CÓ KHI NHÌN LUI TUỔI TRẺ-Hồ Đình Nghiêm

tạp bút

logo viết

CÓ KHI NHÌN LUI TUỔI TRẺ

(bạc lòng rớ cất một mẻ bẽ bàng)

HoDinhNghiem

Hồ Đình Nghiêm

        

  

cà phê vĩa hè Hanoi  

 

          Rồi sau cùng, hạn kỳ của trông đợi đã điểm, mỗi đứa nắm được trong tay tờ quyết định riêng cho từng số phần. Cuối đường là ngã rẽ hay bức tường án lối? Bạn đi và bạn không có quyền nhìn ra viễn ảnh. Đời sống luôn làm công việc của nó: Xô đẩy con người. Lạnh lùng, nghiêm khắc, chẳng khoan nhượng. Tác động của thứ quy luật kia gây phản ứng: Bạn thi hành, bạn lần khân, hay bạn tránh né? Miếng cơm, manh áo là vật chất. Quan trọng không kém, khi có việc làm, đầu óc bạn nguôi ngoai thứ mặc cảm bị bó tay, nó vỗ về bạn: mình chẳng hề là đứa ăn bám. Hãy ưỡn ngực ra, đi tới.

Mình nắm trong tay tờ quyết định, bổ đi làm cán bộ Thông tin Văn hóa ngoài Đông Hà, Quảng Trị. Lương 52 đồng một tháng. Đứa nào lên vùng cao nguyên thì được cọng thêm 4 đồng, không chú thích lý do. Một vài đứa đạp xe ra ngồi cà phê vỉa hè gọi là sum vầy lần cuối. Nắng rát lưng, mặt đăm chiêu, hồ hởi phấn khởi là thứ phương ngữ đầy hoang tưởng. Hãy trao cho chúng tôi sự hoang mang để chúng tôi tự tìm cách chống đỡ. Cà phê rất tệ, thực chất nó không đủ “tư cách” để khoác thân chữ có nguồn gốc từ phương Tây. Một thứ nước giải khát đã bị giải phóng ra khỏi tay bọn địa chủ để dân bần cố nông phát huy sáng tạo với thành phần buồn vui khi pha chế: xác vỏ cau khô, chút bột ngọt, ít giọt nước mắm, quế, va-ni. Vân vân và vân vân. Thuốc lá cũng rứa. Sau khi ngâm tẩm hương liệu, trước khi xắc vụn, ủ những chiếc lá to không rõ nguồn cơn vào cái thùng phuy, thảy vào quả lựu đạn khói, dĩ nhiên là màu vàng, đậy nắp lại, hôm sau sẽ gia công làm nên thuốc thơm sợi vàng. Ngon thì cho nó cái cán, qua quýt thì cứ lấy giấy quyến ra mà vấn. Rõ là thuốc có người lái. Nói đồng hồ không người lái là cả một sự xuyên tạc lộ liễu. Phải có sức người sỏi đá mới thành cơm được. Tin không?

Đông Hà Quảng Trị thì mình chẳng lạ gì nhưng hoang mang là thứ tâm lý quen thuộc đang hiện diện. Tựa như hoang là áo mang là quần, và bạn ạ, ra đường bạn không thể đưa mình trần như nhộng được. Khi học năm cuối, mình vẫn hay bị ông giáo viên chính trị gọi lên để lột truồng thân phận. Lý lịch anh rất xấu, gia đình toàn cả thành phần liên hệ sâu đậm với bọn Mỹ Ngụy. Anh phải thấy rõ điều này, do đâu mà anh còn được ngồi yên trên ghế nhà trường, ấy là sự ưu việt của cách mạng. Anh sẽ là con người mới, hãy đấu tranh bản thân và phải biết mang ơn sự khoan hồng của chế độ. Nói sùi bọt mép, cằm bạnh ra, mặt vàng màu nghệ có khi xanh tái. Ông dội sự căm giận một cách hào phóng và mình, cách hứng đỡ duy nhất là ngồi mường tượng ra những chuyện tiếu lâm. Chuyện anh bộ đội thương bạn mình, đã mua sẵn cây cà-rem để dành chiêu đãi, khi bạn tới, mừng vui trao quà: dơ que! Mẹ nó, lếu láo thật, mới sờ sờ ra đấy. Toàn cả bọn lừa phỉnh. Chuyện một du khách bị xe cán phải nhập viện. Khi lai tỉnh, bác sĩ tận tâm giải thích: Bác lạc hậu quá. Đèn xanh thì bác phải đứng lại, hẵn đợi đèn đỏ cái đã. Đỏ là màu cách mạng, là sự đạp đổ, là một xung phong, không phóng tới trước thì xe cán cũng đúng thôi, ca cẩm nỗi gì?

Mặt mình xanh, thường trực. Xanh vì sợ hãi, xanh vì thiếu ăn. Món ăn dễ nuốt nhất vào thời điểm nọ là bánh canh. Dễ nuốt và dễ nấu. Kiếm đâu ra vài thanh củi, kê ba cục gạch, lấy cái nón đồng (lại Mỹ Ngụy!) đặt lên, múc nước giếng đổ vào, chút muối chút mì chính, đợi sôi hẵn nhón tay bốc từng nhúm bột mì thả vào, khuấy đều tay, hồi nào thấy nước sền sệt hoặc khi nào que củi cháy rụi bề dài thì xơi được. Ngó sơ sịa vậy đó chứ đôi khi sơn hào hải vị cũng phải chào thua. Chuyện đi ẻ mới căng, vì khan hiếm giấy, nhưng… đến hẹn lại lên thì… cho mình thông qua, không kể chuyện trần tục, mất sướng.

Mình láo liên đạp xe đi trong vẻ mặt xuống cấp của thành phố. Người ta đang thay nhau tìm đường vượt biên, người ta thay nhau bị sa lưới vì đổ bể. Người ta tố cáo nhau để giữ vững nồi cơm hộ khẩu. Người ta xuôi Nam để mong cầu có được khoảng không khí, dù nhỏ, để tự hít thở lấy. Thất tán là chữ đúng đắn nhất để dùng mô tả thảm trạng, đi kèm với lạc hồn. Trong lúc này, cụm chữ bình dân “kêu Trời không thấu” thì rất đắt, quá hay, thấm thía. Vì nó bao phủ, trấn áp tất cả những từ mà con người bất hạnh muốn kêu gào, bởi nó nhận ra thực thể, sự hoài công. Hãy cắn răng, hãy mơ đến những thứ siêu hình. Bạn thấy không, những người cộng sản vô thần, hơn ai cả bọn họ luôn mong mỏi được thần linh Chúa Phật độ trì cho chóng phất sự nghiệp. Chiếm nhà này đoạt nhà khác. Xua đuổi người ta đi vùng kinh tế mới. Trấn lột từ cái tủ sách cho đến một mảnh vườn còi cọc quả. Họ tin những hoang đường, những báo mộng, để lần mối tìm thấy tử thi kẻ quen thuộc lỡ chết trong chiến tranh. Họ phán, trí thức không bằng một cục phân. Họ có lý do, vì họ vinh hiển ngày hôm nay không do con đường học vấn mang lại. Lá bùa họ trang bị là máu lạnh và sự thiếu thốn đạo đức của sinh vật hai chân mang tên loài người.

Sáng tối cùng những vòng quay, đạp xe từ tả sang hữu ngạn, từ An Cựu lên Kim Long. Từ nhà ga xuôi đổ Vỹ Dạ. Đi như đứa không có chốn dung thân, trôi như một hồn ma chẳng am miếu lưu trú. Mình còn đôi ba hôm để dứt khoát có Bắc tiến không? Mình nhẫm gọi thầm: Đông Hà. Nửa lạ nửa quen. Siêng đi cũng có thể đang nuôi vốn, lỡ mai sau biền biệt còn thu cất ít nhiều ảnh hình cố đô, dẫu sầu muộn. Đang thơ thẩn thì có người phát hiện, một người bạn của ông anh. Anh cầm súng cho Ngụy nên vào rừng học tập, tù vô thời hạn. Bạn ông anh là giáo viên nên còn thong dong thành phố, nhưng là phố không đèn. Chẳng được lưu nhiệm, dứt khoát không cho đứng trên bục giảng. Nhỡ mày nói điều không phải thì học trò chúng nó nghĩ sao? Cẩn tắc vô ưu. Bọn tao dùng người như dụng binh, phải lập ra một đội ngũ áo quần giống nhau ăn uống giống nhau suy nghĩ giống nhau hành sử giống nhau nói năng giống nhau. Mày đừng ví von giống con vẹt con nhồng con cắc kè là chết với ông đấy, cải tạo mút mùa lệ thủy chớ giỡn chơi chi nơi!

Đường Lê Lợi lộng gió, những tấm băng-rôn đỏ kẻ khẩu hiệu giăng mắc cửi bay phập phồng những con chữ nói tới một cái gì nghe mơ hồ quá sức. Kéo nhau vào đứng khoảng đất trống trước trường Đồng Khánh đã bị thay tên. Ôn mệ ơi, nhắc tới Huế thì trí óc buộc phải nhớ đến những o con gái đẹp người đẹp nết thướt tha vào ra ngôi trường nớ. Mai sau xướng tên trường Trưng Trắc, trường Hai Bà Trưng thì người nghe mặt nghệch như ngỗng ỉa. Sao không giỏi thì đổi luôn cả cái tên Huế cho khỏe trí? Đồng Khánh, tên lạ, khó đụng hàng, nghe dễ thương, nghe hoài nhớ, dù trước đây bọn nam sinh ngẳng nghịch cợt đùa: Đồng Khánh gánh cứt trâu!

Anh ấy hỏi, mình thành thật: Tạm thời thất nghiệp. Anh nói có tính kế chi chưa? Mình vọt miệng. Vượt biên à? Tiền bạc mô có mấy hột mà nói chuyện đại sự nờ! Anh ấy cười. Mi thày lay, ai đá động chi tới chuyện trời ơi đất hỡi nớ. Rứa áp-phe của anh ra răng, nói nghe chơi. Anh ấy mời thuốc. Thực sự thì mình đãng trí chưa kịp nhớ ra tên anh. Hai anh em cứ ngồi yên trên xe mà ho sặc máu vì thuốc lập lòe khi đỏ khi bùng cháy khi tắt ngúm. Mất sướng, cực chẳng đã! Rứa chừ tau hỏi thiệt, mi ưa hùn vốn tụi mình mở quán bán cà phê không? Ngó điệu bộ thành thật của đương sự, mình mơ màng. Một thằng hầu hạ pha chế cà phê “cơm dâng nước rót” cho khách e không cực thân bằng một ông nội cán bộ thông tin văn hóa ôn hoàn dịch vật. Hắn sẽ vác xác đi vẽ tranh cổ động dựng bên góc chợ, hắn sẽ viết khẩu hiệu dài thậm thượt ca ngợi cuộc chiến tranh thần thánh mang đến thắng lợi vĩ đại. Hắn sẽ lải nhải truyền bá đạo đức con người mới xã hội chủ nghĩa, mình vì mọi người mọi người vì mình. Hắn sẽ oang oang trong ba mặt trận, mặt trận văn hóa tư tưởng là quan trọng nhất. Và sau rốt, hắn sẽ cạp đất mà ăn vì lương 52 đồng một tháng, bèo hơn cả bèo nuôi cá.

Huế16

Nhất trí. Mình dùng ngôn ngữ mới để tỏ bày sự đồng ý. Khẩn trương thật, bởi nghe đề xuất có hơi bị đột xuất. Từ ngữ mới nghe choáng, lậm tới nó có bị xem là chảnh không? Địa điểm ngon lành, anh ấy nói, nằm trên đường Trần Thúc Nhẫn. Tao có hội ý với chị Bích Đào, mà ngay cả anh Uyên, chồng chị cũng cho phép mượn cái phòng khách để bày bàn ghế. Mi biết cô Bích Đào? Không, ai rứa? Già trẻ, đẹp xấu? Anh ấy ngó qua ngôi trường vôi hồng. Cô Bích Đào từng là hiệu trưởng trường Đồng Khánh. Để coi, hẹn mi ngày mai, uống cà phê xong tao dắt mi tới dòm mặt cái quán tương lai, họp sơ bộ với bà Bích Đào để sắp đặt công việc, bàn sâu chi tiết.

Vậy là mình nhảy vô liên doanh hành nghề bán nước (nghe phản động), bán nước ngọt, trà đá chanh đường cà phê thuốc lá. Cô Bích Đào thấp người, tóc cắt ngắn, mặt tròn, khi nói hay cười, có duyên, dễ thương (không khó khăn như cô Tiểu Bích hiệu trưởng trường nữ Thành nội thời trước). Chồng là anh Uyên, cũng giáo sư, dáng cao, đạo mạo nhưng không nghiêm nghị, anh cũng biết đùa theo những ước mơ của bọn người chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Vợ chồng anh chị có được hai con, cháu đầu con trai cháu sau là gái, và họ hy sinh co cụm lại, sinh hoạt trong cái phòng ngủ chẳng mấy lớn. Thằng cu Bi siêng học (sách vở ích gì cho buổi ấy!), mình ái ngại vặn nhỏ âm thanh cái máy hát mỗi khi tới quán. Mình vừa đóng tiền hùn vốn, vừa lo pha chế, phục vụ viên trong quán. Cô cựu hiệu trưởng ngôi trường tiếng tăm mặc dù đang còn đứng trên bục giảng, thì khi về nhà lại lo đun nước, rửa ly tách, đi chợ mua đường sữa nước đá linh tinh các thứ. Anh ấy cũng vậy, lu bu mỗi người một công việc. Ngó cả ba loay hoay bày hàng, mình đùa, có khác chi mấy đứa trẻ con đang chơi trò đi chợ nấu ăn, bức lá ngoài vườn thế thịt thà rau quả và xé giấy vở làm ngân phiếu tiền bạc để bán mua.

Biết mình vừa tốt nghiệp Mỹ thuật, ai nấy đổ xuống vai mình trách nhiệm thiết kế nội thất, trang trí trình bày sao cho hợp nhãn. Mình xắn tay, thay cái này đổi cái nọ. Chỗ này nhiều nguồn sáng cần án che, chỗ kia cần thắp đỏ một ngọn đèn. Không ngày nào ngồi yên, đồ vật xoành xoạch bị lôi kéo. Vẫn thấy thiếu một thứ gì, trống vắng. Và chợt ngộ ra.

buu chi

Mình quen họa sĩ Bửu Chỉ, lúc đó anh vừa cưới vợ xong. Anh có vẽ tặng một tấm chân dung bằng bút sắt, xuất thần. Mình rất thích cái ngông của Bửu Chỉ, dáng dấp nghệ sĩ dù trước đây anh học Luật khoa. Người không mấy cao, luôn đội nón béret, phủ chụp những lọn tóc quăn. Quần jeans xanh, chemis đen. Gương mặt có khi thoạt trông như Che, có lẽ một phần vì tóc và chiếc nón nỉ kia. Đôi lúc thoáng nhập nhòa hình ảnh của số 10 thủ quân tuyển Argentine: Maradona. Tóm gọn, có điều gì vướng vào anh tạo nét quyến rũ riêng biệt, khó trùng lẫn nơi người họa sĩ trú thân Vỹ Dạ. Anh nói to tiếng, lấn át đám đông và thường thuyết phục người nghe bằng những chứng cớ chẳng sai trật. Mấy năm trường Luật như để lại chút dấu tích, nhưng tự thẳm sâu, trái tim một nghệ sĩ vẫn không ngớt vùng vẫy, hiện hình. Anh dễ thương hơn mình tưởng. Anh chia sẻ những kinh nghiệm về cuộc đời cũng như riêng lãnh vực sáng tạo. Dư luận vỡ ra scandal “kinh khủng” giữa anh và nhà thơ Lâm thị Mỹ Dạ nhưng anh vẫn trầm lắng sáng chiều đạp xe qua về cầu Tràng Tiền “tội lắm em ơi”. Như thể đã là nghệ sĩ bạn phải đi giữa lối đoạn trường. Không là ngụy biện. Nó đã xảy đến và trước sau mình vẫn quý anh, nể anh hơn. Anh vui lòng cho mình mượn hai tấm tranh sơn dầu khổ lớn để treo vào quán cà phê không tên, chỉ một điều kiện, hãy ngó ngàng tới nó, đừng cho một đứa mang tật ngứa tay sờ soạn vào bề mặt. Anh thường ghé quán thăm mình, ngồi chỗ đặc biệt, ngó say sưa hai đứa con tinh thần nín thở trên vách. Chữ ký Bửu Chỉ bên dưới, vào thời điểm chưa có điều kiện như sau này, đã có kẻ gọi đùa: Hết Chỉ rồi, giờ đây phải bảo là Lượng mới đúng.

Hôm mang tranh tới, mình xuống tận nhà chở anh. Mùa hạ sông Hương hao hụt nước, qua Đập Đá có nơi để lộ bùn lầy cạn kiệt với rêu xanh. Hai tấm tranh gập làm một, đâu mặt nhau, ràng buộc bằng những sợi ny-lông xanh đỏ. Anh thích chính tay bế lấy và chính nó đã là vật cản gió làm vất vả hai kẻ đưa đầu trần đi thồ một tài sản nặng nề qua con đường dài ba bốn cây số. Nhọc cho anh quá, phải nặng lòng cho nhau mới cư xử đối đãi kiểu đó. Sự cảm động làm mình yếu đuối, mặt khác nó xúi dục mình phải cố sức đạp xe đi trong an toàn, không được sơ ý cọ quẹt.

Mình quen biết hầu hết những họa sĩ đã thành danh hay còn ẩn thân trong bóng tối của Huế nhiều tài năng, nhưng chẳng hiểu sao khi treo tranh của anh Bửu Chỉ lên vách, mình thôi nghĩ tới những tên tuổi khác. Một phần, nó đã có được riêng cho nó một “khí hậu”. Phần khác, không chắc ai cũng mang tâm hào sảng như Bửu Chỉ. Nhắc tới anh, mình có nhiều kỷ niệm, mà đáng nhớ nhất một sáng giông bão đầy trời. Áo mưa sùm sụp, dựng vội vã chiếc xe đạp bên hiên nhà và anh nói: Moa mang tới cho toa cái mà hôm trước moa có hứa. Mưa lấn chỗ mình đứng, khô ướt thất thường nhưng toàn thân Bửu Chỉ như tượng hình con cháu của Thủy tinh, nghe ngói dù có áo đi mưa. Nước ràn rụa đổ. Anh mò tay trong túi xách nhà binh, thứ dùng đựng mặt nạ chống hơi độc của lính Mỹ trước đây, có bán ở chợ trời. Những ngón móp méo vì bị ngấm nước lâu mang ra được miếng thạch cao kích cỡ nhỏ bằng nửa cuốn vở học trò. Moa tự khắc lấy để tự in những tấm thiệp cưới. Mình ngó hình hai con chim bồ câu dang rộng cánh, quấn quýt nhau để cách điệu nên hình một trái tim nằm giữa. Đường nét giản lược nhưng nghệ thuật vốn sinh ra từ những cái cô đọng, đơn sơ, thanh đạm kia. Toa cất giữ đi, mai sau có mà dùng. Và mình đã dùng, tái sử dụng cái thông điệp loan tin về nỗi hạnh phúc lứa đôi. Hai con chim xoắn lại bởi cuộc đời ngoài kia luôn bủa lưới bằng tất cả những bất hạnh chẳng thể cưỡng chống.

Quán đóng cửa sau hai tháng cầm cự với thua lỗ, với cách làm khó của công an, với vạn điều không hiểu được. Khi kinh doanh dù với thứ nghề mọn, chẳng ai trên trái đất này mang sự hồn nhiên làm vốn. Thất bại là mẹ thành công, phương châm kia vốn dành cho đứa đã đưa đám ma hồn nhiên từ khuya, chí ít đó là những đứa sống chai lì với mọi cảm xúc.

Mình xuôi tay, hai bàn tay thực sự trắng, thực sự nắm bắt hư không. Vốc một nắm cát thì khác, cát tuôn rơi qua kẽ tay nhưng dấu tích còn lưu lại ít nhiều qua đầy vơi chẳng như ý. Thâm thủng, cạn vốn, nợ nần. Những người có tâm hào sảng ngó mình cười khan trong cổ: Tướng tá như mày mà bày đặt bán buôn, chết tới bị thương là điều dễ hiểu thôi em ạ!

Không ưa làm cán bộ công nhân viên nhà nước. Ưa mưu sinh đếm bạc lẻ cũng chẳng xong. Đa mưu lắm kế như Khổng Minh e rồi có lúc phải bó tay. Mỗi người có riêng cho họ một cảnh sống, một hoàn cảnh, một thời đại. Và thời đại này… Mình manh nha một cuộc trốn chạy, đánh hết rác ván bài cuối. Đò qua Bao Vinh, xuôi chèo mát mái gần tới cửa biển, chờ hoài không ngó ra “taxi” để rồi bể ổ. Cả bọn bị trói xâu dài dắt thất thểu mộng du giữa rạng sáng một Huế lạ mặt. Cách ly đàn ông đàn bà riêng biệt khi tới đồn công an, viết bảng kiểm điểm tự khai để nhận án: Phản bội Tổ quốc.

Ở sau chấn song thì cuồng chân, con nít lên ba cũng tường mười mươi chuyện nọ, huống chi những kẻ làm nhiệm vụ chăn dắt dân. Họ dẫn bọn người thất cơ lỡ vận qua sân vận động mỗi chiều Chủ nhật lúc 6 giờ. Trận bóng đá đã kết thúc, đã tan hàng và để lại không biết cơ man những rác rưới. Đội hình dàn trải ra, không vai vế hậu vệ trung phong tiền vệ gì sất, cứ làm thủ môn khom lưng đi nhặt đồ phế thải, tổng vệ sinh. Mỗi đứa được phát cho cái túi ny-lông để chứa đựng thành quả. Công sức lao động của bạn được nhìn nhận chí công vô tư qua trọng lượng nặng nhẹ mà cái túi ấy chứa đựng được. Thuốc lá cháy cụt, lá chuối gói bánh, giấy vụn… thượng vàng hạ cám đều không bỏ sót.

Hoàng hôn đổ ập xuống vòng chảo sân vận động tối lửa tắt đèn. Bên kia hàng rào kiên cố là quán “cơm Âm phủ” chộn rộn gửi sang mùi thịt nướng khói loãng trong gió hít hà. Chân mây tím mọc thầm kín đôi ba vì sao nhạt nhòa. Trăng ngày ấy thắp sáng nỗi lẻ loi. Bỉ cực.

Mình “tạm trú” trong lao được mười ngày. Thời gian đủ dài để mẹ mình chạy đúng đầu mối mà gỡ rối cứu chuộc đứa con bạc phước. Cái đứa ác đức bất nhơn nào đó đã khoắn bà cụ một lượng vàng Kim Thành, moi từ khư khư ruột tượng này sang đút túi quần khác, nhẹ nhành như phủi bụi bám, êm ả như cơn gió thoảng đêm hè.

Mình gọi xe thồ khi ra khỏi cổng với ngất ngưỡng những vòng thép gai phô trương “thương hiệu”. Mình không về nhà vội, mình đọc lên một tên gọi của cái quán vắng nằm dựa thân bên dòng sông An Cựu nắng đục mưa trong. Sông cũng như người, biết buồn vui với khí hậu. Tình cảm tỏ bày thường thầm lặng và trong muôn một, có những điều xúc động chẳng thể đạt hiệu quả khi bạn lớn tiếng phân trần.

Huế17

Mình có lớn tiếng không? Xin thưa, hồi tưởng này chỉ là một hơi thở nhẹ gần trùng với một buồng phổi thiếu dưỡng khí. Bạn có từng qua cầu và nhịp cầu gián đoạn sụp gãy? Mình đã băng qua thời tuổi trẻ bằng những bước đi lần khân vướng mắc hoang mang chẳng định hình. Mình ganh tị cho những ai thường ưỡn ngực: Trong tháng ngày, tuổi trẻ là mốc thời gian đẹp đẽ nhất của một đời người.

Sự đớn đau thì muôn kiếp sẽ không bao giờ được thăng hoa. Vết thương chẳng bao giờ thành sẹo! Tuổi trẻ mình là bài tình ca khan giọng hát trên trùng dương phủ sóng bạc đầu.

Hồ Đình Nghiêm

 

Để lại lời nhắn

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.