sư phụ nào, môn phái nào mà trèo tường, bò trên trần nhà dễ dàng vậy? Từ trần nhà té xuống sàn Bích Hổ không bị tắt thở mà còn chạy một cách thong thả. Các thầy nghề võ và thầy thuốc cần đầu tư suy nghĩ và nghiên cứu về những chuyện thường thấy trong gia đình Bích Hổ.
Tiếng chắc lưỡi của Bích Hổ làm cho loài người chia rẽ nhau.
Người thì cho đó là điềm xui của anh chàng đại gia Thạch Sùng (Shih Chong) chắc lưỡi vì tiếc của.
Người thì cho đó là điềm lành. Theo tiếng Bengali ‘tik, tik, tik’ có nghĩa là Đúng! Đúng! Đúng!”.
Những người khó ngủ không ưa tiếng chắc lưỡi của Bích Hổ.
Người Việt Nam tin vào chuyện xưa tích cũ Trung Hoa, cho rằng Thằn Lằn là hồn của anh chàng đại gia kênh kiệu tên Shih Chong (Thạch Sùng). Anh chàng này tự hào rằng anh có tất cả những gì có trên Trái Đất này. Anh ta ngông nghênh thách rằng anh sẽ mất hết gia tài cho ai chỉ ra một vật gì mà anh ta không có. Một anh nhà nghèo nào đó hỏi Thạch Sùng (Shih Chong) có mẻ kho mà anh thường dùng ở nhà hàng ngày không? Đó là vật mà đại gia Shih Chong không có mặc dù anh ta có nồi, chảo, ấm nấu nước bằng vàng, bạc, đồng, thau hay đất quí nhưng không có mẻ kho. Thế là anh mất gia tài. Anh thua buồn và chết, hồn nhập vào Bích Hổ. Lâu lâu anh chắc lưỡi ‘tik, tik, tik’ vì tiếc của.
Loài người lắm chuyện khiến chúng tôi bối rối tự hỏi:
Bích Hổ có trước Shih Chong (Thạch Sùng) hay đợi Shih Chong chết mới có Bích Hổ?
Nếu Bích Hổ có trước từ lâu, vậy trước khi Shih Chong chết, Bích Hổ có tặc lưỡi ‘tik, tik, tik’ không?
Trong Đông Y người ta dùng Thằn Lằn sấy khô tán thành bột để làm thuốc trị suyễn, cước khí, kinh phong, lao hạch.
Trong thực vật học có cây Thằn Lằn tức cây Sung Lông hay nôm na là cây Xọp mang tên khoa học Ficus pumila.
CÁP GIỚI (TẮC KÈ)
Gecko Gecko
Gia đình: Gekkonidae
![]() | ![]() | ![]() |
Người Việt Nam gọi các anh chị mang tên khoa học Gecko gecko thuộc gia đình Gekkonidae là Tắc Kè, âm thanh của tiếng kêu của các anh chị ấy.
Giống như Bích Hổ các anh chị Tắc Kè là loài Bò Sát sống trong nhà. Bích Hổ thích ánh sáng. Tắc Kè thích bóng tối. Ngoài thiên nhiên các anh chị ấy sống trong các hốc đá, vách núi, trên các bộng cây. Tên gọi thông thường của các anh chị Tắc Kè là:
Quốc Gia | Tên Gọi |
Việt Nam | Tắc Kè, Đại Bích Hổ, Cáp Giới (Hán- Việt) |
Anh | Gecko |
Pháp | Gecko |
Tây Ban Nha | Geco |
Trung Hoa | Ge Jie (Cáp Giới) |
Nhật | Gekko |
Cáp Giới (Tắc Kè) dài từ 30- 50 cm, cân nặng từ 0.5 đến 1.5 ki- lô. Anh chị Cáp Giới mặc quần áo bông có đốm đỏ trông dễ sợ. Màu quần áo của động vật Bò Sát này có thể thay đổi để thích ứng với màu sắc của môi trường bao quanh. Bàn chân của các anh chị Tắc Kè rất nhám nên các anh chị ấy trèo cây, trèo tường, trần nhà dễ dàng như các anh chị Bích Hổ.
Tắc Kè được tìm thấy nhiều ở Nam Á, Đông Nam Á, Trung, Nam Mỹ, các hải đảo Thái Bình Dương v.v. Các anh chị ấy thích ứng với mưa lạnh ở các vùng ôn đới rất tốt như nhịn đói cả mùa đông vẫn không chết! Tắc Kè không sống ở Nam Băng Châu.
Tắc Kè hoạt động ban đêm. Ban ngày mắt Tắc Kè bị lòa. Tắc Kè thường liếm mắt cho mắt sạch và ướt. Tắc Kè ăn Dế, Mối, Nhện, Chuột nhỏ và các loại Côn Trùng khác.
Tắc Kè Báo (Leopard gecko) trong trạng thái giam cầm có thể sống từ 10 đến 20 năm. Có anh Tắc Kè Báo trên 27 tuổi đời vẫn còn làm công tác truyền giống. Đó là tộc Tắc Kè có tuổi thọ cao được ghi nhận.
Tắc Kè là động vật máu lạnh, đẻ trứng (không nhiều). Tắc Kè không có nọc độc.
Tiếng kêu của Tắc Kè rất mạnh. Điều đó cho thấy phổi của Tắc Kè rất mạnh. Trong Đông Y có thang thuốc Cáp Giới dùng Tắc Kè làm thuốc bổ thận, bổ phổi. Ở các nước Đông Nam Á nơi có nhiều cộng đồng người Hoa, người ta mua Tắc Kè để ngâm rượu Tắc Kè uống để được bổ thận cường dương. Vì vậy khi ngâm rượu người ta ngâm một nam và một nữ Cáp Giới. Tắc Kè ngâm rượu đều bị khoét mắt sau khi bị thui đốt. Vì chuyện này mà Cáp Giới tộc trên đường tuyệt chủng khiến chánh phủ của vài nước Đông Nam Á ra lịnh trừng phạt người săn ruồng và bắt các anh chị Cáp Giới để làm thuốc hay ngâm rượu uống bổ phế và tráng thận cường dương. Không biết kết quả của những lịnh ngăn cấm này ra sao. Chỉ biết rằng dân số Cáp Giới tộc càng ngày càng giảm rất nhiều.
Trong huyền thoại Hy Lạp có chuyện nữ Thần nông nghiệp và thu hoạch hoa màu Demeter mệt lử khi đi tìm con gái là Persephone, con của bà với Thần Zeus, anh của bà. Nữ Thần vào nhà một nữ nông dân tên là Misme ở Attita và được tiếp đãi nồng hậu. Nữ Thần Demeter đuối sức vì quá khát nước. Người nữ nông dân trao cho bà một bình nước to. Vì quá khát nước bà uống sạch thùng nước trong một hơi. Con của Misme là Ascabalus hay Abas chế nhạo cách uống nước của nữ Thần Demeter. Bà nối giận tát vài giọt nước vào mắt Ascabalus và biến cậu thành một nam Cáp Giới thân có nhiều đốm đỏ trông ghê rợn.
Ngày xưa ở Ai Cập người ta xem Tắc Kè như vật tổ. Trái lại Thánh Kinh Do Thái xem động vật Bò Sát chúng tôi là ma quỉ không thanh sạch. Trong sách Leviticus 11:30- 40 có đề cập đến Tắc Kè, Cắc Ké, Kỳ Đà, Kỳ Nhông, Thằn Lằn nhưng không có một từ nào ca ngợi hay đề cao những thành viên cao quí của Đại Tộc Bò Sát cả.
KỲ ĐÀ
Varanus varius
Gia đình: Varanidae
![]() | ![]() | ![]() |
Kỳ Đà là bà con gần của Rồng Komodo. Các anh chị Kỳ Đà có hình dáng giữa Sấu + Cắc Ké. Kỳ Đà nhỏ hơn Sấu nhưng lớn hơn Cắc Ké rất nhiều. Kỳ Đà không có gai trên sống lưng.
Kỳ Đà được tìm thấy nhiều ở các vùng Nam Á, Phi Châu, Đông Nam Á, Trung Hoa, nam Nhật Bản, hải đảo Thái Bình Dương và bắc Úc. Các anh chị ấy sống trên cây hay trong các vùng đất ẩm ướt có sông, suối hay bờ biển. Kỳ Đà to lớn có thể dài đến 2 m và cân nặng 14 ki- lô.
Tên khoa học của Kỳ Đà là Varanus varius thuộc gia đình Varanidae. Tên gọi thông thường là:
Quốc Gia | Tên Gọi |
Việt Nam | Kỳ Đà |
Anh | Monitor lizard, varanid |
Pháp | Lezard moniteur |
Tây Ban Nha | Monitor lagarto |
Nhật | Tokago o kanshi suru |
Trung Hoa | Ju xi |
Trông tướng Kỳ Đà không bạo tợn như Sấu, không hùng hổ như Cắc Ké đầu xanh hay đầu đỏ nhưng Kỳ Đà có nọc độc khi cắn.
Đuôi Kỳ Đà là võ khí của các anh chị tộc ấy. Đuôi dài bằng 1.5 (thân hình+ đầu) của Kỳ Đà.
Tuổi yêu đương của Kỳ Đà bắt đầu khi Kỳ Đà đo được 40 cm. Nam Kỳ Đà dài và nặng cân hơn nữ Kỳ Đà. Trong mùa ái ân của tộc Kỳ Đà xảy ra những cuộc đấu đá tranh giành người yêu. Nhiều anh bị thương tích trầm trọng. Có anh bị tử vong. Sau cuộc ái ân các chị Kỳ Đà mang thai và sinh ra từ 8- 12 trứng. Trứng được che giấu trong hố đất do các chị Kỳ Đà đào.
Kỳ Đà ăn Sâu Bọ, loài Bò Sát, Chim, trứng Chim, Gà, Vịt, trứng Gà, trứng Vịt. Thức ăn ưa thích của Kỳ Đà là xác động vật chết sình thối. Vì vậy Kỳ Đà bị liệt vào động vật không thanh sạch trong sách Leviticus của Cựu Ước Kinh.
Ở Úc tộc Kỳ Đà bị Chó Dingo uy hiếp.
Kỳ Đà mang tên khoa học Megalania prisca hay Varanus priscus dài đến 6 m đã tuyệt chủng. Hiện nay Rồng Komodo Varanus komodoensis còn sống sót dài từ 3- 4 m. Rồng Komodo được tìm thấy nhiều ở Indonesia.
Ở Việt Nam người ta tin rằng mật Kỳ Đà chữa hết bịnh suyễn và viêm phế quản. Không thấy họ giải thích chuyện nầy dựa trên cơ sở khoa học. Cũng không nghe các thầy thuốc Tây Y đề cập đến chuyện này.
Chúng tôi chỉ nghe người Việt Nam gọi những người bàn ra tán vào để ngăn cản một việc làm nào đó là KỲ ĐÀ CẢN MŨI. Những người chèo thuyền trên sông nước tin rằng gặp Kỳ Đà Cản Mũi thì xui xẻo, hỏng việc hay gặp sóng to, gió lớn nguy hiểm.
RẮN MỐI
Mabuya nigropunctata
Copeoglossum nigropunctatum
Gia đình: Scincidae
![]() | ![]() | ![]() |
Rắn Mối nằm trong đại tộc Bò Sát có hình dáng, chiều dài và trọng lượng như Cắc Ké (Chameleon) nhưng được gọi là Rắn vì có mỏ, lưỡi và bộ quần áo láng màu đen viền trắng hay vàng nhạt như đồng. Vảy của Rắn Mối không nhám, sần sùi như vảy Cắc Ké mà láng như vảy Rắn.
Rắn Mối được tìm thấy nhiều ở Nam Mỹ, dọc theo thung lũng sông Amazon, các nước Đông Nam Á, Nam Âu, Trung Đông, hải đảo Thái Bình Dương, và Ấn Độ Dương v.v. Rắn Mối hiền hòa hơn Cắc Ké. Khác với Cắc Ké, Tắc Kè, Thằn Lằn, Rắn Mối sinh con (viviparous) chớ không sinh trứng. Rắn Mối không có nọc độc.
Rắn Mối được liệt vào loài ăn tạp.
Tên khoa học của Rắn Mối là Mabuya nigropunctata thuộc gia đình Scincidae. Tên Gọi Thông Thường là:
Quốc Gia | Tên Gọi |
Việt Nam | Rắn Mối |
Anh | Coppery mabuya; Black- spotted skink |
Tây Ban Nha | Mabuya cobriza |
Trung Hoa | Tong Zhi hei bu ya |
Rắn Mối là một nguồn thịt ngon. Thịt trắng và có hương vị như thịt Cá Lóc. Ngày nay ở Việt Nam có nhiều trại nuôi Rắn Mối để cung cấp cho các nhà hàng. Món ăn Rắn Mối hiện được thực khách hoan nghinh.
CẮC KÉ
Chamaelo chamaeleon
Gia đình : Chamaeleonidae
![]() | ![]() | ![]() |
Cắc Ké là loại Bò Sát có vóc dáng dễ nhìn với những bộ quần áo đỏ, xanh, xám, đen. Địa bàn của các anh chị Cắc Ké là các vùng nhiệt đới Mỹ Châu, Đông Nam Á, Nam Á, vùng khí hậu đại dương như các hải đảo Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải. Cắc Ké nam có gai trên sống lưng, mặt xanh hay đỏ trông uy vệ, hiếu chiến, hiếu thắng với bề ngoài đầy vẻ gây hấn.
Tên khoa học của Cắc Ké là Chamaeleo chamaeleon thuộc gia đình Chamaeleonidae.
Tên gọi thông thường là:
Quốc Gia | Tên Gọi |
Việt Nam | Cắc Ké |
Anh | Chameleon |
Pháp | Cameleon (+), Cameleonne (-) |
Tây Ban Nha | Camaleon |
Nhật | Kamareon |
Trung Hoa | Bian se long |
Chữ CHAMELEON xuất phát từ chữ Hy Lạp KAMALEON có nghĩa là Sư Tử Đất (Kama: đất; Leon: Sư Tử). Đó là một cái tên rất khua chớ không thấp hèn như tên gọi Cắc Ké.
Chiều dài từ đầu đến đuôi Cắc Ké xê dịch từ 20 cm đến 40 cm. Các chị Cắc Ké to lớn hơn các anh. Màu quần áo của các chị nhạt hơn của các anh. Màu quần áo thay đổi theo màu môi trường bao quanh khi Cắc Ké cần ngụy trang. Mắt của Cắc Ké rất to. Vì bản chất hiếu động và hiếu chiến, hiếu thắng các anh Cắc Ké dễ bị thu hút bởi tiếng huýt gió của loài người. Vì tiếng huýt gió mà các anh chị Cắc Ké ngẩng đầu lên nên đầu bị lọt vào vòng thắt cổ của cần câu Cắc Ké.
Tuổi thọ của Cắc Ké trong trạng thái bị giam cầm là 2 đến 5 tuổi. Tùy theo giống và phái, Cắc Ké trưởng thành có thể đạt đến 60 cm chiều dài. Cắc Ké bắt đầu tuổi yêu đương khi được 06 tháng tuổi. Trong mùa yêu đương các anh Cắc Ké đấu đá với nhau dữ dội để giành quyền yêu nữ phái. Các chị Cắc Ké mang bầu và sinh từ 15 đến 20 trứng. Chỉ có khoảng 35% trứng nở ra Cắc Ké con mà thôi.
Cắc Ké sống trên cây ăn các loại côn trùng, Nhện, xác thú chết sình thối. Cắc Ké rất hiếu chiến. Các anh chị ấy cắn rất đau nhưng không có nọc độc.
TỘC BÒ SÁT TUATARA
Sphenodon punctatus punctatus
Gia đình: Sphenodontidae
![]() | ![]() |
Tộc Bò Sát Tuatara chỉ được tìm thấy trên đảo Tân Tây Lan ở Nam Bán Cầu. Theo ngôn ngữ của người Maori Tuatara là đỉnh cao trên lưng. Đó là những gai nhọn trên sống lưng các anh chị Bò Sát.
Tên khoa học của Bò Sát Tuatara là Sphenodon punctatus punctatus thuộc gia đình Sphenodontidae.
Bò Sát Tuatara dài từ 60- 80 cm, cân nặng từ 1.5 ki-lô đến 3 ki- lô. Các anh to lớn hơn các chị Tuatara. Nam, nữ phái tộc nầy mặc quần áo xám, trắng- xám, đen nhạt. Mặt mày các anh chị ấy trông bậm trợn dữ dằn. Tuatara giống Sấu hơn là Cắc Ké. Răng bén như răng cưa. Đuôi mạnh như đuôi của Ngạc tộc.
Bò Sát Tuatara có tam nhãn; không có tai và lá nhĩ nhưng thính giác rất tốt!
Tuổi trưởng thành của Bò Sát Tuatara bắt đầu từ 10- 20 tuổi vì tuổi thọ của tộc Bò Sát Tuatara rất cao. Các chị Tuatara đẻ trứng. Các chị sinh 04 năm một lần. Vì vậy dân số Tuatara không đông. Tùy theo nhiệt độ của trứng ta có nhiều nam hay nữ Tuatara.
Nhiệt Độ | Nam | Nữ | Nam Nữ Tương Quan |
Trứng ấm | Nhiều hơn | Ít | Nam .>. Nữ |
Trứng lạnh | Ít | Nhiều | Nam .<. Nữ |
Trứng 27 độ C (70 độ F) | Bằng nhau | Bằng nhau | Nam= Nữ |
Thức ăn: côn trùng, Ếch, Nhái, Nhện, Chim, xác thú.
Sống trên mặt đất gần các dòng nước và hoạt động ban đêm.
Tuổi thọ của Bò Sát Tuatara cao hơn tất cả động vật Bò Sát khác. Tuổi thọ kéo dài từ 60 đến 100 tuổi hay hơn.
****
Thưa quí vị, Trái Đất là một đấu trường và ái dục trường. Vạn vật hiện hữu trên Trái Đất đều phải đấu tranh để sinh tồn theo qui luật thông thường:
Mạnh được, Yếu thua.
Khôn sống, Dại chết.
Lừng khừng chịu thiệt.
Kẻ siêng năng được nhiều phúc lợi.
Kẻ biếng lười vô tội nhưng bị người đời khinh rẻ cười chê.
Có sống tất có chết.
Có sinh thì có diệt
Có dấu tranh tất phải có đổ máu và chết chóc.
Nhưng vạn vật luôn luôn có tình yêu và tình dục trong bất cứ tình huống tốt xấu nào. Ái dục tạo sự sinh hóa bảo tồn dòng giống. Nhờ vậy Trái Đất không bao giờ vắng vẻ và ngưng đọng.
Đại tộc Bò Sát chúng tôi chấp nhận những qui luật sinh tồn trên. Trong Tứ Linh đại tộc Bò Sát chúng tôi chiếm 50% với Long Tiên Sinh và Qui Đại Lão. Thú thật chúng tôi không thấy, không biết và không có tài liệu về Long Tiên Sinh. Chỉ nghe đồn Ngài mạnh lắm, chạy nhảy trên mặt đất, vẫy vùng trên biển cả, sông nước, ao hồ và bay bổng trên Trời cao. Các vua chúa Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng của Trung Hoa tự xem mình là Thiên Tử (Con Trời) và có sức mạnh vô địch đầy nét tượng trưng của Long Tiên Sinh. Họ cũng muốn được sống lâu như Qui Đại Lão. Nói vậy mà cũng có anh chàng Thạch Sanh nào đó chém Chằn bằng dao, rựa hay vật bén nhọn gì đó. Năm 1649 Cromwell giết Rồng Charles I ở London. Năm 1793 Robespierre giết Rồng Louis XVI ở Paris. Năm 1918 Lenin xử bắn gia đình Rồng Nicholas II ở Yekaterinburg.
Một mặt loài người tỏ ra kính trọng, sợ sệt hai đại biểu trong Tứ Linh thuộc dòng Bò Sát của chúng tôi. Mặt khác họ giết Rồng, làm gỏi Qui bán ở các nhà hàng. Trong đệ nhị thế chiến tình trạng thiếu lương thực rất ngặt nghèo. Nhiều người dân nông thôn đi tìm chất dinh dưỡng bằng mọi phương tiện mà họ có thể. Trẻ em ở thôn quê đi câu Cắc Ké để nấu canh bầu, bắt Rắn Mối nướng ăn. Kỳ Nhông, Kỳ Đà đều bị ruồng bắt để lấy thịt, da và mật.
Loài người có tiếng nói, có văn tự nên biếm nhẽ đại tộc Bò Sát chúng tôi không ít. Nào là bọn Cắc Ké mà làm gì nên hồn. Nào là Kỳ Đà cản mũi; Kỳ Nhông đổi màu; Thằn Lằn đứt đuôi; Tắc Kè lửa (ám chỉ kẻ có thế lực); Tắc Kè đôi, bắt được rồi còn chối nữa thôi? ; Nước mắt Cá Sấu; Chậm như Rùa v.v.
Câu: Cắc Ké là mẹ Kỳ Nhông; Kỳ Nhông là ông Kỳ Đà; Kỳ Đà là bà Cắc Ké là những câu bắt vần:
É của chữ Cắc KÉ ra âm MẸ (-) (2)
ÔNG của chữ Kỳ NHÔNG ra âm ÔNG (+)
À của chữ Kỳ ĐÀ ra âm BÀ (-)
Câu này cho thấy loài động vật hai chân khinh rẻ đại tộc Bò Sát chúng tôi theo chế độ dòng tộc nội hôn (endogamy). Hình như loài người đâu đấy vào thời gian nào đó cũng có chế độ như vậy. Vạn vật trong vũ trụ đều có quan hệ gắn bó với nhau. Những đặc tính tốt, xấu, hiền, dữ, đẹp, xấu xí hay vô thưởng vô phạt đều được tìm thấy trong thảo mộc, động vật và loài người.
Trong thực vật học người Anh dùng chữ Lizard’s tail để chỉ:
a. Rau giấp cá (ngư tinh thảo) Houttynia cordata vì có cọng dài như đuôi Cắc Ké.
b. Yên Tinh Thảo (cỏ Yerba mansa) Anemopsis californica
c. Thủy long thảo (Tam bách thảo; Huệ đầm lầy) Saururus cornus.
Trong Tinh Tú Học có sao Chameleon được chọn vào cuối thế kỷ XVI. Chòm sao này không sáng sủa lắm.
Cắc Ké, Tắc Kè, Thằn Lằn, Kỳ Nhông, Kỳ Đà không có mặt trong 12 con giáp và Đề 40 con. Rồng, Rắn có mặt trong 12 con giáp và trong số Đề. Rùa chỉ có mặt trong số Đề mà thôi. Thằn Lằn, Tắc Kè, Kỳ Đà có mặt trong các nhà thuốc Đông Y. Trong Đông Y thầy thuốc chữa bịnh cũng là dược sĩ bốc thuốc cho bịnh nhân. Thế là mọi thành viên đại tộc Bò Sát đều có tầm quan trọng riêng trong xã hội loài người với thịt, da, mật và thân xác tán nhuyễn thành bột để làm thuốc.
Đến đây chúng tôi xin chấm dứt bài tham luận của đại tộc Bò Sát và chân thành cảm ơn sự lắng nghe của toàn thể quí vị. Kính mời quí vị cùng chúng tôi đứng dậy dành một phút mặc niệm tưởng nhớ đến các chi tộc Tắc Kè (Cáp Giới), Kỳ Đà và Thạch Sùng Bích Hổ chết đau đớn trong các lò sấy hay trong các bình rượu thuốc của loài người.
Các đại biểu đều đứng dậy. Phút mặc niệm bắt đầu giữa tiếng ngâm thơ trầm buồn của nữ sĩ Hoàng Yến Serinus canaria domestica, gia đình Fringillidae, gốc trên quần đảo Madeira ngoài khơi Đại Tây Dương. Các đại biểu trong hội trường đều rơi nước mắt và sụt sùi khóc vì bài thơ của nữ sĩ Hoàng Yến.
Phạm Đình Lân(Trưởng Lão Cự Đà Mexico Iguana Iguana.)
_____________
(1) Miết Giáp: mai Rùa hay Ba Ba. Ba Ba mang tên khoa hoc Trionyx sinensis và nhiều tên khác như Pelodiscus sinensis tuberculatus thuộc gia đình Trionychidae. Tên dược học của miết giáp (soft- shelled turtle) là Carapax trionycis. Trong Đông Y , Miết Giáp là một vị thuốc dùng để trị sốt rét, xơ gan, suyễn v.v. Miết giáp có nhiều keratin, sinh tố D, amino acid, fatty acid.
(2) (+): Nam (giống đực); (-): nữ; giống cái.