Chuyện thường ngày ở Huyện/Bản chất và hiện tượng
Tham nhũng như sâu, phải “diệt chứ không chống “!

Hôm nay, 13.6, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) bày tỏ qua tiếp xúc cử tri, ghi nhận cử tri, nhân dân rất mừng vì sự quyết tâm của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là với những kết quả đạt được của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
Theo ông Việt, cử tri, nhân dân mong muốn phải kiên quyết, kiên định tiêu diệt tham nhũng, phải xử lý nghiêm minh, thu hồi tài sản trong phòng chống tham nhũng.
Góp ý về tên gọi của luật, đại biểu Việt cho hay cử tri, nhân dân có ý kiến sửa tên luật thành Luật Phòng trừ tham nhũng. “Tham nhũng cũng như sâu, cỏ đối với cây trồng, đối với sự phát triển. Đối với sâu, cỏ thì phải nói là diệt chứ không nói là chống”, ĐBQH Nguyễn Bắc Việt bày tỏ quan điểm.
Vị đại biểu cũng góp ý, luật nên quy định rõ vai trò của nhân dân trong công tác phòng chống tham nhũng bởi đây là sự nghiệp của toàn dân. Đồng thời, quan tâm đến công tác khen thưởng với người có đóng góp trong phòng chống tham nhũng. “Trong chống Mỹ chúng ta có dũng sĩ diệt Mỹ thì trong công tác này phải có danh hiệu dũng sĩ diệt tham nhũng” – ông Việt ví von.
Đánh thuế tài sản nghi tham nhũng – không có cơ sở!

Sáng 31.5, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Các nội dung như: Mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; giao Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản; đánh thuế hoặc thu hồi tài sản nghi tham nhũng;… nhận được nhiều quan tâm của đại biểu.
Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập
Theo ông Lê Minh Khái, việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với mọi cán bộ, công chức và với viên chức giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên khi lần đầu được tuyển dụng, bổ nhiệm vào làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực công là một bước đi cần thiết để hình thành đồng bộ hệ thống dữ liệu quốc gia về bản kê khai, qua đó giúp kiểm soát có hiệu quả những biến động về tài sản, thu nhập của họ khi thuộc diện phải kê khai hằng năm.
Dự thảo luật cũng quy định về trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng. Theo đó, chỉnh lý theo hướng không tách riêng quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng mà quy định chung như đối với cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị.
Về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, Chính phủ lựa chọn phương án có cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, để tránh việc phát sinh về tổ chức và biên chế, sẽ giao cho Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cơ quan thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương (nơi không có cơ quan thanh tra), thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập đối với những người có nghĩa vụ kê khai khác công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình.
Trình bày thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, cơ quan này lựa chọn phương án đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương thì thực hiện như phương án mà Chính phủ lựa chọn.
Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Tòa án, Viện kiểm sát, Kiểm toán Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội thì giao cho cơ quan Trung ương của các cơ quan, tổ chức này kiểm soát tài sản, thu nhập.
Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch Nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ thì giao cho các cơ quan này kiểm soát; đối với người có nghĩa vụ kê khai là đại biểu Quốc hội chuyên trách thì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm soát.
Theo Uỷ ban Tư pháp, phương án này tăng cường hơn tính tập trung, khắc phục một bước việc tổ chức dàn trải quá nhiều đầu mối cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập như hiện nay.
Chừng nào chứng minh được tài sản bất hợp pháp thì mới được xử lý
Trao đổi bên lề cuộc họp, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, Luật Phòng, chống tham nhũng ra đời nhằm mục đích nhận diện, phát hiện và xử lý tốt các hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật nhưng ĐB bày tỏ băn khoăn về việc đánh thuế tài sản bất hợp pháp.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng đặc biệt băn khoăn việc đánh thuế với tài sản nghi tham nhũng vì cho rằng, việc này không có cơ sở. “Một lưu ý là có những loại tài sản không hề bất hợp pháp, nhưng người ta mong muốn không nói cho ai, đây là chuyện tế nhị. Ví dụ điển hình là có một người đem cho tài sản và người được nhận phải giữ bí mật, đây là giá trị về tinh thần và vật chất, như thế người được nhận phải khai báo như thế nào? Đây là câu chuyện người cho không muốn công bố danh tính, cũng như việc người ta đi làm từ thiện nhưng không công bố danh tính. Do vậy, nếu dựa vào việc tăng thêm tài sản để đánh thuế thì không phù hợp” – ĐB Nhưỡng nhấn mạnh.
Chung quan điểm, tại buổi thảo luận tổ chiều 31.5, ĐB Phạm Đình Cúc cho rằng, về xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản thu nhập tăng thêm mà giải trình không hợp lý thì dự án luật đưa ra hai phương án.
Nếu kết luận người kê khai không trung thực thì trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập gửi xác minh tài sản cho cơ quan thuế và yêu cầu đánh thuế 45% tài sản.
Bên cạnh đó, việc xác minh tài sản bất minh hay không bất minh thuộc tránh nhiệm của cơ quan nhà nước chứ không phải người kê khai có trách nhiệm chứng minh theo pháp luật. “Theo tố tụng hình sự thì việc chứng minh là trách nhiệm của cơ quan điều tra, kiểm sát chứ không phải của bị can, bị cáo chứng minh mình có phạm tội hay tài sản đó của mình hay không” – ĐB Cúc nói.
Trao đổi về việc UBKTTƯ hay UBKT các cấp có thẩm quyền trong xử lý cán bộ có dấu hiệu tham nhũng, vi phạm pháp luật. ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho biết, ông rất hoan nghênh quy định này, và lẽ ra phải làm từ sớm thì sẽ không có chuyện tài sản cán bộ tẩu tán ra nước ngoài cả tài sản và con người. Đảng có toàn quyền về kỷ luật, vì khi vào Đảng là anh đã chấp nhận kỷ luật của Đảng. Nhưng chúng ta chưa thể chế hoá kịp thời việc kỷ luật này cụ thể hơn, ví dụ đảng viên có dấu hiệu tham nhũng, vi phạm pháp luật, giả sử không có các biện pháp kịp thời ngay có thể dẫn đến người đó ra nước ngoài bằng nhiều cách.
“Đây là việc cụ thể hóa, chi tiết hóa kỷ luật Đảng và các biện pháp gìn giữ kỷ luật của Đảng để tránh các đảng viên vi phạm nhưng chạy trốn. Đây là áp dụng biện pháp mới chứ không phải kỷ luật mới và góp phần hỗ trợ các quy định pháp luật” – ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho hay.
Đại biểu Quốc hội: Kiên quyết chống lãng phí sẽ “thêm nhiều củi vào lò”

Bên cạnh lĩnh vực chống tham nhũng, ông Mai Sĩ Diến – Phó trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh Thanh Hoá khẳng định, đẩy mạnh chống lãng phí cũng sẽ cho “thêm nhiều củi vào lò”.
Ông Mai Sỹ Diến – Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hoá đánh giá cao kết quả công tác phòng, chống tham nhũng thời quan qua, góp phần quan trọng vào việc xoá bỏ lực cản phát triển, đồng thời qua đó khẳng định không còn lo lắng chuyện “diệt chuột làm vỡ bình”.
Tuy nhiên, hiện có nhiều địa phương, bộ ngành, tổng công ty nhà nước chưa tuân thủ các quy định của luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chấp hành kỷ luật, tài chính, ngân sách chưa nghiêm. Công tác sử dụng kinh phí thường xuyên của nhiều đơn vị không đúng tiêu chuẩn, định mức gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, vừa qua Chính phủ cho hay có 16/23 tập đoàn, tổng công ty không báo cáo chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tổng hợp, trình Quốc hội.
Tình trạng vi phạm chính sách pháp luật về đất đai, khai thác khoáng sản, cát đá, đang gây thất thoát tài nguyên, phát sinh khiếu kiện trong nhân dân. Còn tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng còn một số nơi có biểu hiện thách thức pháp luật, có sự tiếp tay của người có trách nhiệm bảo vệ rừng.
Để thực hành pháp luật, chấp hành chống lãng phí, ông Diến cho rằng cần siết chặt kỷ luật kỷ cương trong lĩnh vực này. Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý cơ quan chưa quyết liệt.
Khắc phục việc quy trách nhiệm, bồi thường của người đứng đầu để xảy ra tình trạng lãng phí chưa đủ sức răn đe. “Nếu thực hiện tốt giải pháp này, vừa bảo đảm nâng cao kỷ cương kỷ luật, vừa giảm việc bổ sung thêm củi vào lò đang nóng từ những vi phạm ở việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, ông nói.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý tài sản công để ngăn chặn lạm dụng, lợi ích nhóm trong quản lý đất đai. “Tham nhũng, mất đoàn kết, mất cán bộ cũng nằm ở đây”, ông nói thêm.