CẦN HUẤN LUYỆN VĂN HÓA – ĐẠO ĐỨC CHO CÁN BỘ
(Qua câu chuyện về Mụ Bộ trưởng Y tế)
Chu Mộng Long
‘mụ’ càng ngày càng hô(BT)
Rốt cuộc, người ta kỷ luật và phạt “em” bác sĩ Hoàng Công Truyện chỉ vì cái tội gọi Bộ Trưởng Y tế là Mụ. Bởi những nội dung khác: không xuống cơ sở nên chưa hiểu hết nỗi khổ cuả bác sĩ tuyến dưới, chưa tham mưu tốt về vấn đề an ninh của bệnh viện là những nội dung chân thực và mang tính góp ý xây dựng.
Một số báo nhấn mạnh chữ “Mụ” và chính chữ này bị xem như một sự xúc phạm Bộ trưởng. Một giáo viên ở Đăk Lăk có tên Lê Văn Đức vừa bình luận (trên trang bọ Nguyễn Quang Vinh) như đinh đóng cột rằng, dùng chữ Mụ để xưng hô là xúc phạm quá đáng. Anh ta dẫn chứng cổ tích: “mụ dì ghẻ”, “mụ hàng cá”… được dùng với hàm nghĩa chỉ người đàn bà tham lam, độc ác!
Nếu quả thật Bộ Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế và Công an Thừa Thiên Huế phạt tội “em” Truyện chỉ vì dùng từ Mụ để xưng hô với Bộ trưởng thì tôi khẳng định chắc chắn luôn, rằng bốn cái cơ quan ấy có trình độ quan trí đến mức báo động đỏ. Vô văn hóa và vô đạo đức có thể gây nguy hiểm cho xã hội và ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.
Mụ là từ gốc Hán (妈), còn có âm đọc là Ma, (Ma Ma, đồng nghĩa, đúng ra là lớn nghĩa hơn Mẫu 母), nghĩa gốc là mẹ ruột, kể cả gọi cho người vú nuôi, sau đó gọi chung cho người phụ nữ đã có con hoặc đứng tuổi. Nói chung Mụ là từ xưng hô thể hiện sự kính trọng đối với các bà mẹ.
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu (hay Mụ), có huyền thoại về 12 bà Mụ giúp Trời nặn nên con người; sau trở thành các bà Tiên phù trợ sự sinh nở, còn gọi là Mụ Nặn. Ngày xưa, trong dân gian, những người đỡ đẻ đều gọi là Mụ bằng tất cả sự tôn kính.
Mụ là một biểu tượng về quyền lực sinh nở trong văn hóa dân gian. Chùa Thiên Mụ tại Huế còn gọi là chùa Thiên Mẫu, gốc Chăm, cũng mang ý nghĩa như vậy.
“Em” bác sĩ gọi Mụ Bộ trưởng là quá mức tôn kính trong nghĩa văn hóa tín ngưỡng ấy.
Xem sự xưng hô bằng Mụ là xúc phạm, bôi nhọ Bộ trưởng chỉ khi bà Bộ trưởng đang là gái tơ và mãi mãi không muốn làm mẹ (!?)
Anh chàng giáo viên Lê Văn Đức trên kia cũng hàm hồ khi dẫn chứng “mụ dì ghẻ”, “mụ hàng cá” để gán cho nghĩa “tham lam, độc ác”. Anh dẫn chứng như vậy thì chữ Vua, chữ Tướng cũng thành xúc phạm: “Vua ăn mày”, “Tướng cướp”… Thậm chí Đảng với nghĩa là một tổ chức cũng thành xấu: “Đảng tặc”, “Đảng cướp”… Tôi đồ rằng anh ta là giáo viên mà không biết cấu trúc một cụm từ có danh từ và định ngữ nên cứ phán bừa. Dốt mà tỏ ra nguy hiểm là ở chỗ đó! Khổ thân học trò nào đang học anh giáo này.
Đó là tôi nói về văn hóa. Vô văn hóa thì kéo theo vô đạo đức, dẫn đến hiếp người quá đáng. Mà có đến bốn cơ quan quyền lực cùng hiếp một bác sĩ như hiếp một em học sinh tiểu học làm cho em học sinh ấy khóc lóc van xin đến tội nghiệp. Làm cho trí thức trở nên hèn mạt, ti tiện, hủy hoại nguyên khí của quốc gia là tội không thể dung tha!
Cuối cùng thì tôi nói về văn hóa – đạo đức cách mạng.
Hồ Chí Minh dạy: Cán bộ là đầy tớ (công bộc) trung thành của nhân dân. Câu này chắc chắn cán bộ thuộc làu làu vì năm nào cũng tổ chức học tập và làm theo gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Với đạo đức – văn hóa ấy, “em” bác sĩ Truyện có gọi bà Bộ trưởng Y tế là “con ở”, “con sen” cũng không thể gọi là xúc phạm, bôi nhọ vì gọi đúng tư cách cán bộ cách mạng, trừ phi các đảng viên cộng sản chỉ thuộc lời dạy của lãnh tụ ở đầu môi chót lưỡi, còn thực tâm thì luôn nghĩ mình là ông cố nội của nhân dân!
Nói thẳng với bà Bộ trưởng Y tế, và không chỉ với bà, rằng cán bộ nào không chịu làm công bộc của nhân dân thì hãy từ chức về làm nhân dân, tức làm chủ, để không bị ám thị bị “xúc phạm” hay “bôi nhọ” nữa!
Tôi hoan hô Bộ trưởng Trương Minh Tuấn sáng suốt. Huế buộc phải rút quyết định xử phạt và phải xin lỗi “em bác sĩ”, kể cả xin lỗi toàn dân vì đã xúc phạm nhân dân!
“Thêm bằng chứng” về tội của “em” bác sĩ Truyện thì chưa thấy, nhưng bằng chứng bức hiếp, xúc phạm nhân dân, coi nhân dân như thù địch của 4 cơ quan trên thì rành rành, Bộ trưởng Tuấn ạ. Đề nghị xử phạt 4 cơ quan này mới đảm bảo sự công bằng.
Đến đây thì tôi hoàn toàn đồng ý thành lập Viện Văn hóa – Đạo đức để huấn luyện, tức thuần hóa cán bộ đảng viên, giúp họ đảm bảo tư cách văn hóa – đạo đức mà làm đầy tớ tốt của nhân dân!
Bởi sự ứng xử tùy tiện vô văn hóa, vô đạo đức của cán bộ đã làm thay đổi chế độ, tức cái nhà nước do dân làm chủ mà hàng triệu người đã ngã xuống để dựng nên đang có nguy cơ bị tiêu vong với mấy ông bà này!
————
(*) Chữ “huấn luyện”, tôi dùng lại của ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng khi đề xuất lập Viện Đạo đức học để huấn luyện đạo đức cán bộ.

Rút phạt, xin lỗi BS Truyện nếu không có thêm bằng chứng
ru “mụ “ngủ
22/10/2017 10:54 GMT+7
– Bộ trưởng TT&TT chỉ đạo Thanh tra Bộ, GĐ Sở TT&TT Thừa Thiên Huế kiểm tra thông tin bác sĩ “nói xấu” Bộ trưởng Y tế, nếu chỉ như những gì BS Truyện nói đã được công bố thì rút quyết định phạt và xin lỗi ngay BS.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn hôm nay nhấn mạnh, những gì BS Hoàng Công Truyện nói chưa đủ căn cứ quy kết xúc phạm nhân phẩm, danh dự. Vì vậy nếu không có thêm bằng chứng gì thì rút quyết định xử phạt và xin lỗi ngay BS Truyện.
“Cần xử lý nghiêm hành vi bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác trên mạng xã hội. Tuy nhiên, không để ai bị phạt oan” – Bộ trưởng yêu cầu.
Chánh thanh tra Bộ TT&TT Đặng Anh Tuấn cũng cho biết, Bộ đã đề nghị Thanh tra Sở TT&TT Thừa Thiên Huế làm rõ sự việc, nếu chỉ căn cứ những điều viết trên facebook thì chưa đủ.
![]() |
Văn bản Sở Y tế Thừa Thiên – Huế báo cáo Bộ Y tế ngày 19/7 |
Trước đó, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn đã có chỉ đạo trực tiếp, yêu cầu Giám đốc Sở TT&TT tỉnh TT-Huế báo cáo về việc phạt BS “nói xấu” Bộ trưởng Y tế; yêu cầu Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử kiểm tra, báo cáo; yêu cầu Thanh tra Bộ xem xét quyết định xử phạt của Sở.
BS Hoàng Công Truyện (53 tuổi), Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, TT- Huế nhận kỷ luật khiển trách và xử phạt hành chính 5 triệu đồng vì được cho rằng đã bôi nhọ Bộ trưởng Y tế trên facebook.
Ngày 14/7, trên facebook cá nhân, BS Truyện viết rằng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không về cơ sở nên không biết nỗi khổ của y, bác sĩ tuyến dưới, yếu kém trong công tác tham mưu và vấn đề an ninh bệnh viện… và khuyên Bộ trưởng nên nghỉ.
Ngay hôm sau, Chánh VP Bộ Y tế thừa lệnh Bộ trưởng ký công văn gửi Sở Y tế TT- Huế xác minh, báo cáo về Bộ trước ngày 25/7.
Ngày 19/7, Sở Y tế gửi báo cáo về Bộ, trong đó đánh giá hành vi của BS Truyện đã vi phạm khoản 8, điều 9 luật Báo chí và điểm d, khoản 1, điều 5 Nghị định 72 của Chính phủ.
Sau đó Sở có công văn gửi Sở TT&TT tỉnh đề nghị xem xét, xử lý theo thẩm quyền nội dung đăng trên facebook của BS Truyện.
Theo đó, về phía BS Truyện có nhân thân rất tốt, là con liệt sỹ, là chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2016 và hiện là phó khoa Hồi sức cấp cứu.
BS Truyện sau đó đã viết tường trình, “rất ăn năn” về hành vi “thiếu ý thức” của mình và cho biết “thực hiện hành vi trong trạng thái thiếu làm chủ sau khi uống bia”.
Đến ngày 15/8, Trung tâm Y tế huyện Phong Điền ra quyết định xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách với bác Truyện.
Ngày 19/10, Sở TT&TT cho biết đã xử phạt BS Truyện 5 triệu đồng.