


MẶC ĐỖ
thư của một người lối xóm nhiễu sự

Qua sự trung gian của một tờ báo một hôm người viết nhận được bản sao bức thư của một ông giấu tên viết cho một bà trong lối xóm của ông ta. Nội dung bức thư phát giác nguyên ủy một thảm kịch tình yêu. “Người lối xóm nhiễu sự” chẳng hiểu vì cảm tình hay vì ghét người viết, trên mảnh giấy đính kèm không nói rõ, chỉ viết: “Tôi thấy ông lâu không viết chắc là bí đề tài lắm, tôi gửi ông bản sao bức thư tôi mới viết cho một bà không quen trong lối xóm để gỡ bí cho ông, ông có thể dùng làm đề tài mà viết.”
Mảnh giấy không ký tên, không có địa chỉ. Người viết nhận thấy cứ nguyên văn bức thư đã đủ thành truyện rồi, chỉ cần chụp cho nó một cái mũ là xong. Âu cũng là một cách gỡ bí, đúng như ý muốn, xấu hay tốt, của ông bạn không quen.
“Sàigòn, ngày 14 tháng tư năm 1971.
Thưa bà, trước khi cầm bút viết thư này tôi đã đắn đo lắm, tự chê là nhiễu sự, khi không can thiệp vào một việc mà dư luận đã quên đi và chính bà, người ở trong cuộc, có lẽ cũng đã xếp kỹ vào một xó xỉnh kỷ niệm nào rồi. Nhưng tôi đã vượt thắng được sự tị hiềm vô lý. Thư này, nếu được coi như một can thiệp, chỉ đụng chạm tới một cá nhân, đó là bà. Theo tôi nghĩ, bà không được quyền quên. Có khơi dậy cái nhớ nơi bà vụ can thiệp không tàn nhẫn lắm.
Lý do thứ hai là cần thiết tôn trọng sự thật. Như bà đã biết hơn ai hết, cái chết của người tuổi trẻ kia đã bị gia đình và báo chí biến thành một huyền thoại hoàn toàn sai lệch với sự thật. Tệ hại hơn nữa, đã có những nhà văn níu lấy huyền thoại mà khai thác, vận dụng tài kỹ đem sự thật từ chóp núi xuống tận đáy biển. Sự thật, nhất là sự thật liên quan đến cái chết bạo của cậu bé, không thể bị bóp méo, để tủi cho anh hồn của ai kia còn phảng phất đâu đây.

Lý do thứ ba là tình yêu tuyệt vời. Vì những tầm thường của con người, đã bao đời nay tình yêu bị chà đạp, vùi dập lẫn với đủ thứ xúc cảm. Thế nhân nói đến yêu như ca tụng một khoái cảm có thể bỏ tiền ra mua dễ dàng. Truyện tình yêu được truyền tay nhau như những cuốn sách bán chạy nhất. Trong khi tình yêu trọn vẹn, toàn bích giống như bông hoa dại ở giữa rừng, dễ mấy ai đã có công -và có duyên- tìm được tới để mà gặp. Tình yêu của người tuổi trẻ đó là một tình yêu trọn vẹn. Không ngại tự khoe, tôi đã gần mãn đời mà còn cô độc vì kiếm hoài không thấy được tình yêu. Tôi không có quyền không biện minh cho tình yêu khi bắt gặp một kiểu mẫu tình yêu.
Tôi là người lối xóm, cửa sổ căn phòng của tôi có thể tò mò nhìn thấy nhiều sự việc mà nhà khác muốn giấu kín. Là kẻ gần mãn đời đi tìm tình yêu, tôi không thể thờ ơ không quan chiêm hạnh phúc của kẻ khác. Đã từ lâu tôi theo dõi hạnh phúc của bà và người tuổi trẻ. Cái tật soi mói của tôi chắc bà cũng hiểu cho. Dù sao người cô độc cũng biết tự trọng, chỉ kín đáo chứng kiến hạnh phúc của kẻ khác và thả cho tưởng tượng thêu hoa vẽ gấm của người khác. Đứng ngoài tình yêu nhưng đọc sách và suy ngẫm tôi cũng biết rằng tình yêu có nhiều hình thái, có thứ tình yêu đẹp đôi vừa lứa, có thứ tình yêu trái khoáy mà cũng vươn lên tới tột đỉnh. Tôi là kẻ trời bắt dị thường -gần mãn đời chẳng gặp tình yêu- cho nên dễ liên tình với những trường hợp dị thường. Hạnh phúc giữa bà và người tuổi trẻ kia phải là một trường hợp dị thường. Con mắt tò mò của tôi thành ra được tha thứ đến hai lần.
Tôi tò mò theo dõi hạnh phúc bên lối xóm như người một mình ở trong phòng thủ dâm để tìm thỏa mãn. Tôi cứ tưởng hạnh phúc ở bên kia sẽ kéo dài mãi và bắt mến hai người có hạnh phúc đó. Tôi biết rõ gia thế, hoàn cảnh người sương phụ đang có hạnh phúc. Tôi cũng tìm biết về người tuổi trẻ đã tìm thấy hạnh phúc. Tôi biết rõ gia thế và cá nhân của chàng trai thường ngày kín đáo tìm đến tổ ấm. Cứ ngó gương mặt tuổi trẻ những lúc tình cờ chạm trán nơi đầu hẻm cũng thấy rõ ràng cậu ta đang giam giữ được con chim tình yêu trong lồng ngực.
Có lẽ tôi sẽ không quá dài dòng vô ích nếu nói ra đây quan niệm của tôi về tình yêu. Nói ra để bà hiểu cho tôi hơn và hiểu cái lẽ tại sao tôi vô cớ can thiệp. Tôi không chủ trương như số đông, có tình yêu thanh cao và tình yêu vẩn đục. Chỉ có một thứ tình yêu mà thôi, ngoại giả là không phải tình yêu. Tôi lấy một thí dụ trong văn chương Việt Nam cho gần: Trong một truyện của Nhất Linh, người yêu con gái bàng hoàng tình yêu khi trong lòng chiếc thuyền câu tôm người yêu con trai lần đầu tiên đặt bàn chân không của mình đè lên bàn chân không của bạn. Tình yêu tuyệt vời đã đến sau một tiếp xúc quyết định đến sau bao nhiêu tơ nhện giăng mẳc phất phơ từ nhiều ngày trước. Đó là một hình thái của yêu. Nhưng tôi cũng thấy vẫn là tình yêu chẳng hạn nơi những gì đã xảy ra trong bao lâu ở bên trong căn nhà lối xóm tôi không nhìn thấy nhưng tưởng tượng được ra, tình yêu có thể thăng hoa trên giường nệm miễn hai người trong cuộc đang là người yêu. Luân lý, khuôn phép, lễ giáo can dự gì vào đó nhỉ, nếu hai người yêu nhau chân thành? Đừng ai bắc lên cân, bảo rẳng hai người trai gái chỉ nhìn nhau không thôi, nắm tay nhau e ấp, đã yêu nhau hơn hai người trai gái trần truồng ở trên giường. Không ai biết được hết, chỉ có hai người biết với nhau rằng mình có yêu hay không, có thật yêu hay không, hay chỉ lấy yêu làm cái cớ. Riêng tôi tin chắc người tuổi trẻ thường ngày kín đáo bước vô căn nhà lối xóm là một người yêu.
Đột ngột tới bữa đọc báo thấy tin người tuổi trẻ tự tử chết tôi đã mất cả ngày loay hoay tìm hiểu. Tại sao cậu bé đã tìm cái chết giữa lúc vui đùa trong hạnh phúc? Tôi càng không hiểu, thấy ngay tối hôm xảy ra vụ đó đèn bên nhà lối xóm vẫn sáng, sinh hoạt xem ra vẫn bình thường. Tại sao có thể như vậy? Hay bấy lâu tôi đã bị lừa, chẳng có yêu thương gì hết trọi? Tất cả chỉ là cái cớ, riêng tôi ngu muội quá tin, quá giàu tưởng tượng?
Rồi sau đó, gia đình người tuổi trẻ đầu têu cho báo chí thêu dệt căn cứ trên mảnh giấy có vấy máu tìm thấy bên cạnh xác chết của cậu bé với, xiên từ bụng lên tới ngực, cây gươm samourai của một người Nhật thất trận ngày nào lưu lạc tới treo trên tường nhà người tuổi trẻ. Mảnh giấy có nguệch ngoạc mấy hàng chữ viết vội : « Tôi tìm hiểu mãi thế nào là can đảm, hôm nay tôi đã hiểu. Tôi phải chết. » Gia đình người tuổi trẻ cho biết từ khi nhập môn triết học cậu bé không ngớt khắc khoải với những vấn đề tìm thấy trong sách. (Tôi xin phép mở một dấu ngoặc để thưa với bà tại sao tôi cần nhắc lại trong thư này những gì mà báo chí hồi đó đã thêu dệt tùm lum. Cứ như điều tôi đã khám phá thấy gần đây, tôi không tin rằng bà đã mất công theo dõi những gì người ta viết về người tuổi trẻ đó. Tôi cần nhắc lại để bà biết.) Bằng chứng trên mấy hàng chữ khó hiểu chắc hẳn những hiểu và biết mới mẻ về sự sống đã đưa cậu bé tới những suy luận chỉ có thể giải quyết bằng cái chết. Tôi là người tìm hiểu, tôi thú thật hồi đó tôi đã vô cùng nhức đầu khi bắt buộc phải đọc cho biết đủ, biết hết, mọi dự phóng trên báo chí chung quanh cái chết thảm của người tuổi trẻ. Có một bữa, nhức đầu quá, tôi đã tính phát giác cho một báo nào những gì tôi đã biết về một phần cuộc đời người tuổi trẻ. Vì tôi cứ tự hỏi, các phóng viên đã sục sạo như vậy tại sao tuyệt đối không biết đến những buổi chiều đi gặp tình yêu của cậu bé? Nhưng nghĩ lại tôi thấy tôi không có quyền. Hơn nữa cũng bởi tôn thờ tình yêu, tôi không dám xúc phạm tới một ai mà tôi cho rằng đã có hạnh phúc một ngày gặp được tình yêu, nhất là người đó đã chết.

Hết báo chí tới văn nghệ đua nhau khai thác vụ khắc khoải đi tìm ý nghĩa cuộc đời của người tuổi trẻ đó. Tôi theo dõi báo chí, tôi cũng theo dõi hết những sản phẩm của rung cảm và tưởng tượng, nhưng tôi vẫn bất mãn. Nhiều đêm tôi ngủ không được vì cứ loay hoay với thắc mắc: Không phải thế, nhất định không phải thế. Nhìn vào những bức chân dung người tuổi trẻ qua những trang báo và trang sách, chân dung vẽ trên đủ thứ nền tùy theo cảm hứng với phảng phất những Chúa, Phật, Lão, Trang và cả ông Mác nữa, nhìn vào những bức chân dung cảm tưởng của tôi không khác khi nhìn chân dung Trần Hưng Đạo trên tờ giấy bạc, tôi không thấy rằng đó là thật. Căn cứ vào đâu mà bảo rằng thật? Gia đình người tuổi trẻ đã chắc hiểu được y chăng? Không quen biết bao giờ người tuổi trẻ cũng như gia đình, tôi lại nuôi tham vọng hão huyền làm cách nào tìm hiểu được tại sao đang yêu cậu bé lại bỏ đi tìm can đảm như những lời viết vội trên mảnh giấy.
Mãi cho tới hôm gần đây, do một tình cờ thậm vô lý tôi đã biết được sự thật qua một người bạn của cậu bé. Tôi dạy học tại một học hiệu công, bạn của cậu bé là học trò của tôi. Cậu học trò này thi rớt tú tài năm ngoái, năm nay tới năn nỉ tôi gởi gấm với các bạn để khỏi thi rớt nữa. Tôi trả lời không biết gởi gấm ra sao vì thi viết làm sao mò ra bài thi để chấm gian lận được. Bi phẫn, cậu học trò bảo tôi, nếu thày không giúp con thi rớt nữa con dám như thằng… đâm một gươm xổ ruột con chết. Cậu bé nói tới tên người tuổi trẻ làm cho tôi chú ý, vì tôi vẫn chưa bỏ ý muốn tìm hiểu. Tôi hỏi cậu học trò có quen chàng trai đó sao. Cậu học trò đáp không những chơi thân mà còn biết rõ đầu đuôi tại sao y tự sát. Vì ham hiểu, tôi đã tạm dẹp lương tâm chức nghiệp sang một bên, dỗ dành cậu bé nếu nói cho tôi biết rõ tôi sẽ cố gắng giúp cho thi đậu (May mắn cho tôi, chẳng giúp đỡ được gì nhưng năm đó cậu bé cũng đậu!). Những phát giác hôm đó là động cơ chính buộc tôi phải viết thư này cho bà.
Tôi chăm chú nghe câu chuyện cậu học trò kể lại khi chiều hôm đó cùng với cậu bé kia về nhà và mọi việc xảy ra cậu học trò bạn đứng ngoài sân nghe rõ hết và sau đành nín lặng không dám nói ra với ai vì thương bạn. Đánh đổi hy vọng chắc chắn thi đậu cậu bé tiết lộ với tôi là người duy nhất. Nghe kể tôi vẫn chưa tin nên đã mất ngót một tuần lễ dò la để biết thật chắc chắn hai người trước kia có là bạn với nhau. Đây là sự thật những gì đã xảy ra và bà là người có mặt chắc bà không thể không xác nhận là đúng.
Khi cậu bé bước vô phòng khách bỗng thốt một tiếng la lớn làm cho cậu bạn đi sau vội lùi lại không dám bước theo. Cậu bé thốt lên một tiếng hoảng hốt vì trông thấy bà đang ngồi nói chuyện với mẹ cậu, hai người đang to tiếng cãi vã nặng (theo lời cậu bạn, cãi cọ chuyện tiền bạc chi đó, hai bà gọi nhau chị với tôi). Nghe tiếng la hoảng hai bà nhìn ra, im tiếng. Cậu bé đứng trân ra đó suy nghĩ trong mấy phút rồi bỗng chạy lại quỳ xuống bên, gục đầu vào lòng mẹ khóc. Bà mẹ kinh ngạc, nhấc đầu con lên, hỏi: “Có chuyện gì con nói cho Má nghe?” Cậu bé vẫn ôm lấy chân mẹ, ngẩng đầu lên nói: “Con xin Má, con lạy Má, Má la con chứ Má đừng la… Con yêu…, … là lẽ sống của con, con lạy Má, Má đừng la…” Bà mẹ kinh ngạc, hết ngó con lại ngó người bạn ngồi bên, không thể hiểu. Cậu bé nhấn mạnh một lần nữa: “Thưa Má, con đã yêu… đây, hai đứa chúng con đã yêu nhau.”
Thưa bà, chắc bà không thể đã quên và không xác nhận khi thấy cậu bé chỉ đích danh bà lần thứ hai bà vội bật dậy, la lớn: “Trời đất ơi! thằng nhỏ này nó điên rồi, chị ơi! Mặt mũi tôi như thế này mà nó bảo rằng tôi yêu nó! Tuổi tác của tôi chừng này mà tôi đi yêu một thằng nhỏ hỉ mũi chưa sạch như vậy ư?” Cậu học trò của tôi kể lại rằng từ nãy cậu bé vẫn quỳ dưới chân mẹ, khi nghe thấy bà la lối như vậy cậu ta đứng lên, gương mặt tái xanh, gần như trắng bệch, cậu bé cứ đứng đó mà ngó bà trân trân, không nói năng chi hết. Rồi cậu bé vụt chạy ra ngoài. Cậu bạn thấy sự thể gay cấn, thằng bạn đã bỏ chạy đi, nên lỉnh ra về, không ai biết. Cậu ta có nói thêm khi đó thấy gương mặt của bà vẫn tươi tỉnh như không, còn tiếp tục phân trần với mẹ cậu bé, cứ nhất định bảo rẳng cậu bé khùng điên. Tuy chơi thân với cậu bé kia nhưng cậu học trò của tôi không biết những quan hệ giữa bà với bạn mình. Mãi sáng hôm sau cậu học trò của tôi mới hay tin bạn đã tự sát. Câu chuyện do cậu học trò kể lại đã soi sáng trọn vẹn cho tấn thảm kịch, tôi không thể không tin. Bấy nhiêu chi tiết đủ giải thích tại sao người tuổi trẻ đó đã tìm cái chết. Tôi đã thỏa mãn trong sự tìm hiểu, nhưng đã hiểu tôi không thể đừng không viết thư này cho bà, mặc dù tôi cũng thấy là tôi nhiễu sự.

Người trẻ tuổi trước khi chết đã nghĩ tới can đảm, nhưng can đảm đó không phải ở phía y, can đảm dám xóc cây gươm từ bụng lên đến ngực để chết, như gia đình và báo chí đã tán dương. Can đảm mà người tuổi trẻ đã nghĩ là ở phía bà, can đảm của người yêu dám nhận rằng mình yêu, bất kể dư luận. Người tuổi trẻ đã chết vì y thất vọng. Thất vọng bởi thấy rõ bà không có can đảm nhìn nhận sự thật, tồi tệ hơn nữa bà còn chối bỏ cuộc tình mà người tuổi trẻ coi như lẽ sống của y, bà còn mạt sát cuộc tình đó nữa bằng những lời lẽ tầm thường, đê tiện. Người tuổi trẻ thất vọng vì thấy rõ bà không yêu, đối với bà yêu chỉ là cái cớ. Có nói ra chắc bà cũng chẳng đỏ mặt : Bà chỉ tìm nơi người tuổi trẻ những nhục cảm cần thiết cho người đàn bà nằm!
Đối với cậu bé mười bảy bản chất lại đam mê, cuộc tình đó là một mạc khải huy hoàng. Người đàn bà nằm đầy ắp từng trải là bà còn đem tới cho cậu bé những khám phá chót vót về nhục cảm. Cuộc tình như vậy, với con người tuổi trẻ đó, thật là tuyệt đỉnh. Đang đứng trên đỉnh cao như vậy mà bà nỡ xô y ngã xuống tận đáy vực hư không, người tuổi trẻ đã chọn cái chết là đúng lắm. Vì trong đời y còn bấu víu được vào cái gì nữa ! Lớn tuổi hơn, nhựa bên trong đã cạn bớt, có lẽ. Trong tuổi đó, gặp tình huống đó, không thể có lựa chọn nào hết ngoài một cách duy nhất lao đầu vào đêm đen. Chính bà, bằng thái độ lúc đó, bằng những lời lẽ đê tiện đó, đã đẩy cậu bé phải tìm cái chết. Chính bà đã giết người. Tôi không phủ nhận cái quyền đi tìm nhục cảm của bà. Ở lứa tuổi đó, trong hoàn cảnh đó, bà cần được sống sao cho hợp với thiên nhiên. Bà có toàn quyền định liệu tùy theo nhu cầu của cơ thể, điều kiện của hoàn cảnh. Bà là giám sát của chính con người bà. Bất kỳ ai, cầu viện tới lý do gì để có ý kiến vô đó đều là người đạo đức giả, ở ngoài cuộc chẳng hiểu chi hết. Ngược lại, nếu mọi người nhìn nhận cái quyền thiêng liêng của bà, về phần bà, bà không có quyền lừa dối người khác, sự trao đổi nhục cảm cần được minh bạch, nhục cảm đánh đổi lấy nhục cảm, tình yêu cân xứng với tình yêu, không thể lộn xộn. Trước khi đẩy người tuổi trẻ kia tới chỗ chết, bà đã vô tình hay cố ý tạo điều kiện cho cái chết bạo bằng cách mập mờ trong tình yêu. Nói yêu trong lúc sướng khác xa nói yêu chỉ vì yêu, chắc bà thừa khả năng để phân biệt như vậy. Có thể phân biệt được mà bà đã không làm, như vậy bà đã lợi dụng đã lừa dối người tuổi trẻ. Sau cùng, đến phút lựa chọn có thể chuộc được lầm lỗi bấy lâu, bà đã đê tiện chối phứt, phủi sạch hết. Đặt trước sự thật nhơ nhớp, người tuổi trẻ còn biết cách nào hơn là trốn chạy cõi đời đảo điên này. Y phải chết, đúng như y đã viết trên mảnh giấy. Và bà là kẻ giết người.
Xin bà đừng ngộ nhận, tôi không muốn là một thẩm phán để kêu án bà, nhất là phải dùng đến một khuôn mòn đáng tức cười người ta mệnh danh là tòa án lương tâm. Tôi chỉ muốn đặt bà trước sự thật và đòi hỏi bà nhìn nhận một sự thật : người tuổi trẻ đã chết vì tuyệt vọng trong tình yêu. Đó là lý do duy nhất, theo tôi nghĩ, đẩy người tuổi trẻ đến chỗ phải chết. Những lý do khác cao vòi vọi đều không thật. Ở đời này chỉ có sự thật là đáng kể. Nói dối nhau làm chi cho mệt? Sống đã không đủ mệt hay sao ? Tòa án lương tâm giỏi lắm cũng đến bắt bà chết theo người tuổi trẻ. Nhưng chết như thế có ích gì cho ai đâu. Cái thứ đáng gìn giữ nhất là tình yêu của cậu bé đã như chén nước đổ xuống đất, vớt lên sao được nữa. Bà cứ nên tiếp tục là người đàn bà nằm tìm thỏa mãn, cứ sống với thiên nhiên. Đó là điều tôi cầu chúc cho bà. Tìm thỏa mãn, sống với thiên nhiên, đó cũng là sự thật. Cầu chúc cho bà được gần sự thật mãi để không bao giờ nữa bỏ quên sự thật trong những quan hệ với mọi người. Như trong trường hợp người tuổi trẻ chết bạo.
Chào Bà.”
MẶC ĐỖ
