Đọc báo giùm bạn
ĐẮK LẮK
Đắk Lắk: Lúng túng xử lý hơn 2.000ha rừng bị cán bộ, Đảng viên chiếm dụng
Dù chỉ mới một nửa số cán bộ, Đảng viên kê khai đã cho thấy, có hơn 2.000 ha đất rừng bị chiếm, chưa được cấp quyền sử dụng.
Tình trạng khai phá đất rừng để làm đất nông nghiệp ở Ea Súp, Đắk Lắk đã diễn ra từ lâu nhưng phải đến tháng 12/2017, Ban Thường vụ Huyện ủy Ea Sup mới thực hiện ban hành văn bản yêu cầu cán bộ, Đảng viên kê khai diện tích đất lâm nghiệp đang sử dụng.
Đến nay, với một nửa tổng số cán bộ, Đảng viên thực hiện yêu cầu này, cho thấy có hơn 1.200 người đang chiếm dụng đất rừng, tổng diện tích hơn 2.000 ha.
Theo ông Nguyễn Văn Đông – Chủ tịch UBND huyện Ea Súp, đơn vị đang lúng túng, chưa biết xử lý diện tích này như thế nào.
Theo Nghị định 43 của Chính phủ thì trước năm 2014, địa phương có thể cấp đất, nếu không phải là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn cho người dân.
Thế nhưng Chỉ thị 1685 của Chính phủ mới đây yêu cầu “kiên quyết thu hồi diện tích rừng, đất lâm nghiệp, thuộc các dự án vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng phê duyệt”.
Ông Nguyễn Văn Đông cho biết, huyện đang yêu cầu một nửa số cán bộ, Đảng viên còn lại thực hiện việc kê khai đất gia đình đang sử dụng, tiếp tục làm rõ việc cán bộ chiếm dụng đất rừng tại địa phương. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk báo cáo Chính phủ để có phương án tháo gỡ vướng mắc này.
“Việc quản lý vấn đề đất đai hiện nay là Chính phủ đã cho phép trong Nghị định 43 là từ 1/7/2014 trở về trước thì cho phép chuyển đổi kể cả đất rừng nên có thể đồng ý cho chuyển đổi. Tuy nhiên, hiện nay lại vướng Nghị định 1685 của chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo tất cả phải thu hồi hết cho nên hiện nay chúng tôi đang đề nghị tỉnh, Chính phủ cũng như Bộ Tài Nguyên và Môi trường xem xét giải quyết vấn đề này”, ông Nguyễn Văn Đông thông tin thêm./.
Giọt nước mắt nghẹn ngào ở “làng ung thư” giữa đại ngàn Tây Nguyên
Trong vòng 5 năm trở lại đây thôn 10/3 đã có 35 trường hợp tử vong vì căn bệnh ung thư. Riêng năm 2017, số người chết vì căn bệnh này vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.
Những năm trở lại đây, người dân thôn 10/3 (xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ khi căn bệnh ung thư đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người.
Ông Nguyễn Phong Sắc (60 tuổi, thôn 10/3) cho hay, chỉ vài năm trở lại đây người trong thôn liên tục phát hiện bệnh ung thư. Tuy nhiên, khi đến bệnh viện thăm khám thì bệnh đã ở giai đoạn cuối nên không thể cứu chữa được. Do đó, nhiều người trong thôn chết vì căn bệnh này. Hiện nay, ngay cả người trong gia đình ông cũng đang mắc bệnh ung thư đang được điều trị tại TP HCM.
“Vào khoảng giữa năm 2017, con tôi bị đau mỏi khắp cơ thể, không thể sinh hoạt được bình thường nên gia đình đưa đi thăm khám. Tại bệnh viện, các bác sĩ chuẩn đoán con tôi bị mắc bệnh ung thư máu. Từ đó, vợ tôi phải túc trực dưới TP HCM để chăm sóc con trong quá trình xạ trị. Mặc dù gia đình tốn chi phí hơn 1 tỷ đồng nhưng bệnh tình con tôi vẫn không có biểu hiện thuyên giảm. Giờ đây, gia đình chỉ mong con có thể vượt qua được căn bệnh quái ác này”, ông Sắc nghẹn ngào nói.
Theo ông Sắc, nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người mắc bệnh ung thư có thể là do nguồn nước bị ô nhiễm. Bởi theo ông, khu vực này người dân chủ yếu làm nông nghiệp nên sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc cỏ nhiều. Từ đó, thuốc ngấm vào mạch nước ngầm rồi ảnh hưởng đến giếng nước của người dân.
Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Chuyền (54 tuổi, đội 1, thôn 10/3) cũng có chồng mất vì căn bệnh ung thư vòm họng vào tháng 10/2017. Kể từ đó bà nghiễm nhiên trở thành trụ cột chính của cả gia đình.
Theo bà Chuyền, cách đây khoảng 7-8 năm, nguồn nước bỗng xuất hiện màu vàng đục, có khi là màu đen kịt. Lo sợ sức khỏe của cả nhà bị đe dọa nên gia đình bà đã xây bể lọc nước. Tuy nhiên, nguồn nước đã được lọc chỉ phục vụ việc tắm giặt, rửa chân tay…Còn nước dùng trong ăn uống gia đình bà phải mua nước bình về sử dụng. Có những ngày nắng nóng bà phải mua 2-3 bình nước về mới đủ dùng.
Bà Chuyền còn cho hay, hiện nay bà cũng đang mắc bệnh sỏi thận và u máu, còn con gái bà lâu lâu cũng bị ngứa và nổi mẩn khắp người…nhưng do gia đình khó khăn nên chưa có điều kiện đi thăm khám và điều trị được.
“Tính riêng khu vực đội 1 có khoảng 30 hộ gia đình, nhưng có đến 6-7 người mắc căn bệnh quái ác này. Cứ vài ba tháng lại có một người chết vì căn bệnh này khiến chúng tôi luôn sống trong cảnh bất an”, bà Chuyền lo lắng nói.
Ông Bùi Tạ Điển, trưởng thôn 10/3 cho hay, thôn có 214 hộ với khoảng 1080 nhân khẩu, nhưng chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây đã có 35 trường hợp người trong thôn bị chết vì căn bệnh ung thư.
Theo ông Điển, khi người dân bị đau ốm dài ngày mới đến các cơ sở y tế thăm khám, nhưng lúc này bệnh ung thư đã ở giai đoạn cuối nên không thể cứu chữa được. Khi người dân về nhà được ít hôm thì tử vong.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Khu, chủ tịch UBND xã Ea Bông cho biết, những năm qua chính quyền địa phương có ghi nhận nhiều trường hợp tử vong do căn bệnh ung thư tại thôn 10/3.
Theo ông Khu, nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư tại đây vẫn chưa thể xác định được. Tuy nhiên, môi trường và nguồn nước nơi đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều người mắc phải căn bệnh này.
Ông Khu còn cho hay, hiện nay chính quyền địa phương rất mong muốn các cơ quan chuyên môn sớm vào cuộc để kiểm tra, xác định nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này. Từ đó có những biện pháp xử lý, khắc phục nhằm đảm bảo cuộc sống cho người dân.
https://tintaynguyen.com/dak-lak-am-anh-lang-ung-thu/476532/embed/#?secret=vDwE9R7A5o
Ngày 05/1/2018, báo Nhà báo và Công luận phản ánh bài viết “Kon Tum: Khai thác cát lậu trong lòng thành phố”. Sau khi báo đăng, UBND TP. Kon Tum đã nhanh chóng chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT), UBND xã Đắk Cấm ngăn chặn kịp thời tình trạng này, kiểm điểm các tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm.
Như đã đưa tin, dọc đường liên thôn thuộc làng Jang Roong, xã Đắk Cấm, TP. Kon Tum xuất hiện điểm khai thác cát lậu lên tới hàng trăm mét khối; hàng loạt xe tải loại Hoa Mai thường xuyên ra vào để vận chuyển và tiêu thụ nguồn cát tại khu vực này.
Ngày 6/1, UBND thành phố Kon Tum đã ban hành văn bản số 15/UBND-KS yêu cầu UBND xã Đắk Cấm: Lập thủ tục tạm giữ phương tiện, tang vật vi phạm khai thác tại khu vực suối Đắk Cấm, để phục vụ cho việc xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định. (tang vật bao gồm 01 máy đào, 1 xe Hoa Mai, 1 sàng cát, khối lượng cát đã khai thác). Tổ chức xác định các đối tượng vi phạm khai thác cát trái phép tại làng Jang Roong, xã Đắk Cấm để xử lý nghiêm vi phạm về luật tài khoáng sản. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, phải đề xuất UBND thành phố Kon Tum để có hướng xử lý.
UBND xã Đắk Cấm có trách nhiệm giải trình, làm rõ và kiểm điểm các tổ chức cá nhân có liên quan đến việc để xảy ra hoạt động khai thác cát trái phép nhưng không kịp thời ngăn chặn, xử lý và không báo cáo về UBND thành phố để biết và xử lý.
Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng thành phố tổ chức kiểm tra, xác minh có hay không việc dùng vật liệu khai thác tại làng Jang Roong để làm công trình “ Đường tỉnh lộ 671 đi vào làng Jang Roong, xã Đắk Cấm, thành phố Kon Tum”.
Phòng Tài nguyên và Môi trường cử cán bộ phối hợp với UBND xã Đắk Cấm kiểm tra, xử lý theo quy định đối với các trường hợp vi phạm nêu trên.
Ông Đào Duy Hà, Trưởng phòng TNMT thành phố Kon Tum cho biết: “Việc khai thác cát trái phép diễn ra suối Đắk Cấm về phía phòng TNMT đang chờ báo cáo cụ thể từ UBND xã Đắk Cấm rồi mới có bước xử lý cụ thể tiếp theo”.
- Kon Tum: Báo động “đỏ” nạn “chảy máu” khoáng sản ở vùng giáp ranh!
- Kon Tum: Đồn biên phòng cửa khẩu Bờ Y thu giữ 75kg pháo lậu
- Kon Tum: Ngang nhiên khái thác cát lậu bên ‘nách’ thành phố
Dừng hoạt động một nhà máy chế biến mủ cao su gây ô nhiễm môi trường
UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Công ty An Phú Thịnh dừng ngay hoạt động vận hành thử nghiệm Nhà máy chế biến mủ cao su tại xã Sa Nhơn.
Cùng với yêu cầu dừng ngay hoạt động vận hành thử nghiệm Nhà máy chế biến mủ cao su tại xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy, trong thông báo số 05 ngày 5/1, UBND tỉnh Kon Tum còn yêu cầu Công ty TNHH Sản xuất- Dịch vụ- Thương mại An Phú Thịnh Kon Tum tổ chức khắc phục tồn tại, hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật về môi trường, tài nguyên nước; dừng xả nước thải ra môi trường; không được đưa Nhà máy vào hoạt động sản xuất khi chưa được cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

Nước thải của một nhà máy mủ cao su gây ô nhiễm môi trường. (ảnh minh họa).
UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Tài nguyên và Môi trường và chính quyền địa phương đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của Công ty này, nếu phát hiện Nhà máy vẫn hoạt động sản xuất thì tiến hành xử lý theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo UBND tỉnh để xử lý.
Trước đó qua kiểm tra, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum phát hiện trong quá trình vận hành thử nghiệm nhà máy chế biến mủ cao su, Công ty TNHH Sản xuất- Dịch vụ- Thương mại An Phú Thịnh Kon Tum có một loạt sai phạm như: chưa báo cáo UBND tỉnh cho phép điều chỉnh tiến độ đầu tư; bổ sung dòng thải phát sinh mà không có trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; xả thải ra môi trường khi chưa có giấy phép; không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Sở Tài Nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước; tự ý tổ chức vận hành dây chuyền sản xuất mủ tạp trong khi chưa đầu tư hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất và vẫn cho nhà máy hoạt động thử nghiệm khi hết thời gian đăng ký.
Việc Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH Sản xuất- Dịch vụ- Thương mại An Phú Thịnh Kon Tum tại xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy ngay trong quá trình hoạt động thử nghiệm đã gây ô nhiễm môi trường khiến người dân địa phương bức xúc trong thời gian dài vừa qua./.
Theo Vov.vn
Tuyển xuất khẩu lao động ‘chui’
Dù chưa được địa phương cho phép tuyển xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhưng một doanh nghiệp có trụ sở ở phía bắc vẫn tuyển ‘chui’, đưa khoảng hàng chục phụ nữ ở Kon Tum đi đâu không rõ, khiến người thân rất hoang mang.

Hai người có vợ đi xuất khẩu lao động nhưng không biết vợ hiện đang ở đâuPhạm Anh
Theo lời kể của chị Y Hmel (28 tuổi, ở làng Đăk Prông, xã Đăk Tờ Kan, H.Tu Mơ Rông), vào những ngày cuối tháng 9.2017, bà Y Duần, cán bộ phụ nữ xã Đăk Tờ Kan, xưng là người của Công ty Colecto – chi nhánh Thanh Hóa đến nhà tuyển XKLĐ, mời chào đi lao động ở Ả Rập Xê Út. Bà Duần nói nếu XKLĐ, mỗi tháng được hưởng 9 triệu đồng. Đến ngày 7.10.2017, Y Hmel được hướng dẫn ra Thanh Hóa để đào tạo nghề. “Họ bảo em không được mang theo điện thoại di động”, Y Hmel nói.
Ra đến Thanh Hóa, Y Hmel ở cùng phòng với các chị: Y Lập, Y Ánh (trú H.Ngọc Hồi), Y Ninh, Y Hồng (xã Đăk Tờ Kan) và Y Ben, Y Leo (xã Đăk Sao, H.Tu Mơ Rông, Kon Tum). Theo Y Hmel, ngoài thời gian học tiếng Ả Rập Xê Út, cả nhóm đều ở trong phòng đã bị khóa trái cửa. Muốn mua đồ hay ra ngoài thì người của công ty dẫn đi, không cho đi một mình.
Cảm thấy bất an, Y Hmel tìm cách cầu cứu người nhà và chính quyền địa phương. Bà Đỗ Thị Phượng, cán bộ phụ trách chính sách, xã hội xã Đăk Tờ Kan, H.Tu Mơ Rông, cho biết khi chính quyền can thiệp thì Y Hmel mới được cho về nhưng phải bồi thường cho công ty 13 triệu đồng. Y Hmel năn nỉ vì không có tiền, họ giảm xuống còn 6 triệu đồng và đầu tháng 11.2017 mới về được nhà.
Ông Nguyễn Thuận Hóa, Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Kan, cho biết Công ty Colecto – chi nhánh Thanh Hóa tuyển người đi lao động nước ngoài nhưng không thông qua chính quyền. Hiện Công an H.Tu Mơ Rông đã vào cuộc tìm kiếm những trường hợp “được tuyển đi lao động” đang ở đâu. Còn ông Nguyễn Văn Bền, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Sao, cũng xác nhận Công ty Colecto – chi nhánh Thanh Hóa tuyển lao động rồi đưa đi khỏi xã, chính quyền không hay biết. Vì vậy xã đã báo cáo UBND H.Tu Mơ Rông xin ý kiến giải quyết vụ việc.
Theo UBND H.Tu Mơ Rông, ngoài 2 xã nói trên, Công ty Colecto – chi nhánh Thanh Hóa còn tuyển lao động chui ở các xã khác trong huyện. Ông Y Rin Ka, Phó chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông, nói rằng huyện đã có văn bản gửi các xã, yêu cầu thông báo cho người dân biết, để tránh XKLĐ qua tuyển dụng trái quy định. UBND H.Tu Mơ Rông cũng đề nghị Sở LĐ-TB-XH tỉnh Kon Tum can thiệp để các doanh nghiệp tuyển dụng lao động trái quy định đưa các công dân trở về gia đình trong thời gian sớm nhất.
Ông Trần Văn Thiện, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Kon Tum, cho biết có khoảng 15 lao động ở 2 huyện Kon Plông và Tu Mơ Rông đã được Công ty Colecto – chi nhánh Thanh Hóa đưa ra Thanh Hóa đào tạo nghề trái quy định để XKLĐ sang Ả Rập Xê Út.
Theo ông Thiện, tháng 12.2017, Sở mới cho phép Công ty Colecto – chi nhánh Thanh Hóa (trụ sở tại P.Quảng Hưng, TP.Thanh Hóa) tuyển lao động tại tỉnh Kon Tum, nhưng trừ 2 huyện: Tu Mơ Rông và Kon Plông, tuy nhiên họ vẫn bất chấp, tuyển “chui” người XKLĐ. Hiện, tỉnh đã có văn bản tạm dừng hoạt động tư vấn tuyển dụng người đi XKLĐ làm việc có thời hạn ở nước ngoài đối với Công ty Colecto trên địa bàn. Bởi công ty này không chấp hành các nội dung cam kết với cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum, tự ý tuyển lao động ở 2 huyện Tu Mơ Rông và Kon Plông khi chưa được phép.
Theo Thanhnien.vn
PLEIKU(Gia Lai)
Nổ lớn tại kho đạn Lữ đoàn tăng thiết giáp 273, nhiều khu nhà ở Gia Lai rung lắc
Tối qua (10/1), tại tỉnh Gia Lai, một kho đạn của Lữ đoàn Tăng Thiết giáp 273 (Quân đoàn 3) đã phát nổ.
Những tiếng nổ lớn, ánh lửa sáng trời đêm, gây náo động cả một vùng dân cư.
Vụ nổ xảy ra vào khoảng 22h ngày 10/1, tại khu vực kho đạn của Lữ đoàn tăng thiết giáp 273 (Quân đoàn 3), thuộc địa phận xã Kdang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga, ở thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, gia đình bà đang chuẩn bị đi ngủ thì nghe những tiếng nổ dữ dội. Ở cách khu vực nổ chỉ hơn 2km nên ngôi nhà của bà bị rung lắc, nhìn về khu vực đóng quân của Lữ đoàn tăng thiết giáp 273 thấy khói lửa bốc cao.

Hình ảnh khói lửa bốc lên từ kho đạn.
“Nghe nó nổ dữ quá, lúc đó là nó rung nhà, chạy ra nhìn thấy khói cuộn cuộn đen, rồi đỏ lòm hết . Tôi vội vàng gom những đồ quan trọng và bỏ vào túi xách, mang xe máy ra chở con chạy tít xa, càng xa càng tốt. Nổ khoảng 40 phút, trong lúc đó là nổ to luôn, nổ đến của kính nhà muốn vỡ” – bà Nguyễn Thị Thanh Nga chia sẻ.
Còn ông Ama Rinh, ở làng Mrah, xã Kdang, huyện Đăk Đoa, cho biết, làng ông cách khu vực xảy ra nổ khoảng 5-6km nhưng vẫn chịu ảnh hưởng. Do lo sợ nên cả làng bỏ chạy, sau khi kết thúc tiếng nổ khoảng 1 tiếng, ông và nhiều người dân trong làng mới dám trở về nhà.

Lực lượng phòng cháy chữa cháy đến hiện trường.
“Tôi đang ở sân bóng nằm trông cà phê, thì thấy nổ nhiều quá nên sợ. Nói chung lúc đầu thì rất sợ, sợ anh em họ hàng bị làm sao, nhưng mà giờ biết không sao thì mừng rồi. Anh em trong làng cũng sợ, cũng ra hết nhưng giờ thì về rồi” – ông Ama Rinh cho biết thêm.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Bí thư huyện ủy Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai cho biết, đến sau 0h ngày 11/1, các lực lượng chức năng đã sơ tán được toàn bộ dân ở khu vực lân cận kho đạn. Do tình thế cấp bách, nên ông chưa nắm được thông tin chính xác về việc có thương vong hay không trong vụ nổ. Lực lượng của huyện đã nỗ lực đảm bảo an toàn cho người dân, ngăn chặn người hiếu kỳ vào sát khu vực xảy ra nổ.
“Hiện giờ đang lo đôn đốc, nắm bắt tình hình.. Ngăn chặn dân không cho mọi người hiếu kỳ vào sát khu vực đó. Đến giờ này thì có Quân đoàn 3 họ xuống họ xử lý” – ông Nguyễn Hữu Thọ cho biết./.
Theo Vov.vn
Gia Lai: Trục vớt được gần 11m3 gỗ lậu dưới lòng hồ Thủy điện Sê San 3A
Tính đến sáng nay (6/1), lực lượng chức năng huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đã trục vớt được gần 11m3.
Liên quan tới vụ việc phát hiện một bãi gỗ lậu khủng dưới lòng hồ Thủy điện Sê San 3A, tính đến sáng nay (6/1), lực lượng chức năng huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đã trục vớt được gần 11m3. Công tác điều tra đang tiếp tục được tiến hành.
Cơ quan chức năng trục vớt được số gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 6.
Theo ông Phan Trung Tường, Phó chủ tịch UBND huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, đến sáng nay (6/1), lực lượng chức năng của huyện đã trục vớt được tổng cộng 10,7m3 gỗ tại khu vực lòng hồ thủy điện Sê San 3A, địa phận làng Nú, xã Ia Khai.
Số gỗ đã trục vớt được thuộc nhóm 2 đến nhóm 6. Qua rà soát, về cơ bản, đã trục vớt hết số gỗ tại bãi cất giấu gỗ lậu này. Huyện Ia Grai đang tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng điều tra làm rõ nguồn gốc gỗ cũng như các đối tượng các đối tượng liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Về nghi vấn lâm tặc dùng máy móc san ủi, mở đường để chở gỗ lậu trong thời gian dài, lực lượng chức năng của huyện cũng đang tiến hành điều tra, làm rõ. Huyện Ia Grai khẳng định sẽ xử lý nghiêm nếu có sai phạm./.