Xưa rồi….Diễm-Hồ Đình Nghiêm

tạp bút

logo-con-bo-cu%cc%9bo%cc%9bi

Xưa rồi… Diễm

Hồ Đình Nghiêm13

Hồ Đình Nghiêm

Ngày xưa, mỗi dịp đầu năm, người hay chữ thường bày giấy mực ra, dọn lòng viết xuống cảm nhận, gọi là khai bút. Có vị coi trọng chữ nghĩa, đi một màn tẩy trần tắm táp sạch sẽ trước khi bắt tay vào động thái sang cả ấy, không gian thoang thoảng xô động mùi hương trầm.

Có vị hàn sĩ chẳng câu nệ hình thức: “Xùng xình như áo mới may, hôm qua mới mặc hôm nay mất rồi”. Xắn tay áo, mơ màng:

Anh trao cho em một miếng trầu, miệng nhai môi đỏ
Em trao cho anh một miếng thuốc, lửa chặm khói bay
Ngày xưa còn sợ tiếng với vơi đầy
Nay chừ theo nhau cho trọn đạo, có ăn mày cũng cam tâm.


Mới thấy trong tình yêu vẫn chứa đầy đạo nghĩa. Đầu năm chẳng kiêng cử khi mang hình ảnh đi ăn mày ra, để khẳng định về lời thề lứa đôi, chẳng sờn cơ hàn nghiệt ngã. Ngày nay, dẫu có làm trưởng lão Cái Bang nhiều ngân lượng nhưng hở một tí là tiếng chì tiếng bấc, hăm he đường ai nấy đi, tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi. Nay thua xưa, hay xưa chịu tiếng thị phi “xưa rồi diễm” đầy khi dễ?

Ngày xưa, Nguyễn Bỉnh Khiêm dụng bút thủ phất bài “Vô Đề” thậm duyên dáng:

Gượng đến mừng nhau một mặt không
Nhiều thì chẳng có, ít chăng thông
Hươu nai: Hãy đợi trên rừng bắc
Thu vược: Còn chờ dưới bể đông
Nam Sách, rượu nồng còn mượn cút
Tây Chân, quýt ngọt mới đâm bông
Cực mong, rắp đợi song còn muộn
Vậy đến mừng nhau… một mặt không!

Chao ơi, chữ “một mặt không” nghe nó hay quá cỡ… thợ mộc! Thử bào, cưa, đẻo, đục chưa chắc nhặt được “một mặt không”. Và ngày xưa, chàng bao giờ cũng học thói trưởng giả, phong kiến, gái sao bì được với trai, bẹp răng sánh cùng tằm? Đầu năm vác cái mặt không đi thăm bạn, đã đành, lại thêm:

Chàng ơi tơi nón em mang
đưa gươm em xách để chàng đi không.

Nôm na là không toàn tập. Chàng chủ trương thõng tay vào chợ suốt! “Em” than chùng vụng: “Con dại thì cái phải mang chơ biết làm răng chừ!”

Bây giờ hả, em khí khái làm đày làm láo: Xưa rồi diễm! Ừ, thì cũng phải. Bóc lột người ta cũng chừng mực nào đấy thôi. Ai hơi sức đâu để làm vợ ông Tú Xương suốt cả cuộc đời, nhỉ? Người thức thời an ủi: “Thôi em nờ, tai qua nạn khỏi là mừng rồi, em không nghe người ta nói ba vạn cũng bỏ lấy mười hai trự đi đò hay răng?” Trả tiền dùng quá giang, kỳ dư sông nước bao la, đò cập bến đục em chịu, bến trong em nhờ. Mà nhỡ vô phúc “đang đi trên cầu Bông té xuống sông ướt cái quần ny-lông” thì tai kíp nghe được giọng một trang nam tử hán “dô đây em, đợi quần khô anh sẽ đưa em dìa”. Từ ướt tới khô, thời khắc có dài miên man bằng một đêm trường lắm mộng?

Tiếc con tôm rằn mà nấu canh rau má
Tiếc con cá bống thệ mà nấu lá rau hôi
Tiếc công em trang điểm phấn dồi
Ra lấy chồng không được hai chữ cân đôi, bạn cười.

Bây giờ hả, bạn có cười chăng nếu em dùng chữ khai bút? Chồng đã tặng em giàn còm-piu-tờ từ đời tám hoánh, bộ chữ Việt tân kỳ lại có dạng tự sửa lỗi chính tả, (hổng phải tiếng thành tiếq đâu nghen). Em tha hồ múa may quay cuồng, em nhấn delete em gõ return. Em khai bút gửi tới anh ở thế giới ảo bài tâm tình đầu năm, nếu anh đọc không hiểu thì cứ đổ thừa lỗi lại phông chữ nha.

Thuyền về đậu bến Tây Lăng
Tuy là đậu đó chứ chạc* giằng có nơi
Chim nhàn bắt cá lòng khơi
Thấy anh chàng chấu nhiều nơi em buồn!

Chạc là chi? Đừng nóng, để em giải thích sau. Một ông quan nghe chuông điện thoại đổ dồn, hối thúc. Nhấc máy lên, giọng kháu ó: Ai côi chạc? Anh ơi, chạc là dây. Ai côi chạc? Có nghĩa là Ai ở đầu dây? Chị sai em: Lấy cho tao sợi chạc nịu để cột túm lại đuôi tóc. Được hiểu: Em lấy cho chị sợi dây thun(g) để cột tóc. Chỉ nhiêu đó mà lôi thôi quá mạng. Ai biểu em ở chốn cố đô mà anh đây phiêu bồng tận Nam kỳ Lục tỉnh ngọn tỏ ngọn lu cách trở bao nhiêu sông ngòi nước lợ ngái đò trở giang, em tấp bợt mà anh ngồi bờ, em hồi mô anh chừng nào, em đồ tam toạng anh kêu vật không giá trị, em cá tràu anh cá lóc, em thì tôm mà anh thì tép, em chỉ ruốc anh nói ờ mắm tôm, em moi bọc anh móc túi… nhưng hy vọng giữa chúng mình chưa xảy ra tình huống:

Ở xa không biết nên lầm
Khoai lang xắt lát ngỡ sâm bên Tàu

Và anh ơi, người trong Nam vốn hào sảng rộng lượng ít so bì chín bỏ làm mười, cam bán chục mười hai, mười bốn vào tới Sa Đéc có khi lại chục mười tám, chịu chơi rất mực:

Tối trời chẳng quản chi ma
Thương nhau chẳng quản hói hà cạn sâu.

Nhưng khi anh nói “Mình dân chơi mà, tới luôn bác tài. Chiện nhỏ. Dị đi nghen. Nhớ anh hôn? Đừng cù lần, chèn đét ơi, có mần thì tía má hổng có rầy la đâu, cưng đừng ngán, bỏ đi tám” thì em hiểu rành rọt, dễ hơn cả điệu hò đối đáp:

Cá có đâu mà anh ngồi câu đó?
Biết có không mà công khó anh ơi!

Nếu vượt qua sự thông cảm đèo cao núi cả của thế gian nông cạn lòng người thì trong năm mới này em sẽ thu gom lại bao thở than phân trần lóng rày để in ra một tập truyện. Nghe doạ thế anh có hãi không? Thử cả gan:

Nhà qua không đói không giàu
Nấu nồi canh hẹ bảy màu thơm xa.

Hề hề, bảy màu có nghĩa là bay mùi đó anh. Em chơi với văn chương cũng tạm xem là tháng rộng năm dài, in cuốn sách tỉ như sau cấn thai thì đẻ ra đứa con, mặn nồng tựa nghĩa chồng vợ.

Ở làm ri đây cho phải đạo vợ chồng
Đổ mồ hôi ra em chặm, ngọn gió lồng em che.

Anh có hứng thú thì “khai bút” cho em một bài tựa nhằm kỷ niệm những ngày lên bờ xuống ruộng đầy gian nan bạc bẽo mà chúng mình từng trải qua trên cánh đồng nhiều gió chướng của văn học ngoài biển. In sách bây chừ có đáng gọi là “xưa rồi diễm” không anh? Chẳng lẽ sinh hoạt với nhân quần mà mình cứ “gượng đến mừng nhau một mặt không” mãi, sao đặng?

Thi sĩ Nguyễn Đức Sơn làm bài “Nhất Nguyên” có đoạn:

Năm mười bốn có lần anh ngó thấy
Em nằm truồng ngoe nguẩy cuối vườn trăng
Hồn thảo dã trong đêm vừa thức dậy
Khắp bầu trời ướt rượt cả lông măng.

Tập truyện của em e lấy nhan “Nhị Nguyên”. Có tả trăng sao, có trần truồng, có ngủ vùi có thức giấc nhưng giả dụ có ướt rượt cả bầu trời thì chắc sẽ “hoành tráng” hơn lông măng. Chuyện nhỏ. Em chơi tới bến, anh đừng có hỏi răng ri rứa làm chi cho tía má đực mặt như ngỗng ỉa. Khó giải thích lắm lận, kẻ xấu mồm lại sinh sự đẻ ra người xứ Huệ: Đứa mô mà ba de rứa bây!

Ngày đầu năm tưởng cũng nên ôn cố tri tân, mang thơ Nguyễn Du ra đọc:

Tam nguyệt xuân thi trưởng đạt miêu
Thiên lý hương tâm dạ cộng trường
Tha nhật xuân phong hà xứ lai?
Cố hương can hạn cửu phương nông.

Có người chuyển ngữ:

Tháng ba xuân đậu nẩy đều
Quê hương muôn dặm dạ sầu theo
Gió xuân mai mốt về đâu biết?
Quê hương nắng hạn đã lâu ngày.

Năm mới, lòng những ước mong thôi ngâm hai câu cuối trong bài “Chiều Hôm Nhớ Nhà” của Bà Huyện Thanh Quan:

Kẻ chốn chương đài người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn!

Hy vọng anh em chúng ta đứng trước tấm bảng chỉ đường: “Núi không vòng thì đường phải uốn. Đường không uốn thì người phải đổi. Người không đổi thì tâm phải chuyển”. Ôi, khi ấy thì sẽ có biết bao người vây quanh để nghe mình “kể nỗi hàn ôn”. Mong lắm thay! Và thiết thực cầu mong toàn thể chư vị bấy chầy vui đùa cùng văn chương luôn an mạnh, chân cứng đá mềm. Nghe mơ hồ có tiếng Mậu Tuất sủa chốn xa đáp lời.

Hồ Đình Nghiêm

Để lại lời nhắn

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.