Chuyện xưa tích cũ



Năm 58, ở miền Bắc có một sự kiện gây xúc động sâu sắc, đó là vụ “Đầu độc ở nhà tù Phú Lợi”, “ Chính quyền Ngô Đình Diệm đã bỏ thuốc độc vào thức ăn, làm chết 4 ngàn tù nhân”. Đến năm tôi lên 6, 7 tuổi vẫn còn được nghe kể về nó, các cuộc mít-tinh đông đảo ở quảng trường Nhà hát lớn, ở nhà Đấu xảo, hàng chục ngàn người đầu chít khăn tang khóc ròng, thanh niên chích máu viết đơn xin vào Nam chiến đấu vv…ở trường chúng tôi được học bài thơ “Thù muôn đời muôn kiếp không tan” của Tố Hữu.
Sau 75 mới biết, vụ này là bịa đặt, có mấy người ăn phải thức ăn thiu, bị ngộ độc thực phẩm, ông Diệm phải cho xe chở đi cấp cứu, thế là thành chuyện. Một nhà văn của SG cũ nói với tôi : “Ông Sơn Nam cũng bị giam ở Phú Lợi. Vậy mà cả đời không thấy ông ấy nói một lời nào về nó”. Bài thơ “Hương rừng Cà Mau” mà Sơn Nam dùng làm tựa cho tập truyện ngắn cùng tên của mình được ông nói là làm trong nhà giam Phú Lợi.
Về chuyện này, ông Thái Bá Tân cũng có bài :
Lúc ấy, năm Năm Tám,
Chúng tôi, lũ học sinh,
Được trường cho nghỉ học
Cùng thầy đi biểu tình.
Biểu tình, hô khẩu hiệu
Đả đảo Diệm dã man
Giết người tù cộng sản.
Thù muôn đời không tan.
Ở nhà tù Phú Lợi,
Hơn năm nghìn tù nhân
Đã bị Diệm giết hại,
Bằng đầu độc thức ăn.
Chúng tôi hô, căm phẫn.
Đến cổ rát, giọng khàn.
Đã đảo Ngô Đình Diệm.
Thù muôn kiếp không tan.
*
Tháng Năm năm Bảy Bảy
Tôi đến nhà tù này.
Một khu nhà hoang vắng,
Xung quanh cỏ mọc dày.
Hỏi thì người ta nói:
Đó là chuyện tầm phào.
Không hề có chuyện ấy.
Không có thảm sát nào!
Rồi tôi đến Côn Đảo.
Ngẫu nhiên, trưởng đảo này
Cũng là tù cộng sản
Ở Phú Lợi trước đây.
Ông nói: Cái vụ ấy
Là do ta dựng nên.
Nhằm mục đích chống Diệm,
Bôi nhọ và tuyên truyền.
Đơn giản ngày hôm ấy
Mấy người ăn bánh mì
Kêu đau bụng, và họ
Được quản giáo đưa đi.
Sau thì mọi người biết,
Thành một vụ tày trời.
Vụ thảm sát Phú Lợi,
Giết hơn năm nghìn người…
*
Vậy là những ngày ấy,
Chúng tôi, lũ học sinh,
Đã uổng công bỏ học
Để tham gia biểu tình.
Khóc cho cái không có.
Căm thù cái hư vô.
Uổng những giọt nước mắt.
Uổng cổ họng rát khô.
Mãi sau này mới biết:
Cộng sản, cả Việt Nam,
Vì mục đích của họ,
Không gì không dám làm.
Lại nữa :
Chị Nguyễn Trường Nhật Phượng- Bí thư Chi đoàn Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội chia sẻ: “Về với di tích Nhà tù Phú Lợi hôm nay, tôi nhận ra một điều thật giản dị nhưng đầy ý nghĩa: thanh niên không thể sống mãi với quá khứ, nhưng không được phép quên và không thể quên lịch sử. Có hiểu hết lịch sử mới thấy được rằng, thanh niên đang có một cuộc sống thật hạnh phúc – hạnh phúc của những người được sống trong hòa bình, độc lập, tự do. Lịch sử đã sang trang, nhưng mãi mãi thế hệ hôm nay và mai sau sẽ luôn nhắc đến “Phú Lợi căm thù” như một tượng đài cách mạng; tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường và lý tưởng cao đẹp của các cô chú sẽ là tấm gương để tuổi trẻ học tập và noi theo”.
