Thống trị và quản trị
Trả lời chất vấn, bộ trưởng Giao thông ít nhất 3 lần nói ‘xin lỗi’
TTO – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể xin lỗi, nhận trách nhiệm về các yếu kém của ngành giao thông, về việc đường sắt chỉ có 3 dòng trong báo cáo, và về một loạt tai nạn tàu hỏa những ngày vừa rồi.
Rất nhiều bức xúc của ngành giao thông đã và đang nóng lên ngay trước thềm phiên chất vấn này.
Đó là chuyện hàng loạt “trạm thu phí” đổi thành “trạm thu giá”, người dân ngỡ ngàng, các đại biểu Quốc hội cũng khó chấp nhận. Bất chấp bản thân bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã cố gắng giải thích theo Luật Giá, cái tên mới được cho là “vô nghĩa” vẫn không thuyết phục được ai.
Đến ngày 2-6, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ không đồng tình với tên “trạm thu giá”. Nghĩa là sẽ phải có một cái tên khác, nếu bộ GT-VT nhất định không giữ lại “trạm thu phí”.
Nhưng cái tên trạm không phải vấn đề lớn nhất của các dự án BOT giao thông. Từ trước khi căng thẳng lên đến đỉnh điểm ở trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) cuối năm 2017 đến nay, các vướng mắc như vị trí đặt trạm, mức thu phí vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Tình trạng đối đầu giữa tài xế và trạm BOT đã lan nhanh sang các nơi khác, trong khi chính BOT Cai Lậy đến giờ phút này vẫn chưa có giải pháp cuối cùng, việc nằm trong trách nhiệm tham mưu của Bộ GT-VT.Đường bộ đang ngổn ngang như thế, đường sắt lại liên tục xảy ra tai nạn do lỗi chủ quan. Dù ông Thể đã lên tiếng xin lỗi, nhận trách nhiệm, nhưng giải pháp để khắc phục triệt để những “lỗ hổng chết người” thì vẫn chưa thấy rõ.
Chắc chắn các đại biểu Quốc hội sẽ không chỉ nhắc người đứng đầu ngành giao thông về những chuệch choạc nổi lên thời gian gần đây, mà sẽ đòi hỏi vị tư lệnh ngành này đi sâu vào bản chất vấn đề mà chính ông Thể đã gọi là “sản phẩm của giai đoạn trước”.
12 giờ trước
Phiên chất vấn bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể sáng nay tạm khép lại với 30 đại biểu chất vấn, 20 đại biểu tranh luận. Ông Thể còn nửa buổi chiều nay để tiếp tục trả lời chất vấn các đại biểu.
12 giờ trước
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) chất vấn: “Dư luận hiện nay có những chuyện cho rằng chi phí làm đường của VN lớn nhất thế giới mà thời gian sử dụng thì lại ngắn nhất, có những đường làm được vài năm đã hỏng?”
Về câu hỏi này bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành cung cấp các thông tin về suất đầu tư so với các nước trong khu vực.
“Chúng ta làm đường trên nền móng yếu và việc xử lý rất tốn kém, các khoản chi phí này rất khác nhau giữa từng địa phương. Hơn nữa chi phí mặt bằng rất lớn. Cho nên nói rằng suất đầu tư đường chúng ta 700-1.000 tỉ đồng/km thì cũng đúng nhưng không phải là tất cả. Tôi không bình luận về thông tin này”, bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
12 giờ trước
Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) đặt câu hỏi về câu chuyện chính sách BOT, đề nghị bộ trưởng cho ý kiến về việc khi nào các trạm BOT công khai các khoản đầu tư, các khoản thu và thời gian thu phí trên bảng thông tin ngay tại nơi đặt trạm thu phí để dân có thể theo dõi?
Ông Lộc cũng đặt câu hỏi khác là đến khi nào thì Bộ GTVT đầu tư kết nối được hệ thống công nghệ thông tin giữa trạm BOT với các cơ quan quản lý để giám sát rõ ràng, minh bạch?
Trả lời câu hỏi này, ông Thể cho biết Bộ GT-VT đã tập trung mấy việc: quyết toán công trình và chỉ đạo các trạm BOT công khai minh bạch các quyết toán này để người dân giám sát.
Về việc khi nào sẽ hoàn tất, ông Thể nói điều này còn phụ thuộc vào chính quyền địa phương quyết toán về giải phóng mặt bằng.
Về trạm thu phí tự động thì trong năm 2018 các trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh sẽ được thu thập đầy đủ. Đến 2019, theo chỉ đạo của Chính phủ thì các trạm thu phí trên quốc lộ đều phải thu phí tự động.
12 giờ trước
Đại biểu Tô Thị Bích Châu và đại biểu Dương Trung Quốc tranh luận với bộ trưởng Nguyễn Văn Thể
Đại biểu Tô Thị Bích Châu không hài lòng câu trả lời, bà nói trong báo cáo chỉ có 3 dòng về đường sắt trong khi những ngày vừa qua ngành đường sắt liên tục xảy ra tai nạn.
Đại biểu Dương Trung Quốc cũng không đồng ý là do tham mưu kém, ông tiếp tục đặt lại câu hỏi là phải chăng đầu tư đường sắt thì ít mang lại lợi ích cho các nhóm hơn, nên chúng ta ít chú trọng?
Trả lời đại biểu Tô Thị Bích Châu ông Nguyễn Văn Thể nói “xin lỗi” vì chỉ có 3 dòng về đường sắt trong báo cáo của Bộ GT-VT, những ngày vừa qua Bộ GT-VT cũng đã “xin lỗi” Đảng, Nhà nước, Chính phủ, nhân dân về các vụ tai nạn đường sắt.
Về phản biện của đại biểu Dương Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Thể nói dự án đường sắt nào cũng có số vốn rất lớn, hàng chục tỉ đô.
“Nếu làm mới thì phải làm được song hành, khổ 1,435m, nếu Quốc hội thống nhất thì mới có thể triển khai được, đáng tiếc là chưa thể thông qua”, ông Thể nói.
Còn về bình luận về chuyện lợi ích mà đại biểu Dương Trung Quốc nói, ông Thể thừa nhận được sắt lạc hậu và đầu tư chưa đúng mức, nhưng làm đường sắt đường bộ đều như nhau. “Bản thân chúng tôi đều lấy cái tâm ra làm cả”, ông Nguyễn Văn Thể nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại là tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội đã đồng ý dùng 15.000 tỉ đồng trong giai đoạn trung hạn 2016-2020 để bổ sung đầu tư cho giao thông, trong đó có 7.000 tỉ cho đường sắt. “Đề nghị bộ trưởng về triển khai”, Chủ tịch Quốc hội nói.
11 giờ trước
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) hỏi về chất lượng ngành đường sắt hiện nay quá tải, nhiều tai nạn xảy ra?
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nói ông rất mừng vì có đại biểu nhắc đến vấn nạn đường sắt.
“Đường sắt là câu chuyện nhức nhối và đây là ngành mà chúng ta được thừa kế từ cách đây rất lâu. Cách đây 8 năm Quốc hội đã không đồng tình để xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam, nhưng vẫn thống nhất là đầu tư mạnh để nâng cấp hệ thống này. Vậy thì Bộ GT-VT đã quan tâm vấn đề này như thế nào?”, ông Quốc hỏi.
Bộ trưởng Thể thừa nhận sự tham mưu của Bộ GT-VT là kém nên chưa đầu tư đúng mức cho ngành đường sắt. Hiện đường sắt của chúng ta vô cùng lạc hậu, có những đường sắt xây đã 70-80 năm rồi.
Hiện có một số vụ tai nạn giao thông, theo bộ trưởng Thể, thì là do có quá nhiều đường giao cắt và những đường giao cắt này luôn tiềm ẩn tai nạn.
“Có biển cảnh báo tuy nhiên dù có cảnh báo thì ý thức chấp hành của người dân chưa nghiêm nên vẫn có nhiều tai nạn xảy ra, đây là nguyên nhân của các vụ việc gần đây”, ông Thể nói.
Về lâu dài, bộ trưởng Thể nói rằng đã cam kết với các địa phương về việc tăng cường trách nhiệm, trong đó tập trung tự động hoá các điểm giao cắt, quy trách nhiệm cụ thể. Hiện Bộ cũng đã làm tờ trình để năm 2019 trình Quốc hội cho ý kiến về dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Về ý kiến của đại biểu Dương Trung Quốc, bộ trưởng Thể đồng tình và cho rằng cần quản lý đường sắt cũng như quản lý đường cao tốc, hạn chế các điểm giao cắt và quản lý chặt các điểm này.
“Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa làm tốt công tác quản lý hành lang để đảm bảo an toàn tuyệt đối nên hiện tại có quá nhiều điểm giao cắt. Về lâu dài chúng tôi đang xây dựng đề án đường sắt cao tốc Bắc – Nam để trình Quốc hội. Cái này chúng ta đã trình cách đây 8 năm rồi nhưng Quốc hội không quyết, chúng tôi nghĩ rằng mình cũng phải kiên trì hơn trong câu chuyện trình xin ý kiến này”, bộ trưởng GT-VT nói.
11 giờ trước
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương tranh luận với bộ trưởng Nguyễn Văn Thể – Nguồn video: VTV
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chất vấn về việc mượn phụ tùng để đi đăng kiểm ô tô, có giải quyết được không?
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nói ban quản lý đường hồ Chí Minh nợ UBND huyện Chư Sê 2,1 tỉ đồng hơn 10 năm nay, chưa tính tiền lãi mà không trả còn đẩy trách nhiệm lên nơi khác. Bao giờ trả?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói Bộ GT-VT cùng với cơ quan chức năng của bộ đã tìm giải pháp về chuyện mượn phụ tùng.
“Căn cơ hiện nay là ghi lại hình ảnh các thùng, kích thước đều có đầy đủ trong giấy phép lưu hành, căn cứ vào thùng xe kiểm định và kích thước bên ngoài để tránh trường hợp khi lưu hành và kiểm định khác nhau”, ông Thể nói.
Trước câu hỏi của đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) về món nợ 2,1 tỉ mà ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh nợ UBND huyện Chư Sê 10 năm nay chưa trả, bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói ông đã từng gặp trực tiếp đại Vượt và có lưu ý với ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh.
“Sau cuộc họp này tôi sẽ chủ trì cuộc họp các bên để có câu trả lời thỏa đáng”, ông Thể nói.
11 giờ trước
Về ý kiến của đại biểu Xuân Thu, bộ trưởng Bộ GT-VT trả lời rằng trong thời gian vừa qua đã thực hiện quyết liệt các giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị để bảo vệ tính mạng của người dân. Số liệu cũng cho thấy là tình hình đã chuyển biến tích cực.
“Bộ GT-VT sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu để sắp tới tăng cường kiểm tra, cưỡng chế các vi phạm, đồng thời tăng cường công tác kiểm soát, tăng cường tuyên truyền cho người dân”, ông Thể nói.
Liên quan đến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và đường nối Hưng Hà, bộ trưởng Thể cho rằng dự án này đã phát huy hiệu quả. Thời gian gần đây khi quốc lộ 5 quá tải thì sự đồng thuận của dân bắt đầu tăng thêm.
“Tôi nghĩ rằng dự án kéo dài, là dự án trọng điểm ngắn hạn thì có thể chưa hiệu quả nhưng về lâu dài thì sẽ có hiệu qủa cao”, ông Thể nói.
Về đường nối Hưng Hà, ông Thể nói đã làm việc với các tỉnh. Chủ tịch Quốc hội nói về dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thì một hai tháng nữa sẽ thông và kết nối với Vân Đồn, đi từ Hà Nội đến Quảng Ninh chỉ còn hết 1,5 giờ.
Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) nhắc lại về dự án thu phí T2 Rạch Giá gây rất nhiều bức xúc cho cử tri, nhân dân về mức giá thu phí, địa điểm đặt, việc giảm giá cũng chưa tính đầy đủ các đối tượng, không công bằng.
“Sau nhiều lần Bộ GT-VT làm việc rồi nhưng nhân dân vẫn chưa thoả đáng. Và tôi đồng ý với đại biểu Kim Bé là chúng tôi không xin”, đại biểu Bình nói.
11 giờ trước

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân – Ảnh: VTV
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hoà) hỏi rằng theo báo cáo của Bộ GT-VT mỗi năm 8-10 ngàn người chết vì tai nạn giao thông. “Đáng nói là tai nạn hoàn toàn có thể tránh được nếu đường giao thông thuận tiện. Bộ trưởng có giải pháp gì để hạn chế tai nạn giao thông không?, đại biểu hỏi.
Đại biểu này cũng đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL là tại sao học ngoại ngữ thì bắt buộc mà học bơi lại không được bắt buộc, trong khi hiện nay trẻ em đuối nước vì không biết bơi rất nhiều?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói câu hỏi này Bộ VH-TT-DL có thể trả lời bằng văn bản.
Đại biểu Trần Văn Quý (Hưng Yên) đặt câu hỏi về các dự án giao thông làm dở rồi ì ạch. Chủ tịch Quốc hội cho biết bà đã đi khảo sát dự án cầu đường mà đại biểu Quý nêu, thấy những vấn đề mà đại biểu nêu là rất đúng, những băn khoăn đó có từ thời bộ trưởng tiền nhiệm là ông Trương Quang Nghĩa.
“Tôi đề nghị bây giờ bộ trưởng Thể phải trả lời, các dự án mà đại biểu nêu thì mình cũng đi vay vốn và phải trả lãi vay nhưng vì sao lại cứ như thế?”, Chủ tịch Quốc hội nói.
11 giờ trước
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) hỏi về kết quả chênh lệch kiểm toán. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng về nguyên tắc thì sau khi nghiệm thu thì sẽ quyết toán, sau đó thì điều chỉnh hợp đồng rồi mới tới kiểm toán.
Riêng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên thì đây là tuyến đường trọng yếu, có thể sẽ có sai sót. Do đó Bộ đã đề nghị Kiểm toán trước khi nghiệm thu, thời điểm đó thì Kiểm toán đã vào cuộc.
Hiện nay Bộ GT-VT đã rà soát lại các kết quả rồi ký quyết toán. Như vậy kết quả quyết toán đa số là thấp hoặc ngang bằng với kết quả kiểm toán.
11 giờ trước
Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) chất vấn tiếp về vấn đề chỉ định thầu, theo báo cáo giám sát về dự án BOT của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy toàn bộ dự án BOT đều chỉ định thầu, 1 dự án đấu thầu thì chỉ có 1 nhà thầu. Nhiều nhà thầu đã bán lại dự án, hưởng lợi. Bộ trưởng lý giải hiện tượng này?
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chất vấn về việc người dân chỉ tham gia giao thông vài trăm mét tại trạm BOT T2 ở Lộ Tẻ (Kiên Giang) nhưng phải trả tiền cả tuyến. Vậy có công bằng?
Trả lời về chỉ định thầu trong BOT, bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói sau các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên thì đều tổ chức đầu thầu.
Riêng hai dự án đã nói, đây là hai dự án quan trọng cấp bách, Bộ GT-VT có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép chỉ định thầu để xử lý nhanh dự án và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý. Số liệu giám sát nói chỉ có 1 dự án đấu thầu là chưa đủ vì sau đó đều đấu thầu hết.
Đối với dự án BOT tại trạm T2, ông Thể cho biết 1 dự án sẽ bố trí 1 trạm và sẽ có bất cập cho người dân ở gần, “đây là việc bất khả kháng” vì không thể thu phí kín mà phải thu phí hở.
“Hiện nay các dự án mới đều thu phí kín toàn bộ. Có nghĩa là sẽ làm đường song hành với tuyến quốc lộ và tuyến đường thu phí sẽ như một cao tốc, thu phí kín toàn bộ. Đối với trạm T2 đã có sự miễn giảm rất lớn cho bà con”, ông Thể nói.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé tranh luận: “Người dân không xin, có đi thì có trả mới là công bằng. Đề nghị Bộ trưởng nói biện pháp lâu dài”.
Ông Nguyễn Văn Thể nói sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, sau kỳ họp sẽ giao Tổng cục đường bộ rà soát các phương án.
10 giờ trước
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận lại: Một số công trình giao thông phục vụ cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, khi đường làm xong thì đất hai bên đường rất đắt.
“Tôi muốn hỏi cái này bộ GT-VT trả lời như thế nào?”, ông Nghĩa hỏi.
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đặt vấn đề trong việc kiểm toán các dự án BOT đã phát hiện số tiền chênh lệch, thời gian thu phí rất lớn. Như vậy việc quy trách nhiệm của bộ, của ngân hàng hay của chủ đầu tư thì bộ trưởng cũng nên trả lời cho rõ?
Về các câu hỏi này, bộ trưởng Bộ GT-VT cho biết về nhóm liên quan đến người dân thì trước khi triển khai bộ GT-VT cũng đã lấy ý kiến các địa phương, UBND các cấp, ý kiến của các đoàn ĐBQH, rồi căn cứ vào quy hoạch.
Các dự án thì dân xây dựng nhà rất nhiều mà cốt nền thì không đồng đều, khi làm đường thì bộ lấy cốt nền bình quân. Về việc chi phí qua trạm thì bộ cố gắng lấy mức giá thấp nhất. Về tranh chấp của nhà đầu tư với các ngành liên quan nên thực hiện theo pháp luật tố tụng dân sự.
“Việc làm này rất công khai minh bạch, cơ quan nhà nước có thể giám sát và theo dõi, xử lý”, ông Thể nói.
Về kết quả của kiểm toán, sau khi xem xét thì Bộ GT-VT căn cứ vào kết quả quyết toán, nếu có sai sót mà của Bộ GT-VT thì bộ sẽ thực hiện đúng theo quy định, còn trách nhiệm của Ngân hàng thì cũng như vậy, quan điểm là trách nhiệm của ai thì đơn vị đó phải chịu.
10 giờ trước

Nhân dân ĐBSCL đã nghe bộ trưởng Nguyễn Văn Thể hứa đến 2020 sẽ thông xe cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Ảnh: VTV
Về dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ chậm, theo bộ trưởng Thể, có mấu chốt vấn đề là chưa tìm được vốn, hơn 10 ngàn tỉ.
“Tháng 9 tới sẽ phê duyệt dự án cầu Mỹ Thuận 2. Hiện 5 ngân hàng đã hứa tài trợ vốn 7.000 tỉ đồng. Chúng tôi cố gắng đến 2020 sẽ thông cao tốc từ Trung Lương – Mỹ Thuận. Với Mỹ Thuận – Cần Thơ thì có 4 nhà thầu, trong đó 3 liên danh trong nước, 1 liên danh trong nước và nước ngoài, đến tháng 7 hoặc tháng 8-2018 sẽ tổ chức đấu thầu, chọn được nhà thầu”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Nhân dân ĐBSCL đã nghe bộ trưởng hứa đến 2020 sẽ thông xe cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Bộ trưởng nhớ giữ lời hứa này”.
10 giờ trước
Trả lời câu hỏi về dự án QL53 ở Vĩnh Long, ông Thể cho biết Bộ GT-VT đã chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư, lý do đây là tuyến độc đạo do đó Bộ thấy không nên làm BOT và phải chấm dứt hợp đồng. Hiện đang đong đếm rất nhiều nguồn, tìm sự đồng thuận để có vốn làm QL 53.
Về câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa về chuyện chỉ định thầu, ông Nguyễn Văn Thể nói không có dự án nào là không tổ chức đầu thầu, với các dự án có 2 nhà đầu tư trở lên đều đấu thầu theo luật định.
“Tuy nhiên thời gian qua triển khai một số dự án BOT thì có những dự án chỉ có 1 nhà đầu tư, kéo dài thời gian chờ đấu thầu nhưng cũng không có”, ông Thể nói.
“Xin thưa, căn cứ vào luật thì vẫn cho Bộ GT-VT chỉ định thầu nếu chỉ có 1 nhà đầu tư. Vì mong muốn của địa phương sớm có hạ tầng, không lẽ chúng ta cứ để như thế. Đó là phương án bắt buộc khi không có hai nhà đầu tư trở lên”.
Ông Thể cũng thừa nhận là có tình trạng dự án kéo dài do các nhà thầu cùng làm nhiều dự án, do đó không đủ nguồn lực để thực hiện nhanh cùng lúc. Bộ GT-VT luôn sát sao trong giám sát việc thi công của các nhà thầu.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm: BOT có vì lợi ích của dân? – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Mong dân thông cảm – Đại biểu Hoàng Quang Hàm: Vẫn chỉ là thuyết phục và giảm giá – Nguồn video: VTV
10 giờ trước
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) chất vấn về giải pháp cho hai tuyến QL 53 từ Vĩnh Long đi Trà Vinh có chủ trương nâng cấp BOT nhưng chưa thực hiện được, nay vẫn chưa làm, xin hỏi bao giờ làm?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu một số cử tri cho biết tại một số địa phương một hoặc một vài doanh nghiệp được chỉ định thầu hoặc đấu thầu nhưng có những vấn đề khuất tất, các danh nghiệp này được làm những dự án rất màu mỡ, xin hỏi có việc này không?
Câu hỏi này ông Nghĩa gửi đến cả Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng
Đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) hỏi bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có cam kết đưa dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vào sử dụng năm 2020 hay không?
Giơ biển tranh luận, đại biểu Hoàng Quang Hàm buồn bã nhận định “bộ trưởng chỉ nhắc đi nhắc lại chuyện thuyết phục dân, mong dân thông cảm và cố gắng giảm giá”.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cũng tranh luận: Có phải do nhà đầu tư BOT có thể kiện lại Bộ GT-VT nên bộ cứ có ngại ngần trong việc xử lý vấn đề này?
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) tranh luận về việc bộ trưởng Thể nói vì lợi ích hài hòa của người dân nên sẽ giảm giá BOT, có vẻ gì đó rất “ban phát”. Không thể nói vì do áp lực của người dân mà giảm giá, mà phải trên cơ sở nguyên tắc cung cầu. Bộ trưởng cho biết quan điểm?
10 giờ trước
Về câu hỏi của đại biểu Lý Tiết Hạnh, bộ trưởng Thể nói rằng mỗi dự án có một đặc điểm khác nhau. Về trách nhiệm thì bộ cũng nhận một phần trách nhiệm.
“Trách nhiệm nào của nhà thầu thì bộ đã cho hướng xử lý, còn trách nhiệm khách quan thì bộ cũng đã cố gắng tìm kiếm nguồn để duy trì đường cho bà con đi. Còn về lâu dài thì vốn muốn bố trí thì phải có ý kiến của Quốc hội thì bộ mới có được kinh phí”, ông Thể nói.
Về ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, ông Thể cho rằng hiện Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH-ĐT hoàn thiện các luật liên quan, trong đó quy định trách nhiệm toàn bộ trách nhiệm, cơ chế chính sách liên quan. “Chúng tôi mong muốn hoàn thiện luật này sớm”, ông Thể nói.
10 giờ trước

Đại biểu Hoàng Quang Hàm – Ảnh: VTV
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đặt câu hỏi rằng về các dự án BOT và phương án xử lý hiện nay: “Bức xúc hiện nay là 17 dự án đặt thu phí sai, 3 dự án trong đó dân không đi vẫn phải trả tiền. Tôi thấy bộ trả lời theo kiểu dân chịu thì cứ thu?”
Đại biểu Lý Tiết Hạnh hỏi lại rằng đường quốc lộ là đường vĩnh cửu, vậy mà cùng một thời điểm Quảng Ngãi, Phú Yên đường rất tốt, ngược lại Bình Định thì phải chở? Chờ đến bao giờ?
Trả lời đại biểu Hàm, bộ trưởng Thể cho rằng một số dự án do yếu tố lịch sử để lại, tuy nhiên với trách nhiệm của bộ thì bộ cũng sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Các dự án còn lại thì quá trình làm đã có sự tham gia của các bộ ngành nên bộ xem như việc đặt trạm đó là sự hợp lý, còn nếu muốn di dời thì cần phải có một khoản vốn rất lớn. Dự án đường cao tốc thì có khoản đầu tư rất lớn nên Chính phủ cũng đã cho phép mở thêm các trạm thu”, ông Thể nói.
“Toàn bộ những việc này chúng tôi thực hiện theo đúng trình tự, có sự tham gia của địa phương. Hiện nay để giải quyết các trạm BOT mà đại biểu nêu thì nguồn vốn rất khó khăn, rất khó để có tiền mua lại. Chúng tôi muốn đại biểu lấy biểu quyết, nếu Quốc hội cho thì chúng ta sẽ lấy tiền mua lại. Hiện giờ thì chúng tôi rất mong cử tri, đại biểu hết sức thông cảm cho bộ”.
10 giờ trước
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) về tái cơ cấu Vinashin, Vinalines, ông Nguyễn Văn Thể cho biết với Vinashin thì tái cơ cấu chưa hiệu quả, Vinalines sau thời gian củng cố thì 2017 đã có lãi trên 500 tỉ đồng, năm 2017 dự kiến trên 700 tỉ đồng.
Về các khoản nợ thì nằm trong phạm vi Chính phủ bảo lãnh.
10 giờ trước
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lý Tiết Hạnh về QL1 qua Bình Định, ông Thể cho biết một số đoạn đường ở đây rất xấu, sau khi hoàn thành nâng cấp trải qua một giai đoạn thời tiết rất khắc nghiệt, năm 2016 bão lũ nhiều, mùa hè lại nắng nóng.
“Với điều kiện đó dẫn tới hoạt động của mặt đường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, một số hiện tượng như xe quá khổ quá tải chưa ngăn chặn được… dẫn tới QL1 qua Bình Định bị hư hỏng”, ông Thể nói.
“Bộ đã chỉ đạo duy tu bảo dưỡng, nhưng kinh phí duy tu sửa chữa rất hạn chế, chỉ đáp ứng 30% nhu cầu, việc sửa chữa gặp nhiều khó khăn, do đó chưa đáp ứng được. Bộ GT-VT đã cho Tổng cục đường bộ xử lý một cách triệt để, đòi hỏi một khoản kinh phí lớn, chúng tôi sẽ có gằng trong khả năng và từ nguồn trung ương bố trí thêm”.
Ông Thể cũng nói việc này liên quan đến nhiều bộ ngành nên chưa thể trả lời đến khi nào mới xử lý xong “mong đại biểu thông cảm”
Về chuyện trên địa bàn Bình Định có đến 3 trạm BOT, ông Thể cho rằng việc này bám sát theo nghị định 159 của Bộ Tài chính, quy định là khoảng cách bình thường giữa 2 trạm BOT là 70km, còn dưới 70km thì có thỏa thuận với địa phương.
“Và việc này đã được UBND tỉnh Bình Đình có sự đồng ý. Tuy nhiên tôi cũng đánh giá là một số nơi trạm BOT còn dày, bà con cũng khó khăn. Tôi kính mong đồng bào cử tri, nhất là tỉnh Bình Định thông cảm. Chúng tôi ưu tiên giảm giá, để chi phí xã hội thấp nhất”.
9 giờ trước
Kết thúc 3 câu hỏi đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội đánh giá: “Bộ trưởng Thể trả lời nhanh gọn, đi thẳng vào vấn đề, đủ thời gian 9 phút”.
Tiếp tục, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) hỏi bao giờ xử lý dứt điểm việc sửa chữa QL 1A qua Bình Định?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chất vấn về bất cập trong thể chế về thực hiện trong đầu tư đối tác công tư (PPP), gây nhiều bức xúc chưa giải quyết được căn bản, bộ trưởng giải quyết thế nào?
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) hỏi việc tái cơ cấu Vinalines, Vinashin đến đâu? Số nợ còn bao nhiêu. Về BOT, chuyện các trạm thu phí một nơi, đường một nơi ai chịu trách nhiệm?
9 giờ trước
Về câu hỏi của ông Nguyễn Ngọc Phương, bộ trưởng Thể cho rằng có sự chênh lệch về kết quả kiểm toán là do giai đoạn vừa qua chúng ta đấu thầu trên cơ sở các dự án BOT được duyệt.
Trong các dự án này có nhiều phần phát sinh kinh phí, các dự án bao gồm các khoản phát sinh kinh phí lớn. Trên cơ sở này, Bộ GT-VT đã ký hợp đồng với nhà đầu tư. Để minh bạch, Bộ đã đề nghị kiểm toán để đối chiếu. Bộ GT-VT đã đàm phán và có điều khoản: giá trị sau kiểm toán là căn cứ để tính thời gian, mức giá.
“Như vậy việc chênh lệch là điều hiển nhiên. Số liệu kiểm toán và số lượng quyết toán của Bộ GT-VT tương đồng với nhau, thậm chí một số dự án kết quả quyết toán của Bộ GT-VT còn thấp hơn”, ông Thể nói.
Về việc cải tạo nâng cấp đường có sự chênh lệnh cao độ giữa nền đường và nhà dân, bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng trách nhiệm của Bộ GT-VT là có một phần. Một số tuyến đường như đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên được nâng từ một cốt nền rất yếu và thấp do yếu tố lịch sử để lại.
“Với trách nhiệm của Bộ GTVT tôi xin nhận trách nhiệm trước nhân dân về những trách nhiệm của mình”, bộ trưởng Thể nói.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhận được lời hứa của bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là sẽ lên Tây Bắc vi hành – Ảnh: QUANG VINH
Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí về việc trạm thu phí không dừng, bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng theo chỉ đạo về tiến độ mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra thì Bộ GT-VT đã nhận thấy việc áp dụng trạm thu phí không dừng là hình thức thu phí công khai minh bạch nhất cần phải thúc đẩy nhanh tiến độ.
Về câu chuyện đường sá các tỉnh Tây Bắc rất khó khăn, bộ trưởng Thể cho rằng ngân sách nhà nước hiện đang rất khó khăn nên nhiều dự án chưa có nguồn lực để bố trí vốn. Bộ GT-VT xin nhận trách nhiệm để sắp tới có những giải pháp tập trung cho giao thông của miền núi.
Ông Nguyễn Văn Thể cũng cam kết sẽ lên vùng Tây Bắc vi hành để kiểm tra thực tế.
9 giờ trước
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Sẽ nghiên cứu tên mới, Chủ tịch Quốc hội: Cứ tên cũ mà dùng – Nguồn video: VTV
9 giờ trước

Thím Nguyễn Thị Kim Ngân – Ảnh: QUANG VINH
Tuy nhiên, ngay sau khi ông Nguyễn Văn Thể nói về vấn đề đổi tên “trạm thu phí”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói không việc gì phải nghiên cứu hay trình gì nữa, “cứ đưa về tên cũ trạm thu phí là ổn”.
Chủ tịch Quốc hội nói tên “trạm thu phí” là cái tên rất đúng và quen gọi, không có lý do gì để đổi. Nếu Bộ GT-VT cứ nghiên cứu rồi trình thì sẽ rất mất thời gian, không cần thiết.
9 giờ trước

Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể – Ảnh: VTV
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có 5 phút để báo cáo chung trước khi trả lời chất vấn. Ông Thể chia sẻ rất vui khi Quốc hội chọn một số nội dung trong lĩnh vực giao thông vận tải để chất vấn, và xem cơ hội giải trình, làm rõ các vấn đề với Quốc hội cử tri là vinh dự của ngành, của cá nhân ông.
Bộ trưởng GT-VT nói nhu cầu của ngành giao thông là rất lớn nhưng do nguồn vốn có hạn, còn những bất cập nên chưa đáp ứng được đầy đủ.
Đề cập tới ngành đường sắt ông Nguyễn Văn Thể thừa nhận đây là một trong những lĩnh vưc yếu kém nhất. Đường thủy nội địa cũng chưa được quan tâm đúng mức, chưa chia sẻ áp lực giao thông với đường bộ.
Về BOT, ông Nguyễn Văn Thể nói đây là chủ trương đúng, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội tuy nhiên qua thời gian cũng có những bất cập, xã hội rất quan tâm.
“Tiếp thu ý kiến của dư luận xã hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chúng tôi sẽ nghiên cứu chỉnh sửa tên trạm thu phí thành một tên khác phù hợp. Chúng tôi xin hứa sẽ thực hiện việc này nghiêm túc”, ông Nguyễn Văn Thể nói.
9 giờ trước
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) mở hàng, ông đề nghị bộ trưởng làm rõ việc thu phí BOT trên các tuyến nâng cấp QL 1 sắp tới sẽ xử lý thế nào?
Đại biểu Nguyễn Văn Tiến (Vĩnh Phúc) hỏi về việc “đường cao hơn nhà” trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn việc trạm thu phí tự động không dừng đã đươc phê duyệt từ Chính phủ. Quan điểm của Bộ trưởng thế nào, bao giờ triển khai?
Ông Trí cũng đề nghị bộ trưởng GT-VT “vi hành” lên vùng Tây Bắc để xem xét mở đường, cải thiện giao thông khu vực này.
9 giờ trước
Trước khi bước vào chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại yêu cầu các đại biểu nêu câu hỏi ngắn gọn, đi vào vấn đề, các bộ trưởng trả lời nhanh, gọn, thẳng thắn, đúng trọng tâm.
Đây là kỳ chất vấn đầu tiên áp dụng hình thức “hỏi nhanh đáp gọn”, hỏi trong vòng 1 phút và sau khi 3 đại biểu hỏi thì bộ trưởng sẽ trả lời.
Trước khi bắt đầu đã có 35 đại biểu đăng ký chất vấn bộ trưởng Thể.