

Bà Tám Nguyễn Thị Hải Hà(NJ/US)
Đi chùa Hương

Thơ Nguyễn Nhược Pháp
Hôm trước bắt đầu kể về chuyến đi chùa Hương, ngang cây cầu bắc ngang sông Đáy, tôi cà kê chuyện “sông Đáy chậm nguồn ra Phủ Quốc” mà tôi nói sai thành Phú Quốc. Nhờ các bạn hiểu biết chỉ giúp tôi “ngộ” ra trường hợp của tôi cũng giống như chuyện ngày xưa “Hoàng Khuyển ngọa tri tâm” bị sửa cho sai thành ra ngọa tri âm. Thật ra tôi đã từng gặp câu hát “Sông Đáy chậm nguồn ra Phủ Quốc” nhưng tôi cho rằng chữ Phủ Quốc là do lỗi đánh máy sai chứ tôi không biết đó là tên ngắn của Phủ Quốc Oai. Nếu học Địa Lý thời tiểu học đàng hoàng thì không sai như thế. Nhưng chuyện qua rồi thôi hôm nay bạn cho tôi kể nốt chuyến đi chùa Hương của tôi.
Tôi làm một chuyến du lịch mấy tuần lễ ở miền Bắc mà không đọc cho hiểu biết thêm những nơi mình sẽ đến. Biết là thiếu sót nhưng tự an ủi là chẳng hề gì, những gì mình gặp trên đường đi sẽ mới mẻ không có hình ảnh nào trong trí nhớ để so sánh và vì thế càng thú vị hơn. Tôi đi chùa Hương lần đầu nhưng hình ảnh về Chùa Hương tôi đã in sâu vào trong óc qua bài thơ Đi Chùa Hương của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp.
Xem chừng, cảnh chùa Hương vẫn còn giống như lời cô bé mười lăm tuổi đã tả trong bài thơ viết từ năm 1934. Chỉ khác một đôi điều mà thôi.
Thầy me ra đi đò,
Thuyền mấp mênh bên bờ.
Em nhìn sông nước chảy
Đưa cánh buồm lô nhô.
Bây giờ thì không thấy ai dùng thuyền buồm. Từ ngoài bến theo dòng suối Yến để đến bến vào chùa Hương Tích khoảng 4 km, người ta chỉ chèo tay thôi.
Chàng ngồi bên me em,
Me hỏi chuyện làm quen:
“Thưa thầy đi chùa ạ?
Thuyền đông, giời ôi chen!”

Chàng thưa: “Vâng, thuyền đông!”
Rồi ngắm giời mênh mông,
Xa xa mờ núi biếc,
Phơn phớt áng mây hồng.

Dòng sông nước đục lờ.
Ngâm nga chàng đọc thơ.

Réo rắt suối đưa quanh,
Ven bờ, ngọn núi xanh,
Nhịp cầu xa nho nhỏ:
Cảnh đẹp gần như tranh


Sau núi Oản, Gà, Xôi,
Bao nhiêu là khỉ ngồi.
Tới núi con Voi phục,
Có đủ cả đầu đuôi.




Chùa lấp sau rừng cây.
(Thuyền ta đi một ngày)
Lên cửa chùa em thấy
Hơn một trăm ăn mày.
Bây giờ chùa không còn ở trong rừng cây nữa và tôi cũng không gặp người ăn mày nào cả.
Đường mây đá cheo veo,
Hoa đỏ, tím, vàng leo.

Ô! Chùa trong đây rồi!
Động thẳm bóng xanh ngời.
Gấm thêu trần thạch nhũ,
Ngọc nhuốm hương trầm rơi




Vẫn giòng suối Yến nước đục, vẫn thuyền và người chen chúc nhau, nhưng điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa chùa Hương ngày xưa và bây giờ là người ta không còn đi từng bậc thang làm bằng đá vừa đi vừa niệm “Nam vô A-Di-Đà” mà đi bằng cáp treo. Khách thập phương chỉ đi một đoạn đường dốc, độ trăm bước rồi thoải mái ngồi cáp treo mà “lên giời.”


Sau bữa ăn trưa tôi biết mình không đủ sức để đi bộ lên chùa nên dùng cáp treo. Mọi người dùng cáp treo để xuống nhưng tôi và ông Tám đi bộ xuống. Dọc đường ông mua hai cây gậy trúc để trợ giúp tôi đi cho khỏi ngã. Khi xuống chân núi, chúng tôi dựng hai cây gậy trúc ven đường để có ai cần thì dùng. Dọc đường ông Tám bắt chuyện với vài bà cụ tuổi chừng tám mươi, đi bộ xuống (và có người đi lên). Các cụ ở Phú Thọ và các vùng lân cận. Đi chùng đoàn, các cụ rủ nhau mặc đồ màu tím. Dọc đường tôi gặp nhiều người mặc đồ nâu sồng nhưng không thấy ai niệm “Nam vô A Di Đà” như trong bài thơ.








Bà Tám Nguyễn Thị Hải Hà