

Trần Mạnh Hảo
ĐÊM CÚP ĐIỆN ĐỌC TIỂU THUYẾT “TẮT ĐÈN” CỦA VĂN HÀO NGÔ TẤT TỐ

Như em chồng chị Dậu (*)
Nhà văn dẫu chết rối hồn vẫn phải đóng sưu
Từng trang sách muôn đời còn thiếu thuế
Tóc chị Dậu hay mưa phùn quá khứ
Lênh đênh gió bấc bây giờ
Tiếng gọi đò lịch sử
Còn u ơ giọng chị đêm mưa
Đất nước từ xưa
Như chưa ra khỏi làng khỏi xã
Phố thị thành thôn dã
Nhà ngói giống nhà tranh
Chị Dậu vẫn một mình lội qua chữ nghĩa
Đi bán nỗi đau con
Mong chuộc nỗi đau chồng
Yêu thương ơi, người là gì thế nhỉ ?
Mà bán cả cuộc đời chưa trả nổi trời ơi !
Giá lương tâm ai mua dùm cho chị
Giá ai mua dùm chị hồn người ?
Nếu đời chị tính từ thời bác Tố
Chắc giờ ngoài tuổi chín mươi
Nhưng đêm nay tôi vẫn thấy nhiều người
Chạy vụt ra khỏi nhà cụ cố
Trong mưa gió
Trong đêm đen
Trong cúp điện
Trong bình minh đầm đìa nước mắt
Hình như chị Dậu vừa chạy ra khỏi làng cùng đất nước
Để mình tôi lại với “Tắt Đèn”

…Sài gòn năm 1983
Trần Mạnh Hảo
.(*) Em chồng chị Dậu là anh Hợi, nhân vật tiểu thuyết, chết rối vẫn phải đóng sưu
( Bài đã in trên báo “Người Hà Nội – do nhà văn Tô Hoài làm tổng biên tập, số 51 (351) ngày 19-12 đến 25-12-1993)
. GHI CHÚ : Theo nhà nghiên cứu Thái Doãn Hiểu trong bài : “Những cái chết tức tưởi của nhà văn, chuyện bây giờ mới kể” in trên trang web Trần Nhương, thì văn hào Ngô Tất Tố bị đảng cộng sản đấu tố quá mức chịu đựng nên đã tự sát trong chiến khu chống Pháp, ngay trước chiến thắng Điện Biên phủ :
“Gần ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội Văn nghệ Việt Nam họp trên đồi Nhã Nam. Cuộc đấu tố của văn nghệ sĩ diễn ra gay gắt căng thẳng. Người ta đã vu cáo những chuyện tày trời, quyết liệt dồn Ngô Tất Tố vào tận chân tường. Tác giả Lều chõng và Việc làng đã phạm tội phục cổ nhằm mục đích gì ? Và, Ngô Tất Tố đã qua đời vào đêm 20 tháng 4 năm 1954 bằng thắt cổ tại nhà riêng ởYên Thế, Bắc Giang. Cái sự chết của nhà văn khắc nghiệt đến mức nghĩa trang liệt sĩ xã ở địa phương từ chối không cho chôn.”