CÁI BÌNH SỨT VÀ CON BÒ
MƯỜNG MÁN
Buổi sáng, bày đồ lề ra vỉa hè dưới tán còng quanh năm râm bóng quen thuộc, tôi vừa vá xong cái ruột xe Cub mở hàng thì họa sĩ Nguyên lững thững thả bộ tới dũa luôn một lèo. Rằng, chờ mãi không thấy mang tranh tới, tham gia có mỗi bức sơn dầu cũng bày đặt câu giờ, rằng không biết bao nhiêu lần ông khuyên tôi nên chí thú với nghề họa chuyên nghiệp mà tôi cóc nghe, cam tâm để nợ áo cơm vùi dập tài hoa, không xứng là con của người cha quá cố, vốn là một danh họa từng vang bóng một thời vân vân và vân vân. Tôi cười xuề xòa, hạ bớt cơn hứng “lên lớp” của ông bạn già bằng cách kêu hai ly cà phê đá ở quán nước kế bên, trải báo ra vỉa hè mời ông ngồi. Nhấp ngụm cà phê, thong thả đốt thuốc nhả khói, ông dịu giọng: – Hiếm người có nét cọ đi vào lòng người như mày, đừng có hoài phí khả năng trời cho, đừng quên con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Thao à, mày còn nhớ bức tĩnh vật ở kỳ triển lãm năm ngoái chứ?
Ở những thành phố lớn như Sài gòn, Hà nội, các phòng tranh luôn được khách thưởng ngoạn trong và ngoài nước chiếu cố, tác phẩm mỹ thuật được mua để bán hoặc sưu tập làm của riêng chẳng đắt như tôm tươi thì cũng không đến nỗi ế. Ở tỉnh, họa hoằn lắm mới có một cuộc triển lãm, người mua tranh hiếm còn hơn lá mùa thu. Thừa biết vậy, những cây cọ chuyên nghiệp và nghiệp dư yêu nghề của thành phố C mỗi năm cũng cố gắng họp mặt một lần, trưng bày tranh ở Hội văn nghệ. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, đúng thôi!. Trước đây tôi rất mê thích hội họa, được cha dạy cho ít kỹ thuật cầm cọ, gia đình họ mạc ai cũng yên chí tôi sẽ nối nghiệp ông, nhưng bây giờ thực tế cơm áo hằng ngày lại dạy tôi nghề sửa xe dẫu hèn mọn vẫn cụ thể hơn nghệ thuật nên đâm ra lười vẽ, năm ngoái chỉ đem đến phòng tranh mỗi bức tĩnh vật vẽ bằng bột màu.
Sau lễ cắt băng khai mạc, một viên chức ngành văn hóa đứng ngắm mãi bức tranh của tôi, rồi đòi gặp tác giả. – Tôi rất thích bức này. Cậu…
Có bán không ư? Giá đã để ràng ràng đó, ông cứ việc rinh đi! Tôi khấp khởi mừng thầm, nghĩ tiếp câu nói bỏ lửng của ông, để rồi thất vọng khi nghe ông xởi lởi nói tiếp: – Cậu tặng mình làm kỷ niệm nhé! Phòng khách nhà mình còn một chỗ trống rất… trang trọng.
.
Vậy đó, tranh ở xứ này dùng làm quà tặng cho người có chức có quyền đã là một vinh hạnh lớn. Vẻ người phởn phơ và nụ cười thân mật đượm màu hạ cố khiến tôi lắc đầu nói dối cách ngon ơ: – Rất tiếc, bức này có người đặt cọc trước rồi, nếu thích tôi sẽ vẽ cho ông một phiên bản khác.
Trợn trừng như thể tôi bất thần biến thành vật thể lạ vừa từ hành tinh khác tới, trước khi quay ngoắt ra cửa, ông ta buông gọn: – Cóc thèm!
Ba hôm sau, họa sĩ Nguyên đến kiếm tôi, nói thật nhưng tôi cứ ngỡ ông đùa: – Lạ lắm, lạ lắm, có một thằng nhỏ bán vé số dạo ngày nào cũng ghé phòng tranh, lần nào cũng đứng mê mải trước bức tĩnh vật của mày và khóc. Hỏi tại sao khóc nó không chịu nói. Không tin hả? Mày tới gặp nó coi.
Quả là lạ thật. Tôi gom gọn đồ lề nhờ chị bán thuốc lá trông chừng giùm, theo ông đến phòng triển lãm. – Này cháu, anh này là tác giả của “cái bình sứt vòi” đây – Ông Nguyên vừa vỗ khẽ vai nó vừa dỗ dành: – Nói đi, tại sao cháu khóc?
Cậu bé chừng mười một mười hai tuổi, chân đất, quần áo tuềnh toàng quay ngó tôi, đôi mắt dù nhòa lệ vẫn ánh lên thoáng ngưỡng mộ chân thật đến nao lòng. Dỗ mãi, sau cùng nó mới chịu nói. Rằng cái bình trà sứt vòi y như thật trong tranh tôi giống hệt cái nhà nó từng có. Phải chi hôm ấy nó đừng lỡ tay làm vỡ cái vòi, mẹ nó đã không mắng, rồi không hấp tấp ra chợ mua cái khác bởi sợ lúc đi làm về, người cha tính nóng như Trương Phi sẽ cho nó một trận đòn ra trò. Mẹ ra chợ rồi không về nữa, bà bị xe đụng, tắt thở ngay trên mặt lộ. Cái bình sứt sau đó cha nó đã bán cho mấy bà ve chai. Giờ nó thích bức tranh, xin được mua theo lối trả góp. Nghe xong cả tôi lẫn ông Nguyên cùng ứa nước mắt. Nó cảm ơn rối rít khi nghe tôi bảo sẽ tặng, không bán. Ngày bế mạc triển lãm, tôi mang tranh theo nó về tận nhà gặp người cha – Một công nhân của công ty vệ sinh – ông ta hết sức cảm động dù rất áy náy, không thể nào hiểu nổi ý muốn kỳ quặc của cậu con trai. – Lần này cũng tĩnh vật à? – Thấy tôi trầm ngâm mãi, ông Nguyên sốt ruột, dấm dẳng nói. Tôi lắc đầu: – Không, động vật. Một con bò.
***
Con bò cái tơ vâm váp đứng trơ trọi trên triền đồi cỏ non nghễnh cao cổ chờ bạn. Nắng chiều nhuộm vàng vòng mông, mảnh lưng mượt mà, óng ả, những cặp vú căng mọng phớt hồng như chực ứa sữa, và tiếng gọi bầy kêu bạn từ chiếc mõm măng tơ he hé mơ hồ vang mãi giữa khoảng không bao la, vời vợi. Đẹp tuyệt! Có người đã buột thốt như thế ngay khi nó dược treo lên vách phòng trưng bày tranh. Nhưng theo kiểu nói của ông Nguyên, liệu nó có “đi vào lòng người” như cái bình sứt vòi năm ngoái không thì e còn lâu. Một con bò tầm thường dù vẽ khá hiện thực cũng khó gợi ở người xem chút thi vị hay đồng cảm nào. Tôi yên chí như vậy cho đến ngày bế mạc phòng tranh, một bất ngờ lại đến, nó đã được bán trước giờ đóng cửa chừng mười lăm phút. Người mua là một bà phốp pháp, có vẻ nửa tỉnh nửa quê, nhưng gương mặt nom khá phúc hậu.
– Qua thích bức tranh của em vì đây là con bò thiệt, vừa nhìn nó, yêu thích nó em vừa vẽ mới giống y ran và có thần như vầy, hơn xa loại bò trong tranh Thái lan. Em vẽ nó ở nơi nào vậy?
– Cháu đã gặp nó hôm về Thủ Đức, miệt Tăng Nhơn Phú thăm một thằng bạn cùng đơn vị hồi còn ở bên Kampuchia. Ký họa rồi mang về lên khung, nhẩn nha tô màu cả nửa năm mới tạm bằng lòng.
Đoạn bà vui vẻ tâm sự: thuở thiếu thời nghèo khó, từng đi ở đợ, chăn bò tận ngoài Bình Thuận, giờ tương đối khá giả, mua tranh treo, thỉnh thoảng ngắm nó để nhớ thời hàn vi của mình, người ta thường muốn quên đi cái nghèo, riêng bà thì không. Trao đủ năm trăm ngàn, nhận tranh xong, bà nở nụ cười phúc hậu, vỗ vai tôi:
– Nếu không phiền lòng, mời em đến chỗ qua chơi cho biết, tiện thể chọn giùm nơi treo thế nào trông cho đẹp.
Với món tiền bất ngờ nặng túi, dĩ nhiên tôi đâu dám phiền lòng. Điều làm tôi hơi hẫng là thay vì đến một nơi nhà cao cửa rộng như tôi thầm tưởng, bà lại đưa khách xuống một chiếc ghe bầu cỡ lớn đang neo ngoài bến chợ.
– Ngạc nhiên hả? Qua quen sống trên sông nước lâu rồi. Ngoài chiếc này để ở còn bốn chiếc nữa đang bốc hàng hóa.
Dưới vòm mái, từ bàn ghế tủ giường đến cassette, tivi… ngăn nắp tinh tươm, cái nào cũng thuộc loại đắt tiền. Thú vị hơn, trên tấm vách ngăn buồng ngoài và buồng trong treo một bức tranh truyền thần, vẽ chân dung thiếu nữ bằng màu nước lộng khuôn kính. Màu sắc, đường nét thoạt trông khá quen thuộc hút ngay tôi về phía nó, để rồi vụt sững sờ khi đọc thấy tên tác giả không ai khác hơn là cha tôi ký cuối góc tranh. Như thể chờ giờ phút này từ lâu, bà bật cười thành tiếng:
– Hôm trước ngang qua phòng tranh chỉ tình cờ ghé để trú mưa, qua bắt gặp “con bò” của em, thấy tên tác giả mang họ Đào Hòa cứ ngờ ngợ nên mới ghé lại. Có đúng…
– Dạ đúng, cháu là con của người đã vẽ bức truyền thần này, họa sĩ Đào Hòa Phụng. Bác cũng quen biết ba cháu sao?
Cơ hồ không nghe thấy giọng nói đầy ứ cảm xúc của tôi, bà lên tiếng gọi con gái mang nước ra mời khách. Sau tiếng “dạ” khẽ khàng, một cô gái mảnh mai từ khoang sau bước ra với khay trà trên tay, gương mặt và cả vẻ người hao hao giống người trong tranh. Khẽ gật đầu chào khách, đặt khay lên bàn xong, cô dợm rút lui, bà bảo cô ngồi xuống ghế, giới thiệu:
– Đây là anh họa sĩ hổm rày má muốn gặp, đã nói với con!
Dịu dàng ngắm tôi vài giây đoạn cô e thẹn lảng mắt ra cửa sổ, đưa ngón trỏ lên miệng nhâm nhi. Bà quay sang tôi, hắng giọng:
– Ba em và qua trước đây hơn cả quen biết. À mà… chuyện xưa rồi, chừng nào qua trăm tuổi về âm phủ gặp nhau họa may mới xóa nổi tội của ổng.
– Tội gì ạ? – Tôi lửng bửng.
– Tội… bạc tình!
À ra thế. Thuở sinh thời – nói e phải tội – cha tôi vốn rất nghiêm túc, thậm chí nghiêm khắc trong nghề nghiệp, nhưng ông lại sống theo lối người ta thường gọi là nghệ sĩ phóng đãng. Gia đình chỉ như quán trọ, mỗi năm có khi ông ở nhà chừng vài tháng, còn thì phiêu bồng theo gió trăng đâu đó. Tiền bạc trang trải cho cuộc sống mấy mẹ con thường gửi qua bưu điện hoặc qua tay người quen, bạn bè. Sống vậy ông được tình rồi bỏ rơi tình với bao phụ nữ dọc đường họa là chỉ có trời mới biết. Tôi lắc đầu ái ngại, cắn chặt môi làm thinh. Bà mỉm cười, nụ cười hẳn là chưa bao giờ ngậm ngùi đến thế:
– Chắc cháu dư biết, ổng thuộc loại giang hồ tứ chiếng, nghệ sĩ nổi tiếng, gặp cô y như tạm ghé cái quán bên đường. Nhưng mà… nhưng mà cô làm sao quên được ổng khi ổng để lại cho cô cái kỷ niệm bằng xương bằng thịt kia? – Rời mắt khỏi cô con gái cơ hồ hóa thành tượng trên ghế, bà khẽ hất cằm về phía bức tranh:
– Chân dung của cô đó, thời mới gặp ổng coi được quá chớ, đâu có xấu xí như lúc này.
Hai tiếng cô, cháu thay vì qua và em xa lạ được thốt một cách đột ngột với giọng hết sức bình thường tôi lại nghe rất xúc động. Xoắn chặt hai bàn tay đặt trên lòng, nước mắt lặng lẽ ứa lăn trên má, bà chậm rãi nói:
– Nói vậy chớ từ hồi đọc thấy tin ổng mất trên báo, cô cũng đã hết giận ổng rồi. Nào, còn chờ gì nữa, bây nhận anh em với nhau đi chớ!
Tôi và cô gái hình như giật thót cùng lúc. Em gái tôi đây sao? Đứa em cùng cha khác mẹ đây sao? Tin nhiều hơn ngờ, cố xua đi cảm giác ngỡ ngàng, tôi chìa bàn tay về phía em, thoáng ngập ngừng rồi em rụt rè nắm lấy, mỉm cười.
– Dẫu muộn và hơi bất ngờ, cảm ơn Trời Phật đã giúp mình nhận ra nhau là anh em! – Tôi ấp úng nói. Bà khoát tay:
– Không, phải cảm ơn cơn mưa đã xui cô vô phòng triển lãm đứng trú, cảm ơn bức tranh con bò tuyệt đẹp của cháu mới đúng. Thao à, cô đã thăm hỏi chút ít về cháu qua cái cô trực ở phòng tranh. Đi bộ đội về thất nghiệp, giờ cháu kiếm sống bằng nghề sửa xe vỉa hè phải không? Bỏ cái nghề đó đi, từ nay cô sẽ tài trợ cho cháu nối nghiệp ổng. Đừng cãi, cô đã suy nghĩ về ý định này kỹ lắm rồi. Ổng bạc tình thiệt, nhưng ổng tài hoa. Cháu nhớ nối cái nghiệp tài hoa chớ đừng bắt chước cái thói trăng hoa của ổng.
Tôi cúi nhìn hai bàn tay, dù đã kỳ cọ cẩn thận vẫn còn vết dầu mỡ lờ mờ đọng ở những kẽ móng rồi ngẩng lên, bắt gặp mình nhìn đau đáu đôi mắt người thiếu nữ trong tranh. Không, đó là đôi mắt cha tôi đang từ cõi xa xôi nào nhìn về nửa nghiêm trang nửa cười cợt. Ánh mắt thầm bảo: Chỉ có một ít tài hoa cha truyền cho con qua máu, còn cây cọ đôi khi nặng gấp ngàn lần những cờ lê, mỏ lết lâu nay con vẫn cầm. “Cái bình sứt” và “Con bò” chỉ mới là những tặng vật nhỏ nhoi tỏ tình với nghệ thuật. Ráng lên, nếu con muốn nối nghiệp ta!
