



Chu Mộng Nong
CƠ HỘI TÀN PHÁ THIÊN NHIÊN

Vụ cây đổ làm chết học sinh đã kéo theo hiệu ứng “diệt chim sẻ” đang diễn ra ở trường học. Nhiều hiệu trưởng phát lệnh chặt cây. Chặt hết cây thì sẽ không còn tai nạn.Tôi khẳng định, người dân quê vô học cũng không có cái tư duy như vậy. Chỉ có thể là trí thức cơ hội, lưu manh, vì sợ trách nhiệm, tức sợ mất ghế. Thường thì ghế chạy mới sợ mất ghế.Quê tôi khi gió lớn, từng có cây đổ gây sập nhà, chết người không ít lần, nhưng chưa hề thấy ai nộ khí xung thiên đến mức chặt hết cây. Một con bò húc chết người, dân quê cũng không ngu đến mức giết sạch đàn bò để tránh hậu họa.


Tư duy của “3 nhảy vọt ” của Mao giết chim sẻ để bảo về mùa màng đã gây nên nạn đói với khoảng 30 triệu người bỏ mạng(tư duy bần cố)

Tư duy về “sự đảm bảo an toàn” bằng cách giết sạch, phá sạch chỉ có thể từng có ở lãnh tụ Mao Trạch Đông.Thực hiện kế hoạch “Đại nhảy vọt”, Mao Trạch Đông phát động “Chiến dịch diệt chim sẻ” (Đả ma tước vận động 打麻雀运动). Phong trào này kéo dài 4 năm (1958-1962). Chim sẻ bị liệt vào danh sách “kẻ thù địch cần tiêu diệt”, vì chúng ăn thóc, gây thiệt hại cho nông nghiệp. Toàn bộ nông dân tại Trung Quốc được huy động vào chiến dịch nhằm tiêu diệt tận gốc “kẻ thù giai cấp” là quân chim sẻ ấy. Nhà nhà, người người thi nhau bắn chim sẻ hoặc đập gõ nồi, niêu và rượt đuổi chúng bay đi. Các ổ chim sẻ bị phá, trứng bị đập vỡ, các chim con trong tổ bị giết chết như thể tru di ba họ nhà chim sẻ. Hậu quả là chim sẻ gần như bị tận diệt. Hệ lụy, những năm sau đó nạn châu chấu, sâu bọ tràn lan (vì chim sẻ không chỉ ăn thóc mà còn ăn châu chấu, sâu bọ), mùa màng bị tàn phá còn dữ dội hơn.Trong trường hợp này, tôi nghĩ Mao ngu kéo theo dân ngu chứ không có lý do gì sợ mất ghế. Mao dám làm dám chịu (tất nhiên là dân sẽ gánh chịu hậu quả) chứ không lưu manh chạy trốn trách nhiệm bằng một cuộc tàn phá cây xanh như các nhà quản lý giáo dục hiện nay. Không chừng cứ đổ lỗi do ngu, tức thiếu hiểu biết, thì có ngày với lối suy nghĩ và hành động đó, đất nước này chỉ còn là một bãi tha ma cho “đảm bảo an toàn”. Chẳng hạn, rừng gây lũ lụt, sạt lở thì phá rừng, động vật ăn thịt người hay phá hoại mùa màng thì giết sạch động vật, sông gây chết đuối trẻ em thì lấp hết sông…

