Chuyện bâng quơ của Bà Tám Nguyễn Thị Hải Hà :Phụ nữ,chiến tranh và hoà bình

tạp bút

logo con bò cười

Phụ nữ-Chiến tranh và hoà bình

 

NguyenThiHaiHa

Bà Tám Nguyễn Thị Hải Hà ‘s Phê Tê Bốc(Facebook/Blog)

 

Leymah Gbowee - Giải Nobel Hòa Bình 2011
Leymah Gbowee – Giải Nobel Hòa Bình 2011

Năm 411 trước Công Nguyên, Aristophanes, kịch tác gia Hy Lạp, cho ra mắt vở hài kịch Lysistrata; trong vở kịch này phụ nữ Athens từ chối ân ái với chồng hay người yêu của họ để đòi hỏi hòa bình.

Lysistrata, có nghĩa là giải tán quân đội, là một người phụ nữ phi thường. Chán ngán cuộc chiến tranh Peloponnese, do Athens ỷ có đoàn chiến thuyền hùng hậu mang quân đi đánh Sparta; Lysistrata tụ tập nữ giới kêu gọi mọi người đặt áp lực lên nam giới buộc họ phải chấm dứt chiến tranh. Một số phụ nữ lớn tuổi đảo chánh và cướp ngân khố quốc gia vì hễ không có tiền thì không thể mua vũ khí. Kế hoạch của Lysistrata gây căng thẳng giữa hai phái nam và nữ.

Phụ nữ trong khi dùng tình dục để khống chế chồng hay người yêu cũng nhận ra rằng họ đã tự trừng phạt họ. Nhiều bà viện cớ phải về nhà để giặt giũ chỉ để trải khăn giường mới mời chàng. Lysistrata bắt được ông thị trưởng khi ông đi lấy tiền trong ngân khố để mua chèo cho chiến thuyền. Nàng giải thích nàng chống chiến tranh vì không muốn trở thành gái già. Tàn cuộc chinh chiến các ông dẫu già vẫn có thể tìm được cô vợ trẻ, trong khi phụ nữ tuổi xuân chỉ có thì. Vài năm sau khi vở hài kịch ra đời, chiến tranh Peloponnese chấm dứt vì hạm đội của Athens bị Sparta đánh tan tành.

Hơn hai ngàn bốn trăm năm sau, có một người phụ nữ áp dụng phương pháp “sex strike” của Lysistrata, cổ động phụ nữ từ chối ái ân với chồng hay người yêu để đòi hỏi hòa bình. Người phụ nữ ấy là Leymah Gbowee, một trong ba người phụ nữ được trao tặng giải Nobel Hòa Bình năm 2011. Cùng chia giải thưởng này với Gbowee là bà Ellen Johnson Sirleaf, vị nữ Tổng thống đầu tiên của Liberia và Tawakkul Karman, ký giả kiêm nhà cách mạng của Yemen.

Gbowee1

Leymah Gbowee sinh ngày 1 tháng Hai năm 1972 ở Liberia. Năm 1989 khi cuộc nội chiến thứ Nhất của Liberia bộc phát bà đang sống với mẹ và hai người chị ở Monrovia, thủ đô của Liberia. Người ta bảo rằng cuộc nội chiến này là chiến tranh giai cấp giữa người giàu và người nghèo. Người khác lại cho rằng đây là cuộc chiến tranh của các chủng tộc. Lại có người cho rằng đây là cuộc tranh giành tài nguyên. Liberia có nhiều mỏ đá quý như hồng ngọc và kim cương. Charles Taylor, Tổng thống của Liberia đã dùng cả trẻ em từ chín đến mười lăm tuổi làm chiến sĩ. Cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài đến năm 1996, đưa đến hai trăm năm chục ngàn người chết và một phần ba dân số bị mất nơi cư ngụ. Họ chạy loạn, sống ở những trại tạm cư, trẻ em chết đói và suy dinh dưỡng rất nhiều. Gbowee theo học chương trình đào tạo nhân viên xã hội do Unicef tổ chức. Năm 1998 Gbowee tình nguyện làm việc cho tổ chức Trauma Healing and Reconciliation Program (THRP) đặt trụ sở tại nhà thờ St. Peter ở Monrovia. Tổ chức này rất có danh tiếng đã nhiều năm cố gắng vận động cho nền hòa bình ở Liberia. Đây là bước đầu tiên đánh dấu con đường chiến đấu đòi hòa bình của Gbowee.

Năm 2001, giúp chữa trị trẻ em tàn phế vì chiến tranh, nhìn thấy thảm cảnh trẻ con đi giết người và bị người giết, Gbowee bản thân bà là mẹ của bốn đứa con, nhận ra rằng những bà mẹ có thể và cần phải tích cực thay đổi thảm kịch này.

Leymah and GPFA interns

Trang bị bằng kiến thức sách vở từ phương pháp tranh đấu bất bạo động của Martin Luther King, Gandhi và các nhà triết gia chính trị học trong và ngoài nước, xin được ngân quỹ tài trợ của West Africa Network for Peacebuilding (WANEP), được sự hướng dẫn của Thelma Ekiyor, vị luật sư người Nigeria, chuyên về hòa giải thương lượng, Gbowee tham dự cuộc họp đầu tiên của Tổ chức Phụ nữ Xây dựng Hòa bình đến từ châu Phi như Sierra Leone, Guinea, Nigeria, Senegal, Burkina Faso, và Togo.

Gbowee và các bạn, kêu gọi sự hỗ trợ của phụ nữ khác biệt chủng tộc và tôn giáo, đến nhà thờ Hồi giáo chiều thứ Sáu kêu gọi phụ nữ họp nhau ở chợ cá sáng thứ Bảy và đến nhà thờ Công giáo sáng Chủ Nhật. Truyền đơn họ phát ra có những câu như: “Chúng tôi đã chán lắm rồi, chúng tôi chán cảnh con cái của chúng tôi bị giết! Chúng tôi chán cảnh chúng tôi bị hãm hiếp. Các bà các cô, hãy thức tỉnh. Chúng ta có tiếng nói trong cuộc vận động đòi hỏi hòa bình.” Đối với những người phụ nữ không biết đọc họ phát ra những hình vẽ đơn giản để giáo dục những người phụ nữ này. Trong cuốn phim Pray the Devil Back to Hell, nói về cuộc tranh đấu đòi hòa bình của Leymah Gbowee do Agigail Disney tài trợ, nhiều phụ nữ đã kể lại cảnh họ bị hãm hiếp trước mắt chồng và sau đó chồng họ bị giết ngay trước mắt họ rất là thê thảm.

Leymah Gbowee

Mùa hè năm 2002, Gbowee trở thành phát ngôn viên và là lãnh đạo của phong trào Women of Liberia Mass Action for Peace tạm dịch là Phụ Nữ Liberia Vận Động Hòa Bình. Tổ chức này kết hợp nhiều chủng tộc nhiều tôn giáo gặp nhau trong chợ cá, họ ca hát, nhảy múa, và cầu nguyện. Không phải lời ca nào cũng vui, bài múa nào cũng nhộn nhịp, họ có những bài ca họ hát với hai hàng nước mắt và những bước chân run rẩy hai tay ngửa lên trời để van xin. Không phải lời cầu nguyện nào cũng ru ngủ; họ cầu nguyện cho Quỷ Dữ Quay Về Địa Ngục (Pray the Devil Back to Hell). Họ biểu tình bất bạo động để chống vị Tổng thống độc tài Charles Taylor. Họ đe dọa sẽ dùng lời nguyền và kêu gọi thành viên từ chối chuyện chăn gối để gây tiếng vang. Cuộc đình công chăn gối khi có khi không trong nhiều tháng tuy không hiệu quả nhưng được giới truyền thông chú ý vì gợi nhớ đến vở hài kịch Lysistrata.

Đoàn biểu tình bất bạo động chiếm sân bóng đá bên cạnh Đại lộ Tubman, nơi Tổng thống Charles Taylor đi ngang mỗi ngày hai lần để đến thủ phủ. Các thành viên mặc áo trắng, đội khăn trắng, nón trắng có in chữ WIPNET, cơ quan tài trợ phong trào đòi hỏi hòa bình. Charles Taylor nghe Gbowee đọc thỉnh nguyện thư và đồng ý đàm phán hòa bình ở Ghana với các nhóm Liberians United for Reconciliation and Democracy (Liberia Thống Nhất cho Hòa Giải và Dân chủ) và MODEL.

Năm 2003, Gbowee dẫn phái đoàn phụ nữ đến biểu tình bất bạo động trước khách sạn nơi cuộc đàm phán hòa bình diễn ra. Khi cuộc đàm phán kéo dài từ tháng Sáu đến tháng Bảy không có tiến triển cụ thể, Gbowee dẫn hơn hai trăm phụ nữ sảnh đường của khách sạn. Họ nêu cao biểu ngữ nói rằng: “Những tên đồ tể và sát nhân dân tộc Liberia –Phải ngưng lại.” Gbowee trao thông điệp cho Đại tướng Abukabar (cựu Tổng thống Nigeria ) cho biết các thành viên phụ nữ sẽ nối vòng tay làm bức tường người và sẽ giam giữ Đại tướng cho đến khi cuộc đàm phán có kết quả. Đại tướng Abukabar vốn có cảm tình với phong trào phụ nữ đòi hòa bình đã khôi hài: “Sảnh đường hòa bình đã bị Đại tướng Leymah và đoàn nữ quân của bà chiếm đóng.”

Khi một lãnh tụ của lính du kích tham gia cuộc đàm phán tìm cách ra khỏi sảnh đường bằng cách xô ngã hay nhảy qua khỏi bức tường người, Leymah và tổ chức của bà dọa sẽ cởi quần áo để chống đối. Ở Phi châu, một người phụ nữ có tuổi tự ý phơi trần thân xác là một lời nguyền rất xấu. Đại tướng Abukabar đã khiển trách hắn ta.

Những người phụ nữ trong vở kịch Lysistrata và những người phụ nữ Liberia có một điểm tương đồng; họ cho rằng đàn ông là những người gây ra chiến tranh một cách vô trách nhiệm làm ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người vì không nghe lời đàn bà. Lysistrata và giới phụ nữ ở thành phố Athens dành quyền quyết định về chiến tranh. Gbowee và các thành viên muốn chiến tranh chấm dứt để không còn cảnh trẻ em cầm súng giết người và trẻ em chết đói trong các trại tị nạn.

Dĩ nhiên không ai ngây thơ đến độ tin rằng bà Gbowee và những thành viên có thể một cách đơn giản chấm dứt cuộc chiến tranh chỉ bằng ca hát nhảy múa và cầu nguyện. Hậu thuẫn vững chắc của Gbowee là bà Ellen Johnson Sirleaf, Thelma Ekiyor, và còn biết bao nhiêu người (cả nam lẫn nữ) tranh đấu trong thầm lặng, hy sinh xương máu, chịu đựng tù tội. Họ, những người tranh đấu vô danh, là cái bánh. Gbowee và ngay cả bà Ellen Johnson Sirleaf là lớp kem hoa đẹp phần nổi bật nhất trên cái bánh hòa bình.

leymah

Nhân chuyện bây giờ nhớ chuyện ngày xưa về những người phụ nữ trên thế giới qua chủ để chiến tranh và hòa bình xin mời bạn đọc giải trí bằng một đoạn kịch Lysistrata của Aristophanes.

Aristophanes

Aristophanes.

LYSISTRATA: Lampito: tất cả các bà các mẹ các chị: hãy đến đây, đặt tay lên  bát (chứa rượu), và lập lại theo tôi: tôi sẽ không sờ đến chồng tôi, hay người yêu tôi.

KALONIKE: tôi sẽ không sờ đến chồng tôi, hay người yêu tôi.

LYSISTRATA: dù rằng anh ấy đến với tôi trong tình trạng rất đáng tội nghiệp.

KALONIKE: dù rằng anh ấy đến với tôi trong tình trạng rất đáng tội nghiệp. (Ồ, Lysistrata! Điều này quả thật là giết chết tôi!)

LYSISTRATA: Tôi sẽ ở trong nhà tôi không ai có thể đụng đến tôi.

KALONIKE: Tôi sẽ ở trong nhà tôi không ai có thể đụng đến tôi.

LYSISTRATA: Trong bộ áo bằng tơ vàng mỏng nhất.

KALONIKE: Trong bộ áo bằng tơ vàng mỏng nhất.

LYSISTRATA: Và sẽ làm cho anh thèm muốn tôi.

KALONIKE: Và sẽ làm cho anh thèm muốn tôi.

LYSISTRATA: Tôi sẽ không dâng hiến mình.

KALONIKE: Tôi sẽ không dâng hiến mình.

LYSISTRATA: Và nếu anh ấy kềm giữ bắt buộc tôi.

KALONIKE: Và nếu anh ấy kềm giữ bắt buộc tôi.

LYSISTRATA: Tôi sẽ lạnh nhạt như nước đá và im như gỗ.

KALONIKE: Tôi sẽ lạnh như nước đá và im như gỗ.

LYSISTRATA: Tôi sẽ không để mũi giày ngủ hướng lên trần nhà.

KALONIKE: Tôi sẽ không để mũi giày ngủ hướng lên trần nhà.

LYSISTRATA: Hay bò bốn chân như con sư tử cái trong tranh.

KALONIKE: Hay bò bốn chân như con sư tử cái trong tranh.

LYSISTRATA: Và nếu tôi giữ lời thề này xin rót rượu vào bát.

KALONIKE: Và nếu tôi giữ được lời thề này xin rót rượu vào bát.

LYSISTRATA: Nếu không hãy cho nước lã.

KALONIKE: Nếu không hãy cho nước lã.

LYSISTRATA: Tất cả chúng ta đều đã thề rồi chứ?

MYRRHINE: Chúng tôi đã thề.

Để lại lời nhắn

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.