Tiếp tục đọc “Mình ơi !”(hồi 21) phiếm của Kha Tiệm Ly

Kha Tiệm Ly

MÌNH ƠI 21
CHUYỆN HẬU CUNG HỒI XƯA

Thám hoa:

– Anh đố mình nhe: “Thời xưa, người phụ nữ đau khổ nhất nước là ai?”

– Đố cái gì mà tổng thể quá! “Thời xưa” là thời nào, triều đại nào? “Khổ” thì cả trăm cả ngàn loại khổ; mình muốn nói loại khổ nào: Già? Bịnh? Đói? Cô độc? Tù đày? Hay… hay là khổ vì có ông chồng lâu lâu ra câu đố… khùng khùng! Hihi

– Hihi… Thôi khỏi đố, nói luôn nè” “Người phụ nữ khổ nhất nước là hoàng hậu!”

Phu nhân trố mắt:

– Ối giời! Hoàng hậu là người cai quản tam cung lục viện, đi có người dìu, ngủ có người quạt, uống có người hầu, ăn có kẻ hạ… Vân vân. Tiên trên trời chưa chắc bằng, thì khổ là khổ chỗ nào? Mình nói lạ!

– Bây giờ anh hỏi mình: Người phụ nữ dù uy quyền tót chúng, vật chất thừa mứa, nhưng đêm nào chồng mình cũng công khai ôm ấp người phụ nữ khác; ghen mà không dám hở môi; vậy sướng hay khổ?

– Ớ…

Thám hoa khôi hài:

– So với người phụ nữ có một gia đình “sáng rau chiều cháo, bữa đói bữa lưng lưng”, nhưng có ông chồng mặt như Tống Ngọc, yêu vợ hơn yêu mình, tối ngày cứ “mượn gò má chút coi”, thì mình chọn ai?

Phu nhân chúm chím miệng cười, nghiêng đầu, liếc, giọng trong như suối:

– Em chọn làm thám hoa phu nhân, được hôn? Vì đây là người phụ nữ hạnh phúc nhất! Humm… nhưng mình nói cho em nghe về chuyện “tình yêu” của vua thế nào mà làm hoàng hậu khổ đi mình!

– Cho mượn gò má chút rồi kể cho!

Phu nhân lại chìa gò má trước mặt thám hoa:

– Nè! Nay bắt chước lũ nào mà mở miệng là đòi ăn hối lộ vây? (Chụt! Chụt).

– E hèm… thực ra làm vua vụ gì cũng “ngon” chớ “vụ đó” không “ngon” bằng bá tánh bình dân! Đơn giản là khi “hành sự” họ chỉ giải quyết nhục thể chớ không có tình yêu (hoặc hiếm), và nhất là được trong thời gian “cụp lạc” lại có người giám sát!

– Ai dám giám sát? Muốn bị tru di hả?

– Từ từ!… Như mình biết, vua hồi xưa, ngoài hoàng hậu, phi, (3 bậc), tần (7 bậc), còn có hàng ngàn giai nhân khác gồm: Chiêu nghi, Chiêu dung, Tiệp dư, Quý nhân; Mỹ nhân (tạm gọi chung là “cung phi”). Đó là anh nói theo thời Minh Gia Tĩnh, với các triều khác, những thứ bậc trong hậu cung đều có tên gọi không giống nhau; với đời Thanh, thì hậu cung có 9 bậc: 1. Hoàng Hậu, 2. Hoàng quý phi,3. Quý phi, 4. Phi, 5. Tần, 6. Quý nhân, 7. Thường tại, 8. Đáp ứng, 9. Quan nữ tử.
Người ta quen gọi vợ vua là “hoàng hậu”, nhưng có triều “hoàng hâu” có tên gọi khác, và cũng có triều vua không lập hoàng hậu! Trở lại câu chuyện: Với mấy ngàn cung phi tuyệt sắc như vậy, nhà vua không “nỡ” để ai “thất nghiệp”, nên mỗi đêm phải “giúp” cho một bà có “công ăn chuyện làm”!

– Trời! Vậy nếu có 4.000 cung phi thì phải hơn 10 năm mới giáp tua? Vậy là hoàng hậu “thất nghiệp” rồi?

– Hoàng hậu không thất nghiệp, bởi được ưu ái là mỗi tháng được gần vua một lần vào ngày rằm, bởi theo các ngự y, thì ngày rằm dễ thụ thai, và thụ thai vào những ngày trăng sáng thì hoàng tử sau nầy sẽ khỏe mạnh, thông minh linh lợi!

Còn 10 năm đáo lại tua 2 với một cung nữ nào đó là chuyện viễn vông: bởi vua đâu có chọn tuần tự mà là bốc thăm hên xui! Cũng có khi vua thấy luyến lưu một nàng nào đó vì kỹ thuật chăn gối, hay kỹ thuật ăn nói mà cứ “chấm” nàng đó hoài; vì vậy có người cũng nhờ ưu điểm nầy mà từ một cung nữ bình thường đã từ từ soán vị phi, tần và cả “mẫu nghi thiên hạ”!

Lại có người cả đời chỉ hưởng được “long ân” một lần duy nhứt, và rất nhiều người đến chết cũng chưa biết “vụ đó” ra sao, đành để thân ngàn vàng tàn tạ theo thời gian, cuối cùng đem xuống mồ hoang huyệt lạnh! Sự ích kỷ, tàn ác của vua chúa ngày xưa không dừng lại đó: có triều đại khi vua chết, cung tần phải bị chôn theo!

Phu nhân buồn:

– Thân phận người phụ nữ sống dưới bất cứ một triều đại vô nhân, khốn nạn nào cũng đáng thương thay!

– Mỗi vị vua đều chọn người “mây mưa” bằng cách riêng của mình; thông thường là vào buổi cơm chiều, thái giám đem một hộp lớn đựng danh bài của cung nữ; vua thường chọn bằng cách bóc đại cái nào đó, rồi thái giám trịnh trọng để vào 1 cái đĩa bạc; một thái giám khác cầm danh bài truyền cung phi có tên trong đó chuẩn bị “thị tẩm” 侍寢 , tức là chuần bị hầu hạ cho vua ngủ (đúng ra là “ngủ”)!

Cung phi nầy sẽ được giao một mụ đứng tuổi chuyên nghiệp tắm rửa, chải bới tươm tất, thơm tho, và nhất là cửu khiếu phải tuyệt đối sạch sẽ theo cách riêng được truyền từ bao đời trước. Trong khi chờ đợi, cung nữ đó khỏa thân nằm trên một tấm chăn hoa; đến giờ, một thái giám bị bịt kín hai mắt vào cuộn chăn lại, vác lên hầu vua.

– Sao không cho mặc quần áo; lại không cho đi mà phải vác?

– Không cho mặc quần áo vì sợ cung nữ đó giấu vũ khí ám sát vua; phải quấn chăn mà vác vì không lẽ đi khơi khơi lúc “uổng trờ”?

Một cách chọn “thị tẩm” khác rất quái đản là mỗi chiều, vua cho một Dương quan (con dê được phong làm quan) “đi dạo” trong khu vực các cung nữ ở: nếu “vị” quan Dê nầy ngừng ở phòng nào thì chủ nhân phòng đó được thị tẩm! Vì vậy mới có việc các cung nữ đem nhiêu loại cỏ cây ra dụ khị vị quan Dê nầy khi đến phòng mình (từ đó người ta mới phát hiện dê thích so đũa nhất?). Đây là sáng kiến bệnh hoạn của Tư Mã Diễm, một trong những hoàng đế hoang dâm bậc nhất Trung Quốc xưa!

Với triều Thanh, khi hoàng đế bóc trúng danh bài nào thì thái giám phải đem trình cho hoàng hậu, nếu hoàng hậu không ưng, hoàng đế phải chọn danh bài khác; mục đích việc làm nầy là để ngăn ngừa hoàng đế đặc biệt sủng ái một cung phi nào đó.

Việc nhờ Dương quan, hay “bốc thăm” chọn người hầu hạ đã chứng tỏ vua chỉ muốn “giải quyết” vì bản năng chớ không hề có tình yêu chăn gối!

Phu nhân thở dài:

– Cung phi hồi ấy có khác gì con vật, khác gì món đồ chơi!

– Chưa hết đâu! Sau một đêm giải quyết thú tính, thái giám bèn hỏi ý vua là “lưu” hay “hủy”; tức là cứ để “long tinh” trong bụng cung phi kia hay trục nó ra ngoài! Nếu vua nói “lưu” thì bình thường thôi, còn nếu vua nói “hủy” thì thái giám phải cho trục nó ra bằng mọi cách dư tàn ác mà thiếu tính người, khiến người phụ nữ ấy phải chịu nhiều đau đớn và xấu hổ! Trường hợp đã hủy rồi mà lại có thai, thì cung nữ ấy sẽ bị phá thai bằng cách ép uống thuốc, và chuyện tử vong cho thai phụ không còn là chuyện lạ!

– Bất nhân quá!

– Bọn thống trị mấy kẻ có lòng nhân? Kể cả bọn nô dịch “ăn theo” như thái giám cũng không chừa một thủ đoạn hèn hạ nào để làm lợi cho mình! Trở lại chuyện chọn “thị tẩm”: Khi vua chọn (ngẫu nhiên) một danh bài của cung nữ nào đó mà thái giám không ưa, y bèn bịa ra là “nàng nầy bị ghẻ”, “bị hôi miệng”, “bị…”…, cùng lúc “chào hàng” những người hắn ta thích vì đã từng lo lót hắn! Lại có những cung nữ mà hắn ghét, hắn bèn giấu danh bài cung nữ đó, thì mãn đời cung nữ đó không còn hy vọng gì hưởng được “long ân”!

– Mấy thằng “ông không ra ông, bà không ra bà” thì chỉ có mấy chiêu đê tiện đó, chớ làm được giống gì?

– Em chưa biết đâu! Trong lịch sử cung cấm, không thiếu gì những thái giám lộng quyền, làm đảo điên triều nội, bá quan và vua cũng phải kiêng dè! Anh sẽ nói khi có dịp.

Phu nhân trịnh trọng:

– Hồi nãy mình nói khi nhà vua ân ái thì có người giám sát, là sao?

– “Ân ái” là từ thiêng liêng khi đôi nam nữ “gần” nhau mà có tình yêu; còn việc “thị tẩm”, thì người “ngủ” bị coi không khác con vật, thì làm gì có “ân”, có “ái” nên không thể gọi là “ân ân” được; mà gọi là “giải quyết nhục dục” đúng hơn! Dù thế nào, khi “hành sự”, vua cũng không được tự do mà có thái giám đứng… “canh me”!

– Không lẽ đứng trong phòng? Để làm gì?

– Không đứng trong phòng thì đứng đâu? Nhiệm vụ của thái giám nầy là ghi chép ngày, giờ vua hành lạc để làm bằng chứng khi cung phi được thị tẩm mang thai; và nhắc nhở “tâu hoàng thượng, đã hết giờ” khi thời gian vua “vui” quá hai khắc (nửa giờ)! Nếu nhắc nhở mà nhà vua chưa chịu buông ra, thì thái giám buộc phải nhắc mãi!

– Làm chi mà … mất hứng vậy trời?

– Mục đích là để cho vua không phí sức! Thái giám trong phòng còn có nhiệm vụ tối quan trọng là phát hiện kịp thời khi vua bị “tai nạn” bất ngờ trong khi hành lạc mà hô hoán, gọi ngự y kịp thời, cho nên thái giám không đứng ngoài phòng như người ta tưởng!

– “Làm ăn” mà có người coi thì thú vị gì? Em là vua, em đuổi ra!

– Có màn loan trướng phụng thì coi sao được mà coi? Hơn nữa, tẩm cung rộng lớn, thái giám đứng nép một góc nào đó, đâu phải đứng sát bên giường đâu mà ngại? Đó là quy định của triều nội thời Minh Thanh, vua không cãi được. Những triều đại xa xưa khác thì không nghe nói khắc khe như vậy.

– Em đọc sách, thấy ông vua nào đó một đêm “mây mưa” tới 30 cung phi, có không mình?

– Nói dóc không có căn! Phản khoa học! Một “em” cũng đủ le lưỡi rồi!

– Bọn vua chúa có xuân dược thì sao?

– Xuân dược có công năng làm hưng phấn nam giới, nhưng cũng mức độ mà thôi. Chính vì ham mê, tin tưởng thái quá vào xuân dược mà các vua ngày xưa đã không ngại từ những chuyện dã man tàn ác như uống máu, ăn óc, ăn tủy trẻ em,… cho “xung độ”.

– Mình nói hoàng hậu là người đau khổ nhất, nhưng theo em, các cung phi hồi xưa mới đáng thương và khổ đau nhất: Nhan sắc, tuổi thanh xuân, cũng như những ước mơ giản đơn trong đời là được có chồng, sinh con đều bị giam hãm, bị bóp chết trong cung cấm cay nghiệt; có người suốt đời chưa từng diện kiến mặt rồng một lần, chớ đừng nói chi cùng một đêm chăn gối!

– Cũng vì bị đè nén sinh lý lâu ngày nên nhiều cung phi đã ấp ôm thái giám cho đỡ cô đơn, việc nầy gây ra biết bao chuyện dài “thâm cung bí sử”; còn những người may mắn được hầu hạ hoàng thượng thì tìm mọi cách được hầu hạ lần sau và mãi mãi bằng những tuyệt chiêu chăn gối riêng của mình, hay biết tận dụng bá mị thiên kiều để làm điêu đứng đấng chí tôn. Truyền thuyết nói Dương Quý Phi, Võ Mỵ Nương đã làm cho hoàng đế si mê cũng là nhờ những tuyệt chiêu của họ.

Phu nhân thở ra:

– Sao nói vụ nầy thấy không vui! Chiều nay không ăn cơm nhà, em bao mình đi ăn tiệm.

– Cho anh ăn “phở” hả mình?

Phu nhân đưa hai ngón tay thành hình cái kéo dí trước mặt thám hoa:

– Muốn thì cứ! Nhưng có muốn làm … thái giám không thì bảo?

Cao Thám hoa

Để lại lời nhắn

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.