(thầy)Chu Mộng Long “thấu cảm” chuyện ngôn ngữ

logo viết

Viết sai là phá hoại tiếng Việt

Chu Mộng Long2

Chu Mộng Long
óc rỗng

Chu Mộng Long: Không phải tôi chủ trương khoe lý thuyết mà vì trong tranh luận vụ Từ điển của Nguyễn Lân không ít người mang lý thuyết ra cãi. Tôi buộc phải trưng bày lý thuyết để cho mọi người thấy sự viện dẫn lý thuyết của những người này là học mót, nói hót và cao hơn là ngụy biện.

Lý thuyết phương Tây thường vừa rất trừu tượng ở tầm vĩ mô vừa rất kỹ thuật đến vi mô nên không dễ đọc đối với xứ sở của những trí thức hoặc nói đại khái cho xong hoặc ăn ốc nói mò tỏ ra gì cũng biết. Dốt thì ai cũng dốt, nhưng dốt thì phải học chứ cãi cùn thì dốt lại chồng thêm dốt. Tranh luận để học hỏi và mở mang tri thức thì rất tốt, còn cãi cùn, lấp liếm, xuyên tạc, đe dọa thì không chỉ bộc lộ sự dốt mà còn nguy hiểm.

Do bài trước tôi cố gắng nói cái vĩ mô để có thể cung cấp một phương pháp luận giải quyết nhiều hiện tượng ngôn ngữ lớn hơn điều GS. Nguyễn Huệ Chi thắc mắc. Nhưng không ngờ rất ít người hiểu, thậm chí còn cười nhạo tôi “không tiêu hóa lý thuyết”. Trí thức Việt có đặc điểm: mở mồm là viện lý thuyết, nhưng khi bị bắt bẻ về lý thuyết thì lại tuyên bố rằng tôi đếch cần lý thuyết!

Bài này buộc phải đi thẳng vào vấn đề sau gợi ý của nhà nghiên cứu phê bình văn chương nổi tiếng ở Pháp: Bác Đặng Tiến.

Bác Đặng Tiến có gợi ý rất đúng. “Nên quan tâm đến vai trò của nhà trường phổ thông”. Tôi xin nói thêm, không chỉ nhà trường phổ thông mà cả hệ thống giáo dục và đào tạo. Bởi chữ viết là sản phẩm của giáo dục, không phải sản phẩm của “người bản ngữ” bình dân vô học hay ít học. Chữ nghĩa là tiêu chí tối thiểu để phân biệt người có học và vô học, giỏi và dốt.

GS. Nguyễn Huệ Chi và TS. Nghiêm Thúy Hằng đồng hóa chữ viết với phát âm, buộc phải chấp nhận âm thanh làm tha hóa chữ viết là nhầm lẫn nghiêm trọng, cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Trong khi chữ viết và phát âm tồn tại độc lập và diễn ra theo quy luật khác nhau. Như trong bài viết về Differance, tôi đã nói, chữ viết không là cái ký sinh và phụ thuộc phát âm. Phát âm có thể lệch chuẩn theo xu hướng bình dân hóa, thổ ngữ hóa, thậm chí địa phương hóa, ngọng hóa… tràn lan, nhưng chữ viết luôn có xu hướng đòi hỏi được chuẩn hóa và thống nhất cao. Đó là 2 quy trình ngược chiều. Hiện tượng Việt hóa Hán ngữ trong ngàn năm Bắc thuộc nằm trong quy luật này: giới nho học vẫn chuẩn hóa chữ viết và âm đọc, trong khi giới bình dân thì thổ ngữ hóa, nôm hóa âm đọc theo cách của họ dẫn đến các biến tấu: hợp chúng quốc = hợp chủng quốc, trú sở = trụ sở, ái tình = tình ái, tình yêu, sáp nhập = sát nhập… Đến khi được Latin hóa thì tất yếu phải ghi nhận âm đọc phổ thông theo hướng đã nôm hóa. Sự chấp nhận này vẫn được sàng lọc và chuẩn hóa bởi 1) Chấp nhận Latin hóa theo cách đọc phổ thông những hiện tượng phù hợp với ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa theo cảm thức và kinh nghiệm Việt. Điều này diễn ra không chỉ đối với Hán ngữ mà ngay cả khi ta vay mượn tiếng Tây, 2) Chọn lựa cái tích cực và loại trừ cái tiêu cực để hướng đến sự trong sáng của tiếng Việt.

Cần nói rõ về cái tích cực và cái tiêu cực trong sự chọn lựa để chuẩn hóa. Cái tích cực nằm ở trường hợp làm mờ hoặc mất nghĩa cũ tiêu cực cùng với gia tăng từ và nghĩa mới tích cực. Ví dụ: ẩu tả nghĩa gốc “nôn mửa và ỉa chảy” đã bị mờ nghĩa để thay bằng và thêm vào nghĩa tùy tiện, bừa bãi với mức độ cao hơn cẩu thả. Cái tiêu cực nằm trong trường hợp sử dụng tùy tiện làm giảm nghĩa, gây hiểu nhầm, sai biệt dẫn đến rối loạn ngôn ngữ. Ví dụ: độc giả = đọc giả, tham quan = thăm quan, trong khi “độc giả” là người đọc,  còn “đọc giả” dễ bị hiểu là đọc ảo, đọc giả vờ, đọc láo; “thăm” và “tham” khi đồng hóa đã mất đi sự khu biệt của hệ thống: tham quan, tham gia, tham khảo, tham chiếu,…/ thăm nom, thăm viếng, thăm hỏi…

Chuẩn của ngôn ngữ mà tôi nói đó là tính quy ước để đi đến thống nhất cao trong cộng đồng sử dụng chữ viết. Sự lệch chuẩn có thể diễn ra ở hai mặt tích cực và tiêu cực trên. Mặt tích cực thuộc sáng tạo, mặt tiêu cực do… dốt nát.

Như vậy, việc phát âm khác nhau vẫn được cộng đồng bản ngữ chấp nhận (vì lí do văn hóa, “chửi cha không bằng pha tiếng”), nhưng nếu viết theo phát âm với tác động tiêu cực thì sẽ bị loại trừ.

Tôi phải nhắc lại vấn đề chữ viết vì chữ viết ban đầu tồn tại phổ biến ngoài đời sống giao tiếp (các dấu hiệu ghi nhận đơn giản bằng thị giác), sau đó đã tiến đến quy phạm hóa và tồn tại trong nhà trường, dù là nhà trường thời cổ đại. Không cần đến lý thuyết J. Piaget, chúng ta cũng có thể xác nhận: nói không cần phải học, nhưng viết thì cần phải học. Trẻ em nói thông trước khi học chữ. Người ta không ai mù tiếngmù chữ. Học không đến nơi đến chốn thì viết tùy tiện, viết sai. Viết sai thì cả giao tiếp ngoài đời lẫn trong trường học đều không được chấp nhận và bị chê cười, trừ thầy dốt chấp nhận. Thầy Nguyễn Huệ Chi và cô Nghiêm Thúy Hằng nhầm tưởng những cách viết “thăm quan”, “đọc giả” (kể cả những cách viết ngọng như Nguyễn Lân được giới lò ấp bảo vệ, kéo theo quan chức viết sai như Trịnh Xuân Thanh) là được cộng đồng chấp nhận ư? Trên các văn bản quảng cáo, trên báo, những lỗi này đều bị phản ứng và chê cười, trừ những người ít học không phân biệt được đúng sai rồi làm theo. Lỗi này không do “mù chữ Hán” hay do “Latin hóa” gì cả.

Đúng như bác Đặng Tiến gợi ý, theo tôi, nhà trường dạy chữ phải dạy chuẩn, các lỗi về chữ viết ở ngoài đời sống là do tùy tiện, thậm chí gọi đúng tên là dốt chứ không phải tôi mạo phạm. Nhà trường và giáo dục có trách nhiệm chuẩn hóa chứ không thể nói là do sự sinh động của đời sống bản ngữ đành chấp nhận theo. Chữ viết trong quá trình phát triển của nó là sản phẩm của giáo dục chứ không theo quy luật “người bản ngữ luôn luôn đúng”! Đó là lí do tôi phải mất thời gian nói về lịch sử của chữ viết trong mối quan hệ độc lập với âm thanh, nhưng hình như nhiều vị đã không đọc được hoặc có đức “không cần lý thuyết”.

Giáo dục chân chính dùng cái hay, cái trong sáng để thức tỉnh và khai phóng dân chúng. Giáo dục chân chính không duy trì và khuếch trương cái dở, cái lú lẫn để làm mê muội, ngu dân.

Bài này chỉ dừng lại ở sự rối loạn chữ viết do dốt mà ra. Những rối loạn trầm trọng hơn trong sự viết như cách dùng từ, dùng thành ngữ, tục ngữ không hiểu nghĩa dẫn đến rối loạn hệ thống và sự khu biệt, hiểu chủ quan, đại khái làm mất gốc văn hóa, các định kiến ngôn ngữ địch/ ta, chính thống/ phi chính thống, tục/ thiêng, nam/ nữ… làm méo mó tiếng mẹ đẻ, tôi sẽ nói trong một bài khác. Sự phá hoại này bộc lộ sâu sắc quá trình không phải do “Latin hóa” mà do “bình dân hóa”, “đại chúng hóa”, “vô sản hóa” của những trí thức bình dân học vụ đang thống trị học thuật.

———-

Phản hồi của PGS Đoàn Lê Giang và  GS. Nguyễn Huệ Chi:

Đoàn Lê Giang: Anh Chu Mộng Long nói hoàn toàn đúng. Người làm ngôn ngữ học nghiên cứu các hiện tượng của ngôn ngữ đời sống, bao gồm cả cái sai và dốt. Trước các hiện tượng ấy, nhiều người không có bản lĩnh cứ tưởng nó tồn tại trong đời sống thì nó được chấp nhận, thậm chí coi là chuẩn luôn. Rồi vài ông liều, dốt và tham đưa nó vào từ điển như Vũ Chất, NL, lại càng được thể cho những người làm ngôn ngữ học chưa tới nơi coi nó là chuẩn. Đáng lý ra người làm ngôn ngữ phải làm ngược lại: vạch ra sai lầm của mấy ông dốt và liều để cho tiếng Việt trong sáng hơn. Nếu thỏa hiệp với cái dốt, liều (lại học phiệt nữa) thì con em chúng ta viết lõ điếu hay nõ điếu, xàm xỡ hay sàm sỡ đều được, thầy cô giáo giải thích cho học trò “hàn” trong “hàn mặc” là lạnh nhé… cũng được luôn. Thế thì sinh ra người làm ngôn ngữ làm gì cho tốn tiền thuế của dân?

Nguyễn Huệ Chi: Cả Chu Mộng LongĐoàn Lê Giang nói đều có lý. Thú thật, lúc đầu mình cũng nghĩ sự tha hóa trong cách hiểu từ Hán Việt không thể trở thành quy luật được, nhưng khi hỏi một người bạn thân là người chuyên sâu ngôn ngữ học điều này, bạn ấy nói, cái bất thường sẽ trở thành tất yếu khi được cả cộng đồng chấp nhận anh ạ. Thế là mình đâm hoảng, và bàn với anh Hà Văn Tấn (1992) kiến nghị Bộ GD cho học sinh phổ thông học một số giờ Hán ngữ, sau khi mình có cuộc tiếp xúc với một số học giả Nhật họ đề xuất: Việt Nam không cho học sinh học một số giờ cổ Hán ngữ thì sẽ không bảo tồn được vốn liếng văn hóa cha ông để lại trong hàng nghìn năm. Tất nhiên, mình nghĩ, điều các bạn nói cũng cần trao đổi thật thấu đáo trong giới ngôn ngữ học

Để lại lời nhắn

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.