Dấu tích Luỹ Thầy-Đào Duy An

Tài liệu lịch sử

               Dấu tích Lũy Thầy 

Đào Duy An


Xóm Gà 14/12/2018; 

Sơ Lược
Lũy Thầy là phòng lũy kiên cố của các chúa Nguyễn thời Trịnh-Nguyễn phân tranh. Lũy Thầy được xây từ 1630 đến 1662, giúp giữ vững cơ nghiệp Đàng Trong trước nạn “xâm lăng” của họ Trịnh.
Lũy Thầy có tác dụng quân sự cho đến 1776 rồi sau đó tàn phế theo thời gian.

Dấu tích lũy Thầy ngày nay

1. Tấn Nhật Lệ (cửa biển Nhật Lệ).


Cửa Nhật Lệ cách trung tâm TP Đồng Hới khoảng 3 km về phía đông bắc. Cửa Nhật Lệ là điểm đầu của lũy Động Hải. Nơi đây còn vết tích của Luỹ.
Sách Đại Nam Nhất thống chí ghi: Ở huyện Phong Lộc, cửa tấn rộng 75 trượng, thuỷ triều lên sâu 6 trượng, thuỷ triều xuống sâu 4 trượng, có nhiều đá rạng, tấn thủ đặt tại thôn Động Hải. 
2. Cửa Lý chính Đại quan môn (Võ Thắng Quan, cổng Thượng).


Cách Quảng Bình Quan, Đồng Hới chừng 10 km về phía tây nam, Võ Thắng Quan nằm trên địa phận thôn Lệ Kỳ 1, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh. 
Cửa được xây dựng bằng gỗ lim, có chiều dài 2 trượng 1 thước, chiều ngang 2 trượng 5 thước. 
Võ Thắng Quan là cửa quan của lũy Đầu Mâu, trong hệ thống Lũy Thầy được xây dựng vào năm 1631.


Lúc đầu Võ Thắng Quan với tên gọi Lý Chính Đại Quan Môn, có nghĩa là cửa chính trên đường thiên lý Bắc Nam, người dân trong vùng thường gọi là cửa Thượng. Đến năm 1826 (năm Minh Mạng thứ 6) thì được Triều đình ban tiền để xây dựng cổng bằng gạch đá và đổi tên thành Võ Thắng Quan như bây giờ. 
3. Quảng Bình Quan (cổng Hạ, cửa vào dinh Quảng Bình).


Quảng Bình Quan được đắp bằng đất vào năm 1631, là hệ thống thành lũy cổ được xây dựng để bảo vệ phủ chúa Nguyễn.
Quảng Bình Quan được vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch đá vào năm 1825. Cổng có kích thước dài 8.4m, rộng 10 m, cao 2m. 
Ngày nay Quảng Bình Quan đã được trùng tu tôn tạo lại đẹp đẽ, uy nghi ngay cạnh quốc lộ 1A cách cầu Dài chừng vài trăm mét về phía bắc.
4. Di tích lũy Trường Sa. 


Bắt đầu từ đụn cát xã Quang Phú (phía bắc TP Đồng Hới), băng qua sân bay Đồng Hới, vượt qua đường xe lửa, men theo miền gò đồi xã Lý Ninh và gò đồi Lệ Kỳ xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh) đến Vĩnh Tuy, theo triền núi Phúc Duệ, vượt ngã ba sông Kiến Giang-Long Đại (Trần Xá-Cổ Hiền), qua Dinh Mười (huyện Quảng Ninh) và vùng đồng ruộng xã Võ Xá, trèo lên dải đụn cát cao chạy dài theo bờ sông Nhật Lệ phía biển Đông, xuống đến cửa Nhật Lệ, lại vượt cửa sông, leo lên đụn cát phường Hải Thành, TP Đồng Hới. 
5. Thành Đồng Hới.


Thành Đồng Hới tọa lạc trên một vùng đất xung yếu, cắm một cái chốt độc đạo trên đường thiên lý Bắc Nam. Thành nằm ở phường Hải Đình (trung tâm TP Đồng Hới), cách cửa biển Nhật Lệ 1500 m, phía đông là sông Nhật Lệ, phía tây cách rừng khoảng vài nghìn mét. 
Thành Đồng Hới xây năm 1812 bằng đất, ngay trên mảnh đất xưa kia là lũy Động Hải. 
6. Hải đăng Nhật Lệ.


Hải đăng tọa lạc trên đất của đỉnh Lũy Thầy xưa, ở trên đường Trương Pháp, TP Đồng Hới.
7. Hai tấm bia đá khắc chữ Nho tại lũy Đầu Mâu, phát hiện năm 2008.


Lũy Đầu Mâu thuộc làng Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh có hai tấm bia chữ Nho. Bia 1 ghi “Tiệp phòng thổ phần dĩ hạ” nghĩa là “Nơi biên thùy có thể đánh thắng giặc”. Bia 2 ghi “Tả tiệp thùy thổ phần dĩ hạ” nghĩa là “Có khả năng đặt súng hay chỗ đánh thắng được phần bên trái”.

         Nguồn cơn câu ca truyền tụng Lũy Thầy


Xóm Gà 15/12/2018; Đào Duy An

Dân gian truyền tụng về lũy Thầy thì có thể kể như “Luỹ Thầy ai đắp mà cao/Sông Gianh ai bới ai đào mà sâu”, “Khôn ngoan qua được Thanh Hà/Dẫu rằng có cánh khó qua Lũy Thầy” (Thanh Hà là cửa sông Gianh), “Khôn ngoan qua cửa sông La/Hỏi ai có cánh mới qua luỹ Thầy” (sông La là phụ lưu sông Lam, Hà Tĩnh) hay “Có tài vượt nổi sông Gianh/Dẫu thêm hai cánh Trường thành khó bay” nhưng truyền tụng có ấn tượng mạnh mẽ nhất có lẽ là “Nhất sợ Lũy Thầy/Nhì sợ đầm lầy Võ Xá”.
Tại sao có truyền tụng đó?
Hệ thống lũy Thầy cho tới năm 1633 gồm lũy Trường Dục (xây năm 1630), lũy Động Hải (xây năm 1631) và lũy Trường Sa (xây năm 1633).
Làng Võ Xá rộng khoảng 25 km2 (thuộc xã Võ Ninh và một phần xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ngày nay), có nhiều đầm lầy rộng lớn. Con đường thiên lý Bắc Nam đi qua đây. Địa thế: Sát sông Nhật Lệ, đi ngược dòng đến ngã ba Trần Xá, đó là nơi dòng Kiến Giang nhập vào sông Long Đại (Kiến Giang và Long Đại là hai phụ lưu của sông Nhật Lệ). Tại đây có mũi đất gọi là Đuồi Diện thuộc làng Cổ Hiền như một người khổng lồ giang hai tay đón đường thủy Nhật Lệ: Tay trái vươn tới Trường Sơn còn tay phải vươn tới phá Hạc Hải (chỗ huyện Quảng Ninh tiếp giáp huyện Lệ Thủy), tạo ra vùng cánh quạt. 
Núi Thần Đinh ở làng Trường Dục như một đài viễn vọng ở phía tây; phá Hạc Hải ở phía đông và nam như bàn tay xòe ra, trong đó kín mít lau sậy, cỏ lác bí hiểm như đầm Dạ Trạch (xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), người không thông địa hình mà đi vào thì không biết lối ra. 
Chúa Nguyễn áng một trại quân (gọi là dinh Mười- ở xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh ngày nay) làm bộ chỉ huy tuyến phòng thủ và một kho quân lương lớn. 
Quân Trịnh không thể tiến đánh qua đường thủy (từ cửa Nhật Lệ lên đến ngã ba sông Trần Xá rẽ lên sông Kiến Giang hoặc sông Long Đại) vì sẽ bị quân Nguyễn ở lũy Trường Dục bắn, lúc đó buộc quân Trịnh phải chiến đấu trong một vùng sông nước trống trải và do đó bị yếu thế. 
Trận chiến năm Mậu Tý 1648, do tiến đánh bằng đường thủy quân Trịnh bị thua to ở lũy Trường Dục nên muốn tiến đánh vào phía nam (Phú Xuân) chỉ còn cách đánh bằng đường bộ. 
Về đường bộ: (1) Nếu muốn tiến theo hướng tây, bí mật dọc theo đường rừng thì vấp phải sông Long Đại mà bên kia bờ nam quân Nguyễn có quân bố phòng và có núi Thần Đinh sừng sững như một quả đấm thép chắn giữ; (2) Muốn tiến đánh vào Phú Xuân, quân Trịnh chỉ còn một con đường duy nhất là đổ quân theo hướng phía đông là có nhiều lợi thế hơn cả mà hướng đông đó chính là đầm lầy Võ Xá; khi quân Trịnh đã lên đến đất Võ Xá thì phía sau lưng là đoạn sông Quán Hàu và đồn Hữu Hùng ở Cẩm La (Văn La ngày nay) đã bị quân Nguyễn chiếm giữ, bịt đường lui; thế là, đầm lầy Võ Xá trở thành thiên la địa võng làm mồ chôn quân Trịnh mà họ không ngờ chính đây là cạm bẫy mà Đào Duy Từ đã giăng sẵn, “mời” họ đến, buộc họ phải đánh theo cách bố trí của đối phương. 
Như vậy lũy Trường Dục không phải là một bức tường thành phòng ngự đơn điệu hay biệt lập mà liên kết với địa thế chung quanh là đầm lầy Võ Xá và dinh Mười tạo thành trận địa “chờ sẵn”, một “cạm bẫy” đối với quân Trịnh. 
Trong trận chiến năm Mậu Tý 1648, 10 tướng lĩnh cao cấp của Chúa Trịnh bị tử trận, 3 tướng khác cùng 3.000 bình lính bị bắt làm tù binh cho vào vùng Điện Bàn và Thăng Bình sinh cơ lập nghiệp; những người sống sót chạy về Đàng Ngoài, kinh hãi than rằng: “Nhất sợ Lũy Thầy/Nhì sợ đầm lầy Võ Xá”.
Lịch sử chiến tranh Việt Nam có nhiều nhà quân sự bắt địch đánh theo cách của mình nhưng là người bắt địch đánh theo kế mình trong phòng ngự với một thời gian dài trên một địa điểm cố định, trận nào cũng bị vướng vào cạm bẫy thì chỉ mỗi Đào Duy Từ.
“Trăm năm bia đá thì mòn/Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”, lũy Thầy này 2018 chỉ còn năm ba dấu tích; đầm lầy Võ Xá theo thời gian cũng đã biến cải thuận lợi cho dân sinh nhưng câu truyền tụng về hai địa thế quân sự đó thì còn vang vọng hậu thế.

ĐH Đào Duy An

Bạt,
Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) Vua Minh Mạng đến thăm đã sắc phong lũy Thầy là Định Bắc Trường thành. 
Năm 1992, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin và Thể thao ký Quyết định số 97/QĐ ngày 21/1/1992 công nhận năm dấu tích lũy Thầy ở Quảng Bình là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia, gồm: (1) Lũy Đào Duy Từ (2 địa điểm tại huyện Quảng Ninh và TP Đồng Hới); (2) Cửa Nhật Lệ; (3) Quảng Bình Quan và (4) Thành Đồng Hới.
Ngày nay đi qua Quảng Bình không biết mấy ai hồi tưởng một thời tang thương của dân tộc nhưng nỗi đau đó kiến tạo cho Việt tộc phần cuối của dải đất hình chữ S. 
Thương rủ những hương hồn tiền nhân chinh chiến!+68

One response to “Dấu tích Luỹ Thầy-Đào Duy An

Để lại lời nhắn

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.